Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

Tiếng trống đồng Mê Linh


Tiếng trống đồng Mê Linh



Bích họa trên đá mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng?


Bích họa trên đá mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng?



GS. Dương Chí Thành cho rằng những bích họa mô tả cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên.

Càng quan sát kỹ, tôi càng có cảm giác ma mị từ những hình vẽ bí ẩn này. Những hình vẽ như thể lặn sâu vào trong đá, hiện ra khi gặp nước, rồi lại chìm vào vĩnh cửu. Tôi xé mẩu giấy trắng, quẹt vào một đường nét nhỏ của một hình vẽ không quan trọng lắm, thì thấy hiện tượng lạ: màu đỏ thôi ra giấy như màu máu. Tuy nhiên, khi nước trên tờ giấy bị gió thổi khô, thì cái màu đỏ như màu máu ấy cũng nhạt dần rồi biến thành màu vàng nhờ nhờ của đá.

Nhiều bích họa ở rất cao trên vách đá. 

Việc quẹt mẩu giấy vào hình vẽ cũng thôi màu ra dễ dàng, vậy mà hình vẽ vẫn tồn tại rõ nét hàng trăm, hàng ngàn năm nay thì thật khó hiểu. Quan sát kỹ trên các bích họa, tôi thấy nhiều chỗ vết đá bị đục đẽo nham nhở, có chỗ bị đục sâu vào 1-2cm. Rõ ràng đó là vết đục chứ không phải vết vỡ tự nhiên. Nhưng điều lạ là các nét vẽ vẫn không mất đi dù bị đục phá. 

Tôi thắc mắc điều này, thì Nguyễn Văn Nhàn, anh chàng lái đò giải thích rằng, ngày còn bé, chính Nhàn và đám bạn chăn trâu thường vào khu vực này bắt dơi, vặt xoài. Biết trên vách đá có những bích họa mà người lớn bảo là của ma quỷ, song Nhàn và đám bạn không sợ, cứ lấy dao, liềm đục phá, lấy đá cuội ghè, tìm cách phá hủy. Thôi thì đủ kiểu phá hoại, chỉ vì tính tò mò và ngứa tay của đám trẻ trâu.

Nhàn cùng đám bạn thời nhỏ thường đục đẽo những bích họa này. 

Nhưng có điều kỳ lạ, là sau khi đục đẽo phá hoại chán chê, thậm chí không nhìn thấy những bích họa nữa, nhưng chỉ một thời gian sau, dội nước lên, lại thấy chúng hiện rõ mồn một, không mờ hơn trước tẹo nào. Phá chán không được thì thôi, sau này lớn lên, có ý thức, thì không ai phá hoại nữa. Trẻ nhỏ bây giờ cũng không biết đến sự tồn tại của các bích họa trong vách núi này, nên nó được bảo tồn khá tốt.

Quan sát kỹ, thì những hình vẽ này được vẽ trực tiếp lên mặt đá tự nhiên, không có dấu hiệu của sự mài dũa, tạo tác lại mặt vách đá, cũng không có dấu hiệu của vết xăm trên đá. Thế nhưng, chất liệu của hình vẽ này lại ngấm rất sâu trong đó, đến nỗi cạo, đục cũng không làm mất được nét vẽ. Tôi trộm nghĩ rằng, có lẽ, đây là bí quyết của người xưa, mà chất liệu vẽ của họ có khả năng ngấm sâu vào trong đá.

Dù bị chặt chém, đục đẽo, song bích họa vẫn không biến mất. 

Một câu hỏi rất thú vị, nhưng không dễ gì có thể trả lời: Ai là truyền nhân của những hình vẽ bí ẩn trên vách núi Cửa Chùa này?

Núi Cửa Chùa cũng như hầu hết các dãy núi khác ở Ninh Bình là núi đá vôi, nên có rất nhiều hang động. Riêng núi Cửa Chùa cũng có vô số hang động rất sâu và thông với nhau. Cách khu vực mái đá có hình vẽ độ 70m có một khá hang sâu. Theo anh chàng lái đò Nguyễn Văn Nhàn, hang đá này có rất nhiều dơi. Thời trẻ, Nhàn thường cùng trẻ con trong xóm vào hang quây lưới bắt dơi. Tuy nhiên, hang này dốc đứng nên không xuống sâu được. Tôi thử ném đá vào trong, nghe rõ tiếng dơi bay u u trong động.

Hình vẽ này có liên quan gì đến người nguyên thủy từng sống trong hang Thúi Thó?

Trong số những hang động ở dãy núi Cửa Chùa, đáng chú ý nhất là hang Thú Thó, nằm ngay chân núi, cách mái đá có bích họa không xa lắm. Tại hang động, các nhà khoa học Ninh Bình đã phát hiện một số mảng trầm tích, cách ngày nay trên 10.000 năm ken dầy vỏ ốc suối, vỏ trai nước ngọt, ốc núi, xương thú... Như vậy, vào thời điểm cách ngày nay trên 10.000 năm đã có người cổ sinh sống và trú ngụ trong hang động này. Phải chăng, đây là những bích họa của người nguyên thủy? Dù sao, đây cũng là một giả thuyết, dù khó có thể tìm được cứ liệu để chứng minh.

Ngược về lịch sử hàng ngàn năm trước, vùng đất Vân Long mang nhiều huyền thoại. Đây là nơi sinh ra 4 nữ tướng của Hai Bà Trưng, thánh Nguyễn Minh Không (Không Lộ thiền sư) và vua Đinh Tiên Hoàng. Như vậy, Vân Long chính là vùng đất sinh vương, sinh thánh.

Hình thức tế lễ cổ, hay mô tả về chiến thắng của vua Đinh? 

Cố GS. Trần Quốc Vượng từng có thời gian về đây nghiên cứu và theo ông đây là vùng đất cổ rất quan trọng, có nhiều truyền thuyết truyền lại trong dân gắn với các di tích lịch sử quan trọng, đặc biệt là thời kỳ Hai Bà Trưng và Đinh Tiên Hoàng, cần phải làm sáng rõ.

GS. Trần Quốc Vượng phát hiện ra một điều lạ là tên làng, tên xã ở vùng đất này có nghĩa như địa danh hành chính quốc gia và chức vụ triều đình. Chẳng hạn như thôn Chi Lễ (là chức vụ tương đương chánh văn phòng), thôn Phù Long (nghĩa là đất triều đình), làng Mai Chung (hội nghị), Tập Ninh (quan võ), Chung Hòa (quan văn)… Rồi các loại cửa ra vào như Cung Quế, Cung Sỏi (cửa triều đình). Vườn thì có Long Viên Vườn, Vườn Thị, Vườn Trầu… Qua đây, có thể thấy, vùng đất này có liên quan đến triều đình thời Đinh Tiên Hoàng xưng vương.

Hay đây là bích họa mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng? 

Nhắc đến vùng đất Vân Long, phải nhắc đến Tứ vị Hồng Nương, 4 nữ tướng thời Hai Bà Trưng. Ngày Hai Bà Trưng dấy binh khởi nghĩa, 4 bà đã rời vùng quê Gia Viễn theo Hai Bà Trưng đi đánh giặc Hán. Ngày chiến thắng, đóng đô ở Phong Châu, do có công lớn đánh giặc, Bà Trưng ban thưởng cho 4 vị nữ tướng. Tuy nhiên, 4 bà không nhận châu báu, mà xin Bà Trưng miễn thuế cho dân chúng nơi 4 bà đi qua trong một ngày. Hai Bà Trưng đã cấp cho 4 nữ tướng quản lý mảnh đất mà 4 bà đi qua từ lúc mặt trời mọc, đến khi mặt trời lặn. Dân vùng đó không phải đóng thuế cho nhà nước vì đã có công sinh thành 4 vị nữ tướng tài ba. 

Sau này, Bà Trưng về thăm Tứ vị Hồng Nương, thấy mảnh đất núi đồi nhấp nhô giữa cánh đồng ngập nước trắng xóa, như thể rồng lượn trên mây, nên đã đặt tên cho vùng đất là Vân Long. Năm 1996, Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Luyên, khi đó là giám đốc Khách sạn Hoa Lư, làm đề tài nghiên cứu về vùng đất ngập nước Gia Viễn để phát triển du lịch. Ông đã tập hợp các cụ già trong vùng để lấy ý kiến và thống nhất đặt tên vùng đất ngập nước rộng 3.500ha này là Vân Long, theo tên Hai Bà Trưng đặt khi xưa. Năm 1998, Khu bảo tồn ngập nước Vân Long được thành lập.

Tìm hiểu trong vùng, tôi nhận thấy rằng, ở vùng Vân Long này, làng nào cũng thờ Tứ vị Hồng Nương. Người dân trong vùng coi 4 bà như vị thánh, là mẹ của dân làng. Tổng số có đến 24 ngôi đền thờ 4 nữ tướng này ở Vân Long.

Bích họa ở Quảng Tây (Trung Quốc). (Ảnh TS. Trình Năng Chung cung cấp) 

Xét rộng và sâu về lịch sử vùng Vân Long một chút, để có sự liên tưởng đến những bích họa trên mái đá dãy núi Cửa Chùa.  
  
Các cụ già trong xóm đặt giả thuyết rằng, phải chăng, những bích họa trên núi có liên quan đến việc vua Đinh Bộ Lĩnh đánh dẹp 12 sứ quân? Hình ảnh người to lớn tay cầm chùy, tay cầm đao là tướng, còn những người nhỏ nhảy múa reo hò, tay cầm vũ khí là quân, ăn mừng chiến thắng?

Trong quá trình tìm hiểu về bích họa trên đá, tôi may mắn có được tập tài liệu đã dịch ra tiếng Việt, do TS. Trình Năng Chung, Trưởng phòng Khoa học (Viện Khảo cổ học Việt Nam) cung cấp. Theo tài liệu này, thì vùng Quảng Tây (giáp Việt Nam) cũng có rất nhiều bích họa trên đá, mà họ gọi là nham họa. Năm 1956, GS. Dương Chí Thành, thuộc Học viện dân tộc Trung ương Trung Quốc, đã công bố tài liệu “Ninh Minh huyện Minh Giang lưỡng ngạn nhai bích cổ họa điều tra” cho rằng, những bích họa ở Quảng Tây mô tả cuộc khởi nghĩa dưới sự lãnh đạo của hai bà Trưng Trắc, Trưng Nhị đầu công nguyên. GS. Thành cho rằng, những bích họa này là di tồn của cuộc khởi nghĩa đó. 

Ảnh trên vách đá ở Quảng Tây mô tả khởi nghĩa Hai Bà Trưng! (Ảnh TS Trình Năng Chung cung cấp). 

Tài liệu “Vu thuật văn hóa đích di tồn - Quảng Tây Tả Giang nham họa phẩu tích” và “Quảng Tây Tả Giang nham họa” của Vương Khắc Vinh, Khâu Trung Luận, Trần Viễn Chương (Trung Quốc) viết: Căn cứ vào sự khác biệt của các hình vẽ trên nham họa biểu hiện ra, cho rằng nội dung mà nham họa phản ảnh là các loại hoạt động lễ nghi vu thuật của người Lạc Việt, như các hoạt động tế ngày, tế trống, lễ sông, lễ quỷ thần, lễ thần ruộng, lễ thần đất, cầu chiến tranh thắng lợi, tế người, tế vật tổ…

Liệu bích họa trên vách núi Cửa Chùa có liên hệ gì với thời kỳ Hai Bà Trưng khởi nghĩa, và có liên hệ với những hình vẽ ở Quảng Tây? Càng nghiên cứu, tìm hiểu, càng thấy nhiều thú vị sau những bích họa ẩn trong vách đá triệu năm tuổi này.

Dấu vết cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trên đất Nam Định


Dấu vết cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng trên đất Nam Định



Dưới ách đô hộ của nhà Đông Hán, nhân dân Âu Lạc càng bị áp bức bóc lột nặng nề hơn. Năm 34, Tô Định thay Tích Quang làm Thái thú Giao Chỉ, nổi tiếng là kẻ tàn bạo, tham lam. Tô Định cùng bọn tay chân ra sức đốc thúc nhân dân nộp cống, thuế. Chúng thẳng tay trừng trị những người có tư tưởng và hành vi chống lại chính quyền. Mâu thuẫn giữa các tầng lớp nhân dân Giao Chỉ với chính quyền đô hộ nói chung và cá nhân Thái thú Tô Định nói riêng ngày càng sâu sắc.
Đầu năm 40, cuộc khởi nghĩa do Hai Bà Trưng lãnh đạo đã bùng nổ ở Hát Môn (cửa sông Hát, huyện Phú Thọ, Hà Tây). Dưới ngọn cờ của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị, nhân dân cả nước đã nổi dậy hưởng ứng.
Hoà cùng phong trào đấu tranh chung của cả nước, nhân dân Nam Định mà tiêu biểu là những người phụ nữ, đã hăng hái tham gia và nhanh chóng đứng dưới cờ nghĩa của Hai Bà chiến đấu chống lại chính quyền đô hộ nhà Hán, góp phần mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Dấu vết của thời kỳ oanh liệt đó còn được lưu lại trong tín ngưỡng dân dân gian và tâm thức nhân dân. Tại Nam Định, hiện còn rất nhiều di tích thờ phụng các nhân vật tham gia khởi nghĩa Hai Bà Trưng.
Tại thôn Giáp Nhất, xã Quang Trung, huyện Vụ Bản có đền thờ Đào Quý Nương. Theo thần tích, bà là một nữ tướng đã đã chiêu binh tụ nghĩa, kéo về Hát Môn cùng Hai Bà Trưng khởi nghĩa chống giặc. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi bước đầu, Đào Quý Nương được phong làm Giám sát nguyên suý, phong hiệu là Công chúa. Khi Mã Viện kéo quân sang đàn áp, nghĩa quân không đủ sức chống lại, bà đã cùng tuẫn tiết theo Hai Bà Trưng.
Để tưởng nhớ công lao của bà, nhân dân thôn Giáp Nhất, xã Quang Trung đã lập đền thờ. Trong đền còn nhiều cổ vật, cổ thư, đáng chú ý là đôi câu đối:
"Hùng xưng nữ giới song Trưng tướng
Linh hiển Nam châu Nhất Giáp thần".
 Tạm dịch:
Tướng của Hai Bà Trưng là một nữ anh hùng
Linh hiển ở nước Nam là thần của Giáp Nhất.
Cũng tại đền Giáp Nhất còn thờ một vị tướng là Hoàng Đức Công. Ông là người làng Giáp Nhất, khi nghe tin Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đã cùng thanh niên trai tráng trong làng hăng hái tham gia, sau đó được thờ tự ở đó.
Ở thôn Vậy, làng Bối La, xã Cộng Hoà (huyện Vụ Bản) có hai chị em bà Đỗ Thị Dung và Đỗ Quang. Do căm thù Tô Định tàn ác đã sát hại cha mình, hai chị em ra sức tập luyện võ nghệ, tích trữ lương thực để phục thù. Được tin Hai Bà Trưng dấy binh ở Hát Môn, hai chị em cùng 300 nghĩa sĩ đã kéo về Hát Môn yết kiến. Thấy Đỗ Quang là người có trí dũng tài ba, Bà Trưng phong làm Đại tướng quân, lĩnh ấn tiên phong, chỉ huy hai đạo quân thuỷ bộ. Còn Đỗ Thị Dung được phong làm Nữ tướng quân. Sau khi cuộc khởi nghĩa thắng lợi, hai chị em được Hai Bà Trưng phong thưởng, Đỗ Quang được phong là Quốc chủ đại vương, được quyền tham dự, tất cả công việc trong nước, không kể lớn nhỏ. Bà Đỗ Thị Dung được phong là Dung nương nữ tướng.
Trong một trận chiến đấu chống lại quân Mã Viện, Đỗ Quang đã anh dũng hy sinh tại chiến trường còn Đỗ Thị Dung sau khi bị thất bại đã tuất tiết tại quê hương. Nhân dân thương tiếc lập đền thờ, bốn mùa hương khói cho đến tận ngày nay.
Tại đền Vĩnh Lại xã Vĩnh Hào, huyện Vụ Bản, nhân vật được thờ là Bạch Đẳng và Cao Lôi. Căn cứ vào ngọc phả, đây cũng là hai vị tướng của  Bà Trưng. Hai ông được Bà Trưng tuyển chọn vào quân ngũ, sau đó được cử đi khắp các đạo Sơn Nam chiêu tập nghĩa binh. Khi đến làng Vĩnh Lại, xã Vĩnh Hào, được nhân dân ở đây đón tiếp nồng hậu, hai ông đã kêu gọi anh hùng hào kiệt đồng tâm báo đền ơn nước, vì nghĩa lớn mà đánh giặc. Sau khi lập được chiến công, hai ông được Hai Bà Trưng phong thưởng thực ấp ở Vĩnh Lại, Vĩnh Hào. Tại đây hai ông đã dạy dân cày cấy, trồng dâu chăn tằm, lấy việc nhân nghĩa  để cố kết nhân tâm, khuyên dân sống hoà mục...Khi Mã Viện đem binh đàn áp cuộc khởi nghĩa, hai ông đã chiến đấu hết sức dũng cảm và anh dũng hy sinh. Do có nhiều công lao với nước, với dân, làng Vĩnh Lại đã lập đền thờ phụng hai ông cho tới ngày nay.
Cũng ở huyện Vụ Bản, dấu tích của hai anh em Địch Triết và Cung Cai, tướng của hai Bà Trưng còn khá đậm nét. Được tin Hai bà khởi nghĩa, hai anh em ông ngấm ngầm chiêu binh cầu hiền ước chừng được 500 người, rồi xuyên rừng kéo về Hát Môn tụ nghĩa. Sau khi thắng lợi, hai ông trở về quê hương, trên đường đi thì mất. Từ đó nhân dân thôn Hữu Dụng huyện Vụ Bản lập đền thờ tế bái, tưởng nhớ quanh năm.
Tại xã Trung Thành, huyện Vụ Bản có hai chị em bà Nguyệt Thai và Nguyệt Độ đã phất cờ khởi nghĩa tụ tập trai tráng các vùng lân cận, kéo về Mê Linh cùng Hai Bà Trưng khởi nghĩa, được phong ấn "Tiền bộ tiên phong". Hai Bà Trưng lên làm vua, phong cho hai nữ tướng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ tước hiệu Công chúa, đem quân bản bộ giữ vùng Hải Đông. Sau khi Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa, Nguyệt Thai và Nguyệt Độ cùng 12 thủ hạ kéo quân về quê mẹ. Các tướng khác bị thua ở các nơi cũng kéo về đóng quân trên cánh đồng làng. Sau này cánh đồng có tên là Đồng Đội (nay thuộc xã Cộng Hoà huyện Vụ Bản). Mã Viện kéo quân đuổi theo, sau một trận chiến đấu quyết liệt, hai nữ tướng Nguyệt Thai, Nguyệt Độ hy sinh trên mảnh đất quê hương. Sau này nhân dân nhiều nơi lập đền thờ hai bà, trong đó có đền thôn Nhì, xã Bảo Ngũ (nay thuộc xã Trung Thành, huyện Vụ Bản).
Xã Tân Dân, huyện Vụ Bản có đền thờ bà Mai Thị Hồng là một trong những nữ tướng của Hai Bà Trưng đã được nhiều nguồn tư liệu nhắc đến. Bà sinh trưởng trong một gia đình nông dân cần cù, chuyên làm việc thiện, tính tình rất khảng khái, không chịu để ai lấn áp mình, hay bênh vực chị em phụ nữ, do đó được nhiều người quý mến. Sau khi chồng là Du Lang bị bọn phong kiến phương Bắc sát hại, bà kiên quyết giữ tấm lòng trinh tiết của mình và thề sẽ trả thù. Bà đã cùng trai tráng trong làng luyện tập võ nghệ, tích trữ binh mã, thanh thế ngày một mạnh. Được biết tin này, bà Trưng Trắc đã cử Trưng Nhị xuống thuyết phục để cùng hợp sức trả thù nhà, đền nợ nước. Sau khi hợp quân với Hai bà Trưng, Mai Hồng được phong là Hồng Nương tỳ tướng. Đến khi Mã Viện kéo quân đàn áp cuộc khởi nghĩa, bà lại kéo binh về cùng Hai Bà Trưng chống giặc. Song thế giặc mạnh, cuộc khởi nghĩa bị đàn áp, bà đã chiến đấu anh dũng và tuẫn tiết ở Lãng Bạc.
Ở thôn Từ Quán xã Tân Thịnh huyện Nam Trực có đền thờ bà Trình Thị Cực,  một người phụ nữ xinh đẹp và rất giỏi võ nghệ. Lớn lên bà kết duyên cùng với một chàng trai họ Nguyễn. Hai vợ chồng đang sống đầm ấm bên nhau thì tai hoạ ập đến. Thái thú Tô Định dùng quỷ kế cho Nguyễn Hinh (chồng bà) làm huyện lệnh, rồi tìm cớ ghép vào hình phạt giết chết, thực hiện âm mưu "sát phu hiếp phụ". Thù nhà sâu nặng, bà đã tố cáo tội ác của bọn cai trị, kêu gọi nhân dân khởi nghĩa. Hàng ngàn người đã hưởng ứng theo bà. Các nhà giầu có chung quanh vùng cũng ủng hộ tiền bạc, lương thực. Bà xưng là Đại tướng đem quân đến đánh chiếm huyện lỵ, xây dựng căn cứ  chống quân xâm lược.
Sau khi hợp binh với hai Bà Trưng, bà được phong làm Lục Khê tướng quân cùng đem quân đi đánh Tô Định. Do có nhiều công tích, bà được phong chức Tả đạo tướng quân, đóng ở Lạng Sơn. Khi nghe tin hai Bà Trưng tử tiết, bà đem quân về ứng cứu nhưng thế giặc quá mạnh, trên đường lui binh bà đã anh dũng hy sinh. Nhân dân địa phương đã lập đền thờ để tưởng nhớ công lao của một nữ tướng anh hùng trong những năm đầu công nguyên.
Sự tích về những nhân vật trên đây phần lớn được ghi lại trong các thần phả, thần tích nên nhiều chi tiết đã được hư cấu qua lăng kính của tâm thức dân gian. Nhưng hiện tượng tướng của Hai Bà được thờ ở nhiều nơi và giành được trọn niềm tôn kính của nhân dân địa phương qua nhiều thế hệ chứng tỏ cuộc khởi nghĩa do hai Bà Trưng lãnh đạo thực sự diễn ra và có ảnh hưởng sâu đậm ở vùng đất Nam Định. Nhân dân địa phương có những đóng góp to lớn trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc đầu công nguyên, có tính chất như một định hướng, mở đường cho công cuộc giành lại độc lập của nhân dân ta sau đó.
Theo: Địa chí Nam Định


Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng – Một hướng tiếp cận mới


Không gian cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
– Một hướng tiếp cận mới
Vân Hạc (25.8.2010)

Đã có nhiều công trình nghiên cứu về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng qua khảo cổ, qua hệ thống đền thờ ở Trung Quốc… Trong bài này xin được giới thiệu một phần công trình của giáo sư Lê Trọng Khánh, qua lược đồ ngôn ngữ cổ để góp phần làm sáng tỏ thêm không gian rộng lớn cuộc khởi nghĩa của Hai Bà:
Vấn đề xác định không gian cuộc khởi nghĩa là rất quan trọng. Vì nó là cơ sở để nói lên tầm vóc to lớn của cuộc đấu tranh quật cường của người Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của Hai Bà Trưng. Tài liệu thu được qua quá trình khảo sát điền dã, thư tịch cổ và bản đồ cho thấy phạm vi phân bố hệ thống địa danh có thành tố “Pu”, “Pù” (núi); “Tà” (sông nước) rất rộng.  Quá trình hình thành và phát triển địa danh, từ chỉ những giới tự nhiên: “Pù”, “Tà” xuất hiện sớm nhất vào thời đại văn hóa đồ đá mới.
Khi cuộc sống đã được định cư và sự giao lưu mở rộng, hệ thống địa danh khu vực Kẻ mới ra đời. Quãng cách thời gian giữa hai loại địa danh này rất lớn, Phải mấy nghìn năm lịch sử cho đến khi con người phát triển nghề luyện kim, đưa vào sản xuất và trồng lúa nước đã hình thành những cánh đồng rộng khắp, địa danh chỉ về đồng ruộng (Na) mới phát triển. Nhà nước được xây dựng vững mạnh, hệ thống chính quyền địa phương “kẻ” (Sách) ra đời, với cơ chế tổ chức xã hội được xác định ổn định – đó là chiều sâu sức mạnh truyền thống của người Việt cổ. Ở đây, chỉ liệt kê một số tài liệu thuộc địa danh  ngôn ngữ (toponymie) quen thuộc có từ tố “kẻ” (chỉ nơi cư trú):

Vùng Lưỡng Việt (tức Quảng Tây – Quảng Đông Trung Quốc ngày nay) địa danh có từ “kẻ” rất phổ biến: - Phiên Ngung có Kẻ Lâu Trường/ Thương Ngô có Kẻ Lãm/ Quế Bình có Kẻ Lăng/ Nam Hải có Kẻ Táo/ Quế Lâm có Kẻ Trúc/ Thương Lâm có Kể Lập/ Hạ Huyện có Kẻ Luân…
(Từ “kẻ” biến âm bạch ở vùng Lưỡng Việt thành “cổ”, cũng như ở Việt Nam hiện nay có Kẻ Loa. Kẻ Nhuế thành Cổ Loa, Cổ Nhuế…).
Trong phạm vi nước ta hiện nay, loại địa danh này tìm thấy dày đặc ở trung du đồng bằng sông Hồng và địa bàn người Mường, nhưng lại rất hiếm ở Việt Bắc và Tây Bắc (Địa bàn Tày Nùng – Thái).
Thanh Nghệ Tĩnh đất Cửu Chân xưa, tài liệu có thể thu thập khắp các huyện:
- Huyện Diễn Châu: Kẻ Trài (thôn Hương Dương)/ Kẻ Si/  Kẻ Vích (thôn Thanh Bích)/ Kẻ Vạn (Vạn Phần)/ Kẻ Dặm (Vân Tập)/ Kẻ Trùm (Vĩnh Bình)/ Kẻ Hốp (Xuân Dương)/ Kẻ Nhung (Xuân Viên)/ Kẻ Trong (Đan Trung)/ Kẻ Hòe (Phì Cam)/  Kẻ Hòe (Phì Cam)/  Kẻ Sụm (Phú Lâm)/  Kẻ Chượng (Bích Trận)/ Kẻ Đậu/ Kẻ Lứ
- Huyện Yên Thành: Kẻ Dòi/ Kẻ Vịnh (Vĩnh Tuy)/ Kẻ Giai (Văn Giai)/ Kẻ Dền/ Kẻ Sọt/ Kẻ Rộc (Kim Thành)/ Kẻ Gám (Xuân Thành)/ Kẻ Găng (Tăng Thành)
Nhưng cái mới ở đây, là ngoài vùng đồng bằng, còn tìm thấy có hệ thống, địa danh có từ “kẻ” ở phía tây: Huyện Thường Xuân (Mường): Kẻ Rây, Kẻ Toung, Kẻ Sông, Kẻ Trinh, Kẻ Quân, Kẻ Vu, Kẻ Quan, Kẻ Đăng, Kẻ Mãnh, Kẻ Gi, Kẻ Bộc, Kẻ Doanh, Kẻ Hào.
Huyện Quỳnh Châu (Kẻ Bọn): Kẻ Loa, Kẻ Giêng, Kẻ Thang, Kẻ Cong, Kẻ Tham, Kẻ Lô, Kẻ Lay, Kẻ Bục, Kẻ Chăm Trên, Kẻ Chăm Dưới, Kẻ Vãi, Kẻ Vân, Kẻ Vinh, Kẻ Chai, Kẻ Trọc, Kẻ Mo, Kẻ Kẻo, Kẻ Bua, Kẻ Số, Kẻ Trang, Kẻ Bản, Kẻ Căng, Kẻ Ba, Kẻ Ba Sách, Kẻ Sói Dưới, Kẻ Mùng, Kẻ Dinh.
Về phần đất Nhật Nam xưa, nếu có ý kiến còn khác nhau chăng là về ranh giới phía Nam, còn phía Bắc nói chung đều thống nhất là từ đèo Ngang trở vào thuộc quận Nhật Nam. Trên địa bàn này, một số người nghiên cứu đã cho rằng, không có hệ thống địa danh có từ “kẻ”. Vì lẽ đó, tôi thấy rất cần thiết cung cấp một lượng thông tin tương đối lớn về vấn đề này. Với khối tài liệu đã thu thập được hiện nay, có khả năng phục hồi lại từng địa danh có từ “kẻ”, tương đương với một làng có tên Hán Nôm, trên khắp các địa bàn huyện thuộc Bình Trị Thiên:
- Huyện Tuyên Hóa: Kẻ Má (xã Cao Trạch), Kẻ Càn (xã Kiêm Long, Kẻ Biểu (xã Biểu Lệ), Kẻ Đáy (xã Văn Phú), Kẻ Xả (xã Cảnh Dương), Kẻ Câu (phường Ngoại Hải), Kẻ Đại (thôn Nghĩa Nương), Kẻ Gián (thông Chánh Trực), Cả Cảng, Kẻ Lái (xã  Cương Gián).
 Huyện Bố Trạch: Kẻ Chao (Gia Trịnh trang), Kẻ Giang (lang Cồn), Kẻ Hạ (Cao Lao hạ), Kẻ Chung (Cao Lao Trung), Kẻ Sô (Xuân Sơn Trang), Kẻ Nghen (xã Hoành Kinh), Kẻ Sen (Liên Phương Thượng), Kẻ Bàng (Liên Phương Trung), Kẻ Ngạn (Liên Phương Hạ), Kẻ Nấu (thôn Lý Nhân), Kẻ Rây (Hòa Duyệt Trang), Kẻ Láu (Vỏ Thuận Trang), Kẻ Nô (thôn Lộc Mỹ), Kẻ Đon (thôn Hoàn Lão), Kẻ Hạc (thôn Hoàn Phục), Kẻ Nâm (thôn Lộc Mỹ), Kẻ Đon (thôn Hoàn Lão), Kẻ Hạc (thôn Hoàn Phục), Kẻ Nâm (thôn Cự Nậm), Kẻ Đó Ôi (thôn Hỷ Duyệt), Kẻ Lái (thôn Lý Hòa).
- Huyện Quảng Ninh: Kẻ Thẹc (xã Thạch Bàn), Kẻ Trìa (xã Tân Lệ), Kẻ Rồng (xã Phúc Long), Kẻ Tùng (xã Lộc Long), Kẻ Bói (phường Bối Sơn).
- Huyện Lệ Thủy: Kẻ Liễu (Tréo), Kẻ Da (thôn Mỹ Duyệt), Kẻ Lê (xã Lê Xá), Kẻ Châu (xã Châu Xả).
- Quảng trị (cũ) địa danh có từ “kẻ” cũng dày đặc: Kẻ Tháp, Kẻ Bưu, Kẻ Lũy, Kẻ Thành, Kẻ Dòi, Kẻ Nai, Kẻ Sen, Kẻ Sơn…và ở Thừa Thiên (cũ) huyện nào cũng tìm thấy “kẻ”: Kẻ My (huyện Phú Vang), Kẻ Bi (huyện Phong Điền), Kẻ Loi (Tây Phú Lộc), Kẻ Tháp (huyện Quảng Điền), Kẻ Trại (Huế)…càng tập trung nhiều ở vùng biển phía Nam: Kẻ Vũ, Kẻ Sung (đông huyện Hương Thủy)…
Tình hình phân bố địa danh có từ “kẻ” ở Quảng Nam – Đà Nẵng và Nghĩa Bình cũng tương tự Bình Trị Thiên:
- Quảng Nam – Đà Nẵng: Kẻ Xuyên (huyện Thăng Bình), Kẻ Tam (huyện Tam Kỳ), Kẻ Kei (huyện Duy Xuyên), Kẻ Loi (huyện Hòa Vang), Kẻ Wang (Trung Phước), Kẻ Trài (thị xã Hội An)…
- Nghĩa Bình: Kẻ Bôn (chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành), Kẻ Lũy (cửa biển phía Đông thị xã Quảng Ngãi), Kẻ Hàn (thôn Du Quang, Xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ, sông Trà Câu chảy qua đây cũng gọi là sông Kẻ Hàn), Kẻ Hoang (huyện Phù Cát), Kẻ Tân (Cầu Gành, ngã ba nơi tiếp giáp đường 19 và đường số 1), Kẻ Thử (cửa biển nam huyện Phù Cát, một thương cảng nổi tiếng xưa kia, còn nhiều di tích khảo cổ quan trọng, có đường sông nối liền với thành Đồ Bàn). Địa danh có từ “kẻ”, điểm cuối cùng tìm thấy ở huyện Tuy An ( thuộc Phú Yên cũ, phần bắc Phú Khánh). Và từ nam đèo Cả - Mũi Nậy trở vào, chưa tìm thấy một địa danh  nào có từ “kẻ”.
Trên địa bàn Nhật Nam, địa danh “kẻ” nằm gọn và phân bố rộng khắp giữa hai con sông. Con sông lớn: phía bắc – Tà Kroông Nậy (Rào Nậy hay sông Gianh; phía nam – Tà Kroông l’hon (sông cá sấu); người Hán gọi là Châu Bon Đà Lãng (chuyên âm đảo ngược Tà Kroông l’hon) – sông Đà Rằng.
Bằng phương pháp thống kê địa danh đã được thực hiện ở trên, có thể trình bày những địa danh có từ “Pu” (núi), “Tà” (sông), “Na” (ruộng đồng), mà mật độ phân bố rất dày và cũng trên một bình diện toàn bộ Lưỡng Việt đến mũi Nậy ở phía Nam.
Trong Hậu Hán thư, mục Nam Man truyện ghi về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng nội dung cơ bản như sau: … “Người con gái Giao Chỉ là Trưng Trắc, cùng với em gái là Trưng Nhị nổi dậy đánh phá quận huyện. Trưng Trắc vốn là con gái Lạc tướng huyện Mê Linh, là vợ Thi ( Chồng bà Trưng Trắc vốn tên Thi. Sách Thủy kinh chú viết: “Châu Diên lạc tướng tử danh Thi sách Mê Linh lạc tướng nữ tử danh Trưng Trắc vi thê" - nghĩa là: ...Con trai của lạc tướng Châu Diên tên là Thi hỏi “sách” con gái lạc tướng Mê Linh tên là Trưng Trắc làm vợ. Từ "sách" trong câu trên vốn có nghĩa là "hỏi". Do nhầm lẫn, người đời sau đã ghép từ "sách" đó với từ Thi thành tên Thi Sách) người Chu Diên. Trắc rất dũng mãnh, Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định dùng pháp luật trói buộc, Trắc căm phẫn nên chống lại. Các quận Cửu Chân, Nhật Nam, Hợp Phố, người Man, Lý đều hưởng ứng. Trưng Trắc chiếm được 65 thành, tự lập làm vua. Thứ sử Giao Chỉ và các Thái Thú chỉ còn biết tự vệ. Quang Vũ đế xuống chiếu, ra lệnh cho Trường Sa, Hợp Phố, Giao Chỉ chuẩn bị xe, thuyền, sửa chữa đường sá, cầu cống, khai thông các khe suối, tích trữ lương thực. Năm thứ 18, sai Phuc Ba tướng quân là Mã Viện, Lâu Thuyền tướng quân là Đoàn Chí đem hơn một vạn quân ở Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô tới đánh”…
Nhà Hán sau khi đánh bại Lữ Gia, thôn tính Nam Việt, chia Nam Việt và những vùng bị ràng buộc vào Nam Việt thành chín quận. Theo sự ghi chép của Tiền Hán thư, các quận đó là :
1. Nam hải           (6 huyện)   có       94.253 người
2. Uất Lâm           (12 huyện) có       71.162 người
3. Thương Ngô     (10 huyện) có       146.160 người
4. Giao Chỉ           (10 huyện)           có       746.237 người
6. Cửu Chân           (7 huyện)      có      35.743 người
7. Nhật Nam           (5 huyện)      có      69.485 người
Theo tổ chức hành chính nhà Hán huyện có thành. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng thu về 65 thành, tức là giải phóng toàn bộ 9 quận. Nhà Hán thành lập bộ Giao Chỉ (mang tên quận chủ đạo), thủ phủ đóng tại quận Giao Chỉ. Như thế trung tâm thống trị của nhà Hán đối với bộ Giao Chỉ đóng tại quận Giao Chỉ. Sự thống trị đó với các quận không hoàn toàn giống nhau. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng bắt đầu từ huyện Mê Linh, thuộc quận Giao Chỉ - trên đất nước Việt Nam hiện nay. Như thế trung tâm cuộc khởi nghĩa là ở quận Giao Chỉ và cơ quan đầu não của bọn thống trị cũng bị đánh bại tại đây. Thủ phủ của bộ Giao Chỉ được giải phóng. Từ đó phong trào lan rộng ra các quận, tiến tới hoàn toàn giải phóng 65 thành. Địa bàn 65 thành (thuộc 9 quận) bao gồm từ Lưỡng Việt tới Mũi Nậy.
Phạm vi phân bố địa danh có từ tố “kẻ”, hoàn toàn phù hợp với địa bàn giải phóng 65 thành của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Đó cũng là phạm vi không gian của cuộc khởi nghĩa, giải phóng độ 1,5 triệu người thoát khỏi ách thống trị của nhà Hán. Và đó cũng là phạm vi lãnh thổ của nhà nước và dân số dưới thời đại Hai Bà Trưng.
Từ những tư liệu đã trình bày trên, bước đầu xin có mấy ý kiến sau đây:
 – Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, mang bản chất tiến bộ. Lần đầu tiên bằng tài liệu địa danh ngôn ngữ, kết hợp chừng mực nhất định với cứ liệu lịch sử, vẽ lại biên độ không gian cuộc khởi nghĩa ấy, rộng lớn hơn nhiều với quan điểm trước kia, càng có cơ sở mới để khắng định tầm vóc vĩ đại của cuộc đấu tranh đó.Phạm vi lãnh thổ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng giải phóng, phải chăng cũng là lãnh thổ của Vương Quốc Văn Lang dưới thời đại Hùng Vương: Ra đời cùng thời với nước Sở ở Trường Giang. Nếu chúng ta trói chặt bằng biên giới hiện nay, chắc chắn không thể làm sáng tỏ được nhiều vấn đề lớn của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, cũng như không thể dựng lại đầy đủ cuộc kháng chiến vĩ đại của người Lạc Việt đã từng đánh bại 50 vạn quân của đế quốc Tần, mà chính sử của người Hán đã ghi lại và làm sao có thể giải thích được sự phân bố văn hóa đồ đồng Đông Sơn ở Lưỡng Việt – vốn thuộc Vương Quốc Văn Lang.
 –Từ Lưỡng Việt đến Mũi Nậy ở phía Nam là địa bàn của gốc của người Lạc Việt – có nguồn gốc và ngôn ngữ chung, nằm trong khối Bách Việt, đã thành lập Vương Quốc Văn Lang thời đại Hùng Vương.
Cư dân ở Nhật Nam tham gia cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng cũng là người Lạc Việt, sau đó thành lập nhà nước Lâm Ấp, dần dần có sự hỗn hợp với cộng đồng người phía nam Mũi Nậy, nói tiếng Malayo (cuối triều đại Sinhapura – TK VII – IX). Đó là nguyên nhân đưa lại sự khác biệt nào đó giữa Việt và Chăm.
  

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Khởi nghĩa Hai Bà Trưng
GS Lê Văn Lan
Kỳ 1: Bản hùng ca ở thế kỷ thứ nhất
QĐND - “Bản anh hùng ca ngắn ngủi”- đó là lời Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, chủ biên bộ quốc sử chính thức của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ “Lịch sử Việt Nam” nói về phong trào đấu tranh do Hai Bà Trưng lãnh đạo, diễn ra từ mùa xuân năm Canh Tý 40 đến mùa đông năm Quý Mão 43.



Đúng là “ngắn ngủi”, vì cộng thêm cả năm Kỷ Hợi 39 với những diễn biến của lịch sử trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của phong trào vào mùa xuân năm Canh Tý 40 và cộng thêm cả năm Giáp Thìn 44 là thời gian hung tướng Mã Viện sau khi dìm phong trào đấu tranh của Hai Bà Trưng vào biển máu còn nán lại nước Việt để xử lý các vấn đề hậu chiến, thì tất cả cũng chỉ có 6 năm.
Nhưng đây rõ ràng là những năm tháng đầy ắp các sự kiện trọng đại, những ý nghĩa lớn lao, những bài học quý giá, mà sự hiểu biết và lưu truyền thì lại có nhiều mờ tỏ hoặc bất cập.
Cho nên dưới đây chúng ta sẽ bàn bạc mấy điều-chủ yếu là về phương diện quân sự học-nhân dịp ngày 8-3 mà hằng năm vẫn thường được kết hợp kỷ niệm luôn “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”.
Chính thuật ngữ “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng” này đang được sử dụng chính thức trong nhiều dịp lễ nghi, nhiều văn bản, thậm chí sách giáo khoa… là điều cần được “chính danh” đầu tiên.
Bởi vì phong trào đấu tranh do Hai Bà Trưng lãnh đạo, không chỉ là một “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”! Lịch sử phong trào này cho dù 4 hoặc 6 năm thì cũng đã diễn ra, với cấu trúc và theo trình tự:
1. Khởi nghĩa - mùa xuân năm 40; 2. Xây dựng quốc gia độc lập năm 41 và 42; 3. Kháng chiến năm 43. Vì thế, gọi cả phong trào đấu tranh do Hai Bà Trưng lãnh đạo, bằng thuật ngữ “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng” là đã-về mặt quân sự học-“bỏ qua” mất một thành phần hữu cơ trong cấu trúc và một công trình lớn lao trong sự nghiệp của phong trào đấu tranh do Hai Bà lãnh đạo. Tức thị, cho dù có thể là muốn “nói gọn”, “gọi tắt”, thì cũng là gọi thiếu và do đó: Gọi sai sự thực và giá trị lịch sử của phong trào.
Vì thế, tiếp theo việc xác định tên gọi ta sẽ bàn trước mấy điều về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, với vị thế lịch sử là bước khởi đầu (bùng nổ) của phong trào. Sau đó vì những năm tháng xây dựng quốc gia độc lập của Hai Bà, không nhiều vấn đề quân sự học, nên ta sẽ bàn tiếp ngay mấy điều về cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo, với vị thế là sự kết thúc vẻ vang, oanh liệt của phong trào.
Kỳ 2: Mấy vấn đề về cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo
Sử liệu xuất hiện gần nhất với thời gian khởi nghĩa các sách: “Hậu Hán thư”, “Thủy Kinh chú” (thế kỷ 5, 6) của Trung Quốc nói niên đại bùng nổ cuộc khởi nghĩa là: Giữa mùa xuân năm Canh Tý (40 sau Công nguyên). Vì thế, các bộ chính sử của ta như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (xuất hiện muộn hơn vào các thế kỷ 15, 19)-mới chép niên đại đó, cụ thể là: Tháng hai (âm lịch) năm 40. Và xuất phát từ “sự kiện Mê Linh-Chu Diên”.
Lễ rước tượng voi chiến từ đình làng Hạ Lôi tới Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội). Ãnh: Tuấn Tú.
+ Mê Linh: Còn được chép vào sử cũ bằng những ký tự na ná: “My Linh”, “Ma Linh”… Rõ ràng đó là những từ phiên âm Hán-Việt của một từ ngữ Việt Cổ, phát âm gần như “M’ling” và ngữ nghĩa thì có thể là tên một loài chim thiêng, “vật tổ” của cộng đồng cư dân và đất đai xa xưa ở giữa hai triền núi Ba Vì và Tam Đảo-trung tâm “Văn Lang” của đất nước từ thời Hùng Vương.
Còn Chu Diên là từ dịch nghĩa Hán-Việt của “diều hâu đỏ” trong tiếng (chữ) Nôm, là địa danh của miền đất dọc sông Hồng (sông Cái) và sông Đáy (sông Hát), kề cận mạn nam Mê Linh (ở Hạ Mỗ, thuộc huyện Đan Phượng “phượng hoàng đỏ”, gần nghĩa với “diều hâu đỏ”)-quê hương Thái úy Tô Hiến Thành, trên bờ sông Đáy (nay ở Tây Bắc trung tâm Hà Nội)-có “thành cổ Ô Diên”, cũng mang ngữ nghĩa là “diều hâu” (diên) nhưng là “đen” (ô) như vậy).
Hai Bà Trưng là dòng dõi của lạc tướng (người đứng đầu một “bộ” hoặc “bộ lạc” ở thời Hùng Vương) Mê Linh. Thi Sách là con trai lạc tướng Chu Diên. Cuộc hôn nhân Trưng Trắc-Thi Sách, theo hình thức phong tục mà khoa dân tộc học gọi là “hôn nhân vọng môn cư” (vợ chồng lấy nhau, nhưng vẫn người nào ở lại tại nhà người nấy một thời gian). Tàn dư từ thời “mẫu hệ” chuyển sang thời “phụ hệ”, cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn thấy còn trong phong tục hôn nhân ở nhiều làng trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Đình Bảng-Bắc Ninh. Thực chất chính là một cuộc liên minh thế lực giữa hai miền đất và người ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng-“Cái nôi của dân tộc Việt”, để tạo ra nguồn lực trọng yếu và chủ yếu của cuộc khởi nghĩa. Thái thú Tô Định của nhà Hán đô hộ nhận ra nguy cơ từ cuộc liên minh đó, nhưng vì chưa dám động đến “đất chủ” Mê Linh nên đã giết Thi Sách để bẻ gãy “vây cánh” của liên minh. Do đó, tạo “cớ” cho cái “nguyên” của sự bùng nổ cuộc khởi nghĩa mà 4 “Lời thề sông Hát” của Hai Bà Trưng (xin xem lại Sự kiện và Nhân chứng số 1-2012) đã nói rõ ở lễ xuất quân tại Hát Môn.
+ Hát Môn: Là “Cửa (sông) Hát” (tức sông Đáy), chỗ dòng sông này giao nước với sông Hồng, nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đây chính là điểm tiếp giáp giữa hai miền Mê Linh và Chu Diên xưa. Chọn nơi này làm chỗ tập kết lực lượng và cử hành lễ ra quân đánh giặc-như các sử liệu cũ đều thống nhất nói, là chọn đúng địa bàn biểu tượng (tượng trưng) cho sự liên kết Mê Linh-Chu Diên. Đấy là nói về mặt chính trị. Còn về mặt quân sự thì chỗ ngã ba của hai dòng sông huyết mạch này chính là một đầu mối chiến lược rất thuận cho mọi hướng đi-về, dồn quân và ra quân. Đặc biệt, nếu nhằm vào đầu não giặc ở Liên Lâu mà tiến công thì Hát Môn là căn cứ xuất phát lý tưởng nhất của quân ta.
+ Liên Lâu: Còn được ghi vào sử cũ bằng những ký tự: “Ly Lâu”, “Luy Lâu”… Đây là những từ phiên âm Hán-Việt, của một tiếng Việt cổ đa âm tiết, mà về sau được “đơn âm tiết hóa”, thì thành (nói gọn) là: “Dâu”. Với ngữ nghĩa có thể là: Tên của một miền đất đai và cộng đồng cư dân, từ thời Hùng Vương, đã lấy cây dâu (nuôi tằm) làm nghề nghiệp và biểu tượng. Hiện vẫn đang còn các thực thể và tên gọi: Chùa Dâu, sông Dâu… ở miền này (Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhà Hán xâm lược đã lấy nơi đây làm đầu não cai trị, không chỉ là của một “quận” trung tâm tên là Giao Chỉ, với chức Thái thú đứng đầu, mà còn là của cả một “châu”-Giao Châu, gồm nhiều “quận” hợp thành: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (trên đất Việt Nam bây giờ) và Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố (ở Hoa Nam ngày nay), có quan thứ sử cai trị, đóng dinh, xây thành lũy (chính là tòa thành Liên Lâu, vẫn đang còn rõ dấu vết trên thực địa).
Đánh thẳng vào đầu não của giặc và nhanh chóng chiếm thành, đuổi tướng, khiến cho “các thái thú, thứ sử chỉ còn biết lo việc giữ lấy mạng sống”, như lời sử cũ chép là cách đánh biểu hiện khí thế ngất trời của cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, đấy cũng là chủ lực thúc đẩy nên hiện tượng kỳ vĩ: “các quận Nam Hải, Hợp Phố… đều hưởng ứng, lấy được đến 65 thành ở Lĩnh Nam” như lời sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép.
+ 65 thành ở Lĩnh Nam: Lĩnh Nam là miền đất ở phía nam núi Ngũ Lĩnh. Ngũ Lĩnh là cửa ngõ ra vào miền Hoa Nam (Quảng Đông, Quảng Tây). Thế kỷ 3 trước Công nguyên, nhà Tần đưa 50 vạn quân đi “bình định Bách Việt”, đã đánh qua Ngũ Lĩnh. Thế kỷ 11, danh tướng Lý Thường Kiệt, trong chiến dịch triệt phá các căn cứ chuẩn bị xâm lược nước Việt của nhà Tống ở châu Khâm, châu Liêm và đặc biệt là châu Ung (miền Nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ) đã đưa quân lên Ngũ Lĩnh, chẹn đánh các đạo quân cứu viện của nhà Tống. Khoảng trước sau Công nguyên, khi nhà Hán lập ra Giao Châu để đô hộ, thì đó chính là miền Lĩnh Nam.
Cuộc khởi nghĩa giữa mùa xuân năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo, có sự hưởng ứng nổi dậy của các quận Nam Hải, Hợp Phố… (bây giờ là miền Nam Quảng Đông, Quảng Tây), lấy (chiếm) được đến 65 thành ở Lĩnh Nam, có nghĩa là đã thắng lợi ở cả trên miền đất phía bắc Giao Châu (phía bắc biên giới Việt-Trung bây giờ). Nhưng 65 thành là những thành nào? Vì hiểu “thành” là “huyện thành” tức: Mỗi “huyện” có một “thành” nên đã có sự thống kê: Quận Nam Hải có 7 huyện nên có 7 thành, Thương Ngô: 11, Uất Lâm: 11, Hợp Phố: 5, Giao Chỉ: 12, Cửu Chân: 5, Nhật Nam: 5, tổng cộng: 56 thành. Do đấy, đã có chủ trương: Con số 65 thành, là do sử cũ viết lộn con số 56 này. Nhưng lại cũng đã có sự hiểu khác về “thành”. Đó chỉ là một vùng (miền) đất! Do vậy, 65 thành ở Lĩnh Nam là 65 đơn vị đất đai ở Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc, miền Trung Việt Nam ngày nay.
Điều này phản ánh tính rộng khắp (toàn dân) của cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Trong loạt bài trả lời phỏng vấn của nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 45, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có phần giải thích cặn kẽ tính chất toàn dân của cuộc Tổng khởi nghĩa này. Và nói rõ: Đây là công trình có truyền thống từ hàng nghìn năm trước của dân tộc Việt Nam. Chính là truyền thống từ cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40.


Mấy vấn đề về cuộc kháng chiến năm 43 do Hai Bà Trưng lãnh đạo
QĐND - Hai Bà Trưng chỉ có một thời gian ngắn để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến này. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca”, qua và bằng ngôn ngữ thi ca, nói gọn một câu “Ba năm gánh vác sơn hà”, để chỉ thời gian làm chủ và lo toan việc nước của Hai Bà, trước khi tiến hành cuộc kháng chiến năm 43. Nhưng trên thực tế, trong ba năm ấy, năm 40 đã là thời gian khởi nghĩa; năm 41 và 42 là thời gian xây dựng đời sống tự chủ tự do, bằng biện pháp duy nhất được sử cũ ghi chép là: Xá thuế 2 năm cho dân. Cũng trên thực tế thì, theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: Ngay từ năm 41, vua Hán Kiến Vũ đã “hạ lệnh sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó, sang xâm lược rồi”.
Tái hiện hình ảnh Hai Bà Trưng tại Lễ hội làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Tú
Lực lượng tái xâm lược của Nhà Hán này – khoảng 2 vạn quân, (để đánh vào một đất nước chưa đầy 1 triệu tổng dân số - là nước ta, lúc bấy giờ), huy động từ các quận thuộc miền Hoa Nam: Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô, cùng với khoảng 2 nghìn thuyền lớn nhỏ - sang đến năm 42, sau khi tập kết ở Hợp Phố (nam Quảng Đông) đã chia hai đường thủy bộ song song ven biển Bái Tử Long – Hạ Long mà vào cõi, theo lối cửa sông Bạch Đằng, đến Lục Đầu Giang, tiến đánh phong trào Hai Bà Trưng.
Cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo, bùng nổ vào năm 43, với ba loạt trận đánh lớn, do hai nữ vương trực tiếp chỉ huy ở: Tây Vu, Lãng Bạc, Kim Khê; và loạt trận cuối cùng do các thủ lĩnh địa phương của phong trào điều hành ở: Cửu Chân.
+ Tây Vu: Đây là tên một miền đất và bộ lạc lớn, từ thời Hùng Vương – An Dương Vương mà trung tâm, chính là Cổ Loa. (Vào năm 1982, đã đào tìm được ở dưới lòng đất, giữa thành Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội), một chiếc trống đồng thuộc nhóm cổ và đẹp nhất, có khắc chữ, trong đó, đọc được 2 chữ “Tây Vu”. Tòa thành Cổ Loa kỳ vĩ này, vào năm 179 trước Công nguyên – cùng với vũ khí “nỏ thần” – đã giúp An Dương Vương đánh bại (những trận đầu) cuộc xâm lược của Triệu Đà từ Phiên Ngung (Quảng Châu) tới, thì nay – đầu năm 43 – chính là cái đích đầu tiên tiến đánh của quân Hán Mã Viện, trên đường chúng từ Lục Đầu Giang nhằm vào, hướng tới “kinh đô” Mê Linh của Hai Bà. Và, một lần nữa – vào đầu năm 43 – thành Cổ Loa lại giúp Hai Bà Trưng làm nên loạt trận đánh phòng ngự ở Tây Vu thành công thắng giặc, mở màn cuộc kháng chiến oanh liệt.
Không đánh hạ được Cổ Loa, Mã Viện phải cho quân lui về Lãng Bạc.
+ Lãng Bạc: Đây là địa danh Hán ngữ, diễn Nôm văn vẻ một chút, thì thành “Bến Sóng”. Vùng đất và nước này, ở về phía đông Tây Vu. Vì thế, không thể coi Lãng Bạc là Hồ Tây (thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội ngày nay) – vốn ở mạn tây của Tây Vu – như một số thuyết xưa đã nói. (Vả chăng, về thời gian đầu Công nguyên, chưa có Hồ Tây. Vốn chính là một khúc uốn của sông Cái (sông Hồng), vùng hồ này chỉ được thành lập, khi bị dòng sông Mẹ “bỏ quên” (ở lại tại chỗ) lúc đổi dòng, vào khoảng các thế kỷ 9-10). Do đó, vùng đất và nước trũng ở giữa huyện Tiên Du (Bắc Ninh) bây giờ, mới đúng là Lãng Bạc thời Hai Bà Trưng.
Mã Viện đã từ Tây Vu (Cổ Loa) lui quân về, đóng ở đây. Bấy giờ là mùa hè năm 43. Khổ vì tiến thoái lưỡng nan và vì thời tiết nóng nực, Mã Viện đã phải thốt lên lời than thở được sách “Hậu Hán thư” ghi lại rằng cũng giống như chính con diều hâu lúc ấy đang bay trên đầu, gặp khí nóng bốc lên ngùn ngụt từ vùng đất lầy lội, đã phải sã cánh mà rơi xuống!
Nhưng chính Hai Bà lại đem lực lượng dân binh mới được tập hợp, đến đánh công kiên cấp tập vào đạo quân viễn chinh nhà nghề của Mã Viện, ở đấy, và vào lúc ấy.
Không mong đợi gì hơn, viên tướng lão luyện của nhà Hán – được tháo cởi bế tắc, phát huy hết sở trường – đã đánh một trận kinh hoàng ở Lãng Bạc, tiêu diệt phần lớn lực lượng của Hai Bà.
Tổn thất nặng nề sau trận Lãng Bạc, Hai Bà Trưng phải rút về cố thủ ở Kim Khê.
+ Kim Khê: Đây là địa danh dịch từ tên Nôm sang Hán ngữ của vùng “Suối Vàng”. Dòng suối này, chảy ra từ ngọn Viên Nam – bộ phận phía Nam của núi Tản Viên (Ba Vì), nay ở giữa các huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội). Cho đến gần đây, nhiều người vẫn tìm đến nơi này, đãi vàng sa khoáng.
Đọc (phát âm) theo tiếng Bắc Kinh, “Kim Khê” trở thành “Chin Xi”. Cũng thành “Chim Xi”, là những từ “Cấm Khê”, “Cẩm Khê”. Vì thế, trong nhiều sách vở, thay vì “Kim Khê”, nhiều tác giả đã viết: “Cấm Khê”, “Cẩm Khê”. Chẳng hạn: “Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo/ Chị em thất thế phải liều với sông”. Đó là cách nói về chung cuộc của Hai Bà Trưng, ở sách “Đại Nam quốc sử diễn ca”.
Nhưng trên thực địa, không có thực thể nào, mang tên “Cấm Khê” hoặc “Cẩm Khê” mà lại phù hợp với sự “thất thế” của Hai Bà Trưng vào mùa hè năm 43 cả. Chỉ có “Suối Vàng” – Kim Khê. Và, ở đây, cũng không hề có việc “phải liều với sông” (tự trầm) nào của Hai Bà. Thực tế lịch sử không theo tâm thức (tâm lý) cổ truyền của nhân dân, dân tộc: Muốn Hai Bà phải được chết một cách mát mẻ trong dòng sông quê hương – đã diễn ra thật ác nghiệt: Hung tướng Mã Viện đã dẫn đại binh đuổi theo Hai Bà đến tận nơi cố thủ Kim Khê (Suối Vàng). Và đã giết các nữ vương nước Việt ở đấy. Thậm chí theo sách “Hậu Hán thư” – còn chặt đầu những nữ anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến năm 43, mang về bêu ở kinh đô Lạc Dương của triều Hán.
Cuộc kháng chiến năm 43 của Hai Bà Trưng – bộ phận tổ thành, và ở giai đoạn cuối của cả phong trào đấu tranh dân tộc vô cùng oanh liệt ở thời gian đầu Công nguyên – đến đây đã bị dìm gần hết vào biển máu. Thủ lĩnh Đô Dương ở địa phương Cửu Chân (Thanh Hóa) – với vị thế tàn dư của phong trào – còn đánh những trận cuối cùng vào mùa đông năm 43 nữa. Và Mã Viện cũng còn ở lại đất Việt một năm nữa – sau mùa đông kéo quân vào Cửu Chân tận diệt cuộc kháng chiến của thủ lĩnh Đô Dương để tiếp tục thi thố những thủ đoạn chiến tranh, đô hộ và đồng hóa – cực kỳ thâm độc và bạo tàn nữa.
Nhưng, dù thế nào thì bản anh hùng ca của những năm đầu Công nguyên đấu tranh anh hùng do Hai Bà Trưng lãnh đạo vẫn bất tuyệt mà vang vọng đất trời. Đây là biểu hiện đầu tiên và là minh chứng đặc biệt của tinh thần và truyền thống dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người phát biểu đích xác nhất: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và, còn nguyên vẹn cả những bài học và kinh nghiệm lịch sử - đắt giá, quý giá – để lại mãi mãi cho đời sau. Nói về thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trả lời phỏng vấn của nhà sử học, nhà báo Alan Ruscio): “Cái đó, ở chúng tôi, có gốc rễ từ những sự kiện xưa, vào đầu Công nguyên”.