Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Về cố đô Hoa Lư

Về cố đô Hoa Lư


Hải Anh - Báo điện tử An Giang 


LTS: Hoa Lư là kinh đô nước Đại Cồ Việt trong 42 năm (968-1010), dưới hai triều đại Đinh – Lê. Nơi đây cũng là kinh đô đầu tiên của chế độ phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước Việt Nam. Hoa Lư chính là kinh đô có vai trò quan trọng tạo bước đệm vững chắc để nhà Lý, nhà Trần sau này xây dựng kinh đô Thăng Long (Hà Nội) với nền văn minh Đại Việt rực rỡ ngàn năm văn hiến.
Cũng chính nơi đây đã ghi dấu ấn đậm nét của những vị hoàng đế có công lớn giúp giang sơn thống nhất, những vị minh quân sáng ngời trong lòng dân tộc Việt: Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh; Lê Đại Hành – Lê Hoàn và Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn… và một Hoàng hậu hai vua Dương Vân Nga đi vào sử sách. 

Kỳ 1: Đinh Tiên Hoàng – Hoàng đế “cờ lau” 

Cổng vào lăng hai vị hoàng đế họ Đinh – Lê uy nghiêm ngay trung tâm huyện lỵ Hoa Lư (Ninh Bình) như khẳng định vị thế của những bậc minh quân có công dẹp yên giặc loạn, thống nhất giang sơn, xây nền văn hiến. Và chính nơi ấy, vị hoàng đế cờ lau Đinh Bộ Lĩnh đã khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân trên 1.000 năm trước, lên ngôi hoàng đế, xây dựng nền phong kiến tập quyền trung ương đầu tiên của đất Việt.

Khí tiết cậu bé tập trận cờ lau:

 Đinh Bộ Lĩnh sinh vào khoảng năm 924 làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình), là con trai út của Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu (Nghệ An). Tuy là con quan, thế nhưng tuổi thơ của Đinh Bộ Lĩnh rất khốn khó do cha mất sớm, ông cùng mẹ về vùng đất núi đồi thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy (Nho Quan, Ninh Bình) mưu sinh. Hằng ngày, cậu bé họ Đinh phải đi chăn trâu, cắt cỏ cho người chú là Đinh Thúc Dự. Tuổi thơ chăn trâu cùng đám trẻ quê, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh cùng lũ bạn nghèo thường chơi trò đánh trận. Những ngọn lau trắng mọc đầy triền núi, bờ ruộng vùng đất Hoa Lư chính là những lá cờ “khởi nghĩa”, “dấy binh” của bọn trẻ chăn trâu. Cánh đồng vùng động Hoa Lư, Rộc Xéo, Thung Lá, Thung Lụi chính là “chiến trường” của những cậu bé quê nghèo. Nguyên là con của thứ sử, lại có trí thông minh hơn người, trong những “trận đánh cờ lau” ấy, bọn trẻ thường tôn Đinh Bộ Lĩnh làm trưởng, “khoanh tay làm kiệu và lấy cờ lau làm cờ, đi hai bên Bộ Lĩnh để rước nghi về thiên tử” (theo Đại Việt sử ký toàn thư).  
Kiệu phục chế thời vua Đinh, vua Lê.

Và thời cuộc chính biến xảy ra khi Ngô Quyền mất (944), các sứ quân lần lượt nổi lên khiến đất Việt lâm cảnh chia tam, xẻ tứ. 12 sứ quân lần lượt ra đời khiến nước Việt rơi vào cảnh lầm than, dân tình khốn khổ. Bấy giờ, nơi đất Hoa Lư, cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh ngày nào đã trở thành một thanh niên chí lớn. Thấy đất nước lâm nguy, Đinh Bộ Lĩnh cùng những người bạn ấu khố ngày nào chiếm động Hoa Lư dấy binh khởi nghĩa. Cũng thời ấy, người chú Đinh Thúc Dự cũng chiếm sách Bông (thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) lập binh chống lại lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh. Trong cuộc dấy binh đầu tiên, Đinh Bộ Lĩnh suýt chết dưới nhát gươm của người chú ruột, buộc lánh nạn, tập hợp binh lực hùng mạnh cho cuộc khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân đi vào lịch sử dân tộc. 

Dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế:

Sau trận đầu thúc thủ, Đinh Bộ Lĩnh không nhụt chí mà quyết tâm thu phục tàn quân, tập trung lực lượng tiếp tục khởi nghĩa. Năm 951, khi lực lượng đủ mạnh, một lần nữa Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò trong cuốn Cố đô Hoa Lư viết: Đầu tiên, Đinh Bộ Lĩnh mở rộng căn cứ của mình từ vùng núi rừng Hoa Lư ra vùng đồng bằng ven sông Hồng bằng cách cùng con là Đinh Liễn nương nhờ Trần Minh Công, một người đức độ, tiềm năng binh lực nhưng hiếm muộn đường con cái. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người có dáng mạo khôi ngô, khi tiết lạ thường, lại có chí lớn liền nhận làm con nuôi, rồi giao cho binh quyền đi dẹp loạn 12 sứ quân. Mở đầu cho sự nghiệp dẹp loạn thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh đã đánh đám loạn thần Lữ Xử Bình và Kiều Trí Hựu ở triều đình Cổ Loa.

 Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục hàng phục được Ngô Nhật Khánh, lấy mẹ Ngô Nhật Khánh lập hoàng hậu, lấy em gái Khánh gả cho Đinh Liễn và mang công chúa Phất Kim gả cho Ngô Nhật Khánh tạo tình thân thuộc máu mủ gia quyến, vương quyền bằng mối quan hệ hôn nhân. Lúc này, Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu cũng xin hàng mở đầu cho những thắng lợi liên tiếp của dòng họ nhà Đinh.

Cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục có những chiến thắng vang dội khi Thiên sách vương Xương Ngập và Nam sách vương Xương Văn sau hàng tháng trời giao tranh ác liệt đã buộc rút quân, tháo chạy. 12 sứ quân ở khắp cả nước bấy giờ như: Kiều Công Hãn ở Việt Trì, Lâm Thao - Phú Thọ; Kiều Lệnh Công ở Hồ Hồi (Sông Thao, Phú Thọ), Nguyễn Thái Bình ở Vĩnh Phúc, Ngô Nhật Khánh (Ba Vì, Hà Tây), Lý Khuê (Thuận Thành, Bắc Ninh), Nguyễn Lệnh Công (Tiên Du, Tiên Sơn, Bắc Ninh), Lã Đường (Tế Giang, Châu Giang, Hưng Yên), Nguyễn Siêu (Tây Phú Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), Phạm Bạch Hổ (Đằng Châu, Kim Động, Hưng Yên), Trần Lãm (Bố Hải Khẩu, Vũ Tiên, Thái Bình), Đỗ Cảnh Thạc (Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội), vua Ngô – Ngô Xương Xí (con Ngô Xương Ngập (Bình Kiệu, Triệu Sơn, Thanh Hóa) lần lượt phục hàng hay bị lực lượng quân binh Đinh Bộ Lĩnh đánh tan. 

Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh chính thức lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế, hai năm sau Đinh Bộ Lĩnh đặt tên niên hiệu riêng là Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xây dựng bộ máy phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước Việt ta. 

Kỳ 2: Kinh đô Hoa Lư – Thành trì ngàn năm văn vật

Sau khi chính thức lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng cùng các tôi thần chọn đất Hoa Lư với địa thế núi non, sông nước hiểm trở để gây dựng thành trì cho công cuộc gây dựng nền hưng thịnh quốc gia Đại Cồ Việt và trở thành kinh đô của nước Việt trong 42 năm qua 3 đời Đinh, tiền Lê và nhà Lý trước khi Lý Công Uẩn quyết định dời đô, chuyển kinh thành từ Hoa Lư về Thăng Long – Hà Nội ngày nay.
Kinh thành Hoa Lư: 

Theo sử cũ, kinh đô Hoa Lư được xây dựng vào hai thời điểm: Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Năm 984, lúc Lê Hoàn thay nhà Đinh trị vì đất nước do yếu tố loạn lạc, chính biến lịch sử lúc bấy giờ. Sơn hệ đá vôi cùng với hệ thống sông ngòi bao quanh thực sự là thành trì thiên tạo vô cùng kiên cố của cố đô Hoa Lư.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Cúc thì trong tập thơ “Hòn đá vua ngự” do tú tài Khôn Phong Lương Văn Thăng viết vào thời vua Khải Định thứ 9: “Thời Vạn Thắng Vương (Đinh Tiên Hoàng) vừa dẹp xong các sứ quân, thiên hạ mới được thu về một mối, kinh đô chưa kịp xây dựng, vua tôi nhà Đinh tìm đất đóng đô, thấy dưới núi Mã Yên địa thế rộng rãi cao ráo, núi sông vây bọc, cây cỏ tốt tươi, lại được sông Hoàng Long bao bọc phía bắc, núi Bái Đính trấn ngự phía tây, núi Kình Phong đứng ở phía trong, núi Bái Tướng trụ ở phía ngoài, khi tiến có thể đánh bại quân địch, lúc lui có thể bảo toàn lực lượng, là đất dụng võ, nơi dựng đế đô của Đại Cồ Việt. Vạn Thắng Vương bèn cho đóng tạm triều đình ở vùng Sơn Lai, Nho Quan rồi chuẩn bị lực lượng, bao gồm dân đinh, quân lính cùng tàn quân của các sứ quân ở châu Hoan, châu Ái về xây thành, đào hào, dựng cung điện ở đây. Sau một năm thành quách hoàn chỉnh, cung điện trang nghiêm, Đinh Bộ Lĩnh cùng bá quan văn võ triều đình rời thành đô Sơn Lai về kinh đô Hoa Lư, chính thức lên ngôi hoàng đế”.

Sang thời nhà tiền Lê, Lê Hoàn cho xây dựng cùng lúc 8 cung điện lớn: Điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên Hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Cạnh điện Trường Xuân là điện Long Mộc với mái ngói bạc.

Kiến trúc hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo: 

Kinh thành Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 héc-ta. Toàn bộ công trình chủ yếu được các vua Đinh, Lê dựa vào thiên nhiên hiểm trở làm chỗ dựa, mang nặng tính chất quân sự, không câu nệ vào hình dáng, kích thước. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An (còn được gọi là thành Nam) là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Thành Hoa Lư có hai vòng: Thành Đông và thành Tây, có đường thông với nhau.

 Thành Đông hay thành ngoài rộng khoảng 140 héc-ta, thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành xã Trường Yên, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê nằm ở trung tâm. Thành Đông có vai trò quan trọng hơn. Một số đoạn tường thành phát hiện ở những khu vực này có móng thành bằng cành cây với nhiều cọc đóng xuống sâu. Phía trong của tường thành xây bằng gạch, dày, cao gần 10 mét. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Trên gạch tường có in các dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân”. Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày. 

Thành Tây hay thành trong có diện tích tương đương thành ngoài, thuộc thôn Chi Phong cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi. Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được nhánh sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành. Trong hai tòa thành có bố trí các khu triều đình, quan lại và quân lính. Hiện nay thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích được khai quật ít ỏi.

Thành Nam nằm ở phía Nam kinh thành Hoa Lư, có núi cao bao bọc xung quanh, bảo vệ mặt sau thành. Địa thế thành Nam rất vững chắc, đoạn sông chảy qua thành Nam có một hệ thống khe ngòi chằng chịt từ các ngách núi đổ ra. Thành Nam mang nhiều giá trị về mặt quân sự, là nơi dự trữ, phòng thủ hiểm trở, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. Đây là hệ thống hang động Tràng An hiện tại. Khu thành hào, hang động Tràng An xưa được sử dụng như là hệ thống phòng thủ mặt sau của kinh thành Hoa Lư. Vào thời Trần, tại hang bói ở đây là cứ địa chống quân Nguyên Mông. 

Năm 1010, sau khi quyết dời đô từ Hoa Lư về Thành Đại La – Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cải Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Khu vực Tràng An hiện còn các đền, phủ thờ các vị quan trung thần thời Đinh và thần Quý Minh trấn thành Nam. Ngày nay, vết tích thành trì xưa chỉ còn trơ lại vài nền gạch cũ nhưng đâu đó cũng nhắc nhớ cho các thế hệ hôm nay về một thành trì vững chắc của một trong những cố đô có vai trò lịch sử vô cùng quan trọng của đất Việt ngày xưa.

Kỳ 3: Dựng nền phong kiến trung ương tập quyền
Chọn được thế đất đóng đô tại Hoa Lư, với con mắt tinh tường và trí tuệ thông sáng của một minh quân, Đinh Bộ Lĩnh đã quyết tâm xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt hưng thịnh, sánh ngang với nhà Tống phương Bắc khi xưng hiệu Hoàng đế. Chính Đinh Tiên Hoàng và tiếp sau là Lê Đại Hành là hai vị hoàng đế đầu tiên đất Việt xây dựng được nền phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên và kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hưng thịnh.
Xây nền phong kiến trung ương tập quyền:
Lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã lấy vùng đất Hoa Lư với địa thế hiểm trở, thuận thế phòng thủ làm kinh đô cho nước Đại Cồ Việt. Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng kinh đô Hoa Lư xứng đáng với tầm vóc của một đất nước thống nhất, hùng mạnh với nền chính trị phong kiên trung ương tập quyền đầu tiên. Với thế núi bao quanh, sông ngòi chằng chịt, Hoa Lư nằm lọt thỏm trong thế đất bằng phẳng có sông, đồng bằng màu mỡ, bao quanh là những dãy đá vôi trùng trùng điệp điệp. Một vài hướng không có thế núi, ông cho đắp hệ thống thành bằng đất kiên cố tạo thế trận phòng thủ vững chắc. Tuy vẫn còn mang tính chất của một quân thành, thế nhưng Hoa Lư ngày ấy đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò: Song song với xây dựng kinh thành, Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền tương đối quy củ.
Năm 971, ông đã đặt thứ bậc, áo mũ cho tất cả các quan văn võ, phong các chức tiết độ sứ, tướng quốc, trấn quốc bộc xạ quản giới sứ phụ dực quốc chính… Các tăng, đạo sĩ cũng được phong danh hiệu như Ngô Chân Lưu giữ chức tăng thống được phong Khuông Việt Đại Sư, Trương Ma Ni làm tăng lục đạo sĩ, Đặng huyền Quang làm Sùng chân Uy nghi. Các con vua đều được phong Vương như: Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, Đinh Toàn làm Vệ Vương.
 
 Một góc quần thể kiến trúc khu di tích vua Đinh – Lê.

Ở các địa phương, để tiện việc cai trị, ban đầu Đinh Tiên Hoàng vẫn giữ châu Hoan, châu Ái, về sau chia bộ máy hành chính Nhà nước thành 10 đạo, dưới đạo là giáp, xã với các chức quản giáp, phó tư giáp, chánh lệnh, tư lệnh trưởng ở xã. Cả về cơ cấu quân đội, hoàng đế họ Đinh đã xây dựng nền quân sự khá mạnh với một triệu quân gồm 10 đạo “mỗi đạo mười quân, mỗi quân mười lữ, mỗi lữ mười tốt, mỗi tốt mười ngũ, mỗi ngũ mười người” (Đại Việt sử ký toàn thư). Với dân số cả nước lúc bấy giờ chỉ khoảng 3 triệu người cho thấy, cứ 3 người dân có một quân lính. Vậy nên, có thể hiểu rằng, ngay thời Đinh Tiên Hoàng khái niệm vũ trang toàn dân đã được hình thành. Chính việc trong thời bình làm nông, trong thời chiến cầm binh đao chiến đấu, nhà Đinh đã xây dựng khái niệm chính sách “ngự binh ư nông” cho các triều đại về sau như: Lý – Trần – Lê – Nguyễn và cả chính sách quốc phòng toàn dân ngày nay. Nhờ chính sách dân binh của Đinh Tiên Hoàng, hơn một thập kỷ trị vì sau dẹp loạn sứ quân, đất nước Đại Cồ Việt đã phát triển hưng thịnh, giặc phương Bắc tuy mạnh nhưng không hề dám bén mảng xâm lược nước ta.
Gầy dựng giang sơn:
Về kinh tế, đất nước sau loạn lạc dân chúng lầm than, đói khổ, Đinh Tiên Hoàng đã chủ trương khai hoang, mở đất, lập làng, đẩy mạnh canh tác nông nghiệp, cày cấy các vùng đất ven biển, phát triển ruộng đất, toàn bộ đất đai thuộc về Nhà nước. Ví như Lê Lương ở châu Ái buộc nhậm chức do vua Đinh ban để trông coi trang trại của mình như một ấp của nhà vua ban cấp. Hay Lã Tá Công là một sứ quân sau hàng phục nhà Đinh đã khẩn hoang mở mang hơn 2.000 mẫu đất vùng tả ngạn sông Đáy (Nghĩa Hưng, Nam Định)… Cũng ngày ấy, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa bắt đầu phát triển.
Song song đó, hoạt động giao thương đường biển, ban giao với các nước về thương mại được đẩy mạnh… Vì thế, kinh tế, chính trị và đời sống nhân dân ngày một phát triển, đất nước thanh bình, phồn thịnh. Năm 970, đồng tiền Việt Nam đầu tiên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng cho phát hành, đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế, tài chính của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Thái Bình thứ 7 (976) tại đây thuyền buôn nước ngoài tới dâng sản vật, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Chính sự phát triển hưng thịnh với chính sách kinh tế của Đinh Bộ Lĩnh, văn hóa dưới thời họ Đinh cũng ngày một định hình với nghệ thuật trang trí đồ gốm, sứ. Đặc biệt, Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng nghệ thuật ca hát diễn xướng để phục vụ quân đội và bà Phạm Thị Trân (người Hồng Châu, Hưng Yên) được tôn là Huyền Nữ hay Ưu Bà đã dạy hát, múa cho binh lính nhà Đinh. Những bài hát ấy chính là nghệ thuật chèo ngày nay và Huyền Nữ đã trở thành Tổ sư nghệ thuật hát chèo đất Việt. Như vậy, 11 năm đất nước thống nhất dưới thời Đinh Tiên Hoàng (968-979), tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội đã đi vào ổn định và phát triển, tạo nền móng vững chắc cho các triều đại tiếp sau xây nền độc lập.
Sang nhà tiền Lê, sau chính biến, dẹp yên giặc loạn, nhân dân cả nước tiếp tục rơi vào đói khổ cùng cực, Lê Hoàn đã ra sức chăm lo khôi phục kinh tế làm cơ sở cho nền chính thống. Trước hết, vua Lê đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với sự tích nhà vua đi cày ruộng tịch điền ở núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) được chĩnh vàng, cày ở núi Bàn Hải được chĩnh bạc. Năm 989, Lê Hoàn tiếp tục ra lệnh đại xá thiên hạ, vì vậy đời sống nhân dân có phần dễ chịu. Dưới triều đại Lê Đại Hành, thủ công nghiệp có những bước chuyển mới đáng khích lệ với làm gạch ngói phục vụ xây điện, thành lũy, chế tạo vũ khí, làm áo mũ quan quân. Nghề trồng dâu, dệt lụa tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi sử sách chép lại trong triều cống nhà Tống có hàng vạn tấm lụa đẹp. Đặc biệt, triều đại nhà tiền Lê với nghề đúc tiền phát triển cao hơn đã cho ra đời đồng tiền Thiên Phúc giúp sự trao đổi, lưu thông hàng hóa trên thị trường phát triển vượt bậc. Sau chiến tranh, Lê Hoàn còn khôn khéo sử dụng chính sách đối ngoại với nhà Tống vừa cương quyết vừa mềm dẻo để giữ nền độc lập vững chắc nước nhà.
Kỳ cuối: Từ cố đô Hoa Lư đến Thăng Long – Hà Nội
Những cuộc chính biến thời cuộc đã khiến lịch sử đất Việt có cuộc dời đô lịch sử từ cố đô Hoa Lư về kinh thành Thăng Long – Đông đô Hà Nội. Lịch sử ngày nay ghi nhận, chính cố đô Hoa Lư là bước đệm vững chắc để nhà Lý, nhà Trần về sau xây dựng kinh đô Thăng Long rực rỡ. 
Những tuyến tường thành cố đô Hoa Lư chính là hình mẫu để nhà Lý xây dựng kinh đô Thăng Long – Hà Nội. Các địa danh gắn với Hoa Lư vẫn còn hiển hiện trên thủ đô đất Việt ngày nay như: Chùa Nhất Trụ (chùa Một Cột), tháp Báo Thiên, Tràng Tiền, cầu Đông, cầu Dền…

Chấm dứt sứ mệnh lịch sử:

Triều đại tiền Lê với Lê Đại Hành trị vì 25 năm thì một lần nữa lịch sử đất Việt tiếp tục chứng kiến cảnh tranh giành ngôi báu. Sau khi Lê Hoàn mất (thọ 65 tuổi), các con ông đã ra sức tranh giành ngôi báu. Người con thứ ba của Lê Hoàn là Lê Long Việt lên ngôi chỉ vỏn vẹn ba ngày đã bị người em thứ năm là Lê Long Đĩnh giết chết để cướp ngôi. Lê Long Đỉnh là vị vua thời tiền Lê mà đến nay nhiều sử gia vẫn còn tranh cãi về tội và công. Thế nhưng, lịch sử vẫn cho thấy, đây là một trong những vị vua kém đức độ, say đắm tửu sắc, mắc bệnh trĩ nặng buộc phải nằm chầu nên gọi là Lê Ngọa Triều. Lê Ngọa Triều ngự trị 4 năm thì mất, hưởng dương 24 tuổi.

 Khi Lê Ngọa Triều mất, triều đình không suy tôn con ông lên ngôi mà suy tôn một vị tướng tài khác là Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Như vậy, sau 29 năm khi Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga trao quyền lãnh đạo đất nước đánh đuổi ngoại xâm, lịch sử đất nước tiếp tục chứng kiến một cuộc thay đổi ngôi trị vì lịch sử. Tương truyền, Lý Công Uẩn chính là con rể của Thái hậu Dương Vân Nga, hoàng hậu hai vua duy nhất của đất Việt. 

Trong những nghiên cứu về cố đô Hoa Lư cho thấy, với điều kiện hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ X - giai đoạn đất nước mới giành được độc lập tự chủ, chính quyền phong kiến tập quyền còn đang non trẻ, nạn ngoại xâm là hiểm họa thường trực trong khi kẻ thù bên trong vẫn rắp tâm rình rập chờ cơ hội - thì với địa thế hiểm yếu, núi non bao bọc bốn bề, lại nằm bên sông lớn, kinh đô Hoa Lư có vị trí rất thuận lợi cho việc bố phòng quân sự mà theo các nhà sử học thì nếu chiến tranh xảy ra công có thể thắng, thủ có thể giữ, phù hợp với việc đề phòng nguy cơ ngoại xâm và nội loạn. Thế nhưng, sang triều đại nhà Lý, những sứ mạng lịch sử trên hầu như không còn phù hợp. Thời nhà Lý điều quan trọng là kiến thiết, phát triển đất nước phồn vinh, hưng thịnh.

Cố đô Hoa Lư- di tích tồn lịch sử:

Từ năm 968 đến năm 1009, cố đô Hoa Lư có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại Đinh - (tiền) Lê - Lý đóng đô tại đây. Hoa Lư là nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao giữa các triều đình nước Đại Cồ Việt với triều đình nhà Bắc Tống (Trung Quốc): Thời Đinh 2 lần (năm 973, 975), thời tiền Lê 10 lần.

Ngày nay, về cố đô Hoa Lư, kinh thành xưa giờ chỉ còn trơ trọi vài viên gạch trên nền khai quật của một ruộng lúa nằm ven đền vua Lê. Theo sử cũ, sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô mang theo tất thảy những vật dụng của cung điện cũ, dân chúng vì thế cũng đã “tràn” vào thành nên thành cũ gần như không còn nhiều những chứng tích lịch sử. Giờ đây, phần lớn mặt bằng của Hoàng thành xưa đã trở thành đất thổ cư, cửa nhà san sát. Hơn 1.000 năm đã trôi qua, những cung điện nguy nga dát vàng, dát bạc, trường thành hùng vĩ của hai triều đại Đinh, tiền Lê không còn nữa, giờ chỉ còn di tích của một tòa thành rộng khoảng 300héc-ta nằm gọn trong địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

 Một số địa danh, dấu vết của các tường thành ngày trước chỉ còn lại thành Ngoại: Tường thành núi Đầm sang núi Thanh Lâu (thành Đông), thành nối núi Thanh Lâu ra núi Cột Cờ (thành Đông Bắc), thành từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ (thành Bắc).

Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò trong cuốn “Cố đô Hoa Lư” (NXB Văn hóa Dân tộc, 1998) viết: Từ khi nhà Lý dời đô về Đại La – Thăng Long (thủ đô Hà Nội), Hoa Lư tuy không còn là kinh đô đất nước nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò như một trung tâm văn hóa, mang giá trị tinh thần, kiến trúc của dân tộc. Bắt đầu tư thời nhà Lý, cố đô Hoa Lư trở thành phủ, sang thời Trần là Lộ (sau đổi thành Trấn) và phủ Trường Yên thời Lê sơ, một trong những vùng đất quan trọng của Thanh Hoa ngoại trấn. Sang thời nhà Nguyễn, Hoa Lư trở về là phủ Trường Yên.

Ngày nay, cố đô Hoa Lư đã trở thành điểm di tích lịch sử thu hút nhiều nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, du khách tham quan học tập, nghiên cứu. Ngày 29-4-2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 82/2003/QĐ-TTG việc việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích cố đô Hoa Lư. Theo Quyết định này, toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình (Ninh Bình). 

 Nằm trong quần thể khu di tích cố đô Hoa Lư, Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô xưa. Khu sinh thái Tràng An với hệ thống hang động đá vôi tuyệt đẹp được ví như “vịnh Hạ Long” trên cạn đã trở thành điểm tham quan du lịch lý thú và đang được ngành chức năng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh thái và kiến tạo địa chất, là địa danh được Việt Nam đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.


Cố đô Hoa Lư - Một trung tâm Phật giáo TK X - XI ở nước ta

Cố đô Hoa Lư - Một trung tâm Phật giáo TK X - XI ở nước ta


Năm 939, sau khi đánh bại quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa. Nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Ngô Quyền ở ngôi vương được ít năm, năm 944 nhà vua băng hà. Cuối triều Ngô, triều đình suy yếu dần, anh em, con cháu tranh ngôi đoạt vị. Lúc bấy giờ các thế lực địa phương nổi lên cát cứ, giành quyền lực, từ đó dẫn đến “loạn 12 sứ quân”.
Đinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng của sứ quân Trần Minh Công. Khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư. Đến khi nhà Ngô mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh dẹp được các sứ quân, sáng lập ra triều Đinh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời đô về Hoa Lư để khẳng định chủ quyền đất nước, bờ cõi Nam Bắc phân chia rõ ràng. Đây là “Thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân”(1). Nhà sử học Lê Văn Hưu đã đánh giá Đinh Tiên Hoàng: “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối chính thống”(2).
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và người con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giám quan Đỗ Thích ám sát. Người con trai thứ là Đinh Toàn mới 6 tuổi được phò tá lên ngôi vua. Vị vua 6 tuổi được Thái hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính. Đinh Toàn ở ngôi được 8 tháng thì bị phế truất, nên sử sách gọi là Đinh Phế đế. Triều nhà Đinh tồn tại 12 năm, trải qua 2 đời vua: Đinh Tiên Hoàng (968 - 979), ở ngôi được 12 năm, thọ 55 tuổi. Đinh Phế Đế (979 - 980).
Nhà Tống nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, thừa cơ đưa quân sang xâm lược nước ta. Để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thuận theo lòng người, Thái hậu
Dương Vân Nga cùng tướng sĩ, quan lại tôn Lê Hoàn lên ngôi vua và phế truất Đinh Toàn. Sau khi lên ngôi (980), Lê Hoàn đã lãnh đạo quân dân nước ta đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống.
Thời Tiền Lê, sau cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, Lê Hoàn một mặt bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc phía Nam của tổ quốc, một mặt đẩy mạnh cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh hòa bình. Nhà vua vẫn lấy Hoa Lư làm kinh đô của đất nước. Tại Hoa Lư cung điện được trang trí lộng lẫy, đền miếu chùa chiền được xây dựng nhiều thêm.
Triều Tiền Lê kéo dài 29 năm, trải qua 3 đời vua Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Long Đĩnh (1005 - 1009). Sau khi Long Đĩnh chết, triều đình tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý (1009 - 1225).
1. Con đường Phật giáo từ Luy Lâu đến Cố đô Hoa Lư:
Cho tới nay, nhiều học giả cho rằng Phật giáo đã du nhập vào nước ta trong khoảng thế kỷ I đầu Công nguyên.
Vào thời Hán, có ba trung tâm lớn của Phật giáo là trung tâm Luy Lâu ở Giao Chỉ, trung tâm Lạc Dương ở Hà Nam (kinh đô nhà Hậu Hán), trung tâm Bành Thành ở Giang Tô. Theo Nguyễn  Lang, trong ba trung tâm Phật giáo kể trên vào thời Hán thì trung tâm Phật giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ được hình thành sớm nhất, từ trung tâm này Phật giáo đã được truyền đi, tới các miền nội địa Trung Quốc và lan tỏa ra khắp nơi trong nước ta.
Sách Thiều uyển tập anh chép việc nhà sư Đàm Thiên tâu với Tùy Văn Đế rằng: “Xứ Giao Châu có đường thông trực tiếp với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa đầy đủ thì ở Luy Lâu của Giao Châu đã có tới 20 bảo tháp (chùa), độ được 500 vị tăng và dịch được 15 cuốn kinh… Như vậy là Phật giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Đông vậy. Hồi ấy các vị tăng như Maha kỳ vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của Tam tổ, là một vị Bồ Tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hoá đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc. Bệ hạ là bậc cha hiền khắp chốn, muốn bình đẳng bố thí, nhưng đất kia đã có người rồi, ta không cần gửi người tới nữa” (3).
Các nhà sử học lại còn cho biết trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ theo những thương thuyền mà tới qua đường biển và đường sông. “Trong các chuyến đi xa hàng năm về phương Đông tìm mua hương liệu, quế, tiêu, ngà voi, vàng ngọc… các thương thuyền Ấn thường đặt bàn thờ đức Bồ Tát Quan Thế Âm và đức Nhiên Đăng nổi tiếng là những vị che chở cho thủy thủ được an lành ngoài biển khơi… Vào thế kỷ thứ I trước công nguyên, khuynh hướng Phật giáo Đại thừa đã nảy nở tại Ấn Độ, các trung tâm A-ma-va-ra-ti, Na-ga-giu-na-kôn-đa ở miền ven biển đông nam Ấn Độ dần dần trở thành trung tâm Phật giáo Đại thừa quan trọng và phát triển ý hướng đem Phật giáo truyền bá sang các nước khác”(4).
Thời Sĩ Vương (187 - 226), Phật giáo ở Luy Lâu đã đi sâu vào dân gian và được Việt hóa. Luy Lâu lúc đó không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn là trung tâm văn hóa, chính trị của Giao Chỉ.
Vào năm 189, Hán Linh Đế băng hà, bên Trung Hoa loạn lạc, riêng vùng Giao Chỉ yên ổn, nên nhiều học giả, trí thức, các nhà sư kéo sang lánh nạn. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng, khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là Vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người”. Thời gian đó các nhà buôn, tăng sĩ từ Ấn Độ, Trung Á cũng đến vùng đất Giao Châu, họ mang đến những tri thức, văn hóa Ấn Độ trong đó có Phật giáo, Luy Lâu đã trở thành nơi giao lưu, hội tụ tinh tuý của các luồng tư tưởng, văn hóa. Người dân Giao Chỉ với bản chất yêu hoà bình, thích làm điều thiện, đã trở thành một vùng đất tốt cho Phật giáo phát triển. Từ trung tâm Luy Lâu, Phật giáo đã lan toả ra khắp nước ta vào các thế kỷ tiếp theo với các dòng thiền nổi tiếng như dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, dòng thiền Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường.
Dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi:
Vào năm 580 Tì Ni Đa Lưu Chi đã sang Giao Châu ở chùa Pháp Vân và lập ra thiền phái đầu tiên ở nước ta Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là 4 ngôi chùa ở quanh Luy Lâu đều được xây dựng dưới thời Sĩ Nhiếp.
Dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi được hình thành từ năm 580 cuối thế kỷ VI phát triển và kéo dài cho đến cuối thời Lý, đầu đời Trần, thế kỷ XIII, tồn tại trong vòng 6 thế kỷ, gồm 19 thế hệ và 28 vị thiền sư : Người khai sáng là Ti Ni Đa Lưu Chi (? - 594), người đời thứ 19 là Y Sơn (? - 1213), được ghi lại trong Thiền uyển tập anh. Các thiền sư trong dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi đều là những bậc đại trí thức, họ giỏi cả tiếng Phạm lẫn tiếng Hán, hiểu sâu cả tam giáo Phật, Lão, Nho.
Đến sau này trong các dòng viết về tiểu sử Đỗ Pháp Thuận là thiền sư thuộc thế hệ thứ 10 của dòng thiền này cho chúng ta được biết, ông sinh năm 915 mất năm 990, chưa rõ quê quán ở đâu, ông sống vào thời Tiền Lê, nửa sau thế kỷ X. Đỗ Pháp Thuận (杜法順) là người học rộng, có tài văn thơ, cố vấn cho triều đình hoạch định nhiều sách lược nội trị, ngoại giao. Bài thơ hiện còn là bài thơ để trả lời Lê Đại Hành hỏi về vận nước, khoảng sau chiến thắng giặc Tống xâm lược (981), nguyên văn bài thơ như sau:
國祚如藤絡
南天理太平
無為居殿閣
處處息刀兵
Phiên âm:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:
Vận nước nhà như dây leo quấn quít.
Ở cõi trời Nam giải quyết việc thái bình
Nếu “vô vi” ở trên điện các.
Nơi nơi sẽ không còn cảnh chiến tranh.
Về quan niệm “Vô vi” của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, qua bài thơ trên đã cho thấy ông rất am hiểu tư tưởng Lão Tử, “vô vi” nghĩa là không làm điều gì trái với quy luật tự nhiên. Đạo gia cho rằng "vô vi" là sự thể hiện bản tính của "đạo" trong chính trị nhân sinh, phái này chủ trương "xử theo việc vô vi, Thực hành lời dạy không lời" (xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. Lão tử, chương 2). Còn Nho mượn chữ "vô vi" của Đạo gia để biểu thị phương sách đức trị. Thời Xuân Thu Chiến Quốc coi "vô vi" là thuật trị nước của người làm vua. Vô vi theo Phật giáo, trong tiếng Phạn là Asamskrte, chỉ sự việc không phải hình thành do nhân duyên hòa hợp, không có sự tồn tại tuyệt đối của sinh diệt biến hóa. Vốn là tên khác của Niết bàn. Vô vi pháp (無為法), thuật ngữ Phật giáo chỉ chân lý tuyệt đối hoặc tồn tại tuyệt đối, vĩnh hằng bất biến. Nghĩa là Phật lý, Thực tướng Niết bàn.
Về thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018) (萬行), trong sách vở trước đây đã ghi: Thiền sư họ Nguyễn, người Châu Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh), là thiền sư thuộc thế hệ thứ mười hai dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, thông hiểu tam giáo (Phật, Đạo, Nho). Ông từng cố vấn cho Lê Đại Hành chống giặc Tống, lại là người góp phần quan trọng đưa Lý Công Uẩn  lên ngôi vua, sáng lập ra triều Lý. Khi ông mất, vua Lý Nhân Tông có bài truy tán:
萬行融 三際
真符古讖詩
鄉關名古法
拄錫鎮王畿
Phiên âm:
Vạn Hạnh dung tam tế.
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.
Dịch nghĩa:
Thiền sư Vạn Hạnh thông suốt ba cõi,
Những lời sấm thi cổ rất linh nghiệm.
Từ làng quê Cổ Pháp nổi tiếng,
Chống gậy tầm xích trấn vững kinh kỳ.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông:
Dòng thiền Vô Ngôn Thông xuất hiện tại nước ta bắt đầu từ năm 820, do thiền sư Vô Ngôn Thông, người họ Trịnh quê tại Quảng Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam. Thiền phái đó tồn tại và kéo dài đến năm 1299, năm vua Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử xuất gia, lấy pháp hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Thiền phái Vô Ngôn Thông đã tồn tại ở nước ta khoảng gần 500 năm qua 15 thế hệ, với 39 thiền sư, có sơ tổ là thiền sư Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ nhất là nhà sư Cảm Thành (? - 860), thế hệ thứ mười lăm là Cư sĩ Ứng Vương. Trong đó có các nhân vật nổi tiếng như: Vân Phong, Khuông Việt, Viên Chiếu, Lý Thái Tông, Mãn Giác, Không Lộ, Giác Hải…
Theo các học giả cho biết “Nếu như thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi có tinh thần nhập thế rõ nét thì thiền phái Vô Ngôn Thông còn có tinh thần nhập thế tích cực hơn”.(4)
Dưới thời Đinh Tiên Hoàng trong dòng thiền Vô Ngôn Thông có Khuông Việt đại sư, Ngô Chân Lưu (933 - 1011) (匡越大師 - 吳真流) người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Thuở nhỏ ông học đạo Nho, lớn lên đi tu, là học trò sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thành Đại La. Năm 40 tuổi, nổi tiếng tinh thông thiền học, được Đinh Tiên Hoàng ban hiệu là Khuông Việt đại sư và phong chức Tăng Thống, coi trọng ông như Quốc sư.
Năm 986, đời Lê Đại Hành, ông và sư Pháp Thuận được cử ra giao tiếp với sứ giả nhà Tống là Lý Giác, ông đã sáng tác bài Vương lang quy từ để tặng Lý Giác…
Như vậy với sự xuất hiện của các thiền sư Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh tại kinh đô Hoa Lư dưới các triều đại Đinh, Tiền Lê đã cho chúng ta hình dung con đường Phật giáo từ Luy Lâu đến kinh đô Hoa Lư.
2. Cố đô Hoa Lư - Một trung tâm Phật giáo thế kỷ X - XI ở nước ta:
Hoa Lư một vùng núi sông trùng trùng điệp điệp, thành trì hiểm yếu, trên bộ có núi rừng, đường thủy có sông dài vươn ra biển cả, trước mắt là đồng bằng thuận tiện vào Nam ra Bắc. Nơi đây là “Kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Kinh đô này tồn tại 42 năm (968 - 1010) gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và (buổi đầu) nhà Lý với các dấu ấn lịch sử thống nhất giang sơn đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long”.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn còn ghi: “Hoa Lư là kinh đô của nhà Đinh, nhà Tiền Lê ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, ở phía tây bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các địa danh: Cầu Đông, Cầu Dền, Cầu Muống, Tràng Tiền, Chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… mà nay nền cũ vẫn còn, khi Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy..”
Vào buổi đầu dựng nền độc lập dân tộc, dưới thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Phật giáo là tôn giáo được coi trọng. Các nhà sư lúc đó là tầng lớp trí thức trong xã hội, nhà chùa trở thành trung tâm phổ biến sự hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan…
Các dòng thiền Tì Ni Đa Lư Chi, Vô Ngôn Thông ở thời kỳ này đã hòa quyện với tín ngưỡng, văn hóa bản địa để tạo nên một nét văn hóa riêng, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc luôn là tư tưởng xuyên suốt trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Tại kinh đô Hoa Lư, dưới thời Đinh Tiên Hoàng, thiền sư Ngô Chân Lưu được phong Tăng thống,  một chức quan đứng đầu các tăng đạo và được mang hiệu là Khuông Việt đại sư, tức là vị đại sư khuông phù nước Việt. Đạo Phật dần chiếm ưu thế, trở thành Quốc giáo, nhiều chùa tháp được xây dung tại kinh đô Hoa Lư.
Tại bờ sông Hoàng Long, cách đền vua Đinh ở Hoa Lư khoảng 2km, năm 1963 người ta đã đào một cột đá có 8 mặt khắc những chữ Hán ghi âm tiếng Phạn. Từ những dòng chữ Hán ghi âm đó GS. Hà Văn Tấn đã giới thiệu và dịch ra tiếng Việt. Đó là bài thần chú nguyện tăng tuổi thọ, có tên là Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni… dưới bài thần chú có ghi rõ Đinh Liễn đã cho dựng 100 cột kinh Phật như vậy vào năm Quý Dậu, tức năm 973, Đinh Liễn là con trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng.
Ít lâu sau, một cột kinh thứ hai được phát hiện ở Hoa Lư, ngoài bài thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng, trên cột kinh này còn có những bài kệ bằng chữ Hán. Cũng theo GS. Hà Văn Tấn những bài kệ này mang tư tưởng Phật giáo Đại thừa và nhuốm màu sắc Mật giáo(6).
Sau đó Sở Văn hóa - Thông tin Ninh Bình đã có một phát hiện khá quan trọng: tìm thêm được 16 cột kinh nữa ở Hoa Lư, đây là những cột bằng đá có 8 mặt khắc chữ, dài từ 50cm đến 67cm. Vì ở lâu dưới mặt đất nên nhiều cột kinh bị hỏng… May mắn có ba cột kinh còn nguyên vẹn, các dòng chữ gần như còn đầy đủ. Có thể dựa vào các cột này khôi phục văn bản trên các cột bị mất chữ, giống các cột kinh, phát hiện lần này đều có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng ghi âm tiếng Phạn. Những điểm khác trước đáng chú ý là trên cột kinh này đều có một đoạn trình bày lý do dựng cột kinh của Đinh Liễn. Theo đoạn này, Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn đã dựng 100 cột kinh để cầu nguyện cho vong hồn người em bị ông ta giết được giải thoát…
Trên các cột kinh có chỗ nhắc đến vua Đinh Tiên Hoàng với đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế…”(7)
Với 100 cột kinh do Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn đã dựng nên thì chúng ta có thể đoán được rằng: có tới hàng chục ngôi chùa được xây dựng dưới thời Đinh để đặt những cột kinh đó.
Đến thời Tiền Lê các thiền sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh cũng tham gia chính sự, các thiền sư đều là những người uyên bác, có tài thơ văn, cố vấn cho triều đình, định ra những sách lược về nội trị, ngoại giao của đất nước. Phật giáo thời kỳ này tiếp tục phát triển và có vai trò quan trọng đối với xã hội Việt Nam thời đó.
Tại ngôi chùa Nhất Trụ nằm trên thôn Yên Thành, xã Trường Yên, Hoa Lư được xây dựng từ thời Tiền Lê, nay còn lưu giữ cột kinh đá do vua Lê Đại Hành (980-1005) cho làm vào niên hiệu Ứng Thiên thứ 2 (năm 995). “Nội dung văn bản được khắc trên cột đá là kinh Đà La Ni… và bài thần chú ca ngợi sự bền vững của đức hạnh Phật, sự to lớn, bao trùm của trí tuệ, tài năng Phật Như Lai”(7).
Ngoài chùa Nhất Trụ ra, ngày nay tại cố đô Hoa Lư chúng ta còn tìm thấy dấu tích nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Đinh, Tiền Lê như: Chùa Am tại thôn Yên Trung, xã Trường Yên, Hoa Lư. Chùa Ngần tại xứ Ngần thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, chùa Ngần được xây dựng vào thời Tiền Lê. Chùa Hoa Sơn tại thôn Áng Ngữ, xã Ninh Hòa, Hoa Lư; chùa ở lưng chừng núi Chùa, thuộc dãy núi phía đông nam cố đô Hoa Lư; tương truyền thời nhà Đinh, chùa là nơi nuôi Ấu Chúa, nên còn gọi là Phôi Sinh Tự. Chùa Bàn Long lấy động núi làm chùa, chùa trong Đại Tượng Sơn tại thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Bàn Long là ngôi chùa có trước thời Đinh… và các ngôi chùa khác như chùa Thiên Tôn, chùa Tháp Báo Thiên, chùa Đìa, chùa Bà Ngô tại cố đô Hoa Lư được xây dựng vào thời Đinh.
Ngược dòng lịch sử, vào thời kỳ đầu dựng nước, thời Đinh - Tiền Lê (968 - 1009), Phật giáo được coi là tôn giáo chính của dân tộc Việt Nam, tư tưởng Phật giáo về nhân sinh quan thế giới quan đã chi phối tích cực đối với đời sống xã hội. Các thiền sư đã trở thành những bậc trí giả có nhiều đóng góp quan trọng đối với triều đại Đinh - Tiền Lê.
Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm Phật giáo thế kỷ X - XI ở nước ta.
                                           N.N.N

Chú thích:
1. Lịch sử Việt Nam Nxb. KHXH, H., tr.114.
2. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Văn hóa - Thông tin, tr.205.
3. Thiền uyển tập anh. Phân viện nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H. 1994.
4. Lịch sử Việt Nam. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn… Nxb. Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, H. 1991, tr.257.
5Nguyễn Hùng Hậu: Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Tập I. Nxb. KHXH, H. 2002.
6. Theo Hà Văn Tấn: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư - Nghiên cứu Lịch sử, số 76, tháng 7/1965.
Hà Văn Tấn: Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa LưKhảo cổ học số 5-6 tháng 6/1970.
7. Chùa Ninh Bình. Lã Đăng Bật, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2007./.
Tác giả gửi cho VHNA

Đô thị Hoa Lư là một thành quân sự

Đô thị Hoa Lư là một thành quân sự


Kienviet
Người đầu tiên sáng lập kinh thành Hoa Lư cũng chính là vị vua sáng nghiệp triều Đinh – Đinh Tiên Hoàng. Nhà vua, trước đóng kinh đô ở thôn Đàm (nay là thôn Đàm Xá, xã Gia Tiên, huyện Gia Viễn) nhưng ở đây đất chật hẹp không có thế hiểm nên Đinh Tiên Hoàng chuyển đến dựng kinh đô mới ở Hoa Lư, đắp thành, đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi…
Khai thác lợi thế quân sự được ưu tiên số một
Đinh Bộ Lĩnh, người sáng lập đô thị Hoa Lư và Lê Hoàn, người tiếp tục sử dụng Hoa Lư đều là những nhà quân sự. Vì lẽ đó mà với đô thị Hoa Lư khai thác lợi thế quân sự được ưu tiên số một. Đô thị Hoa Lư là một thành quân sự, một căn cứ thủ hiểm. Địa thế tự nhiên Hoa Lư đáp ứng rất tốt việc phòng thủ, bảo vệ chính quyền non trẻ của một chính thể vừa ra khỏi đêm trường Bắc thuộc hơn một nghìn năm qua.
Diện tích khu thành Hoa Lư khoảng 300ha, chia làm 2 khu vực: Khu thành ngoại và khu thành nội, với tất cả 10 trường thành nhân tạo. Khu ngoại thành khoảng 140ha và 5 tường thành thuộc thôn Yên Thượng và Yên Thành thuộc xã Trường Yên. Diện tích khu thành nội cũng khoảng 140ha. Hiện nay là thôn Chi Phong, xã Trường Yên và cũng có 5 tường thành. Thành nội và thành ngoại là hai khu vực cách biệt nhau, được nối với nhau bằng một ngách núi mà dân địa phương gọi là Quèn Vông. Những tường thành (5 khu nội và 5 khu ngoại thành) dài ngắn khác nhau tuỳ theo khoảng cách giữa hai dải núi mà người ta cần đắp để nối liền chúng lại. Tường thành dài nhất là tường Dền nối từ núi Sau Cái sang núi Cánh Hàn, dài 500m. Còn tường thành ngắn nhất là tường Bim, nối từ núi Mồng Mang tới núi Cổ Giải dài 65m.
Ngoài khu thành nội và thành ngoại nói trên, còn một khu thành nữa nằm về phía Nam, rộng khoảng 100ha. Đó là khu thành Nam, nối với khu thành ngoại bằng đường thuỷ, theo sông Trường qua sông Luồn và bằng đường bộ qua Quèn Trung Mộc.
Như vậy, kinh thành Hoa Lư, bao gồm thành nội, thành ngoại và thành Nam có chu vi trên 10km, với diện tích 400ha là một khu thành khá độc đáo ở Việt Nam. Những người sáng lập kinh thành, đô thị Hoa Lư là vua Đinh rồi vua Lê, triệt để dựa vào địa hình tự nhiên rồi xây thành đắp luỹ, tạo nên kinh thành, không khác biệt nhiều so với việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa trước đó. Thành Hoa Lư có ba khu vực riêng biệt nhưng gắn bó. Để bảo vệ Hoa Lư, lại còn có một loạt cứ điểm phòng ngự từ xa đến gần và ở tất cả các mặt. Điểm nổi bật của toà kinh thành này là mang tính chất quân sự.
Đấy là kinh thành – quân thành Hoa Lư, tức là về phần đô của đô thị Hoa Lư. Còn phần thị ở đâu và có hay không?

Hình ảnh mô tả về cố đô Hoa Lư.
Phát hiện nhiều chứng tích quan trọng của một khu cư dân
Năm 1963, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở phía ngoài thành Hoa Lư, cách trung tâm kinh thành khoảng 2km về phía Bắc nhiều chứng tích quan trọng của một khu cư dân sầm uất bị vùi trong lòng đất ở độ sâu từ 1 – 3, 4m. Và sau đó rất nhiều khu dân cư – tức phần thị của Hoa Lư được phát hiện.
Dấu tích dân cư cổ nằm ven bờ sông Hoàng Long, kề sát với thành Hoa Lư. Những di vật của cư dân sống ở đây là đồ đất nung, gốm tráng men, gồm đồ dùng, đồ đựng (bát, đĩa, bình, vò, liễn, chậu, nồi niêu…). Một số có trang trí hoa văn: hoa sen, hoa cúc, có ghi chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyển”, Giang Tây quận”, “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái bình tứ niên tạo”. Rất nhiều đồng tiền cổ từ thời Đường (618 – 790); Thời Tống (956 – 1284), tiền thời nhà Lý (1010 – 1225), thời Trần (1225 – 1400) và tiền thời Lê (1428 – 1527). Trong một chiếc liễn men vàng vẽ nâu, tìm thấy vết xương người hoả táng và tiền Khai nguyên thông bảo (đầu thế kỷ VIII).
Dấu vết kiến trúc ở đây khá rõ nét. Những di tích còn lại là gạch ngói, chân đá tảng, cột gỗ và đặc biệt là các cột kinh Phật có khắc chữ Phạn (chữ Ấn Độ cũ) cùng với chùa chiền và sinh hoạt tôn giáo. Con trai Đinh Tiên Hoàng là Đinh Liễn đã tạo dựng 100 cột kinh năm Quý Dậu 973 và bài kinh được khắc vào cột đá là “Phật đỉnh tôn thắng đà la ni” (một kinh phổ biến của Phật giáo Mật tông).
Như vậy, khu dân cư, phần “thị” của đô thị Hoa Lư đã tồn tại và phát triển. Phần “thị” ở ven sông Hoàng Long là một nguyên nhân và điều kiện để những người sáng lập và vận dụng Hoa Lư hồi thế kỷ X dựa vào cùng với thế hiểm của thung lũng Hoa Lư mà xây dựng nên đô thị Hoa Lư. Căn cứ vào tuổi của các di vật ta có thể biết được rằng: Khu vực này hình thành từ thời Bắc thuộc và tồn tại cho đến thời Lê. Sau khi Lý Công Uẩn dời kinh về Thăng Long, đô thị – kinh thành Hoa Lư dần bị lụi tàn, dân cư ngoài thành có thể đã dời vào chiếm lĩnh toà kinh thành hoang phế, biến nó thành một tụ cư nông thôn, trước khi hình thành một xã (xã Trường Yên) hiện nay.
Theo Bee


Đọc "Kinh đô Hoa Lư xưa và nay"

Đọc "Kinh đô Hoa Lư xưa và nay"


Đoàn “Hành hương về nguồn cội” cùng tác phẩm
Đoàn “Hành hương về nguồn cội” cùng tác phẩm "Ước nguyện ngàn năm Thăng Long" dâng hương tại đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Phạm Trường

Từ nhiều năm nay, những cuốn sách viết về Cố đô Hoa Lư trên các đề tài riêng lẻ như: Nhân vật, sự kiện, danh thắng đã được phát hành rộng rãi.







Nhưng để có một cái nhìn tổng quan mà cụ thể, hấp dẫn về miền đất địa linh Hoa Lư - kinh đô của Nhà nước phong kiến tập quyền đầu tiên của nước ta thì cuốn "Kinh đô Hoa Lư xưa và nay" do Nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc ấn hành - chào mừng Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Hoa Lư - Thăng Long - Hà Nội của tác giả Lã Đăng Bật là một cuốn sách quý, không chỉ đối với các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, Việt Nam học mà còn góp phần thỏa mãn lòng ngưỡng mộ của thập phương du khách một khi về thăm Cố đô Hoa Lư.

Trong hơn năm trăm trang, sách đã dành gần 200 trang viết về Kinh đô Hoa Lư xưa như: Vị trí, diện tích, thành trì, cung điện, kho tàng, ngục thất, chùa chiền, sông, núi, cầu, trạm gác, hệ thống giao thông ra vào Kinh đô; giới thiệu tóm tắt nhưng đầy đủ về quê hương, gia đình và thân thế sự nghiệp huy hoàng, nhưng cũng nhiều tang thương của Vạn Thắng Vương - Đinh Bộ Lĩnh. Chân dung nước Đại Cồ Việt đã được khắc họa sâu bởi các nội dung: Xây dựng Nhà nước - tổ chức bộ máy, niên hiệu, dân số; việc xây dựng quân đội, ổn định và phát triển kinh tế, văn hóa, tôn giáo, quan hệ ngoại giao; những danh nhân tiêu biểu.

Tác giả đã dày công sưu tầm, xem xét, suy kết làm nổi bật vai trò, giá trị lịch sử, văn hóa của mỗi triều đại từ đời Vua Đinh Tiên Hoàng (968-979) đến Lê Long Đĩnh (1005-1009). Chỉ riêng đọc phần này, độc giả đã gặp nhiều nhận xét mới lạ nếu không muốn nói là bất ngờ trong nền "Chính Thống Thủy" Đại Cồ Việt ở Hoa Lư. Chẳng hạn như: "Khai sinh ra nghệ thuật sân khấu chèo dân gian ở Việt Nam"; "Hình thành nghệ thuật xiếc". "Theo sử cũ, ở thời Đinh, cùng với phường chèo, đã xuất hiện một gánh xiếc chuyên nghiệp. Trùm xiếc là một pháp sư" (Tr 74; 75). "Vua Lê Đại Hành, người có công đầu phát triển hệ thống giao thông thủy và bộ ở Việt Nam" (Tr115), không những thế "Vua Lê Đại Hành là người khơi nguồn ra pháp chế ở nước ta" và "góp phần khai sinh văn học viết ở Việt Nam" (Tr116; 117...).

Gắn liền với việc "xuất thánh minh" của Vua Lý Thái Tổ và công cuộc dời đô từ Hoa Lư đến Hà Nội ngày nay, sách đã nêu bật bối cảnh lịch sử, lý do chủ quan, khách quan làm sáng tỏ tầm vóc "đức tuệ vô song" của một vị vua mở đầu triều Lý. Đồng thời, nêu rõ tính kế thừa và phát triển liên tục giữa hai thềm đất Hoa Lư và Hà Nội.

Phần hai, vẫn bằng cách soi chiếu lịch sử để khái quát các giá trị văn hóa của Cố đô Hoa Lư. Người đọc được biết đến "Tường thành thiên nhiên", "Dấu vết các tường thành nhân tạo", "Nền sân cung điện xưa" và chùa Bái Đính trong quần thể Cố đô Hoa Lư nay đã và đang hình thành một "Khu tâm linh lớn nhất Việt Nam" (Tr177). Không những thế sách còn viết khá tỉ mỉ về quá trình xây, sửa, kiến trúc, tượng thờ, nội dung thờ tự, văn bia liên quan của 2 ngôi đền thờ Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành, cùng 3 ngôi đền khác: Đền thờ công chúa Phất Kim (với những dòng chữ thấm đẫm bi kịch thời đại và lòng cảm kích trước tiết nghĩa phi thường của người con gái Vua Đinh), đền Trần và đền Vực Vông.

Đáng chú ý là cuốn sách đã tập hợp, giới thiệu sâu về 10 ngôi chùa được xây dựng từ thời Đinh, tiền Lê: Chùa Nhất Trụ, chùa Am, chùa Đìa, chùa Bà Ngô, chùa Thủ, chùa Ngần, chùa Bàn Long và 3 chùa được làm trong động - chùa: Am Tiên, Hoa Sơn, Thiên Tôn mà lâu nay nhiều phật tử chưa có dịp biết đến đầy đủ. Hơn nữa, sách còn cho ta biết đến 12 phủ thờ các bậc "võ tướng, công thần" cùng các hoàng tử, công chúa của hai triều Đinh - Lê; những hang, động thuộc quần thể Cố đô như hang Quàn, hang Tiền, động Xuyên thủy, động Long ẩn... bấy nay vốn là danh thắng độc đáo, gọi mời lữ khách mỗi dịp du lịch Hoa Lư, Ninh Bình.

Ở phần phụ lục, sách đã chọn đăng 13 bài thơ của các nhà thơ: Tố Hữu, Huy Cận, Chế Lan Viên, Trần Đăng Khoa... Trương Minh Phố và Mạc Khải Tuân thể hiện tấm lòng "ôn cố, tri tân" qua các tứ thơ đầy hào sảng và chiêm nghiệm về khí thiêng Đại Việt từ Cố đô Hoa Lư hôm qua, hôm nay và mai sau.

Bằng tâm huyết của một người con quê hương Ninh Bình, sau nhiều năm tích lũy, nghiên cứu, sưu tầm các tư liệu và điền dã, tác giả Lã Đăng Bật đã gửi tới bạn đọc một cuốn sách dày dặn, cô đọng về nội dung, với nhiều suy ngẫm và phát hiện, làm sáng tỏ thêm những giá trị thâm sâu của các di tích, các nhân vật lịch sử thuộc "Kinh đô Hoa Lư xưa và nay".

Minh Tuân
 




KINH ĐÔ HOA LƯ: THỦ ĐÔ CỦA NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT

KINH ĐÔ HOA LƯ: THỦ ĐÔ CỦA NƯỚC ĐẠI CỒ VIỆT
Cố đô Hoa Lư thuộc địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, cách Hà Nội chừng 100km về phía nam theo Quốc lộ 1A; là kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến trung ương tập quyền Việt Nam. Kinh đô Hoa Lư rộng khoảng 300ha, bao gồm Thành Ngoại và Thành Nội. Đây là một quân thành vững chắc gồm những dãy núi đá vôi và các tường thành nhân tạo đan xen, nối liền với nhau.
Kinh đô Hoa Lư tồn tại 42 năm (968 - 1010), trong đó 13 năm (968 - 980) là triều đại Đinh, 29 năm tiếp theo là triều đại Tiền Lê (980 - 1009). Đầu tháng 11 năm 1009, Lý Công Uẩn lên ngôi vua cũng chính tại mảnh đất kinh đô Hoa Lư lịch sử này. Tháng 7 (âm lịch) năm Canh Tuất (1010) Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Từ đó kinh đô Hoa Lư trở thành Cố đô.
Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi hoàng đế, gọi là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt. Đinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư, một vùng núi non kỳ vĩ và hiểm trở làm thủ đô. Có thể nói, kinh đô Hoa Lư là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên...
Đại Việt sử lược ghi: “Đến năm thứ nhất niên hiệu Khai Bảo (968) đời vua Triệu là Tống Thái Tổ, vương xưng hoàng đế ở động Hoa Lư. Rồi dựng cung điện, chế triều nghi, sắp đặt trăm quan, lập xã tắc và tôn hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế”. Tại đây, ông cho xây cung điện, đặt triều nghi, đắp thành, đào hào, dựa vào thế núi xây dựng một công trình phòng ngự kiên cố như một pháo đài hiểm, biệt lập với bên ngoài. Kinh đô Hoa Lư được bao quanh bởi hàng loạt núi đá vòng cung, cảnh quan hùng vĩ. Khoảng trống giữa các sườn núi được xây kín bằng đất ken gạch, chân thành có gạch bó, đắp cao từ 8-10m, hiện vẫn còn dấu vết của nhiều đoạn tường thành.
Vua Đinh Tiên Hoàng đã biết khai thác triệt để thiên nhiên phục vụ cho con người. Lối kiến trúc này tiết kiệm tối đa sức người sức của. Có thể nói, kinh đô Hoa Lư là một quân thành vững chắc do thiên nhiên và con người làm nên. Phía Bắc thành nằm bên sông Hoàng Long nên đường giao thông thủy rất thuận tiện. Khu vực Thành Ngoại, nay thuộc địa phận thôn Yên Thượng, Yên Thành, xã Trường Yên, là cung điện chính, nơi vua Đinh cắm cờ nước, hiện là đền thờ vua Đinh, vua Lê. Trước cung điện có núi Mã Yên, tương truyền, vua Đinh Tiên Hoàng lấy núi này làm án. Tại thôn Yên Thành hiện vẫn còn nhiều đền, chùa là một phần kiến trúc trong khu cung điện chính. Đó là chùa Nhất Trụ, được xây từ đời vua Lê Đại Hành, trước cửa chùa có cột Kinh bằng đá, cao 4,16m hình tám cạnh, khắc bài kinh Lăng Nghiêm do nhà vua làm để dâng nhà Phật, tạo nên vẻ đẹp tâm linh, thánh thiện và để chuyển tải sinh lực vũ trụ. Liền đó là đền Phất Kim - thờ con gái thứ ba của vua Đinh Tiên Hoàng, nàng công chúa thà nhảy xuống giếng tự vẫn chứ không chịu theo người chồng phản tặc chống lại vua cha. Trong khu Thành Ngoại xưa hiện vẫn còn nhiều chùa cổ khác, đều được xây dựng từ thời nhà Đinh như chùa Đìa, chùa Tháp, Bà Ngô. Khu Thành Nội rộng hơn, ăn thông với Thành Ngoại bằng một ngách núi, gọi là Quèn Vòng với những cầu Đông, cầu Rền... bằng đá, làm nơi nuôi trẻ em và kho chứa. Bên ngoài thành có nhiều trạm gác bảo vệ. Kinh thành nằm giữa những quả núi lớn bao bọc xung quanh, mang nặng tính chất quân sự, vị trí kín đáo, thuận lợi cho việc phòng thủ, tiến công, lại xa biên thùy, khó khăn trong việc giặc phương Bắc tìm hiểu, mở những đợt tấn công chớp nhoáng.
Bản đồ Hoa Lư
Phía đông bắc thành có núi Cột Cờ, xưa là nơi vua Đinh cắm cờ nước, gần đó là nơi vua đứng để duyệt thủy quân trên sông Sào Khê. Phía đông nam khu Thành Ngoại còn có động Am Tiên trên lưng chừng núi, xưa là nơi vua Đinh nuôi nhốt hổ báo để trừng trị những kẻ có tội, còn ngay dưới chân núi là Ao Giải, nơi vua nuôi giải để ném những kẻ có tội xuống ao cho giải ăn thịt. Ngoài ra còn có hang Muối, hang Tiền... là nơi vua cất giữ lương thực, ngân khố...
Tất cả núi sông và khu vực thành cổ nhấp nhô do thiên tạo và nhân tạo, giống như một vịnh Hạ Long trên cạn đã hình thành một quần thể kiến trúc trang nghiêm, đồ sộ, khoáng đạt mà không một kinh đô cổ nào có được. Tới đời Tiền Lê, khi Thái Hậu Dương Vân Nga thấy hiểm họa giặc ngoại xâm đang đe dọa mà vua Đinh Toàn còn ít tuổi, không thể lãnh đạo cuộc kháng chiến đã suy tôn Lê Hoàn lên làm vua, vua Lê Đại Hành đã cho xây thêm nhiều cung điện lộng lẫy, làm kinh đô Hoa Lư càng hoàn chỉnh. Suốt 42 năm tồn tại (968-1010), kinh đô Hoa Lư chủ yếu là đại bản doanh của hai vị vua kiêm Tổng tư lệnh quân đội: Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành. Đó cũng là nơi ra đời của một vương triều mới: nhà Lý. Khi dời đô ra thành Đại La (Thăng Long), để tưởng niệm công lao đặt nền móng xây dựng độc lập tự chủ của đất nước và nhớ đến cố đô Hoa Lư, Lý Thái Tổ đã lấy tên một số cầu, chùa ở kinh đô Hoa Lư đặt cho nhiều khu vực ở Thăng Long và vẫn tồn tại đến tận ngày nay như: Ô Cầu Dền, phố Tràng Tiền, chùa Một Cột...
Ngày nay, đến cố đô Hoa Lư, du khách không những được thăm lại những đền chùa cũ, những động xưa còn nguyên vẹn đến ngày nay mà còn thấy cả nhiều vết tích của kinh đô đá. Khu vực chính trong kinh thành xưa, nhân dân ta đã xây dựng đền thờ vua Đinh, vua Lê với những kiểu kiến trúc độc đáo, tinh xảo, gợi nhớ cung điện xưa lộng lẫy vàng son nhưng vẫn đậm chất dân gian; nghệ thuật chạm khắc trên gỗ, đá rất điêu luyện, công phu. Ngay trước đền Đinh, trên đỉnh Mã Yên Sơn cao tới 265 bậc là lăng mộ vua Đinh, nơi nhân dân đã đưa thi hài vua lên an táng để con người bất tử đó vẫn như còn ngồi trên yên ngựa để cứu dân, cứu nước. Từ đây, du khách có thể phóng tầm mắt bao quát hết cả cố đô, thấy rõ từng ngọn núi, dòng sông với bao huyền thoại kỳ bí. Cùng với những di tích trên mặt đất, gần đây ngành khảo cổ đã phát hiện và khai quật dưới tầng đất giữa hai đền vua Đinh, vua Lê vốn là nền cung điện cách đây trên 1.000 năm nhiều hiện vật quý giá, minh chứng cho những công trình kiến trúc của cố đô Hoa Lư và trình độ phát triển về kiến trúc, nghệ thuật, kinh tế, văn hóa xã hội của dân tộc Việt thời bấy giờ.