Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Những điềm báo mệnh đế của vua Lý Thái Tổ


Những điềm báo mệnh đế của vua Lý Thái Tổ

(Thâm cung bí sử) - Lý Công Uẩn (974 - 1028) là người khai mở 9 đời vua Hậu Lý. Cũng là vị vua có nhiều công trạng với nước, với dân khi xác lập nên một triều đại thịnh trị trong lịch sử nước nhà, tạo điều kiện cho Phật giáo phát triển, lại dựng nên “đất đế đô muôn đời” Thăng Long cho hậu thế theo về. Quanh mệnh đế vương của vị vua đầu triều Lý, sử sách, nhân gian cho chúng ta biết trước khi lên ngôi vua, đã có rất nhiều điềm báo, nhiều dự đoán về hậu vận sáng rõ cho ngôi đế vương của ông..
Lý Công Uẩn là một người có xuất thân mờ ảo, không rõ ràng (có thuyết cho rằng ông không có cha, nhưng trong Đại Việt sử ký tiền biên có chép tháng 2 năm Mậu Ngọ (1018) vua “phong bà nội là hậu và đặt thụy hiệu”), lúc nhỏ làm chú tiểu trong chùa rồi theo thời thế mà được lòng người, lên ngôi cao trị nước, giúp đời.
Theo Đại Việt sử ký tiền biên, Lý Công Uẩn được bà Phạm Thị sinh ra. Khi Công Uẩn được 3 tuổi, mẹ ông mới giao cho sư Lý Khánh Văn nuôi. Đến năm lên 7, Khánh Văn gửi Công Uẩn cho anh mình là sư Vạn Hạnh ở chùa Lục Tổ (tức chùa Trường Liêu, huyện Tiên Sơn, Bắc Ninh) dạy dỗ.
Lần đầu tiên thấy chú tiểu nhỏ đầu không chỏm tóc, sư Vạn Hạnh vốn là nhà tiên tri đã phán rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ”.
Quả thật lời Vạn Hạnh không sai chút nào. Càng lớn lên, chân mệnh đế vương và cốt khí của một vị vua sáng cứ dần hiển hiện rõ qua cách đối nhân xử thế của Lý Công Uẩn.
Trong tác phẩm Nôm Việt sử diễn âm ra đời khoảng giữa thế kỷ XVI có chép lại rằng, khi mẹ Lý Công Uẩn mang ông tới gặp sư Lý Khánh Văn năm 3 tuổi thì:
Chó đồng trong cửa cắn ra,
Khánh Văn mới hỏi này là sự duyên.
Lão nhân ngày xưa đã truyền,
Chó đồng hễ cắn thánh nhân đến nhà…
Dân gian đều biết chó là con vật trung thành, có chức năng giữ nhà. Ở nơi thiền môn hoặc hoặc cổng nhà, cổng làng thường đặt chó đá để giữ gìn gia trạch, cũng là mang điềm may đến nhà. Ở bài thơ trên, Lý Khánh Văn được ông cha để lại cho một vật quý gia truyền, đó là con chó bằng đồng, một linh vật, và dặn rằng khi nào chó đồng sủa ắt là có thánh nhân đến nhà (trong Thiên Nam ngữ lục cũng ghi lại việc có nét tương đồng so với Việt sử diễn âm nói ở trên:
Bấy giờ Khánh Văn thấy ứng nghiệm, nên đã “ba bảy chạy ra” ẵm chú bé Lý Công Uẩn vào nhà. Sau này, chú bé đó trở thành con của nghĩa phụ Lý Khánh Văn như chúng ta đã biết. Cũng trong Việt sử diễn âm, có hai câu thơ:
Nơi nằm thấy hiện Hoàng long
Khánh Văn xem thấy trong lòng mừng thay.
Đó là lúc chú bé Lý Công Uẩn nằm ngủ, được rồng bao phủ quanh như bảo vệ cho vị thiên tử tương lai và được Lý Khánh Văn quan sát thấy. Điều này có chút nào đó cũng giống như trường hợp của Lê Hoàn trước đó làm con nuôi của vị quan nhà Lê, khi ngủ cũng được rồng ấp.
Vua Lý Công Uẩn trên phim
Vua Lý Công Uẩn trên phim
Điềm báo này cũng cho thấy tương lai một mai của chú bé Lý Công Uẩn là người ở ngôi cao thiên hạ, có mệnh đế vương. Bởi thế nên sau này, sư Lý Khánh Văn quyết định đem Lý Công Uẩn cho anh mình là sư Vạn Hạnh nuôi nấng, dạy dỗ để đào tạo thành người có đủ tài sức gánh vác việc quốc gia.
Lại nói, sau khi trao Lý Công Uẩn cho sư Lý Khánh Văn ở chùa Cổ Pháp làm con nuôi rồi từ biệt ra đi. Bà Phạm Thị quanh quẩn ở khoảnh rừng rậm vùng Cổ Pháp (tương truyền là khu rừng Báng) rồi bị ốm đột ngột mà chết, xác bà được kiến vùi thành mộ cao bảy tám thước.
Theo quan niệm của đời xưa, nếu mộ của thân quyến nhà ai mà được mối, kiến đùn tạo thành thì thường đó là ngôi mộ phát vương, phát đế. Trường hợp này về sau còn thấy ở mộ vợ của vua Lê Thái Tổ trong khởi nghĩa Lam Sơn, rồi mộ mẹ của chúa Trịnh Kiểm… điều đó cũng báo trước phần nào chân mệnh đế vương của chàng trai Lý Công Uẩn về sau.
Năm Ất Tỵ (1005), Lý Công Uẩn đang làm ở cấm quân của nhà Tiền Lê. Lúc ấy, đương là mùa đông, tháng 10, Thái tử Long Việt sau 8 tháng chống lại cuộc chiến giành ngôi báu với các em thì lên ngôi, tức vua Lê Trung Tông.
Nhưng nghiệt thay, vua Lê Trung Tông Long Việt chỉ ngồi ngai vàng được ba ngày, Lê Long Đĩnh em vua đã sai bọn kẻ cướp trèo tường vào trong cung hạ sát anh để cướp ngai vàng.
Các bề tôi mất vua thì chạy trốn như ong vỡ tổ. Nhưng Lý Công Uẩn lúc ấy là quan dưới trướng vua yểu mệnh Trung Tông, chẳng màng xung quanh là bọn tay chân của Long Đĩnh, cứ ôm xác vua Trung Tông mà khóc than thương xót mãi không thôi.
Long Đĩnh dù là kẻ bạc ác, nhưng thấy thế cũng cảm động khen ông là người trung thành, đến khi lên làm vua thì thăng Lý Công Uẩn lên cho làm Tứ sương quân phó Chỉ huy sứ, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ.
Xét việc ôm xác vua Lê Trung Tông của ông trong khi bè lũ kẻ cướp ngôi đang vây quanh mà không hề run sợ, việc làm đó thể hiện phần nào cái chí của kẻ làm trai, dù nguy biến vẫn vững như bàn thạch, chẳng màng sống chết. Chỉ có người kiệt hiệt khác đời mới thế.
Vốn Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất (974) niên hiệu Thái Bình thứ năm thời vua Đinh Tiên Hoàng (924 - 979). Trước đó, ở viện Cảm Tuyển (hoặc Hàm Toại) chùa Ứng Thiên Tâm, châu Cổ Pháp quê của ông có con chó đẻ con sắc trắng có đốm lông đen thành hình hai chữ “Thiên tử”.
Kẻ thức giả khi nhìn thấy thì gieo quẻ mà bói, rồi nói đó là điềm năm Tuất sinh người làm thiên tử. Quả nhiên sau này Lý Công Uẩn sinh năm Giáp Tuất lên làm thiên tử, ứng với lời tiên liệu trước kia.
Vạn Hạnh bèn nói với vua rằng: “Gần đây tôi thấy bài sấm văn lạ, biết nhà Lê đương mất mà nhà Nguyễn (tức nhà Lý, sau khi nhà Lý mất Trần Thủ Độ lấy cớ kỵ húy tổ họ Trần tên Lý, bắt tôn thất nhà Lý dời sang họ Nguyễn) đương lên.
Họ Nguyễn lại không có ai khoan hòa, nhân hậu và trung thứ như ông, nên rất được lòng dân. Nay tuổi của tôi đã hơn 70 rồi, chỉ sợ không kịp thấy sự thịnh trị mà lấy làm giận”. Vua sợ lời nói tiết lộ ra nên bảo Vạn Hạnh vào ẩn ở Ba Sơn (núi Ba Sơn ở Tiên Sơn, trên núi có chùa Cảm Ứng là nơi Vạn Hạnh trụ trì)”.
Sư Vạn Hạnh tán riêng rằng: “Hòa đao mộc” là chữ Lê. “Thập bát tử” là chữ Lý. “Đông A” là họTrần. “Nhập địa” là giặc Bắc phương vào lấn cướp. “Dị mộc tái sinh” là họ Lê lại nổi lên. Ý nói họ Lê đổ, họ Lý lên, trong khoảng sáu bảy năm, thiên hạ thái bình”. Rồi Vạn Hạnh bảo Công Uẩn:
“Gần đây suy đoán lời sấm, thì họ Lý chắc khởi nghiệp lớn”. Sợ lời đó lộ liễu, Công Uẩn sai người giấu sư Vạn Hạnh đi; nhưng cũng lấy thế làm tự phụ. Ngoạ Triều thường ăn quả khế, thấy có hạt mận (chữ Lý cũng có nghĩa là cây mận), lại ngẫm nghĩ đến lời sấm nên ngầm tìm dòng dõi họ Lý mà giết đi: nhưng Công Uẩn ở ngay bên mình, thế mà không biết”.
Cho dù việc sét đánh cây gạo để lộ chữ điềm báo chắc chắn chẳng phải do quỷ thần làm nên, chỉ bởi người đời cảm cái đức lớn của ông mà báo mệnh theo về. Nhưng cũng cho thấy rằng, phải như thế nào ở con người Lý Công Uẩn, mới được lòng người, mệnh trời cảm biến như thế.
Bởi vậy, sau khi Ngọa Triều vắn số lúc mới 24 tuổi vào năm Kỷ Dậu (1009), con cái lại còn nhỏ, thì người đầu tiên được triều thần muốn tôn lên làm vua, đổi mới đất nước khỏi ách trướng mà Ngọa Triều để lại chính là quan Điện tiền Lý Công Uẩn chứ không ai khác.
Thế nên, không phải chỉ lời của Đào Cam Mộc khi kêu gọi tôn Công Uẩn lên làm vua là lời tâng bốc suông, mà thực sự đó là lòng muôn dân muốn theo về một vị vua mới đủ đức, đầy tài trị nước yên dân. Xét việc ghi lại trong sử cũ còn rõ như ban ngày:
“Kịp khi Ngoại Triều mất, vua kế tự còn thơ ấu; Công Uẩn vào túc trực ở trong cung, chi hậu Đào Cam Mộc nhân dịp, nói:
- Mới đây, chúa thượng là người mờ tối, tàn bạo, lòng trời ghét bỏ. Con kế tự hãy còn trẻ thơ, không cáng đáng nổi lúc nước nhà lắm nỗi hoạn nạn. Dân tình đâu đấy nhao nhao, cũng muốn kiếm được một vị chân chúa.
Quan thân vệ sao không nhân lúc này, nghĩ ra mưu cao, quyết đoán sáng suốt, trông gương Thang, Vũ ngày xưa, theo lối Đinh, Lê gần đó, trên thuận lòng trời, dưới theo nguyện vọng của dân, còn khư khư giữ tiểu tiết làm chi nữa?.
Công Uẩn thấy nói, trong bụng bằng lòng, nhưng bề ngoài vẫn cứ giả vờ trách móc Cam Mộc. Hôm sau, Cam Mộc lại nói:
- Người trong nước bây giờ đều biết họ Lý chắc khởi nghiệp, lời sấm đã rõ rệt rồi, không còn che giấu được nữa. Đổi vạ ra phúc, chỉ ở chốc lát bây giờ. Quan thân vệ lại còn ngờ gì nữa?.
Công Uẩn nói:
- Tôi biết ý ông không khác ý thầy Vạn Hạnh. Nếu quả như lời, thì mưu tính sao?.
Cam Mộc nói:
- Quan thân vệ là người công bằng, rộng lượng và nhân đức, được lòng mọi người. Hiện nay trăm họ kiệt quệ, mệt mỏi không chịu đựng nổi chính lệnh triều đình. Quan thân vệ nhân dịp này, đem ân đức vỗ về họ, chắc họ sẽ đổ xô theo về như nước chảy chỗ trũng, còn ai ngăn cản được?.
Cam Mộc sợ việc chậm lại, sẽ sinh biến chăng, mới đem việc đó nói với khanh sĩ và các quan, thì không ai dám có ý gì khác cả. Ngay hôm ấy, mọi người hội họp ở nhà triều đường, cùng nhau bàn rằng:
Ngày nay, đối với nhà Lê, ức triệu người đều khác lòng, quan và dân đều lìa bỏ. Nếu không nhân dịp này, tôn quan thân vệ lên làm thiên tử, lỡ có biến cố gì xảy ra, thì bọn ta liệu có giữ được khỏi mất đầu không?
Bấy giờ các quan mới cùng nhau phò Công Uẩn đến nhà chính điện lên ngôi hoàng đế. Trăm quan thụp lạy, đâu đấy tung hô “vạn tuế”. Công Uẩn đại xá cho cả nước, lấy sang năm làm năm đầu một niên hiệu mới.
Đốt hết lò lưới (Ý nói ơn đức vua mới nhuần thấm đến cả chim muông), xóa bỏ việc tù ngục và kiện tụng; xuống chiếu cho phép từ nay hễ ai có việc tranh giành thưa kiện, được đến tận triều đình mà tâu bày, nhà vua sẽ thân ra phân xử” (Theo Khâm định Việt sử thông giám cương mục).
Trong cuốn Thiền uyển tập anh (Anh tú vườn thiền), một tác phẩm về Phật giáo được khắc in thời nhà Trần năm Đinh Sửu (1337), bao gồm 68 truyện tiểu sử thiền sư và tàng trữ nhiều giá trị thi ca từ khoảng thế kỷ VI đến hết đời Lý, cũng cung cấp cho chúng ta thêm một cứ liệu về dự đoán cho ngôi thiên tử của Lý Thái Tổ, và người dự đoán ấy là đệ tử của Thiền sư Khuông Việt (933 - 1011) nổi tiếng một thời. Ông chính là Thiền sư Đa Bảo.
Thiền sư Đa Bảo vì nghe tiếng Khuông Việt mà tìm về chùa Khai Quốc theo học. Bản tính thông minh, cẩn thận nên được Thiền sư Khuông Việt nhận làm đệ tử.
Học với thầy đến khi thông tinh Phật pháp, Đa Bảo không ở lại chùa Khai Quốc, mà một mình tiêu du khắp nơi, khi đến chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng, thuộc Tiên Du, Bắc Ninh ngày nay thì dừng lại ở đó. Vốn đây là đất bản quán của Lý Công Uẩn nên duyên kỳ ngộ của hai người cũng vì đó mà nên.
Trước khi Đa Bảo đến chùa Kiến Sơ, thì xưa Thiền sư Chí Thành ở chùa Kiến Sơ lập nhà thờ thần thổ địa ở mé bên phải của chùa làm chỗ thanh tịnh để niệm Phật tụng kinh.
Ngày tháng qua đi, phần lớn đã làm mất dấu cũ của nó, nên Sa môn thiền sư không đâu mà biết được. Dân ở đó ưa thờ quỷ, đốt hương cầu đảo, gọi bậy nơi này là dâm từ. Đến khi Thiền sư Đa Bảo trùng tu chùa, cho chỗ thờ là dâm từ, muốn phá hủy đi.
Cũng theo tương truyền, cái duyên kỳ ngộ của Lý Công Uẩn và Thiền sư Đa Bảo không phải đến câu chuyện trên mới có mà bắt nguồn từ thời Tiền Lê, có câu sấm nói rằng một người họ Lý dưới chân có chữ Vương sau này sẽ thay thế họ Lê, vua Lê Đại Hành bèn truy tìm người như vậy để giết đi.
Bởi dưới chân Lý Công Uẩn có chữ Vương, nên ông phải tìm về chùa Kiến Sơ lẩn trốn để khỏi bị phát hiện. Bấy giờ truyền thừa dòng thiền Vô Ngôn Thông là Đa Bảo đã giấu kín Lý Công Uẩn trong một cái hang bí mật dưới điện Phật.
Lấy lý do người tu hành theo thiền phái này là phải học hạnh im lặng (vô ngôn) nên quan quân đến hỏi câu gì sư cũng không nói. Cũng gần tương tự như thuyết này, ở Đại Nam nhất thống chí lại có một câu chuyện có đôi chút dị biệt so với lời vừa dẫn.
Khi Lý Công Uẩn lên ngôi, cảm cái ơn đoán mệnh tương lai của Đa Bảo nên nhiều lần cho triệu sư vào cung, hỏi bàn yếu chỉ của Thiền. Cả đến công việc chính trị của triều đình, sư Đa Bảo đều dự phần giải quyết.
Lý Thái Tổ còn cho người trùng tu chùa Kiến Sơ, lại đắp cả tượng thờ thần cùng tướng hầu. Nhiều người còn ngờ rằng, cũng chính Đa Bảo đã dự đoán hậu vận của nhà Lý về sau.
Ngoài những điềm báo cho mệnh đế vương của Lý Công Uẩn được chép ở trên, khi đọc trong Đại Nam nhất thống chí, quyển XIX, phần tỉnh Bắc Ninh, ở mục Đền miếu, tác giả cũng lượm lặt thêm đươc một tích nói về điềm báo đế vương của vị vua khai mở nhà Hậu Lý, và việc này liên quan đến vua khai mở triều Lê: Lê Đại Hành.
Theo như ghi chép trong Đại Nam nhất thống chí thì trước khi làm quan nhà Tiền Lê, Lý Công Uẩn vốn là một chú tiểu, nhà sư, rồi sau đó nhân việc tạp dịch làm phu đắp đê cho nhà Tiền Lê, và cũng từ đó mới ra cái điềm được đề cập tới ở đây. Xin dẫn lại nguyên văn cho bạn đọc tỏ tường:
“Xưa Lê Đại Hành đắp thành Hoa Lư, Lý Công Uẩn làm phu đắp, đến đêm Lê Đại Hành mộng thấy thần cho biết là có bậc quý nhân đương làm việc đắp thành ở đây. Thức dậy, sai người đi tìm, thì Công Uẩn đã đi rồi.
Khi Công Uẩn đi đến xã Tam Tảo, thấy hai vợ chồng ông già đương cày ruộng, bèn đem duyên do chuyện mình nói cho biết. Ông già liền bảo Công Uẩn lấy bùn trát khắp mình và cùng cày ruộng; sau đó, ông già mang Công Uẩn về nhà, đào đất làm hầm cho ở và chứa nước ở trên hầm.
Lê Đại Hành xem bói, thấy quẻ bói nói: “Nước ở trên người”. Vì thế, Lê Đại Hành tưởng Công Uẩn đã chết ở sông rồi. Đến lúc Lý Công Uẩn được nhà Lê truyền ngôi, bèn phong ông già làm Phụ quốc đại vương và phong vợ ông làm Vương phi, làm nhà cho ở phường Phượng Vũ. Sau khi ông già chết, người địa phương lập đền thờ ngay tại chỗ nhà ở”.
Đền ấy, cũng tại sách này cho biết, chính là đền thần Phụ quốc, thuộc xã Tam Tảo huyện Yên Phong thuộc Bắc Ninh.
Xét những tích chuyện trên, có hư ảo, có sự thật, nhưng suy sâu xa thì đó cũng là quy luật huyền biến của vũ trụ, sự vật thịnh rồi lại suy, cái mới tiến bộ, hợp thời ra đời thay thế cái cũ lạc hậu, nhân nào quả ấy mà thôi.
Việc lên ngôi hoàng đế của Lý Công Uẩn là một quy luật tất yếu của dòng chảy lịch sử nước Nam ta bấy giờ bởi nhà Tiền Lê của Lê Ngọa Triều đã bị dân tình xa lánh do bạc ác với bách tính, muôn dân. Trong khi ấy, Lý Công Uẩn với tài năng, thao lược và uy tín của mình trở thành vì sao Bắc Đẩu sáng nhất có thể soi rọi khắp nhân gian, đưa nước Nam đi lên trên con đường phong kiến tập quyền.
Đúng như sử thần Ngô Sĩ Liên trong Đại Việt sử ký toàn thư nhận định: “Lý Thái Tổ dấy lên, trời mở điềm lành hiện ra ở vết cây sét đánh. Có đức tất có ngôi, bởi lòng người theo về, lại vừa sau lúc Ngọa Triều hoang dâm bạo ngược mà vua thì vốn có tiếng khoan nhân, trời thường tìm chủ cho dân, dân theo về người có đức, nếu bỏ vua thì còn biết theo ai!
Xem việc vua nhận mệnh sâu sắc lặng lẽ, dời đô yên nước, lòng nhân thương dân, lòng thành cảm trời, cùng là đánh dẹp phản loạn, Nam Bắc thông hiếu, thiên hạ bình yên, truyền ngôi lâu đời, có thể thấy là có mưu lược của bậc đế vương”.
Bởi vậy mà những thực thực, hư hư của nhân gian về điềm báo ngôi báu cho ông chỉ làm cho sự tiếp nối triều đại mới của họ Lý thêm sức mạnh của cả trời – người hợp nhất mà thôi:
Bắc Giang trời mở thánh minh,
Lý Công tên Uẩn nhân tình đới suy.
Lê triều làm chức chỉ huy,
Lũ Đào Cam Mộc ứng kỳ phù lên.
Đầu năm cải hiệu Thuận Thiên,
Thăng Long mới đổi đặt tên kinh thành.
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
  • Trần Đình Ba

"Thiên mệnh" trong chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ

"Thiên mệnh" trong chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ

Thiên đô chiếu (遷都詔)(1) hay Chiếu dời đô vỏn vẹn 214 chữ Hán, tương truyền do vua Lý Thái Tổ (974–1028), người khai sáng vương triều Lý (1010-1225), ngồi trên ngai vàng 18 năm (1010–1028) viết, nhằm giải thích về lý do và quyết sách của triều đình mới trong việc dời kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến thành Đại La (Thăng Long, Hà Nội). Văn kiện này được xem là tác phẩm mở đầu cho nền văn học thời Lý và cũng là áng văn đặc biệt vừa có giá trị văn chương, chính trị, địa lý và lịch sử Việt Nam, vừa có ảnh hưởng tích cực đến vận mệnh đất nước và dân tộc từ thế kỷ X trở đi.
Hơn một năm sau khi lên ngôi vua, vào tháng 7 năm Canh Tuất, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Sự dời đô của vua Lý Thái Tổ vừa là quyết định mang tính quy hoạch sáng suốt, vừa là chiến lược phát triển chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia cũng như các phương diện khác của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Chiếu dời đô có thể được phân tích từ góc độ văn chương, địa lý, phong thủy, chính trị và kinh tế. Trong bài viết này, tác giả chỉ phân tích về khái niệm “thiên mệnh” được đức vua Lý Thái Tổ sử dụng như một nghệ thuật đắc nhân tâm cho quyết sách dời đô của mình.
Trong Chiếu dời đô, khái niệm gây tranh luận nhiều nhất và dễ hiểu lầm nhất là “thiên mệnh” có nghĩa đen là “mệnh trời.” Vua Lý Thái Tổ giải thích nguyên nhân dời đô của ông là nhằm đáp ứng yêu cầu: “Trên thuận mệnh trời, dưới hợp lòng dân” (上謹天命,下因民志: thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí)(2). Sống trong chùa từ nhỏ, được học hỏi triết lý Phật giáo từ thiền sư Lý Khánh Vân và được làm vua nhờ vào sự sắp xếp tài tình của thiền sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ không thể có và không thể chấp nhận thế giới quan Nho giáo hay bất kỳ Nhất thần giáo nào, rằng thế giới này do thượng đế tạo ra và vận mệnh quốc gia và con người là công trình độc quyền của thượng đế.
Theo triết lý Phật giáo mà vua Lý Thái Tổ học được, nghiệp tức ý chí,  hành động của con người tạo ra mọi thứ, trong đó tâm làm đạo diễn, hành động thân thể và ngôn ngữ chỉ là các biểu hiện. Không có số phận an bày, dù của cá nhân hay của một dân tộc:
"Này các Tỳ-kheo, những ai có kiến chấp như sau: 'Phàm tất cả cảm giác gì mà con người phải lãnh thọ hạnh phúc hay đau khổ, đều do nghiệp quá khứ (Túc mạng luận, Tất định luận). Hay phàm tất cả cảm giác gì mà con người phải lãnh thọ, hạnh phúc hay đau khổ, đều do Đấng Tạo Hóa tạo ra (Thần ý luận).' Ta nói với họ như sau: 'Như vậy thời theo lập luận của các Tôn giả, do "nghiệp nhân quá khứ," do "Thượng đế" con người sẽ trở thành ác độc, trộm cướp, tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, si mê và tà kiến ...'
Nhưng này các Tỳ-kheo, với những ai dựa vào "Thượng đế," dựa vào "nghiệp quá khứ" cho là lý do chân thật thì nên biết rằng họ là "người tà kiến" và nguy hại hơn nữa là họ sẽ không có ước muốn, không có tinh thần "đây là việc phải làm, đây là việc không nên làm" và họ sẽ sống thất niệm buông lung, tội ác với tâm không hộ trì. Này các Tỳ-kheo, đó là những chủ trương của ngoại đạo, họ vẫn chấp chặt và bảo thủ quan điểm sai lầm ấy."(3)
Nói cách khác, theo Phật giáo, thượng đế chưa từng có mặt, do đó, cái gọi là “thiên mệnh” chỉ là cách giải thích sai lầm về bản chất quy luật của nhân quả đối với thế giới vật chất và nghiệp báo đối với con người. Số phận của một cá nhân do chính nghiệp của con người tạo ra. Số phận của một đất nước do chính nghiệp tập thể của dân tộc tạo ra. Đức Phật xác định điều này trong kinh Tăng Chi như sau:
“Này các Tỳ-kheo, con người và các chúng sanh là chủ của Nghiệp, là thừa tự của Nghiệp, là sanh căn của Nghiệp. Phàm chúng sanh nào tạo tác hành vi gì, thiện hay ác, chính họ phải gặt hái những kết quả của những hành vi đó.”(4)
Nếu vua Lý Thái Tổ là người theo đạo Nho hay Nhất thần giáo thì “thiên mệnh” trong Chiếu dời đô có thể hiểu là giới hạn của chủ nghĩa định mệnh trong chính trị. Đằng này, vua Lý Thái Tổ là người theo đạo Phật, nên khái niệm “thiên mệnh” có thể là thuật “chơi chữ” với hai nghĩa, nhằm đáp ứng hai dụng ý. Thứ nhất, trong vương triều, người theo Nho giáo khó tánh nhất cũng không thể có ý kiến ngược lại với quyết sách dời đô của nhà vua. Thứ hai, trong vương triều và thần dân bấy giờ, đại đa số là Phật tử, thì “thiên mệnh” được hiểu là “quy luật thiên nhiên” mang tính tất yếu. Do đó, thuận thiên mệnh chỉ có nghĩa là “phù hợp với quy luật tất yếu”, hay còn gọi là quy luật khách quan, ở đó, không có thượng đế nào an bày vận mệnh của đất nước Việt Nam từ nhà Lý trở đi.
Theo nghĩa vừa giải thích, đoạn nguyên tác “Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ” có thể dịch nghĩa là: “Dời đô là vì muốn ở trung tâm, lập nên nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trước thuận với quy luật thiên nhiên, sau là hợp với lòng dân; nếu thuận tiện thì nên dời đổi. Làm được thế thì vận nước được lâu dài, phong tục được phồn thịnh.” Nghệ thuật chơi chữ của vua Lý Thái Tổ như mũi tên bắn trúng hai mục đích, vừa được lòng người theo Nho giáo và vừa được lòng người theo Phật giáo có khuynh hướng “Tam giáo đồng nguyên” thời ấy.
Cũng cần nhắc lại nơi đây, bài thơ sấm trên cây gạo làng Diên Uẩn, đề cập đến chuyện “điềm trên cây sét đánh” trong dân gian thực ra chỉ là nghệ thuật được thiền sư Vạn Hạnh sử dụng, nhằm tôn vinh Lý Công Uẩn có chân mạng “thiên tử”, xứng đáng làm đế vương Đại Cồ Việt. Ngoài ra, khi lên ngôi hoàng đế đầu tiên của nhà Lý, vua Lý Công Uẩn đặt niên hiệu là “Thuận Thiên” có nghĩa đen là “theo ý trời.” Đây cũng là cách chơi chữ, để mọi người dễ chấp nhận hoàng đế mới, chứ theo quan niệm triết học Phật giáo mà hai thầy trò thiền sư Vạn Hạnh và vua     Lý Công Uẩn truyền bá, thì thượng đế không có thật, lấy đâu mà gọi là theo ý trời!
Thông qua nghệ thuật chơi chữ khéo léo, khi xem việc dời đô là một thiên mệnh tức “quy luật tất yếu,” mang tính khách quan thì việc cát cứ ở cố đô là một sai lầm. Đây là bài học lịch sử từ hai triều đại Đinh và Tiền Lê mà vua Lý Thái Tổ đã sớm nhận ra: “Nhà Đinh và nhà Lê quá trọng ý riêng, khinh thường quy luật trời đất… cứ bám chặt kinh đô ở nơi này (tức Hoa Lư).”(5) Dù sao, ta cũng phải thừa nhận rằng trong bối cảnh đất nước Đại Cồ Việt ta vừa thoát khỏi ách nô lệ của Trung Quốc, kinh đô Hoa Lư dù non trẻ này lại là kinh đô tập quyền đầu tiên của Việt Nam thời đó.
Mặt khác, ta cũng phải thừa nhận rằng đối với các quốc gia nhược tiểu, thế núi sông hiểm trở là sự lựa chọn thích hợp cho kinh đô trong thời chiến tranh loạn lạc, nhằm phòng thủ và khởi nghĩa khi thời cơ thích hợp. Cố đô Hoa Lư của ta nằm trong quy luật này. Điều ta không thể phủ định là cái gì thích hợp với thời chiến chưa chắc tiếp tục thích hợp với thời bình và phát triển.
Lịch sử cũng cho thấy khu vực nào không thích hợp cho việc phát triển mà kinh đô được đặt trên nó sẽ không thể thoả mãn lòng dân, do đó, quốc gia không thể phát triển, nội loạn thường xảy ra, dân mất niềm tin và dễ bị thay thế bởi chính thể khác. Do đó, có thể hiểu khái niệm “thiên mệnh” trong Chiếu dời đô là thuật chơi chữ, không nên hiểu theo nghĩa đen của Nho gia là “mệnh trời”, mà cần hiểu theo nghĩa bóng của Phật giáo là “quy luật tất yếu” lại càng sâu sắc hơn.
Triều Lý có công giữ vững đế đô, bảo vệ xã tắc, chiến thằng Chiêm Thành và đánh bại nhà Tống trên sông Như Nguyệt. Trong 18 năm ở ngôi vị đế vương (1010–1028), vua Lý Công Uẩn có công lập nên kinh đô Thăng Long bề thế, gồm cung điện và các điện Càn Nguyên, điện Tập Hiền, điện Giảng Võ và nhiều hào lũy kiên cố, điều mà các tiên đế Việt Nam hiếm có người làm được. Về phương diện tôn giáo, vua Lý Thái Tổ mặc dù là Phật tử nhưng chủ trương Tam giáo đồng nguyên, mở Quốc Tử Giám, hình thành chế độ đại học ở Việt nam, mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Về các công trình tâm linh, vua Lý Công Uẩn cho xây cất nhiều chùa ở phía Nam kinh thành và ở phủ Thiên Đức (châu Cổ Pháp cũ) và nhiều công khác, nhằm ủng hộ phát triển nền đạo đức và triết lý nhập thế của đạo Phật.
Trải qua 10 thế kỷ, suốt 853 năm,(6) kể từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ được ban hành năm 1010, thành Đại La - Thăng Long, nay là Hà Nội, không chỉ là kinh đô của 215 năm vương triều Lý với tám đời vua anh minh nhân hậu, mà còn là kinh đô giữ vị trí độc nhất trong lịch sử Việt Nam, tiếp tục là thủ phủ của các triều Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng và hiện nay là thủ đô Hà Nội của nước      Việt Nam, xứng đáng với lời tiên đoán của vua Lý Thái Tổ là “kinh đô bậc nhất của các đế vương muôn đời.”(7)

CHÚ THÍCH
(1) Áng văn đặc biệt này được sử gia Ngô Sỹ Liên trích lục trong tác phẩm nổi tiếng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào thế kỷ XV. Mới đây, mộc bản "Chiếu dời đô" mới được tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng), ký hiệu H 31/8 đang được bảo quản tại Trung tâm. Mộc bản này có kích thước 41x21,2 cm, khuôn khổ in 29,5x20 cm, có khả năng là bản khắc từ thời Lê (1697). Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới" vào ngày 30-7-2009.
 (2) Trích Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.
 (3) Thích Nhật Từ dịch. Tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu ở Kinh Tăng Chi I, 195-196 và bản dịch tương tự của HT. Thích Trí Tịnh ở Kinh Đại Bát Niết Bàn II, 534-543.
 (4) Thích Nhật Từ dịch. Tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu ở Kinh Tăng Chi III, 549.
 (5) Nguyên văn chữ Hán: “Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh… thường an quyết ấp vu tư” (而 丁 黎 二 家。乃 徇 己 私。忽 天 命。。。常 安 厥 邑 于 茲).
 (6)  Trừ đi 143 năm nhà Nguyễn dời đô vào Huế.
 (7) Nguyên văn chữ Hán: “Vạn thế đế vương chi thượng đô” (万 世 帝 王 之 上 都). Từ năm 2006, khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có một không hai tại Việt nam đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới được đệ trình từ tháng 1-2009. Nhờ tư vấn của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), vào lúc 20 giờ 30 ngày 31-7-2010 theo giờ địa phương, nhằm lúc 6h30 sáng 1-8 (giờ Việt Nam), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là tin vui đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam trước thềm kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Thăng Long - Hà Nội từ Lý Thái Tổ đến Hồ Chí Minh

Thăng Long - Hà Nội từ Lý Thái Tổ đến Hồ Chí Minh

(Dân trí) - 1.000 năm trước, mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn sau khi lên ngôi sáng lập vương triều Lý, đã ban “Chiếu dời đô” từ kinh đô Hoa Lư về lập đô mới ở thành Đại La. Tương truyền, khi thuyền ngự vừa cập dưới chân thành thì rồng vàng xuất hiện.
Coi đó là điềm lành, nhà vua đã đặt tên cho kinh đô mới là Thăng Long. Từ buổi đó, “Thăng Long - Rồng bay” đã đi vào lịch sử dân tộc, trở thành biểu tượng của một dân tộc anh hùng mà nhân hậu “lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa”, trở thành nỗi khát khao của bao thế hệ con dân nước Việt.
 

Hồ Gươm
 
“Ai về ải Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
 
Từ thủa mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”
(Huỳnh Văn Nghệ)
 
Thăng Long - Hà Nội miền đất cổ
 
Vùng đất Thăng - Long Hà Nội được hình thành cùng với lịch sử tiến hóa của vỏ trái đất, kinh qua nhiều giai đoạn tiến hóa khác nhau, trải bao lần biển tiến - biển lùi, bao phen “bãi bể nương dâu”… để có được “hình hài” như ngày nay.
 
Theo “Thần núi Rốn Rồng - thánh sông Tô Lịch” trích trong cuốn “Kể chuyện ngàn xưa Thăng Long - Hà Nội” của Nhà xuất bản Hà Nội xuất bản và phát hành nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long Hà Nội thì: “vào khoảng đầu Công nguyên, một nhóm người Việt cổ đi dọc dòng sông Mẹ, tìm chỗ định cư giữa đồng bằng lầy lội. Từ xa đã thấy núi Rốn Rồng nhô cao, lại có một nhánh sông Mẹ uốn quanh chân núi, vừa tiện đường thủy để đi lại vừa  có nguồn nước mát để ăn uống, họ quyết định lập làng”.
 
Người già làng đầu tiên đứng đầu “hương Long Đỗ” họ Tô tên Lịch. Là người nhân hậu, tử tế, nên già được dân hương tôn kính. Đến khi “trăm tuổi” thường hiển linh phù hộ dân làng. Dòng sông quanh co uốn khúc quanh hương Long Đỗ được gọi  là sông Tô Lịch. Đất lành chim đậu, thời gian thấm thoắt đưa thoi, người đến sinh cơ lập nghiệp bên dòng sông Tô mỗi ngày mỗi đông.    
 
Năm 544, sau khi dựng cờ khởi nghĩa đánh thắng quân xâm lược nhà Lương, Lý Bí tự xưng là Nam Việt Đế, đặt niên hiệu là “Thiên Đức” và đặt tên nước là Vạn Xuân. Năm sau, Lý Nam Đế cho xây dựng một tòa thành bên dòng sông Tô Lịch gọi là “Tô Lịch Giang thành”.
 
Tuy tòa thành được dựng chủ yếu chỉ bằng gỗ, và tre nứa, song, đó là tòa thành kiên cố đầu tiên của cư dân Thăng Long xa xưa. Lý Nam Đế cũng chính là người đầu tiên trong lịch sử chọn mảnh đất ven dòng Tô trong xanh để xây dựng trung tâm quyền lực đầu tiên của nước Việt.
 
Sử sách ghi chép lại thì, vào năm, 824 Lý Nguyên Gia đắp một cái thành nhỏ gọi là La Thành bên dòng Tô Lịch. Năm 866 Cao Biền (người nhà Đường sang cai quản Giao Châu) đã cho đắp lại thành lớn hơn và gọi là thành Đại La. Bốn mặt thành dài 1.982,5 trượng (6,6km) cao 2,6 trượng (8,67m). Bên ngoài đắp một con đê dài 2.125,8 trượng (7,09 km) bao bọc thành… Bên trong Cao Biền cho làm 55 lầu vọng địch, 6 úng môn, 3 hào nước, 34 đường đi dựng 400.000 nóc nhà cho dân ở. Thành Đại La do Cao Biền quy hoạch chính là địa điểm mà vị vua đầu triều nhà Lý nhắm tới trong kế koạch thiên đô của mình.
 
Thăng Long - Hà Nội “nơi thắng địa”
 
Vị vua sáng lập vương triều Lý sau khi đăng quang, đã nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của kinh đô - đầu não chính trị - đối với vận mệnh của đất nước nói chung và với vương triều nói riêng. Ngài cho rằng: Hoa Lư - kinh đô của hai triều vua Đinh và vua Lê đã hoàn thành sứ mạng lịch sử của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ nền độc lập, tự chủ của dân tộc trong buổi đầu dựng nước. Đã góp phần “kháng Tống bình Chiêm” thắng lợi, dẹp yên cát cứ, thu non sông về một mối.
 
Nay, vận nước đã chuyển, trước yêu cầu mới của lịch sử thì, “thành Hoa Lư ẩm thấp, chật hẹp”, không hội đủ điều kiện để phát triển kinh tế, văn hóa, bang giao với các nước. Điều đó khiến nhà vua ngày đêm trăn trở. Quyết định tìm đất định đô mới cứ lớn dần, chín dần, cho đến một ngày nhà vua ban “Chiếu dời đô”.
 
Việc thiên đô ra thành Đại La, mảnh đất nằm giữa ba con sông gần quê hương Cổ Pháp của Ngài là một sự lựa chọn sáng suốt của vị vua anh minh, có ý nghĩa lớn lao trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.
 
Sử gia Ngô Thì Sĩ trong “Đại Việt sử ký tiền biên” đánh giá rất cao: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng trăm họ giàu có, phía Tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng, phía Bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng Trạm, là nơi trung tâm của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài, có thể làm cho nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt thật không nơi nào hơn được nơi này” và “Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác, mà trước tiên mưu tính việc định đô… Xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể theo kịp”.
 
Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới
 
Ý tưởng thiên đô là một quyết định quan trọng bậc nhất trong cuộc đời của Đức Thái Tổ Lý Công Uẩn. Đó là một yêu cầu tất yếu của lịch sử, phù hợp với lợi ích của dân tộc. Ngài tìm nơi định đô bởi muốn tìm “kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”, để “mưu toan nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu” và thành Đại La đô cũ của Cao Vương chính là “chốn hội tụ của bốn phương”, là “trung tâm” của trời đất.
 
Thuở đó, Thăng Long được giới hạn bởi ba con sông. Phía Đông là sông Hồng, phía Bắc là sông Tô và phía Nam là sông Kim Ngưu với hàng trăm hồ lớn nhỏ bao bọc. Khu Hoàng thành được nhà Lý quy hoạch gần hồ Tây, với tám điện ba cung. Đó là trung tâm quyền lực chính trị, cũng là nơi sinh hoạt của hoàng gia.
 
Triều Lý và các triều Trần, Lê… đã quan tâm xây dựng, kiến thiết kinh đô Thăng Long một cách khoa học, bài bản. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu thì, “vào thời điểm cách ngày nay 1.000 năm mà một vị vua Việt Nam đã xây dựng thành lũy như vậy có thể sánh ngang các vị vua của Châu Âu cùng thời”.
  
Dưới thời Lý - Trần - Lê… Thăng Long trải bao phen binh lửa, vẫn vững vàng ngẩng cao đầu, vẫn hiên ngang và kiên cường cùng dân tộc “phá Tống, bình Nguyên, diệt Minh, đạp Thanh” làm nên những chiến thắng rực rỡ. Năm tháng qua đi, các triều vua nối tiếp nhau trị vì, Thăng Long vẫn được chọn là kinh đô của cả nước. “Nơi thắng địa” này ngày một phát triển, mở mang, sầm uất, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, ngoại giao… của dân tộc.
 
Thế kỷ thứ XVII, Thăng Long - Kẻ Chợ còn là nơi giao lưu buôn bán tấp nập, có quan hệ ngoại thương với nhiều quốc gia trong khu vực và thế gới. Năm 1831, Minh Mạng (Nhà Nguyễn) khi lên ngôi đã đổi tên Thăng Long thành Hà Nội (thành phố trong sông). Thời Pháp thuộc, người Pháp coi Hà Nội là một trong những trung tâm đầu não chỉ huy của chính quyền bảo hộ và đã tiến hành xây dựng một số khu vực ở Hà Nội…
 
Thăng Long - Hà Nội thời đại Hồ Chí Minh
 
Kể từ thời điểm Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa tại vườn hoa Ba Đình, một lần nữa Thăng Long xưa - Hà Nội nay  khẳng định được vai trò lịch sử của mình trong tiến trình phát triển của dân tộc.
 
Lịch sử 1.000 năm hình thành và phát triển của Thăng Long - Hà Nội đã trải nhiều thăng trầm, có lúc rực rỡ huy hoàng, có lúc trầm lắng đau thương. Do nhãn quan chính trị của người đứng đầu đất nước nên mảnh đất này, khi mang tên Thăng Long, khi Đông Đô, Đông Quan, khi Hà Nội. Có thời kỳ không giữ vị trí kinh đô. Song khí phách Thăng Long, cốt cách Thăng Long vẫn trường tồn với thời gian, rạng rỡ từng trang sử.
 
Và điều đó càng được soi tỏ, được chứng minh một cách hùng hồn trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là: Mùa đông năm 1946 - Hà Nội “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”! Đó là: Trận “Điện Biên Phủ trên không” quyết liệt diễn ra trên bầu trời Hà Nội vào mùa đông năm 1972, đã góp phần chấm dứt vĩnh viễn chiến tranh leo thang của không lực Hoa Kỳ ra miền bắc Việt Nam.
 
Hà Nội cùng quân dân cả nước tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thu non sông về một mối. Suốt dặm dài của lịch sử đấu tranh  bảo vệ non sông, bảo vệ nền độc lập tự do của Tổ quốc nhiều thế hệ sinh sống trên mảnh đất này đã cùng đồng bào cả nước hy sinh máu xương, quên đi niềm thương nỗi nhớ, quên đi hạnh phúc cá nhân để bảo vệ nền độc lập của dân tộc nói chung, bảo vệ Thăng Long - Hà Nội - trái tim của cả nước nói riêng, mãi mãi trường tồn cùng đất nước.
 
Cũng tại mảnh đất có “vượng khí đế vương muôn đời” này, kể từ 10/10/1954, ngày giải phóng Thủ đô khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp đến nay đã trở thành trung tâm quyền lực của nhà nước trong thời đại Hồ Chí Minh.
 
Ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Quốc hội khóa 1, kỳ họp thứ hai, tháng 10 năm 1946 đã, quyết định Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ thắng lợi, tháng 7 năm 1976, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VI quyết định Hà Nội là Thủ đô của nước Việt Nam thống nhất.
 
Hiến pháp 1992 Nghị quyết 15-NQ/TƯ ngày 15/12/2000 của Bộ Chính trị một lần nữa đã khẳng định Hà Nội là Thủ đô của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là trái tim của cả nước, đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và  ngoại giao của cả nước.
 
Thăng Long - Hà Nội ở vào thời đại Hồ Chí Minh đâu còn giới hạn bởi ba vòng thành, đâu chỉ vỏn vẹn có “36 phố phường”, đâu chỉ là “thành phố trong sông”, mà sau nhiều lần thay đổi địa giới hành chính, Thăng Long xưa Hà Nội nay, đã  không ngừng phát triển về mọi mặt: không gian mở rộng hơn, dân số đông đúc hơn kinh tế - văn hóa - xã hội... đều khởi sắc. Không những thế Thăng Long - Hà Nội còn được thế giới tôn vinh là “Thành phố vì hòa bình”! Là Thủ đô của “lương tri và phẩm giá con người”!
 
Việc định vị kinh đô Thăng Long, của nhà vua có tầm nhìn “thiên niên kỷ” - Lý Công Uẩn, là nền tảng để muôn đời con Lạc cháu Hồng xây dựng và phát triển thành Thăng Long - Hà Nội hôm nay. Đó là sự thật lịch sử sống động minh chứng cho vị trí đắc địa của vùng đất thiêng này.
 
Ngày 1 tháng 8 vừa qua, Hoàng thành Thăng Long - linh hồn của Thăng Long xưa đã được Ủy ban di sản thế giới của UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới bởi “chiều dài lịch sử văn hóa, tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú”.
 
Chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội
 
Mùa thu này, mùa thu năm 2010, Thăng Long - Hà Nội từ thời đại Lý Thái Tổ đến thời đại Hồ Chí Minh, đã trải 1.000 năm lịch sử, đã tròn nghìn tuổi! Nhìn lại lịch sử phát triển của dân tộc và lịch sử phát triển của Thăng Long - Hà Nội, kinh đô xưa Thủ đô nay, luôn là nơi “lắng hồn núi sông”.
 
Với sức mạnh của Thánh Gióng, với thế bay lên của rồng thiêng, Thăng Long - Hà Nội đã và đang vươn lên, nắm bắt vận hội mới, vươn tới những tầm cao mới, để mãi mãi xứng đáng là Thủ đô ngàn năm văn hiến, trung tâm chính trị kinh tế, văn hóa, ngoại giao của cả nước. Mãi mãi xứng đáng với niềm tin tưởng của vị vua khai sáng kinh thành Thăng Long xứng đáng với niềm tin yêu và ngưỡng mộ của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế.
 
Thương Hường (sưu tầm và biên soạn)
Thanglonghanoi.gov.vn

Định đô Thăng Long – bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc

Định đô Thăng Long – bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc

 
Sự kiện Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La và đổi tên thành Thăng Long, xét trên mọi chiều cạnh, phản ánh một bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc Việt.
Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia.
Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia.
Vương triều Lý đã mở đầu một thời kỳ phát triển mạnh mẽ của quốc gia người Việt, của một “thời đại Lý - Trần” vàng son trong lịch sử Việt Nam.
Trưởng thành về lực lượng
Năm 905, Khúc Thừa Dụ xưng nền tự chủ - mở đầu một thế kỷ quá độ - bản lề của lịch sử Việt Nam. Tuy nhiên, đó mới chỉ là mốc khởi đầu. Với hai nội dung cơ bản là độc lập dân tộc và thống nhất quốc gia, thế kỷ X là thế kỷ của cuộc đấu tranh không ngừng của cha ông ta để thực hiện các mục tiêu đó.  
Thứ nhất, bao trùm hơn cả là cuộc đấu tranh giành, giữ và khẳng định nền độc lập dân tộc. Với họ Khúc, họ Dương (905 - 937) - nền tự chủ đã được khôi phục, nhưng phải đến chiến thắng Bạch Đằng (938), nền độc lập của người Việt mới được xác lập đầy đủ, cả trên thực tế, cả trên danh nghĩa, và phải đến chiến thắng chống Tống lần thứ nhất (981), nền độc lập đó mới được khẳng định một cách mạnh mẽ.
Đánh bại nhà Tống - một đế chế đã thống nhất Trung Quốc và đang trên đường hùng mạnh - là thắng lợi vĩ đại của cha ông ta, nó chứng tỏ sự lớn mạnh vượt bậc về lực lượng của người Việt trên mọi phương diện và khẳng định vững chắc chủ quyền, nền độc lập của dân tộc.   
Thứ hai, đây cũng là thế kỷ của cuộc đấu tranh giữa hai khuynh hướng tập quyền thống nhất và phân tán cát cứ. Đỉnh điểm của xu hướng phân tán cát cứ là cục diện mười hai sứ quân xuất hiện sau khi Ngô Quyền mất (944), chính quyền trung ương nhà Ngô suy yếu và tan rã (965). Đó là một bất lợi lớn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của đất nước, đến nền độc lập vừa mới giành lại được. Đinh Bộ Lĩnh cờ lau dẹp loạn, lần lượt đánh dẹp các sứ quân, thống nhất đất nước, khôi phục chính quyền trung ương đánh dấu một thành tựu, một bước trưởng thành trên “con đường dân tộc” của dân tộc Việt Nam, khẳng định sự thắng thế của yêu cầu và xu hướng tập quyền và thống nhất đất nước.  
Thứ ba, dù phải tập trung cao độ nỗ lực vào việc thực hiện các nhiệm vụ trên, nhưng thế kỷ X cũng là thế kỷ bước đầu của công cuộc dựng xây đất nước. Thể chế nhà nước từng bước được xây dựng quy củ. Kinh tế có bước tiến nhất định, với nhiều sông ngòi được khai thông, đường sá được mở mang, vua đi cày ruộng tịch điền (Lê Hoàn) để khuyến khích chăm lo nông nghiệp… Về văn hoá, bên cạnh phần lớn bình dân – dân giã – dân gian, ngày càng đông đảo tầng lớp sư tăng – trí thức uyên bác và lịch lãm…  
Tóm lại, thế kỷ X với quá nhiều các hoạt động quân sự để giành và giữ nền độc lập dân tộc, để khắc phục khuynh hướng phân tán cát cứ đã kết thúc với sự khẳng định vững chắc nền độc lập dân tộc, với sự thắng thế của xu hướng tập quyền và thống nhất quốc gia. Nó là bằng chứng về bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng dân tộc, làm tiền đề cho cuộc bứt phá vĩ đại, mà sự kiện dời đô vừa như một biểu hiện, vừa như một mốc mở đầu.
Trưởng thành về nhận thức
Xét trên nhiều ý nghĩa, Thăng Long - Hà Nội hội đủ những điều kiện căn bản để trở thành kinh đô - trung tâm quốc gia. Vùng đất này ở vào vị trí “trung tâm” đất nước, trung tâm châu thổ sông Hồng, điều kiện tự nhiên thuận lợi, đủ thế mạnh để hội tụ và lan toả. Có lẽ vì thế, một cách “tự nhiên”, từ rất sớm những lợi thế này đã được phát hiện.
Bằng chứng là, sau kháng chiến chống Lương thắng lợi năm 542, Lý Bí – Lý  Nam Đế đã chọn vùng trung tâm Hà Nội ngày nay để đặt thủ phủ, dựng thành luỹ, mở chùa Khai Quốc - tiền thân của chùa Trấn Quốc ngày nay. Nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh rằng, có thể coi Lý Bí là người Việt đầu tiên đã nhận ra vị trí trung tâm đất nước của Thăng Long- Hà Nội.
Tiếp đấy, đến thời các chính quyền đô hộ Trung Hoa Tùy và Đường cũng đã chọn nơi đây làm thủ phủ. Dường như đặc tính “đất đế vương” của Thăng Long - Hà Nội là một cái gì đó tự nhiên, dễ nhận thấy và đã được nhận thấy từ rất sớm. Việc Lý Công Uẩn dời đô ra thành Đại La có thể coi là sự tiếp nối của nhận thức đó.
Nhưng khác với trước đó, đây là lần đầu tiên, nhận thức đó được “tuyên ngôn” với những phân tích toàn diện – phản ánh một tư duy khoa học đáng kinh ngạc của Lý Công Uẩn về vị thế của Thăng Long – Hà Nội qua “Chiếu dời đô”: “Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương, ở giữa khu vực trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi mãi muôn đời…”.
Từ cảm nhận tự nhiên (Lý Bí) đến nhận thức khoa học (Lý Công Uẩn) là một bước tiến, bước trưởng thành quan trọng của người Việt Nam trong nhận thức về vị thế của vùng đất Thăng Long- Hà Nội này.
Trưởng thành về tư duy quản lý đất nước
Cố đô Hoa Lư
Cố đô Hoa Lư
Đó là tư duy cầm quyền dựa trên quan điểm phát triển, lấy phát triển để tạo ra khả năng phòng thủ. Kinh đô – thủ đô là trung tâm quyền lực của đất nước, là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia. Vấn đề ở đây là phải giải bài toán giữa mục tiêu đảm bảo an ninh với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Có khi phải hy sinh cái này để đảm bảo cái kia và ngược lại.
Trên một ý nghĩa nhất định, hai nhà Đinh – Tiền Lê đóng đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn ưu tiên cho mục tiêu an ninh, vì Hoa Lư ở vào địa thế hiểm yếu, khả năng phòng thủ tốt. Trong điều kiện một chính quyền - nhất là chính quyền trung ương chưa thực sự vững mạnh, nguy cơ xâm lăng từ phương Bắc và sự trỗi dậy của các thế lực cát cứ luôn tiềm ẩn thì việc chọn Hoa Lư làm kinh đô của hai nhà Đinh và Tiền Lê có thể coi là hợp lý. Nhưng Hoa Lư không thuận lợi về vị trí, về điều kiện tự nhiên để phát triển thành trung tâm kinh tế, văn hoá số một của đất nước. Vì thế, lựa chọn này, trên một ý nghĩa nhất định, có thể xem là sự “hy sinh” phát triển để đáp ứng yêu cầu an ninh.
Còn Thăng Long – Hà Nội, với vị trí ấy, điều kiện tự nhiên và lịch sử ấy tập trung rất nhiều lợi thế để phát triển thành trung tâm chính trị, hành chính, văn hoá số một của đất nước. Nhưng Thăng Long – Hà Nội lại cũng có hạn chế lớn, là ở vào nơi rất trống trải giữa vùng đồng bằng, khả năng phòng thủ kém. Chọn Thăng Long làm kinh đô là để phát triển mạnh mẽ đất nước, không phải là sự đánh đổi - hy sinh yếu tố an ninh để phát triển, mà là lấy phát triển để tạo ra khả năng quốc phòng, để đảm bảo an ninh.      
Trưởng thành về trách nhiệm
Một thực tế phải thừa nhận là, sự ra đời của vương triều Lý, định đô Thăng Long - mốc mở đầu cho thời kỳ phát triển rực rỡ của quốc gia Đại Cồ Việt - Đại Việt, là dựa trên những tiền đề được tạo ra trong suốt một thế kỷ nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của cha ông ta. Lý Công Uẩn dời đô là dựa trên cơ sở của những thành tựu, của sự lớn mạnh lực lượng dân tộc ấy kết hợp với nhận thức sáng suốt về vị thế của vùng đất này và tư duy cầm quyền - quản lý đất nước khoa học của ông và rộng ra là của người Việt Nam lúc này.
Nhưng còn một khía cạnh nữa để góp thành một nhân tố làm nên sự kiện lịch sử lớn lao này - đó là trách nhiệm của Lý Công Uẩn, cũng như cả triều đình Hoa Lư bấy giờ trước sự hưng thịnh của đất nước.
Trách nhiệm đó thể hiện ở sự trăn trở của Lý Công Uẩn trước quyết định dời đô, ở sự sẵn sàng trước những bất lợi của vùng đất thành Đại La. Trong “Chiếu dời đô” chỉ thấy Lý Công Uẩn phân tích về những lợi thế của thành Đại La mà không thấy nhắc đến những hạn chế của vùng đất này. Nhưng điều đó không có nghĩa là Lý Công Uẩn và triều đình Hoa Lư không thấy được những điểm yếu của nơi đây. Nhưng Lý Công Uẩn và triều đình do ông đứng đầu đã không theo cách của hai nhà Đinh – Lê mà gia cố Hoa Lư hay về quê Cổ Pháp đóng đô. Quyết định ra thành Đại La “ở giữa khu vực trời đất”, Lý Công Uẩn đã không “theo ý riêng”, chấp nhận “mạo hiểm” để “tính kế” cho muôn đời con cháu mai sau. Đó là một tinh thần trách nhiệm nghiêm túc trước xã tắc, trước vận hội phát triển của đất nước, đành rằng việc dời đô là dựa trên sự chuẩn bị về lực lượng của cả thế kỷ X, là thể hiện sự tự tin vào sự trưởng thành của Đại Cồ Việt của Lý Công Uẩn.
Nhà Lý ra đời và dời đô ra Thăng Long đã chính thức khép lại một thế kỷ với dồn dập những sự kiện quân sự, với sự thay đổi liên tục các dòng họ - triều đại cầm quyền, với sự “loay hoay” của cha ông ta trong dựng đặt kinh thành - để mở đầu một thời kỳ mới phát triển rực rỡ của quốc gia dân tộc - của kỷ nguyên Đại Việt, văn hoá Thăng Long. Nó phản ánh bước tiến lớn, bước trưởng thành vượt bậc của người Việt về lực lượng, về nhận thức, về tư duy quản lý đất nước và về trách nhiệm trước vận hội đi lên của đất nước trên con đường phục hưng và phát triển.
Theo Chinhphu.vn

Quy hoạch, tổ chức bộ máy Thăng Long thời trung đại

Quy hoạch, tổ chức bộ máy Thăng Long thời trung đại

Thời trung đại của lịch sử Thăng Long - Hà Nội (có thể tính từ định đô của Lý Công Uẩn đến xâm lược của thực dân Pháp), là một khoảng thời gian kéo dài ngót chín thế kỷ. Trong khoảng thời gian đó, dù có một số gián đoạn, nhưng cơ bản đô thị này luôn đóng vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước. Với vai trò như vậy, quy hoạch hành chính và tổ chức bộ máy quản lý đô thị Thăng Long - Hà Nội, vì thế có những đặc trưng mang tính xuyên suốt. Tất nhiên, cũng có ít nhiều khu biệt cho từng giai đoạn lịch sử nhất định.
 
1. Quy hoạch hành chính

Từ ngày Lý Công Uẩn khẳng định Thăng Long với tư cách là Kinh đô nơi đây đã trở thành khu vực hành chính đặc biệt, trực thuộc chính quyền trung ương. Trong cơ cấu hành chính địa phương, hai cấp quan trọng được các nhà nước phong kiến đặc biệt quan tâm là cấp vùng và cấp cơ sở. Cấp vùng (tương đương tỉnh, có thể quy mô lớn hơn) có nhiều tên gọi khác nhau: đạo thời Đinh - Tiền Lê, lộ hoặc phủ (thời Lý - Trần - Hồ); đạo (thời Lê Sơ); trấn, xứ (thời Lê Trịnh), dưới thường bao gồm nhiều phủ. Riêng khu vực Kinh thành, không lệ thuộc vào bất kỳ đơn vị hành chính vùng nào, mà trực thuộc vào chính quyền trung ương. Về mặt quy mô, vùng Kinh đô trong suốt thời kỳ trung đại chỉ tương đương với các quận nội thành Hà Nội ngày nay (không bao gồm quận Long Biên) nhưng luôn được đặt ngang hàng với các khu vực hành chính rộng lớn - các lộ, phủ, đạo, trấn, xử khác trên toàn quốc. Về giới hạn không gian, dù có co giãn ít nhiều, nhưng cơ bản trong phạm vi thành Đại La như ta biết hiện nay (có thể coi là khu vực nội thành) và một phần bên ngoài thành dịch lên phía Tây Bắc và Tây Nam. Về cơ cấu và tổ chức bộ máy quản lý hành chính, thời Lý Trần Hồ được biết đến với cấp Kinh thành và phường, từ thời Lê sơ trở đi bắt đầu hình thành hệ thống ba cấp gồm phủ, huyện, phường, về sau (có thể từ cuối thế kỷ XVIII) thêm cấp tổng trung gian giữa huyện và phường.
 
1.1. Cấp phủ
 
Tên gọi toàn bộ vùng Kinh đô dưới thời Lý - Trần - Hồ với tư cách là một đơn vị hành chính trực thuộc trung ương không thấy tài liệu nào ghi chép. Có thể khi đó chỉ đơn giản gọi là Kinh thành, bao gồm toàn bộ khu hành chính nhà nước và các phường dân gian với bộ máy cai trị chịu trách nhiệm trực tiếp trước triều đình trung ương cũng như trực tiếp chi phối đến đơn vị cơ sở là các phường.
 
Đến thời Lê sơ, năm 1466 khu vực Kinh thành chính thức đặt thành phủ Trung Đô (đến năm 1469 đổi thành phủ Phụng Thiên), gồm hai huyện là Vĩnh Xương và Quảng Đức, mỗi huyện bao gồm 18 phường. Cơ cấu này về cơ bản được duy trì cho đến cuối thế kỷ XVIII dưới thời Mạc và Lê Trịnh, trừ một thay đổi nhỏ là đổi tên huyện Vĩnh Xương thành Thọ Xương trong khoảng những năm 1541-1546.
 
Thời Tây Sơn và Nguyễn, Kinh đô chuyển vào Phú Xuân - Huế. Tuy nhiên, thời kỳ đầu, vẫn duy trì phủ Phụng Thiên gồm hai huyện là Thọ Xương và Quảng Đức; đến năm 1850 đổi phủ Phụng Thiên thành phủ Hoài Đức và đổi huyện Quảng Đức thành huyện Vĩnh Thuận, lệ vào Bắc Thành (đến năm 1831 khi đặt tỉnh Hà Nội, phủ Hoài Đức kiêm thêm huyện Từ Liêm). Bắc Thành là một khu vực hành chính rộng lớn (tương đương vùng Bắc Bộ ngày nay), bao gồm 11 trấn (5 nội trấn là Kinh Bắc, Hải Dương, Sơn Tây, Sơn Nam Thượng, Sơn Nam Hạ; 6 ngoại trấn là Yên Quảng, Lạng Sơn, Cao Bằng, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hưng Hóa; và phủ Phụng Thiên - Hoài Đức). Như vậy, phủ Phụng Thiên - Hoài Đức là đơn vị trực thuộc Bắc Thành, tương đương với các trấn khác. Rõ ràng, dù không còn đóng vai trò Kinh đô nhưng Thăng Long vẫn là khu vực hành chính đặc biệt, ít nhất trong phạm vi Bắc Thành. Năm 1831, Minh Mệnh thực hiện cải cách hành chính, xóa bỏ Bắc thành và Gia Định thành (Nam Bộ), chia đặt tỉnh trực thuộc chính quyền trung ương. Tỉnh Hà Nội được thành lập, thành Thăng Long trở thành thủ phủ của tỉnh Hà Nội.
 
Sách Bắc Thành dư địa chí của Lê Chất viết hồi đầu thế kỷ XIX về phủ Phụng Thiên như sau: “... kiêm lý 2 huyện (Thọ Xương, Vĩnh Thuận) có 13 tổng, 239 phường, thôn, trại. Phủ lỵ đóng ở địa phận Chiêu Hội, tổng Tiền Túc, huyện Thọ Xương. Từ Đông sang Tây đều rộng 75 tầm, từ Nam sang Bắc đều rộng 50 tầm. Từ phủ lỵ phía Đông tắt ra sông Cái tiếp giáp địa giới huyện Gia Lâm (thuộc trấn Kinh Bắc) 141 tầm, sông rộng 60 tầm. Phía Tây cách địa giới huyện Từ Liêm (thuộc trấn Sơn Tây) 2428 tầm, phía Nam cách địa giới huyện Thanh Trì (trấn Sơn Nam Thượng) 1830 tầm. Phía Bắc tắt ra sông Cái, cách địa giới huyện Gia Lâm 1235 tầm 1 thước, sông rộng 413 tầm”[1]. Sách Đại Nam nhất thống chí chép phủ Hoài Đức (lúc này đã bao gồm cả huyện Từ Liêm) như sau: “Ở cách tỉnh thành 7 dặm về phía Tây; Đông Tây cách nhau 19 dặm, phía Đông đến sông Nhị đối ngạn với địa giới huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh 9 dặm, phía Tây đến địa giới các huyện Đan Phượng và Yên Sở tỉnh Sơn Tây 10 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Thanh Trì phủ Thường Tín, phía Bắc đến sông Nhị đối ngạn với địa giới huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh và địa giới huyện Yên Lãng tỉnh Sơn Tây 9 dặm”[2],
 
1.2. Cấp huyện

Cấp huyện chưa thấy xuất hiện trong cơ cấu hành chính vùng Kinh đô dưới thời Lý - Trần - Hồ. Cấp hành chính này chỉ được đặt cùng với việc lập phủ Trung Đô năm 1466, gồm 2 huyện là Vĩnh Xương (Thọ Xương) tương đương với khu vực phía Đông Kinh thành (bao gồm chủ yếu quận Tây Hồ, quận Ba Đình và quận Đống Đa hiện nay).
 
Sách Đại Nam nhất thống chí chép huyện Thọ Xương như sau: “Huyện lỵ ở liền tỉnh thành, cách phủ Hoài Đức 9 dặm về phía Đông Nam; Đông Tây cách nhau 2 dặm, Nam Bắc cách nhau 9 dặm; phía Đông đến sông Nhị đối ngạn với địa giới huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh 1 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Vĩnh Thuận 1 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Thanh Trì phủ Thường Tín 6 dặm, phía Bắc đến sông Nhị đối ngạn với địa giới huyện Đông Ngàn tỉnh Bắc Ninh 3 dặm...”. Cũng theo sách Đại Nam nhất thống chí chép về huyện Vĩnh Thuận như sau: “Huyện lỵ ở liền tỉnh thành, cách phủ Hoài Đức 6 dặm về phía đông, Đông Tây cách nhau 5 dặm, Nam Bắc cách nhau 10 đặm; phía đông đến địa giới huyện Thọ Xương 1 dặm, phía Tây đến địa giới huyện Từ Liêm 4 dặm, phía Nam đến địa giới huyện Thanh Trì phủ Thường Tín 6 dặm, phía Bắc đến sông Nhị đối ngạn với huyện Đông Ngàn và huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh 3 dặm...”[3]. Huyện Thọ Xương đầu thế kỷ XIX gồm 8 tổng, 193 phường, thôn, trại; đến giữa thế kỷ XIX vẫn gồm 8 tổng nhưng sáp nhập lại chỉ còn 115 phường, thôn, trại. Huyện Vĩnh Thuận đầu thế kỷ XIX gồm 5 tổng, 57 phường, thôn, trại; đến giữa thế kỷ XIX vẫn gồm 5 tổng nhưng sáp nhập lại còn 40 phường, thôn, trại.
 
1.3. Cấp phường
 
Cấp hành chính cơ sở ở khu vực Kinh thành ngay từ đầu đã gọi là phường. Sử chép sự kiện năm 1230: “Định các phường về hai bên tả hữu của Kinh thành, bắt chước đời trước chia làm 61 phường”[4]. Bắt chước “đời trước” là đời nào? Chắc chắn phải là đời Lý và như thế, ngay từ thời Lý quy hoạch Thăng Long đã bao gồm 61 phường. Nhưng không có một nguồn tư liệu nào cung cấp danh sách các phường dưới thời Lý - Trần. Qua ghi chép của sử biên niên chỉ có thể biết được tên gọi của một số phường, một phần trong số đó có thể xác định được vị trí trên thực địa.
 
Căn cứ theo ghi chép của sách Đại Việt sử ký toàn thư có thể biết được tên một số phường dưới thời Lý Trần, Thời Lý có các phường Cơ Xá, Bố Cái; thời Trần có các phường Yên Hoa, Hạc Kiều, Thịnh Quang, Nhai Tuân, Tây Nhai, Các Đài, Toán Viên, Giang Khẩu, Nghi Tàm. Ngoài ra, căn cứ vào các nguồn tư liệu khác ta biết thêm một số phường thời kỳ này như Thái Hòa, Báo Thiên, Phủng Nhật, Hòe Nhai.
 
Đến thời Lê sơ, toàn bộ khu vực Kinh thành được chia làm hai huyện, mỗi huyện 18 phường, tổng cộng là 36 phường. Cơ cấu này duy trì cho đến hết thời Lê - Trịnh. Theo Dư địa chí của Nguyễn Trãi ta biết được một số phường ở Đông Kinh đầu thế kỷ XV (Đường Nhân, Hà Tân, Hàng Đào, Nghi Tàm, Tả Nhất, Tàng Kiếm, Thịnh Quang, Thụy Chương, Yên Thái): “Phường Tàng Kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ đài mâm, vòng, gấm trừu và dù lọng. Phường Yên Thái làm giấy, Phường Thụy Chương và phường Nghi Tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà Tân nung đá vôi, Phường Hàng Đào nhuộm điều. Phường Tả Nhất làm quạt... Phường Thịnh Quang có long nhãn, Phường Đường Nhân bán áo diệp y”[5]. Qua ghi chép rải rác trong Đại Việt sử ký toàn thư, có thể biết thêm một số phường nữa: Bích Câu, Diên Hưng, Đông Hà, Đông Tân, Khúc Phố, Kim Cổ, Lệ Viên, Nhật Chiêu, Phục Cổ, Thái Cực, Vĩnh Xương, Yên Hoa. Dựa vào ghi chép rải rác trong nguồn tư liệu, các nhà nghiên cứu đã đưa ra một số danh sách các phường thuộc hai huyện Vĩnh Xương (Thọ Xương) và Quảng Đức từ thời Lê về sau, có nhiều tương đồng nhưng cũng có một số khác biệt. Dưới đây là tổ hợp của các danh sách đó: khu vực phía đông và phía nam có các phường: Báo Thiên, Bích Câu, Bố Cái, Công Bộ, Cổ Vũ, Diên Hưng, Đại Lợi, Đông Các, Đông Hà, Đông Tác, Đồng Lạc, Đồng Xuân, Giai Tân, Hà Khẩu, Hòe Nhai, Hồng Mai, Khang Thọ, Kim Cổ, Kim Hoa, Nhược Công, Ông Mạc, Phong Vân, Phục Cổ, Phúc Lâm, Phúc Phố, Quan Trạm, Tả Nhất, Tàng Kiếm, Thạch Hào, Thạch Khối, Thái Cực, Thịnh Hào, Thịnh Quang, Vĩnh Xương, Võng Thị, Xã Đàn, Yên Thọ, Yên Xá; khu vực quanh Hồ Tây có các phường: Bái Ân, Hồ Khẩu, Nghi Tàm, Nhật Chiêu (Nhật Thiêu), Quảng Bá, Tây Hồ, Thụy Chương, Trích Sài, Võng Thị, Yên Hoa, Yên Thái; khu vực phía Tây có phường Thái Hòa. So với con số 36 phường (sở dĩ có tình hình này chủ yếu là do có một số phường đổi tên mà hiện nay chúng ta chưa xác định chính xác).
 
Như vậy, khu vực phía Đông và Nam Hoàng thành, nhất là phía Đông, có số lượng phường tập trung nhiều nhất. Đây là những phường thủ công, tập trung với mật độ cao thợ thủ công và thương nhân và là nơi sinh kế sầm uất nhất của đô thị Thăng Long - Hà Nội, được hình thành từ rất sớm ngay từ ngày định đô của Lý Công Uẩn. Những phường nổi tiếng mà tên gọi cũng như vị trí vẫn cơ bản tồn tại đến ngày nay như Đồng Xuân (khu vực Hàng Giầy), Đông Hà (Hàng Chiếu), Giang Khẩu - Hà Khẩu (Hàng Buồm), Đông Các (Hàng Bạc), Thái Cực (Hàng Đào)... Khu vực xung quanh Hồ Tây với không gian rộng lớn nhưng chỉ có một số ít phường. Đây là những phường thủ công với những ngành nghề nổi tiếng phục vụ cho các nhu cầu của Kinh thành, từ triều đình đến dân chúng (như làm giấy, dệt vải lụa...). Nhiều phường ở khu vực này xuất hiện từ lâu đời và tồn tại cho đến ngày nay như Bái Ân, Trích Sài, Yên Thái, Nghi Tàm... Khu vực phía Tây chỉ duy nhất có phường Thái Hòa - lý do là vì đây có thể thuộc phạm vi khu hành chính quan liêu (Hoàng thành) nên mãi về sau này, đến thời Lê Trịnh khi chúa Trịnh cho thu hẹp Hoàng thành nơi đây mới bắt đầu được khai phá thành những phường trại sau này, thường quen gọi là khu Thập tam trại.
 
Sang thời Tây Sơn và Nguyễn, khi Kinh đô chuyển vào Phú Xuân - Huế, Thăng Long bắt đầu có sự thay đổi lớn về đơn vị hành chính cấp cơ sở. Trước hết, đó là sự thiết lập cấp tổng nằm trung gian giữa huyện và cấp phường (trại, thôn, xã). Huyện Thọ Xương có 8 tổng (tổng Tả Túc sau đổi thành tổng Phúc Lâm; tổng Hữu Túc sau đổi thành tổng Đông Thọ; tổng Tiền Túc sau đổi thành tổng Thuận Mỹ; tổng Hậu Túc sau đổi thành tổng Đồng Xuân; tổng Tả Nghiêm sau đổi thành tổng Kim Liên; tổng Hữu Nghiêm sau đổi thành Yên Hoa; tổng Tiền Nghiêm sau đổi thành tổng Vĩnh Xương; tổng Hậu Nghiêm sau đổi thành Thanh Nhàn, huyện Vĩnh Thuận có 5 tổng (Nội, Thượng, Trung, Hạ và Yên Thành).
 
Cấp cơ sở ở hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận ở nửa đầu thế kỷ XIX tăng lên rất nhiều về số lượng. Huyện Thọ Xương trong khoảng đầu thế kỷ có 193 đơn vị hành chính cấp cơ sở (21 phường, 171 thôn, 1 trại), huyện Vĩnh Thuận có 57 đơn vị (16 phường, 29 thôn, 12 trại). Đến khoảng những năm ba mươi, sau khi có sự sáp nhập, huyện Thọ Xương còn 116 đơn vị (11 phường, 104 thôn, 1 trại), giảm 77 đơn vị; huyện Vĩnh Thuận còn 40 đơn vị (16 phường, 14 thôn, 10 trại), giảm 17 đơn vị. Danh sách cụ thể như sau:

2. Bộ máy cai trị
 
Với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, Thăng Long - Hà Nội thời quân chủ là nơi tập trung triều đình trung ương, bao gồm vua và bộ máy quan lại. Với tính chất tập quyền xu hướng ngày càng cao của bộ máy nhà nước thời phong kiến quân chủ, quyền uy của nhà vua và triều đình trung ương cũng ngày càng được tuyệt đối hóa. Trong bối cảnh đó, với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, cùng một nhiệm vụ quản lý và phát triển Kinh thành, Thăng Long đan xen cả bộ máy quản lý của chính quyền trung ương đến mọi mặt của đời sống đô thị và mặt khác, thông qua bộ máy quản lý của chính quyền địa phương. Sự chi phối này được thực hiện theo nguyên tắc từ trên xuống (qua phủ đến huyện rồi đến phường - tức cấp hành chính cơ sở). Tuy nhiên, khác biệt lớn nhất là sự chi phối của chính quyền trung ương đối với khu vực Kinh thành, dù là trực tiếp hay thông qua chính quyền địa phương so với các địa phương khác trên toàn quốc, là sự thu hẹp gần như không còn khoảng cách về không gian, vì thế mà có hiệu lực rất cao. Bộ máy quản lý địa phương ở Kinh thành vừa là người trực tiếp, đồng thời vừa như một bộ phận phối hợp cùng với chính quyền trung ương thực hiện việc quản lý nhà nước ở đây.
 
Một biểu hiện rõ rệt nhất của sự chi phối của chính quyền trung ương ở Thăng Long - Hà Nội là vấn đề đảm bảo an ninh quốc phòng. Dưới thời Lý Trần, bảo vệ Kinh thành là bộ phận quân đội chuyên nghiệp, đặc biệt tinh nhuệ. Thời Lê sơ, nhiệm vụ bảo vệ tuyệt đối an toàn cho khu vực Kinh thành của quân đội được đưa vào luật pháp nhà nước (Quốc triều hình luật). Đặc biệt, từ năm 1510 đặt các chức Đề lĩnh chuyên trách công việc an ninh khu vực đô thị. Đại Việt sử ký toàn thư chép, năm Hồng Thuận thứ hai (1510): “Bàn đặt quan Đề lĩnh, có các chức Chưởng Đề lĩnh, Đồng Đề lĩnh và Phó Đề lĩnh, trông việc quân ở bốn mặt thành, chức trách là tuần phòng ở Kinh sư, canh phòng các nơi tìm bắt kẻ gian phi”[6].
 
Hệ thống chính quyền địa phương ở khu vực Kinh thành, về quy mô chỉ tương đương một cấp dưới thời cấp vùng (lộ, đạo, trấn, xứ) nhưng được xếp ở vị trí ngang hàng, thuộc quản lý trực tiếp của chính quyền trung ương. Trước khi hình thành cấp tổng, hệ thống đó đại khái bao gồm ba cấp: phủ, huyện và phường.
 
2.1. Cấp phủ
 
Dưới thời Lý, cấp hành chính vùng là lộ. Thăng Long không thuộc một lộ nào mà trực thuộc chính quyền trung ương. Không có tư liệu cụ thể nào cho biết về bộ máy quản lý khu vực Kinh thành thời kỳ này. Sang thời Trần, cấp hành chính vùng vẫn là lộ (hoặc phủ). Thăng Long vẫn không thuộc một lộ (hoặc phủ) nào mà trực thuộc chính quyền trung ương. Năm Kiến Trung thứ nhất (1225) nhà Trần bắt đầu đặt ty Bình bạc làm nhiệm vụ quản lý Kinh thành. Đến năm Thiệu Long thứ 8 (1265) đội ty Bình bạc thành Đại doãnh Kinh sư. Năm Quang Thái thứ 7 (1394) đổi Đại doãn Kinh sư thành Trung đô doãn. Về nhiệm vụ cụ thể của các chức vụ này, các tài liệu không cho biết cụ thể. Tuy nhiên, căn cứ vào quy trình hết sức khắt khe trong việc lựa chọn vị trí người đứng đầu Kinh thành cho thấy, đó phải là một chức vụ với những quyền hạn rất lớn.
 
Thời Lê sơ, sau kháng chiến chống Minh thắng lợi, tiếp quản thành Đông Quan từ tay quân Minh, Lê Thái Tổ bắt tay ngay vào công việc tổ chức lại việc quản lý Kinh thành. Bãi bỏ cách thức tổ chức và quản lý của người Minh, Lê Thái Tổ khôi phục lại cơ cấu quản lý thời Trần, Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết tổ chức cai trị thành Đông Kinh thời kỳ Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông, Lê Nhân Tông, Lê Nghi Dân vào buổi đầu Lê Thánh Tông vẫn theo quy chế nhà Trần: “... buổi đầu theo [nhà Trần] đặt Trung đô phủ doãn, Thiếu doãn”. Đến đời Hồng Đức (1460-1497) mới “... định lại quan chế đổi làm Phụng Thiên phủ doãn, Thiếu doãn, phẩm trật vào hàng chánh ngũ. Thời Trung hưng về sau noi theo không đổi”[7]. Ngoài ra ở cấp phủ Phụng Thiên còn có các chức Thị trung và Huấn đạo. Như vậy, chức vụ người đứng đầu Kinh thành là Phủ doãn. Năm Hồng Đức thứ hai (1471), Lê Thánh Tông định hiệu quan chế. Phủ doãn phủ Phụng Thiên có hàm chánh ngũ phẩm, trong khi người đứng đầu phủ bình thường chỉ có hàm tòng lục phẩm (quy chế này duy trì mãi về sau).
 
Giúp việc - nhân vật thứ hai trong bộ máy quản lý Phụng Thiên - là chức Thiếu doãn. Theo quan chế đời Hồng Đức, Thiếu doãn phủ Phụng Thiên có hàm Chánh lục phẩm (quy chế này duy trì mãi về sau)[8]. Trong bộ máy quản lý cấp phủ còn có chức Trị trung hàm chánh bát phẩm; chức Huấn đạo hàm chánh cửu phẩm[9]. Sách Thiên Nam dư hạ tập chép phủ Phụng Thiên có 1 viên Phủ doãn, 1 viên Thiếu doãn, 1 viên Trị trung và 2 viên Huấn đạo[10].
 
Như vậy, hai chức vụ đứng đầu Kinh thành (phủ Phụng Thiên, với tư cách một địa phương) là Phủ doãn và Thiếu doãn. Phối hợp với các quan chức địa phương này, từ năm 1510 đặt thêm chức Đề lĩnh do triều đình trực tiếp bổ nhiệm với phẩm hàm rất cao đặc trách về đảm bảo an ninh ở Kinh thành.
 
Về chức trách của bộ máy quản lý cấp phủ, thông qua ghi chép của thư tịch cổ có thể thấy những nhiệm vụ cụ thể của các vị trí này.
 
Năm Thịnh Đức thứ nhất (1653) trong huấn luyện về xét xử kiện tụng, ở khu vực Kinh thành quy định như sau: “... những việc kiện về hộ thôn, điền thổ, nhân mạng và các tạp tụng ở Kinh thì giao cho (quan Phủ doãn) phủ Phụng Thiên xét xử”[11]. Hoặc trong lệch chỉ năm Dương Đức thứ ba (1674): “Chức Phủ doãn là quan có nhiệm vụ đàn áp, như thấy những nhân viên tạp nhạp ở các nhà quyền thế mà ngông nghênh du đãng, không theo pháp luật, thì cho được đàn hặc, trừng trị. Về việc xét hỏi án từ phải theo lần lượt mà làm”[12]; “Cốt giữ gìn trật tự; nếu thấy nhân viên trong các nhà quyền thế kiêu dông ngang ngược, không theo pháp chế, thì được phép đàn hặc việc bậy ra để nhà chức trách trừng trị. Còn sự tra xét các từ tụng, phải theo thứ bậc luật lệ mà thừa hành. Viên nào làm việc xứng chức sẽ được thăng thưởng; nếu làm việc trái phép sẽ tùy việc nặng nhẹ mà luận tội”[13]; “Phủ doãn là quan đàn hặc, trấn áp, nếu thấy các nhà thế gia quyền quý, các nhân viên bất đẳng, kiêu túng, du đãng, không theo pháp chế, thì cho được củ hặc trừng trị”[14]. Những quy định cụ thể như trên tiếp tục được ban hành trong những thời gian tiếp theo. Năm 1718, theo lệnh chúa Trịnh: “về cách tạp tụng như việc hộ, việc giá thú, việc ruộng đất ở trong Kinh đô thì do Phủ doãn”[15]. Năm Cảnh Hưng 12 (1751) xét định chức vụ các quan: “Chức vụ Phủ doãn: Đàn áp những kẻ quyền [quý, cường] hào, xét hỏi những vụ kiện do quan huyện xử mà kêu lại ở bản hạt; cùng là khảo xét thành tích của quan lại, khảo luận sĩ tử trong kỳ thi Hương và các việc khác, thì cứ theo lệ phụng hành”[16].
 
Cùng với Phủ doãn và các quan chức địa phương, chức Đề lĩnh với nhiệm vụ đặc trách an ninh khu vực đô thị cũng được quy định rõ ràng về chức trách. Phan Huy Chú xác nhận: “[Lê] Tương Dực, đầu đời Lê Hồng Thuận mới đặt quan từ thành Đề lĩnh, có các chức Chưởng Đề lĩnh, Phó Đề lĩnh, Đồng Đề lĩnh để tuần phòng Kinh sư, nghe ngóng dò xét, tìm bắt kẻ gian phi. (Những chức ấy) đều là chức tướng võ (phẩm trật ở hàng tòng nhất phẩm). Thời Trung hưng về sau, mới dùng quan văn làm Đồng Đề lĩnh, coi quân vụ bốn mặt thành, cùng với quan Đề lĩnh võ giai giữ chức ấy”[17]. Lệnh chỉ năm Dương Đức thứ ba (1674) quy định nhiệm vụ và quyền hạn của quan Đề lĩnh: “Trông nom sửa sang những đường xá và cầu cống trong Kinh đô; phải khơi ngòi để tháo nước chữa cháy và ngăn ngừa gian phi. Việc tra xét từ tụng, thì chỉ cho xét hỏi những vụ trộm cướp ẩu đả...”[18]. Đến năm Cảnh Hưng thứ hai (1751) xét định chức vụ các quan, quy định: “Chức vụ Đề lĩnh: Phàm các địa phận trong thành đều cho phép tuần hành xem xét, cấm lửa, phòng gian. Nêu chiểu sự lý trong lệnh truyền năm trước, chuyển sức cho các quan coi khu vực ngoại ô và các làng xóm họ mạc sở tại, nhất luật thi hành. Về việc khám hỏi việc kiện về trộm cướp, nên căn cứ vào sự thực khi lâm thời bắt được, không được thụ lý bừa, và bắt giam giữ lâu, ép phải xưng cho lương dân. Ngoài ra, đường xá, cầu cống, cùng các công việc khác, thì cứ theo lệ phụ hành”[19].
 
 Bên cạnh đó, căn cứ vào tình hình thực tế, với những sự việc cụ thể, chức trách của các quan Phủ doãn, Đề lĩnh sẽ được quy định cụ thể hơn. Nhiều lệnh dụ nhằm răn đe, nghiêm cấm các hành vi gây mất ổn định, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, buôn bán tại Kinh thành như tụ họp chọi gà, cờ bạc, những nơi cung cấm không được đi lại (nhất là với người nước ngoài), cấm giết trâu bán thịt, việc phòng hỏa trong Kinh thành... quy định trách nhiệm của quan Phủ doãn và Đề lĩnh, “quan Đề lĩnh và quan Phủ doãn cùng các nhân viên chứng kiến việc ấy, được bắt lấy tang vật, giải nộp nhà chức trách để luận tội”, “nha môn Phủ doãn cùng với ty Xá nhân phải xem xét... bắt được quả tang, thì dẫn đến phủ đường mà nộp, sẽ kết tội, để trừng trị việc trái phép”[20].
 
Sang thời Nguyễn, trước 1831, dù không còn đóng vai trò Kinh đô, nhưng Thăng Long vẫn là thủ phủ Bắc Thành (Bắc Bộ). Với vai trò đó, người đứng đầu phủ Phụng Thiên - Hoài Đức cũng không giống như những địa phương khác. Theo đó, đứng đầu phủ Phụng Thiên - Hoài Đức là chức Án sát sứ và Tuyên phủ sứ. Mãi đến năm Minh Mệnh thứ 8 (1827) mới bỏ, đặt chức Tri phủ như các địa phương bình thường khác. Từ đây, lần đầu tiên trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội, chức danh người đứng đầu thành Thăng Long không còn theo một quy chế đặc biệt nào nữa. Ngoài hai chức Án sát sứ và Tuyên phủ sứ, bộ máy quản lý phủ Phụng Thiên - Hoài Đức còn có 1 viên Đốc học, 1 viên Trợ giáo phụ trách việc học ở địa phương (sau bỏ, chỉ đặt một viên Giáo thụ) và một số lại viên khác (1 cai án, 8 lại thuộc, quân vệ phủ 66 người, quân thủ lệ 15 người)[21].
 
2.2. Cấp huyện
 
Cấp huyện trong cơ cấu hành chính Kinh thành được đặt chính thức dưới thời Lê Thánh Tông năm Quang Thuận thứ 7 (1466), bao gồm hai huyện Vĩnh Xương (sau đổi là Thọ Xương) và Quảng Đức (sau đổi làm Vĩnh Thuận). Cơ cấu này không thay đổi cho đến hết thời trung đại. Huyện có lỵ sở đặt ngoài Hoàng Thành, trong thành Đại La. Trong quan chế nhà Lê sơ, đứng đầu hai huyện ở Kinh thành là chức Huyện úy, giúp việc là chức Thông phán, trong khi đó ở các địa phương đứng đầu cấp Huyện là chức Tri huyện, giúp việc là chức Huyện thừa. Cùng với việc đặt chức Phủ doãn, Thiếu doãn đứng đầu phủ Phụng Thiên phân biệt với chức Tri phủ và Đồng Tri phủ đứng đầu các phủ địa phương, đây lại là một biểu hiện nữa trong chính sách của nhà nước để khu biệt khu vực Kinh thành với các địa phương bình thường.
 
 Không chỉ khác nhau về tên gọi mà phẩm cấp chức quan đứng đầu hai huyện Kinh thành cũng cao hơn các địa phương. Tháng 9 năm Hồng Đức thứ hai (1471), Lê Thánh Tông định hiệu quan chế, theo đó chức Huyện úy hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức có hàm chánh thất phẩm, trong khi Tri huyện, Tri châu bình thường chỉ có hàm tòng thất phẩm, thấp hơn một bậc; chức Thông phán hai huyện Vĩnh Xương và Quảng Đức có hàm tòng thất phẩm, tức là ngang với chức Tri huyện, Tri châu bình thường[22].
 
Trách nhiệm của người đứng đầu cấp huyện ở hai huyện phủ Phụng Thiên trước hết nằm trong quy định về trách nhiệm chung của chức danh này, nhưng cũng có những khác biệt so với các địa phương. Phan Huy Chú cho biết chức trách của người đứng đầu cấp huyện theo quan chế thời Hồng Đức là: “... khám tra các việc kiện về hộ hôn, điền thổ, khảo thi học trò”[23]. Năm Cảnh Hưng 12 (1751) xét định chức vụ các quan quy định chức trách quan đứng đầu cấp huyện: “Tuần hành [trong hạt], vỗ về, khuyên bảo giúp đỡ nhân dân, phải châm chước điều lệ của triều trước đã chuẩn định. Trong huyện hạt, như có kẻ mưu ngầm làm loạn, rủ nhau tụ tập bè đảng, thì cho tra khám cho được đích thực, một mặt phi trình quan trấn để tùy cách bắt nã, một mặt làm tờ khải đệ lên để có bằng cứ xét lường sai bắt. Viên nào trình cáo được sự thực thì thăng thưởng vượt mức; nếu không biết không trình, cùng đã có trình mà không đúng sự thực, đều xử theo tội nặng”. Đối với hai huyện Kinh thành là Thọ Xương và Quảng Đức quy định: “[Riêng] hai huyện Quảng Đức, Thọ Xương, [huyện quan] phải chiếu số chợ trong các phường, mỗi chợ đặt hai viên thị chính, cho bản phường chọn lấy viên mục nào giỏi giang liêm thạo thì cho làm. Và xin lại dịch các quan ty như có kê giá mua những vật gì, giá bao nhiêu quan, lưu ở bản thị làm bằng. Viên thị chính chiếu số dẫn nộp, theo kỳ lĩnh tiền, nhưng phải thông tính ngày nào tháng nào mua những vật gì, giá bao nhiêu, đã lĩnh được tiền hoặc chưa lĩnh được tiền, cùng là những tình tệ bị các nhà [quyền thế] trong khu ấy phiền nhiễu sai khiến, đều cho khai đơn rõ ràng đích thực, cứ ba tháng một kỳ, nộp tại huyện quan, lập tức chuyển đến công điếm để bằng cứ vào đấy mà tra xét. Nếu [huyện quan] dám dụng tình che giấu, đều theo việc nặng nhẹ, xử biếm phạt hoặc đồ lưu”[24].
 
Sang thời Nguyễn, Kinh đô chuyển vào Phú Xuân nên Thăng Long không còn được coi là khu vực hành chính đặc biệt như trước nữa. Đứng đầu hai huyện là chức Tri huyện, nhưng thời Gia Long và đầu Minh Mệnh vẫn do phủ Hoài Đức kiêm lý, mãi đến năm Minh Mệnh 12 (1831) mới đặt Tri huyện hai huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận. Năm Thiệu Trị 4 (1844) cho Tri huyện Thọ Xương quyền cả công việc huyện Vĩnh Thuận và đến năm Tự Đức 4 (1851) giao huyện Vĩnh Thuận cho huyện Thọ Xương kiêm coi và quyền nhiếp. Lỵ sở huyện Thọ Xương trước đóng ở Đông Nam bên ngoài thành Hà Nội. Khi lỵ sở phủ Hoài Đức chuyển về xã Dịch Vọng (huyện Từ Liêm, nay là phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) thì Lỵ sở cũ của phủ Hoài Đức trở thành lỵ sở của huyện Thọ Xương (thôn Tiên Thị, tổng Thuận Mỹ).
 
2.3. Cấp phường
 
Phường là cấp hành chính cơ sở ở Kinh thành, tương đương cấp xã ở khu vực nông thôn[25] . Dưới thời Lý Trần, Thăng Long chia thành 61 phường. Không có thông tin về chức danh người đứng đầu các phường thời Lý Trần. Tuy nhiên, chắc chắn đó phải là những viên chức nhà nước, bởi lẽ, thời Trần, ở cấp hành chính cơ sở tương đương khu vực nông thôn đã đặt chức xã quan, chia làm đại tư xã (hàm) và tiểu tư xã (hàm). Có thể, chỉ là suy luận, những người đứng đầu cấp phường ở khu vực Kinh thành bấy giờ gọi là các phường quan. Một xã có thể có nhiều xã quan, thì một phường cũng có thể có nhiều phường quan như thực tế các đời về sau.
 
 Sang thời Lê, ban đầu vẫn duy trì chức xã quan, đến đời Lê Thánh Tông, cho đổi chức xã quan thành xã trưởng. Ở khu vực Kinh đô, chức vụ đứng đầu cấp phường cũng đã được đổi từ phường quan thành phường trưởng và vẫn theo lệ cũ, một xã có thể có nhiều xã trưởng thì một phường cũng có thể có nhiều phường trưởng. Lệnh chỉ ngày 23 tháng 9 năm Cảnh Hưng thứ tám (1747) của chúa Trịnh Doanh đề cập đến việc phường Bái Ân, huyện Quảng Đức (nay thuộc phường Bưởi, quận Tây Hồ) có nhắc đến các nhân vật đứng đầu phường này, gồm tới 6 phường trưởng.
 
Về chức trách của phường quan - phường trưởng, cũng được quy định bằng các văn bản pháp lý của nhà nước.
 
Quốc triều hình luật, Điều 458 Chương Đạo tặc quy định: “Ở các phố phường hay ngõ trong Kinh thành (làng xã cũng vậy) xảy ra việc cướp mà quan bản phường, quan đương trực (ở làng xã thì là xã quan), không đem người đến cứu và bắt quan phường thì đem người trong phường, (quan đương trực thì đem quân lính) thì bị xử tội đồ; người trong phường hay quân lính không đến cứu thì xử tội trượng hay biếm. Nếu sức địch không nổi với quân cướp, mà quan phường quan đương trực ở hạt bên cạnh không cùng hợp sức thì bị xử tội như thế...”[26]. Điều 329 Chương Hộ hôn: “Những người quan binh trong Kinh thành xem xét những lính tráng đi tuần mà không đúng phép (đúng phép là mỗi đêm phải cắt phiên thay nhau đi tuần) thì xử phạt 60 trượng. Nếu có trộm cướp hay bọn cờ bạc vô lại ở trong phường mình mà không cáo quan để trị tội thì bị tội biếm hay đồ. Nếu có trộm cướp lẩn lút mà không trình bắt, để xảy ra việc trộm cướp thì cũng tội như trên...”[27].
 
Chức trách, nhiệm vụ của Phường trưởng được quy định cụ thể hơn trong các lệnh dụ sau này. Lệnh dụ năm Cảnh Trị thứ nhất (1663) quy định về trách nhiệm của Phường trưởng, xã trưởng đối với tội đánh bạc; năm Vĩnh Trị thứ ba (1678) quy định về trách nhiệm của Phường trưởng, xã trưởng trong việc lập danh sách người địa phương đủ điều kiện để thi hương[28].
 
Đầu thời Nguyễn (có thể từ cuối thế kỷ XVIII, dưới thời Tây Sơn), cơ cấu hành chính cấp cơ sở của Thăng Long có sự xáo trộn lớn. Do Kinh đô chuyển vào Phú Xuân nên Thăng Long dần trở về đồng dạng với các địa phương khác. Cấp hành chính cơ sở có cả phường, trại, thôn nhưng giờ đây có thêm cấp tổng.
 
Cấp tổng xuất hiện muộn nhất là từ đầu thế kỷ XVII. Đại Việt sử ký toàn thư chép nội dung tờ khải của triều thần dâng lên Bình An Vương tháng Một (âm lịch) năm 1618 có nhắc đến chức danh người đứng đầu cấp tổng: “... bọn cai tổng, xã trưởng thì bắt hỏi việc kiện tụng về hộ khẩu, hộ hôn, ruộng đất...”[29]. Như vậy, đứng đầu cấp tổng là chức Cai tổng. Nhưng có lẽ cho đến tận cuối thế kỷ XVIII cấp hành chính này vẫn chưa được áp dụng ở khu vực Kinh thành (không thấy có một tư liệu nào phản ánh về vấn đề này). Đến cuối thế kỷ XVIII, khi Thăng Long không còn là Kinh đô nữa, cấp tổng mới được thiết lập ở đây giống như các địa phương bình thường khác.
 
Đứng đầu cấp tổng là chức Cai tổng, sau đổi là Tổng trưởng giúp việc có Phó tổng. Năm 1805 Tổng trấn Nguyễn Văn Thành cho đặt các chức Chánh tổng trưởng, Phó tổng trưởng ở Bắc Thành. Năm 1812 đặt tên chức Tổng giáo để dạy bậc sơ học. Năm 1822 bỏ chức Phó tổng trưởng, quy định mỗi tổng chỉ đặt một Cai tổng. Đến năm 1826 đặt lại chức phó, gọi là Ngoại ủy phó tổng ở phủ Hoài Đức và tứ trấn (Sơn Nam - Nam Định, Bắc Ninh, Sơn Tây, Hải Dương). Năm 1826 bỏ chức Tổng giáo. Về chức trách, Chánh tổng phụ trách việc kiểm xét những tên gian phi, Phó tổng đốc suất các việc đăng nạp các hạng lương thuế[30], hoặc như: “Chức cai tổng là thuộc viên của phủ huyện, phàm những việc đốc thúc lương tiền, tuần phòng trộm cướp, đều là chuyên trách”[31].
 
Người đứng đầu phường là phường trưởng, người đứng đầu thôn là thôn trưởng, người đứng đầu trại là trại trưởng. Do quy mô đất đai nhỏ nên phần lớn các đơn vị hành chính này chức danh đứng đầu chỉ có một người. Nhưng cũng có một số trường hợp nhiều hơn. Phường Quan Trạm (tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận) các phường Yên Hoa, Tây Hồ (tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận), Thụy Chương, Yên Thái (tổng Trung, huyện Vĩnh Thuận) có 3 phường trưởng; các phường Nhật Chiêu, Thạch Khối (tổng Thượng, huyện Vĩnh Thuận) có 2 trại trưởng. Trại Yên Lãng (tổng Hạ, huyện Vĩnh Thuận), thôn Trung, trại Giảng Võ, thôn Cống Yên trại Vĩnh Phú (tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận) có 3 trại trưởng.
 
Từ sự trình bày về quy hoạch lãnh thổ và cơ cấu hành chính Thăng Long - Hà Nội thời trung đại có thể nêu một số nhận xét:
 
Thứ nhất, về quy hoạch hành chính có thể chia thành hai thời kỳ trước thế kỷ XIX và trong thế kỷ XIX (trước khi Hà Nội trở thành thành phố nhượng địa của thực dân Pháp - năm 1888). Thời kỳ trước thế kỷ XIX, với tư cách Kinh đô, Thăng Long - Đông Kinh là một khu vực hành chính đặc biệt, gọi là phủ. Trong cơ cấu hành chính quốc gia, sau trung ương, phủ là cấp hành chính địa phương thứ hai, dưới đạo, lộ, thừa tuyên, trấn, xứ. Tuy nhiên, phủ ở Kinh thành không phụ thuộc vào bất kỳ đạo, lộ, thừa tuyên, trấn, xứ nào, mà trực tiếp lệ thuộc, chịu sự chi phối của chính quyền trung ương. Rõ ràng, các chính quyền quân chủ đóng đô ở đây, từ quan niệm, cách đặt vấn đề, và trên hết là xuất phát từ vị trí, vai trò, chức năng của đô thị này đã thực hiện một cơ chế đặc biệt trong việc phân cấp hành chính cho khu vực Kinh thành. Bước sang thế kỷ XIX, Kinh đô chuyển vào Phú Xuân - Huế, thời kỳ đầu, khi vẫn còn duy trì khu vực hành chính lớn Bắc Thành, Thăng Long vẫn là thủ phủ của Bắc Thành, vẫn được coi là một khu vực đặc biệt (phủ) và giữ nguyên cơ chế đặc biệt trong việc phân cấp hành chính (trực tiếp phụ thuộc vào Bắc Thành). Chỉ đến khi Minh Mệnh cải cách hành chính, bỏ Bắc Thành, lập tỉnh - trong đó có tỉnh Hà Nội rất rộng lớn, vùng trung tâm Hà Nội ngày nay mới bị hạ xuống với vai trò thủ phủ của một tỉnh, xét trên nhiều ý nghĩa, giống như thủ phủ các tỉnh khác.
 
Thứ hai, trong cơ cấu các cấp hành chính, ban đầu (thời Lý Trần) chỉ bao gồm hai cấp là phủ và phường. Về sau này, muộn nhất là từ Lê sơ trở đi, hình thành cơ cấu hành chính ba cấp là phủ, huyện, phường. Cơ cấu này không có khác biệt nào so với khu vực nông thôn. Tuy nhiên, về sau, khi khu vực nông thôn có thêm cấp tổng chen giữa cấp huyện và xã thành hệ thống cấp hành chính bốn cấp (tính từ cấp phủ trở xuống), thì ở khu vực Kinh đô vẫn giữ nguyên hệ thống hành chính ba cấp. Rõ ràng ở đây vẫn có sự khu biệt nhất định khu vực Kinh thành với các địa phương khác. Từ thế kỷ XIX, khi Kinh đô chuyển vào Phú Xuân - Huế, mặc dù thời kỳ đầu khi vẫn còn tồn tại Bắc Thành, cấp phủ vẫn được đối xử như một khu vực hành chính tương đối đặc biệt, nhưng trong cơ cấu các cấp hành chính thì Kinh thành xưa đã thực sự nông thôn hóa, với đầy đủ bốn cấp, từ phủ - huyện đến tổng - phường, trại, xã thôn.
 
Thứ ba, trong toàn bộ lịch sử thời kỳ trung đại, với vai trò Kinh đô, không gian lãnh thổ hành chính Kinh thành Thăng Long hầu như không có sự thay đổi bao nhiêu. Đó vẫn là vùng đất thuộc trung tâm Hà Nội ngày nay, với 36 phường (đầu thế kỷ XIX xé nhỏ thành hàng trăm đơn vị phường, trại, xã, thôn), với hai huyện và một phủ. Tính chất ổn định về không gian lãnh thổ hành chính của khu vực Kinh thành trong suốt thời kỳ trung đại đem đến nhiều thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời góp phần hình thành và ổn định sắc thái Thăng Long trên nhiều phương diện nhất là về mặt văn hóa./.