Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Đồng Đậu


Hoa văn trên đồ gốm văn hóa Đồng Đậu
Chủ trì: ThS. Bùi Hữu Tiến
Cơ quan công tác: Bảo tàng Nhân học, ĐHKHXH & NV, ĐHQGHN
Đề tài đã được Hội đồng nghiệm thu ngày 18 tháng 4 năm 2011.
Tóm tắt đề tài
Hoa văn gốm là nguồn sử liệu rất quan trọng để nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu (3500 - 2900 năm cách nay). Khi nghiên cứu về ý nghĩa hoa văn gốm cổ, tác giả Hán Văn Khẩn cho rằng “Hoa văn gốm là một đặc trưng quan trọng nhất và đáng tin cậy nhất để xác định một nền văn hoá khảo cổ” [1].
Có thể nói, trong gần 50 năm nghiên cứu về văn hóa Đồng Đậu, việc nghiên cứu đồ gốm nói chung và hoa văn gốm nói riêng ngày càng được chú trọng, quan tâm và đã đạt được một số thành tựu. Ở khía cạnh nghiên cứu hoa văn, các nhà khoa học đã bước đầu làm rõ một số nét đặc trưng về mặt loại hình, kỹ thuật. Có thể nói, những thành tựu này đã góp phần quan trọng để xác định sự tồn tại của văn hóa Đồng Đậu cũng như góp phần làm rõ đặc trưng của văn hóa này. Nhìn chung, việc nghiên cứu về hoa văn gốm Đồng Đậu còn tản mạn, chưa mang tính tổng hợp, toàn diện, nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ cần tiếp tục đi sâu nghiên cứu như việc phân loại hoa văn, sự biến đổi của kỹ thuật trang trí hoa văn, các nét đặc trưng của hoa văn, giá trị của hoa văn gốm.
1. Nội dung nghiên cứu
Đề tài tập trung nghiên cứu 2 nội dung chính:
-          Nghiên cứu về mặt loại hình, kỹ thuật, đặc trưng của hoa văn
-          Nghiên cứu giá trị của hoa văn
Những nội dung này đã được tác gải trình bày trong chương 1 và 2 của đề tài.
2. Phương pháp nghiên cứu và hướng tiếp cận: Sử dụng các phương pháp nghiên cứu truyền thống: thống kê, mô tả, loại hình học, nghiên cứu so sánh đồng đại, lịch đại. Đề tài thử tiếp cận vấn đề từ hướng nghiên cứu mới như nghiên cứu biểu tượng.
3. Kết quả nghiên cứu của đề tài
- Thứ nhất: tập hợp nguồn tư liệu, nghiên cứu về hoa văn Đồng Đậu, từ đó giúp cho chúng ta có cái nhìn tổng quan về tình hình nghiên cứu hoa văn Đồng Đậu trong gần 50 năm qua.
- Thư hai: phân loại chi tiết các loại hoa văn. Hoa văn trong văn hóa Đồng Đậu có nhiều loại như văn thừng, văn chải, văn khắc vạch kiểu Phùng Nguyên, văn khuông nhạc, văn khắc vạch kiểu Gò Mun, văn in ô vuông, văn in hình chấm tròn cuống dạ, văn in dấu đan, văn in nan chiếu. Đối với những loại hoa văn chính, tiêu biểu, tác giả đã đi sâu vào phân định các phụ kiểu để thấy được tính đa dạng và đặc điểm của từng loại. Chặng hạn như văn khuông nhạc đã xác định được trên 20 phụ kiểu khác nhau. Trong mỗi phụ kiểu có thể có nhiều đồ án.
- Thứ ba: Phân tích làm rõ những biến đổi của kỹ thuật trang trí hoa văn Đồng Đậu, đặc biệt là loại văn khắc vạch và văn in chấm. Đây là những kỹ thuật trang trí đã có nguồn gốc từ văn hoá Phùng Nguyên nhưng đến giai đoạn Đồng Đậu đã có những cải biến. Chính sự thay đổi về mặt kỹ thuật này đã góp phần hình thành lên một phong cách hoa văn mới. Người Việt cổ đã sử dụng những kỹ thuật này để thể hiện những mô típ hoa văn truyền thống của mình. 
- Thứ tư: xác định những nét đặc trưng của hoa văn Đồng Đậu.
 
+ Về mặt loại hình: Trong các loại hoa văn thì văn khuông nhạc, văn in hình hạt, văn đan là 3 loại hoa văn đặc trưng của hoa văn gốm Đồng Đậu. Trong các kiểu văn khuông nhạc Đồng Đậu thì văn chữ S, đường tròn xoăn, văn sóng nước là các kiểu đặc trưng nhất. Nhìn chung, trong trang trí hoa văn, người Đồng Đậu thích dụng các đường cong, có độ mở, không sử dụng các đường góc cạnh như gốm Phùng Nguyên hay gốm Gò Mun. Các đồ án hoa văn mang tính đơn giản, phóng khoáng, ít cầu kỳ. Các đồ án hoa văn mang tính đối xương cũng ít hơn so với giai đoạn Phùng Nguyên. Các họa tiết đệm cũng có nhiều biến đổi theo hướng đơn giản, thường là các đường khắc vạch ngắn, hay các đường tròn xoắn. Chính những khác biệt ở trên tạo lên nét đặc trưng của gốm Đồng Đậu.
alt
+ Về kỹ thuật trang trí: Để tạo ra các loại văn trang trí, người Đồng Đậu chủ yếu sử dụng kỹ thuật khắc vạch, in ấn. Trong đó, kỹ thuật vạch và in ấn bằng que nhiều răng là kỹ thuật đặc trưng của người Đồng Đậu. Họ sử dụng những que có nhiều đầu nhọn hoặc tù để tạo ra các loại văn khuông nhạc, văn in hình hạt. Đây là điểm khác biệt cơ bản của kỹ thuật tạo hoa văn gốm Đồng Đậu so với kỹ thuật tạo hoa văn gốm Phùng Nguyên và Gò Mun. Trong văn hóa Phùng Nguyên hoặc Gò Mun sau này, các đồ án hoa văn điển hình chủ yếu được tạo ra bằng cách sử dụng bút khắc vạch có một hoặc hai đầu nhọn.
+ Về các sắp xếp và trang trí trang trí:Hoa văn trang trí được kết hợp hài hòa với kiểu dáng đồ gốm. Đồ gốm Đồng Đậu thường có bụng nở, thấp, miệng loe cong, bản miệng rông, chân đế thấp hoặc đáy bằng. Vì vậy, hoa văn trang trí chủ yếu được bố trí ở vai, cổ, thành miệng và mặt trong miệng gốm, ít trang trí ở phần chân đế. Việc trang trí hoa văn bên trong miệng gốm là một nét đặc trưng của gốm Đồng Đậu. Trong văn hóa Phùng Nguyên trước đó, hoa văn chủ yếu tập trung ở phần thân và cổ đồ gốm .
Trong văn hóa Đồng Đậu, đồ gốm có đáy bằng khá phổ biến. Do kỹ thuật làm gốm, ở mặt ngoài đáy của những đồ gốm có đáy bằng thường có dấu văn đan. Mặc dù, loại văn này đơn thuần mang tính kỹ thuật, không mang tính trang trí nhưng sự nở rộ của chúng đã góp phàn hình thành lên đặc trưng của hoa văn gốm Đồng Đậu.
Hoa văn gốm Đồng Đậu thường được trang trí theo băng dải nằm ngang quanh miệng, cổ hoặc thân gốm.
Trong phong cách trang trí hoa văn, người thợ gốm Đồng Đậu không sử dụng đơn điệu một kiểu loại hoặc một nhóm hoa văn nào. Họ thường dùng nhiều kiểu phối hợp làm tăng thêm sự phong phú của dạng hình hoa văn. Trong sự phối hợp, họ đã chủ ý xác định văn chủ đạo và văn phụ trợ, văn làm nền, nên đã tôn được cài gì là chủ đạo trong sự phối hợp nhiều kiểu dáng văn khác nhau.
Các mô típ hoa văn gốm Đồng Đậu được bài trí theo các quy luật đối xứng như đối xứng gương, đối xứng trục, đối xứng tịnh tiến. Những kiểu đối xứng này đã được sử dụng phổ biến trong văn hóa Phùng Nguyên. Trong khi người Phùng Nguyên thích dụng các loại đối xứng gương và đối xứng trục thì người Đồng Đậu sử dụng phổ biến kiểu đối xứng tịnh tiến.
+ Hoa văn gốm trong mối tương quan với chất liệu gốm
Những hoa văn mang tính mỹ thuật như văn khắc vạch, văn khuông nhạc, văn in ô vuông, chủ yếu trang trí trên gốm chắc, rất hiếm khi trang trí trên gốm xốp.
+ Hoa văn gốm trong mối quan hệ với chức năng, loại hình đồ gốm
 Xét về mặt loại hình hiện vật, có thể thấy các loại hình thường được trang trí hoa văn gồm bình, nồi, bát, âu, chạc gốm, dọi xe chỉ, trong đó bình gốm là loại hình được trang trí hoa văn nhiều nhất. Các đồ án hoa văn cầu kỳ, phức tạp thường được người thợ thủ công dành để trang trí trên loại hình hiện vật này.
+ Diễn biến của hoa văn gốm trong quá trình phát triển của văn hóa Đồng Đậu
Các loại hình hoa văn gốm có xu hướng biến đổi khác nhau theo thời gian (ở phương diện loại hình, số lượng - mức độ phổ biến). Có loại xu hướng ngày càng tăng, loại hình ngày càng đa dạng hơn như văn khuông nhạc. Có loại có xu hướng biến đổi ngược lại, tiêu biểu là văn khắc vạch kiểu Phùng Nguyên.
Xu hướng biến đổi của hoa văn gốm phản ánh sự thay đổi về quan điểm thẩm mỹ của con người. Chính sự biến đổi này tạo thành đặc điểm của từng giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu, và cũng nhờ đó chúng ta có thể nhận ra và phân chia các giai đoạn của văn hóa Đồng Đậu dễ dàng hơn và chính xác hơn.
- Thứ tư: đi sâu nghiên cứu làm rõ giá trị của hoa văn gốm Đồng Đậu.
+ Hoa văn thể hiện đặc trưng văn hóa của cư dân Đồng Đậu
Hoa văn gốm của văn hóa Đồng Đậu có đặc điểm riêng. Sự đồng nhất của hoa văn trang trí ở mấy chục các địa điểm khảo cổ học khác nhau thuộc văn hoá Đồng Đậu không phải là một sự trùng lặp ngẫu nhiên, sự đồng quy văn hoá mà thể hiện sự thống nhất cao về văn hoá giữa các thị tộc, bộ lạc trong cộng đồng dân tộc chung. Nó phản ánh mối quan hệ thuân thuộc giữa các thị tộc, bộ lạc. Như vậy, hoa văn gốm đã góp phần để hình thành lên đặc trưng của văn hóa Đồng Đậu, giúp chúng ta phân biệt văn hóa Đồng Đậu với những văn hóa trước và sau nó trong truyền thống văn hoá Tiền Đông Sơn cũng như các văn hoá đồng đại ở khu vực.
+ Hoa văn gốm góp phần phản ánh các hoạt động kinh tế và đời sống tinh thần phong phú của cư dân Đồng Đậu
 Khía cạnh kinh tế: Hoa văn thể hiện sự phát triển của nghề làm gốm, nghề đan lát.
alt
Khía cạnh tinh thần: hoa văn phản ánh khiếu thẩm mỹ phong phú của người Đồng Đậu. Một số loại hoa văn của văn hóa Đồng Đậu có thể là biểu tượng của mặt trời như văn chữ S, đường tròn xoắn, đường tròn đồng tâm. Thờ mặt trời là tín ngưỡng phổ biến của cư dân nông nghiệp ở Đông Nam Á.
alt
+ Hoa văn gốm góp phần phản ánh môi trường sống của người Đồng Đậu
Trong các mô típ hoa văn trang trí trên gốm Đồng Đậu thì văn sóng nước rất phổ biến. Văn sóng nước phản ánh môi trường sông nước và ước vọng cầu nước của những cư dân trồng lúa nước.
+ Hoa văn gốm là một trong những cở sở quan trọng để phân chia các giai đoạn phát triển của văn hóa Đồng Đậu.
Trên cơ sở nghiên cứu diễn biến hoa văn gốm ở di tích Thành Dền và Đồng Đậu, kết hợp với các tài liệu địa tầng, chúng tôi nhất trí với quan điểm cho rằng văn hóa Đồng Đậu có 3 giai đoạn phát triển khác nhau: Giai đoạn Phùng Nguyên muộn - Đồng Đậu sớm; giai đoạn Đồng Đậu điển hình; giai đoạn Đồng Đậu muộn - Gò Mun sớm.
+ Hoa văn phản ánh mối quan hệ văn hóa.
Nghệ thuật trang trí hoa văn Đồng Đậu là kết quả của quá trình “hỗn dung” văn hoá. Nó được hình thành trên cơ sở kế thừa các yếu tố văn hoá Phùng Nguyên, hội nhập, tiếp thu các yếu tố của nhóm Mả Đống - Gò Con Lợn. Tất cả những yếu tố văn hoá cả cũ và mới khi được kế thừa, hội nhập không phải được bê nguyên si, các đồ án hoa văn được sao chép thuần tuý mà đều được tinh lọc và biến đổi để phù hợp với quan điểm thẩm mỹ mới. Để hình thành nền nghệ thuật Đồng Đậu, thì yếu tố Phùng Nguyên là nền tảng, nòng cốt quan trọng, tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận những đóng góp rất to lớn của yếu tố Mả Đống - Gò Con Lợn.
+ Những đóng góp của nghệ thuật trang trí hoa văn giai đoạn Đồng Đậu vào sự phát triển của nghệ thuật trang trí thời Tiền Đông Sơn và Đông Sơn
Người Đồng Đậu đã kế thừa, bảo lưu những mẫu, mô típ hoa văn truyền thống (như chữ S, đường tròn xoắn, văn khắc vạch cắt nhau, sóng nước,..), phát triển khiếu thẩm mỹ và tri thức về nhịp điệu (các kiểu đối xứng). Mặt khác không ngừng sáng tạo ra những mẫu, mô típ hoa văn và những cách thức, thủ pháp trang trí mới. Trong trang trí, chú trọng trang trí bên trong miệng gốm. Lối trang trí này sau này tiếp tục được người Gò Mun kế thừa và phát triển.
Có thể nói, nghệ thuật trang trí thời Đồng Đậu đã có những đóng góp rất lớn trong việc hình thành lên một nền nghệ thuật Tiền Đông Sơn ở lưu vực sông Hồng vừa mang tính thống nhất, vừa mang tính đa dạng.
            Hoa văn gốm Đồng Đậu là sản phẩm kết tinh trong quá trình lao động sản xuất của người Việt cổ. Đó chính là nơi phản ánh cuộc sống chân thực và sống động nhất. Vì vậy, đó là kho báu vô giá đối với các nhà nghiên cứu khi tìm hiểu về cuộc sống con người thời xưa.


[1]Hán Văn Khẩn 1983, Xung quanh vấn đề ý nghĩa hoa văn gốm cổ, KCH, số 2, tr: 33.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét