Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Luy Lâu – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cổ xưa nhất (II)


Luy Lâu – trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cổ xưa nhất (II)


(Chinhphu.vn) - Luy Lâu thời Bắc thuộc không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế - thương mại, trung tâm văn hóa - tôn giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta.
Sự phân bố rộng lớn của khu di tích Luy Lâu (hàng mấy chục vạn mét vuông), với các loại hình phong phú và đậm nét dấu tích vật chất, trong đó phổ biến là đồ dùng sinh hoạt, vật liệu kiến trúc… cho thấy, Luy Lâu là khu dân cư đông đúc và các hoạt động kinh tế - thương mại nhộn nhịp, sầm uất. Luy Lâu thực sự là đô thị lớn thời Bắc thuộc. Căn cứ vào dấu tích còn lại có thể hình dung diện mạo đô thị Luy Lâu thời Bắc thuộc như sau.
Đô thị Luy Lâu nằm giữa khu vực giao nhau giữa Sông Dâu và Sông Đuống, giữa trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, trong đó Sông Dâu giữ vai trò trục không gian kiến trúc chính. Các công trình của đô thị chủ yếu dựng đặt, xây cất bên bờ Sông Dâu (thành lũy bên một bờ sông). Trung tâm đô thị là tòa Thành Luy Lâu kiên cố và bề thế - trụ sở chính và căn cứ quân sự của bộ máy cai trị. Trong thành là công đường, dinh thất, nhà cửa, đồn trại, kho bãi… Mặt lũy thành là tháp canh, đồn trại, bao lấy lũy thành là hào sâu, lũy tre dày đặc nhằm bảo vệ bộ máy cai trị của phong kiến ngoại tộc.
Ngoài thành, ở hai phía Nam - Bắc là nhà ở, dinh thự, lầu gác của quan lại, quý tộc là chủ yếu, mà nay còn lại dấu tích khảo cổ và địa danh Văn Quan, Phương Quan, Mã Quan, Cánh Sở…
Liền kề với khu cư trú của tầng lớp quý tộc, quan lại là khu vực buôn bán, phố chợ, bến bãi, mà nay vẫn còn Chợ Dâu ở phía Nam. Chợ Dàn ở phía Bắc Thành Luy Lâu với các địa danh bến bãi: Bến Giang Tân, Bến Ơn Trà, Bến Đồng Dâu, Cầu Dàn, Cầu Gạo, Cầu Phật Ngự… Tại những khu vực này nhan nhản vật liệu kiến trúc, đồ dùng sinh hoạt, tiền đồng… cho thấy nơi đây xưa kia san sát nhà cửa, kho bãi, phố chợ trên bến dưới thuyền.
Bao quanh Luy Lâu, trên những cánh bãi cao mầu mỡ là ruộng đồng, làng xóm của cư dân vùng Dâu chuyên cấy lúa, trồng dâu, chăn tằm, dệt vải, đánh bắt cá… Đáng chú ý là bao quanh đô thị Luy Lâu, có nhiều làng nghề phục vụ cho nhu cầu của bộ máy thống trị và các hoạt động của cư dân đô thị, như các làng thợ: Làng Tư Thế làm bút mực, Làng Mèn (tức Mặn Xá, quê của Phật mẫu Man Nương) làm quạt, Làng Văn Quan nấu chì, Làng Thanh Hoài nấu dầu, Làng Dàn uốn lưỡi câu… Đặc biệt ngay trong đô thị Luy Lâu đã có những làng buôn như Làng Đại Tự (Dâu Tự) buôn muối, Làng Lũng Chiền (tức Làng Lũng Khê) buôn nâu, và có cả một Làng Thanh Tương (Kẻ Tương) chuyên nghề hát ca trù. Các làng nghề, làng buôn ở trong và bao quanh đô thị Luy Lâu xưa đã đi vào bài hát trống quân trong vùng, cho thấy hoạt động của đô thị Luy Lâu xưa thật sự sầm uất:
“Tư thế bút mực làm giàu
Trà Lâm mổ lợn, uốn câu Làng Dàn
Nấu chì đã có Văn Quan
Kẻ Tương đi hát kiếm quan tiền tđi
Nấu dầu đã có Thanh Hoài
Dâu Tự buôn muối, Lũng Chiền buôn nâu…”
Các công trình kiến trúc, tôn giáo (đền đài, chùa tháp…) được xây cất trong thành, ngoài phố xá, làng mạc dọc bờ Đông Sông Dâu là chủ yếu, trong đó Chùa Dâu (Đền Bà Dâu) giữ vai trò trung tâm tôn giáo của đô thị Luy Lâu, được xây dựng quy mô bề thế.
Phía Đông Thành Luy Lâu, trên cánh đồng cao rộng lớn là khu mộ địa, gồm hàng mấy trăm ngôi, được xây dựng quy mô, tốn kém, trong đó to lớn hơn cả là lăng mộ Sỹ Nhiếp ở làng Tam Á.
Cấu trúc quy hoạch đô thị Luy Lâu như thế rất to lớn, bề thế, tề chỉnh như kinh đô của một nước, đồng thời là một trung tâm kinh tế, trung tâm thương mại sầm uất.
Tất nhiên, không phải ngay từ đầu, đô thị Luy Lâu đã được xây dựng quy mô bề thế. Các di tích ở Luy Lâu phản ánh, trong thời gian đóng trị sở tại đây, Sỹ Nhiếp là người có vai trò lớn trong việc xuống và mở rộng đô thị Luy Lâu với quy mô bề thế và tề chỉnh như kinh đô của một nước. Các hoạt động kinh tế - thương mại ở Luy Lâu rất phát triển. Cư trú và làm ăn tại Luy Lâu, ngoài người Việt, còn đông đảo người Hán, Ấn Độ, Trung Á… gồm nhiều thành phần: Thái thú, Thứ sử, quan lại, binh lính, sỹ đại phu, quý tộc, địa chủ, thợ thủ công, thương nhân, giáo sỹ. Số người này liên tục tràn tới Giao Châu không khi nào dứt và tập trung ngày càng đông ở đô thị Luy Lâu, nhất là dưới thời Sỹ Nhiếp.
Theo các nguồn sử liệu, các nước phương Tây và phương Nam muốn buôn bán, giao thiệp với Trung Quốc đều phải theo con đường Giao Chỉ. Từ Tr.C.N và nhất là từ thế kỷ II-III S.C.N trở đi, ngày càng có nhiều thương nhân nước ngoài đến buôn bán ở Giao Châu và thuyền buôn của họ thường xuyên có mặt ở Luy Lâu. Những chứng tích vật chất và các nguồn tài liệu ở Luy Lâu đã khẳng định Luy Lâu thực sự là trung tâm thương mại lớn - một đô thị cảng mang tính quốc tế của nước ta thời Bắc thuộc.
Sức sống mạnh mẽ của văn hóa bản địa
Khu lăng mộ Sĩ Nhiếp tại làng Tam Á
Với vị trí và vai trò đó, Luy Lâu trở thành trung tâm văn hóa, trung tâm Phật giáo của nước ta thời Bắc thuộc. Luy Lâu là trung tâm xâm nhập và truyền bá văn hóa Hán Đường vào nước ta. Tham gia vào công việc này, phần lớn là người Hán mà giữ vai trò quan trọng là tầng lớn quan lại, sỹ đại phu, quý tộc, thương nhân, thợ thủ công… Người làm công việc truyền bá có hiệu quả nhất phải kể tới Sỹ Nhiếp.
Các nguồn tài liệu về Luy Lâu xác nhận, Sỹ Nhiếp là người cho dựng chùa và tạc tượng “tứ pháp”, là người mở mang Hội Dâu và cũng chính là người ra khai hội hàng năm vào ngày 8 tháng Tư. Có thể thấy Sỹ Nhiếp là người đã được Việt hóa sâu sắc, chính vì vậy trong việc truyền bá văn hóa văn minh vào nước ta, Sỹ Nhiếp đã có sự thông hiểu và kết hợp nhuần nhuyễn với truyền thống văn hóa bản địa, do đó đem lại những hiệu quả to lớn và tích cực. Điều đó giải thích vì sao Sỹ Nhiếp là vị Thái thú duy nhất được nhân dân Luy Lâu ngưỡng vọng nhớ ơn và suy tôn là Sỹ Vương Tiên, Thánh Nam Giao, Nam Giao học tổ.
Cùng với Nho học, Phật giáo cũng được truyền bá vào nước ta qua trung tâm Luy Lâu. Các nguồn thư tịch, tài liệu ở Luy Lâu, nhất là Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh lưu tại Chùa Dâu, cho biết vào thế kỷ II-III S.C.N, Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của nước ta. Hoạt động Phật giáo ở đây rất nhộn nhịp và tập trung, tăng viện, chùa tháp được xây cất rất quy mô, tàng chứa hàng trăm bộ kinh. Hàng trăm tăng sỹ ấn Độ, Trung Quốc, Trung Á… đã tới Luy Lâu truyền đạo, nghiên cứu, biên dịch kinh Phật, đào tạo tăng đồ. Người đầu tiên đến Luy Lâu và dựng trung tâm Phật giáo ở đây là giáo sỹ ấn Độ Khâu Đà La. Các bộ kinh Bát thiên tung bát nhã, Pháp Hoa tam muội… là những bộ kinh xưa nhất trong hệ bát nhã đã được các tăng sĩ nghiên cứu và biên dịch tại Luy Lâu. Chính quốc sư Thông Biện triều Lý, trong lúc đàm đạo Phật pháp với Nguyên Phi ỷ Lan đã dẫn lời pháp sư Đàm Thiên cho biết: “Xứ Giao Châu có đường thông với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa khắp thì ở Luy Lâu đã có hai mươi bảo tháp, độ được năm trăm vị tăng và dịch được mười lăm quyển kinh rồi”.
Nhiều kết quả nghiên cứu đã cho rằng, Phật giáo từ Luy Lâu truyền sang Bành Thành truyền tới Lạc Dương (Trung Quốc).
Từ thế kỷ VI đến thế kỷ IX, Luy Lâu là trung tâm của Thiền phái thứ nhất của Việt Nam. Thiền pháp Tì-ni-đa-lưu-chi. Ông là người ấn Độ đến Chùa Pháp Vân (tức Chùa Dâu) vào năm 580 và ở lại đây cho đến năm 594 thì tịch. Ông là học trò của Tăng Xán - vị tổ thứ ba của Thiền phái Thiền Tông (Trung Hoa) và được Tăng Xán truyền tâm ấn. Sách Thiền uyển tập anh không chỉ xác nhận trung tâm của Thiền pháp Tì-ni-đa-lưu-chi tại Chùa Dâu, mà còn cho biết 19 thế hệ của Thiền phái này với 31 vị cao tăng, trong đó hầu hết đã trụ trì tại Chùa Dâu.
Vào thế kỷ VI-VII, Luy Lâu được coi là nơi “linh địa” nên được vua nhà Tùy ban cho di vật của đức Phật và sư Pháp Hiền đã cho dựng tháp ở Chùa Dâu và nhiều nơi khác.
Cùng với Nho giáo, Phật giáo, các luồng tư tưởng tín ngưỡng dân gian Trung Quốc và các vùng lân cận cũng được truyền vào nước ta qua trung tâm Luy Lâu, như thuyết phong thủy, ma thuật, luyện đan, địa lý… Lời tựa sách Mâu Tử  viết: “Sau khi Hán Linh Đế băng hà, thiên hạ nhiễu loạn, chỉ có Giao Châu là khá yên ổn, các bậc dị nhân phương Bắc xuống đây phần lớn tin theo thuật thần tiên, luyện phép tích cốc trường sinh”. Nhiều nguồn sử liệu và truyền tích nói Sỹ Nhiếp chết đi rồi sống lại, chuyện ông này chết sau 160 năm mà mặt vẫn còn tươi, mắt vẫn còn mở, được coi là “Sỹ Vương Tiên”… Rồi những truyền tích về gò đống ở Luy lâu mà thực chất là những ngôi mộ gạch thời Bắc thuộc, cho thấy những luồng tư tưởng, tín ngưỡng ngoại nhập vào Luy Lâu khá sâu rộng.
Song, các yếu tố văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng ngoại nhập, khi vào Luy Lâu đều đã hòa nhập với văn hóa và tín ngưỡng bản địa, và tất cả đã được chuyển hóa, tái tạo để mang những nội dung, yếu tố văn hóa Việt: tôn thờ, ơn nhớ tổ tiên, sùng bái những bậc thánh thần, tiên Phật, những danh nhân có công phù giúp nhân dân làm ăn, đánh giặc, bảo vệ và phát triển văn hóa dân tộc.
Chính vì vậy, tại Luy Lâu, Sỹ Nhiếp được tôn thờ, ngưỡng vọng không phải với vai trò Thái thú mà là do công lao truyền bá văn hóa Hán trên cơ sở tôn trọng, kết hợp và hòa nhập với văn hóa bản địa của người Việt. Và thật dễ hiểu, ngay tại trung tâm Luy Lâu, vẫn đậm đặc những đền thờ Kinh Dương Vương, Lạc Long Quân - Âu Cơ, những tướng lĩnh của Hùng Vương, của Hai Bà Trưng. Từ lâu, hàng năm vào ngày 5 tháng Giêng nhân dân Luy Lâu vẫn mở hội kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tổ chức mừng chiến thắng Tô Định và khao thưởng quân sỹ.
Sôi động và cuốn hút nhất vẫn là lễ hội Dâu hàng năm vào ngày 8 tháng Tư Âm lịch. Các nghi lễ tắm Phật, rước tượng “Thạch quang”, “Tứ pháp”, diễn trò cướp nước… đã thể hiện sức sống mạnh mẽ của văn hóa bản địa người Việt và sự hòa nhập của văn hóa tín ngưỡng ấn Độ, Trung Quốc tại trung tâm Luy Lâu thời Bắc  thuộc.
Luy Lâu – Long Biên chấm dứt vai trò lịch sử (III) 

Từ Luy Lâu - Long Biên nơi giao long bơi lặn đôi bờ, tới Thăng Long với rồng vàng bay lên khoảng trời Đại Việt độc lập, tự chủ phải qua một thiên niên kỷ bi hùng (những thế kỷ trước Công nguyên). Tới nửa đầu thế kỷ thứ IX, Luy Lâu - Long Biên mới chấm dứt vai trò lịch sử.
Sử sách ghi chép lại việc chấm dứt này như sau: “Giáp Thìn (824) mùa đông tháng 11, Lý Nguyên Gia thấy trước cửa thành có nước chảy ngược, sợ trong Châu có nhiều người sinh lòng làm phản. Vì thế dời đóng thành ngày nay (bấy giờ Nguyên Gia dời phủ trị đến sông Tô Lịch, mới đắp thành nhỏ thôi, có người thầy xem đất bảo rằng: Sức ông không đắp nổi thành lớn, độ 50 năm nữa về sau tất có người họ Cao đến đây đóng đô dựng phủ. Đến đời Hán Trung, Cao Biền đắp thêm La Thành đúng như lời ấy)”.
9a8a6bee7_dendo2.jpg
Thủy đình trong đền Đô tại quê hương Lý Công Uẩn - người đã xác lập vị trí kinh đô của Thăng 

La Thành của Cao Biền chính là địa điểm mà sau này Lý Công Uẩn đã quyết định dựng lập Quốc đô Đại Việt vào năm 1010, vì ông đã nhìn thấy vị trí nơi này “ở vào nơi trung tâm trời đất; được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây; lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng; đất đai cao mà thoáng; dân cư khỏi chịu cảnh khốn khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú, tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước; cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”.

Kể từ đó Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội liên tục là Quốc đô của nước ta, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của Việt Nam thời độc lập tự chủ.

Như vậy, suốt hai thiên niên kỷ, hai thời kỳ lịch sử, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của nước ta chủ yếu ở hai địa điểm: Luy Lâu - Long Biên và Thăng Long - Hà Nội.

Thiên niên kỷ Bắc thuộc (Tr-S.C.N), Luy Lâu - Long Biên giữ vai trò trung tâm. Đó là đô thành Luy Lâu (tức Long Biên) với biểu tượng “giao long lượn đi lượn lại ở hai bên Nam - Bắc” (nhân đó mà đặt là Long Biên); được dựng đặt bên bờ Đông Bắc sông Dâu.

Đây là trung tâm cai trị Giao Chỉ - Giao Châu của phong kiến Trung Quốc, đồng thời là trung tâm kinh tế, thương mại lớn, một đô thị cảng mang tính quốc tế, trung tâm tiếp xúc, giao lưu hội nhập văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo giữa nước ta với các nước trong khu vực, đặc biệt với Trung Quốc và Ấn Độ - hai trung tâm văn minh lớn của thế giới thời cổ đại.

Sang thiên niên kỷ độc lập tự chủ, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội giữ vai trò trung tâm. Đó là kinh thành Thăng Long với biểu tượng “rồng vàng bay lên” được dựng đặt ở bờ Nam sông Hồng, với quy mô to lớn, bề thế, kiến trúc nguy nga, mỹ lệ, là quốc đô của Nhà nước Đại Việt, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của nước ta suốt thiên niên kỷ đấu tranh bảo vệ đất nước, phát triển văn hóa và văn minh Đại Việt. Và ngày nay, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội là thủ đô của nước Cộng hòa XHCN Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh quang vinh.

Luy Lâu - Long Biên và Thăng Long - Hà Nội: hai vị trí, hai trung tâm, hai thời kỳ lịch sử khác nhau và hai vai trò khác nhau, nhưng lại có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Chặt chẽ, mật thiết với nhau vì đều cùng phản ánh tập trung và tiêu biểu quá trình vận động và phát triển liên tục của lịch sử dân tộc từ mất nước, bị lệ thuộc, tiến tới giành quyền độc lập tự chủ, thể hiện sức sống mạnh mẽ và vươn lên làm chủ vận mệnh, làm chủ đất nước của dân tộc Việt Nam, của văn minh Đại Việt.

Để có kinh thành Thăng Long với biểu tượng “rồng vàng bay lên” như tư thế vùng dậy làm chủ vận mệnh của dân tộc và quốc gia Đại Việt là nhờ có Lý Công Uẩn, có nhà Lý triều đại vàng son và hiển hách, vốn quê Đình Bảng - Cổ Pháp. Nhưng để có nhà Lý, trước tiên phải có xứ Bắc, có bộ Vũ Ninh thời Hùng Vương - An Dương Vương, có Luy Lâu những thế kỷ Tr.C.N là “cái ổ để từ đó người Việt Nam tràn ra chiếm lĩnh vùng trung châu”.

Và có kinh Thành Thăng Long, có triều đại nhà Lý và nền văn minh Đại Việt, lịch sử dân tộc đã phải trải qua thiên niên kỷ của thời Bắc thuộc bi hùng. Đây không chỉ là đêm trường đấu tranh chống áp bức bóc lột và đồng hóa, giành quyền độc lập dân tộc mà chính là thời kỳ rèn luyện “cá tính Việt Nam”, thời kỳ chuẩn bị những điều kiện tiền đề cho bước phát triển huy hoàng của văn hóa - văn minh Đại Việt thế kỷ X-XV. Thiên niên kỷ bi hùng ấy của lịch sử dân tộc đã diễn ra chủ yếu ở xứ Bắc, mà trung tâm là Luy Lâu - Long Biên. Đây là “xứ sở điển hình trong hàng ngàn năm, là nơi có sự tiếp xúc và thông đạt giữa hai dân tộc Việt - Hán, là nơi chứng kiến và thi triển diễn tiến tụ hội giữa hai nền văn minh Việt - Hán… đưa tới sự biến chuyển trong toàn bộ thành một nền văn hóa mới khác biệt - văn hóa Đại Việt ngày sau”.

Từ Luy Lâu - Long Biên đến Thăng Long - Hà Nội, con đường không gian chưa đầy hai mươi cây số, từ bờ Đông Bắc sông Dâu đến bờ Nam sông Hồng, nhưng con đường thời gian phải trải qua thiên niên kỷ bi hùng của thời Bắc thuộc, để từ Luy Lâu - Long Biên - nơi giao long bơi lặn đôi bờ, tới Thăng Long - với rồng vàng bay lên khoảng trời Đại Việt độc lập, tự chủ.

Đó là quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam, quá trình chuyển hóa và phát triển của văn hóa Việt Nam, cũng là quá trình xác lập và chuyển dời trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của đất nước từ Luy Lâu - Long Biên đến Thăng Long - Hà Nội.

Trích Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét