Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

MỘT VÀI SUY NGẪM TỪ LỄ HỘI LÀNG GIANG XÁ, HUYỆN HOÀI ĐỨC, HÀ NỘI


MỘT VÀI SUY NGẪM TỪ LỄ HỘI LÀNG GIANG XÁ, HUYỆN HOÀI ĐỨC, HÀ NỘI

NGUYỄN THỊ THANH MAI

Tóm tắt
Làng Giang Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội ngày nay) là một trong những nơi thờ tự chính Nam Đế - người anh hùng dân tộc, vị vua khai sinh ra triều đại Tiền  và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ VI.  Hội làng Giang Xá thường được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng hàng nămlà nơi thể hiện một cách tập trung nhất thái độ, tình cảm, lòng ngưỡng mộ của nhân dân dành cho vị anh hùng dân tộc này. Tuy nhiên, khi nghiên cứu về “việc phụng thờ Lý Nam Đế” tại làng Giang Xá chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần trao đổi. Bài viết ghi lại một vài suy ngẫm về việc giữ gìn, bảo tồn những giá trị văn hoá làng xã, nâng cao nhận thức của người dân khi đến với lễ hội, sự dung hòa các mối quan hệ xã hội phức tạp từ lễ hội làng Giang Xá nói riêng đến lễ hội Việt Nam nói chung.
Nằm trong vùng đất xứ Đoài giàu truyền thống, nơi có nhiều di tích và lễ hội cổ truyền, Giang Xá là một làng cổ trong số các làng cổ Việt Nam với nhiều nét đẹp văn hoá được lưu giữ từ ngàn đời. Người dân làng Giang Xá từ bao đời nay còn tự hào là “quê hương thứ hai” của người anh hùng dân tộc Lý Nam Đế - vị vua khai sinh ra triều đại Tiền Lý và lập nên nhà nước Vạn Xuân vào thế kỷ thứ VI. Có thể thấy rằng, trong rất nhiều miền quê cùng thờ Lý Nam Đế, làng Giang Xá được coi là một trong những nơi thờ tự chính. Điều này không những được biểu hiện ở hình thức thờ cúng với mật độ các ngày cúng giỗ, tưởng niệm thường xuyên trong năm nhiều  hơn so với các làng khác mà còn được thể hiện ở nét đặc trưng của hệ thống các quần thể di tích gắn với các sự tích về cuộc đời ông cũng như những dấu ấn đậm nét về những chiến tích hào hùng mà ông để lại ở vùng đất nơi đây. Đặc biệt, lễ hội làng Giang Xá là nơi thể hiện một cách tập trung nhất thái độ, tình cảm, lòng ngưỡng mộ của nhân dân dành cho vị anh hùngdân tộc này.
 Hội làng Giang Xá thường được tổ chức vào ngày 12 tháng giêng hàng năm (theo truyền thuyết đây là ngày lên ngôi của Lý Nam Đế, đồng thời là ngày kỷ niệm thành lập nước Vạn Xuân). Trước đây, Giang Xá năm nào cũng mở hội tiểu trà 5 ngày (từ ngày 12 đến ngày 16 tháng giêng), năm nào phong đăng hòa cốc hoặc có sự kiện gì vui thì làng mở hội đại trà từ 16 đến 21 ngày, có năm mở 20 ngày, sang tháng 2 mới giã đám, có rước nghinh, rước văn, rước cỗ, các trò chơi dân gian…
Ngoài ra, các ngày 10 tháng 3 (ngày hưng binh), ngày 2 tháng 5 (giỗ Lý Nam Đế) và ngày 12 tháng 9 (sinh nhật Lý Nam Đế) cũng được coi là ngày lễ chính của làng. Bắt đầu từ năm 1989, nhân dịp cụm di tích đình và đền của làng được Nhà nước công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia, lễ hội truyền thống của làng được phục hồi và nhanh chóng trở thành một nét sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu được của người dân nơi đây. Như đã thành thông lệ, cứ 5 năm một lần, làng Giang Xá lại tổ chức đại lễ, dân làng nô nức chuẩn bị và chờ đón ngày vào đám. Những năm khác dân làng chỉ tổ chức tế lễ ở đình và đền với những nghi lễ chính, những trò chơi dân gian với quy mô nhỏ và không rầm rộ như những năm có đại đám.
Qua việc khảo sát các truyền thuyết, thần tích, di tích và lễ hội tại làng Giang Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội), chúng tôi nhận thấy rằng: niềm tin vào sự hiện diện và sự phù hộ của thần thành hoàng đối với các hoạt động của cộng đồng và của cá nhân vẫn tồn tại trong tâm thức của những người dân nơi đây. Chính niềm tin về mặt tâm linh ấy đã gắn bó con người trong tổ chức làng xã bằng sự “cộng mệnh và cộng cảm” (chữ dùng của GS. TS. Ngô Đức Thịnh). Và chính tại đây những khuôn mẫu văn hóa truyền thống đã được duy trì và bảo tồn qua nhiều thế hệ để rồi được tái hiện lại một cách sinh động qua các lễ thức, các trò diễn dân gian, tục hèm…trong ngày hội làng. Điều đó đã đưa lại cho người dân ý thức rõ rệt về sự hiện diện của một nhân vật lịch sử trên quê hương mình.
Tuy nhiên, khi nghiên cứu về “việc phụng thờ Lý Nam Đế” tại làng Giang Xá chúng tôi nhận thấy còn nhiều vấn đề cần trao đổi.
 1Trước hết, đó là sự trao truyền, tính kế thừa giữa các thế hệ trong việc gìn giữ, bảo tồn văn hóa làng (mà ở đây chúng tôi muốn nhấn mạnh tới việc gìn giữ những truyền thuyết dân gian, những nghi thức, nghi lễ trong hội làng).
Có thể thấy rằng, trong lễ hội thờ Lý Nam Đế, truyền thuyết về ông là xương sống của lễ hội. Lễ hội được thực hiện trên cơ sở những truyền thuyết được ghi lại trong thư tịch và được truyền tụng trong dân gian. Do vậy căn cứ duy nhất để người dân làng Giang Xá và các nhà nghiên cứu tìm hiểu về việc thờ cúng Lý Nam Đế là truyền thuyết, thần tích. Tìm đến với những người dân làng Giang Xá, chúng tôi nhận thấy truyền thuyết còn lưu lại đến ngày nay chủ yếu còn đọng lại trong tâm trí của các cụ cao tuổi trong làng. Các cụ là những đại diện tiêu biểu cho lớp người có trách nhiệm gìn giữ truyền thống, là chủ nhân của các sinh hoạt văn hoá cổ truyền và không ai khác là người hiểu rõ các phong tục tập quán cũng như những nơi thờ tự trong làng. Nhưng một thực tế hiện nay là lớp người già trong làng đang ngày càng thưa vắng. Vấn đề đặt ra ở đây là ai sẽ là những người có trách nhiệm lưu truyền, giữ gìn những nét đẹp văn hóa của cha ông để lại khi mà trong đời sống hiện nay, đứng trước nền kinh tế thị trường đầy sôi động,không ít người, nhất là lớp trẻ kế cận đang mải miết cuốn theo vòng xoáy của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, dường như không mấy ai mặn mà với truyền thống văn hóa của cha ông. Những người còn lại hôm nay rất ít. Hơn nữa, thời gian và tuổi tác đã dần khiến các cụ không còn nhớ một cách chi tiết và đầy đủ, chính xác về những phong tục tập quán, văn hóa truyền thống làng nữa. Thiết nghĩ nếu chúng ta không tranh thủ lưu lại những truyền thống văn hóa được kể lại từ chính các cụ thì rất có thể một ngày nào đó chúng ta sẽ mất đi những di sản văn hóa vô giá ấy.
Hiện nay trong đình làng Giang Xá còn lưu giữ cuốn thần phả được chép bằng chữ Hán trên giấy dó cổ, nội dung ghi chép về sự tích Lý Bí (tên thường gọi của Lý Nam Đế) do Hàn lâm viện Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn và được dân làng sao chép lại dưới thời Nguyễn. Tuy nhiên, do được chép trên giấy dó cổ - thứ giấy mỏng, dễ ẩm, rách cho nên về lâu dài chúng ta khó có thể đảm bảo chắc chắn được sự nguyên vẹn của nó. Vì vậy việc bảo tồn, giữ gìn nó là cần thiết. Theo chúng tôi được biết thì năm 2007, cụ Giang Văn Thăng (một cụ cao tuổi trong làng) với tâm huyết của mình đã cùng con cháu trong gia đình mài công, vất vả chép lại cuốn thần phả bằng đồng cung tiến cho làng. Có thể nói, đây là một công trình rất có ý nghĩa, góp phần quan trọng vào việc gìn giữ những di sản văn hóa của cha ông để lại.
Ngoài ra một điều dễ nhận thấy là trong đời sống văn hoá xã hội ở làng Giang Xá các cụ cao tuổi luôn đóng một vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong việc tham gia vào hoạt động tôn giáo tín ngưỡng của cộng đồng. Vì vậy, hội làng Giang Xá sau nhiều năm đứt đoạn, nay được phục hồi, rất cần đến sự đóng góp của các cụ. Trước hết đó là việc tìm lại trong những ghi chép của các lớp người đi trước để định ra việc tổ chức, chọn ra các nghi thức trong lễ hội sao cho hệ thống các nghi lễ đã được khôi phục trở lại theo đúng trình thức xưa kia. Và trong việc tổ chức lễ hội ngày nay, các cụ chính là những người đóng vai trò chính trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, góp bàn ý kiến cho các nghi thức, nghi lễ trong lễ hội. Hơn thế nữa, các cụ chính là những người có kinh nghiệm sống phong phú, là những giá trị về nhân cách và chuẩn mực đạo đức cho con cháu hôm nay noi gương và học tập. Nhưng một vài năm nữa, khi các cụ không còn  thì ai sẽ là người hướng dẫn, chỉ bảo việc thực hành các nghi thức, nghi lễ theo đúng trình thức xưa?
Từ thực tế trên, thiết nghĩ, việc trao truyền truyền thống văn hóa cho thế hệ kế tiếp là vô cùng cần thiết. Các nhà quản lý văn hóa địa phương cần có chiến lược tích cực, lâu dài nhằm bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa từ những “bảo tàng văn hóa sống” đang hiện hữu trong đời sống hôm nay.
2. Sau nhiều năm vắng bóng, hội làng Giang Xá lại được khôi phục và trở thành nơi thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, không giống như những lễ hội du lịch (như lễ hội Tây Thiên, lễ hội chùa Hương, lễ hội Yên Tử…) thu hút đông đảo khách thập phương từ mọi miền đất nước hành hương tới, lễ hội làng Giang Xá chỉ bó hẹp trong khuôn khổ phạm vi làng. Người tham gia chủ yếu là người dân hiện đang sống trong làng, những người con của làng đi làm ăn xa, những người con gái của làng đi lấy chồng nơi khác hoặc những người nay đã chuyển ra vùng khác sinh sống nhưng vẫn có gốc ở làng…nay có dịp trở về thăm quê hương. Vì vậy, những mặt trái của lễ hội như: nạn cờ bạc, đỏ đen, bói toán, móc túi của du khách…thường ít xảy ra lễ hội làng Giang Xá. Điều đáng nói ở đây là thái độ, quan niệm và lối sống của mọi người đến với lễ hội. Hiện nay, trên cơ sở nhìn nhận các đặc trưng của xã hội nông thôn đương đại, nhiều nhà nghiên cứu đã đi đến nhận xét “xu hướng thế tục hóa của xã hội hiện đại tuy chưa đủ sức phá vỡ các giá trị tinh thần truyền thống, song đó cũng là một thực tế cần phải tính đến”(1,tr.116). Điều đó có thể thấy rõ ở làng Giang Xá. Bên cạnh những người đến với lễ hội bằng niềm tin thiêng liêng vào sự hiện diện và sự phù hộ của thành hoàng làng, bằng niềm tôn kính, tưởng nhớ tới công lao của người anh hùng dân tộc, người con yêu thương của làng (Lý Nam Đế) thì không ít người, nhất là lớp trẻ coi đó như một dịp để vui chơi nhiều hơn là chú ý tới chiều sâu tâm linh và ý nghĩa của việc phụng thờ. Bởi vậy trong khi rất nhiều nghi thức, nghi lễ đang diễn ra tại sân đình, trong không khí thiêng liêng, nghiêm túc thì họ vẫn mải miết theo các cuộc vui chơi ngoài sân đình. Nhiều người đến với lễ hội nhằm thỏa mãn sự tò mò hơn là thỏa mãn nhu cầu tâm linh. Một số khác hoàn toàn thờ ơ với những gì đang diễn ra trong lễ hội. Qua đây có thể thấy tính thiêng liêng của hội làng xưa giờ đã bị giảm đi đáng kể. Trong khi đó sự trần tục và những biểu hiện của cuộc sống đời thường đang ngày một thâm nhập sâu vào lễ hội. Đó cũng là một trong những xu hướng đang diễn ra trong rất nhiều lễ hội ở Việt Nam hiện nay.
Ngày nay trong lễ hội làng Giang Xá, ta bắt gặp không ít sự lai tạp, pha trộn của nhiều yếu tố hiện đại không phù hợp với truyền thống. Đó là trang phục thiếu nghiêm túc của những người tham gia phục vụ lễ hội. Trong đoàn rước có quá nhiều trang phục hiện đại, những chiếc áo sơ mi hay những đôi giày da, giày thể thao được vận cùng với những bộ áo truyền thống không mấy phù hợp, nhiều người ăn mặc khá xộc xệch và tỏ ra thiếu nghiêm túc. Thậm chí có người trong ban Khánh tiết, trong khi đang làm việc “nhà Thánh” vẫn ngang nhiên hút thuốc. Trong khi đám rước được tiến hành, các hàng đô vẫn chạy ngược chạy xuôi hay nói chuyện, bàn tán sôi nổi. Những người đến tham gia lễ hội cười đùa, trò chuyện vui vẻ, trêu ghẹo nhau, trêu ghẹo những người trong đám rước. Thậm chí chúng tôi còn được chứng kiến cảnh trong khi tại sân đình các cụ đang làm lễ tế yên vị cho thành hoàng làng thì ngoài cửa đình, một số thanh niên đang du nhau xuống ao đình – nơi biểu diễn hát quan họ cửa đình…Rõ ràng, ở đây chúng ta dễ dàng nhận thấy tính áp chế của cộng đồng có phần nào đã giảm xuống. Vì vậy dẫn đến sự tùy tiện, bất tuân tư lệnh trong lời nói, hành động…của những người tham gia lễ hội, những người đi xem lễ hộiĐiều đó đã làm giảm đi tính thiêng liêng, vẻ trang nghiêm của lễ hội.
3Lễ hội với sự tham gia của nhiều cá nhân, nhiều tổ chức xã hội, một mặt đã tạo nên tinh thần đoàn kết, sự cố kết cộng đồng nhưng đằng sau nó cũng đã ngầm ẩn những mâu thuẫn, xung đột, va chạm giữa các cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với các tổ chức…Trên thực tế, các xung đột trên xét cho cùng chính là sự mâu thuẫn giữa cái mới và cái cũ, giữa cái thiêng và cái trần tục, giữa việc bảo lưu và việc cải tiến…Vấn đề đặt ra là làm sao chúng ta có thể dung hòa được các mối quan hệ xã hội phức tạp đó để lễ hội thực sự là môi trường cho con người cùng nhau hưởng thụ, thỏa mãn nhu cầu tâm linh của mình.
Những mặt trái kể trên tuy không lớn nhưng cũng làm mất đi một phần ý nghĩa, giá trị của lễ hội làng Giang Xá. Những mặt trái này cần được khắc phục để bảo lưu những khuôn mẫu văn hóa truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh của con người, để lễ hội là nơi người dân giãi bàynhững tâm tư, nguyện vọng, những mong ước với thần linh, với thần thành hoàng – vị thần hộ mệnh cho cộng đồng làng xã.
Có thể thấy rằng, việc phụng thờ Lý Nam Đế ở làng Giang Xá (huyện Hoài Đức, Hà Nội) và trên nhiều vùng quê khác đã tiếp tục cái mạch nguồn thấm đẫm đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta. Cũng có thể nhìn nhận ở đây tinh thần tự hào dân tộc thông qua sự tưởng nhớ và kính trọng các anh hùng lịch sử – văn hóa của dân tộc.
Tín ngưỡng phụng thờ các anh hùng dân tộc nói chung và phụng thờ Lý Nam Đế nói riêng đã trở thành một nét đẹp văn hóa truyền thống lâu đời của ông cha ta. Ở đây, ngoài ý nghĩa góp phần tạo nên sự cố kết cộng đồng, hướng về cội nguồn, giúp cân bằng đời sống tâm linh…nó còn hàm chứa trong đó nhiều giá trị văn hóa truyền thống mà nổi bật là giá trị giáo dục đạo đức, giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ. Từ thực tế hiện nay khi mà con người (nhất là các bạn trẻ) đang dần đánh mất mình trước những cạm bẫy của cuộc đời, trước nhiều luồng văn hóa đông tây xâm nhập thì việc nêu cao những tấm gương anh hùng, giáo dục truyền thống yêu nước là hành trang đạo đức mang tính định hướng, giáo dục cho các thế hệ trong quá trình tiếp cận với cái mới để làm sao “gạn đục khơi trong”, lựa chọn, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và bài trừ văn hóa đồi trụy đang lan tràn dưới mọi hình thức khác nhau. Từ đó góp phần hình thành và hoàn thiện nhân cách của mỗi con người hôm nay.
N.T.T.M
Tài liệu tham khảo
1. Tô Duy Hợp (chủ biên), Sự biến đổi của làng xã Việt Nam ngày nay ở đồng bằng sông Hồng,Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội2000.
2. Lê Hồng Lý, Sự tác động của kinh tế thị trường vào lễ hội tín ngưỡng, Nxb Văn hóa Thông tin và Viện Văn hóa, Hà Nội2008.
3. Lê Thị Phương Nam, Tín ngưỡng thờ anh hùng dân tộc với việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thanh niên sinh viên thủ đô, Luận văn Thạc sĩ Văn hóa học, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội2002.
4. Ngô Đức Thịnh, Những giá trị văn hóa của lễ hội cổ truyền và nhu cầu của xã hội hiện đại”,Lễ hội truyền thống trong đời sống xã hội hiện đại, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội1993.
5. Lê Trung Vũ (chủ biên), Lễ hội cổ truyền, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội1992.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét