Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Thành cổ Luy Lâu - xứ sở nấu vàng và đúc trống?


1. Thành cổ Luy Lâu - xứ sở nấu vàng và đúc trống?

Hàng trăm lò nấu đồng, có cả những nồi nấu còn khá nguyên vẹn trông chỉ nhỏ như cái gáo dừa vừa được tìm thấy tại một hố khai quật nhỏ, cách đền Sỹ Nhiếp 100 m (thuộc khu vực thành cổ Luy lâu, Thuận Thành, Bắc Ninh). Đặc biệt, những mảnh nồi nấu còn dính lấm tấm những mẩy vàng, lóng lánh như những vảy nhót...
Có thể đó là dấu vết của những lò nấu vàng hoặc những lò nấu kim loại nào đó có liên quan đến kỹ thuật làm vàng.
Nhưng tại sao các nồi nấu chỉ nhỏ bằng nắm xôi vậy? Thật bất ngờ, các nghệ nhân nấu đồng ở Làng Vó bên cạnh cho biết, đó chính là kỹ thuật nấu kim loại cổ của làng mình, vẫn còn sử dụng cho đến gần đây. Tuy nhỏ bé thế, nhưng một buổi sáng mỗi nồi có thể nấu được từ 15-17 kg đồng.
Theo Giáo sư Phan Huy Lê (Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam), phát hiện này rất thú vị bởi nó chứng tỏ được mối liên hệ giữa kỹ thuật thời Bắc thuộc với kỹ thuật truyền thống của người Việt còn tồn tại cho đến gần đây.
Trở lại với mảnh khuôn đúc trống đồng , bước đầu có thể khẳng định đó là loại khuôn đúc trống đồng Heger 1 (loại trống cổ nhất, đẹp nhất). Vị trí phát hiện ra nó ở cách không xa các lò nấu, nằm giữa một đoạn tường thành, và chắc chắn nó đã bị lẫn vào khi đào đất đắp thành. Việc đắp thành diễn ra vào khoảng giữa thế kỷ 2-5, do đó tuổi của khuôn đúc không thể muộn hơn thời điểm đó...
Những bí ẩn về thành cổ Luy Lâu
Lần đầu tiên các nhà khảo cổ học đã tận dụng một đoạn tường thành bị đào phá để xẻ một lát cắt ngang qua thân tường, tiếp cận với kỹ thuật xây thành đất của Luy Lâu. Đó là kiểu xây thành rất lạ.
Người Luy Lâu xưa đã đào một rãnh nhỏ, nông và kéo dài ở giữa rồi mới đắp hai bên cao lên như hai con đê bằng những lớp đất cứng (đất sét vàng), sau đó họ tận dụng đất tạp có lẫn cả tro đổ đầy vào khoảng giữa hai con đê, lấp luôn cái rãnh đào ở dưới. Khi đã đạt chiều cao gần 2 m họ mới đổ một lớp đất sét rất cứng trùm lên cả hai con đê, tạo nên thân thành rất bề thế vững chắc. Việc đào rãnh nhỏ trong kỹ thuật xây thành như trên đang là một bí ẩn mà nhà khảo cổ học Nishi về nước lần này sẽ tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia Nhật Bản và Hàn Quốc.
Một câu hỏi nữa đặt ra, kiến trúc bên trong thành cổ Luy Lâu ra sao?
Lần khai quật cuối năm 2000 tại khu vực này đã tìm thấy dấu vết của nhiều nền móng gạch lớn không rõ là của kiến trúc gì, thì lần này vận may thật bất ngờ: Khi đào xuyên qua dấu tích của các lò nấu đồng kể trên (có niên đại thế kỷ 2-5), các nhà khảo cổ tìm thấy một móng gạch có niên đại sớm hơn và nhiều mảnh gỗ, than, dấu vết của một kiến trúc cổ đã bị cháy.
Đặc biệt, dưới cùng còn nguyên vẹn cả một cột gỗ lim lớn (dài 1,2 m, đường kính 0,5 m) có lỗ kéo và lỗ mộng, hiện nay đang trưng bày ở đền thờ Sỹ Nhiếp. Người dân ở đây cho biết trước đây họ cũng đã từng đào được những súc gỗ lim lớn như vậy, xẻ ra làm được cả một bộ cửa và bộ cửa đó bây giờ vẫn đang được sử dụng. Rất có thể đó là thức cột kiến trúc cổ của thành Luy Lâu xưa, và chỉ với những thức cột có kích cỡ lớn như vậy mới có thể tương xứng với những viên ngói lớn (bằng nửa cái bàn học sinh) đã tìm thấy trong đợt khai quật cuối năm 2000.
Trong cuộc tọa đàm do Trung tâm Giao lưu Văn hóa Việt - Nhật tổ chức, các nhà khảo cổ học đều thống nhất cho rằng: Những phát hiện nêu trên đã làm thay đổi nhận thức của chúng ta về Luy Lâu, một tòa thành cổ mà lâu nay chỉ được hiểu như là lỵ sở của chế độ phong kiến Bắc thuộc. Thực chất đây còn là một đô thị cổ nơi diễn ra nhiều hoạt động phong phú của người Việt. Một hướng đi mới trong việc khám phá những bí ẩn của Luy Lâu đã được mở ra.
Thời gian tới cần tiếp tục mở rộng điều tra khai quật, và nên theo cái cách khai quật thật tỉ mỉ và tiết kiệm diện tích di tích mà nhóm nghiên cứu Nhật Bản đã phối hợp thực hiện với trung tâm trong thời gian vừa qua.
(Theo Thể Thao và Văn Hoá, 19/6/2001)

2. Thêm nhiều phát hiện khảo cổ học ở di chỉ Luy Lâu (Bắc Ninh)

Sau gần 10 ngày khai quật tại di chỉ thành cổ Luy Lâu thuộc địa phận huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, nhóm khảo cổ học thuộc khoa Lịch Sử, đại học KHXH&NV Hà Nội đã tìm ra được những mảng phế tích kiến trúc gạch có kết cấu lạ.
Theo Giáo sư Hoàng Văn Khoán, trưởng đoàn khảo cổ, đây là lần đầu tiên tìm được dấu vết loại cổ vật này ở di tích Luy Lâu. Phế tích kiến trúc gạch phần lớn được xây bằng loại gạch Hán (có niên đại khoảng từ thế kỷ 2 đến thế kỷ 6) với nhiều hoa văn phong phú như: hoa văn xương cá, ô trám đơn, chữ thập, đồng tiền, dạng chữ Hán .v.v.. Tuy nhiên, các lớp địa tầng ở đây rất phức tạp, có niên đại kéo dài từ thế kỷ 4đến thế kỷ 14 và xen lẫn nhiều mảnh gốm thời Trần nên các nhà chuyên môn chưa thể khẳng định kiến trúc gạch tìm thấy là loại kiến trúc gì. Theo đánh giá ban đầu, có thể kiến trúc này có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 4 đến thế kỷ 14.
Ngoài ra, cũng tại hố đào khảo cổ này, các nhà chuyên môn còn tìm thêm được 2 ngôi mộ đất và 1 mộ chum có niên đại vào khoảng thế kỷ 5 đến thế kỷ 7. Một trong hai ngôi mộ đất còn giữ được khá nguyên vẹn, ngôi mộ kia chỉ tìm được hộp sọ và vài mảnh xương tay, xương chân. Cả hai ngôi mộ này đều được táng theo phương thức là úp lên tử thi một hay hai lớp ngói lớn thay cho quan tài. Ngôi mộ chum có nắp đậy là một chiếc chậu sành.
Những đợt khảo cổ trước đây tại Luy Lâu đã phát hiện dấu tích của nghề đánh cá (khu vực bãi Đồng Dâu), lò làm gạch ngói (khu bãi Định) và lò luyện đồng ở thành nội.
(Theo Sài Gòn Giải Phóng, 29/12/2000)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét