Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Sử Thời Bà Triệu

Sử Thời Bà Triệu

Sơ Lược Bối Cảnh Lịch Sử:

Năm 43, Mã Viện đánh được Trưng Vương, bèn đem đất Giao Chỉ lệ thuộc nhà Đông Hán. Mã viện chôn cột đồng với lời răn đe dân địa phương “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, và tổ chức chính trị thật hà khắc, giai cấp Lạc Tướng Lạc Hầu thời vua Hùng bị đàn áp và bị tiêu diệt (1). Những viên Thái Thú cai trị đều tham lam, tàn ác, khiến dân Giao Chỉ (sau đổi là Giao Châu) vô cùng khổ sở. 

Năm 220, nước Tàu chia làm 3 nước, Bắc Ngụỵ, Tây Thục, và Đông Ngô. Giao Châu thuộc về Đông Ngô. 

Năm 248, vì sự áp bức vô cùng độc ác của quan lại nhà Ngô, Bà Triệu Thị Trinh người huyện Nông Cống, qụận Cửu Chân đã chiêu mộ nghĩa binh giúp anh là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa đánh quận Cửu Chân. 

Bà Triệu Thị Trinh là người chí khí, có sức mạnh và can đảm. Bà tuyên bố: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng kình ở biển đông, quét sạch bờ cõi, để cứu dân ra khỏi nơi đắm đuối, chứ không thèm bắt chước người đời cúi đầu cong lưng để làm tì thiếp người ta.”

Khi ra trận Bà Triệu thường mặc giáp vàng, cưỡi đầu voi đi tiên phong đánh trận. Nghĩa quân tôn vinh bà là Nhụy Kiều Tướng Quân (Nhụy đọc trại từ chữ Nhuệ, nghĩa là sắc sảo, không ai có thể đương lại được). Quân Ngô nghe tiếng Bà thẩy đều khiếp sợ, nên đã kêu lên:
“Hoành qua đường hổ dị”
“Đối diện Bà Vương nan” 
Nghĩa là: “Vung giáo chống hổ dễ. Giáp mặt vua Bà khó”. (2) 

Bà Triệu chống nhau với quân Ngô do thứ sử Lục Dận chỉ huy, được 5, 6 tháng, nhưng vì quân ít, thế cô, phải rút lui đến xã Bồ Điền (Thanh Hóa) và tuẫn tiết. Năm đó Bà mới 23 tuổi. Sách Tàu chép rằng sau khi chết Bà đã thành thần. (3)

Về sau, vua Lý Nam Đế khen Bà là người trung dũng, sai lập miếu thờ và sắc phong “Bật Chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân”. Ngày nay, có đền thờ Bà Triệu trên núi Gai (núi Ải), tại làng Phú Điền (Thanh Hóa), và lễ hội kỷ niệm vào ngày 21 tháng 2 âm lịch hàng năm.


Tinh Thần Dũng Cảm Của Bà Triệu 

Trong hoàn cảnh khó khăn, khắc nghiệt và đầy nguy hiểm, nhưng vì tinh thần nghĩa nghĩa hiệp, Bà Triệu Thị Trinh xuất thân từ giới bình dân đã dám “đơn thương độc mã” lên núi chiêu mộ hàng ngàn nghĩa sĩ với tâm nguyện “cứu dân ra khỏi nơi khổ ải”, cương quyết chống lại bạo quyền (cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình”, thật quả có tinh thần vô cùng dũng cảm. 
Hơn nữa, Lục Dận là viên Thứ Sử Đông Ngô gian ác, đã dùng chính sách “ru ngủ” dân địa phương với chiêu bài “”ân huệ và đức tin” để hàng phục những vụ nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa của Bà Triệu, đã khêu gợi lại hình ảnh hào hùng của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa năm 40, để “thức tỉnh ” dân Lạc Việt đừng mê ngủ tin theo Lục Dận.
Ôi! Hơn 200 năm bị đô hộ, lại vẫn chỉ có một người con gái Giao Châu dám đứng lên “đội đá vá trời”, hy sinh cho đại cuộc mà thôi! Đó quả thật là một hình ảnh đời đời sáng chói với sử xanh. Những việc đòi hỏi của Lý Tiến, Lý Cầm và “công lao dẹp giặc” của Thái thú Sĩ Nhiếp vẫn chỉ quẩn quanh trong tinh thần nô lệ.(4)

Chú thích
(1) Phạm Cao Dương, sách đã dẫn, tr.92.
(2) Quỳnh Cư- Đỗ Đức Hùng, sách đã dẫn, tr.38.
(3) Phạm Cao Dương, sách đã dẫn, tr. 107 
(4) Lý Tiến là người bản xứ Giao Chỉ được cất nhắc làm Thứ Sử Giao Chỉ, đã xin với vua Hán Linh Đế (168-189) cho người Giao Chỉ được làm quan như người Tàu. Sau có Lý Cầm cũng là người Giao Chỉ, làm lính túc vệ hầu vua Hán trong điện đã rủ mấy bạn đồng hương kêu khóc thảm thiết để vua Hán cho người Giao Chỉ đỗ đạt được bổ đi làm quan. 
Sĩ Nhiếp là Thái thú quận Giao Chỉ đã có công giữ cho Giao châu khỏi loạn trong thời Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán và giữ lệ triều cống vua Hán, nên được vua Hán Hiến Đế phong cho chức An viễn tướng công, và được gọi là Sĩ Vương.


Thơ Ca Vịnh

Vịnh Miếu Bà Triệu

Miếu tạc bia truyền lẫn khói nhang.
Nghìn thu oanh liệt Triệu Kiều quang.
Cờ vàng khởi nghĩa quân Ngô khiếp,
Voi trắng tung hoành giặc Lữ tan.
Khăn yếm những mong đền nợ nước,
Áo cơm bao quản gánh giang sơn.
Núi Bồ làm dấu ghi thiên cổ,
Máy tạo hưng vong cũng khó lường.
Tùng Văn Nguyễn Đôn Phục

Vịnh Bà Triệu 1 (Bài Xướng)

Dưới ách nô vong, khách má hồng
Thân còn không tiếc, nữa chồng con
"Đạp luồng sóng dữ", căm non Bắc
"Chém cá tràng kình", hận biển Đông
Chẳng muốn cúi đầu , gương với lược
Nào ham lên mặt , phấn cùng son
Hăm ba xuân sắc vì dân thác
Danh tiết muôn đời với nước non .
Vương Sinh 97

Vịnh Bà Triệu (Bài Họa)

Bà Triệu vẻ vang giống Lạc Hồng 
Quần thoa voi trận cưỡi đầu con 
Đạp luồng sóng giữ ngăn binh mạnh 
Phất ngọn cờ vàng chặn giặc đông 
Cung kiếm ra tài nuôi chí cả 
Côn quyền thi thố dưỡng lòng son 
Cửu Chân nức tiếng ngàn thu nhớ 
Lẫm liệt anh thư với núi non 
Sơn Khê


Bà Triệu (Triệu Thị Trinh)

Quân giặc Đông Ngô xéo nước nhà
Giao Châu đau khổ tiếng rên la
Anh thư chí khí hà nao núng
Nữ kiệt xông pha há thán ca
Khởi nghĩa Cửu Chân gương ái quốc
Bồ Điền tuẫn tiết sáng danh gia
Hăm ba tuổi má hồng chưa thắm
Bà Triệu lẫy lừng sách sử ta
Bác Từ 

Trinh Nhất Phu Nhân
Triệu Thị Trinh 


Lên núi cao thách cùng gió dữ 
Xuống biển đông chém cá tràng kình 
Trường giang sóng bủa quanh mình 
Vang danh gái Triệu Thị Trinh bấy giờ 

Xếp yếm đào không làm tôi tớ 
Khoác chiến y một thuở tung trời 
Voi vàng trận mạc nơi nơi 
Rèn quân luyện tướng giúp đời an dân 

Tướng nhà Ngô Giao châu Lục Dận 
Kéo quân về vây khổn Cửu Chân 
Giao tranh cùng giặc bao lần 
Bồ Điền vây khổn liều thân Nhụy Kiều 

Lý Nam Ðế đoái công lập miếu 
Sắc phong Bà Trinh Nhất Phu Nhân 
Phú Điền Thanh Hoá nhớ ân 
Trung trinh liệt nữ tướng quân muôn đời 
Vũ Thị Thiên Thư

Bà Triệu

Tuổi đôi mươi ai được như Bà,
Giặc Ngô tàn bạo, quyết không tha.
Cỡi gió mạnh, đạp luồng sóng dữ,
Chiêu mộ binh giải phóng sơn hà.

Tiếc thay người mất tuồi hai ba,
Khiến dân cả nước phải xót xa.
Nhớ thương liệt nữ vì xã tắc,
Triệu Tướng Quân trang sử hùng ca.

Triệu Thị Trinh, nữ tướng tài ba,
Ngày nay hậu thế chẳng tìm ra.
Một người nghĩa khí vì Tổ Quốc,
Giải phóng cho dân ở quê nhà.
Nguyễn Ninh Thuận


Văn Tế Bà Triệu

Hỡi ôi!
Kiếp nhân sinh, đã đành ngắn ngủi,
Tuổi đôi mươi, sao vội trầm luân!
Cũng vì bạo nghịch Bắc phương,
Gái trai mới phải lên đường đấu tranh!
Nhớ xưa,
Nước ta, sau Trưng Vương khởi nghĩa,
Lại sa vòng nô lệ gian truân,
Hai trăm năm sống nhục nhằn,
Người Lạc Việt đã âm thầm nổi lên!

Quận Cửu Chân, tương truyền Bà Triệu
Gái anh thư, năng khiếu hơn người.
"Đạp luồng sóng dữ" ra khơi...
Rắp tâm chém cá Kình ngoài biển Đông!

Giận giặc Ngô tham tàn ác độc,
Bà bỏ nhà, lên núi chiêu binh...
Cùng Anh khởi nghĩa dấy lên
Phong trào Độc Lập, phá xiềng nô vong. 

Lục Dận vây, Bà không nao núng,
Cưỡi đầu voi, uy dũng xông vo...
Giáp vàng đẫm máu giặc Ngô,
Noi gương Trưng Nữ, phất cờ Tự Do!

Đau đớn thay!
Giặc cậy đông, quần hồ khôn địch, 
Mãnh hổ đành tử tiết lưu danh.
Hăm ba tuổi, thác thành Thần
"Hùng Tài Trinh Nhất Phu Nhân" muôn đời!
Chúng con nay
Nhớ gương xưa trau dồi Hùng Sử
Đòi Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền!
Nén hương thành kính thắp lên
Nguyện xin ý chí vững bền sắt son!
Nguyện xin Đoàn Kết Cộng Đồng,
Nguyện xin giải thoát gông cùm người Nam!
Cúi xin Bà chứng giám!

Làm tại thành phố Westminster ngày tháng năm Qúy Mùi
Vương Sinh 


Vịnh Bà Triệu 2

Giận lính Ðông Ngô quá bạo tàn
Cửu Chân, Bà Triệu khởi ba quân.
Giáp vàng, voi dữ, xua tan giặc,
Dạ thép, gan đồng, cứu vớt dân
Lục Dận mấy phen lo mất ngủ
Chúa Ngô nhiều bận sợ quên ăn.
Hai mươi ba tuổi vào kinh sử,
Trinh nữ linh thiêng, thác hoá Thần!
Vương Sinh 98

Bà Triệu (Triệu Thị Trinh)

Quân giặc Đông Ngô xéo nước nhà
Giao Châu đau khổ tiếng rên la
Anh thư chí khí hà nao núng
Nữ kiệt xông pha há thán ca
Khởi nghĩa Cửu Chân gương ái quốc
Bồ Điền tuẫn tiết sáng danh gia
Hăm ba tuổi má hồng chưa thắm
Bà Triệu lẫy lừng sách sử ta
Bác Từ 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét