Thứ Hai, 1 tháng 10, 2012

Triệu Quang Phục ( ? - 571) - người kế thừa xuất sắc sự nghiệp của Lý Bôn


Triệu Quang Phục ( ? - 571) - người kế thừa xuất sắc sự nghiệp của Lý Bôn

Triệu Quang Phục là người kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Ông là người huyện Chu Diên, là con của Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người "uy hùng sức mạnh". 


"Một cơn gió bẻ chồi khô
Ải Lạng dứt dấu ngựa Hồ vào ra
Bốn phương phẳng lặng can qua
Theo nền nếp cũ lại ra Long Thành"

Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái (Đại Nam quốc sử diễn ca)
Triệu Quang Phục là người kế tục sự nghiệp của Lý Nam Đế. Ông là người huyện Chu Diên, là con của Triệu Túc, một thủ lĩnh địa phương có lòng yêu nước không chịu khuất phục nhà Lương. Triệu Quang Phục nổi tiếng giỏi võ nghệ. Sử chép ông là người "uy hùng sức mạnh". 
Cha con ông là người đầu tiên đem quân tham gia cuộc khởi nghĩa Lý Bí. Triệu Túc là một danh tướng của nước Vạn Xuân, được phong làm Thái phó trông coi việc binh, hy sinh trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược nhà Lương ở vùng ven biển. Triệu Quang Phục lúc đầu theo cha đi đánh giặc, có công. Là một tướng trẻ có tài nên được Lý Nam Đế tin dùng làm tả tướng quân.

1. XÂY DỰNG BÃI TỰ NHIÊN VÀ ĐẦM DẠ TRẠCH THÀNH KHU CĂN CỨ MỚI
Sau thất bại ở trận hồ Điển Triệt (năm 546), Lý Nam Đế đã trao hết binh quyền cho Tả tướng Triệu Quang Phục, nhưng cũng kể từ đó, lực lượng của Lý Nam Đế đã bị phân chia làm 2 bộ phận khác nhau:
  • Bộ phận thứ nhất do Lý Thiên Bảo (anh ruột của Lý Nam Đế) và một số tướng lĩnh khác (trong đó có Lý Phật Tử) chỉ huy đã rút chạy vào Đức Châu (Nhà Lương chia châu Cửu Đức cũ thành 3 châu là Đức Châu, Lợi Châu và Minh Châu. Phần lớn đất đai của Đức Châu nay tương ứng với địa phận tỉnh Hà Tĩnh)
  • Bộ phận thứ hai do Triệu Quang Phục cầm đầu thì tiếp tục bám trụ ở vùng Chu Diên, tận dụng địa hình hiểm trở để chiến đấu đến cùng.
Theo thư tịch cổ của Trung Quốc (Diêu Tư Liêm (Trung Quốc). Trần Thư. Súc Ấn Bách Nạp Bản. Thương Vụ Ấn Thư Quán) thì Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đã tập hợp được khoảng 2 vạn quân, đánh vào Đức Châu và giết được Thứ sử Đức Châu là Trần Văn Giới. Sau trận thắng khá lớn này, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử kéo quân ra vùng Ái Châu (nay đại để tương ứng với địa phận tỉnh Thanh Hoá), nhưng bị Trần Bá Tiên đánh bại. Hai ông liền lui binh lên vùng thượng du Ái Châu (giáp giới với Lào) và đến khoảng năm 550 thì an phận đóng binh ở động Dã Năng. “Thiên Bảo thấy động Dã Năng ở đầu nguồn Đào Giang, đất đai bằng phẳng mà màu mỡ, bèn đắp thành ở đây lấy tên động này làm quốc hiệu, được dân suy tôn, xưng là Đào Lang Vương” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 19-b; Khâm định Việt sử thông giám cương mục,Tiền biên, quyển 4, tờ 9). Từ đây, vai trò của Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử đối với sự nghiệp đánh đuổi quân phong kiến phương Bắc đô hộ kể như không còn nữa. Đảm đương sứ mệnh cao cả này chỉ còn Triệu Quang Phục và lực lượng nghĩa binh do ông chỉ huy. Đó là một thực tế mà không ai có thể phủ nhận.
Năm 546, khi nhận binh quyền từ tay Lý Nam Đế, Triệu Quang Phục đứng trước hai khó khăn rất lớn. Một là lực lượng bị chia nhỏ bởi có đến 2 vạn quân (tức là 2/3 tàn quân của Lý Nam Đế) đã theo Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chạy vào Đức Châu. Hai là những cuộc tấn công quyết liệt và liên tiếp của quân sĩ nhà Lương do Trần Bá Tiên chỉ huy. 

Xét thấy không thể tiếp tục công khai nghênh chiến với kẻ thù như trước nữa, vốn thông thuộc vùng sông nước Chu Diên, Triệu Quang Phục quyết định chuyển hướng chiến lược, thay đổi phương thức tác chiến cũ là phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Ông đưa hơn 1 vạn quân từ miền núi về đồng bằng, chủ động lui binh về lập căn cứ kháng chiến ở khu vực đầm Dạ Trạch (bãi Màn Trò, Khoái Châu, Hưng Yên). Vùng đồng bằng này tuy không có thế đất hiểm như miền đồi núi nhưng có nhiều sông lạch chia cắt, nhiều đầm hồ lầy lội, không lợi cho việc hành binh của những đạo quân lớn. Địa thế như vậy buộc địch phải phân tán, chia quân đánh nhỏ, làm mất sở trường của chúng, đồng thời tạo điều kiện cho ta tiêu diệt gọn từng bộ phận nhỏ, tiêu hao sinh lực địch. Đồng bằng còn là nơi đông dân cư, nơi có nhiều sức người, sức của, cung cấp cho cuộc chiến đấu lâu dài của quân ta.

Dạ Trạch là một vùng đầm lầy ven sông Hồng, rộng mênh mông, lau sậy um tùm. ở giữa là một bãi phù sa rộng, có thể làm ăn sinh sống được. Đường vào bãi rất kín đáo, khó khăn. Chỉ có dùng thuyền độc mộc nhẹ lướt trên cỏ nước theo mấy con lạch nhỏ thì mới tới được...Triệu Quang Phục đóng quân ở bãi đất nổi ấy. Ngày ngày, quân sĩ thay phiên nhau vừa luyện tập, vừa phát bờ, cuốc ruộng, trồng lúa, trồng khoai để tự túc binh lương; ban ngày tắt hết khói lửa, im hơi lặng tiếng như không có người, đến đêm nghĩa quân mới kéo thuyền ra đánh úp các trại giặc, cướp được nhiều lương thực, "làm kế trì cửu" (cầm cự lâu dài) người trong nước gọi Triệu Quang Phục là Dạ Trạch Vương (vua Đầm Đêm). 

Quân của Triệu Việt Vương triệt để tận dụng những ưu thế riêng của địa hình vùng đầm lầy để khôn khéo tổ chức hàng loạt trận đánh thật bất ngờ và hiểm hóc. “Quân của (Trần) Bá Tiên vừa đông vừa mạnh, (Triệu) Quang Phục liệu thế không thể nào chống nổi, bèn cho quân lui về giữ Dạ Trạch. Dạ Trạch là một cái đầm rất lớn, chu vi rộng không biết bao nhiêu mà kể, cỏ cây thì rất rậm rạp. Giữa đầm có bãi đất có thể ở được, bốn mặt đều toàn là bùn lầy. Người ở đây phải thuộc đường, dùng sào đẩy thuyền độc mộc mà đi lại. (Triệu) Quang Phục đem hơn 1 vạn quân vào giữ đầm này. Ban ngày thì tắt hẳn khói bếp, đêm đến thì tung quân ra đánh úp dinh trại quân Lương, giết chết và bắt được tù binh rất nhiều, dựa vào số quân lương lấy được để tính kế lâu dài. (Trần) Bá Tiên cứ rình mà đánh nhưng rốt cuộc vẫn không sao có thể thắng được. Bấy giờ, người trong nước gọi (Triệu) Quang Phục là Dạ Trạch Vương” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, quyển 4, tờ 6. Đầm này nay thuộc xã Dạ Trạch, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên). 


Bãi đất nằm trong khu đầm Dạ Trạch chính làbãi Tự Nhiên, cũng gọi là bãi Màn Trò (hoặcMạn Trù). Trong bộ Lĩnh Nam chích quái Nhất Dạ Trạch truyện, theo đó thì vào đời Hùng Vương thứ ba, Công chúa Tiên Dung tuy đã 18 tuổi, rất xinh đẹp nhưng chỉ thích du ngoạn chứ không muốn lấy chồng. Bấy giờ ở hương Chử Gia có gia đình họ Chử chẳng may nhà gặp hoả hoạn nên gia tài bị cháy trụi hết, hai cha con Chử Vi Vân và Chử Đồng Tử chỉ còn lại có mỗi một cái khố dùng chung. Trước khi qua đời, Chử Vi Vân có trăn trối là để cái khố lại cho Chử Đồng Tử mặc, nhưng vì thương cha, Chử Đồng Tử chôn luôn cái khố cho cha, còn mình thì chấp nhận sự trần truồng. Ngày ngày, Chử Đồng Tử ra sông ngồi câu cá, hễ thấy thuyền đi ngang thì đứng dưới nước để xin ăn. Một hôm thuyền của Công chúa Tiên Dung đi ngang, Chử Đồng Tử vừa thoáng thấy cờ quạt uy nghi đã hoảng sợ, bèn tới khóm lau trên bãi cát, moi cát làm hố để nằm mà che thân. Công chúa Tiên Dung lên bờ, dạo chơi một lúc thì sai người quây màn trướng ở quanh khóm lau để tắm. Nước tắm dội xuống khiến cho cát trôi đi và Chử Đồng Tử chẳng còn gì để che thân nữa. Sau vài phút kinh ngạc, Công chúa Tiên Dung cho đó là duyên trời định, bèn kết hôn với Chử Đồng Tử. Hùng Vương hay tin giận lắm, không thèm nhìn mặt Tiên Dung nữa. Tiên Dung sợ vua cha, không dám trở về nữa mà mở chợ, lập phố xá để buôn bán. Sau Chử Đồng Tử theo một thương nhân đi xa, học được phép lạ của nhà sư Phật Quang và được sư Phật Quang tặng cho một chiếc nón và một cái gậy có chứa phép lạ. Trở về, Chử Đồng Tử thuyết phục được Tiên Dung cùng mình đi tìm thầy học đạo. Một hôm vì lỡ đường, phải nghỉ lại giữa nơi hoang vắng, Chử Đồng Tử bèn lấy gậy cắm xuống đất rồi úp nón lên trên để che tạm. Chẳng dè ngay lập tức, thành quách, dinh thự, châu ngọc và kẻ hầu người hạ chẳng biết từ đâu hiện ra... nghi vệ chẳng khác gì triều đình của một nước, ai ai trông thấy cũng đều kinh ngạc. Hùng Vương nghe tin thì cho là con làm loạn, bèn đem quân đi đánh. Quân chưa đến nơi thì trời tối, Hùng Vương đành phải nghỉ lại, chẳng ngờ đêm đó Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung và tất cả thành quách, dinh thự, châu ngọc cùng kẻ hầu người hạ đều bay lên trời. Chỗ đất cũ sụt xuống thành cái đầm lớn, dân cho là linh thiêng nên thường xuyên cúng tế, gọi đầm ấy là Nhất Dạ Trạch và bãi đất ở giữa đầm là bãi Tự Nhiên hay bãi Mạn Trù.Nhất Dạ Trạch truyện được Lĩnh Nam chích quái chép lại thì đượm màu ly kỳ và huyền ảo, nhưng, đầm Dạ Trạch và bãi Tự Nhiên - nơi in dấu những bước chân quả cảm của nghĩa quân Triệu Quang Phục thì lại là một sự thật rất linh thiêng bởi đó là miền đất có vinh hạnh được chứng kiến khí phách của những cuộc đời kiên cường, hiên ngang và bất khuất. Những người chẳng có chút gì cho riêng mình ấy đã hoá thân thành những thiên huyền thoại diệu kì của lịch sử.
Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, từ Lý Nam Đế qua Triệu Việt Vương đã có sự chuyển hướng chiến lược, thay đổi địa bàn và cách đánh. Lập căn cứ kháng chiến ở đồng bằng, đó là kế sách dụng binh hết sức mưu lược và sáng suốt của Triệu Quang Phục. Đưa quân xuống đồng bằng, Triệu Quang Phục không áp dụng phương thức tác chiến phòng ngự, cố thủ hay tập trung lực lượng quyết chiến với địch. Kế sách của ông nói theo ngôn ngữ quân sự hiện đại, là đánh lâu dài và đánh tiêu hao, đánh kỳ lập làm phương thức tác chiến chủ yếu. 

Chủ trương của Triệu Quang Phục về việc chuyển từ cố thủ trong thành trì ở đồng bằng hoặc trung du sang bám trụ ở vùng đầm lầy là nét mới nhất trong tư duy quân sự của toàn bộ quá trình đấu tranh vũ trang chống ách đô hộ nhà Lương. Nhanh chóng chuyển từ thụ động chờ đón đánh địch sang chủ động tổ chức tấn công bằng nhiều trận có quy mô nhỏ nhưng rất lợi hại là sự đổi thay quan trọng nhất trong nghệ thuật chỉ huy trận mạc đương thời. Ở một chừng mực nhất định nào đó, chúng ta cũng có thể nói rằng, Triệu Quang Phục là một trong những đại diện thuộc hàng cổ nhất của lịch sử chiến tranh du kích Việt Nam.
Nhờ sự chuyển hướng chiến lược sáng suốt đó mà cục diện chiến tranh thay đổi ngày càng có lợi cho ta, bất lợi cho địch. Quân Lương cố sức đánh vào vùng Dạ Trạch, nhằm phá vỡ đầu não kháng chiến, nhưng âm mưu đó không thực hiện được. Quân của Triệu Quang Phục giữ vững căn cứ Dạ Trạch, liên tục tập kích các doanh trại và các cuộc hành binh của địch. Qua gần 4 năm chiến tranh (547-550) cuộc kháng chiến ngày càng lớn mạnh, địch càng đánh càng suy yếu.

Năm 548, sau khi nghe tin Lý Nam Đế đã lâm bệnh mà qua đời tại động Khuất Lão, Triệu Quang Phục mới lên ngôi Vương, xưng là Triệu Việt Vương (Vua của nước Việt, người họ Triệu). Việc lên ngôi này trước hết và chủ yếu là để tạo ra ngọn cờ chính thống cho sự nghiệp tập hợp lực lượng đánh đuổi quân xâm lăng. Nhìn từ góc độ đó, điều đáng kính và thật dễ nhận là tinh thần quả cảm và ý thức trách nhiệm rất cao của Triệu Quang Phục trước vận mệnh đang bị đe doạ rất nghiêm trọng của nhà nước Vạn Xuân. Cũng nhìn từ góc độ đó, ấn tượng mạnh mẽ của hậu thế chính là thái độ rất khiêm nhường của Triệu Quang Phục. Với ông, ngôi Hoàng Đế chí tôn mãi mãi thuộc về bậc tiền nhiệm là Lý Bôn, ông chỉ nhận ngôi Vương (ngôi thứ thấp hơn hẳn Hoàng Đế), nhưng ý chí chiến đấu đến cùng vì sự nghiệp bảo vệ nền độc lập của nước Vạn Xuân do ông đứng đầu thì không bao giờ lơi lỏng.

2. QUÉT SẠCH QUÂN LƯƠNG RA KHỎI BỜ CÕI
Khi Trần Bá Tiên đang sa lầy ở đầm Dạ Trạch thì ở kinh đô Kiến Khang (nay thuộc thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô của Trung Quốc), nội bộ triều đình nhà Lương lâm vào một cuộc khủng hoảng rất nghiêm trọng. Năm 547, Trần Bá Tiên trở về Châu Quảng làm Thái thú Cao Yên. Năm 548, bên triều Lương xảy ra loạn Hầu Cảnh (548-552). Năm 549, Lương Vũ đế là Tiêu Diễn qua đời, con trai thứ ba của Tiêu Diễn là Tiêu Cương được đưa lên nối ngôi, đó là Giản Văn đế (549-551). Tiêu Cương là kẻ rất nhu nhược và đó là cơ hội thuận lợi để bọn quyền thần có thể mặc sức hoành hành. Tháng 8 năm 551, Giản Văn đế Tiêu Cương bị quyền thần Hầu Cảnh phế bỏ rồi giết đi, hưởng dương 48 tuổi (503-551). Kẻ được Hầu Cảnh đưa lên nối ngôi hoàng đế thay Giản Văn đế là Tiêu Đống. Nhưng Tiêu Đống cũng chỉ ở ngôi hoàng đế được 3 tháng thì bị Tiêu Dịch (tức Nguyên đế: 551-555) phế truất. Nguyên đế Tiêu Dịch là con trai thứ bảy của Lương Vũ đế và là em cùng mẹ với Giản Văn đế. Nguyên đế là kẻ hung ác nhưng vô mưu, do vậy, loạn lạc đã bùng nổ ở khắp nơi, trong đó, nổi bật nhất là loạn quân do Hầu Cảnh cầm đầu. Nguyên đế mất năm 555, hưởng dương 47 tuổi (508-555). Hoàng đế thứ tư (và cuối cùng của nhà Lương) là Kính đế (555-557). Kính đế tên thật là Tiêu Phương Trí (con trai thứ chín của Nguyên đế Tiêu Dịch). Kẻ đưa Tiêu Phương Trí lên ngôi (năm mới 12 tuổi) là Trần Bá Tiên và kẻ phế truất Tiêu Phương Trí (năm mới 14 tuổi) cũng chính là Trần Bá Tiên.
Kể từ thời trị vì của Giản Văn đế trở đi, triều đình nhà Lương ngày một suy yếu. Đặc biệt là từ lúc tên quyền thần Hầu Cảnh dám thẳng tay làm chuyện phế lập, cơ quan đầu não của nhà Lương kể như đã bị tê liệt. Thấy rõ diễn biến tình hình vừa rất phức tạp, nhưng cũng rất dễ lợi dụng đó, Trần Bá Tiên đã đem quân về Kiến Khang, nhân danh việc đàn áp loạn quân Hầu Cảnh để khôn khéo chuẩn bị thực hiện mưu đồ riêng của mình. Quyền chỉ huy quân đội nhà Lương đi đàn áp ở Vạn Xuân được trao cho tướng Dương Sàn (vốn là tỳ tướng của Trần Bá Tiên) (Hành trạng của tướng tổng chỉ huy quân nhà Lương là Dương Phiêu sau đó như thế nào thì không được rõ. Thư tịch cổ chỉ nói đến Trần Bá Tiên vốn là tướng tiên phong của Dương Phiêu chứ không nói gì thêm về Dương Phiêu nữa). Như trên đã nói, về đến Kiến Khang, Trần Bá Tiên đã tạm đưa cậu bé Tiêu Phương Trí lên nối ngôi trong một thời gian ngắn, biến Tiêu Phương Trí thành một con bài chính trị lợi hại của mình. Năm 557, khi xét thấy con bài Tiêu Phương Trí không cần thiết nữa, Trần Bá Tiên đã lập tức phế truất Tiêu Phương Trí và công khai tuyên bố giành ngôi báu về cho cá nhân mình. Chính Trần Bá Tiên đã lập ra triều đại cuối cùng của Nam triều, đó là nhà Trần (Nhà Trần tồn tại trước sau tổng cộng 32 năm (557-589) với tất cả 5 đời nối nhau trị vì. Nhà Trần cũng đóng đô ở Kiến Khang. Khác với những triều đại trước đó của Nam triều, nhà Trần lấy họ của hoàng đế làm tên cho triều đại mình) và Trần Bá Tiên chính là Trần Vũ Đế (557-559).
Việc Trần Bá Tiên đem quân về Kiến Khang khiến cho tương quan thế và lực đôi bên thay đổi theo xu hướng hoàn toàn có lợi cho Triệu Việt Vương. Chớp thời cơ cực kỳ thuận lợi này, Triệu Quang Phục, từ căn cứ Dạ Trạch, đã tung quân ra mở một loạt cuộc tiến công lớn vào quân giặc giết tướng giặc là Dương Sàn thu lại châu thành Long Biên, đuổi giặc ngoại xâm, giành lại quyền tự chủ trên toàn đất nước. Tháng 1 năm Canh Ngọ (550), từ khu căn cứ mới xây dựng ở bãi Tự Nhiên trong đầm Dạ Trạch, Triệu Việt Vương đã bất ngờ tung quân đánh một trận quyết định với kẻ thù. Giặc không cách gì có thể chống đỡ nổi, "(Dương) Sàn thua trận mà chết, quân Lương tan vỡ hốt hoảng tháo chạy về Bắc. Nước ta lại được yên” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 19-a. Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, quyển 4, tờ 8). Triệu Việt Vương hiên ngang trở về tiếp quản thành Long Biên. Đúng là:
"Bốn phương phẳng lặng can qua,
Theo nền nếp cũ lại ra Long Thành".
(Lê Ngô Cát, Phạm Đình Toái. Đại nam quốc sử diễn ca)
3. LẠI KỂ NGÀY XƯA... CHUYỆN CẢO NƯƠNG
Sau lần bị bại trận ở Ái Châu, Lý Thiên Bảo và Lý Phật Tử chạy về động Dã Năng, lập ra nước Dã Năng. Lý Thiên Bảo xưng là Đào Lang Vương, sống an phận thủ thường trong khu vực lãnh địa riêng của mình. Năm Ất Hợi (555), Lý Thiên Bảo qua đời ở Dã Năng, do không có con nối dõi nên người cùng họ là Lý Phật Tử được đưa lên kế nghiệp. Đời muôn thuở vẫn thường là như vậy, những kẻ nào yếu bóng vía trong cuộc chiến đấu vì nghĩa cả, luôn luôn là kẻ dũng cảm xâu xé quyền lợi trong thái bình. Lý Phật Tử là một trong số những kẻ đó.
Khác với Lý Thiên Bảo, Lý Phật Tử đã xưng Đế chứ không chịu yên vị với ngôi Vương, vì thế, để phân biệt với Lý Bôn, các bộ sử cũ của ta vẫn thường gọi Lý Bôn là Tiền Lý Nam Đế và gọi Lý Phật Tử là Hậu Lý Nam Đế. Năm 557, Lý Phật Tử đã bỏ động Dã Năng và đem hết bộ hạ về quê hương Thái Bình (cũng chính là quê hương của Lý Nam Đế) của mình. Tại đây, Lý Phật Tử đã tìm cách lôi kéo bà con họ hàng và ra sức tập hợp lực lượng để nhằm... đánh Triệu Việt Vương. Về phần mình, Việt Vương Triệu Quang Phục do thấy Lý Phật Tử là người cùng họ với Lý Nam Đế nên cũng có chút cả nể. Năm trận ác chiến đã diễn ra tại Thái Bình, tuy đôi bên chưa phân thắng bại nhưng “quân của (Lý) Phật Tử có phần nao núng. (Lý Phật Tử) ngờ là (Triệt Việt Vương) có phép lạ bèn xin được giảng hoà và xin ăn thề là sẽ giao hiếu hoà thuận với nhau. Vua (chỉ Triệu Việt Vương - NKT) nghĩ rằng Lý Phật Tử là người cùng họ với Tiền Lý Nam Đế nên không nỡ cự tuyệt” (Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 19-b). Sau lễ ăn thề, hai bên đã lấy bãi Quần Thần (nay thuộc địa giới của hai xã Thượng Cát và Hạ Cát, huyện Từ Liêm, Hà Nội) làm ranh giới để chia quyền cai quản. Lý Phật Tử dời sở trị của mình từ Thái Bình về thành Ô Diên (nay thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Từ Liêm, Hà Nội. Nơi đây hiện vẫn còn đền thờ Bát Lang (tức Nhã Lang) là con trai của Lý Phật Tử), còn Triệu Việt Vương thì vẫn đóng tại thành Long Biên như cũ. Thế song lập về chính trị và cục diện chia cắt đã khiến cho đất nước lâm vào một cuộc khủng hoảng mới và tiềm lực bị cạn kiệt rất nhanh. Thống nhất quốc gia trở thành một nhu cầu lớn và rất cấp bách của xã hội đương thời. Tiếc thay, Lý Phật Tử đã thực hiện việc thống nhất quốc gia bằng thủ đoạn lợi dụng hôn nhân tương tự như trước đó hơn 700 năm Triệu Đà đã làm.
Bấy giờ, do biết Triệu Việt Vương có người con gái tên là Cảo Nương rất xinh đẹp nên Lý Phật Tử đã cậy người mai mối, xin hỏi Cảo Nương về làm vợ cho con trai mình là Nhã Lang (cũng tức là Bát Lang). Vì quý trọng người cùng họ với Lý Nam Đế, lại thấy hai bên đã tổ chức ăn thề hoà hiếu với nhau, Triệu Việt Vương đã không chút nghi ngờ, gả ngay Cảo Nương cho Nhã Lang, hơn thế nữa. còn chấp nhận cho Nhã Lang được đến ở rể ngay trong thành Long Biên. Sự kiện này xảy ra trong năm 557, tức là ngay sau khi 5 trận ác chiến giữa đôi bên vừa kết thúc. Và kịch bản hiểm độc cũ của Triệu Đà đã được Lý Phật Tử cho tái diễn gần như nguyên vẹn: Triệu Việt Vương hoàn toàn tin ở con rể, tin ở thông gia, tin ở con gái... tin đến mức hoàn toàn mơ hồ và mất hết cả cảnh giác. Đó là nền tảng có thật của truyền thuyết ly kỳ về cuộc hôn nhân giữa Nhã Lang với Cảo Nương được hầu hết các bộ chính sử xưa (Ví dụ: Đại Việt sử ký toàn thư, Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 20 a-b; Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, quyển 4, tờ 12 và 13; Lĩnh Nam chích quái, Nhất Dạ Trạch truyện); Việt điện u linh, Triệu Việt Vương dữ Lý Nam Đế truyện...) và một số bộ dã sử chép lại. Đại lược như sau:
Khi còn ở khu căn cứ bãi Tự Nhiên và đầm Dạ Trạch, Triệu Việt Vương được linh thần là Chử Đồng Tử tặng cho cái móng rồng để cài lên mũ đâu mâu. Đội mũ ấy vào, hễ Triệu Việt Vương hướng móng rồng về phía nào là quân giặc ở phía đó phải thất bại thảm hại. Nhờ móng thần ấy, Triệu Việt Vương đã đánh tan quân Lương và chém được tướng tổng chỉ huy của chúng là Dương Sàn rồi tiến vào chiếm thành Long Biên, khôi phục nền độc lập và tự chủ.
Sau khi Lý Thiên Bảo mất ở động Dã Năng, Lý Phật Tử được lên kế vị và do thấy quân Lương đã bị đánh đuổi, Lý Phật Tử liền đem hết lực lượng của mình về quê nhà. Đến đây, vì muốn tranh quyền của Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử đã đánh nhau với Triệu Việt Vương 5 trận liền, nhưng càng đánh thì thế quân càng nao núng. Lý Phật Tử ngờ là Triệu Việt Vương có phép thuật lạ nhưng chưa rõ là phép thuật gì, bèn nghĩ kế cầu hoà và tổ chức ăn thề rồi xin kết làm thông gia. Con trai của Lý Phật Tử là Nhã Lang được kết hôn với con gái của Triệu Việt Vương là Cảo Nương, sau đó, Nhã Lang được vào ở rể ngay trong thành Long Biên. Được ít lâu, Nhã Lang nói với Cảo Nương rằng:
- Trước đây, hai vua cha của chúng ta là kẻ thù, nay lại kết làm thông gia, thế chẳng hay lắm sao? Nhưng, cha nàng có thuật gì mà đẩy lùi quân của cha ta được vậy.
Cảo Nương tưởng chồng thật lòng, bèn lấy chiếc mũ đâu mâu có gắn móng rồng của cha ra cho chồng xem. Nhã Lang liền đánh tráo móng rồng, xong, nói với Cảo Nương rằng:
- Bấy lâu nay vợ chồng ta quấn quýt yêu thương nhau, thật không nỡ xa cách, nhưng tôi nghĩ công ơn cha mẹ lớn như trời đất, tôi cũng đành phải tạm xa nàng ít lâu để về viếng thăm.
Nhã Lang về đem móng rồng cho cha. Hai cha con cùng bàn kế bất ngờ cho quân đến đánh úp. Triệu Việt Vương bị thất bại, chạy đến cửa Đại Nha (tức là cửa Ác, đến thời Lý thì được đổi thành cửa Đại An, nay là cửa Đáy, ranh giới tự nhiên về phía đông của hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Ở đây hiện vẫn còn đền thờ Triệu Việt Vương) và nhảy xuống biển tự tử. Kể từ đó, Lý Phật Tử nắm quyền cai trị toàn cõi.
Về câu chuyện tình ly kỳ giữa Nhã Lang với Cảo Nương và kết cục bi thảm của Triệu Việt Vương, các sử thần trong Quốc Sử Quán triều Nguyễn đã có Lời cẩn án rằng: “Sử cũ chép việc Triệu Việt Vương được cái móng rồng do Chử Đồng Tử ban cho, việc Nhã Lang đi ở rể và lấy trộm cái móng rồng ấy, việc Triệu Việt Vương do mất cái móng rồng mà bị thua... đem ráp những việc đó lại rồi so với chuyện Thục An Dương Vương và Triệu Trọng Thuỷ trước kia thật giống nhau như hệt vậy. Sự kỳ quái trái với lẽ thường đến mức không cần phải biện bạch thêm làm gì nữa. Nhưng, sử cũ chép phần nhiều trùng lắp nhau và sai hẳn sự thực, đại loại là như chuyện này” (Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Tiền biên, quyển 4, tờ 12 và 13).
Dĩ nhiên, chuyện cái móng rồng mà Chử Đồng Tử đã ban cho Triệu Việt Vương là không thể có thật, nhưng sự cả nể và cả tin đến mức mơ hồ của Triệu Việt Vương lại là điều hoàn toàn có thật. Mất cảnh giác cũng có nghĩa là đã tự đánh mất thứ vũ khí tự vệ quý giá và hữu hiệu nhất. Móng rồng thực chất cũng chỉ là cách thể hiện theo lối huyền thoại hoá sự thật này mà thôi.
Về sự thất bại của Triệu Việt Vương, Tiến sĩ Ngô Sĩ Liên - sử gia lỗi lạc thời Lê sơ - đã có lời bàn rất xác đáng rằng: “Nếu lấy bá thuật mà xét thì Hậu Lý Nam Đế đánh Triệu Việt Vương quả là đắc kế, nhưng nếu lấy vương đạo mà xét thì việc làm này của Lý Phật Tử còn thua cả chó lợn. Vì sao lại nói như thế? Khi Tiền Lý Nam Đế ở động Khuất Lão, đem binh quyền trao cho Triệu Việt Vương và Triệu Việt Vương đã thu nhặt tàn quân để giữ đầm Dạ Trạch bùn lầy để đương đầu với Trần Bá Tiên là viên tướng khét tiếng một thời, bắt giết được tuỳ tướng (của Trần Bá Tiên) là Dương Sàn, khiến Trần Bá Tiên phải lui quân về Bắc. Hậu Lý Nam Đế lúc ấy lẩn trốn ở đất Di Lão, chỉ mong thoát khỏi miệng hùm beo, may mà Trần Bá Tiên thì lui về Bắc, Lý Thiên Bảo lại qua đời nên (Hậu Lý Nam Đế) mới được toàn thân và kế nghiệp. (Hậu Lý Nam Đê) đem quân đánh Triệu Việt Vương, yếu thế nên mới dùng mưu gian trá xin hoà, lại xin kết làm thông gia. (Triệu) Việt Vương lấy lòng thành mà đối đãi, cắt đất cho ở, mọi việc làm đều chính nghĩa, giao hảo rất phải đạo, thăm viếng cũng rất phải thời, đây há chẳng phải là đạo yên trị lâu dài đó sao? Vậy mà (Hậu Lý Nam Đê) lại dùng Nhã Lang để thực hiện mưu gian, vứt bỏ hết cả chính đạo và nhân luân, tham lợi mà huỷ diệt nhân nghĩa, đang tâm đánh cướp lấy nước, tuy rằng thắng được nhưng Nhã Lang phải chịu chết trước, sau đến lượt bản thân (Hậu Lý Nam Đế) cũng không thoát khỏi cảnh bị bắt đi tù đày, vậy thì có lợi gì đâu” (Đại Việt sử ký toàn thư (Ngoại kỷ, quyển 4, tờ 20 b và 21 a).
Hoàng giáp Ngô Thì Sĩ (1726-1780) cũng có lời bàn rằng: "Đã cùng nhau hoà hiếu sao lại còn bội ước, cái móng rồng trên mũ đâu mâu nào có đáng gì mà nghe mưu gian của trẻ con, đi theo lối cũ của Triệu Đà quả thật là bất trí quá lắm. Đến khi quân nhà Tuỳ kéo sang, chúng chưa bắn một mũi tên nào đã nhục nhã dâng nạp ngọc ngà và dắt dê xin đầu hàng, sao mà ngu đến thế” (Ngô Thì Sĩ. Việt sử tiêu án).
Lê Ngô Cát và Phạm Đình Toái - hai tác giả văn học dân tộc nổi tiếng của thế kỷ XIX - đã diễn Nôm theo thể lục bát về mưu gian kế hiểm của Lý Phật Tử và kết cục bi thảm của Triệu Việt Vương như sau:
Tình con rể, nghĩa vợ chồng.
Tin nhau ai biết ra lòng lừa nhau.
Lân la mới ngỏ tình đầu
Nhã Lang trộm lấy đâu mâu đổi liền.
Trở về giả chước vấn yên,
Giáp binh đâu đã băng miền kéo sang.
Triệu Vương tiến bước vội vàng,
Tình riêng còn chửa dứt đường cho qua.
Đem con chạy đến Đại Nha.
Than thân bách chiến phải ra đường cùng”.
(Đại Nam Quốc sử diễn ca)
Theo Việt điện u linh, cuốn sách xưa nhất (1329) chép về Triệu Quang Phục thì sau khi ông mất, người đời thấy linh dị, lập miếu thờ ở cửa biển Đại Nha. Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285, đời Trần Nhân Tông) sách phong là Minh Đạo Hoàng Đế. Năm Trung Hưng thứ tư (1288, đời Trần Nhân Tông) ban thêm hai chữ "Khai cơ". Năm Hưng Long thứ 21 (1313, đời Trần Anh Tông) ban thêm bốn chữ "Thánh liệt thần vũ".
Đền thờ Triệu Việt Vương 
hay Miếu Độc Bộ ở cửa biển Đại Nha
  • Nguồn: 
    1 - Danh tướng Việt Nam - Tập 4 / Nguyễn Khắc Thuần.-H.: Giáo dục, 2005. 
    2 - Việt Vương Triệu Quang Phục / GS Trần Quốc Vượng (Theo Quê Hương)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét