Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Hoàng Thành Thăng Long: Dấu tích những vương triều rực rỡ

Hoàng Thành Thăng Long: Dấu tích những vương triều rực rỡ

PGS.TS. Tống Trung Tín - Viện trưởng Viện Khảo cổ học VN


Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long ngày nay được giới nghiên cứu xác định gồm khu di tích Thành Cổ Hà Nội và khu vực 18 Hoàng Diệu.
Đó là khu vực trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lý (1009-1225), thời Trần (1226-1400), thời Lê Sơ (1428-1527), thời Mạc (1527-1572), thời Lê Trung Hưng (1593-1789) và thành Hà Nội (Bắc thành) thời Nguyễn (thế kỷ 19). Đây cũng là khu vực trung tâm của thành Đại La (thế kỷ 7-9), và một trung tâm lớn thời Đinh Lê (thế kỷ 10). Phần diện tích còn lại đó chỉ là một phần trong tổng thể quy mô lớn rộng của khu di tích Hoàng Thành Thăng Long nghìn năm. Tuy chỉ còn lại một phần trung tâm nhưng nó lại có một hệ thống di tích dày đặc và liên tục kéo dài trong suốt 13 thế kỷ với nhiều loại hình di tích, di vật phong phú, đa dạng.
Khu vực 18 Hoàng Diệu được giới khảo cổ học khai quật trên 19,000 mét vuông. Trong khu vực khai quật, người ta tìm thấy tầng văn hóa dày từ 3.50m đến trên 4m. Trong các tầng văn hóa, giới khảo cổ tìm thấy dấu tích nền móng các kiến trúc của nhiều triều đại chồng xếp lên nhau, đan xen lẫn nhau và cắt phá lẫn nhau cùng hàng triệu di vật khảo cổ học.
Lớp văn hóa sâu nhất là dấu tích móng trụ kiến trúc, cống nước, giếng nước của thời Đại La (thế kỷ 7-9). Bên trên lớp văn hóa Đại La, ở nhiều vị trí, đã tìm thấy dấu tích văn hóa thời Đinh Lê (thế kỷ 10). Hệ thống di tích thời Lý (thế kỷ 11-12) dày đặc chồng lên trên các di tích Đại La và Đinh Lê, loại hình phong phú như kiến trúc 13 gian, kiến trúc 11 gian, kiến trúc chín gian, kiến trúc kiểu “lục giác,” kiến trúc kiểu “bát giác,” kiến trúc có sáu móng trụ hình chữ nhật. Kiến trúc thời Trần kế thừa và tiếp thu kiến trúc thời Lý và sáng tạo thêm đường hoa chanh độc đáo.
Kiến trúc thời Lê vẫn tiếp tục truyền thống Lý-Trần nhưng có sự thay đổi lớn về vật liệu xây dựng với các móng trụ kiên cố được xây dựng bằng gạch vồ.
Di tích thời Lê hiện nay vẫn còn nền điện Kính Thiên, di tích Đoan Môn của thời Lê sơ (cửa Nam của Cấm Thành) đang tồn tại trên mặt đất, minh chứng cho trục trung tâm của Hoàng Thành Thăng Long.
Tất cả các di tích nói trên đều phản ánh kiến trúc trong Hoàng Cung qua các thời Lý- Trần- Lê đều là bộ khung nhà bằng gỗ có mái lợp ngói, cho thấy trình độ cao của các vương triều trong việc xây dựng Hoàng Cung. Số liệu nghiên cứu về kích thước cho thấy, các vương triều Việt Nam xây dựng kinh đô có quy hoạch, tính toán rất cụ thể. Các công trình kiến trúc đều có quy mô lớn, kỹ thuật móng trụ chống lún là một sáng tạo độc đáo, được vận dụng triệt để trong điều kiện xây dựng ở trung tâm đồng bằng Châu thổ Bắc Bộ.
Các kiến trúc đều được trang trí hình rồng, phượng, sư tử, uyên ương, hoa sen, hoa cúc, hoa mẫu đơn với vô số đồ án khác nhau.
Hoàng thành Thăng Long mang trong mình những giá trị nổi bật bởi trong hơn một thiên niên kỷ liên tục là nơi gặp gỡ của các giá trị nhân văn của nền nghệ thuật kiến trúc, kỹ thuật xây dựng, quy hoạch đô thị, các công trình nghệ thuật điêu khắc lớn và nghệ thuật tạo dựng cảnh quan.
Lịch sử phát triển không ngừng của Hoàng thành Thăng Long tồn tại cùng một không gian địa lý và trong hơn một thiên niên kỷ đã khiến cho nơi đây trở thành một điển hình cho sự thành hình và tiến hóa của trung tâm đô thị quân chủ, chịu ảnh hưởng của nhiều tôn giáo, tư tưởng chính trị từ nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới.
Một ngàn năm người Trung Hoa đô hộ Bắc Bộ để lại những dấu ấn văn hóa không thể phủ nhận, nhưng điều đó không làm mờ đi những giá trị truyền thống của nền văn hóa bản địa. Vị trí Kinh thành nằm cách xa biển song lại gần sông Hồng rộng lớn nên rất thuận lợi cho việc gặp gỡ với các nền văn hóa khác bằng đường thủy, kể cả những nền văn hóa xa xôi như Nhật Bản, Tây Á. Các tuyến đường thương mại qua Ấn Độ Dương nối kết Thăng Long với vùng Cận Đông xa xôi. Và mặc dù có mối quan hệ mật thiết với Trung Quốc về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội Việt Nam trước hết vẫn là một nền văn minh Việt Nam đặc trưng trên nền tảng của một văn minh Đông Nam Á đặc trưng.
Từng dấu tích kiến trúc với các đặc điểm kỹ thuật, từng đường nét hoa văn trang trí, từng di vật, một mặt phô bày những gặp gỡ văn hóa khu vực, một mặt khác - nổi bật trên hết - vẫn là khác biệt không trộn lẫn vào bất cứ nền văn hóa nào khác. Tất cả đều toát nên nội lực tiềm ẩn và mạnh mẽ, một nội lực mà nhờ đó, dưới ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa, bản sắc Việt Nam vẫn được duy trì và phát triển. Trên cái nền nội lực mạnh mẽ và giàu bản sắc đó, bấy nhiêu nguồn ảnh hưởng văn hóa, từ Đạo giáo, Phật giáo, Nho giáo của văn hóa phương Đông, ảnh hưởng văn hóa phương Tây, tất cả đều để lại dấu ấn gặp gỡ và tiếp biến văn hóa mạnh mẽ trên nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và khả năng biểu đạt văn hóa của Hoàng thành Thăng Long.
Khu Di sản còn được xem là một hình mẫu về quá trình tiến hóa liên tục của nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch đô thị, một bảo tàng sống về cách thức mà các tầng lớp văn hóa nối tiếp nhau tác động lên kiểu dáng kiến trúc của một Kinh đô. Những phát hiện khảo cổ học dưới lòng đất trong khu Di sản cho chúng ta một cái nhìn xuyên suốt về sự phát triển của kỹ thuật xây dựng qua các thời kỳ, những kỹ thuật làm nền móng theo cách của người Việt Nam trong điều kiện nền đất yếu trong vùng “trũng sông Hồng,” các qui hoạch đô thị khoa học trong không gian môi trường địa lý có nhiều thế hệ thống ao hồ và sông ngòi. Các hiện vật gốm sứ tinh xảo, cùng nhiều loại hình di vật đặc sắc dùng để lợp và trang trí trên mái các công trình kiến trúc cung điện xưa được tìm thấy tại khu di tích cho ta những cảm nhận sâu sắc về trình độ công nghệ và sự phát triển - ở đỉnh cao nhất - của nghệ thuật tạo hình, cách biểu đạt văn hóa mang đậm tính triết lý phương Đông trong nhiều thế kỷ.
Là trung tâm quyền lực trong hơn một ngàn năm, Thăng Long đồng thời là nhân chứng cho những chuyển biến của một nền văn minh lớn tại Đông Nam Á. Các họa tiết kiến trúc, như các loại ngói lợp và trang trí mái phản ánh các xu hướng trong lịch sử thế giới, ví dụ như sự truyền bá và ảnh hưởng của Phật giáo đối với sự phát triển khái niệm vương quyền ở vùng Đông Nam Á. Nho giáo cũng đóng góp vai trò rất quan trọng đối với sự thành hình nhà nước của người Việt Nam. Vai trò của Nho giáo được thể hiện từ hình thái chung của quy hoạch Hoàng thành cho đến công trình kiến trúc và một số hiện vật còn lại. Hình thái chung đó của Hoàng thành, cùng với vô số các hiện vật mang hình rồng hoặc các dấu ấn riêng của Hoàng gia, thể hiện rất rõ tính đẳng cấp của một nhà nước có tổ chức chặt chẽ.
Trong suốt hơn 1,000 năm, Thăng Long là nơi hội tụ và lắng đọng những giá trị tinh túy nhất của các nền văn minh lớn của Châu Á. Giá trị đó diễn ra liên tục trong một thời gian dài. Nhờ đó, khu Di sản này cho ta những cơ hội chưa từng có để nghiên cứu về sự phát triển của nghệ thuật kiến trúc, quy hoạch đô thị và cách thức biểu đạt văn hóa nghệ thuật tại nơi gặp gỡ của nền văn hóa Đông Á và Đông Nam Á. Lịch sử lâu dài, liên tục của khu Hoàng thành còn có giá trị nổi bật trong việc nghiên cứu quá trình phát triển của một nền văn minh Châu Á về mặt văn hóa và vị trí của nó trong lịch sử chung của thế giới. Hiện nay, toàn bộ khu Di sản được đề cử được các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu và đánh giá là nơi lưu giữ các chứng tích hết sức độc đáo, có giá trị nổi bật toàn cầu về các mặt văn hóa, xã hội, chính trị, tôn giáo, tư tưởng và phát triển kinh tế của lịch sử Thăng Long nói riêng và của lịch sử Việt Nam nói chung.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét