Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ THĂNG LONG – HÀ NỘI


NHỮNG GIÁ TRỊ LỊCH SỬ - VĂN HOÁ THĂNG LONG – HÀ NỘI
Trải qua trường kỳ lịch sử dân tộc với biết bao biến cố, Thăng Long – Hà Nội luôn là “nơi trung tâm bờ cõi”, “nơi đô thành bậc nhất”, “nơi hội họp của bốn phương”, “nơi hội tụ tinh hoa sinh khí muôn nhà”. Thăng Long – Hà Nội không chỉ là một đô thành mà còn là một vùng văn hoá. Cổ Loa, điện Giảng Võ, tháp Báo Thiên, Cột Cờ, khu di tích Phủ Chủ tịch, Ba Đình…là các ấn tích lịch sử - văn hoá mang đậm đà sắc thái Thăng Long – Hà Nội.
Cổ Loa là Kinh đô của nước Âu Lạc, một thành trì, một dấu tích vật chất về kiến trúc và đô thị cổ cách đây hơn 2 thiên niên kỷ. Di tích nằm về phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội. Cổ Loa không chỉ là Kinh đô của nước Âu Lạc thời An Dương Vương – một trung tâm chính trị, văn hoá, kinh tế và quân sự của cả nước, mà tiếp đó, nơi đây trở thành trụ sở của các chính quyền đô hộ phương Bắc và đến những năm 939 – 944, một lần nữa, Cổ Loa lại được chọn làm quốc đô của Triều đình Ngô Vương Quyền. Đây là nơi đô thị cổ nhất trong lịch sử Việt Nam còn giữ được hình hài cho đến ngày nay.
Nói đến di tích vật chất của Thăng Long thời Lý không thể không nhắc đến ngôi chùa và tháp Báo Thiên, mặc dù đến nay, ngôi chùa và tháp này không còn để lại dấu vết gì. Chùa và tháp Báo Thiên trước đây thuộc thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội. Chùa được chính thức xây dựng từ năm Bính Thân (1056) dưới triều Lý Thánh Tông. Cùng với việc xây dựng chùa, nhà vua còn cho phát 1 vạn 2 nghìn cân đồng để đúc chuông lớn, vua tự mình làm bài minh để khắc vào chuông. Tiếp đó, năm Đinh Dậu (1057), nhà vua lại cho xây dựng tiếp tại đây một ngôi tháp có tên là Đại Thắng Tư Thiên, cao vài chục trượng, 12 tầng. Có thể nói, đây là công trình kiến trúc to lớn và đồ sộ nhất ở kinh thành Thăng Long dưới thời Lý. Đỉnh tháp được làm bằng đồng và được xếp hàng một trong “Tứ đại khí” của Đại Việt thời Lý Trần (gồm tháp Báo Thiên, tượng chùa Quỳnh Lâm thuộc xã Hà Lôi, huyện Đông Triều, tỉnh Hải Dương, nay là Quảng Ninh, chuông Quy Điền, vạc Phổ Minh thuộc huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định). Từ khi được hoàn thành, công trình kiến trúc Phật giáo này đã đi vào hoạt động và đóng vai trò ngày càng quan trọng trong sinh hoạt tinh thần, tín ngưỡng và văn hoá của kinh đô Đại Việt. Và những công trình kiến trúc này cũng chịu sự thử thách, huỷ hoại của thiên nhiên, của thời gian và đặc biệt là của chiến tranh, loạn lạc. Ngôi chùa và tháp Báo Thiên là một công trình kiến trúc Phật giáo lớn quan trọng đã từng tồn tại hàng mấy trăm năm trên đất thành Thăng Long – Hà Nội.
Chùa Một Cột là một cụm kiến trúc gồm ngôi chùa và toà đài xây giữa hồ vuông. Cả cụm kiến trúc này vốn có tên là chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa. Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư, chùa Một Cột được xây dựng vào mùa đông năm Kỷ Sửu (1049) theo giấc mơ của vua Lý Thái Tông (1028 – 1054) thấy Phật Quan Âm ngồi trên toà sen, dắt vua lên toà. Năm Canh thân (1080), vua Lý Nhân Tông còn cho đúc một chiếc chuông lớn cho chùa Diên Hựu. Người ta cũng đã làm một toà Phương Đình cao 8 trượng để treo chuông. Chuông đúc xong, đánh không kêu, nhưng vì cho rằng đã đúc thành khí, thì không nên tiêu huỷ mới đem để ở ruộng chùa. Ruộng xung quanh chùa khi đó là ruộng nước có nhiều rùa. Người thời bấy giờ gọi là chuông Quy Điền (chuông Ruộng Rùa). Người ta đã làm một toà Phương Đình cao 8 trượng mà vẫn không treo nổi, đành phải để dưới ruộng. Rất tiếc là quả chuông thời Lý độc đáo, kỳ vĩ ấy đến nay không còn nữa. Một số tư liệu cho hay, chuông chùa Diên Hựu đã bị quân Minh tiêu huỷ để lấy đồng đúc súng đạn trong thời gian chúng chiếm đóng thành Đông Quan thế kỷ XV. Ngoài đài Liên Hoa, còn có ngôi chùa mà trên cửa tam quan ghi ba chữ “Diên Hựu tự”. Đó là ngôi chùa được dựng lại vào thế kỷ XVIII nhưng vẫn lấy tên gọi ban đầu của chùa cũ. Năm 1958, tại khu vực chùa Một Cột, một cây bồ đề của đất Phật do Chính phủ Ấn Độ tặng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trồng và chăm sóc chu đáo. Chùa Diên Hựu và đài Liên Hoa đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của văn hoá dân tộc Việt Nam. Mặc dù không còn giữ được kiến trúc cũ nhưng chùa Một Cột vẫn xứng đáng là biểu tượng của Thủ đô Thăng Long – Hà Nội ngàn năm văn hiến và mãi mãi là di sản văn hoá của dân tộc.
Hồ Tây là một hồ lớn tự nhiên nằm ở phía tây bắc của thành Thăng Long. Vào thế kỷ XI, hồ này được ghi là hồ Dâm Đàm (hồ Mù Sương). Tới thế kỷ XIV thì tên gọi là Tây Hồ được ghi trong sử sách. Ven hồ là những xóm thôn, làng nông nghiệp, làng nghề trồng hoa, cây cảnh, nghề làm giấy…với các sản phẩm nổi tiếng. Bên Hồ Tây đến nay còn dày đặc các công trình kiến trúc văn hoá lịch sử, trong đó đáng kể nhất là các ngôi chùa Trấn Quốc, Kim Liên, Quảng Bá, Tây Hồ, Vạn Niên…
Cột cờ Hà Nội (còn gọi là Điền Đài) là một trong những công trình kiến trúc ít ỏi thuộc khu vực thành cổ Hà Nội, may mắn thoát khỏi sự phá huỷ của quân đội Pháp chiếm đóng trong thời gian từ 1894 – 1897. Cột cờ thành Hà Nội đã trở thành biểu tượng thiêng liêng cho cả nước, dù rằng thành Hà Nội nay không còn nữa. Cột cờ vẫn là hình ảnh của thành Thăng Long cũ đã có từ ngàn năm nay. Dưới chân Cột cờ ngày nay là nhà Bảo tàng Quân đội, một cuốn sử bằng tài liệu, hiện vật và hình ảnh ghi lại quá trình đấu tranh gian khổ, quật cường của toàn thể nhân dân Việt Nam, để ngọn cờ độc lập của dân tộc Việt Nam luôn luôn ở vị trí của nó.
Văn hoá, về thực chất, là sự thể hiện và thực hiện những sức mạnh bản chất của con người trong các hoạt động lao động - sản xuất, hoạt động tinh thần, hoạt động quân sự…
Trong các hoạt động của cư dân Thăng Long – Hà Nội, hoạt động lao động - sản xuất, mà tiêu biểu là các làng nghề, chính là nơi thể hiện các giá trị lịch sử văn hoá. Hoạt động của các làng nghề đã thể hiện sự tài hoa, sự trân trọng nghề nghiệp, tính cần cù và sáng tạo… Theo đó, có thể nói đến những nghề và làng nghề như là những giá trị lịch sử văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Đó là nghề trồng hoa Nghi Tàm, nghề làm giấy Yên Thái, nghề đúc đồng Ngũ Xã, nghề vẽ tranh Hàng Trống… Trong những nghề này, có nghề tồn tại đến ngày nay, có nghề đã mai một nhưng vẫn còn sống trong ký ức con người hiện đại, sống trong văn chương, nghệ thuật bởi chúng là những giá trị văn hoá - lịch sử.
Cùng với những hoạt động sản xuất là những hoạt động tinh thần của cư dân Thăng Long – Hà Nội, mà tiêu biểu là những sinh hoạt văn hoá – tín ngưỡng - thẩm mỹ, được thể hiện qua những lễ hội. Những lễ hội này gắn liền với các đền thờ các thần, thánh và các địa danh, có thể kể đến Hội làng Chử Xá, xã Vạn Đức, Gia Lâm (ngày 17 đến 19/1), Hội làng Dạ Trạch (ngày 10 đến 12/2), Hội Gióng Phù Đổng, Gia Lâm (ngày 9/4), Hội Gióng Sóc Sơn (ngày 6 đến 8/1)…hoặc những đền thờ các vị thần có công đức với nước với dân, chẳng hạn, Tứ trấn Thăng Long với đền Bạch Mã thờ thần Long Đỗ, đền Voi Phục thờ Linh Lang đại vương, đền Kim Liên thờ Cao Sơn đại vương, đền Trấn Vũ thờ Đại thánh Trấn Vũ…
Những hoạt động quân sự, những trận đánh, những chiến tích, những địa danh ghi lại dấu tích của những quyết định chính trị có ý nghĩa lớn…cũng là những giá trị lịch sử - văn hoá Thăng Long – Hà Nội, chúng ta có thể kể đến các trận đánh Ngọc Hồi - Đống Đa, chợ Đồng Xuân trong những ngày kịch chiến với quân Pháp, quảng trường Ba Đình, nơi Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, những năm tháng hào hùng chống Pháp, chống Mỹ, những “Điện Biên Phủ trên không” giữa Thăng Long – Hà Nội.
Các giá trị lịch sử - văn hoá Thăng Long – Hà Nội còn thể hiện dưới dạng văn hoá vật thể hoặc phi vật thể. Trước tiên là các giá trị trong kiến trúc, điêu khắc, trong các công trình đê, đập… Đó là những giá trị văn hoá vật thể. Cùng với những giá trị văn hoá vật thể là các giá trị văn hoá phi vật thể. Đó là những tri thức, những kinh nghiệm, những tư tưởng, những ý niệm triết học, văn chương, thơ phú…làm cho Thăng Long – Hà Nội hiện ra như một vùng văn hoá vô cùng giàu có. Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, thơ văn Lý Trần, Đại Cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi, văn chương cận đại và văn chương cách mạng…là những giá trị lịch sử - văn hoá phi vật thể không thể kể hết của Thăng Long – Hà Nội. Có thể thấy lòng yêu nước, đức tính cần kiệm, óc sáng tạo, sự dũng cảm, lòng nhân hậu và nét thanh lịch là những đức tính tiêu biểu của con người Thăng Long – Hà Nội.
Liên quan đến sự hình thành và phát triển những đức tính của nhân cách con người Thăng Long – Hà Nội là hệ thống giáo dục có truyền thống của Thăng Long – Hà Nội được coi là những giá trị lịch sử - văn hoá của Thăng Long – Hà Nội. Nó tiêu biểu cho hệ thống giáo dục của cả nước. Đó là Quốc Tử giám và chế độ khoa cử của nhà nước Đại Việt được thể hiện chủ yếu ở Thăng Long – Hà Nội. Trong thời cận hiện đại đó là hệ thống phổ thông trong các trường dạy nghề, các trường đại học ở Hà Nội. Thông qua hệ thống giáo dục và khoa cử, nhà nước không chỉ đào tạo và tuyển lựa được những nhân tài, mà còn nâng cao mặt bằng dân trí của nhân dân.
Theo tài liệu thư tịch Việt Nam, Văn Miếu được xây dựng vào năm Canh Tuất (1070) dưới triều vua Lý Thánh Tông. Đây là nơi thờ Khổng Tử Chu Công và Tứ Phối (Nhan Tử, Tăng Tử, Tử Tư, Mạnh Tử) và 72 người học trò giỏi của Khổng Tử. Sáu năm sau, năm Bính Thìn (1076), vua Lý Nhân Tông cho xây dựng nhà Quốc Tử Giám ở kề sau Văn Miếu. Lúc đầu, đây là nơi học của các hoàng tử, về sau mở rộng thu nhận cả những học trò giỏi trong thiên hạ. Như vậy, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một cái tên ghép thể hiện rõ hai chức năng của một khu di tích, nơi thờ tự các thánh hiền đạo Nho và là trường Quốc học đào tạo nho sĩ cao cấp. Với ý nghĩa đó, có thể thấy xây dựng Văn Miếu liền với Quốc Tử Giám là một đặc điểm riêng đặc sắc của tổ chức Nho học Việt Nam.
Và sau cùng là các danh nhân văn hoá, tức là những bậc hiền tài tiêu biểu cho nhân cách văn hoá của Thăng Long – Hà Nội, những người có công lớn đối với sự phát triển của văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Họ là những giá trị của văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Tiêu biểu là Lý Công Uẩn, người sáng lập ra Kinh đô Thăng Long và thời kỳ Đại Việt của văn hoá Thăng Long, là Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khai sinh ra một thời đại mới, thời đại mang tên Người cả trên phạm vi Hà Nội, cả trên phạm vi cả nước, người khai sinh ra một thời đại mới của văn hoá Thăng Long – Hà Nội. Đó là các nhà chính trị, nhà quân sự, nhà hoạt động văn hoá, nghệ thuật lớn của Thăng Long – Hà Nội, những người có công lớn đối với việc xây dựng và phát triển một nền văn hoá Thăng Long – Hà Nội rực rỡ và giàu bản sắc.



 Bản quyền thuộc về trường THPT Chuyên Hùng Vương - Tỉnh Bình Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét