Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

"Thiên mệnh" trong chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ

"Thiên mệnh" trong chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ

Thiên đô chiếu (遷都詔)(1) hay Chiếu dời đô vỏn vẹn 214 chữ Hán, tương truyền do vua Lý Thái Tổ (974–1028), người khai sáng vương triều Lý (1010-1225), ngồi trên ngai vàng 18 năm (1010–1028) viết, nhằm giải thích về lý do và quyết sách của triều đình mới trong việc dời kinh đô của nước Đại Cồ Việt từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến thành Đại La (Thăng Long, Hà Nội). Văn kiện này được xem là tác phẩm mở đầu cho nền văn học thời Lý và cũng là áng văn đặc biệt vừa có giá trị văn chương, chính trị, địa lý và lịch sử Việt Nam, vừa có ảnh hưởng tích cực đến vận mệnh đất nước và dân tộc từ thế kỷ X trở đi.
Hơn một năm sau khi lên ngôi vua, vào tháng 7 năm Canh Tuất, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Sự dời đô của vua Lý Thái Tổ vừa là quyết định mang tính quy hoạch sáng suốt, vừa là chiến lược phát triển chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, giáo dục của quốc gia cũng như các phương diện khác của xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Chiếu dời đô có thể được phân tích từ góc độ văn chương, địa lý, phong thủy, chính trị và kinh tế. Trong bài viết này, tác giả chỉ phân tích về khái niệm “thiên mệnh” được đức vua Lý Thái Tổ sử dụng như một nghệ thuật đắc nhân tâm cho quyết sách dời đô của mình.
Trong Chiếu dời đô, khái niệm gây tranh luận nhiều nhất và dễ hiểu lầm nhất là “thiên mệnh” có nghĩa đen là “mệnh trời.” Vua Lý Thái Tổ giải thích nguyên nhân dời đô của ông là nhằm đáp ứng yêu cầu: “Trên thuận mệnh trời, dưới hợp lòng dân” (上謹天命,下因民志: thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí)(2). Sống trong chùa từ nhỏ, được học hỏi triết lý Phật giáo từ thiền sư Lý Khánh Vân và được làm vua nhờ vào sự sắp xếp tài tình của thiền sư Vạn Hạnh, vua Lý Thái Tổ không thể có và không thể chấp nhận thế giới quan Nho giáo hay bất kỳ Nhất thần giáo nào, rằng thế giới này do thượng đế tạo ra và vận mệnh quốc gia và con người là công trình độc quyền của thượng đế.
Theo triết lý Phật giáo mà vua Lý Thái Tổ học được, nghiệp tức ý chí,  hành động của con người tạo ra mọi thứ, trong đó tâm làm đạo diễn, hành động thân thể và ngôn ngữ chỉ là các biểu hiện. Không có số phận an bày, dù của cá nhân hay của một dân tộc:
"Này các Tỳ-kheo, những ai có kiến chấp như sau: 'Phàm tất cả cảm giác gì mà con người phải lãnh thọ hạnh phúc hay đau khổ, đều do nghiệp quá khứ (Túc mạng luận, Tất định luận). Hay phàm tất cả cảm giác gì mà con người phải lãnh thọ, hạnh phúc hay đau khổ, đều do Đấng Tạo Hóa tạo ra (Thần ý luận).' Ta nói với họ như sau: 'Như vậy thời theo lập luận của các Tôn giả, do "nghiệp nhân quá khứ," do "Thượng đế" con người sẽ trở thành ác độc, trộm cướp, tà hạnh, nói láo, nói hai lưỡi, nói ác độc, nói phù phiếm, tham lam, sân hận, si mê và tà kiến ...'
Nhưng này các Tỳ-kheo, với những ai dựa vào "Thượng đế," dựa vào "nghiệp quá khứ" cho là lý do chân thật thì nên biết rằng họ là "người tà kiến" và nguy hại hơn nữa là họ sẽ không có ước muốn, không có tinh thần "đây là việc phải làm, đây là việc không nên làm" và họ sẽ sống thất niệm buông lung, tội ác với tâm không hộ trì. Này các Tỳ-kheo, đó là những chủ trương của ngoại đạo, họ vẫn chấp chặt và bảo thủ quan điểm sai lầm ấy."(3)
Nói cách khác, theo Phật giáo, thượng đế chưa từng có mặt, do đó, cái gọi là “thiên mệnh” chỉ là cách giải thích sai lầm về bản chất quy luật của nhân quả đối với thế giới vật chất và nghiệp báo đối với con người. Số phận của một cá nhân do chính nghiệp của con người tạo ra. Số phận của một đất nước do chính nghiệp tập thể của dân tộc tạo ra. Đức Phật xác định điều này trong kinh Tăng Chi như sau:
“Này các Tỳ-kheo, con người và các chúng sanh là chủ của Nghiệp, là thừa tự của Nghiệp, là sanh căn của Nghiệp. Phàm chúng sanh nào tạo tác hành vi gì, thiện hay ác, chính họ phải gặt hái những kết quả của những hành vi đó.”(4)
Nếu vua Lý Thái Tổ là người theo đạo Nho hay Nhất thần giáo thì “thiên mệnh” trong Chiếu dời đô có thể hiểu là giới hạn của chủ nghĩa định mệnh trong chính trị. Đằng này, vua Lý Thái Tổ là người theo đạo Phật, nên khái niệm “thiên mệnh” có thể là thuật “chơi chữ” với hai nghĩa, nhằm đáp ứng hai dụng ý. Thứ nhất, trong vương triều, người theo Nho giáo khó tánh nhất cũng không thể có ý kiến ngược lại với quyết sách dời đô của nhà vua. Thứ hai, trong vương triều và thần dân bấy giờ, đại đa số là Phật tử, thì “thiên mệnh” được hiểu là “quy luật thiên nhiên” mang tính tất yếu. Do đó, thuận thiên mệnh chỉ có nghĩa là “phù hợp với quy luật tất yếu”, hay còn gọi là quy luật khách quan, ở đó, không có thượng đế nào an bày vận mệnh của đất nước Việt Nam từ nhà Lý trở đi.
Theo nghĩa vừa giải thích, đoạn nguyên tác “Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ” có thể dịch nghĩa là: “Dời đô là vì muốn ở trung tâm, lập nên nghiệp lớn, tính kế muôn đời cho con cháu; trước thuận với quy luật thiên nhiên, sau là hợp với lòng dân; nếu thuận tiện thì nên dời đổi. Làm được thế thì vận nước được lâu dài, phong tục được phồn thịnh.” Nghệ thuật chơi chữ của vua Lý Thái Tổ như mũi tên bắn trúng hai mục đích, vừa được lòng người theo Nho giáo và vừa được lòng người theo Phật giáo có khuynh hướng “Tam giáo đồng nguyên” thời ấy.
Cũng cần nhắc lại nơi đây, bài thơ sấm trên cây gạo làng Diên Uẩn, đề cập đến chuyện “điềm trên cây sét đánh” trong dân gian thực ra chỉ là nghệ thuật được thiền sư Vạn Hạnh sử dụng, nhằm tôn vinh Lý Công Uẩn có chân mạng “thiên tử”, xứng đáng làm đế vương Đại Cồ Việt. Ngoài ra, khi lên ngôi hoàng đế đầu tiên của nhà Lý, vua Lý Công Uẩn đặt niên hiệu là “Thuận Thiên” có nghĩa đen là “theo ý trời.” Đây cũng là cách chơi chữ, để mọi người dễ chấp nhận hoàng đế mới, chứ theo quan niệm triết học Phật giáo mà hai thầy trò thiền sư Vạn Hạnh và vua     Lý Công Uẩn truyền bá, thì thượng đế không có thật, lấy đâu mà gọi là theo ý trời!
Thông qua nghệ thuật chơi chữ khéo léo, khi xem việc dời đô là một thiên mệnh tức “quy luật tất yếu,” mang tính khách quan thì việc cát cứ ở cố đô là một sai lầm. Đây là bài học lịch sử từ hai triều đại Đinh và Tiền Lê mà vua Lý Thái Tổ đã sớm nhận ra: “Nhà Đinh và nhà Lê quá trọng ý riêng, khinh thường quy luật trời đất… cứ bám chặt kinh đô ở nơi này (tức Hoa Lư).”(5) Dù sao, ta cũng phải thừa nhận rằng trong bối cảnh đất nước Đại Cồ Việt ta vừa thoát khỏi ách nô lệ của Trung Quốc, kinh đô Hoa Lư dù non trẻ này lại là kinh đô tập quyền đầu tiên của Việt Nam thời đó.
Mặt khác, ta cũng phải thừa nhận rằng đối với các quốc gia nhược tiểu, thế núi sông hiểm trở là sự lựa chọn thích hợp cho kinh đô trong thời chiến tranh loạn lạc, nhằm phòng thủ và khởi nghĩa khi thời cơ thích hợp. Cố đô Hoa Lư của ta nằm trong quy luật này. Điều ta không thể phủ định là cái gì thích hợp với thời chiến chưa chắc tiếp tục thích hợp với thời bình và phát triển.
Lịch sử cũng cho thấy khu vực nào không thích hợp cho việc phát triển mà kinh đô được đặt trên nó sẽ không thể thoả mãn lòng dân, do đó, quốc gia không thể phát triển, nội loạn thường xảy ra, dân mất niềm tin và dễ bị thay thế bởi chính thể khác. Do đó, có thể hiểu khái niệm “thiên mệnh” trong Chiếu dời đô là thuật chơi chữ, không nên hiểu theo nghĩa đen của Nho gia là “mệnh trời”, mà cần hiểu theo nghĩa bóng của Phật giáo là “quy luật tất yếu” lại càng sâu sắc hơn.
Triều Lý có công giữ vững đế đô, bảo vệ xã tắc, chiến thằng Chiêm Thành và đánh bại nhà Tống trên sông Như Nguyệt. Trong 18 năm ở ngôi vị đế vương (1010–1028), vua Lý Công Uẩn có công lập nên kinh đô Thăng Long bề thế, gồm cung điện và các điện Càn Nguyên, điện Tập Hiền, điện Giảng Võ và nhiều hào lũy kiên cố, điều mà các tiên đế Việt Nam hiếm có người làm được. Về phương diện tôn giáo, vua Lý Thái Tổ mặc dù là Phật tử nhưng chủ trương Tam giáo đồng nguyên, mở Quốc Tử Giám, hình thành chế độ đại học ở Việt nam, mở nhiều khoa thi tuyển chọn nhân tài cho đất nước. Về các công trình tâm linh, vua Lý Công Uẩn cho xây cất nhiều chùa ở phía Nam kinh thành và ở phủ Thiên Đức (châu Cổ Pháp cũ) và nhiều công khác, nhằm ủng hộ phát triển nền đạo đức và triết lý nhập thế của đạo Phật.
Trải qua 10 thế kỷ, suốt 853 năm,(6) kể từ Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ được ban hành năm 1010, thành Đại La - Thăng Long, nay là Hà Nội, không chỉ là kinh đô của 215 năm vương triều Lý với tám đời vua anh minh nhân hậu, mà còn là kinh đô giữ vị trí độc nhất trong lịch sử Việt Nam, tiếp tục là thủ phủ của các triều Trần, Hậu Lê, Mạc, Lê Trung Hưng và hiện nay là thủ đô Hà Nội của nước      Việt Nam, xứng đáng với lời tiên đoán của vua Lý Thái Tổ là “kinh đô bậc nhất của các đế vương muôn đời.”(7)

CHÚ THÍCH
(1) Áng văn đặc biệt này được sử gia Ngô Sỹ Liên trích lục trong tác phẩm nổi tiếng Đại Việt Sử Ký Toàn Thư vào thế kỷ XV. Mới đây, mộc bản "Chiếu dời đô" mới được tìm thấy tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV tại Đà Lạt (Lâm Đồng), ký hiệu H 31/8 đang được bảo quản tại Trung tâm. Mộc bản này có kích thước 41x21,2 cm, khuôn khổ in 29,5x20 cm, có khả năng là bản khắc từ thời Lê (1697). Mộc bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận là "Di sản tư liệu thế giới" vào ngày 30-7-2009.
 (2) Trích Chiếu dời đô của Lý Công Uẩn.
 (3) Thích Nhật Từ dịch. Tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu ở Kinh Tăng Chi I, 195-196 và bản dịch tương tự của HT. Thích Trí Tịnh ở Kinh Đại Bát Niết Bàn II, 534-543.
 (4) Thích Nhật Từ dịch. Tham khảo bản dịch của HT. Thích Minh Châu ở Kinh Tăng Chi III, 549.
 (5) Nguyên văn chữ Hán: “Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh… thường an quyết ấp vu tư” (而 丁 黎 二 家。乃 徇 己 私。忽 天 命。。。常 安 厥 邑 于 茲).
 (6)  Trừ đi 143 năm nhà Nguyễn dời đô vào Huế.
 (7) Nguyên văn chữ Hán: “Vạn thế đế vương chi thượng đô” (万 世 帝 王 之 上 都). Từ năm 2006, khu di tích Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội có một không hai tại Việt nam đã được xếp hạng Di tích Quốc gia. Hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới được đệ trình từ tháng 1-2009. Nhờ tư vấn của Hội đồng Quốc tế về Di tích và Di chỉ (ICOMOS), vào lúc 20 giờ 30 ngày 31-7-2010 theo giờ địa phương, nhằm lúc 6h30 sáng 1-8 (giờ Việt Nam), Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa thế giới. Đây là tin vui đặc biệt cho đất nước và con người Việt Nam trước thềm kỷ niệm một ngàn năm Thăng Long – Hà Nội.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét