Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

Một học giả Pháp viết về Thăng Long thời Lý, Trần


Một học giả Pháp viết về Thăng Long thời Lý, Trần
TP - Theo bài viết về lịch sử Thăng Long - Hà Nội qua các triều đại của học giả người Pháp G. Azambre viết năm 1958, các chợ ở kinh thành Thăng Long đã hình thành từ rất sớm, như chợ lớn Cầu Đông...
Thành cổ Hà Nội
Lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một đề tài được giới sử học nước ta quan tâm và đã gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng. Đó cũng là một đề tài hấp dẫn đối với các nhà sử học nước ngoài.
Năm 1958 một học giả người Pháp G. Azambre đã công bố trên Kỷ yếu của Hội nghiên cứu về  Đông Dương, xuất bản tại Sài Gòn, một bài viết về lịch sử Thăng Long – Hà Nội qua các triều đại, với nhan đề: “Các nguồn gốc của Hà Nội”.
Bài viết tuy là của một người nước ngoài, có thể có những điều cần được trao đổi thêm, nhưng vẫn có những ý kiến mà chúng ta có thể tham khảo. Để góp thêm phần vào kho tàng tri thức chung về lịch sử thủ đô, chúng tôi xin trích dịch đoạn đầu bài viết của ông Azambre. Đầu đề do chúng tôi đặt.
***
Năm 1010, Lý Thái Tổ (1009- 1028), người sáng lập triều đại nhà Lý, đã dời đô từ Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình) ra thành Đại La, bên bờ sông Hồng. Trong suốt 8 thế kỷ, trừ một thời gian ngắn đầu thế kỷ XV, các triều đại kế tiếp đều giữ nguyên kinh đô ở đấy.
Tuy nhiên, cho đến lúc ấy, mỗi một chính quyền mới của thời trước đó đều đã từng dời đô như vậy. Luy Lâu, Long Biên, Tống Bình, La Thành, Đại La, Loa Thành, Hoa Lư từng lần lượt là thủ phủ của các chính quyền, cả lúc đất nước chịu lệ thuộc Trung Quốc, cũng như khi độc lập.
Sự di chuyển đó đôi khi chỉ là đơn giản quay lại vùng phụ cận của một vị trí trước đây đã bị bỏ phế, có lúc thì là sự di chuyển vào ngay trong phạm vi vị trí đó.
Vậy thì những lý do gì khiến cho Lý Thái Tổ rời Hoa Lư để trở về những vùng đất mà những kẻ tiền nhiệm đã rời bỏ và Hà Nội đã được phát triển từ đâu?
Dĩ nhiên, cần tính đến những điều ngẫu nhiên. Chỉ trong khoảng thời gian 41 năm, hai triều đại Đinh, Lê, với số phận bi thảm, đã nối tiếp nhau ở Hoa Lư, và hình như đã tỏ ra rằng vùng đất đó là vùng đất xấu trong khi thành cũ Đại La lại có được những ảnh hưởng siêu nhiên đáng kể, và những yếu tố phong thủy đó có giá trị quyết định chủ yếu trong việc lựa chọn vị trí kinh đô.
Cũng có thể nhà vua muốn về gần làng Cổ Pháp quê hương (cũng như trường hợp nhà Đinh muốn ở gần quê hương Hoa Lư) mặc dù nhà vua không nói ra.
Cũng có thể nghĩ rằng việc Lý Công Uẩn được một nhà sư theo nền văn hóa Trung Quốc nuôi dưỡng, cũng góp phần ảnh hưởng tế nhị, tuy không thể hiện rõ nhưng lại không kém phần tác dụng khiến cho nhà vua quay lại nơi ngày xưa Cao Biền từng đóng đô. Do đạo Phật, từ khi được phổ cập, nền văn hóa và các truyền thống của Trung Quốc đã ăn sâu vào các giới thượng lưu, thứ tôn giáo mới này được họ thấm nhuần sâu sắc.
Cuối cùng, vị trí của Đại La bên bờ sông Cái, nơi diễn ra những quan hệ chủ yếu hoặc với các vùng thượng du hoặc với bên ngoài (nhất là những mối liên hệ với Trung Quốc) và ngay cả trong lòng đất nước (luôn chỉ giới hạn trong những vùng đồng bằng rộng lớn phía Bắc) đã khiến cho quyết định của Lý Thái Tổ càng hợp lý: Trong tổng thể các lý do nhiều mặt: Về địa lý, về phong thủy, về cá nhân, về hành chính và kinh tế, tất cả đều có phần trong quyết định dời đô.
Trước thời nhà Lý (trước thế kỷ XI)
Những hào lũy vững chãi bằng đất bị nhà Ngô bỏ đi năm 939 mà Lý Thái Tổ tìm đến năm 1010 là những hào lũy nào?  Và cái “thành phố” vẫn rất quan trọng bên bờ sông Cái đó, là như thế nào.
Các hào lũy đó, loại mới thì do tướng Tàu là Cao Biền xây dựng năm 866 lúc Trung Quốc còn đô hộ. Loại cũ hơn thì do Trương Bá Nghi dựng lên trước năm 767. Chúng nối tiếp nhau ở phía nam Hồ Tây, giữa sông Tô Lịch và sông Hồng. Hiện nay còn những dấu tích lờ mờ.
Tất cả đó đều do người Trung Quốc lập nên. Họ đã đặt thủ phủ để cai trị ở vị trí đó, bằng cách luôn di chuyển trung tâm về phía đông.
Cho đến năm 1010, Lý Thái Tổ dời đô ra vùng Hà Nội, bèn đổi tên Đại La thành Thăng Long. Nhưng không rõ nhà vua dùng lại thành cũ của người Trung Quốc đã bị bỏ phế từ 60 năm, hay lại dời sang một địa điểm khác.
Theo các tài liệu biên niên, nơi hư cấu hòa trộn với hiện thực, thì hình như nhà vua cho xây một thành mới ở phía đông các thành cũ. Các công trình khảo cổ đã xác nhận rằng Thăng Long được xây dựng về phía đông thành Đại La.
Dưới thời Lý – Trần (từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV)
Thực tế thì kinh đô nhà Lý như thế nào? Qua quá trình lịch sử, tuy có được sửa sang thêm, nhưng vẫn luôn giữ cấu trúc đó. Nó chưa có gì là một thành phố, càng chưa phải là một thành lũy theo nghĩa phương Tây.
Bờ bao quanh, được gọi là thành, có chu vi 4.700m, bao lấy một vùng đất nhỏ trong đó có ruộng đồng, vườn tược, ao hồ, và người ta đã đắp ở đấy năm ụ đất nhân tạo để nâng thêm những điều kiện phong thủy.
Trong vùng đất đó, có cung điện của nhà vua, bằng gạch hoặc bằng gỗ, nằm trong một bờ bao riêng biệt, có các dinh thự và tư thất của các vị quan cao cấp, các chùa chiền, các kho lương thực, các doanh trại binh lính. Cũng có một vài xưởng thủ công để phục vụ nhà vua.
Vùng đất đó chưa có vẻ gì là thành thị, nó chưa phải là khu dân cư. Nó chỉ dành riêng cho nhà vua và các quan chức cao cấp của triều đình. Vùng đất đó được gọi là Long Thành.
Bờ bao đó không chỉ bao một vùng đất, mà còn là bao một môi trường xã hội khép kín: Môi trường của triều đình và các quan lại cao cấp. Từ ngữ kinh thành mà ngày nay người ta gán cho nó là không đúng, vì rằng tất cả ở đó đều hướng về phục vụ nhà vua, trong cấu trúc chưa có gì là một thành phố.
Nó là hạt nhân của thủ đô. Nó buộc các chức năng khác phải theo quy định của nó. Nó là nơi ở của chính quyền và các cơ quan, và nó chỉ bảo vệ họ. Việc ra vào đó được quy định rất nghiêm ngặt.
Hăngri Maxperô đã ghi rõ: Việc mô tả lại những công trình được xây dựng (trong thành nội), vào năm 1011 cho thấy khá rõ là dân chúng không sống trong thành. Điều đó đã được một sự kiện lý thú chứng minh.
“Năm thứ 3 triều Thuận Thiên (1012) nhà vua đã sai lập lầu Long Đức ở ngoài thành, đưa Thái tử ra sống ở đấy, vì nhà vua muốn rằng Thái tử hiểu rõ đời sống của dân”. Sự kiện đó chứng tỏ:
- Ngoài các cổng thành đã có một cộng đồng cư dân.
- Cộng đồng cư dân đó gồm những người thuộc một môi trường xã hội hoàn toàn khác, xa lạ ngay cả với những ai sống trong thành nội.
Cộng đồng cư dân đó đã có từ thời Đại La, và đã tồn tại với tư cách là những tỉnh lỵ dưới thời nhà Đinh và nhà tiền Lê, sau khi nhà Đinh đã bỏ nơi thủ phủ đó. Tầm quan trọng của cộng đồng dân cư đó đã khiến cho Lý Thái Tổ nhân dịp hành hương về Cổ Pháp, phải chú ý.
Việc nhà vua trở lại đóng đô ở đây đã đem lại cho cộng đồng đó sự hồi sinh mạnh mẽ. Cộng đồng  đó gồm các nhà buôn, thợ thủ công, tập trung ở khu vực phía bắc hồ Hoàn Kiếm, giữa bờ thành Thăng Long và sông Cái lúc đầu chưa có đê bảo vệ.
Các dãy nhà tranh tạo nên những phường riêng biệt giữa các dãy ao hồ nối tiếp nhau từ Hồ Tây đến Hồ Gươm; các ao hồ đó, ở đây cũng giống ở nông thôn, rất cần cho cuộc sống của cư dân.
Trung tâm đó phát triển một cách tự phát cạnh thế giới vua quan, thuần túy có tính thương nghiệp nên từ rất sớm được gọi một cách dân dã là Kẻ Chợ.
“Tên gọi đó được phổ biến, được thông dụng, nó được dùng trong các bản đồ của người phương Tây, còn Thăng Long, tên gọi của thành chỉ được dùng là tên chữ trong các phác thảo của các nhà địa lý học Việt Nam.
Như vậy từ thế kỷ XI, trên khu vực mà sau này phát triển thành Hà Nội, có 2 cộng đồng xa lạ nhau, nhưng kề cận nhau, có cấu trúc xã hội và địa hình khác nhau. Không một cộng đồng nào trong hai cộng đồng đó tạo thành một thành phố đúng theo tên gọi. Và từng cộng đồng phát triển bằng cách luôn giữ những đặc tính cơ bản cho đến thế kỷ 19.
Giữa thế kỷ XI và thế kỷ XV, càng khó theo dõi sự tiến triển của hai nhóm cộng đồng đó, vì một mặt những dấu tích bên ngoài của thời kỳ đó không còn, hoặc do các sự kiện (chẳng hạn năm 1592, Trịnh Tùng cho phá trụi các hào lũy thành Thăng Long) hoặc do chất lượng của các vật liệu, do khí hậu, do thiếu bảo quản.
Và mặt khác, các biên niên sử chỉ coi trọng ghi chép việc xây dựng các cung điện, các chùa chiền, đôi lúc cả việc xây dựng đê điều, chứ ít chú ý đến việc mô tả sự phát triển các nhóm cộng đồng đó.
Trong số hai nhóm đó thì ký ức qua thời gian quan trọng nhất là Thăng Long. Cái đáng nói đến, cái có vị trí chỉ huy, cái có vai trò đầu não, chính là thủ đô; và thủ đô, đó là “thành”.
Như đã nói, vị trí của thành được quy định theo những quy luật nghiêm ngặt của thuật phong thủy. Các giá trị phong thủy đó, dù cho ít có tính chất địa lý, vẫn cứ là một yếu tố nhân văn chủ yếu được thể hiện trong việc xác định địa hình các nguồn gốc của Hà Nội, và hiện nay vẫn còn phản ánh trong quy hoạch của thành phố hiện đại.
Các nguồn gốc đó đã được chỉ đạo bởi việc thiết lập có ý nghĩa quyết định Thành – Kinh đô ở Thăng Long. Thế là Kẻ Chợ chỉ là một thứ hiện tượng phụ.
Khó mà mô tả lại được lịch sử của “thành” ở đây. Chúng tôi chỉ xin nhắc lại rằng thành nhiều lần bị chiếm và bị cướp phá, nhiều lần thay đổi tên. Nó đã mất vị trí kinh đô vào thời nhà Hồ. Từ 1397 đến 1407, nhà Hồ đóng đô ở Tây Đô (Thanh Hóa), nơi quê hương gốc gác của họ. Năm 1428, người sáng lập nhà Hậu Lê mới lại đóng đô ở Thăng Long.
Về các công trình xây dựng trong thành thì đã từng bước tăng lên nhiều. Các cung điện của nhà vua cũng được bảo vệ bằng một bờ bao đặc biệt, nằm ngay trong thành, như là một khu vực cấm. Cấm thành đó gồm các phòng khánh tiết, các cung điện riêng, cách biệt, các lâu đài riêng.
Giữa Thăng Long và sông Cái quần tụ những “phường dân cư” riêng biệt và kề cận nhau của người dân Kẻ Chợ. Họ sống tập trung đông ở phía bắc hồ Hoàn Kiếm (xưa kia trải dài hơn về phía Bắc so với ngày nay), hai bên bờ một đường trục mà sau này thành đường phố, hai bên bờ sông Tô Lịch, chảy vào sông Cái (lúc đó sông Cái gần thành phố hơn so với hiện nay).
Phía bắc phố Hàng Đậu ngày nay và phía nam Hồ Gươm là vùng nông thôn.
Các phường giống như các làng riêng gồm các dãy nhà tranh. Các phường đó tự quản một cách độc lập, mỗi phường (giống như mỗi làng) thuộc vào một huyện nhưng không có một cơ chế tập thể liên kết họ.
Không có đường phố lớn, các ao hồ chia cắt họ được giữ nguyên. Thợ thủ công và dân buôn sống nhóm với nhau theo tính chất đặc thù, không theo một kiểu quy hoạch tổng thể nào cả. Không có các cửa hàng lớn, chỉ có các quán hàng và các xưởng thủ công.
Các chợ đã hình thành từ rất sớm, như chợ lớn Cầu Đông, bị hỏa hoạn phá trụi năm 1226 nằm quanh đền Bạch Mã. Đặc biệt ngày 1 và ngày 15 âm lịch, ở Kẻ Chợ có phiên chợ lớn. Dân các làng lân cận đến bày hàng bán ở khắp các đường thuộc khu trung tâm. Các chợ đó họp thường xuyên hoặc theo phiên, đều do Nhà nước kiểm soát.
Nhà Lý là triều đại đầu tiên tổ chức chặt chẽ đất nước về các mặt hành chính và quân sự. Để đào tạo các quan lại – mà trước hết là lựa chọn từ con cái các gia đình quyền quý, năm 1070, nhà Lý đã thành lập Văn Miếu ở Cửa Nam của thành, thờ Khổng Tử, ở đó có trường Quốc Tử Giám.
Từ 1010 đã có đền Quán Thánh ở phía bắc thành và từ 1049 thì có chùa Một Cột. Đền Bạch Mã, lúc Long thành mới thành lập được dời ra phía đông thành tại làng Hà Châu nằm ở trung tâm Kẻ Chợ. Năm 1056 dưới triều Lý Thánh Tôn, một người sùng đạo Phật, chùa Sùng Khánh ở phường Báo Thiên được thành lập.
Đền Lý Quốc Sư thờ Nguyễn Minh Không được xây dựng thời Lý Anh Tôn ở làng An Tập. Dưới thời Lý Anh Tôn, đền Hai Bà Trưng cũng được xây dựng, lúc đầu trên đất Đồng Nhân sau do lụt lội và bờ sông bị xói mòn, được chuyển đến Hương Viên (huyện Thọ Xương) ở vùng thôn quê.
Ngoài họa xâm lăng, Kẻ Chợ thường bị hỏa hoạn tàn phá ghê gớm vì phần lớn là nhà tranh. Năm 1226 đời Trần đã có ba trận hỏa hoạn lớn.
Từ 1014, khu vực gồm Thăng Long, Kẻ Chợ và các làng lân cận được bao bọc bởi một con đê đất, được dựng lên theo nhiều đợt dưới thời Lý và thời Trần. Đến giữa thế kỷ XIV, con đê đó đã có chu vi 30 lý (khoảng 21km), được gọi là Đê La Thành.
Trong con đê bao đó có nhiều cửa. ở cửa phía Nam, năm 1048 đã xây dựng Đàn Xã Tắc. Về phía sông, con đê đó mới được hoàn thành vào giữa thế kỷ XVIII.
Các đoạn đê đất đó dùng vào mục đích gì? Để bảo vệ về mặt quân sự? Điều đó chưa hề có. Để chống lụt? Cũng chưa có văn liệu nào khẳng định. Để bảo vệ đường sá khi nước lên? Nhưng đường sá chỉ phát triển khi có xe cộ đi lại.
Trong thực tế các đoạn đê bao lấy từng khu vực, lúc đầu để tách biệt chỗ ở của triều đình mà chúng thường xuyên bảo vệ, không chỉ những lúc có chiến tranh. Tiếp đó việc đắp đê được mở rộng để tách biệt ngay các khu vực phố phường khác…
Nguyễn Trọng ThụGiới thiệu và lược dịch

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét