Thứ Năm, 21 tháng 3, 2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO CUỘC THI QUỐC TẾ TÌM HIỂU VỀ THĂNG LONG-HÀ NỘI MANG TÊN “HÀ NỘI, ĐIỂM HẸN CỦA BẠN” NĂM 2009-2010

TÀI LIỆU THAM KHẢO CUỘC THI QUỐC TẾ TÌM HIỂU VỀ THĂNG LONG-HÀ NỘI MANG TÊN “HÀ NỘI, ĐIỂM HẸN CỦA BẠN” NĂM 2009-2010

1. Cổ Loa (nay ở ngoại thành Hà Nội) được tạo lập từ thế kỷ III trước Công nguyên. Đây là một là di tích thành lũy lớn, từng giữ vai trò là kinh đô nước Âu Lạc của An Dương Vương, tồn tại trước thời vua Lý Thái Tổ hơn một nghìn năm.

Hoa Lư, từ năm 968, là kinh đô nước Việt Nam cổ đại. Trong vòng gần nửa thế kỷ, hai vương triều Đinh, Tiền Lê đã đóng đô ở đây (thuộc địa phận tỉnh Ninh Bình ngày nay). Do Hoa Lư có địa thế hiểm trở, không gian chật hẹp nên vào đầu xuân 1010, vua Lý Thái Tổ - người sáng lập vương triều Lý, thay thế hai vương triều Đinh, Tiền Lê, mở ra một thời kỳ phát triển mới của lịch sử - đã quyết định viết một bài chiếu hỏi ý quần thần về việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, là nơi triều đại nhà Đường (Trung Quốc) đặt bộ máy thống trị nước Việt Nam cổ đại từ thế kỷ VII (ở trung tâm Hà Nội bây giờ). Văn bản lịch sử này, về sau được gọi là “Chiếu dời đô”. Nó được viết ở Hoa Lư, mở đường cho cuộc dời đô từ Hoa Lư ra Đại La vào đầu mùa thu cùng năm. Tương truyền khi thuyền vua đến dưới thành Đại La thì có điềm tốt: con rồng vàng hiện lên, vua nhân đó đổi tên Đại La thành Thăng Long (nghĩa là rồng hiện lên).
2. Vương triều Trần chính thức thay thế vương triều Lý từ đầu năm 1226. Trong khoảng 175 năm trị vì, nhà Trần vẫn tiếp tục sử dụng thành Thăng Long từ thời Lý làm kinh đô đất nước. Đến cuối thế kỷ XIV, vương triều Trần đã suy yếu, và phải bị thay thế bằng vương triều Hồ từ năm 1400. Vương triều này dời kinh đô vào tòa thành xây năm 1397 tên là Tây Đô (ở tỉnh Thanh Hóa), còn Thăng Long thì gọi là Đông Đô (đô thị ở phía đông). Năm 1407, quân Minh từ Trung Quốc sang xâm lược, đổi gọi Đông Đô là Đông Quan (cánh cửa phía đông). Cuối năm 1427, quân Minh bị nghĩa quân Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo đánh bại, phải rút về nước. Đầu năm 1428, Lê Lợi (tức Lê Thái Tổ) chính thức giải phóng Đông Quan, và đến năm 1430 thì đặt tên mới là Đông Kinh (kinh đô ở phía đông).
3. Từ năm 1954, sau sự kiện “Giải phóng Thủ đô”, Hà Nội đã qua nhiều lần điều chỉnh địa giới hành chính. Năm 1961, năm 1978: mở rộng. Năm 1991: thu hẹp.
Ngày 29/5/2008, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII đã thông qua Nghị quyết mở rộng địa giới Hà Nội một lần nữa. Theo quyết định này, Hà Nội (mở rộng) có diện tích trên 3.300km2 và trên 6 triệu nhân khẩu. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2008.
4. “Khu phố cổ Hà Nội” được Bộ Văn hóa Thông tin chính thức xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 2004.
Theo Quyết định này, đây là một không gian đô thị, gần giống hình thang cân, có diện tích khoảng 100ha, nằm ở phía đông Hoàng thành Thăng Long xưa.
Vùng đất và người – rất đặc trưng của Hà Nội qua các thời đại này - có quá trình hình thành từ rất lâu đời: ngay từ khi vua Lý Thái Tổ định đô ở Thăng Long (năm 1010), thậm chí: từ thời “Tiền Thăng Long” (trước thế kỷ X).
Bởi lẽ, hàng nghìn năm nay, đây là trung tâm kinh tế đô thị của cả vùng kinh đô – thủ đô Thăng Long – Hà Nội, cũng là nơi sinh sống chủ yếu của tầng lớp thị dân – bình dân của tòa đô thị đứng đầu đất nước này.
Do đó, đã có chủ trương chuẩn bị Hồ sơ trình tổ chức UNESCO công nhận “Khu phố cổ Hà Nội” là Di sản văn hóa thế giới, mà việc xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 2004, là một động thái của sự chuẩn bị đó. Nhưng vì nhiều lý do, Hồ sơ này, cho đến nay vẫn chưa hoàn thành.
Văn Miếu - Quốc Tử Giám được xây dựng từ năm 1070, là quần thể di tích lịch sử - văn hóa đa dạng và phong phú hàng đầu của Hà Nội, nằm ở phía nam Hoàng thành Thăng Long. Là tổ hợp gồm hai di tích chính: Văn Miếu thờ Khổng Tử, các bậc hiền triết của Nho giáo, Tư nghiệp Quốc tử Giám Chu Văn An – người thầy tiêu biểu đạo cao, đức trọng của nền giáo dục Việt Nam; và Quốc Tử Giám là trường Quốc học cao cấp đầu tiên của Việt Nam, với hơn 700 năm hoạt động, đã đào tạo hàng nghìn nhân tài cho đất nước. Cũng đã có chủ trương đưa Văn Miếu – Quốc tử Giám vào danh sách đề cử là “Di sản văn hóa thế giới”. Tuy nhiên, vì nhiều lý do – cũng như “Khu phố cổ Hà Nội” – Hồ sơ về tổ hợp di tích lịch sử văn hóa quan trọng này, đến nay cũng vẫn chưa xây dựng xong.
Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long, trong dịp chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (năm 1999), đặc biệt là từ khi xuất lộ những chứng tích khảo cổ học tại địa chỉ 18 Hoàng Diệu (năm 2002), đã nhận được rất nhiều sự chú ý và ngợi ca, trở thành một khu di tích lịch sử - văn hoá quan trọng hàng đầu của Hà Nội và Việt Nam. Vì thế Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội đã phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học, các chuyên gia quốc tế…, triển khai công tác lập hồ sơ đề cử là “Di sản văn hoá thế giới”.
Để khởi động công tác nghiên cứu lập hồ sơ khoa học, Trung tâm bảo tồn khu di tích Cổ Loa - Thành cổ Hà Nội đã tổ chức Hội nghị toạ đàm, xin ý kiến các thành viên Hội đồng tư vấn khoa học về việc thống nhất xác định tên gọi, phạm vi bảo vệ và danh mục di tích đề nghị xếp hạng là Di tích quốc gia và Di sản văn hoá thế giới. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội bao gồm di tích Thành cổ Hà Nội và di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu. Tháng 12/2007 hoàn thành việc xây dựng hồ sơ Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và trình Bộ văn hoá - Thể thao và Du lịch quyết định xếp hạng di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia .
Trong năm 2008, được sự giúp đỡ của UNESCO, Hội đồng Vùng Ile de France (Cộng hoà Pháp), Uỷ ban chuyên gia hỗn hợp Nhật - Việt, đã có trên 10 đoàn công tác của các chuyên gia quốc tế vào Việt Nam giúp đỡ kỹ thuật cho việc xây dựng hồ sơ đề cử là “Di sản văn hoá thế giới” Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Về phía Việt Nam, Hội đồng di sản văn hoá quốc gia, Hội khoa học lịch sử Việt Nam, Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, đặc biệt là Cục di sản văn hoá, Viện khảo cổ học, Viện Việt Nam học và khoa học phát triển…đã cử các chuyên gia hỗ trợ chuyên môn cho quá trình lập hồ sơ.
Văn bản Hồ sơ đệ trình UNESCO qua hơn 10 lần dự thảo, chỉnh sửa, đến ngày 19/1/2009 đã chính thức được gửi tới trụ sở UNESCO tại Pari (Cộng hoà Pháp) và đã được tiếp nhận.
5. Hà Nội tiếp xúc với Phật giáo từ những thế kỷ đầu công nguyên. Cơ sở hành đạo của Phật giáo là chùa. Hà Nội hiện nay có hàng nghìn ngôi chùa. Có tuổi xây dựng lâu đời nhất là ngôi chùa hiện nay mang tên là Trấn Quốc. Thuở đầu, ở vào thế kỷ VI, chùa có tên là Khai Quốc (mở mang đất nước), tương truyền là do vua Lý Nam đế cho xây dựng. Đến thế kỷ XV (đời vua Lê Thái Tông), chùa được đổi tên thành An Quốc (làm yên đất nước). Từ năm 1628, chùa được đổi tên thành Trấn Quốc (giữ nước). Vẻ đẹp của ngôi chùa đã được các bậc danh sĩ qua các thời ngợi ca, nhất là sau khi chùa được dời về đảo (nay thành bán đảo) “Cá vàng” trên hồ Tây như bây giờ. Qua các giai đoạn lịch sử, ngôi chùa không ngừng được trùng tu, tôn tạo và luôn được giữ vị trí danh thắng kinh thành, vì đã kết hợp được vẻ linh thiêng cổ kính và không gian đẹp đẽ của cảnh quan thiên nhiên khu vực hồ Tây. Năm 1962, chùa Trấn Quốc đã được công nhận là di tích lịch sử văn hoá cấp Quốc gia.
Chùa Quán Sứ có tuổi ra đời muộn hơn chùa Trấn Quốc. Bắt nguồn từ một địa điểm hành lễ dành cho các “Sứ thần” (đoàn ngoại giao nước ngoài) – vì thế mà có tên gọi là “Quán Sứ” (khoảng thế kỷ XV). Ngôi chùa này đã chứng kiến nhiều hoạt động quan trọng của Phật giáo Việt Nam, kể cả việc trở thành trụ sở của “Giáo hội Bắc Kỳ” vào giữa thế kỷ trước, và từ nửa thế kỷ nay là một cơ sở trung tâm của sự thống nhất tổ chức Phật giáo trong cả nước và sự hoà nhập của Phật giáo Việt Nam với Phật giáo thế giới.
Chùa Một Cột – mang tên gọi của một tòa tháp trên một trụ cột, tượng trưng cho cuống sen – là bộ phận của một tổ hợp chùa - tháp, ra đời từ ý tưởng cầu mong kéo dài tuổi thọ cho vua Lý Thái Tông, nhân một giấc mơ của vị vua này (vào năm 1049, nhà vua mơ thấy mình được Phật Quan Âm cầm tay dắt lên một toà sen), do đó có tên gốc là chùa “Diên Hựu” (kéo dài tuổi thọ). Kiến trúc của chùa Một Cột như hiện nay đang thấy là sự thu nhỏ của một tổ hợp chùa - tháp cổ, được bài văn bia có niên đại 1121 (dựng ở chùa Long Đọi, tỉnh Hà Nam) mô tả là có quy mô rất lớn và vẻ đẹp lộng lẫy, huy hoàng.
6. Hà Nội, trên thực tế, đã được chọn và quyết định là Thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ra đời từ cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, và lễ “Thề Độc lập” ngày 2/9/1945 (về sau gọi là lễ Quốc Khánh). Nhưng về mặt pháp lý thì chỉ đến kỳ họp thứ 2, khoá I, của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, với bản Hiến pháp đầu tiên, được Quốc hội thông qua ngày 9/11/1946, Hà Nội mới chính thức được phê chuẩn là Thủ đô của Việt Nam. Còn khóa họp Quốc hội năm 1976 – tuyên bố sự tái thống nhất nước Việt Nam và khai sinh nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam – thì chỉ khẳng định lại, quyết định chính thức Hà Nội là Thủ đô nước Việt Nam từ năm 1946.
7. Tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội vào tháng 10/2010, thực tế là để:
- Biểu thị tình cảm và đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam đối với cha ông đã xây dựng nên đất nước và Thủ đô như hôm nay.
- Cổ vũ và giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của cả dân tộc và của Thủ đô Hà Nội.
- Giới thiệu Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung với bạn bè thế giới.
Cho nên sau Đại lễ cần:
- Đẩy mạnh Chương trình phát triển kinh tế xã hội, xây dựng con người Hà Nội ngày một văn minh, hiện đại, xây dựng nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc Việt Nam.
- Đẩy mạnh đổi mới hơn nữa sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Thủ đô, động viên mọi nguồn lực, đẩy nhanh công cuộc hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, văn hoá, làm cho thành phố trở thành gương mẫu của cả nước.
- Thực hiện tốt nhất quy hoạch xây dựng thành phố mới mở rộng.
- Nâng cấp các công trình văn hoá, bảo tồn và phát huy tác dụng các di tích, đẩy mạnh hơn nữa sáng tạo văn học nghệ thuật…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét