Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

HÌNH THÁI CHÂU Á (PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT CHÂU Á) VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

HÌNH THÁI CHÂU Á (PHƯƠNG THỨC SẢN XUẤT CHÂU Á) VÀ CHỦ NGHĨA XÃ HỘI

Igor Nikolaievich Kovalev, Bình Nguyên Định dịch

Lời tựa: Sách Lịch sử kinh tế và các học thuyết kinh tế được Igor Nikolaevich Kovalev trình bày theo phong cách mới, trong đó tác giả sắp xếp kiến thức về lịch sử kinh tế học một cách hệ thống, liên kết phương diện xã hội nhân văn và phân tích toán học với chuyển biến lịch sử. Trong sách này, tác giả dành phần lớn phân tích giai đoạn phát triển kinh tế xã hội nước Nga xô-viết dưới ảnh hưởng trực tiếp của chủ nghĩa Marx. Bài viết dưới đây được trích dịch từ đề mục: “Chủ nghĩa Marx như một mô hình ngôi nhà thế giới về kinh tế”, có thể cung cấp thông tin hữu ích cho những người quan tâm đến chủ nghĩa Marx.
Chủ nghĩa Marx soạn thảo, và chủ nghĩa xã hội kiểu xô-viết khẳng định con đường lịch sử loài người đi qua năm hình thái kinh tế xã hội: cộng sản nguyên thủychiếm hữu nô lệphong kiếntư sản (chủ nghĩa tư bản) và chủ nghĩa cộng sản (gồm hai giai đoạn, giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội). Nhưng thú vị là trong những bài viết sớm nhất của K.Marx và trong thư từ trao đổi với F.Engels có nhắc tới một hình thái khác nữa, đó là hình thái “kiểu châu Á” – “phương thức sản xuất kiểu châu Á”. Hình thái này không được trình bày trong sơ đồ đại lộ của sự phát triển, bởi vì nó không tương ứng với bất kỳ dấu hiệu quan trọng nào của các phương thức kinh tế xã hội từng được biết, đó là không có tư hữu, không có phân chia giai cấp rõ rệt, vì sự đối kháng của các giai cấp và sự bóc lột người với người không được thể hiện. Hình thái đặc biệt này mang lại nhiều mối bận tâm cho chính các nhà sáng lập nên phương pháp lịch sử, và cho cả những người kế tục nhiệt tình. Không nhìn thấy và không đếm xỉa đến nó quả là vô lý: nó từng hiện hữu trên phần lớn lãnh thổ của hành tinh này.
Thực vậy, nền văn minh phương đông chiếm một không gian rộng lớn: từ Mỹ Latin (Inca, Aztec, Maya), Bắc Phi (Algérie, Ai Cập), vùng nhiệt đới châu Mỹ, qua vùng cận đông, Trung Á, Ấn Độ, đến Trung Hoa và những quốc gia gần kề (như Việt Nam).
Hình thái châu Á có những dấu hiệu và đặc điểm sau:
  1. Dạng sở hữu đặc biệt: không có tư hữu, trong lúc tư hữu luôn được xem là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Ở đây chỉ có thể gọi đó là sở hữu công cộng, sự thay đổi chính quyền đồng nghĩa với sự thay chủ sở hữu.
  2. Phương thức bóc lột đặc biệt: khác với chế độ chiếm hữu nô lệ và chế độ nông nô, đây là chế độ nô lệ toàn dân. Sức lao động cho không này được sử dụng rất phí phạm. Dân chúng với số lượng lớn bị bắt buộc lao động nặng nhọc để xây dựng những công trình công cộng quy mô lớn (ví dụ như thủy lợi, khai khẩn, xây Vạn lý trường thành). Một hệ thống tự quản được thiết lập chặt chẽ, đó là chế độ bạo hành của chính quyền, được củng cố bởi lực lượng quân đội, mật vụ và bộ máy hành chính cồng kềnh.
  3. Vai trò đặc biệt của nhà nước: khai thác sức lao động của dân chúng.
Thật sự cơ cấu quyền lực kiểu châu Á này không thích hợp với trình tự của Marx trong phần sự thống trị của chủ tư hữu tư liệu sản xuất. Giai cấp thống trị ở đây không phải là một nhóm người, mà là “nhà nước tự mình như một bản thể”. Thuật ngữ “giai cấp” hiểu theo Marx nói chung không thích hợp với tầng lớp xã hội thống trị này. Chỉ có thể gọi đó là hệ đẳng cấp của “các chức trách” mà trong đó hoàng đế có “chức trách cao nhất”. Marx phát hiện ra nguyên nhân xuất hiện phương thức sản xuất châu Á nằm trong sự bảo toàn sở hữu kiểu công xã hay tập thể, dạng này luôn tìm thấy ở nước Nga trước đây. Sở hữu này không trở thành tư hữu, mà cuối cùng chuyển biến sang sở hữu nhà nước với đại diện là bạo chúa, điều hành bằng bộ máy quyền lực. Dân chúng hoàn toàn lệ thuộc vào nhà nước, bởi vì “nhà nước mâu thuẫn trực tiếp với những người sản xuất trực tiếp… trong vai trò chủ sở hữu đất đai và đồng thời cũng là thể chế có chủ quyền… Nhà nước ở đây là chủ sở hữu tối cao về đất đai, tập trung với quy mô quốc gia. Nhưng trong trường hợp này vẫn không tồn tại dạng tư hữu đất đai nào, cho dù tồn tại quyền làm chủ và sử dụng đất của cá nhân cũng như của cộng đồng” (K.Marx). Và trong tác phẩm sớm nhất của mình, Marx không trình bày ba hình thái như chúng ta từng được biết (bàn cổ, phong kiến, tư bản), mà là bốn, trong đó hình thái châu Á được xếp đầu tiên. Như vậy, những nhà sáng lập chủ nghĩa Marx đã tính đến bốn hình thái của trình tự phát triển kinh tế xã hội thế giới, tạo nên cốt lõi của thuyết duy vật biện chứng:
Phương thức sản xuất kiểu châu Á; →
xã hội bàn cổ (chiếm hữu nô lệ); →
phong kiến; →
xã hội tư sản (chủ nghĩa tư bản).
Đây là công thức bốn giai đoạn đầu tiên của Marx.
Nhưng hình thái châu Á không tìm thấy trong quy tắc chung của cấu trúc giai cấp và sự thay thế các hình thái. Trong lãnh thổ châu Á đã từng không tồn tại tư hữu. Chỉ có chế độ chuyên chế và bạo chính. Sau cùng, Marx và những người kế tục kiên quyết không xem xét hình thái đặc biệt này nữa. Sơ đồ đại lộ sự phát triển còn lại ba thành phần:
1) chiếm hữu nô lệ; → 2) phong kiến; → 3) chủ nghĩa tư bản → cách mạng xã hội chủ nghĩa; → 4) chủ nghĩa cộng sản (trong đó chủ nghĩa xã hội là giai đoạn thứ nhất)
Theo Marx, sau khi chủ nghĩa tư bản đã tiêu tốn hết tất cả tài nguyên kiếm được từ “hiệu quả thị trường”, nó chuyển sang dạng độc quyền chính trị, và sau đó là chủ nghĩa đế quốc. Cạnh tranh (động lực của hiệu quả kinh tế và sự tiến bộ) lụi tàn dần, bóc lột giai cấp vô sản đạt đến tột đỉnh. Ở giai đoạn chủ nghĩa đế quốc, bên cạnh bóc lột giai cấp vô sản còn có thêm bóc lột các thuộc địa. Cách mạng chủ nghĩa xã hội nổ ra sẽ triệt tiêu cốt lõi của bất công xã hội: tư hữu. Sự cải tổ xã hội này được tiến hành bởi giai cấp vô sản (chuyên chính vô sản) và tạo nên giai đoạn đầu của xã hội cộng sản chủ nghĩa, tiếp theo là giai đoạn thứ hai, cùng với dần xóa bỏ nhà nước.
Marx kiên quyết rằng chỉ những nước phát triển với nền sản xuất kiểu tư bản đạt tới trình độ cao nhất mới có khả năng thực hiện cách mạng xã hội. Chính những quốc gia văn minh, no nê bởi lợi thế thị trường đến tận cùng, được lịch sử chỉ định (chủ nghĩa lịch sử!) bắt đầu và tiến hành triệt để cuộc cách mạng này. Khi đó sở hữu bị trưng dụng hoặc bằng phương pháp hòa bình, hoặc bằng phương pháp bạo lực. Trong bất kỳ trường hợp nào cũng không tránh khỏi giai đoạn chuyển tiếp tạm thời của chuyên chính vô sản. Sau đó nhà nước dần lụi tàn.
Nhưng mọi điều xảy ra ngược lại. Giai cấp vô sản đã không nhận được chút quyền lực nào, chỉ có nhà nước lại tăng cường thêm vai trò của mình và đẻ ra nhiều chức năng hơn nữa. Người ta bắt đầu chỉ huy giai cấp vô sản. Ai? Sau tháng mười năm 1917 một bộ phận cán bộ chỉ huy được thành lập mang danh nhân viên nhà nước, thuộc biên chế nhà nước. Đó là những hạt giống đỏ (nguyên văn: номенклатура – người dịch) – giai cấp chỉ đạo, quản lý tất cả mọi thứ trong chủ nghĩa xã hội. Hạt giống đỏ của đảng và nền hành chính.
Ở Marx, tình trạng ngoại phạm (alibi) của con người – con người tài năng và nhận thức tốt, không phải trong tư hữu, mà là trong quyền lực. Ông có suy nghĩ: “Thói quan liêu trong bản chất của mình có nhà nước… Đó là tính tư hữu của nó”. Điều này nói lên tất cả. Vỡ lẽ ra, tư hữu không hề bị triệt tiêu, nó chỉ thay đổi hình dạng khi lan rộng thành quyền lực.
Không thể so sánh tư hữu tư liệu sản xuất hay đất đai với tư hữu quyền lực về mặt sức mạnh và khả năng. Trong “Truyện cổ tích con cá vàng”, ông lão đánh cá chẳng phải làm cá vàng bực mình khi thì máng ăn, khi thì túp lều. Chỉ cần thẳng thắn theo kiểu bonsevich: trao ngay chính quyền đây! Tức thì mọi thứ đều xuất hiện: máng ăn, túp lều, gia nhân, cung điện…
Nền văn minh phương tây đi theo con đường khác, cũng không hề bằng phẳng. Kết cục cho thấy xã hội mang một sắc thái lịch sử khác, dưới tên gọi dân chủ. Mọi định chế của nó, bao gồm cả quyền tư hữu thiêng liêng, tạo thành một trục cơ bản, quay xung quanh là mọi thứ khác, trong đó có nhà nước, tổng thống, thủ tướng, viên chức.
Thế ai là chủ sở hữu trong hình thái châu Á? Chúng ta đọc Marx và thấy: đó là các bạo chúa và nhà nước. Họ có trong tay cái gì? – Quyền lực! Đúng như lời của Marx về thói quan liêu vừa dẫn phía trên. Nhưng Marx không thể vừa nói ra điều đó và chứng minh nó, vừa tiếp tục phân tích vấn đề này! Ông không thể phá con thuyền mà chính nó đang chuyên chở mọi tư tưởng của ông! Quả là tư hữu không phải là thủ phạm, chuyên chế vẫn có thể tồn tại trong sở hữu toàn dân, trong điều kiện chiếm đoạt quyền lực bởi độc tài và độc đảng. Trong các quốc gia phương đông, chiếm đoạt quyền lực vẫn có thể tiến hành nhờ đảo chính quân sự, lại được gọi là cách mạng xã hội chủ nghĩa. Giá như mâu thuẫn thể hiện sớm.
Thế nhưng, hiểu rõ mọi ngóc ngách vấn đề cho riêng mình là một lẽ, còn soạn thảo lý thuyết cách mạng cho mọi người là chuyện khác. Vì thế, bất chấp thực tế lịch sử, chỉ cần dựa vào quan điểm mà công thức ba thành phần đã được xác lập! Đó là lý thuyết cốt lõi của Marx để phát triển mọi lý thuyết còn lại, trong đó có thuyết lao động về giá trị và thuyết giá trị thặng dư. Nhân tiện, chính trị thường hay mâu thuẫn với khoa học nhưng hầu như luôn lấn át khoa học.
Tất nhiên Marx cảm nhận mối liên quan giữa phương thức sản xuất kiểu châu Á với chủ nghĩa xã hội. Nếu không thì lúc cuối đời ông đã chẳng đề xuất ý kiến rằng Ấn Độ và Nga có thể tiến lên chủ nghĩa xã hội trên cơ sở giữ nguyên công xã nông thôn, cơ sở mà hình thái châu Á đã từng lập nên và sống khỏe. Cuối cùng, ta thấy chủ nghĩa xã hội không chỉ để dành riêng cho các nước tư bản phát triển, mà còn cho Nga và Ấn Độ! Chẳng phải là mâu thuẫn lớn nhất của học thuyết đó sao!
Nhưng bi kịch đã diễn ra khác hẳn trên bình diện thực tiễn.
Lenin biết rõ về công thức bốn thành phần của Marx và thời gian đầu hay trích dẫn nó. Nhưng sau ông hiểu mối nguy hiểm này và loại nó khỏi các cuộc bàn luận. Không lẽ lại đi công nhận một sự thật về một hệ thống quốc hữu hóa rộng lớn đã từng tồn tại trên trái đất, ở đó, thay vì bình đẳng xã hội, chỉ có sự thống trị của chế độ chuyên chế và thói quan liêu bạo hành! Stalin cũng biết điều đó. Không phải úp mở gì, ông cắt bỏ nó vĩnh viễn: trong những năm 30 (thế kỷ 20 – người dịch) những nhà nghiên cứu xã hội bị cấm nhắc tới hình thái châu Á bất tiện này. Công thức ba thành phần được khẳng định một cách vô điều kiện.
Marx và Engels bất chấp nền móng lỏng lẻo, vẫn cho rằng họ có trách nhiệm tiếp tục phát triển học thuyết: cần trang bị cho giai cấp vô sản lý thuyết và phương pháp rút ngắn lịch sử, tương ứng với công thức ba thành phần. Engels giúp đỡ Marx nhiệt thành, luôn nhắc rằng thế giới nôn nóng chờ đợi học thuyết hoàn thành. (“Phong trào của chúng ta sẽ ra sao nếu có điều gì xảy ra với đồng chí?” – lời trong một bức thư của Engels gởi Marx). Cuối cùng, năm 1867 tập một bộ Tư bản luận ra đời với lý thuyết lao động về giá trị và giá trị thặng dư.
Trong thời gian 16 năm cuối đời, khi viết xong tập ba Tư bản luận (sau đó hầu như ông không viết gì thêm trong 16 năm, mặc dù đời sống vật chất và các điều kiện khác có nhiều thuận lợi), ở trang cuối cùng, với thái độ dứt khoát thường có của ông, Marx viết: “Câu hỏi gần nhất mà chúng ta cần phải trả lời là: điều gì tạo nên giai cấp, – câu trả lời tự sẽ đến, chúng ta thì trả lời câu hỏi khác: vì sao những người công nhân làm thuê, những nhà tư bản, những chủ đất tạo thành ba giai cấp lớn của xã hội?” Và cả hai câu hỏi đều bỏ ngỏ… Bản thảo bị rách. Xin nhắc lại, ông không trả lời các câu hỏi trong vòng 16 năm cuối đời. Điều gì cản trở ông? Câu trả lời quá rõ, và nó giải thích được nhiều thứ.
Marx đã xây dựng thành công vòng khép kín hữu hình của quan điểm triết học của mình, sự khép kín và tính toàn diện trong phạm vi xã hội loài người.
Hệ thống xã hội chủ nghĩa được sinh ra bởi tư tưởng này mang dáng vẻ của tổ tiên triết lý của nó – nó cũng tự khép kín và cũng hư ảo. Tính toàn diện vật chất của nó đủ lâu bền với một thời gian, khi mà tâm lõi kinh tế tham lam và phí phạm của nó vẫn còn chưa “ngốn” hết nguồn sữa thiên nhiên của đất nước giàu tài nguyên nhất thế giới (nước Nga – người dịch). Tính toàn diện tư tưởng cũng bắt đầu tan rã ngay sau cách mạng tháng Mười. Sau nó, những nhà tư tưởng lớn hay nhỏ không còn chút ảo tưởng gì về chủ nghĩa xã hội, dù trên phương diện đạo đức hay vật chất.
Dịch xong 15-11-2009
Nguồn: Trích dịch từ Lịch sử kinh tế và các học thuyết kinh tế, I.N. Kovalev – Rostov in Done: Feniks, 2008. – 135-142 p.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét