Thứ Hai, 6 tháng 8, 2012

Thông điệp từ những hoa văn Đông Sơn


Thông điệp từ những hoa văn Đông Sơn
 
Trống đồng Ngọc Lũ
Văn hóa Đông Sơn ra đời và phát triển rực rỡ dựa trên nền tảng của cả một quá trình hội tụ lâu dài từ những nền văn hóa trước đó. Nguồn gốc cơ bản để hình thành nên Văn hóa Đông Sơn đó là các giai đoạn Tiền Đông Sơn với hai phổ hệ chính là Phùng Nguyên-Đông Sơn ở khu vực đồng bằng sông Hồng và phổ hệ Cồn Chân Tiên- Đông Sơn ở ngã ba sông Mã-sông Chu. Kỹ thuật luyện kim và đúc đồng thời này đã đạt đến trình độ hoàn mỹ. Đồ đồng thuộc văn hóa Đông Sơn không thể lẫn với bất cứ nền văn hóa khảo cổ nào khác trên thế giới... ( TS.Ngô Thế Phong )
Chiếc trống đồng có tuổi trên 2000 năm được phát hiện đầu tiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn bên bờ sông Mã và thuật ngữ  Văn hóa Đông Sơn được chính thức nêu lên trong giới nghiên cứu khảo cổ quốc tế từ năm 1934 do nhà nghiên cứu người áo R.Heine Geldern đề nghị. Việc khai quật, sưu tầm và nghiên cứu nền văn hóa Đồng Sơn đã trải qua 80 năm. Hàng trăm cuộc khai quật khảo cổ học của các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đã được tiến hành. Những hiện vật sưu tầm được từ các cuộc khai quật này hiện đang được lưu giữ ở nhiều bảo tàng từ trung ương tới các địa phương , kể cả một số bảo tàng lớn trên thế giới ở  Pháp, Bỉ, Thụy Điển, Mỹ. Tới nay đã có hơn 200 di tích, hàng vạn di vật thuộc văn hóa Đông Sơn – một nền văn hóa thời đại kim khí cách ngày nay 2000-2600 năm được phát hiện, nghiên cứu.
Cuộc triển lãm lớn Cổ vật Đông Sơn-rực rỡ một nền văn minh Việt cổ  được khai mạc ngày 25-8 và kéo dài đến giữa tháng 11 tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trưng bày hơn 700 hiện vật lựa chọn từ các bảo tàng và sưu tập tư nhân. Triển lãm do Bảo tàng Lịch sử VN phối hợp với các bảo tàng Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Hùng Vương, Hà Nội, Hà Tây, Yên Bái, Lào Cai tổ chức.
Phòng trưng bày được phân chia thành 3 mảng lớn theo cách các nhà nghiên cứu khảo cổ  chia nền văn hóa Đông Sơn dựa trên sự phân bố tại lưu vực 3 dòng sông lớn: loại hình sông Hồng (các tỉnh châu thổ Bắc bộ ), loại hình sông Mã ( Thanh Hóa), loại hình sông Cả   (Nghệ An).
Về đặc trưng lớn nhất của nền văn hóa Đông Sơn trải rộng suốt lưu vực 3 dòng sông này phải nói đến tính thống nhất qua các loại hình và nhất là hoa văn trang trí. Trong thời Tiền sử và Sơ sử, khi mà chữ viết chưa ra đời, thì những nét khắc vạch, những họa tiết, hoa văn trang trí trên những di vật còn được lưu giữ tới ngày nay chính là những trang sử vô giá.
Các nhà khảo cổ đã từng phát hiện hình ảnh người và thú trên hang Đồng Nội cuối thời Tiền sử. Tiếp đến các nền văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun, đề tài người và động vật cũng được các nghệ nhân Lạc Việt phản ánh qua một số tượng tròn nhỏ bằng đá và đất nung với mục đích làm vật trang trí. Phải đến văn hóa Đông Sơn, khi kỹ thuật đúc đồng đã hoàn hảo, người nghệ nhân mới đạt đến trình độ sáng tác những hoa văn phong phú về cuộc sống hiện thực hàng ngày quanh mình. Điều đáng chú ý là các hoa văn này thường được tập trung trên các sản phẩm đồ đồng trang trọng và quý giá như các trống đồng, thạp đồng và một số ít là các công cụ sản xuất và chiến đấu như rìu xéo, cán dao găm, cán lưỡi giáo...
Có hai hoa văn nổi bật không thể thiếu trên tất cả các trống đồng Đông Sơn trưng bày tại triển lãm như trống Cổ Loa (Hà Nội), Nậm Tộc (Yên Bái), Thượng Nông (Phú Thọ), Thành Cẩm, Vĩnh Ninh, Xuân Lập (Thanh Hóa), Làng Vạc, Châu Lộc ( Nghệ An ),... đó là Mặt Trời và Chim Lạc. Nằm ở trung tâm giữa mặt trống, ngôi sao mặt trời được người Đông Sơn đúc dày lên vừa làm nơi để đánh trống vừa mang ý nghĩa của việc thờ thần mặt trời. Ngôi sao mặt trời được thể hiện là một hình tròn có nhiều tia cánh luôn được chia đều theo số chẵn : 10-12-14-16...
Theo nhà nghiên cứu mỹ học Nguyễn Du Chi, có rất nhiều loại chim được mô tả trên trống đồng Đông Sơn: cò, vạc, diệc, bồ nông, chim công,...những con vật rất gắn bó với đồng ruộng Việt Nam, nhất là vùng chiêm trũng. Các loại chim này tuy được vẽ cách điệu nhưng những đặc điểm riêng của từng loại lại được nhấn mạnh khá rõ nên ta dễ nhận ra. Ví dụ bồ nông có chân và đuôi ngắn hơn cò, mình to, mỏ dài. Đặc biệt mỏ dẹt và phía dưới mỏ có một lớp màng da rộng kéo dài đến phía trước cổ. Cò thìa có chân cao, đuôi ngắn, cổ dài và phần đầu chiếc mỏ dài của nó bè ra như hình cái thìa. Cò thìa, cò bợ, bồ nông, vạc, công xuất hiện thường chỉ để trang trí thêm cảnh sinh hoạt của cư dân Lạc Việt ở vành trang trí đậm đặc hoa văn. Vành trang trí lớn gần phía ngoài mép trống đồng, thoáng và trang trọng luôn được để dành cho những cánh bay phóng khoáng của Chim Lạc- có thể là Vật Tổ của người Việt cổ. Thực chất đó là hình tượng con cò với mỏ, cổ, đuôi, chân đều dài, đầu nhỏ thường có mấy sợi lông từ trên đầu bay ra phía sau. Gần đây có một số nhà nghiên cứu tranh luận trên báo TT-VH về tên gọi Chim Lạc hay Cò. Thiết nghĩ, nếu trong tâm thức hay cụ thể là bộ nhớ của chúng ta lâu nay từ Chim Lạc gợi lên hình ảnh con cò cách điệu trên mặt trống Đông Sơn thì tên gọi Chim Lạc vẫn rất  đẹp và gợi hình ảnh cụ thể. Vậy không cần thiết đến mức bắt mọi người quay sang gọi Chim Lạc là con Cò. Tên gọi của một làng ven bờ sông Mã còn được dùng để đặt cho cả một nền văn hóa rực rỡ thời các vua Hùng cơ mà.

HNM

ANHTHU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét