Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Đi tìm vị trí cũ của huyện Mê Linh - kinh đô kháng chiến của Hai Bà Trưng


Đi tìm vị trí cũ của huyện Mê Linh - kinh đô kháng chiến của Hai Bà Trưng


Hai Bà Trưng ra trận
Nếu tính từ sau triều đại An Dương Vương nước Âu Lạc (207-111 trước Tây lịch) tới sau triều đại nhà Triệu của nước Nam Việt (111-39 sau Tây lịch) đúng 150 năm nước ta bị phương Bắc đô hộ (thời kỳ Bắc thuộc lần thứ nhất).
Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội 1971 đã chép: "Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em ruột (có tài liệu nói chị em sinh đôi), con gái Lạc tướng huyện Mê Linh (miền Sơn Tây cũ và tỉnh Vĩnh Phú ngày nay), thuộc dòng dõi Hùng Vương" (trang 80).
Tháng 3 năm 40, Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị khởi nghĩa ở cửa sông Hát (Hát Môn). Từ Mê Linh, nghĩa quân tiến về xuôi, tiến công Luy Lâu (Thuận Thành, Hà Bắc) thủ phủ của chính quyền Đông Hán ở Giao Chỉ. Nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp nổ ra, trước sau cuộc nghĩa của Hai Bà, ở khắp bốn quận: Giao Chỉ (Bắc Bộ), Cửu Chân (Bắc Trung Bộ), Nhật Nam (Trung Trung Bộ) và Hợp phố (nay thuộc Quảng Châu).
Theo sách trên, Mê Linh thời Hán là huyện Mê Linh vừa là nơi xuất phát cuộc nghĩa vừa là quê hương của Hai Bà. Nhưng sách này lại nói, sau khi khởi nghĩa thành công, Hai Bà xưng vương về đóng đô ở Mê Linh (Yên Lãng, Vĩnh Phú) (sđd trang 82). Tới đây, chúng ta thấy có sự tiền hậu bất nhất của Lịch sử Việt Nam tập 1. Đoạn sử trên nói Hai Bà quê ở Mê Linh và khởi nghĩa cũng ở Mê Linh thuộc vùng đất Sơn Tây, tức phía nam sông Hồng. Thế nhưng tới đoạn sau lại viết đóng đô ở Mê Linh thuộc Yên Lãng - Vĩnh Phú, tức ở phía bắc sông Hồng. Tới tháng 2 năm 42, nhà Hán phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân đem hai vạn quân cùng hai nghìn thuyền xe sang xâm lược nước ta. Trưng Vương cùng các tướng lĩnh phát quân từ Mê Linh xuống Lãng Bạc đánh địch. Quân Trưng Vương chiến đấu rất dũng cảm song vì thế yếu nên bị thua, phải lui về Cẩm Khê (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phú). Cuối cùng vì sức yếu, quân ta tan vỡ, Hai Bà về Hát Môn rồi gieo mình xuống sông Hát giang tự tận. (Sđd trang 84).
Các nhà nghiên cứu sau này đều nói Lãng Bạc là Hồ Tây (Hà Nội), Cẩm Khê là Kim khê (Thạch Thất - Sơn Tây). Như vậy, đoạn sử này viết không đúng, vì nếu Mê Linh ở Yên Lãng hay Yên Lạc (Vĩnh Phú) thì sao Hai Bà lại xuống đánh giặc ở Hồ Tây rồi lại lui về Cấm Khê (huyện Yên Lạc, Vĩnh Phú) và cuối cùng chạy về Hát giang tự tận. Sách sử này đã lẫn lộn giữa các vị trí địa điểm Yên Lãng, Cấm Khê, Hát giang và Mê Linh. Đoạn đầu sách nói đúng vì xác định Mê Linh ở miền Sơn Tây thuộc phía nam sông Hồng. Còn đoạn sau lại nói Mê Linh ở Yên Lãng phía bắc sông Hồng.
Thực tế, ngày nay, huyện Mê Linh nằm ở phía bắc sông Hồng thuộc tỉnh Vĩnh Phúc (có tên từ năm 1977) nay thuộc thành phố Hà Nội, bên kia cầu Thăng Long có đường số 23 đi qua ra sân bay Nội Bài. Hơn nữa nơi đây còn có đền thờ Hai Bà. Đền thờ này là nơi thờ ông Thi Sách là chính (vì đây là Chu Diên mới, còn quê của Thi Sách ở Chu Diên cũ phía nam sông Hồng, gần Mê Linh cũ). Do đó, bà Trưng Trắc chỉ được thờ ghép có tượng bên cạnh chồng, còn Trưng Nhị chỉ có bài vị lại nằm bên dưới. Ngược lại, đền thờ chính Hai Bà ở Hát Môn tức Mê Linh cũ thuộc vùng đất Sơn Tây nay là khu vực Thạch Thất, Quốc Oai, Xuân Mai (sân bay Hòa Lạc) gần đường 32 từ Hà Nội đi Sơn Tây.
Hầu hết các sách sử cũ từ đời Lý - Trần - Lê - Nguyễn về sau tới nay đều lầm lẫn về huyện Mê Linh vì thực tế vẫn còn đó huyện Mê Linh ở phía bắc sông Hồng thuộc Phúc Yên, Vĩnh Phúc. Còn huyện Mê Linh cũ đã bị xóa sạch sau khi Mã Viện đánh thắng Hai Bà.
Đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh: T.B
Huyện Mê Linh (quê Hai Bà Trưng) thuộc miền Sơn Tây, còn huyện Chu Diên (quê Thi Sách) thời Hán ở gần Mê Linh có vị trí từ sông Đáy tới sông Hồng (sông Đáy còn gọi sông Chu Diên) nằm giữa ranh giới Sơn Tây với Hà Đông. Riêng Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1435) ghi: "Mê Linh là Hát Môn thuộc huyện Phúc Lộc bây giờ" hoặc nói "huyện Phúc Lộc là Mê Linh ngày xưa". Nhưng nói : "Chu Diên là huyện Yên Lãng ngày nay" hoặc "huyện Yên Lãng là Chu Diên ngày xưa" là sai. (Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng ở Hà Nội, NXB Hà Nội, 1983, trang 59).
Các nhà nghiên cứu lịch sử, địa lý đều xác nhận Mê Linh vừa là quê quán, vừa là nơi khởi nghĩa, nơi đóng đô và căn cứ địa của Hai Bà Trưng và kể cả lúc hy sinh ở Hát Giang (nay là sông Đáy). Còn Hát Môn là ngả ba sông Hồng với sông Đáy. Mê Linh thuộc vùng Thạch Thất (Sơn Tây) và Chu Diên thuộc vùng Đan Phượng, Từ Liêm ngày nay
Trong quá trình khởi nghĩa từ lúc xuất quân, thắng lợi cho tới lúc hy sinh, Hai Bà Trưng đã có các hoạt động tại vùng đất sinh quán huyện Mê Linh thuộc Sơn Tây ở phía nam sông Hồng như sau : tụ quân, khởi nghĩa ở Hát Môn, tiến đánh trị sở lật đổ chính quyền Tô Định ở Luy Lâu (nay là Thuận Thành, Bắc Ninh), về đóng đô ở Mê Linh, lập căn cứ kháng chiến ở Cẩm Khê huyện Mê Linh, Sơn Tây (nay là Kim Khê - suối vàng thuộc núi Vua Bà (trong dãy Ba Vì) khi Mã Viện sang xâm lược năm 43 và Hai Bà hy sinh tại nơi đây. Theo nhà nghiên cứu Đinh Văn Nhật, trên thực địa, ở vùng chân núi Vua Bà, ông đã tìm lại được làng cổ Lạc Việt là Kẻ Lói. Kẻ Lói là tên Nôm, khi chuyển sang Hán Việt thì thành Cổ Lôi và đất riêng của các vị lạc tướng Mê Linh mang tên Cổ lai trang. Các làng Hạ Lôi, Vân Lôi, Trạch Lôi v.v… là những làng ngoại vi, trong đó Hạ Lôi theo truyền thuyết hiện nay vẫn còn xóm Nội, nơi hai Bà sinh ra, quán Ao nơi thờ Hai bà (nay là xã Hạ Bằng huyện Thạch Thất ngoại thành Hà Nội) (Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 3/1986, trang 19-20). Còn ở Phúc Yên vẫn có Hạ Lôi nhưng là phiên bản của Hạ Lôi trước.
Một buổi lễ tưởng niệm Hai Bà Trưng -
Ảnh: Thanh Bình
Như vậy, tại sao ngày nay, huyện Mê Linh, Chu Diên mới (Vĩnh Tường -Yên Lãng) lại nằm ở miền Phúc Yên, Vĩnh Phúc thuộc phía bắc sông Hồng còn huyện Mê Linh, Chu Diên cũ ở vùng Sơn Tây, Hà Đông lại biến mất? Nhiều sách sử đều ghi nhận có sự di dời toàn bộ cư dân ở huyện Mê Linh, Chu Diên cũ (nam sông Hồng) sang huyện Mê Linh mới (Bắc sông Hồng) là do chính sách cai trị độc ác của nhà Hán. Sau khi Hai Bà hy sinh, chính quyền đô hộ tái lập thực hiện ba biện pháp để trừ hậu họa: sát hại hàng loạt nghĩa quân tại đây, di dời toàn bộ nhà cửa, dân cư về phía bắc sông Hồng gần trị sở cai trị miền Long Biên (Luy Lâu - Thuận Thành) và bắt đi đày sang Linh Lăng (Hồ Nam, Trung Quốc) nhiều tướng lĩnh của Hai Bà. Thay vào cư dân mới đều là người Hán, một số quan quân của Mã Viện được cho ở lại lập nghiệp (gọi Mã lưu) ở gần di tích thành Quèn, nằm giữa Hạ Lôi và Quốc Oai. Do đó, hầu hết địa danh của nơi cũ đều được dân Giao Chỉ tới ở nơi mới đặt lại như huyện Mê Linh, làng Hạ Lôi… thuộc Phúc Yên, Vĩnh Phúc nằm ở phía bắc sông Hồng cho tới ngày nay.
Chắc chắn sau thời kỳ Bắc thuộc ngàn năm, nước ta giành lại độc lập tự chủ thời Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán thế kỷ thứ X (939) chấm dứt Bắc thuộc, nhiều di tích, địa danh cũ đều bị xóa gần hết, chỉ trừ một số tên núi, tên suối, tên sông mà thôi. Đề nghị các cơ quan chức năng nên nghiên cứu lại để có thể khôi phục các địa danh cũ, trong đó có Mê Linh cho đúng với nguồn gốc nơi có khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét