Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

THỜI HÙNG VƯƠNG QUA TRUYỀN THUYẾT VÀ HUYỀN THOẠI, phần 6

CHƯƠNG III:


Vì vậy, để giải thích hiện tượng giặc Ân sang cướp nước ta trong truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” - với quan niệm mới chỉ có hai giải pháp là: hoặc là phủ nhận tính thực tế của truyền thuyết; hoặc là coi giặc Ân là bộ tộc Ân nào đó ở miền Bắc Văn Lang. Do đó việc đầu tiên phải lý giải là:
Giặc Ân là bộ tộc Ân hay là nhà Ân Thương thuộc cổ sử Trung Hoa
Về sự việc này, căn cứ vào truyền thuyết có thể dẫn chứng những điểm như sau:

@ Sự tương quan niên đại giữa thời Hùng Vương thứ VI và nhà Ân Thương
So với sử cũ thời Hùng Vương kéo dài 2622 năm. Nếu lấy sự trung bình toán học ta sẽ có thời điểm ở cuối thời Hùng Vương thứ VI là:
(2622 x 12 : 18) + 258 (hoặc 208 theo quan niệm mới) ta sẽ được 2006 (nếu cộng 258) hoặc 1956 (nếu cộng 208) năm tr.CN.
Trong đó: 18 là con số chỉ 18 thời Hùng Vương.
12 là các thời vua Hùng tiếp nối tính từ thời Hùng Vương thứ VII 
258 (hoặc 208) tr.CN là niên đại kết thúc của thời Hùng Vương.
Ta sẽ có con số khoảng 2000 năm tr.CN cho niên đại kết thúc của thời Hùng Vương thứ VI - chênh lệch 300 năm so với con số tuyệt đối nếu có của niên đại bắt đầu nhà Ân Thương. Như vậy, giữa thời Hùng Vương thứ VI và đời Ân Thương thuộc cổ sử Trung Hoa có sự tương đương về niên đại (do chỉ lấy sự trung bình toán học thuần túy, có thể 6 thời Hùng Vương - kể từ Hùng Vương thứ I - có niên đại trung bình lâu hơn và nhà Ân có niên đại bắt đầu sớm hơn. Thực tế về niên đại trong cổ sử Trung Hoa được coi là tương đối chính xác chỉ từ thời Chu Lệ Vương (khoảng 850 tr.CN), còn trước đó chỉ là những con số giả định theo truyền thuyết. Sự tương đương về niên đại này không thể coi là ngẫu nhiên, hoặc do các nhà chép sử thời Đinh - Lê - Lý - Trần... về sau gán ghép một cách chủ quan. Bởi vì ông cha ta ngày xưa viết sử biên niên chỉ dựa vào niên hiệu của các vị vua. Do đó nếu tính toán một cách chủ quan để thời Hùng Vương thứ VI tương đương với niên đại nhà Ân Thương là một việc rất khó thực hiện, khi chính nhà Ân Thương cũng chưa khẳng định được niên đại chính xác của nó, ít nhất trước khi có khoa lịch sử hiện đại. Vì vậy chỉ có thể khẳng định rằng: truyền thuyết đã ghi nhận sự việc xảy ra đúng vào niên đại của thời Ân Thương.
Truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” cũng ghi nhận: sau cuộc chiến Ân Thương - Văn Lang thì Ân Thương hơn 600 năm không dám ra quân (có sách nói 400 năm). Cổ sử Trung Hoa cho rằng nhà Ân Thương chỉ tồn tại 600 năm (1766 - 1122 tr.CN - Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, Tập I, Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Nxb VHTT 1997, dịch giả Trần Ngọc Thuận). Nhưng nếu tính từ vua Bàn Canh nhà Thương dời đô sang Ân Khư , vì vậy gọi là nhà Ân thì khoảng xấp xỉ 400 năm.
Do đó, cuộc chiến này có thể khẳng định diễn ra vào đầu thời Ân và cuối thời Hùng Vương thứ VI. Nếu thời Hùng Vương chỉ tồn tại 300 năm, thì không có cơ sở nào giải thích được sự trùng hợp về thời gian mà truyền thuyết nhắc tới với những vấn đề lịch sử liên quan.
Sự liên quan qua không gian lịch sử
Theo Đại Việt sử ký (Nxb T/p Hồ Chí Minh 1993 - dịch giả Nguyễn Gia Tường):
Việt Vương Câu Tiễn (505 - 465 tr.CN) thường sai sứ sang dụ, Hùng Vương chống cự lại.
Nước Việt cuối thời Xuân Thu là một nước ở vùng Triết Giang Trung Hoa ngày nay (tức là vùng đất của Văn Lang cũ theo truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”), vào thời Câu Tiễn là một quốc gia hùng mạnh, bá chủ của các nước chư hầu thuộc vùng Nam Trung Quốc cuối thời Xuân Thu của nhà Chu. Nước Việt có một nền khoa học kỹ thuật phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là kỹ thuật luyện kim, những thanh kiếm báu nổi tiếng trong truyền thuyết Trung Hoa là Can Tương và Mạc Da đều được sản xuất từ nước này. Với một thực lực hùng hậu như vậy, mà chưa hề có một truyền thuyết, di vật hoặc thư tịch nào chứng tỏ có một cuộc chiến giữa Việt Câu Tiễn và Văn Lang. Do đó, thật là khó lý giải khi gần 100 năm sau lại có một bộ tộc Ân nào đó, tấn công khiến nước Văn Lang phải khốn đốn.
Sự kiện này cũng chứng tỏ rằng biên giới của Văn Lang cũng rất gần, hoặc ngay sát biên giới của Việt Vương Câu Tiễn. Không thể có lý do gì nước Văn Lang ở tận Việt Trì và chỉ là một bộ lạc lạc hậu, lại được sự quan tâm mong muốn trở thành đồng minh của Câu Tiễn trong việc bá chủ Trung Nguyên.
@ Tư liệu Trung Hoa liên quan

* Trong Chu Dịch về ý nghĩa của quẻ Ký Tế, phần Tượng truyện, hào 3 có nói:
Cửu tam: Cao Tôn phạt Quỉ phương,tam niên khắc chi, tiểu nhân vật dụng.
Vua đánh các vùng nước Quỷ, ba năm mới được, chớ dùng tiểu nhân.
Bị chú hào này: trong bản Chu Dịch hiện lưu hành, vua ở đây ghi là Cao Tông tức vua Cao Tông nhà Ân Thương... Thuật ngữ: Quỷ Phương chỉ các phương giống người quỷ tức người còn man rợ như phía trên đã nói: Nam Man, Bắc Địch, Đông Di, Tây Nhung. Nước Việt Thường chúng ta thời Kinh Dương Vương cũng bị nhà Chu gọi là nước Xích Quỷ ... nhà Ân Thương có điều quân đi đánh bốn phương đều dẹp loạn, có xuống đến tỉnh Quý Châu. Ở đây có bộ tộc Thi La Quỷ, thời Hùng Vương thứ VI, vào đánh nước ta nhân danh nhà Ân Thương (Theo Vũ Quỳnh trong sách Tân đính Lĩnh Nam Chích Quái).
Vua Cao Tông nhà Ân Thương tên là Vũ Đinh, con Đế Tiểu Ất và cháu vua Bàn Canh. Vũ Đinh có đánh dẹp quanh hồ Động Đình và đến vùng Quý Châu, có thể cuộc dẹp loạn trải qua ba năm.
Quẻ Tùy, hào 6 có nói:
Thượng lục: Câu hệ chi, nãi tùng duy chi, vương dụng hanh vu tây sơn
Lòng mình theo mình cấu kết không rời, không trói buộc cũng theo, như dân ấp Mân theo vua chạy qua Tây Sơn.
(Phần trích dẫn, theo Kinh Dịch Phục Hy, Gs. Bùi Văn Nguyên - Nxb Khoa Học Xã Hội - Hà Nội 1997).
Vua ở đây được hiểu là vua nhà Chu. Nhưng theo người viết thì đất Mân thuộc địa danh khoảng vùng Phúc Kiến ngày nay (Có thể sau này là nước Mân Việt mà Sử ký của Tư Mã Thiên nhắc đến trong Nam Việt Úy Đà liệt truyện) Vào thời Chu, đất Mân không thuộc về Hoa Hạ. Không rõ đời vua Chu nào trong sử Trung Hoa chạy loạn từ đất Mân sang vùng Tây Sơn (địa danh), hoặc phía tây núi (phương vị) có dân chúng chạy theo. Nhưng với quan niệm cho rằng: Hào 6 của kinh Dịch phản ánh cuộc chiến Ân Thương - Văn Lang, thì đây có thể là đoạn miêu tả cuộc rút lui của vua Hùng cuối thời Hùng Vương thứ 6, bỏ kinh đô ở vùng đất Mân, chạy sang phía tây núi Lĩnh nam, thuộc bộ Vũ Ninh (Quí Châu ngày nay). Tại đây, vua Hùng đã kịp triệu tập quân đội các bộ chống giặc và ngài Phù Đổng Thiên Vương đã hiện thân cứu nước.
Vua Vũ Đinh nhà Ân Thương phải chăng chính là vua Ốc Đinh theo tài liệu của cụ Trần Huy Bá được dẫn trong phần “Tổ chức xã hội thời Hùng Vương”. Nếu hai vị vua này là một thì những giả thuyết được đặt ra trong chương này, liên quan đến cuộc chiến Ân Thương - Văn Lang và 18 thời Hùng Vương, sẽ có những điểm trùng khớp (xin được minh chứng rõ hơn ở phần sau).
* Trong những thư tịch cổ của Trung Hoa còn lại đến ngày nay thì xưa nhất là sách “Thống Chí” của Trịnh Tiều có nói vào thời Nghiêu Thuấn có nước Việt Thường đem tặng con rùa thần trên có ghi văn Khoa Đẩu nói việc trời đất mở mang. Theo“Lĩnh Nam Chích Quái” thì vua Hùng Vương có tặng Chu Thành Vương một con chim trĩ trắng, nhưng riêng đời Ân thì không có sử sách nào nói đến, ngoại trừ một cuộc chiến mà truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” đã nhắc tới. Điều này chứng tỏ chính nhà Ân Thương đã gây chiến với Văn Lang cho nên không có quan hệ ngoại giao.
@ Di vật liên quan
Để minh họa rõ hơn về việc nhà Ân Thương xâm lược Văn Lang, xin được trích dẫn một đoạn trong cuốn Sử Trung Quốc của tác giả Nguyễn Hiến Lê - Nxb Văn Hóa 1996.
Hơn nữa, thời đó, An Dương (thủ đô của nhà Ân Thương - người viết), trung tâm văn minh Trung Hoa có thể cũng đã liên lạc với Hoa Nam (vùng đất Văn Lang cũ - phía Nam sông Dương Tử - người viết) và các xứ ở Đông Nam Á, vì người ta thấy những yếm rùa rất lớn dùng để bói mà loài rùa lớn đó chỉ có ở thung lũng sông Dương Tử, thấy những đồ bằng đồng đỏ (bronse) chạm những hình người mặt rộng, tròn, mũi tẹt, thuộc giống người Mélannésie (Đông Nam Á); vả lại muốn đúc thứ đồng đó cần có thiếc mà Hoa Bắc không có.
Hiện tượng đồ đồng được cấu tạo bằng hợp kim đồng thiếc trong những di vật đào được ở An Dương mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã dẫn chứng ở trên có xuất xứ từ Đông Nam Á, được bổ trợ bằng những công trình nghiên cứu của các nhà sử học Việt Nam công bố trong cuốn Thời đại Hùng Vương (Nxb Khoa học xã hội 1976 - nhiều tác giả). Xin được trích lại như sau:
Đồng trong các đồ đồng của thời đại Hùng Vương không phải là  đồng nguyên chất lấy trong giới tự nhiên, mà là đồng rút ra từ việc lấy quặng.
Từ các quặng đồng, quặng chì, quặng thiếc, cư dân nước Văn Lang đã luyện được các thứ hợp kim khác nhau, cụ thể là hợp kim đồng - thiếc và hợp kim đồng - chì.
Kết quả phân tích quang phổ thành phần hợp kim đồ đồng thời đại Hùng Vương cho biết :
- Hàm lượng đồng trong các đồ đồng chiếm từ 80% đến 90%, hàm lượng thiếc từ 10% đến 20%. Một hợp kim gồm một tỷ lệ đồng và thiếc như thế là hợp kim tốt có thể dùng để chế tạo các dụng cụ bền, chắc.
- Tỷ lệ hợp kim tương đối ổn định. Điều này biểu thị rằng ông cha chúng ta trong thời đại Hùng Vương có những tri thức vững chắc về kỹ thuật luyện kim.
Qua đó, chúng ta sẽ nhận thấy rằng: không phải ngẫu nhiên mà có sự liên hệ giữa những đồ đồng của nền văn minh Văn Lang với những di vật đồng đào được ở An Dương của nhà Ân Thương; khi mà ở thời đại Ân Thương không thể tạo được hợp kim đồng thiếc. Sự phát hiện của ngành khảo cổ học hiện đại về đồ vật bằng đồng đỏ (hợp kim đồng - thiếc) chỉ có ở vùng Đông Nam Á, xuất hiện ở thủ đô Ân Thương dẫn đến hai giả thuyết:
1) Nhà Ân Thương đã trao đổi buôn bán với Văn Lang.
2) Đó là những chiến lợi phẩm trong cuộc xâm lược Văn Lang vào thời Hùng Vương thứ VI.
Giả thuyết 2 có cơ sở hơn, vì sự trùng lặp hợp với truyền thuyết Việt Nam. Hơn nữa, nếu do người Ân Thương buôn bán với Văn Lang mua thiếc về để tự đúc lấy, tại sao họ lại không chạm những hình thuộc dân tộc họ mà lại chạm những hình người mà họ cho là Man di.
Với những luận điểm trên thì giặc Ân mà truyền thuyết nói đến, chỉ có thể khẳng định là nhà Ân Thương bên Trung Hoa. Không thể có một bộ tộc Ân nào đó tồn tại ở Bắc Văn Lang, tức là Nam Trung Quốc giáp giới với các nước thời Xuân Thu – Chiến quốc có khả năng tấn công Văn Lang, mà lại không được sử Trung Quốc nhắc đến.
Sự thu hẹp lãnh thổ Văn Lang

Theo truyền thuyết kể lại: Ngài Phù Đổng Thiên Vương đánh giặc đến bộ Vũ Ninh thì giặc tan và ngài hiển thánh. Như vậy chứng tỏ quân chủ lực của giặc đã tan rã, nhưng bên ta chủ tướng cũng không còn. Cho nên, mặc dù Ân Thương không dám ra quân, nhưng bên ta có thể cũng chưa đủ sức giành lại những vùng đất đã mất. Do đó phần đất phía Bắc Văn Lang theo truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” nhắc tới: Bắc giáp Động Đình Hồ, Tây giáp Ba Thục... bị xâm chiếm bởi nhà Ân Thương. Khi nhà Chu lật đổ Ân Thương, đương nhiên tiếp quản những vùng đất Ân Thương đã chiếm của Văn Lang và làm đất phong cho con cháu, công thần của họ. Điều này giải thích tại sao một số nước chư hầu của nhà Chu đã xuất hiện ở vùng đất Văn Lang cũ như Ngô, Việt và một phần nước Sở... Tuy nhiên, chưa thể khẳng định được sự thu hẹp lãnh thổ của Văn Lang do cuộc xâm lăng của nhà Ân tới đâu. Bởi vì, như phần trên đã trình bày: quân chủ lực Ân Thương bị tan rã ở Vũ Ninh, nhưng cũng không nói tới việc giặc Ân bị quân ta đuổi ra khỏi bờ cõi. Điều này cũng không có nghĩa là: từ Vũ Ninh trở về phía Bắc hoàn toàn thuộc về nhà Ân Thương. Do có thể có một số bộ trong 15 bộ thuộc Văn Lang bị chiếm, đã tự nổi dậy đuổi giặc ở những vùng phía Bắc, sau đó tiếp tục sát nhập vào Văn Lang. Giả thuyết này sẽ được làm sáng tỏ hơn trong mục “Tổ chức xã hội Văn Lang” ở phần sau.
Để chứng minh cho điều này, xin độc giả xem những bản đồ dưới đây.
I - Tấm bản đồ Chiến quốc được vẽ lại từ những tấm bản đồ minh họa trong cuốn Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, tập I của Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương (Nxb VHTT 1997 - Dịch giả Trần Ngọc Thuận) và phần biên giới của các nước chư hầu nhà Chu trong “Bản đồ Trung Quốc vào khoảng 350 năm trước Tây Lịch” (Sử Trung Quốc, Tập I của Nguyễn Hiến Lê - Nxb Văn Hóa - 1997).
Qua tấm bản đồ trên bạn đọc sẽ nhận thấy: nếu nước Văn Lang chỉ giới hạn ở một vùng thuộc Bắc Việt Nam ngày nay, mà lại được sự quan tâm của Việt Vương Câu Tiễn để làm đồng minh chống lại Trung Nguyên thì thật là một sự vô lý. Từ giới hạn biên giới phía Nam của các nước chư hầu nhà Chu thời Chiến quốc (theo bản đồ của Sử Trung quốc - sách đã dẫn) đến biên giới phía Bắc hiện nay của Việt Nam là một khoảng trống lớn. Trong khoảng trống đó có vùng Quý Châu là điểm mà vua Ân tuần thú xuống phía Nam để đánh các nước Quỷ (Hào 3, quẻ Ký Tế - Kinh Dịch Phục Hy - sách đã dẫn). Truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” có nói: Ngài giáng hạ ở làng Phù Đổng (huyện Tiên Du, tỉnh Hà Bắc hiện nay). Các sách sử gần đây cho rằng bộ Vũ Ninh thuộc vùng Hà Bắc. Như vậy, theo truyền thuyết giặc đã đánh đến ngay quê hương của ngài. Nếu thế thì sự chuẩn bị chiến đấu của ngài chắc không thể trọn vẹn và ngài cũng không cần trổ thần uy, phóng ngựa chớp mắt tới quân giặc làm gì. Do đó, so với những lời chú thích trong quẻ Ký Tế thì hoàn toàn có cơ sở để đặt một giả thuyết cho rằng: bộ Vũ Ninh chính là vùng Quý Châu cũ. Khi lãnh thổ Văn Lang bị thu hẹp vào thời nhà Tần, vua Hùng đã chia phần đất cuối cùng còn lại của Văn Lang theo tên các bộ cũ. Riêng quê hương của ngài thì được đặt tên Vũ Ninh để kỷ niệm chiến công oanh liệt vào thời Hùng Vương thứ VI do ngài tạo lập.

II - Tấm bản đồ trên hoàn toàn được vẽ lại từ bản đồ thời kỳ nhà Tần trong cuốn Lịch sử Trung Quốc 5000 năm (sách đã dẫn). Bạn đọc sẽ nhận thấy một sự tồn tại liên quan đến truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên” - đó là các nước: Dạ Lang, Điền Việt, Tây Âu có tên trên bản đồ (nước Văn Lang không có tên trên bản đồ - mặc dù đến lúc này thì ít nhất cũng đã tồn tại trên thực tế - dù theo quan điểm nào). Theo sử Trung Hoa thì Nam Việt lúc đầu thuộc nhà Tần, nhưng đến cuối thời Tần thì tách ra lập một quốc gia riêng. Từ bản đồ này, đã chứng tỏ trong khoảng 125 năm, tính từ năm 350 năm đến 221 tr.CN lãnh thổ Văn Lang đã bị thu hẹp đáng kể. Nhưng qua đó cũng chứng tỏ rằng: việc tướng Đồ Thư tấn công Bách Việt thuộc Văn Lang mà truyền thuyết nói tới, hoàn toàn không phải là đánh vào vùng đất Văn Lang ở nước Việt hiện đại, mà là những vùng đất thuộc Văn Lang cũ, tức phần còn lại của bản đồ thời Chiến quốc ở phần trên. Bởi vì, nếu tướng Đồ Thư đánh vào Văn Lang ở thời điểm sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Hoa, thì ít nhất vị tướng này cũng phải chinh phục qua các nước nằm trong bản đồ nói trên. Đây là điều vô lý.
Với tấm bản đồ thời kỳ nhà Tần, bạn đọc sẽ đặt câu hỏi: trong vòng khoảng 129 năm kể từ bản đồ Chiến quốc đến bản đồ nhà Tần (cho rằng đây là bản đồ cuối Tần), nguyên nhân nào đã dẫn đến sự hình thành một số quốc gia như Dạ Lang, Điền Việt, Tây Âu trong những khoảng trống ở bản đồ Chiến quốc?
Theo quan điểm của sử cũ phù hợp với truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” thì hiện tượng này có thể giải thích như sau: Trước đó, ở đây vốn là những vùng đất của các bộ thuộc Văn Lang cũ, tức là đã có những tổ chức xã hội ổn định và phát triển. Cho nên hoàn toàn có cơ sở để từ đó hình thành những quốc gia độc lập, do những sự biến động lớn của lịch sử - có nguyên nhân từ những cuộc chinh phạt của những nước chư hầu nhà Chu, đặc biệt là nhà Tần. Còn với quan điểm mới giải thích thế nào thì vì không có tài liệu, người viết không dám lạm bàn.
phần 1
Do đo, hoàn toàn có khả năng bắt đầu từ Ân Thương trở về sau, dấu ấn của thuyết Âm Dương Ngũ hành có thể xuất hiện trong nền văn minh Trung Hoa. Nhưng đó chỉ là sự tiếp thu không hoàn chỉnh học thuyết này của Văn Lang, cho nên học thuyết này không được phổ biến và công nhận như một ý niệm chính thống trước khi Văn Lang bị đô hộ hoàn toàn. Đó cũng là nguyên nhân của sự huyễn ảo của học thuyết này cho đến tận bây giờ.
Các nhà Lý học từ thời Tần Hán về sau nói đến thuyết Âm Dương có từ thời Phục Hy, với dẫn chứng trong quẻ Dịch của Phục Hy: “Vạch liền là Dương, vạch đứt là Âm”, thực ra chỉ là sự gán ghép khiên cưỡng. Bởi vì phạm trù của thuyết Âm Dương Ngũ hành rất rộng, bất cứ sự vật, sự việc lớn nhỏ nào trong thiên nhiên, xã hội và con người cũng thể hiện hiện tượng của Âm Dương. Nhưng có hay không một hệ thống lý luận hoàn chỉnh về Âm Dương lại là một vấn đề khác. Mặc dù trong phương pháp làm lịch từ thời Ân Thương có sử dụng thập Thiên can và thập nhị Địa chi (Sử Trung Quốc - sách đã dẫn - trang 55. Như vậy, vào thời kỳ này thuyết Âm Dương Ngũ hành đã được ứng dụng?), nhưng nó chỉ là sự ứng dụng một hệ quả của phương pháp có sẵn, chứ không phải chứng tỏ sự phát minh ra một học thuyết.
Yếu tố đáng lưu ý nữa là sự xuất hiện của các học thuyết thuộc văn minh Trung Hoa cổ - từ trước thời Xuân Thu Chiến quốc kéo dài đến cuối Hán - nhằm lý giải một ý niệm vũ trụ quan, đã thể hiện một sự quan sát không hoàn chỉnh. Đó là những thuyết:
Cái Thiên - Theo sách Lã Thị Xuân Thu (thời Xuân Thu Chiến quốc) thì thuyết này cho rằng: Trời là nửa hình tròn, Đất là cái bát để ngửa. Trời cách Đất tám vạn dặm. Trời Đất là hai vòng tròn đồng tâm. Sao Đại Hùng ở giữa trời, con người ở giữa đất. Mưa rơi xuống đất tỏa khắp bốn phương trở thành biển và lục địa. Trời tròn, Đất vuông. Trời giống như cọ xát với mặt Trời, mặt Trăng và xoay về phía bên phải. Bản thân mặt Trời, mặt Trăng vận động quay về phía bên trái.
Hồn Thiên - Căn cứ vào sách sử ghi chép đầu thời Hán, Lạc Hạ Hoằng Đề đề xuất chủ trương này. Đến cuối thời Hán thuyết Hồn Thiên được tiếp thu và mở rộng hơn thuyết Cái Thiên
(Theo Chu Dịch Vũ trụ quan - sách đã dẫn).
Sự thô sơ của thuyết Hồn Thiên & Cái Thiên được gán cho bánh chưng, bánh dầy. Nó lý giải được bánh chưng vuông và bánh dầy tròn. Nhưng oái oăm thay! Nó lại không lý giải được sự khác nhau giữa cái bánh dầy và đĩa xôi lạc.
Sự xuất hiện và tồn tại lâu dài của những học thuyết lý giải vũ trụ quan một cách thô sơ thuộc văn minh Tần Hán và trước đó dẫn chứng ở trên, đã chứng tỏ rằng: Nếu Dịch học là học thuyết vũ trụ quan hoàn chỉnh từ hơn 2000 năm tr.CN; có nghĩa là gồm từ việc lý giải bản nguyên của vũ trụ là Thái cực sinh Âm Dương và sau đó là Bát quái như từ trước đến nay vẫn quan niệm, thì không thể còn chỗ trống để phát sinh và phát triển những học thuyết về vũ trụ quan thô sơ như thuyết Cái Thiên và Hồn Thiên. Điều này cũng chứng tỏ: từ trước thời Xuân Thu Chiến quốc, nền văn minh chính thống của Trung Hoa chưa có học thuyết giải thích việc hình thành vũ trụ.
Kinh Dịch chỉ là một phương pháp ứng dụng. Những ý niệm vũ trụ quan trong kinh Dịch hết sức mơ hồ, không thể coi là một học thuyết hoàn chỉnh. Vì thiếu hẳn một hệ thống lý thuyết căn bản, nên mọi phương pháp ứng dụng liên quan đến học thuyết này đều ở trong trạng thái huyền bí (*).
* Chú thích: Trong sách này vì chủ đề không nói về kinh Dịch, vì vậy người viết vẫn theo cách nhìn quen thuộc từ hơn 2000 năm nay coi kinh Dịch có xuất xứ từ văn minh Hoa Hạ. Người viết cho rằng Bát quái của kinh Dịch là những ký hiệu, một siêu công thức thể hiện sự vận động của vũ trụ theo thuyết Âm Dương Ngũ hành. Kinh Dịch có những dấu ấn chứng tỏ xuất xứ từ văn minh Văn Lang. Điều này đã trình bày trong sách “ Tìm về cội nguồn kinh Dịch” (Nxb VHTT 2002.Tái bản lần thứ 1, có sửa chữa và bổ sung).
Như vậy, từ trước thời Xuân Thu, so sánh quan điểm vũ trụ quan của văn minh Trung Hoa với văn minh Văn Lang thể hiện ở bánh chưng, bánh dầy, thì văn minh Văn Lang ngay từ buổi đầu lập quốc đã có một hệ thống vũ trụ quan hoàn chỉnh; giải thích từ sự hình thành vũ trụ cho đến sự vận động của nó trong mọi lĩnh vực: tự nhiên, xã hội và con người. Văn minh Trung Hoa từ thời Xuân Thu mới xuất hiện “Đạo Đức kinh” của Lão tử là hệ thống ý niệm vũ trụ quan và nhân sinh quan đáng chú ý, nhưng chưa hoàn chỉnh (Đạo Đức kinh của Lão tử cũng là một vấn đề cần phải xem xét, vì những dấu ấn liên quan đến văn minh Văn Lang. Xin coi Chương V: “Sự tích Đầm Nhất Dạ”). Chỉ có từ thời Hậu Hán về sau, khi nước Văn Lang – sau đó là Âu Lạc - bị đô hộ hoàn toàn thì, quan điểm vũ trụ quan của Văn Lang là thuyết Âm Dương Ngũ hành và sự ứng dụng của nó, mới được các nhà Lý học thuộc văn minh Hoa Hạ nghiên cứu. Đây cũng là nguyên nhân để các nhà nghiên cứu hiện đại của Trung Hoa cho rằng: hầu hết các sách liên quan tới Âm Dương Ngũ hành đều do người thời Hán (tức là lúc Văn Lang bị tiêu diệt) trở về sau gán ghép và tự ý đặt cho nó một tác giả thời cổ (đó là nguyên nhân gây nên sự nhầm lẫn, hỗn độn đã trình bày ở trên).
Một điểm đáng chú ý nữa là: thuyết Âm Dương Ngũ hành ở Văn Lang được phổ biến bắt đầu từ tầng lớp của những người lãnh đạo đất nước (Lang Liêu, “Dẫu hèn cũng thể con vua”). Điều này cho thấy thuyết Âm Dương Ngũ hành từ lâu đã là một học thuyết chính thống trong văn minh Văn Lang. Ngược lại, người sử dụng thuyết Âm Dương Ngũ hành sớm nhất của văn minh Trung Hoa, phần lớn thuộc về tầng lớp bình dân, mặc dù sau đó họ đều có địa vị xã hội như: Trần Bình - tể tướng thời Hán; Khổng Minh Gia Cát Lượng - tể tướng Thục thời Tam Quốc. Hiện tượng này đã giải thích: Thuyết Âm Dương Ngũ hành được lưu giữ trong dân gian vào thời bị đô hộ, nên đã được văn minh Trung Hoa tiếp thu từ hạ tầng xã hội. Nhưng đó là sự tiếp thu và phát hiện rời rạc với những nguồn gốc đầy thần bí: Rùa thần ở sông Lạc; Long mã ở sông Hoàng Hà; Xích Tùng Tử ban sách Thiên thư cho Trương Lương; thần tiên tặng bí kíp cho Khâu Đình Hàn, khiến cho học thuyết Âm Dương Ngũ hành vốn đã mờ ảo vì bị tàn phá qua thời gian tính bằng thiên niên kỷ, thêm phần huyền bí.
Xã hội Văn Lang đã khẳng định một nền văn minh trong đó hình thành một học thuyết vũ trụ quan hoàn chỉnh với sự ứng dụng rộng khắp trên nhiều lĩnh vực của tự nhiên, cuộc sống, xã hội và con người, thì cũng phải chứng tỏ một sự phát triển tương xứng ở những mặt khác của xã hội để cân đối với nó. Phần tiếp theo đây sẽ minh chứng cho điều này.
Khoa học kỹ thuật thời Hùng Vương
Phải chăng thời Hùng Vương đã sử dụng đồ sắt?
Truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” có một tình tiết đáng chú ý là: các chiến cụ của Đức Thánh Gióng đều bằng sắt. Tình tiết này đã là nguyên nhân của vấn đề: thời Hùng Vương đã có đồ sắt hay không? Để phân tích tình tiết này, trước hết xin đặt một vấn đề là: tình tiết này do người đời sau thêm vào, hay người đương thời tạo ra để mơ ước về sắt có mặt trong sinh hoạt; hay là phản ánh sự thật về kim loại sắt đã được phát hiện từ thời Hùng Vương?
@ Trong truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” những chiến cụ bằng sắt không phải là yếu tố tạo nên chiến thắng của Đức Thánh Gióng mà chủ yếu là thể hiện lòng dũng cảm của ngài và cuộc chiến dữ dội nhất của dân Lạc Việt thời cổ. Nếu Đức Phù Đổng Thiên Vương chỉ yêu cầu chiến cụ bằng đồng thì nội dung vẫn giữ nguyên giá trị. Vậy tình tiết chiến cụ bằng sắt không thể do người đời sau thêm vào.
@ Phải chăng tình tiết này thể hiện ước mơ của người Lạc Việt muốn có sắt trong cuộc sống và trong quốc phòng? Điều này chứng tỏ rằng ít nhất thời đó người Lạc Việt đã tìm ra sắt và biết đến tính năng của nó làm cơ sở để ước mơ. Nếu cho rằng ước mơ đó xảy ra vào thời Hùng Vương thứ VI - theo quan niệm mới, tương đương với 400 năm tr.CN – là lúc kỹ thuật luyện thép đã phát triển cao ở Trung Quốc cổ đại, thì ước mơ này dựa trên cơ sở đã biết tới đồ sắt do thông thương với Trung Hoa. Như vậy sẽ không lý giải được một bộ tộc Văn Lang lạc hậu lại có thể sống yên bình trước những quốc gia hùng mạnh như Ngô Việt. Còn nếu do một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, do cấu hình địa lý vào thời cổ mà Văn Lang cách biệt với văn minh của thế giới bên ngoài, thì lại không có cơ sở nào để mơ ước đến sắt. Giả thuyết cho rằng văn minh Văn Lang cách biệt với thế giới bên ngoài, sẽ không thể lý giải được một sự phát triển và tiến hóa khép kín từ thời đại đồ đá lên thời đại đồ đồng chỉ giới hạn ở Bắc Việt Nam. Đồng thời cũng không thể lý giải được sự liên hệ của Việt Vương Câu Tiễn với Vua Hùng (đã trích dẫn).
Do đó, như phần trên đã minh chứng: thời Hùng Vương thứ VI tương đương với nhà Ân Thương bên Trung Hoa. Lúc đó văn minh Trung Hoa chưa có sắt. Vì vậy, tình tiết những chiến cụ bằng sắt của Đức Thánh Gióng, chỉ có thể giải thích bằng sự phản ánh thực tế về việc dân tộc Việt đã tìm ra sắt sớm nhất trong văn minh của nhân loại. Và điều này cũng được chứng tỏ qua thuyết Âm Dương Ngũ hành. 
Theo thuyết Âm Dương Ngũ hành trong đó hành Kim theo quan niệm của thuyết này có tính cứng, mạnh, nhọn, sắc và tượng của Kim màu trắng. Về tượng Kim màu trắng có thể giả thuyết cho rằng: theo thuyết này thì Kim thuộc Tây phương, tượng của sao Kim (Thái Bạch) có sắc Trắng, nên cổ nhân lấy tượng của Kim màu trắng. Nhưng cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào thì đã chứng tỏ rằng: ông cha ta thời đó không thể chỉ biết đến đồng (màu vàng) hoặc một số kim loại khác có thể phổ biến vào thời bấy giờ như: bạc, chì, thiếc. Bởi vì kim loại này tuy có sắc trắng, nhưng không thể hiện được tính cứng mạnh của Kim. Do đó, ít nhất trong suy nghĩ của những học giả đời Hùng, phải iết đến một kim loại có đầy đủ những thuộc tính của Kim rong Ngũ hành là cứng, mạnh, nhọn sắc để chứng tỏ tính thực tế của học thuyết này, đó chính là sắt. Thuyết Âm Dương Ngũ hành đã hoàn chỉnh ít nhất vào thời Hùng Vương thứ 6, (qua truyền thuyết “Bánh Chưng, bánh Dầy”). Có thể sắt ở thời kỳ này chỉ tồn tại dưới dạng thô sơ nhất của kỹ thuật luyện kim, đó là gang. Những tình tiết trong “Phù Đổng Thiên Vương” đã chứng tỏ điều này: lần thứ nhất, khi vua mang các chiến cụ bằng sắt đến cho ngài thì mới dùng thử đã gẫy vụn (Đây là tính chất của gang: cứng, chịu mài mòn, chịu rung, nhưng giòn và dễ gãy do tỷ lệ cacbon cao so với thép). Lần thứ hai khi ra trận, gậy sắt bị gẫy. Chiếc gậy sắt gẫy đã trở thành huyền thoại, thể hiện lòng dũng cảm và sức mạnh của Đức Thánh Gióng với ý chí quyết tâm diệt thù cứu nước của ngài. Điều này cũng đã chứng tỏ kỹ thuật luyện sắt vào thời Hùng Vương thứ VI chưa phải là một kỹ thuật cao cấp. Nhưng ít nhất thì cũng đã chứng tỏ người Lạc Việt là một dân tộc tìm ra sắt sớm nhất thế giới. Việc này cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi dân tộc Việt là một dân tộc đã biết sử dụng hợp kim vào thời kỳ này. Đó là những di vật bằng đồng đỏ (hợp kim đồng - thiếc) tìm thấy ở Ân Khư, chiến lợi phẩm trong cuộc chiến Văn Lang - Ân Thương. Điều này lý giải về sau, vào thời Xuân Thu Chiến quốc khi kỹ thuật luyện kim đã phổ biến, thì những nước đạt đến trình độ luyện kim cao cấp nhất lại là những nước thuộc vùng đất của Văn Lang cũ như Ngô Việt. Hơn nữa, lịch sử Ai Cập cổ đại đã ghi nhận: người Ai Cập ứng dụng kỹ thuật luyện sắt vào khoảng thế kỷ thứ 9 trước CN từ người Haiiti. Như vậy, với một nền văn minh như Văn Lang có một hệ thống lý thuyết vũ trụ quan lý giải từ sự hình thành vũ trụ đến mọi vấn đề liên quan đến con người, thì việc tìm ra sắt trước Ai Cập khoảng 600 năm cũng không có gì là vô lý.
Giả thiết về đồ sắt xuất hiện vào thời Hùng Vương thứ VI được bổ sung thêm qua một sự kiện của ngành khảo cổ ở một nước láng giềng có biên giới gần gũi với Văn Lang cổ. Xin được trích dẫn như sau:
Ở Thái Lan, cuộc khai quật của Gozman ở làng Bản Chiềng, trên cao nguyên Cò Rạt vào những năm 1974 – 1975 và đã phân làm 6 đoạn.
Giai đoạn I và II có niên đại theo C14 là 3600 Tr.CN đến 2900 năm Tr.CN. Sát sinh thổ có ngôi mộ nằm co, có đồ tuỳ táng là một mũi giáo bằng đồng. Có 2 mộ nằm thẳng. Một mộ có 1 vòng tay đồng; mộ khác có vòng chân đồng. Đây là những hiện vật có đồng xưa nhất ở Thái Lan và vùng Đông Nam Á (theo Gorman).
Giai đoạn III và IV, có niên đại 2000 – 1200 năm Tr.CN. Giai đoạn này chứa rất nhiều mộ táng. Trong các mộ chứa rất nhiều đồ đồng. Có 3 lưỡi giáo mũi sắt, họng đồng; 1 chiếc vòng tay bằng sắt. 1 chiếc khác bằng đồng bịt sắt ở ngoài. Hai di vật này nằm trong ống xương tay.
Giai đoạn V có niên đại 1000 – 500 năm Tr.CN. Sắt xuất hiện nhiều hơn và chế tạo các nông cụ, còn đồng đi vào lãnh vực trang trí.
Giai đoạn VI có niên đại 300 – 250 năm Tr.CN. Công cụ bằng sắt khá phổ biến.
Như vậy các cuộc khai quật ở Bản Chiềng cho thấy từ 3600 – 2900 năm Tr.CN; đồng thau xuất hiện, từ 2000 – 1200 năm Tr.CN xuất hiện các hiện vật lưỡng kim, đồng và sắt tiếp hợp. Từ 1000 – 250 năm Tr.CN sắt được dùng phổ biến để chế tạo nông cụ, đồng đã đi vào lãnh vực trang trí.
(Theo sách Thực chất của đối thoại sử học – nhiều tác giả - Nxb
Thế Giới Hà Nội năm 2000, trang 37)
Như vậy, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: Ở một địa điểm khảo cổ sát ngay biên giới, hoặc thuộc về Văn Lang cổ, vào thời điểm 2000 – 1200 tr.CN, sắt đã được ứng dụng vào sinh hoạt xã hội. Bởi vậy, hoàn toàn có cơ sở thực tế về một khả năng sử dụng đồ sắt vào thời kỳ Hùng Vương thứ VI (khoảng 1600 – 1400 tr.CN), như truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” đã nói tới. Nếu khiên cưỡng mà cho rằng: Đồ sắt phát hiện ở Bản Chiềng – Cò rạt (Vùng Đông Bắc Thái Lan, người viết), không liên quan gì đến lịch sử thời Hùng Vương thì thật phi lý. Bởi vì, giữa miền Đông Bắc Thái Lan rất gần với miền Bắc Việt Nam (Lãnh thổ Văn Lang theo quan niệm mới), hoặc sát lãnh thổ Văn Lang theo sử cũ và truyền thuyết. Thời đại đồ sắt là thời đại có nền văn minh phát triển cao về các mối quan hệ xã hội; do đó không thể không có sự giao lưu kinh tế văn hoá ở các vùng lãnh thổ gần gũi về không – thời gian lịch sử.
Khoa thiên văn thời Hùng Vương và những hiệu ứng vũ trụ tác động lên tự nhiên, cuộc sống và con người
Thời Hùng Vương còn để lại một dấu ấn, chứng tỏ nền khoa học kỹ thuật phát triển cao được thể hiện trên những chiếc trống đồng. Xin tham khảo đoạn trích dưới đây trong sách Kinh Dịch Phục Hy (Gs. Bùi Văn Nguyên - Nxb Khoa học Xã hội 1997) chứng tỏ điều này. Phần in đậm do người viết thực hiện.
“ ... còn chuyện văn hóa, nghệ thuật và khoa học thiên văn, địa văn, nhân văn thì phải nói đến trống đồng Đông Sơn (Thanh Hóa) với hệ thống đồ họa trên mặt trống đồng đó, thí dụ trên mặt trống đồng Hoàng Hạ. Ở đây, trình độ kỹ thuật chế tạo hợp kim, trình độ đúc khuôn và cấu trúc đồ họa, cho đến nay đối với chúng ta vẫn là điều đáng khâm phục, mà hãy nói về trình độ nhận thức về quy luật tự nhiên thời bấy giờ khá chuẩn xác, mặc dù chưa có máy móc để thăm dò, ngoài một số dụng cụ thô sơ. Theo nhà nghiên cứu lịch pháp cổ Bùi Huy Hồng thì các mặt trống đồng như Ngọc Lũ, Hoàng Hạ không đơn thuần khắc hoa văn để trang trí, mà chính là để đo bóng mặt trời, dùng để tính bốn mùa tám tiết trong một năm theo vòng quay của quả Đất chung quanh mặt Trời (tức là tính theo Dương lịch), đồng thời có đối chiếu ngày và tháng theo vòng quanh mặt Trăng (tức là tính theo Âm lịch). Lịch Việt Nam là lịch Âm - Dương kết hợp. Theo Bùi Huy Hồng, nếu làm thực nghiệm đo bóng mặt trời trên mặt trống đồng Hoàng Hạ, chúng ta có thể xác định được điểm xuân phân, hạ chí, thu phân, đông chí theo chu kỳ một năm. Cũng theo ông, nếu so sánh lịch ta với lịch Khơme cổ và lịch Trung Quốc thì lịch Việt Nam xuất hiện sớm hơn. Đặc biệt, ông đã tỉ mỉ đếm số vòng tròn nhỏ có tiếp tuyến trong các vành ở trên mặt trống đồng Ngọc Lũ và thu được các số liệu sau đây: 112, 147, 207, 248, 322, 336, trong đó các số 112, 147, 322, 336 là bội số của 7. Con số 336 vòng tròn nhỏ là con số chu kỳ năm Mặt Trăng (theo Âm lịch) quay quanh Mặt Trời: những con số chuẩn xác về quy luật thiên nhiên này đâu có phải là ngẫu nhiên mà phải là những con số đúc kết từ trí tuệ tổ tiên chúng ta. Mặt Trời ở giữa mặt trống đồng có 14 tia và số 14 cũng là bội số của 7, đặc biệt là những âm vật, dương vật đan xen chung quanh tia mặt Trời tượng trưng lẽ sống của tạo vật dưới ánh mặt Trời.
Qua phần dẫn chứng trên, chắc bạn đọc sẽ đặt câu hỏi: căn cứ vào đâu để những nhà khoa học Văn Lang định vị được chu kỳ năm mặt Trăng quay quanh mặt Trời? Chắc chắn ở thời kỳ Hùng Vương, ông cha ta đã có một kiến thức rất sâu sắc về thiên văn học để xác định được chu kỳ vận động của các thiên thể; không phải chỉ giới hạn ở những hành tinh thuộc Thái Dương Hệ, mà là sự vận động có thể của phần lớn các ngôi sao trong thiên hà liên quan đến hệ mặt trời. Để bổ sung cho sự liên hệ giữa khoa thiên văn học hiện đại với văn minh Văn Lang, bạn đọc tham khảo một hiệu ứng vũ trụ từ sự vận động của các thiên thể đối với con người. Hiệu ứng này đã được Gs. Lê Văn Sửu phát hiện và nói đến trong cuốn Nguyên lý thời sinh học cổ Phương Đông (Nxb VHTT 1996), được bổ sung và hiệu chỉnh lại trong sách này. Đó là vấn đề mà có lẽ các bà mẹ lớn tuổi đều biết về trường hợp trẻ sinh vào giờ Quan Sát. Hiện tượng này, Gs. Lê Văn Sửu giải thích như sau.
b. Giờ Quan Sát. Bài ca về giờ sinh phạm giờ Quan Sát như sau:
Chính, thất, sơ sinh Tỵ, Hợi thì
Nhị, bát Thìn, Tuất bất thậm nghi
Tam, Cửu, Mão, Dậu đinh thượng nhiên
Tứ, Thập Dần, Thân kỷ định kỳ
Ngũ, đồng thập nhất Sửu, Mùi thượng
Lục đồng thập nhị Tý, Ngọ chi,
Nghĩa là: giờ Quan Sát theo tháng Âm lịch và giờ địa chi
Tháng giêng - giờ Tị Tháng bảy - giờ Hợi
Tháng hai - giờ Thìn Tháng tám - giờ Tuất
Tháng ba - giờ Mão Tháng chín - giờ Dậu
Tháng tư - giờ Dần Tháng mười - giờ Thân
Tháng năm - giờ Sửu Tháng mười một - giờ Mùi
Tháng sáu - giờ Tý Tháng Chạp - giờ Ngọ
Người xưa cho rằng trẻ em sinh phạm giờ Quan Sát khi nhỏ thường ốm yếu khó nuôi, lớn lên thì đầu trộm đuôi cướp. Những bậc làm cha mẹ khi có con sinh giờ Quan Sát thường vô cùng đau khổ. Theo những điều tôi thâu lượm được bấy lâu nay thì những trẻ sinh phạm giờ Quan Sát thường có chức năng gan không ổn định, số lớn dễ bị mắc bệnh viêm gan khi có dịch truyền nhiễm bệnh này. Để tìm hiểu giá trị thật của giờ Quan Sát ta tiến hành mô hình hóa giờ Quan Sát trong một đồ như sau. Trong đồ trên chúng ta thấy điểm giờ Tý của tháng đều ở trên quả đất có hướng đối chiếu với Mặt trời qua tâm quả đất, từ đó theo các tháng vị trí giờ Quan Sát đều có hướng gần đối chiếu với hướng Bắc của quỹ đạo năm. Như vậy giờ Quan Sát có giá trị là thời điểm nơi sinh đứa trẻ chịu tác động ảnh hưởng vũ trụ từ ngoài Mặt trời.
Hình trên đây được thực hiện lại dựa trên ý tưởng của giáo sư Lê Văn Sửu. Hướng giả định sự vận động của Mặt trời trên quỹ đạo trên thực tế có thể sai với vị trí tương ứng với bốn mùa, trong sự tương quan trái đất và Mặt trời. Nhưng dù hướng vận động của Mặt trời theo hướng nào trong vũ trụ, thì vị trí giờ Quan Sát trên trái đất tương ứng với nhau vẫn không thay đổi so với Mặt trời. Tức là đường nối từ tâm trái đất với vị trí giờ Quan Sát vẫn tạo thành những đường thẳng song song như hình vẽ trên. Như vậy, bạn đọc sẽ nhận thấy một hiệu ứng vũ trụ nào đó, tác động lên con người ở các vị trí giờ Quan Sát.
Qua sự phát hiện của Gs. Lê Văn Sửu và đồ hình trình bày ở trên, chứng tỏ rằng: nền văn minh cổ Đông phương đã phát hiện hiện tượng trái đất vận động quanh Mặt trời. mà còn phát hiện ra Mặt trời phải vận động theo một quỹ đạo của nó. Để nói lên được điều này, những người tiên phong của nền thiên văn học hiện đại đã phải ra tòa hoặc lên giàn hỏa thiêu. Đó là trường hợp của Galile và Bruno ở nước Ý vào thế kỉ 15 - 16.
Hiện tượng giờ Quan Sát nêu trên đã chứng tỏ rằng: tri thức của nền thiên văn cổ Văn Lang về nhiều mặt đã vượt xa khả năng của tri thức thiên văn học hiện đại, khi xác định một hiệu ứng vũ trụ với đơn vị thời gian nhỏ nhất là giờ ảnh hưởng đến con người.
Với nhận định trên, có thể lập luận phản bác theo những khả năng sau:
@ Nhận xét cho rằng giờ Quan Sát chỉ là kinh nghiệm dân gian, được đúc kết từ thực tế cuộc sống.
Đây chỉ là một nhận xét khiên cưỡng. Bởi vì, một hiện tượng xảy ra cho một con người là kết quả của sự tổng hợp của rất nhiều yếu tố. Mỗi con người có những hiện tượng giống nhau lại không thể cùng sống trong một thời điểm không gian và thời gian như nhau. Trong khi đó hiệu ứng vũ trụ này tác động lên cuộc đời của con người qua đơn vị thời gian nhỏ nhất là giờ; hơn nữa hệ quả của nó lại không phải chỉ là bệnh viêm gan mà là hành vi của con người.
Nếu như tổng kết hành vi tương tự của con người để dẫn đến một kết luận về sự trùng hợp trong một số giờ sinh như giờ Quan Sát thì đây là một việc làm không thể thực hiện được trên thực tế, ở ngay trong xã hội hiện đại với tất cả những điều kiện huy động được của nhân loại. Kết luận về bệnh viêm gan liên quan đến giờ Quan Sát của giáo sư Lê Văn Sửu chỉ là sự kiểm chứng một hiện tượng đã có sẵn.
@ Nếu cho rằng đây chỉ là một trò chơi toán học ngẫu nhiên: bắt đầu từ tháng 12 ( tháng Sửu) với giờ Ngọ, sau đó cứ lùi một tháng thì lại tiến một giờ (tháng 11 – giờ Mùi)… Cho đến hết 12 giờ. Từ trò chơi ngẫu nhiên này người ta đặt ra giờ Quan Sát.
Với một lập luận như vậy, chỉ là một dạng cao cấp hơn việc làm một con toán chia 2622 năm cho 18 đời vua Hùng, ra con số hợn 145 năm và kết luận: không thể có tuổi thọ sinh học trung bình 145 năm cho đời một con người. Bởi vì, giữa một trò chơi toán học đơn giản và hệ quả của giờ Quan Sát trên con người lại hoàn toàn không có một sự liên hệ nào. Trong khi đó hiệu ứng “giờ Quan Sát” đã tồn tại trong văn minh Đông phương, cụ thể là Việt Nam đã nhiều thế kỷ.
Vì vậy, hiện tượng giờ Quan Sát nêu trên chỉ có thể giải thích một cách hợp lý là: đó là kết quả của một tri kiến thiên văn siêu việt được kết hợp với sự ứng dụng phương pháp luận của một lý thuyết vũ trụ quan hoàn chỉnh để lý giải cho những hiện tượng liên quan đến con người. Hiện tượng này tương tự như việc nền văn minh hiện đại sử dụng một lý thuyết khoa học để tìm hiểu hoặc lý giải các vấn đề liên quan.
Qua sự phát hiện của Gs. Lê Văn Sửu đã chứng tỏ rằng: thời Hùng Vương, ông cha ta đã phát hiện ra không phải chỉ trái Đất vận động quanh mặt Trời, mà còn phát hiện ra mặt Trời phải vận động theo một quỹ đạo của nó. Không những thế, mà còn phát hiện được kết quả của sự vận động này, đã tạo ra những hiệu ứng vũ trụ đối với con người thể hiện ở giờ Quan Sát.
Trên đây chỉ là một thí dụ để thấy rằng: việc khoa học hiện đại phát hiện ra hiệu ứng vũ trụ từ những vụ nổ của mặt Trời gây ảnh hưởng đến cuộc sống ở trái Đất, thật sự là khiêm tốn so với kho tàng khoa thiên văn học của thời Hùng Vương. Khoa học vũ trụ hiện đại có thể ước mơ hàng trăm năm sau sẽ đưa các phi thuyền tới những ngôi sao cách trái đất hàng chục năm ánh sáng. Cho dù điều viễn tưởng đó được thực hiện, thì so với việc tìm ra những hiệu ứng vũ trụ ảnh hưởng đến trái đất và con người - như nền văn minh Văn Lang đã chứng tỏ – vẫn còn là một ước mơ xa xôi khó thực hiện của khoa học vũ trụ hiện đại. Điều này cũng dễ hiểu, bởi vì khoa thiên văn học hiện đại chỉ thực sự phát triển khoảng 200 năm nay. Còn khoa thiên văn của thời Hùng Vương đã có gần 3000 năm khảo nghiệm.
Còn có rất nhiều hiện tượng tương tự như vấn đề của giờ Quan Sát nêu trên. Những hiện tượng tương tự như vậy, không thể giải thích một cách thô sơ cho đó là do kinh nghiệm dân gian được. Bởi vì đây là một hiệu ứng vũ trụ được phát hiện ảnh hưởng đến con người qua một đơn vị thời gian nhỏ nhất là giờ. Với nền khoa học hiện đại để thống kê và tìm ra một hiệu ứng vũ trụ trên con người trong một đơn vị thời gian như vậy, có sự hỗ trợ của những máy vi tính hiện đại nhất, cũng phải mất hàng trăm năm để theo dõi và phải huy động một khối lượng nhân sự rất lớn, nếu bắt đầu ngay từ bây giờ. Thí dụ này minh họa rõ hơn cho khoảng trống về lý thuyết cho những phương pháp ứng dụng của học thuyết Âm Dương Ngũ hành và khoa thiên văn cổ Văn Lang bắt đầu từ Lạc thư - Hà đồ và cũng chứng minh cho sự kết hợp sức mạnh vũ trụ với tri thức của con người. Tức là sự kết hợp của Rồng - Tiên đã trình bày ở trên.
Những vấn đề nêu ở trên đã chứng tỏ: tri thức của nền văn minh Văn Lang làm kinh ngạc những con người ở xã hội hiện đại, đã được rất nhiều học giả trong và ngoài nước phân tích trong suốt mấy chục năm qua. Nhưng tại sao một nước Văn Lang có nền văn minh đạt đến đỉnh cao về khoa học kỹ thuật và những giá trị văn hóa vào thời bấy giờ, đã bị thất bại trước sức tấn công của nhà Ân Thương Trung Hoa. Điều này có thể lý giải do tổ chức xã hội Văn Lang là một trong những yếu tố chính dẫn đến sự thu hẹp lãnh thổ dưới thời Hùng Vương thứ VI.
Phần 2:
Hùng Vương gồm hai thành tố. Thành tố Hùng là phiên âm Hán Việt của một từ Việt cổ nào đó có ngữ âm, ngữ nghĩa gần với Kun, Khun hay Khunzt của đồng bào các dân tộc anh em như Mường, Thái và Munda - những từ ngữ trên đều có nghĩa là trưởng, thủ lĩnh hay người đứng đầu (Hùng) của cả nước.
Nhưng thành tố Vương được cho là do các sử gia đời sau thêm vào một cách tùy tiện.
Người đứng đầu quốc gia không Đế thì cũng Vương mà thôi.
Với cách lý giải chữ Hùng thì có khả năng hợp lý, nhưng cho chữ Vương là sự gán ghép của đời sau thì khiên cưỡng. Bởi vì hai chữ này: Hùng (đứng đầu, thủ lĩnh) và Vương (chúa, chúa tể) sẽ loại trừ nhau, nếu chỉ thể hiện một nghĩa duy nhất là người đứng đầu xã hội. Do đó, việc các sử gia đời sau đặt chữ Vương bên cạnh chữ Hùng hoàn toàn hợp lý nếu giải thích rằng: Hùng (thủ lĩnh); Vương (chúa tể) và Hùng Vương có nghĩa là chúa tể của những thủ lĩnh.
Chữ Hùng có ý nghĩa là thủ lĩnh có thể còn một nguyên nhân sau: Hùng là tộc danh nắm quyền điều hành xã hội Văn Lang. Truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên” nói tới việc Tổ Mẫu Âu Cơ đưa người con cả lên làm vua và các người con khác chia nhau cai trị khắp nơi. Như vậy, đứng đầu 15 bộ đều thuộc những chi khác nhau của Hùng tộc (cụm từ “Hồng Bàng Thị” phải chăng còn một ý nghĩa khác nữa là dòng họ hoặc một dân tộc lớn). Bởi vì sự tiếp nối cầm quyền qua hàng ngàn năm, nên từ Hùng bắt đầu là một danh từ riêng chỉ chi tộc trở thành một danh từ chung phổ biến để chỉ người đứng đầu mà các dân tộc ít người gọi là Kun, Khun, Khunzt.
Nhưng dù có cách lý giải thế nào, thì nghĩa chữ Hùng Vương vẫn là chúa tể của những người đứng đầu. Với ý nghĩa trên thì có thể lý giải thực trạng về tổ chức xã hội Văn Lang như sau:
Truyền thuyết ghi nhận: khi hình thành xã hội Văn Lang, vua Hùng chia lãnh thổ thành 15 bộ và cho các em đi cai trị các nơi. Như vậy, mỗi bộ đều do người thuộc chi tộc Hùng đứng đầu (thủ lĩnh) và những người Việt thuộc sự cai quản của vua Hùng là nguồn động lực chính trong sự phát triển của những địa phương. Sau đó, thủ lĩnh của các bộ bầu một người trong số các thủ lĩnh đại diện cho các chi tộc nắm quyền điều hành chung. Thủ lĩnh của chi tộc được bầu gọi là Hùng Vương. Với cách lý giải trên thì tổ chức xã hội thời Hùng tương tự như thời Chu thuộc cổ sử Trung Hoa. Nhưng khác với thời Chu là: ngôi vua nhà Chu là do cha truyền con nối và là chúa tể của các chư hầu vĩnh viễn. Còn thời Hùng Vương, địa vị chúa tể thuộc về thủ lĩnh một chi tộc nào đó được bầu lên, tùy theo nhu cầu phát triển chung mà chi tộc đó có khả năng đáp ứng.
So sánh tước vị trong xã hội Văn Lang và các xã hội khác thuộc cổ sử Trung Hoa, chúng ta sẽ thấy có sự tương tự: người đứng đầu quốc gia thời Chu xưng Vương, tương tự với chức danh đứng đầu Văn Lang. Người đứng đầu nước chư hầu thời Chu xưng Hầu, thí dụ như Tề Hầu, Tấn Hầu... người đứng đầu của các bộ Văn Lang gọi là Lạc Hầu (sự so sánh này chỉ minh họa cho ý trên). Với giả thuyết này thì những bộ dưới thời Hùng Vương đều có quyền tự cai trị và quân đội riêng, tương tự như các chư hầu thời Chu. Do đó, chỉ khi nào có quốc biến mới tập hợp lực lượng dưới quyền chỉ huy của Hùng Vương để chiến đấu.
Với cách lý giải trên sẽ giải thích tại sao nhà Ân Thương chiến thắng một nước có nền văn minh phát triển hơn hẳn so với các quốc gia thời cổ. Truyền thuyết “Phù Đổng Thiên Vương” đã ghi nhận xin tóm lược như sau:
@ “Vào thời Hùng Vương thứ VI, đất nước thanh bình đã lâu nên nhà vua sao lãng việc phòng thủ...”
@ Hùng Vương cậy nước mình giàu mạnh mà chểnh mảng việc triều cận Bắc phương (Lĩnh Nam Chích Quái - sách đã dẫn).
@ Lạc Long Quân đã sai Hịch nữ báo trước cho nhà vua về việc ba năm sau nhà Ân Thương sẽ tấn công Văn Lang. Vua Hùng không tin sai bắt giam Hịch nữ.
 (Truyền thuyết Hùng Vương - Thần Thoại Vĩnh Phú, Vũ Kim Biên sưu tầm - Nxb Sở VHTT - TT Phú Thọ 1997).
Việc cho rằng vua Hùng chểnh mảng việc triều cận Bắc phương có lẽ là do người đời sau thay đổi ý từ việc không lo phòng thủ. Nhưng dù với ý nào thì cũng nhằm diễn đạt một ý nghĩa chung nhất là: Vua Hùng không lo phòng bị, nên khi nhà Ân Thương tập trung quân lực tấn công ồ ạt thì quân lực ở các bộ không đủ sức chống cự. Và lãnh thổ Văn Lang đã bị thu hẹp như phần trên đã trình bày.
Khi quân Ân Thương đánh sâu vào lãnh thổ Văn Lang, nhà vua mới cho sứ giả đi các nơi triệu tập người hiền tài ra giúp nước và đã được Đức Phù Đổng Thiên Vương hiện thân giúp đỡ. Hình ảnh sứ giả đi tìm người hiền khắp nơi, phải chăng đó là hình ảnh triệu tập quân đội các bộ còn lại cùng chống giặc (theo giả thuyết về tổ chức hành chính và quân sự dưới thời Hùng Vương đã trình bày ở trên). Từ giả thuyết này cũng đặt một vấn đề: thủ đô Văn Lang chưa hẳn đã ở Việt Trì, mà thay đổi tùy theo chi tộc ở 15 bộ cầm quyền. Việt Trì có thể chỉ là thủ đô cuối cùng của Văn Lang.
Với giả thuyết về tổ chức xã hội Văn Lang, giải thích sự việc đời Hùng Vương thứ VII đã thay thế Hùng Vương thứ VI, khi chi tộc này đã gây nên sự thu hẹp lãnh thổ lần thứ nhất của Văn Lang. Theo truyền thuyết thì vua Hùng thứ VI triệu tập các con lại tổ chức việc thi tài để truyền ngôi. Nhưng với giả thuyết về tổ chức xã hội thời Hùng Vương: “Thủ lĩnh các bộ bầu một người trong số các thủ lĩnh đại diện cho các chi tộc nắm quyền điều hành chung”, “Tùy theo nhu cầu phát triển chung mà chi tộc đó có khả năng đáp ứng” thì có thể giải thích đoạn trên của truyền thuyết “Bánh Chưng Bánh Dầy” là một cuộc triệu tập hội đồng các thủ lĩnh Bách Việt ở các bộ để bầu thủ lĩnh mới. Để minh họa cho giả thuyết này, xin được trình bày một tư liệu của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá. Tư liệu này được trích dẫn lại trong bài “Văn hóa tâm linh - đất tổ Hùng Vương” của tác giả Hồng Tử Uyên, trong tạp chí Nguồn Sáng số 23, trong dịp lễ hội giỗ Tổ Hùng Vương 1998. Trong lần tái bản này, người viết cũng căn cứ vào tư liệu đã công bố của cụ Biệt Lam, để bổ sung những thiếu sót và so sánh những sai biệt trong tư liệu trích dẫn từ tạp chí “Nguồn Sáng” của lần xuất bản trước):
Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã cố gắng sưu tầm các truyền thuyết thư tịch cổ, các ngọc phả các xã quanh vùng có đền thờ các vua Hùng như xã Hy Cương (Vĩnh Phú) hiện lưu trữ tại Vụ Bảo Tồn Bảo Tàng, Bộ Văn Hóa (số liệu HT.AE9) thì các tài liệu này không ghi chép là 18 đời vua Hùng mà lại ghi là 18 chi. Mỗi chi gồm nhiều đời vua, có cả năm can - chi lúc sanh và lúc lên ngôi. Các đời vua trong một chi đều lấy hiệu của vua đầu chi ấy.
Mười tám chi ấy như sau:
1. Chi Càn: Kinh Dương Vương, húy Lộc Tục, sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr.TL) lên ngôi năm 41 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua ở ngôi tất cả 86 năm, từ năm Nhâm Tuất (2879 tr.TL) đến Đinh Hợi (2794 tr.TL). So ngang với Trung Quốc vào thời đại Tam Hoàng. (?)
2. Chi Khảm: Lạc Long Quân, húy Sùng Lãm, tức Hùng Hiền Vương, sinh năm Bính Thìn (2825 tr.TL) lên ngôi 33 tuổi, không rõ truyền mấy đời vua. Chi này ở ngôi tất cả 269 năm, đều xưng là Hùng Hiền Vương, từ năm Mậu Tí (2793 tr.TL) đến năm Bính Thìn (2525 tr.TL) ngang với Trung Quốc vào thời Hoàng Đế (Ngũ Đế).
3. Chi Cấn: Hùng Quốc Vương, húy Hùng Lân, sinh năm Canh Ngọ (2570 tr.TL) lên ngôi khi 18 tuổi. Không rõ truyền mấy đời vua đều xưng là Hùng Quốc Vương. Từ năm Đinh Tỵ (2524 tr.TL) đến năm Bính Tuất ( 2253 trc. Tl) Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Thuấn, Hữu Ngu.
4. Chi Chấn: Hùng Hoa Vương, húy Bửu Lang, không rõ năm sinh, lên ngôi năm Đinh Hợi (2254 tr.TL) không rõ truyền mấy đời vua đều xưng là Hùng Hoa Vương, ở ngôi tất cả 342 năm, từ năm Đinh Hợi (2254 tr.TL) đến Mậu Thìn (1918 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Đế Quýnh nhà Hạ.
5. Chi Tốn: Hùng Hy Vương, húy Bảo Lang, sinh năm Tân Mùi (2030 tr.TL) lên ngôi khi năm 59 tuổi. Không rõ truyền mấy đời vua, đều xưng là Hùng Hy Vương, ở ngôi tất cả 200 năm, từ năm Kỷ Tỵ (1912 tr.TL) đến Mậu Tí (1713 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lý Quý (Kiệt) nhà Hạ.
6. Chi Ly: Hùng Hồn Vương, húy Long Tiên Lang, sinh năm Tân Dậu (1740 tr.TL), lên ngôi khi 29 tuổi, truyền hai đời vua, ở ngôi tất cả 81 năm, đều xưng là Hùng Hồn Vương, từ năm Kỷ Sửu (1712 tr.TL) đến năm Kỷ Dậu (1632 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Ốc Đinh nhà Thương.
7. Chi Khôn: Hùng Chiêu Vương, húy Quốc Lang, sinh năm Quý Tỵ (1768 tr.TL) lên ngôi khi 18 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Chiêu Vương, ở ngôi tất cả 200 năm từ năm Canh Tuất (1631 tr.TL) đến năm Kỷ Tỵ (1432 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Ất nhà Thương.
8. Chi Đoài: Hùng Vĩ Vương, húy Vân Lang, sinh năm Nhâm Thìn (1469 tr.TL) lên ngôi khi 39 tuổi, truyền 5 đời vua đều xưng là Hùng Vĩ Vương, ở ngôi tất cả 100 năm, từ năm Canh Ngọ (1431 tr.TL) đến năm Kỷ Dậu (1332 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Nam Canh nhà Thương.
9. Chi Giáp: Hùng Định Vương, húy Chân Nhân Lang, sinh năm Bính Dần (1375 tr.TL), lên ngôi khi 45 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Định Vương, ở ngôi tất cả 80 năm, từ năm Canh Ngọ (1251 tr.TL) đến Kỷ Hợi (1162 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Tổ Giáp nhà Ân.
10. Chi Ất: Hùng Uy Vương, huý Hoàng Long Lang, sinh năm Giáp Ngọ (1287 tr.), lên ngôi khi 37 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Uy Vương, ở ngôi tất cả 90 năm, từ năm Canh Ngọ (1251 tr.TL) đến Kỷ Hợi (1162 tr.TL) ngang với Trung Quốc thời Tổ Giáp nhà Ân.
11. Chi Bính: Hùng Trinh Vương, húy Hưng Đức Lang, sinh năm Canh Tuất (1211 tr.TL) lên ngôi khi 51 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Trinh Vương, ở ngôi tất cả 107 năm, từ năm Canh Tí (1161 tr.TL) đến năm Bính Tuất (1055 tr.TL) Ngang với Trung Quốc vào thời Thành Vương nhà Tây Chu.
12. Chi Đinh: Hùng Vũ Vương, húy Đức Hiền Lang, sinh năm Bính Thân (1105 tr.TL), lên ngôi khi năm 52 tuổi, truyền 3 đời vua đều xưng là Hùng Vũ Vương ở ngôi tất cả 96 năm, từ năm Đinh Hợi (1054 tr.TL) đến Nhâm Tuất (969 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Mục Vương nhà Tây Chu.
13. Chi Mậu: Hùng Việt Vương, húy Tuấn Lang, sinh năm Kỷ Hợi (982 tr.TL) lên ngôi khi 23 tuổi, truyền 5 đời vua, đều xưng là Hùng Việt Vương, ở ngôi tất cả 105 năm, từ năm Quý Hợi (958 tr.TL) đến Đinh Mùi (854 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Lệ Vương nhà Tây Chu.
14. Chi Kỷ: Hùng Anh Vương, húy Viên Lang, sinh năm Đinh Mão (894 tr.TL) lên ngôi khi 42 tuổi, truyền 4 đời vua, đều xưng là Hùng Anh Vương, ở ngôi tất cả 99 năm, từ năm Mậu Thân (755 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Bình Vương nhà Đông Chu.
15. Chi Canh: Hùng Triệu Vương, húy Cảnh Chiêu Lang, sinh năm Quý Sửu (748 tr.TL), lên ngôi khi 35 tuổi, truyền 3 đời vua, đều xưng là Hùng Triệu Vương, ở ngôi tất cả 94 năm, từ năm Đinh Hợi (754 tr.TL) đến năm Canh Thân (661 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Huệ Vương nhà Đông Chu.
16. Chi Tân: Hùng Tạo Vương (Thần phả xã Tiên Lát, huyện Việt Yên, tỉnh Hà Bắc, ghi đời thứ 16 là Hùng Tạo Vương, đóng ở Việt Trì, có thạch tướng quân đánh tan giặc Man, vua phong làm Chuyển Thạch Tướng Đại Vương – “Người anh hùng làng Dóng”, Cao Xuân Đỉnh, Nxb KHXH, 1969 tr.126 – 130), húy Đức Quân Lang, sinh năm Kỷ Tỵ (712 tr.TL) lên ngôi khi 53 tuổi, truyền 3 đời vua,tất cả 92 năm, từ năm Tân Dậu (660 tr.TL) đến Nhâm Thìn (569 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Linh Vương nhà Đông Chu.
17. Chi Nhâm: Hùng Nghị Vương, húy Bảo Quang Lang, sinh năm Ất Dậu (576 tr.TL), lên ngôi khi 9 tuổi, truyền 4 đời vua đều xưng là Hùng Nghị Vương, ở ngôi tất cả 160 năm, từ năm Quý Tỵ (568 tr.TL) đến năm Nhâm Thân (409 tr.TL). Ngang với Trung Quốc vào thời Uy Liệt Vương nhà Đông Chu.
18. Chi Quý: Hùng Duệ Vương, huý Huệ Vương, sinh năm Canh Thân (421 tr.TL), lên ngôi khi 14 tuổi, truyền không rõ mấy đời vua (có lẽ 3 đời), vì ở đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội có bài vị “Tam Vi Quốc Chúa”, ở ngôi tất cả 150 năm, từ năm Quý Dậu (408 tr.TL) đến Quý Mão (258 tr.TL). Ngang với năm thứ 17 đời Uy Liệt Vương, đến năm thứ 56 đời Noãn Vương nhà Đông Chu, Trung Quốc.
Đây là một tư liệu chứng minh cho sự tồn tại trên thực tế thời Hùng Vương kéo dài 2622 năm (Từ 2879 tr.CN đến 258 tr.CN). Tuy nhiên, như lời giới thiệu đã trình bày: việc sử dụng tư liệu trong cuốn này, không phải để minh chứng cho thực trạng xã hội Văn Lang, mà chỉ để minh họa cho giả thuyết được trình bày, dựa vào sự phân tích những truyền thuyết phổ biến còn lại đến ngày nay. Trong lần tái bản này, người viết cũng căn cứ vào tài liệu của cụ Trần Huy Bá, bổ sung thêm chi thứ 10 của “ Ngọc phả Hùng Vương“.
Như vậy, với giả thuyết về tổ chức xã hội thời Hùng Vương dẫn đến việc thay đổi cụm từ đã sai lệch với thời gian là “18 đời Hùng Vương”, trở về với đúng nghĩa của nó là “18 Thời Hùng Vương”. Cụm từ này tự nó đã giải thích cho sự tồn tại gần 3000 năm cho xã hội Văn Lang một cách hoàn toàn hợp lý và giải quyết được mâu thuẫn về niên đại của thời Hùng Vương kéo dài gần 3000 năm với tuổi sinh học của 18 đời Hùng Vương như trước đây đã quan niệm.
Với giả thuyết cho rằng “18 Thời Hùng Vương” liên tiếp trị vì đất nước gần 3000 năm, sẽ giải thích được việc thờ 18 vị vua Hùng là tổ tiên người Việt. Do tục thờ tổ tiên chỉ thờ một người khai sáng đầu tiên, không thể thờ 18 đời nối tiếp đều là Tổ. Nhưng với 18 thời Hùng Vương thì việc thờ 18 vị vua khai sáng đầu tiên của 18 thời Hùng Vương có công phát triển và ổn định đất nước là hợp lý. Đồng thời cũng giải thích luôn việc 18 chi của họ Hồng Bàng thay nhau cầm quyền trên đất nước Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Lạc Việt mà tư liệu của cụ Biệt Lam Trần Huy Bá đã nói tới. Đây cũng là một chi tiết trùng hợp với truyền thuyết “Con Rồng Cháu Tiên”: vua Hùng chia các em đi cai trị khắp nơi, tức là thủ lĩnh các bộ đều thuộc các chi của Hùng tộc.
Như vậy, với giả thuyết về tổ chức xã hội Văn Lang thì đó là một nhà nước có ý nghĩa về mặt lãnh thổ và sự đồng nhất về văn hóa, chính trị hơn là một nhà nước có quyền lực tập trung về mọi mặt như thời Tần - Hán ở bên Trung Quốc, hoặc như các nhà nước phong kiến của Việt Nam thời hưng quốc như Đinh, Lê, Lý, Trần...
Hồng phạm cửu trù - Bản hiến pháp cổ nhất của dân Lạc Việt
Hồng phạm cửu trù là một trong 58 thiên còn sót lại của kinh Thư và là một thiên quan trọng được coi là “... giàu tính lý luận nhất, biểu hiện tương đối đầy đủ hệ thống lý luận, chính trị nhà Nho.” (Kinh Thư diễn nghĩa - Lê Quý Đôn - Nxb T/p Hồ Chí Minh 1993 - Dịch giả: Ngô Thế Long, Trần Văn Quyền). Từ hơn 2000 năm nay các nhà nghiên cứu lịch sử, lý học Đông phương đều cho rằng Hồng phạm cửu trù là trước tác của vua Đại Vũ. Cổ thư Trung Hoa viết: khi vua Đại Vũ đi trị thủy, đến sông Lạc gặp một con rùa thần nổi lên. Trên mai rùa có những vòng tròn đen, trắng gọi là Lạc thư (sách ở sông Lạc). Ngài bèn dựa vào đó trình bày 9 phạm trù lớn (tức Hồng phạm cửu trù) rồi diễn giải 9 phạm trù đó để lưu truyền cho đời sau. Khi Vũ Vương (Chu Vũ Vương - người viết) đã đánh được nhà Thương, đến hỏi đạo trời ở Cơ Tử. Cơ Tử bèn đem đạo trời đó báo cho Vũ Vương.
Trong Hồng phạm cửu trù có những chi tiết khiến cho người đọc cảm tưởng hoàn toàn thuộc về trước tác của nền văn minh Hoa Hạ và không thuộc về Văn Lang. Những đoạn sau đây thuộc trù thứ 3: “Bát Chính” trong Hồng phạm (Lịch sử triết học phương Đông - Nxb T/p Hồ Chí Minh - sách in lần thứ hai của Gs. Nguyễn Đăng Thục):
... Ví như ông Nghiêu nhường ngôi cho ông Thuấn dặn dò ngay:
“Thiên chi lịch số tại nhĩ cung. Doãn chấp quyết trung (162b) = cái lịch trình vận hành thứ tự của vũ trụ thì ở tại nơi bản thân mi. Hãy nắm giữ lấy cái trung tâm ấy” 
Vua Thuấn cũng lấy lời ấy bảo ông Vũ: “Thuấn diệc dĩ mệnh Vũ”
(Hồng Phạm)
Nhưng trong sách Luận ngữ cũng có câu này (Đại cương triết học Trung Quốc - sách đã dẫn):
Theo sách Luận ngữ (Thiên Nghiêu viết) thì hai chữ “chấp trung” (giữ đạo trung) xuất hiện từ đời vua Nghiêu. Vua Nghiêu truyền cho vua Thuấn như sau:
“Này Thuấn ơi, số trời đã ở tại thân anh (nghĩa là trời đã cho anh trị dân) thì anh nên tin chắc mà giữ lấy đạo trung (để cho dân trong bốn bể được thái bình); nếu dân trong bốn bể mà khốn cùng thì cái lộc trời cho anh sẽ mất luôn đấy. Vua Thuấn cũng lấy lời đó truyền lại cho vua Vũ”. (Thiên Nghiêu viết: Tư nhĩ Thuấn, thiên chi lịch số tại nhĩ cung, doãn chấp kỳ trung; tứ hải khốn cùng, thiên lộc vĩnh chung. Thuấn diệc dĩ mệnh Vũ).
Không biết truyền thuyết đó có đúng không; điều chắc chắn là người đề cao đạo Trung Dung là Khổng tử. Đạo có truyền do Tăng tử nên được chép trong Luận ngữ, rồi Tăng tử lại truyền cho Khổng Cấp tức Tử Tư (cháu đích tôn của Khổng tử), sau cùng Mạnh tử bàn cho rộng thêm.
Tư Mã Thiên trong bộ “Sử ký” bảo rằng sách Trung Dung do Tử Tư viết và các học giả đời sau đều tin như vậy. Nhưng gần đây, một số học giả xét nội dung hiện nay của sách đó ngờ rằng nếu có thực là do Tử Tư chép thì cũng có một số triết gia ở thời Chiến quốc và đầu đời Hán sửa đổi khuếch sung thêm và phần sau của sách bàn về đức thành nhất định không phải là của Tử Tư.
Như vậy, trong Luận ngữ thì vua Thuấn truyền cho vua Vũ đạo Trung Dung nhưng trong Hồng phạm thì để chỉ nắm lấy lịch số - thật là khó hiểu.
Để bạn đọc tiện việc tham khảo và minh xác quan niệm cho rằng: “Hồng phạm cửu trù” là trước tác của người Lạc Việt, xin được trích lại phần: “Tóm tắt thiên Hồng Phạm trong chính văn kinh Thư” (bản tóm tắt này do dịch giả cuốn Kinh Thư diễn nghĩa, sách đã dẫn, thực hiện):
Tóm tắt thiên Hồng phạm cửu trù trong chính văn kinh Thư:

A. Theo lời văn Hồng phạm nói: “Vũ Vương đánh thắng nhà Ân giết vua Trụ mời Cơ tử về làm ra thiên Hồng phạm” - và lời Cơ tử nói: “Trời cho vua Vũ có Hồng phạm cửu trù” thì:
1 - Hồng phạm là sách trời cho vua Vũ (do trị thủy bắt được con rùa, trên mai có ghi rõ?)
2 - Sách ấy có 9 “trù” (nói theo ngày nay: là 9 loại, hay 9 khái niệm bao quát nhất, cũng có thể gọi là phạm trù [Cathégori])
3 - Nội dung của 9 phạm trù đó là khái quát toàn bộ học thuyết về chính trị, về quản lý xã hội của đời Ân Thương.

B. Nội dung cụ thể của từng “trù” như thế nào?
1 - Ngũ hành: (Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ): đó là khái quát (gọi gộp) các vật liệu mà dân phải dùng đến hay là những đối tượng con người phải chinh phục.
2 - Ngũ sự (Mạo, Ngôn, Thị, Thính, Tư)
Mạo: dung mạo - phải luôn cung kính
Ngôn: lời nói - phải theo lẽ phải
Thị: mắt trông - phải sáng suốt
Thính: tai nghe - phải rõ ràng
Tư: suy nghĩ - phải sâu sắc
Tóm lại: 5 cử chỉ đó là con người có tài, khôn ngoan sáng suốt.
3 - Bát chính: (Tám vấn đề chính sự phải lo làm)
a) Thực: cái ăn uống của người dân
b) Hóa: tiền của xã hội
c) Tự: việc tế tự
d) Tư không: việc công chính
e) Tư đồ: việc giáo dục
f) Tư khấu: việc an ninh
g) Tân: việc ngoại giao
h) Sự: việc quân sự
4 - Ngũ kỷ gồm: năm, tháng, ngày, tinh tú, lịch số. Tóm lại là vấn đề thiên văn và chế tạo lịch để có căn cứ điều hành các việc hành chính và nông nghiệp.
3 - Hoàng cực: Ngôi vua
Người làm vua phải dựng nên mực thước cho dân theo. Mực thước ấy là:
- Không thiên lệch, không bè đảng.
- Ai có mưu hay, có công lao thì vua phải nhớ.
- Ai chưa thánh thiện, nhưng không tội lỗi thì vua cũng thu dùng.
- Ai thực thành đức tốt thì vua cho tước lộc.
- Không bắt nạt người cô độc, yếu thế, nếu họ lương thiện thì nên khuyến khích.
- Kẻ có chức vị mà bất thiện thì răn bảo, đừng nể nang.
- Khuyến khích người tài làm việc thì nước được thịnh vượng.
- Người giàu thì khuyến khích họ làm điều từ thiện.
- Không ban bổng lộc cho bọn bất lương.
Tóm lại: đó là lẽ “Công bằng chính trực” mà vua phải theo và cũng là việc người lãnh đạo phải làm - mà làm như thế là theo ý trời.
6 - Tam đức: (ba cách đối xử) ngay thẳng, cương, nhu.
- Bình thường thì đối xử thẳng thắn.
- Gặp kẻ cương ngạnh thì phải cứng rắn.
- Đối với bậc cao minh hay kẻ ôn hòa thì phải “nhu”.
Bổ sung thêm: Vua nắm quyền tối cao, toàn diện - chỉ có vua mới được làm oai ban phúc (cương nhu). Chỉ có vua có quyền, kể cả quyền cắt đứt sinh mạng con người. Chỉ vua mới được dùng đồ ăn ngon, bầy tôi thì không được. Nếu bầy tôi và dân thường cũng tự do cho mình có quyền đó thì rối loạn
 (phần bổ sung này do người dịch hoặc tác giả thêm vào, không phải chính văn Hồng Phạm - người viết).
7 - Kê nghi: vấn đề bói (để biết ý trời và giải quyết khi có sự hổ nghi do dự. Đây là biện pháp làm việc thời cổ. Các cách bói; việc hỏi ý kiến đa số (quan và dân).
8 - Thứ trưng: các “điềm trời”
- Mưa nhiều: vua làm việc rồ dại
- Nắng nhiều đại hạn: vua sai lầm
- Nóng nhiều: lười biếng
- Rét nhiều: làm việc tính cách nóng nảy
- Gió nhiều: ngu tối
Ngược lại: nghiêm trang, sáng suốt, chính sự tốt thì mưa gió phải thì v.v... (đây là tư tưởng siêu hình).
9 - Ngũ phúc và lục cực:
Ngũ phúc là kết quả tích cực của đạo đức và chính trị, còn lục cực là kết quả của tiêu cực của cái đó.
- Ngũ phúc gồm: thọ (sống lâu), phú (giàu), khang ninh (mạnh khỏe), du hảo đức (đức tốt), khảo chung mệnh (sống thoải mái đến già).
- Lục cực (6 điều khổ cực gồm):
1. Hung đoản: (chết) tử nạn, chết non.
2. Tật: bệnh
3. Ưu: buồn
4. Bần: nghèo
5. Ác: ác nghiệt, xấu
6. Nhược: yếu, nhu nhược
Qua phần tóm tắt trên thì trù thứ nhất trong Hồng phạm cửu trù là Ngũ hành. Chính vì Hồng phạm cửu trù được gán ghép cho vua Đại Vũ với dấu ấn của Ngũ hành nên đã được coi như một bằng chứng chứng tỏ thuyết Ngũ hành do vua Đại Vũ - vị vua đầu tiên khai sáng nhà Hạ - phát hiện và thuộc về nền văn minh cổ Trung Hoa. Nhưng Ngũ hành trong Hồng phạm cửu trù chỉ xuất hiện như một hiện tượng, không phải là một học thuyết.
Như phần trên đã chứng minh ở chương I: thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về nền văn minh Văn Lang đã phát hiện ngay từ buổi đầu lập quốc và Lạc thư - Hà đồ chính là những tiền đề đầu tiên khởi nguyên cho nền văn minh Văn Lang kỳ vĩ. Sự gán ghép khiên cưỡng Hồng phạm cửu trù với dấu ấn của Ngũ hành cho vua Đại Vũ đã chứng tỏ tính phi lý của nó: Vua Đại Vũ không phát hiện ra thuyết Ngũ hành, vì sự vận động của nó vốn có ngay trong Lạc thư - Hà đồ vốn là nguyên lý căn bản của thuyết Âm Dương Ngũ hành ứng dụng trong việc quan sát thiên văn, thì ngài lại không phát hiện ra điều đó; mặc dù theo truyền thuyết thì vua Đại Vũ phát hiện ra Lạc thư và Hồng phạm cửu trù. Ngược lại, Ngũ hành trong Hồng phạm cửu trù chỉ là sự ứng dụng của nó trong việc điều hành đất nước thì lại được coi là bằng chứng của sự phát hiện ra học thuyết này. Trường hợp phi lý trên xin được minh họa rõ hơn là: người ta đã sử dụng chiếc bằng lái xe để chứng tỏ sự phát minh ra cái xe. Đây cũng là trường hợp của vua Phục Hy khi truyền thuyết cho rằng ngài đã dựa vào Hà đồ để làm ra Bát quái với vạch đứt là Âm, vạch liền là Dương. Nhưng Âm Dương Ngũ hành nằm ngay trong độ số của Hà đồ với sự vận động vi diệu, thì ngài lại không nói đến điều đó, mà phải đợi đến gần 3000 năm sau – đến thời Khổng tử – mới đưa ra ý niệm mơ hồ về Âm Dương? Hơn nữa, nếu quả thật Ngũ hành có từ thời vua Đại Vũ và đã từng được ứng dụng trong việc điều hành xã hội, thì thật là vô lý khi hơn 1000 năm sau đó, các học giả thời Xuân Thu – Chiến quốc lại không hề có trước tác nào nói về Ngũ hành, kể cả ngài Khổng tử.
Về xuất xứ mơ hồ của Hồng phạm cửu trù trong truyền thuyết Trung Hoa, đã chứng tỏ sự gán ghép khiên cưỡng trước tác này cho vua Đại Vũ. Nếu như Lạc thư được ghi trên lưng con rùa nổi ở sông Lạc, mặc dù đã mơ hồ nhưng còn có địa điểm. Còn đối với con rùa bắt được trên lưng ghi Hồng phạm cửu trù thì không biết ở đâu?
Việc Cơ tử nói vua Vũ Vương: Trời cho vua Vũ (Đại Vũ) Hồng phạm cửu trù, tức là vua Vũ không phải là người trước tác ra nó.
Tương truyền kinh Thư (gồm Hồng phạm cửu trù) do Khổng An Quốc cháu 12 đời của Khổng tử viết lại vào thời Hán Cảnh Đế, trên cơ sở một cuốn kinh Thư viết bằng cổ văn trong vách nhà của Khổng tử, như đã trình bày ở phần trên. Như vậy, cuốn kinh Thư này đã viết lại trên cơ sở chắp vá những tư liệu cổ còn sót lại và gán ghép một cách khiên cưỡng.
Những học giả hiện đại của Trung Quốc trong những công trình nghiên cứu của họ, như Phùng Hữu Lan đã viết:
[1968 - 141] “Về thời đại thật của thiên Hồng phạm cửu trù thì khoa học hiện đại có ý đặt vào thế kỷ thứ IV hay thứ III Tr.CN” tức là thời điểm muộn lắm rổi”. (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam – sách đã dẫn).
Thời điểm mà ông Phùng Hữu Lan nói tới, tương đương với thời điểm tướng Đồ Thư của nhà Tần tấn công Bách Việt và sự diễn biến của thời gian lịch sử sau đó là Văn Lang - Âu Lạc mất nước. Với thời điểm nói trên thì Hồng phạm cửu trù không có cơ sở tồn tại trên thực tế lịch sử Trung Hoa, như là một chính sách chủ đạo được thực hiện để điều hành xã hội. Vào thế kỉ thứ IV và thứ III Tr.CN, nước Trung Hoa bước vào giai đoạn cuối thời kỳ Chiến quốc với những cuộc chiến đẫm máu và tàn khốc để tranh giành quyền lực, chiến thắng cuối cùng thuộc về Tần Thủy Hoàng. Lịch sử Trung Quốc trước và sau thời gian đó, cũng không hề ghi nhận một triều đại nào ứng dụng Hồng phạm cửu trù vào việc điều hành đất nước. Tất cả những sự phi lý và mâu thuẫn đã trình bày ở trên, đã chứng tỏ: Hồng phạm cửu trù thuộc về trước tác của người Lạc Việt qua dấu vết của Ngũ hành. Từ thuyết Âm Dương Ngũ hành đã dẫn đến việc tìm hiểu sự vận động của vũ trụ mà tiền đề của nó là Lạc thư - Hà đồ cửu cung. Sự sắp xếp cửu trù theo cửu cung Lạc thư, đã khẳng định thuyết Âm Dương Ngũ hành là học thuyết chính thống của Văn Lang thể hiện ở bánh Chưng – bánh Dầy và sự ứng dụng những quy luật vũ trụ trong việc điều hành đất nước. Đó là lý do trù thứ nhất, khởi nguyên của Hồng phạm cửu trù thể hiện Ngũ hành. Mười lăm bộ của đất nước Văn Lang mà truyền thuyết nói đến chính là tổng độ số cộng ngang dọc chéo của cửu cung Lạc thư, chứng tỏ điều này.
Nội dung Hồng phạm cửu trù được gắn liền với hình ảnh con rùa, bởi vì thời đó ông cha ta đã viết trên mai con rùa những văn bản quan trọng (“giống rùa lớn chỉ ở miền Nam sông Dương Tử mới có”. Xin xem thêm phần: “Phương tiện chuyển tải chữ viết của nền văn minh Văn Lang” - chương IV: Truyền thuyết Trầu Cau). Có thể khi nhà Ân Thương lấn chiếm những phần đất của Văn Lang đã lấy được những mai rùa này; hoặc do chính nhà Tần (hay Hán) khi đánh chiếm Bách Việt đã lấy được, nên sau đó người Trung Hoa đời sau đã sử dụng từ khi Văn Lang - Âu Lạc mất nước (có thể đây chính là nguyên nhân để các nhà nghiên cứu Trung Hoa cho rằng: Hồng phạm cửu trù xuất hiện vào thế kỷ thứ III tr.CN).
Hồng phạm cửu trù đúng với nghĩa của từ này là: những quy định của họ Hồng Bàng với chín mục đích phải đạt tới trong việc điều hành đất nước. Chỉ có họ Hồng Bàng – hoàng tộc lãnh đạo đất nước Văn Lang – với thuyết Âm Dương Ngũ hành được coi là hệ tư tưởng chính thống, mới đủ tư cách coi Hồng phạm cửu trù là hình thái ý thức chủ đạo trong việc hoàn chỉnh chính sách thuộc lĩnh vực chính trị xã hội.
Hồng phạm cửu trù được chứng tỏ là trước tác của các học giả Lạc Việt bổ sung cho giả thuyết về tổ chức xã hội Văn Lang. Theo giả thuyết này: Người lãnh đạo tối cao (Hùng Vương) do hội đồng thủ lĩnh bầu lên, thì tất nhiên phải có những phạm trù làm chuẩn mực cho vai trò chúa tể của các thủ lĩnh với những công việc phải làm. Dấu ấn của Hồng phạm cửu trù còn được nhắc tới trong một truyền thuyết nổi tiếng từ thời Hùng Vương là “Sơn Tinh Thủy Tinh”. (xin được chứng tỏ ở chương VIII).
Một dấu chứng nữa khẳng định Hồng phạm cửu trù là trước tác chính trị thuộc văn minh Văn Lang chính là dấu ấn của ngôi Hoàng Cực - ngôi thủ lĩnh tối cao - nằm ở trung cung thuộc hành Thổ, sắc vàng trong Hà đồ cửu cung với độ số là 5 - 10 (xin xem hình vẽ sau) đó chính là ngày giỗ Tổ Hùng Vương của người Lạc Việt.
Dù ai đi ngược về xuòi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười, tháng ba
Tháng ba là tháng Thìn - Rồng, thể hiện sức mạnh vũ trụ, biểu tượng của vương quyền, chính là tháng thứ 5 kể từ tháng Tý (bắt đầu từ tháng 11 năm trước, tính theo Âm lịch) ứng với độ số Dương 5 trong Hoàng Cực. Ngày 10 ứng với độ số Âm 10 trong Hoàng Cực. Xin xem đồ hình minh hoạ dưới đây:
Ngày là con của Tháng. Tháng có trước thuộc Dương, Ngày có sau thuộc Âm. Bởi vậy, lấy số Dương 5 làm tháng (tháng Ba là tháng thứ năm, kể từ tháng Tí), lấy số Âm 10 làm ngày. Độ số 5,10 thuộc trung cung Hoàng Cực của Hà đồ làm biểu tượng của vương quyền. Đó là nguyên lý của ngày giỗ tổ Hùng Vương.
Ngày giỗ Tổ liên quan đến tháng Thìn - Rồng, còn chứng tỏ: Rồng, biểu tượng của vương quyền có xuất xứ từ nền văn minh Văn Lang, chứ không phải từ nền văn minh Trung Hoa. Có thể nói rằng dân tộc đầu tiên trong cổ sử nhân loại dùng hình ảnh Rồng làm biểu tượng cho quyền lực tối cao là người Lạc Việt. Lạc Long Quân có nghĩa là vua Rồng Lạc Việt – lãnh tụ nước Xích Quỷ – tiền thân của quốc gia Văn Lang, quốc gia đầu tiên của người Lạc Việt có cách đây hơn 5000 năm, tổ tiên của dân tộc Việt Nam hiện nay. Rồng không những là một biểu tượng của điềm lành mà còn là biểu tượng của Hoàng đế đầu tiên lập quốc của dân tộc Việt.
Trong những cổ thư của Trung Hoa trước Hán, không thấy một vị Hoàng đế nào sử dụng Rồng làm biểu tượng. Có lẽ cuốn sách xưa nhất nhắc đến biểu tượng Rồng thuộc về nhà vua là Sử ký của Tư Mã Thiên – Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ – trong đoạn trích dẫn sau đây:
“Mùa thu, sứ giả đang đêm từ Quan Đông đi qua Hoa Âm, trên đường Bình Thư. Có người cầm ngọc bích chặn đường sứ giả mà nói:
- Ông làm ơn đưa viên ngọc này cho Hạo Trì.
Nhân đấy nói rằng: năm nay thì Tổ Long chết.
Sứ giả hỏi: Tại sao?
Người ấy biến mất. Để lại viên ngọc bích ở đấy. Sứ giả cầm ngọc bích kể lại đầu đuôi cho người ta nghe, Thuỷ Hoàng nín lặng hồi
lâu nói:
- Quỷ núi chẳng qua chỉ biết việc xảy ra trong một năm mà thôi.
Khi vào cung nói:
- Tổ Long (*) đó là tổ tiên của người.
(*) Chú thích trong sách: Tổ là đầu cũng như thuỷ. Long chỉ nhà vua. Tổ Long cũng như Thuỷ Hoàng.
Như vậy cho đến đời nhà Tần, Rồng chưa phải biểu tượng của vương quyền. Việc gọi “Tổ Long” để chỉ Tần Thuỷ Hoàng, xuất phát từ ý tưởng trong dân gian qua nhân vật “Quỷ núi”. Có thể nói rằng: các hoàng đế Trung hoa sử dụng Rồng làm biểu tượng, rất muộn sau Tần.
Qua phần chứng minh trên đã chứng tỏ: Hồng phạm cửu trù chính là bản hiến pháp đầu tiên của người Lạc Việt. Sự chứng minh này cũng chứng tỏ Văn Lang là một quốc gia hoàn chỉnh với tất cả những yếu tố của nó.
Phần 3:
Bởi vì: khi con người đã biết sử dụng kim loại và là nhu cầu phổ biến, thì không thể nơi nào cũng có những khoáng sản và điều kiện sản xuất để phục vụ cho nhu cầu như nhau. Do đó bắt buộc phải hình thành sự phân công lao động xã hội theo đặc điểm tài nguyên của từng vùng. Hơn nữa, kỹ thuật đúc đồng đã đạt đến một trình độ rất cao, vì vậy cũng phải có thợ chuyên nghiệp (cho dù là đúc một cái trống đồng thô sơ nhất, trong số những trống đồng đã được tìm thấy, cũng đòi hỏi tay nghề  cao ở ngay trong xã hội hiện đại). So với thời kỳ con người chỉ sử dụng thực phẩm hái lượm và săn bắt, thì mỗi bộ lạc đều có thể tạo ra một cuộc sống khép kín. Nhưng chỉ cần một xã hội nông nghiệp được hình thành, có nhu cầu phổ biến về sử dụng kim loại để tạo ra những công cụ sản xuất và những sản phẩm tiêu dùng khác, thì đã tạo ra sự phân công lao động trên quy mô toàn xã hội và trao đổi sản phẩm phức tạp. Đặc biệt là với trống đồng có giá trị rất lớn, đoạn trích sau đây chứng tỏ điều này:
Sách Dị Lâm của Trung Quốc chép: “Tục người Di (Man Di - người viết) rất chuộng trống đồng ... bọn thổ hào, phú gia tranh nhau mua rất đắt, đến trăm con bò cũng không tiếc”; sách Trinh Tràng Tiểu Phẩm nói: “Các trống đồng của người Man ... đổi được hàng ngàn con bò, kém cũng phải bảy, tám trăm con (xem Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn 1960:229). . (Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam - sách đã dẫn)
Như vậy, qua đoạn trích dẫn trên, bạn đọc cũng nhận thấy rằng: để đổi lấy một cái trống đồng, cần số lượng trâu bằng cả một huyện, ở ngay thời nông nghiệp hiện đại đầu thế kỷ 20 thì không thể là một thực tế trao đổi, mà chỉ là sự đánh ngang giá trị. Do đó, người ta không thể trao đổi giá trị bằng hàng hóa một cách trực tiếp, khi không có tín vật trung gian để định giá trị vật trao đổi. Vì vậy, chính những nhu cầu xuất hiện trong quá trình phát triển kinh tế và quan hệ xã hội, trong xã hội Văn Lang phải hình thành một loại tín vật dưới một hình thức và khái niệm nào đó tương tự như “tiền” ngày nay. Trên thực tế, các quốc gia thuộc thời đại đồ đồng trên thế giới, ngành khảo cổ học hiện đại đã chứng tỏ được rằng: đều là những quốc gia có nền thương mại phát triển, đương nhiên đều phải sử dụng tín vật trung gian để trao đổi hàng hóa. Thời đại Hùng Vương với nền văn minh chính thống, mà tất cả các quan niệm khác nhau về thời đại này đều thống nhất ở điểm ít nhất là đã bước vào thời đại đồ đồng. Do đó, hoàn toàn có thể khẳng định rằng: trong xã hội Văn Lang ít nhất vào thời Hùng Vương thứ VI, ông cha ta đã sử dụng tiền hoặc một cái gì đó tương tự, trong việc trao đổi sản phẩm.
Hai mặt trống đồng trên đây được chép lại từ cuốn Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam (sách đã dẫn - trang 128) - phải chăng có thể minh họa cho việc sử dụng tiền dưới thời Hùng Vương. 
Những chi tiết trên trống đồng nằm trong vòng tròn có mũi tên chỉ là những hình vuông lỗ tròn và hình tròn lỗ vuông, đã có nhận xét rằng đó là sự thể hiện đồng tiền cổ Việt Nam. Nhưng giáo sư tác giả cuốn sách lại cho rằng: đó là biểu tượng của Âm Dương. Nhận xét hình vuông và hình tròn là tượng của đồng tiền thời Hùng Vương thì cũng chưa thể chắc chắn, nhưng có khả năng đúng (để tìm ra việc sử dụng tiền cụ thể như thế nào, còn tùy thuộc vào việc có tư liệu hoặc di vật chứng minh). Nhưng cho rằng đó là biểu tượng của Âm Dương thì có thể khẳng định rằng: đó là một sai lầm. Bởi vì Âm Dương có tính bao trùm, bất cứ sự vật sự việc, hiện tượng nào cũng thể hiện sự hiện diện của ý niệm này. Do tính bao trùm đó, nên khi thể hiện thuyết Âm Dương dưới bất cứ một biểu tượng nào, bao giờ cũng ở vị trí trung tâm hoặc cao nhất; thí dụ như cặp rồng ở nóc đình đền, hoặc biểu tượng Âm Dương trong Bát quái... Vì vậy, hình vuông tròn trên trống đồng – mặc dù có tượng của Âm Dương – nhưng không thể coi là nhằm thể hiện Âm Dương. Về mặt văn bản thì chính trong Hồng phạm cửu trù – bản hiến pháp cổ nhất của người Lạc Việt – đã nói đến trong trù thứ 3, Bát Chính phần hai: Hóa tức là tiền của xã hội. Chữ “hoá” theo tiếng Việt cổ còn có nghĩa là sự chuyển đổi; trong dân gian Việt Nam còn dùng chữ “Hoá vàng” (đốt vàng mã), “hoá kiếp”, “hoá thân”... 
Cho đến hôm nay, mặc dù khoa khảo cổ học chưa hề tìm thấy một dấu vết gì nhằm chứng tỏ sự tồn tại của tiền nong, hoặc một dạng tín vật nào đó tương tự như tiền ở thời Hùng Vương. Nhưng cho dù có thể hoặc không bao giờ tìm thấy một di vật khảo cổ nào; nhưng những tiền đề trong xã hội Văn Lang để xuất hiện việc sử dụng một dạng tín vật tương tự như tiền hoàn toàn đầy đủ. Như vậy, hoàn toàn có thể kết luận về khả năng sử dụng tiền tệ đã xuất hiện dưới thời Hùng Vương.
Hình phụ chương di vật đời Ân Thương
Phải chăng đây chính là những di vật mà học giả Nguyễn Hiến Lê đã nói trong cuốn Sử Trung Quốc của ông:
Những hình người mặt rộng, tròn, mũi tẹt thuộc giống người Mélanésie Đông Nam Á).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét