Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Cố đô Hoa Lư - Một trung tâm Phật giáo TK X - XI ở nước ta

Cố đô Hoa Lư - Một trung tâm Phật giáo TK X - XI ở nước ta


Năm 939, sau khi đánh bại quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng vương, định đô ở Cổ Loa. Nước ta bước vào thời kỳ độc lập tự chủ sau hơn một ngàn năm Bắc thuộc. Ngô Quyền ở ngôi vương được ít năm, năm 944 nhà vua băng hà. Cuối triều Ngô, triều đình suy yếu dần, anh em, con cháu tranh ngôi đoạt vị. Lúc bấy giờ các thế lực địa phương nổi lên cát cứ, giành quyền lực, từ đó dẫn đến “loạn 12 sứ quân”.
Đinh Bộ Lĩnh là thuộc tướng của sứ quân Trần Minh Công. Khi Trần Minh Công mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân về giữ Hoa Lư. Đến khi nhà Ngô mất, Đinh Bộ Lĩnh đem quân đánh dẹp được các sứ quân, sáng lập ra triều Đinh. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi Hoàng đế, lấy đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, đặt niên hiệu là Thái Bình, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời đô về Hoa Lư để khẳng định chủ quyền đất nước, bờ cõi Nam Bắc phân chia rõ ràng. Đây là “Thắng lợi của xu hướng thống nhất quốc gia, thắng lợi của tinh thần dân tộc và ý chí độc lập mạnh mẽ của nhân dân”(1). Nhà sử học Lê Văn Hưu đã đánh giá Đinh Tiên Hoàng: “Tiên Hoàng tài năng sáng suốt hơn người, dũng lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, đánh một cái mà 12 sứ quân thần phục hết, rồi mở nước đóng đô, đổi xưng hoàng đế, đặt trăm quan, dựng sáu quân, chế độ gần đủ, chắc ý trời vì nước Việt ta lại sinh ra bậc thánh triết để tiếp nối chính thống”(2).
Năm 979, Đinh Tiên Hoàng và người con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn bị giám quan Đỗ Thích ám sát. Người con trai thứ là Đinh Toàn mới 6 tuổi được phò tá lên ngôi vua. Vị vua 6 tuổi được Thái hậu Dương Vân Nga và Thập đạo tướng quân Lê Hoàn nhiếp chính. Đinh Toàn ở ngôi được 8 tháng thì bị phế truất, nên sử sách gọi là Đinh Phế đế. Triều nhà Đinh tồn tại 12 năm, trải qua 2 đời vua: Đinh Tiên Hoàng (968 - 979), ở ngôi được 12 năm, thọ 55 tuổi. Đinh Phế Đế (979 - 980).
Nhà Tống nghe tin Đinh Tiên Hoàng mất, thừa cơ đưa quân sang xâm lược nước ta. Để bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thuận theo lòng người, Thái hậu
Dương Vân Nga cùng tướng sĩ, quan lại tôn Lê Hoàn lên ngôi vua và phế truất Đinh Toàn. Sau khi lên ngôi (980), Lê Hoàn đã lãnh đạo quân dân nước ta đánh bại cuộc xâm lăng của nhà Tống.
Thời Tiền Lê, sau cuộc kháng chiến chống Tống thắng lợi, Lê Hoàn một mặt bảo vệ vững chắc biên giới phía Bắc phía Nam của tổ quốc, một mặt đẩy mạnh cuộc xây dựng đất nước trong bối cảnh hòa bình. Nhà vua vẫn lấy Hoa Lư làm kinh đô của đất nước. Tại Hoa Lư cung điện được trang trí lộng lẫy, đền miếu chùa chiền được xây dựng nhiều thêm.
Triều Tiền Lê kéo dài 29 năm, trải qua 3 đời vua Lê Đại Hành (980 - 1005), Lê Trung Tông (1005), Lê Long Đĩnh (1005 - 1009). Sau khi Long Đĩnh chết, triều đình tôn phù Lý Công Uẩn lên ngôi vua, lập ra triều Lý (1009 - 1225).
1. Con đường Phật giáo từ Luy Lâu đến Cố đô Hoa Lư:
Cho tới nay, nhiều học giả cho rằng Phật giáo đã du nhập vào nước ta trong khoảng thế kỷ I đầu Công nguyên.
Vào thời Hán, có ba trung tâm lớn của Phật giáo là trung tâm Luy Lâu ở Giao Chỉ, trung tâm Lạc Dương ở Hà Nam (kinh đô nhà Hậu Hán), trung tâm Bành Thành ở Giang Tô. Theo Nguyễn  Lang, trong ba trung tâm Phật giáo kể trên vào thời Hán thì trung tâm Phật giáo Luy Lâu tại Giao Chỉ được hình thành sớm nhất, từ trung tâm này Phật giáo đã được truyền đi, tới các miền nội địa Trung Quốc và lan tỏa ra khắp nơi trong nước ta.
Sách Thiều uyển tập anh chép việc nhà sư Đàm Thiên tâu với Tùy Văn Đế rằng: “Xứ Giao Châu có đường thông trực tiếp với Thiên Trúc. Khi Phật pháp mới đến Giang Đông chưa đầy đủ thì ở Luy Lâu của Giao Châu đã có tới 20 bảo tháp (chùa), độ được 500 vị tăng và dịch được 15 cuốn kinh… Như vậy là Phật giáo truyền đến Giao Châu trước khi truyền đến Giang Đông vậy. Hồi ấy các vị tăng như Maha kỳ vực, Khương Tăng Hội, Chi Cương Lương, Mâu Bác… cư trú tại đó. Nay lại có Pháp Hiền thượng sĩ, đắc pháp với Tỳ Ni Đa Lưu Chi, truyền bá tông chỉ của Tam tổ, là một vị Bồ Tát sống, cư trú tại chùa Chúng Thiện, dạy dỗ giáo hoá đồ chúng có hơn 300 người, không thua gì ở Trung Quốc. Bệ hạ là bậc cha hiền khắp chốn, muốn bình đẳng bố thí, nhưng đất kia đã có người rồi, ta không cần gửi người tới nữa” (3).
Các nhà sử học lại còn cho biết trung tâm Luy Lâu được hình thành do sự viếng thăm của những thương nhân và tăng sĩ Ấn Độ theo những thương thuyền mà tới qua đường biển và đường sông. “Trong các chuyến đi xa hàng năm về phương Đông tìm mua hương liệu, quế, tiêu, ngà voi, vàng ngọc… các thương thuyền Ấn thường đặt bàn thờ đức Bồ Tát Quan Thế Âm và đức Nhiên Đăng nổi tiếng là những vị che chở cho thủy thủ được an lành ngoài biển khơi… Vào thế kỷ thứ I trước công nguyên, khuynh hướng Phật giáo Đại thừa đã nảy nở tại Ấn Độ, các trung tâm A-ma-va-ra-ti, Na-ga-giu-na-kôn-đa ở miền ven biển đông nam Ấn Độ dần dần trở thành trung tâm Phật giáo Đại thừa quan trọng và phát triển ý hướng đem Phật giáo truyền bá sang các nước khác”(4).
Thời Sĩ Vương (187 - 226), Phật giáo ở Luy Lâu đã đi sâu vào dân gian và được Việt hóa. Luy Lâu lúc đó không chỉ là trung tâm Phật giáo mà còn là trung tâm văn hóa, chính trị của Giao Chỉ.
Vào năm 189, Hán Linh Đế băng hà, bên Trung Hoa loạn lạc, riêng vùng Giao Chỉ yên ổn, nên nhiều học giả, trí thức, các nhà sư kéo sang lánh nạn. Đại Việt sử ký toàn thư còn ghi: “Vương (Sĩ Nhiếp) độ lượng, khoan hậu, khiêm tốn, kính trọng kẻ sĩ, người trong nước yêu mến, đều gọi là Vương. Danh sĩ nhà Hán tránh nạn sang nương tựa có hàng trăm người”. Thời gian đó các nhà buôn, tăng sĩ từ Ấn Độ, Trung Á cũng đến vùng đất Giao Châu, họ mang đến những tri thức, văn hóa Ấn Độ trong đó có Phật giáo, Luy Lâu đã trở thành nơi giao lưu, hội tụ tinh tuý của các luồng tư tưởng, văn hóa. Người dân Giao Chỉ với bản chất yêu hoà bình, thích làm điều thiện, đã trở thành một vùng đất tốt cho Phật giáo phát triển. Từ trung tâm Luy Lâu, Phật giáo đã lan toả ra khắp nước ta vào các thế kỷ tiếp theo với các dòng thiền nổi tiếng như dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, dòng thiền Vô Ngôn Thông, thiền phái Thảo Đường.
Dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi:
Vào năm 580 Tì Ni Đa Lưu Chi đã sang Giao Châu ở chùa Pháp Vân và lập ra thiền phái đầu tiên ở nước ta Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện là 4 ngôi chùa ở quanh Luy Lâu đều được xây dựng dưới thời Sĩ Nhiếp.
Dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi được hình thành từ năm 580 cuối thế kỷ VI phát triển và kéo dài cho đến cuối thời Lý, đầu đời Trần, thế kỷ XIII, tồn tại trong vòng 6 thế kỷ, gồm 19 thế hệ và 28 vị thiền sư : Người khai sáng là Ti Ni Đa Lưu Chi (? - 594), người đời thứ 19 là Y Sơn (? - 1213), được ghi lại trong Thiền uyển tập anh. Các thiền sư trong dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi đều là những bậc đại trí thức, họ giỏi cả tiếng Phạm lẫn tiếng Hán, hiểu sâu cả tam giáo Phật, Lão, Nho.
Đến sau này trong các dòng viết về tiểu sử Đỗ Pháp Thuận là thiền sư thuộc thế hệ thứ 10 của dòng thiền này cho chúng ta được biết, ông sinh năm 915 mất năm 990, chưa rõ quê quán ở đâu, ông sống vào thời Tiền Lê, nửa sau thế kỷ X. Đỗ Pháp Thuận (杜法順) là người học rộng, có tài văn thơ, cố vấn cho triều đình hoạch định nhiều sách lược nội trị, ngoại giao. Bài thơ hiện còn là bài thơ để trả lời Lê Đại Hành hỏi về vận nước, khoảng sau chiến thắng giặc Tống xâm lược (981), nguyên văn bài thơ như sau:
國祚如藤絡
南天理太平
無為居殿閣
處處息刀兵
Phiên âm:
Quốc tộ như đằng lạc
Nam thiên lý thái bình
Vô vi cư điện các,
Xứ xứ tức đao binh.
Dịch nghĩa:
Vận nước nhà như dây leo quấn quít.
Ở cõi trời Nam giải quyết việc thái bình
Nếu “vô vi” ở trên điện các.
Nơi nơi sẽ không còn cảnh chiến tranh.
Về quan niệm “Vô vi” của thiền sư Đỗ Pháp Thuận, qua bài thơ trên đã cho thấy ông rất am hiểu tư tưởng Lão Tử, “vô vi” nghĩa là không làm điều gì trái với quy luật tự nhiên. Đạo gia cho rằng "vô vi" là sự thể hiện bản tính của "đạo" trong chính trị nhân sinh, phái này chủ trương "xử theo việc vô vi, Thực hành lời dạy không lời" (xử vô vi chi sự, hành bất ngôn chi giáo. Lão tử, chương 2). Còn Nho mượn chữ "vô vi" của Đạo gia để biểu thị phương sách đức trị. Thời Xuân Thu Chiến Quốc coi "vô vi" là thuật trị nước của người làm vua. Vô vi theo Phật giáo, trong tiếng Phạn là Asamskrte, chỉ sự việc không phải hình thành do nhân duyên hòa hợp, không có sự tồn tại tuyệt đối của sinh diệt biến hóa. Vốn là tên khác của Niết bàn. Vô vi pháp (無為法), thuật ngữ Phật giáo chỉ chân lý tuyệt đối hoặc tồn tại tuyệt đối, vĩnh hằng bất biến. Nghĩa là Phật lý, Thực tướng Niết bàn.
Về thiền sư Vạn Hạnh (? - 1018) (萬行), trong sách vở trước đây đã ghi: Thiền sư họ Nguyễn, người Châu Cổ Pháp (nay thuộc Đình Bảng, Tiên Sơn, Bắc Ninh), là thiền sư thuộc thế hệ thứ mười hai dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, thông hiểu tam giáo (Phật, Đạo, Nho). Ông từng cố vấn cho Lê Đại Hành chống giặc Tống, lại là người góp phần quan trọng đưa Lý Công Uẩn  lên ngôi vua, sáng lập ra triều Lý. Khi ông mất, vua Lý Nhân Tông có bài truy tán:
萬行融 三際
真符古讖詩
鄉關名古法
拄錫鎮王畿
Phiên âm:
Vạn Hạnh dung tam tế.
Chân phù cổ sấm thi
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ.
Dịch nghĩa:
Thiền sư Vạn Hạnh thông suốt ba cõi,
Những lời sấm thi cổ rất linh nghiệm.
Từ làng quê Cổ Pháp nổi tiếng,
Chống gậy tầm xích trấn vững kinh kỳ.
Dòng thiền Vô Ngôn Thông:
Dòng thiền Vô Ngôn Thông xuất hiện tại nước ta bắt đầu từ năm 820, do thiền sư Vô Ngôn Thông, người họ Trịnh quê tại Quảng Châu (Trung Quốc) sang Việt Nam. Thiền phái đó tồn tại và kéo dài đến năm 1299, năm vua Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử xuất gia, lấy pháp hiệu Hương Vân Đại Đầu Đà. Thiền phái Vô Ngôn Thông đã tồn tại ở nước ta khoảng gần 500 năm qua 15 thế hệ, với 39 thiền sư, có sơ tổ là thiền sư Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ nhất là nhà sư Cảm Thành (? - 860), thế hệ thứ mười lăm là Cư sĩ Ứng Vương. Trong đó có các nhân vật nổi tiếng như: Vân Phong, Khuông Việt, Viên Chiếu, Lý Thái Tông, Mãn Giác, Không Lộ, Giác Hải…
Theo các học giả cho biết “Nếu như thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi có tinh thần nhập thế rõ nét thì thiền phái Vô Ngôn Thông còn có tinh thần nhập thế tích cực hơn”.(4)
Dưới thời Đinh Tiên Hoàng trong dòng thiền Vô Ngôn Thông có Khuông Việt đại sư, Ngô Chân Lưu (933 - 1011) (匡越大師 - 吳真流) người hương Cát Lợi, huyện Thường Lạc, nay thuộc huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Thuở nhỏ ông học đạo Nho, lớn lên đi tu, là học trò sư Vân Phong ở chùa Khai Quốc, thành Đại La. Năm 40 tuổi, nổi tiếng tinh thông thiền học, được Đinh Tiên Hoàng ban hiệu là Khuông Việt đại sư và phong chức Tăng Thống, coi trọng ông như Quốc sư.
Năm 986, đời Lê Đại Hành, ông và sư Pháp Thuận được cử ra giao tiếp với sứ giả nhà Tống là Lý Giác, ông đã sáng tác bài Vương lang quy từ để tặng Lý Giác…
Như vậy với sự xuất hiện của các thiền sư Khuông Việt, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh tại kinh đô Hoa Lư dưới các triều đại Đinh, Tiền Lê đã cho chúng ta hình dung con đường Phật giáo từ Luy Lâu đến kinh đô Hoa Lư.
2. Cố đô Hoa Lư - Một trung tâm Phật giáo thế kỷ X - XI ở nước ta:
Hoa Lư một vùng núi sông trùng trùng điệp điệp, thành trì hiểm yếu, trên bộ có núi rừng, đường thủy có sông dài vươn ra biển cả, trước mắt là đồng bằng thuận tiện vào Nam ra Bắc. Nơi đây là “Kinh đô đầu tiên của nhà nước phong kiến Trung ương tập quyền ở Việt Nam. Kinh đô này tồn tại 42 năm (968 - 1010) gắn với sự nghiệp của ba triều đại liên tiếp là nhà Đinh, nhà Tiền Lê và (buổi đầu) nhà Lý với các dấu ấn lịch sử thống nhất giang sơn đánh Tống - dẹp Chiêm và phát tích quá trình định đô Thăng Long”.
Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn còn ghi: “Hoa Lư là kinh đô của nhà Đinh, nhà Tiền Lê ở xã Trường Yên Thượng và Trường Yên Hạ, ở phía tây bắc huyện Gia Viễn, có nội thành và ngoại thành, có cửa xây bằng đá, lại có các địa danh: Cầu Đông, Cầu Dền, Cầu Muống, Tràng Tiền, Chùa Tháp, chùa Nhất Trụ… mà nay nền cũ vẫn còn, khi Lý Thái Tổ dời đô đến Thăng Long đều dùng theo các danh hiệu ấy..”
Vào buổi đầu dựng nền độc lập dân tộc, dưới thời Đinh, Tiền Lê, Lý, Phật giáo là tôn giáo được coi trọng. Các nhà sư lúc đó là tầng lớp trí thức trong xã hội, nhà chùa trở thành trung tâm phổ biến sự hiểu biết về thế giới quan, nhân sinh quan…
Các dòng thiền Tì Ni Đa Lư Chi, Vô Ngôn Thông ở thời kỳ này đã hòa quyện với tín ngưỡng, văn hóa bản địa để tạo nên một nét văn hóa riêng, mang đậm đà bản sắc dân tộc Việt. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần độc lập dân tộc luôn là tư tưởng xuyên suốt trong thời kỳ dựng nước và giữ nước.
Tại kinh đô Hoa Lư, dưới thời Đinh Tiên Hoàng, thiền sư Ngô Chân Lưu được phong Tăng thống,  một chức quan đứng đầu các tăng đạo và được mang hiệu là Khuông Việt đại sư, tức là vị đại sư khuông phù nước Việt. Đạo Phật dần chiếm ưu thế, trở thành Quốc giáo, nhiều chùa tháp được xây dung tại kinh đô Hoa Lư.
Tại bờ sông Hoàng Long, cách đền vua Đinh ở Hoa Lư khoảng 2km, năm 1963 người ta đã đào một cột đá có 8 mặt khắc những chữ Hán ghi âm tiếng Phạn. Từ những dòng chữ Hán ghi âm đó GS. Hà Văn Tấn đã giới thiệu và dịch ra tiếng Việt. Đó là bài thần chú nguyện tăng tuổi thọ, có tên là Phật Đỉnh Tôn Thắng Đà La Ni… dưới bài thần chú có ghi rõ Đinh Liễn đã cho dựng 100 cột kinh Phật như vậy vào năm Quý Dậu, tức năm 973, Đinh Liễn là con trưởng của vua Đinh Tiên Hoàng.
Ít lâu sau, một cột kinh thứ hai được phát hiện ở Hoa Lư, ngoài bài thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng, trên cột kinh này còn có những bài kệ bằng chữ Hán. Cũng theo GS. Hà Văn Tấn những bài kệ này mang tư tưởng Phật giáo Đại thừa và nhuốm màu sắc Mật giáo(6).
Sau đó Sở Văn hóa - Thông tin Ninh Bình đã có một phát hiện khá quan trọng: tìm thêm được 16 cột kinh nữa ở Hoa Lư, đây là những cột bằng đá có 8 mặt khắc chữ, dài từ 50cm đến 67cm. Vì ở lâu dưới mặt đất nên nhiều cột kinh bị hỏng… May mắn có ba cột kinh còn nguyên vẹn, các dòng chữ gần như còn đầy đủ. Có thể dựa vào các cột này khôi phục văn bản trên các cột bị mất chữ, giống các cột kinh, phát hiện lần này đều có khắc bài thần chú Phật Đỉnh Tôn Thắng ghi âm tiếng Phạn. Những điểm khác trước đáng chú ý là trên cột kinh này đều có một đoạn trình bày lý do dựng cột kinh của Đinh Liễn. Theo đoạn này, Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn đã dựng 100 cột kinh để cầu nguyện cho vong hồn người em bị ông ta giết được giải thoát…
Trên các cột kinh có chỗ nhắc đến vua Đinh Tiên Hoàng với đế hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng đế…”(7)
Với 100 cột kinh do Nam Việt Vương Đinh Khuông Liễn đã dựng nên thì chúng ta có thể đoán được rằng: có tới hàng chục ngôi chùa được xây dựng dưới thời Đinh để đặt những cột kinh đó.
Đến thời Tiền Lê các thiền sư Ngô Chân Lưu, Đỗ Pháp Thuận, Vạn Hạnh cũng tham gia chính sự, các thiền sư đều là những người uyên bác, có tài thơ văn, cố vấn cho triều đình, định ra những sách lược về nội trị, ngoại giao của đất nước. Phật giáo thời kỳ này tiếp tục phát triển và có vai trò quan trọng đối với xã hội Việt Nam thời đó.
Tại ngôi chùa Nhất Trụ nằm trên thôn Yên Thành, xã Trường Yên, Hoa Lư được xây dựng từ thời Tiền Lê, nay còn lưu giữ cột kinh đá do vua Lê Đại Hành (980-1005) cho làm vào niên hiệu Ứng Thiên thứ 2 (năm 995). “Nội dung văn bản được khắc trên cột đá là kinh Đà La Ni… và bài thần chú ca ngợi sự bền vững của đức hạnh Phật, sự to lớn, bao trùm của trí tuệ, tài năng Phật Như Lai”(7).
Ngoài chùa Nhất Trụ ra, ngày nay tại cố đô Hoa Lư chúng ta còn tìm thấy dấu tích nhiều ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời Đinh, Tiền Lê như: Chùa Am tại thôn Yên Trung, xã Trường Yên, Hoa Lư. Chùa Ngần tại xứ Ngần thôn Chi Phong, xã Trường Yên, Hoa Lư, chùa Ngần được xây dựng vào thời Tiền Lê. Chùa Hoa Sơn tại thôn Áng Ngữ, xã Ninh Hòa, Hoa Lư; chùa ở lưng chừng núi Chùa, thuộc dãy núi phía đông nam cố đô Hoa Lư; tương truyền thời nhà Đinh, chùa là nơi nuôi Ấu Chúa, nên còn gọi là Phôi Sinh Tự. Chùa Bàn Long lấy động núi làm chùa, chùa trong Đại Tượng Sơn tại thôn Khê Đầu Thượng, xã Ninh Xuân, Hoa Lư, Bàn Long là ngôi chùa có trước thời Đinh… và các ngôi chùa khác như chùa Thiên Tôn, chùa Tháp Báo Thiên, chùa Đìa, chùa Bà Ngô tại cố đô Hoa Lư được xây dựng vào thời Đinh.
Ngược dòng lịch sử, vào thời kỳ đầu dựng nước, thời Đinh - Tiền Lê (968 - 1009), Phật giáo được coi là tôn giáo chính của dân tộc Việt Nam, tư tưởng Phật giáo về nhân sinh quan thế giới quan đã chi phối tích cực đối với đời sống xã hội. Các thiền sư đã trở thành những bậc trí giả có nhiều đóng góp quan trọng đối với triều đại Đinh - Tiền Lê.
Cố đô Hoa Lư trở thành một trung tâm Phật giáo thế kỷ X - XI ở nước ta.
                                           N.N.N

Chú thích:
1. Lịch sử Việt Nam Nxb. KHXH, H., tr.114.
2. Đại Việt sử ký toàn thư. Nxb. Văn hóa - Thông tin, tr.205.
3. Thiền uyển tập anh. Phân viện nghiên cứu Phật học và Nxb. Văn học, H. 1994.
4. Lịch sử Việt Nam. Phan Huy Lê, Trần Quốc Vượng, Hà Văn Tấn… Nxb. Đại học và giáo dục chuyên nghiệp, H. 1991, tr.257.
5Nguyễn Hùng Hậu: Đại cương triết học Phật giáo Việt Nam, Tập I. Nxb. KHXH, H. 2002.
6. Theo Hà Văn Tấn: Từ một cột kinh Phật năm 973 vừa phát hiện ở Hoa Lư - Nghiên cứu Lịch sử, số 76, tháng 7/1965.
Hà Văn Tấn: Cột kinh Phật thời Đinh thứ hai ở Hoa LưKhảo cổ học số 5-6 tháng 6/1970.
7. Chùa Ninh Bình. Lã Đăng Bật, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2007./.
Tác giả gửi cho VHNA

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét