Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Trận địa cọc Bạch Đằng

Trận địa cọc Bạch Đằng


Trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc có một sự lặp lại nổi tiếng trong lịch sử quân sự thế giới vô cùng tự hào: Ba lần đánh thắng ngoại xâm, tại cùng một điểm quyết chiến chiến lược - cửa sông Bạch Đằng.
Sử liệu…
Năm 938, trận Bạch Đằng thứ nhất, Ngô Quyền chỉ huy trận chiến diễn ra trong gần một ngày đánh tan quân Nam Hán. Quân địch thương vong quá nửa, tướng Hoằng Tháo (trước đọc là Hoàng Thao) chết trận. Giặc hoàn toàn tan rã. Vua Nam Hán cho quân tiếp viện, nửa đường biết tin Hoằng Tháo bại trận liền rút về. Ý chí xâm lược của quân Nam Hán tiêu tan. Chưa đến nửa thế kỷ sau, năm 981, giặc lại kéo sang, hai tướng Tồn Toàn Hưng và Hầu Nhân Báo theo đường Lạng Sơn kéo xuống, Lưu Trừng theo đường biển kéo lên. Vua Lê Hoàn tự cầm quân đánh giặc, bắt sống Tồn Toàn Hưng và Hầu Nhân Báo (?) đem về kinh đô Hoa Lư. Giết Lưu Trừng cũng ở chính cửa sông Bạch Đằng. (Lê Hoàn mất năm 1005, trị vì được 12 năm)

Trong gần hết thế kỷ XIII, phần lớn châu Á, châu Âu đều bị vó ngựa quân Nguyên Mông giày xéo. Nhưng khi quay sang đánh chiếm nước ta ba lần thì cả ba lần đều thất bại. Lần thứ nhất đầu năm 1258, Hốt Tất Liệt đem 3 vạn quân, theo đường bộ ven sông Hồng đánh xuống Thăng Long, chiếm được thành, nhưng ngày 29/1/1258 quân ta phản công buộc người ngựa thua chạy bán sống bán chết về nước. Gần 30 năm sau, năm 1285, Hốt Tất Liệt sai con trai là Thoát Hoan mang 60 vạn quân theo ba mũi từ Lạng Sơn xuống, từ Quy Hóa (Lào Cai nay) theo sông Chảy đánh xuống. Mũi thứ ba từ Chăm pa tiến ra. Vua Trần mở Hội nghị bô lão ở Diên Hồng, hạ quyết tâm Sát Thát.
Lần thứ hai Trần Quốc Tuấn lại thống lĩnh toàn quân, tổ chức chặn đánh tiêu hao giặc. Đến tháng 5/1285 ta tổ chức phản công, trong gần 6 tháng ta đã quét sạch chúng ra khỏi bờ cõi. Cay cú vì đội quân chưa từng nếm mùi thất bại suốt từ Á sang Âu, giờ đây lại bị Đại Việt đánh tơi bời, tháng 12/1287 quân Nguyên lại kéo sang, quyết làm cỏ Đại Việt. Vẫn hai mũi đường bộ như lần đánh trước, mũi thứ ba theo đường biển tới Vân Đồn (Hạ Long) để vào Bạch Đằng, rồi ngược lên, hội với hai cánh quân kị binh và bộ binh ở Vạn Kiếp. Nơi này được xây dựng thành một hậu cứ hậu cần, rồi từ đó mới tiến đánh Thăng Long. Nhưng khi chiếm được Thăng Long thì chỉ còn cái thành trống rỗng, vì quân ta đã rút về hạ lưu sông Hồng. Vậy là ta đã rút lui chiến lược thành công.
Chiến lược đánh nhanh thắng nhanh của giặc hoàn toàn phá sản. Đánh không được, giữ không xong, vừa bị bao vây cô lập, bị tập kích phục kích, đánh tiêu hao. Lương thực không còn, đợi mãi không thấy đoàn thuyền lương Trương Văn Hổ đâu. Phái quân thủy đi tìm mới biết đoàn thuyền lương đã bị tiêu diệt, đành bỏ Thăng Long quay về Vạn Kiếp và chỉ còn có nước… chuồn, theo hai hướng: đường biển theo đường thủy chạy trước, đường bộ theo đường Lạng Sơn chạy sau. Đúng hoàn toàn dự đoán của Trần Quốc Tuấn, chỉ không biết mũi nào chạy trước mũi nào chạy sau thôi. Nhưng mũi nào cũng đều nằm trong kế hoạch bài binh bố trận của Tiết chế Thống lĩnh rồi.
Do nắm chắc chế độ thủy triều nên quân bộ ta hai bên bờ, quân thủy trên những chiếc thuyền nhẹ bằng mọi cách kìm đoàn thuyền giặc để chúng không thể tháo chạy nhanh được. Cả một cửa sông đổ ra biển, đoạn từ ghềnh Cốc (núi Tràng Kênh) đến ngã ba sông Chanh, sông Kênh, sông Rút, mặt nước vẫn phẳng lặng, êm đềm hiền lành trôi ra bể. Nhưng….
Hai bên bờ các lạch, các sông nhánh thuộc Thủy Nguyên (Hải Phòng nay), Yên Hưng (Quảng Ninh nay) bộ binh, thủy binh ta đã mai phục. Cuối tháng 3 giặc rút qua sông Kinh Thầy trên bờ (có kị binh hộ tống), nhưng bị ta phá cầu, đánh chặn phải quay lại Vạn Kiếp rút ngược lên đường Lạng Sơn. Ngày 9/4, đại quân giặc về đến Bạch Đằng, thuyền ta  ra khiêu chiến, nhử thuyền giặc vào những trận địa đã chuẩn bị. Nước triều rút nhanh. Đột nhiên thuyền chiến giặc nghe lịch kịch ở đáy thuyền rồi nước ùa vào.
Minh họa của Lê Phương.
Thuyền chết cứng lại, quân giặc hoảng hồn trông thấy cả những chiếc cọc lim đầu bịt sắt nhọn chọc vào lòng thuyền mà thuyền quân ta lại tua tủa, thoăn thoắt lao vào phóng hỏa, những chiếc bị cọc sắt đóng đinh tại chỗ thì không xoay xỏa được, các chiếc khác cuống cuồng xô vào, tên bùi nhùi tới tấp chụp lửa xuống đầu quân giặc. Những chiếc thuyền chứa đầy cỏ, củi khô cháy rừng rực trôi theo dòng nước, gặp thuyền giặc, bà hỏa lập tức hoành hành. Thủy quân ta trên những thuyền nhẹ áp vào thuyền giặc, có sự hỗ trợ của các tay cung, nỏ, ném móc câu leo lên, đoản kiếm giắt lưng, mã tấu dáo dài, kiếm sắc trong tay, tả xung hữu đột mặc sức chém giết, cùng với những tiếng Sát Thát rợn người. Ta thu được hơn 400/500 chiến thuyền giặc, không kể bị cháy, bị đắm. Tướng Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp, Tích Lệ Cơ bị bắt sống.
Phỏng đoán
Qua ba lần Khoa Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội phối hợp với Ty Văn hóa Quảng Ninh khai quật vào các năm 1958, 1965, 1969, đào được hơn 200 cọc bằng gỗ lim. Phần ngập sâu trong bùn cát từ 0,5 – 1m vẫn còn nguyên vỏ. Chúng tôi suy đoán là, lúc đóng xuống, nó là khúc gỗ tươi nên chưa bị tróc vỏ. Cọc dài nhất 2,8m, ngắn nhất 1,75m, đường kính lớn nhất 0,31m, nhỏ nhất 0,23m. Cọc được đóng hơi nghiêng ngược chiều với hướng nước chảy. Tại sao lại nghiêng như thế? Chắc hẳn ông cha ta đã tính toán kỹ, để khi thuyền chiến giặc rút lui, nghĩa là trôi xuôi theo dòng nước, thì sẽ bị cọc đâm ngược vào đáy thuyền. Lực xuyên sẽ mạnh hơn, dễ bị xô thủng hơn. Nếu cọc đứng khi gặp đáy thuyền chà qua lực đâm sẽ yếu hơn và rất có thể bị xô nghiêng. Nếu cọc nghiêng cùng chiều với dòng nước xuôi lực đâm sẽ yếu hơn, thậm chí có thể bị trượt trên mặt đáy thuyền như bị cào xước sâu trên mặt gỗ thôi.
Trong số cọc ấy có hai cái nhỏ hơn dài 1,2 - 1,3m, đường kính 0,2m, một nửa được đẽo vạt phẳng mặt, nửa kia đẽo nhọn. 4 cái lớn hơn dài 1,5m, đường kính 0,25m, cũng được chế tác như vậy. Những người khai quật đồ rằng đó là vồ đóng cọc. Hoặc ông cha ta đã dùng một cách nào đó để đóng cọc.
Nếu dùng vồ, búa hay bất kỳ một vật gì để đóng thì về tương quan trọng lượng giữa chúng phải chênh nhau rất nhiều. Thêm nữa, nó phải được chế tác thế nào đó để cho một người, và chỉ một người thao tác thôi. Cái vồ, cái búa nhỏ thì dùng một tay, nặng thì phải dùng hai tay. Một cái đầm gang dùng để đầm đất 5 cân, có cán dài, một người dùng hai tay nhấc lên cao 2 - 30 cm rồi thả rơi tự do xuống để đầm đất làm nền đường tàu hỏa thì chiếc đầm phải hơn 10 cân, buộc thêm hai thanh ngang để hai người đứng đối diện nhau, bốn tay cùng nhấc cao lên, cùng thả xuống tạo lực nén lớn. Nếu dùng vồ hay búa đóng cọc lim to như thế, nặng như thế thì chiếc vồ, chiếc búa phải nặng chừng nào? Ai vác nổi? Chưa nói làm sao để hai tay giơ lên cao bổ xuống được? Đến một cây cọc, một người còn chưa vác nổi, nữa là một cái vồ?
Ấy là chưa kể, cây cọc lim tươi ấy, lại phải dùng rìu đẽo cho nhọn cả hai đầu. Nhọn đầu dưới để dễ xuyên xuống bùn đất cát. Nhọn đầu trên để còn chụp vừa khít một cái nón sắt nhọn vào để nó dễ xuyên thủng đáy thuyền giặc. Nếu đóng cọc cho chắc rồi mới đẽo nhọn đầu trên thì không thể làm được. Vì không làm sao mà đưa nhát rìu, đẽo ngược từ dưới lên, ngược với sức hút trái đất được. Phải đẽo trước rồi mới đóng. Thế thì nó tòe mất hết đầu nhọn rồi còn gì.
Ấy là chưa kể, đứng ở đâu cho chắc chân, cao ngang tầm cái cọc cao gần 3 m ấy hoặc dài gấp nhiều lần khi đóng ở chỗ sâu thì mới đóng được chứ. Ấy là chưa kể làm sao đóng được khi cọc đã ngập sâu dưới mặt nước hàng sải nước, ngay cả khi nước triều xuống thấp nhất? Có người đoán, ông cha ta đã dùng ròng rọc, buộc trên nóc một cái cọm gầu ba chân như cọm gầu sòng bây giờ, vài người dùng dây kéo một quả búa sắt nặng hai ba chục cân lên cao rồi thả cho rơi tự do xuống, tạo một động năng lớn tác động vào cọc. Nhưng ai chứng minh được thời ấy ta đã chế tác ra cái ròng rọc, để ngày nay vẫn dùng cách đóng cọc này với các công trình không cần độ nén cao.
Giải pháp của chúng tôi là cắm mà không phải là cắm, đóng mà không phải là đóng. Lựa lúc thủy triều thấp nhất, dùng thuyền chở cọc đến địa điểm đã được xác định. Nhiều người khiêng cọc xuống, dựng cho cọc đứng đúng vào vị trí chỉ định, hơi chếch theo chỉ đạo của các bô lão. Dùng một đoạn tre đực dài chừng 40 - 50 cm, buộc ngang thân cọc (kiểu thợ xây buộc giàn giáo), cách mặt bùn cát chừng 1m (làm sao để trèo lên dễ dàng). Hai người to khỏe trèo lên, đứng đối diện nhau qua cọc lim, hai tay giữ chắc cột, trong khi ba bốn người đứng ngập chân trong bùn đất vẫn giữ cho cọc đứng nghiêng theo yêu cầu, hoặc hai chiếc thuyền nan vẫn giữ cho cọc đứng yên (ở chỗ nước ngập đầu người). Phải chằng néo thế nào để giữ thuyền không trôi khi triều xuống nhanh.
Hai ba nào! Hai người đứng trên hai đoạn tre cùng lắc một nhịp, cho trọng lượng mình và trọng lượng cọc cùng cộng hưởng, thành lực tổng hợp buộc cọc xuyên sâu xuống nền bùn cát. Đến lúc không xuyên xuống được nữa, thì tháo đoạn tre ra, buộc lên cao hơn, và buộc thêm một đoạn tre nữa để không chỉ hai mà bốn người lực lưỡng khác đứng lên, cùng lay lắc theo nhịp…
Cứ thế, để 2, 4, 6 người thành hai, ba tầng người cùng lắc một nhịp. Bao giờ đạt đến độ vững chắc cần thiết, chìm dưới mặt nước triều một mức nào đó theo tính toán của các bô lão mới thôi. Những luồng sâu khi cọc sắp chìm dưới mặt nước thì ta đặt nối vào một đoạn cọc khác bằng cách ốp 4 nửa đoạn cây tre dài cỡ cái đòn gánh, lấy dây mây buộc thắt lại để lấy chỗ buộc cho người trèo lên lắc tiếp. Cho đến khi cọc đủ đứng chắc chân trong nền đất dưới đáy sông mới cởi dây mây ra, lấy đoạn cọc gá tạm đi, lắp nón sắt vào, trả lại mặt sông hiền hòa trôi, không ai biết dưới mặt nước hiền lành kia là những cái cọc ngầm đang đợi thuyền giặc.
Cái cọc được bố trí ở những luồng nước nông sâu thế nào đó, xen kẽ thế nào đó để đón lõng thuyền giặc sẽ phải qua, hoặc chặn đánh buộc chúng phải đi vào. Khai quật thấy mỗi hàng từ 2 đến 3 cái, mỗi cái cách nhau 1m, đủ thấy mọi việc đã được tính toán kỹ càng khoa học đến thế nào. Sử sách không ghi lại, nhưng hiệu quả của ba lần thảm bại của giặc ngoại xâm đủ khẳng định điều đó.
Vả lại, để chặn cửa mấy con sông ấy, phải có nhiều trận địa cọc, bố trí ở nhiều nơi, nhất là ở những luồng nước sâu nhiều chục sải tay (mỗi sải tay là 1m) thì cọc phải dài gấp nhiều lần chiều dài những cọc khai quật được. Khi giặc tan lại phải nhổ hết đi cho thuyền bè ta đi lại an toàn nên không còn lại cái nào. Trở lại chuyện chuẩn bị cho trận địa cọc. Tìm được cây ưng ý rồi, đốn hạ rồi, chặt hay cưa lấy đoạn thẳng, đẽo hai đầu cho nhọn, cũng là để nhẹ bớt khi khiêng vác ra cửa rừng, đưa xuống mảng, xuống thuyền, chở về nơi cất giấu.
Có thể chính là chỗ hang mà ngày nay gọi là hang Đầu gỗ chăng? Có lẽ phải gọi là hang Dấu gỗ mới đúng, nhưng do biến âm D thành Đ mà đọc thành Đấu gỗ chăng. Bởi trong ngôn ngữ nói, vẫn có hiện tượng D thành Đ như thế: Dĩnh ngộ thành Đĩnh ngộ, nổi dóa thành nổi đóa, diệu nghệ thành điệu nghệ, v.v…

  Nguyễn Bắc Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét