Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Đô thị Hoa Lư là một thành quân sự

Đô thị Hoa Lư là một thành quân sự


Kienviet
Người đầu tiên sáng lập kinh thành Hoa Lư cũng chính là vị vua sáng nghiệp triều Đinh – Đinh Tiên Hoàng. Nhà vua, trước đóng kinh đô ở thôn Đàm (nay là thôn Đàm Xá, xã Gia Tiên, huyện Gia Viễn) nhưng ở đây đất chật hẹp không có thế hiểm nên Đinh Tiên Hoàng chuyển đến dựng kinh đô mới ở Hoa Lư, đắp thành, đào hào, làm cung điện, đặt triều nghi…
Khai thác lợi thế quân sự được ưu tiên số một
Đinh Bộ Lĩnh, người sáng lập đô thị Hoa Lư và Lê Hoàn, người tiếp tục sử dụng Hoa Lư đều là những nhà quân sự. Vì lẽ đó mà với đô thị Hoa Lư khai thác lợi thế quân sự được ưu tiên số một. Đô thị Hoa Lư là một thành quân sự, một căn cứ thủ hiểm. Địa thế tự nhiên Hoa Lư đáp ứng rất tốt việc phòng thủ, bảo vệ chính quyền non trẻ của một chính thể vừa ra khỏi đêm trường Bắc thuộc hơn một nghìn năm qua.
Diện tích khu thành Hoa Lư khoảng 300ha, chia làm 2 khu vực: Khu thành ngoại và khu thành nội, với tất cả 10 trường thành nhân tạo. Khu ngoại thành khoảng 140ha và 5 tường thành thuộc thôn Yên Thượng và Yên Thành thuộc xã Trường Yên. Diện tích khu thành nội cũng khoảng 140ha. Hiện nay là thôn Chi Phong, xã Trường Yên và cũng có 5 tường thành. Thành nội và thành ngoại là hai khu vực cách biệt nhau, được nối với nhau bằng một ngách núi mà dân địa phương gọi là Quèn Vông. Những tường thành (5 khu nội và 5 khu ngoại thành) dài ngắn khác nhau tuỳ theo khoảng cách giữa hai dải núi mà người ta cần đắp để nối liền chúng lại. Tường thành dài nhất là tường Dền nối từ núi Sau Cái sang núi Cánh Hàn, dài 500m. Còn tường thành ngắn nhất là tường Bim, nối từ núi Mồng Mang tới núi Cổ Giải dài 65m.
Ngoài khu thành nội và thành ngoại nói trên, còn một khu thành nữa nằm về phía Nam, rộng khoảng 100ha. Đó là khu thành Nam, nối với khu thành ngoại bằng đường thuỷ, theo sông Trường qua sông Luồn và bằng đường bộ qua Quèn Trung Mộc.
Như vậy, kinh thành Hoa Lư, bao gồm thành nội, thành ngoại và thành Nam có chu vi trên 10km, với diện tích 400ha là một khu thành khá độc đáo ở Việt Nam. Những người sáng lập kinh thành, đô thị Hoa Lư là vua Đinh rồi vua Lê, triệt để dựa vào địa hình tự nhiên rồi xây thành đắp luỹ, tạo nên kinh thành, không khác biệt nhiều so với việc An Dương Vương xây thành Cổ Loa trước đó. Thành Hoa Lư có ba khu vực riêng biệt nhưng gắn bó. Để bảo vệ Hoa Lư, lại còn có một loạt cứ điểm phòng ngự từ xa đến gần và ở tất cả các mặt. Điểm nổi bật của toà kinh thành này là mang tính chất quân sự.
Đấy là kinh thành – quân thành Hoa Lư, tức là về phần đô của đô thị Hoa Lư. Còn phần thị ở đâu và có hay không?

Hình ảnh mô tả về cố đô Hoa Lư.
Phát hiện nhiều chứng tích quan trọng của một khu cư dân
Năm 1963, các nhà khảo cổ học đã phát hiện ở phía ngoài thành Hoa Lư, cách trung tâm kinh thành khoảng 2km về phía Bắc nhiều chứng tích quan trọng của một khu cư dân sầm uất bị vùi trong lòng đất ở độ sâu từ 1 – 3, 4m. Và sau đó rất nhiều khu dân cư – tức phần thị của Hoa Lư được phát hiện.
Dấu tích dân cư cổ nằm ven bờ sông Hoàng Long, kề sát với thành Hoa Lư. Những di vật của cư dân sống ở đây là đồ đất nung, gốm tráng men, gồm đồ dùng, đồ đựng (bát, đĩa, bình, vò, liễn, chậu, nồi niêu…). Một số có trang trí hoa văn: hoa sen, hoa cúc, có ghi chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyển”, Giang Tây quận”, “Lý gia đệ tam đế Long Thuỵ Thái bình tứ niên tạo”. Rất nhiều đồng tiền cổ từ thời Đường (618 – 790); Thời Tống (956 – 1284), tiền thời nhà Lý (1010 – 1225), thời Trần (1225 – 1400) và tiền thời Lê (1428 – 1527). Trong một chiếc liễn men vàng vẽ nâu, tìm thấy vết xương người hoả táng và tiền Khai nguyên thông bảo (đầu thế kỷ VIII).
Dấu vết kiến trúc ở đây khá rõ nét. Những di tích còn lại là gạch ngói, chân đá tảng, cột gỗ và đặc biệt là các cột kinh Phật có khắc chữ Phạn (chữ Ấn Độ cũ) cùng với chùa chiền và sinh hoạt tôn giáo. Con trai Đinh Tiên Hoàng là Đinh Liễn đã tạo dựng 100 cột kinh năm Quý Dậu 973 và bài kinh được khắc vào cột đá là “Phật đỉnh tôn thắng đà la ni” (một kinh phổ biến của Phật giáo Mật tông).
Như vậy, khu dân cư, phần “thị” của đô thị Hoa Lư đã tồn tại và phát triển. Phần “thị” ở ven sông Hoàng Long là một nguyên nhân và điều kiện để những người sáng lập và vận dụng Hoa Lư hồi thế kỷ X dựa vào cùng với thế hiểm của thung lũng Hoa Lư mà xây dựng nên đô thị Hoa Lư. Căn cứ vào tuổi của các di vật ta có thể biết được rằng: Khu vực này hình thành từ thời Bắc thuộc và tồn tại cho đến thời Lê. Sau khi Lý Công Uẩn dời kinh về Thăng Long, đô thị – kinh thành Hoa Lư dần bị lụi tàn, dân cư ngoài thành có thể đã dời vào chiếm lĩnh toà kinh thành hoang phế, biến nó thành một tụ cư nông thôn, trước khi hình thành một xã (xã Trường Yên) hiện nay.
Theo Bee


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét