Thứ Hai, 28 tháng 1, 2013

Đinh Bộ Lĩnh- Cuộc đời và những chiến công

Đinh Bộ Lĩnh- Cuộc đời và những chiến công

"Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Sử ta dạy cho ta những chuyện vẻ vang của tổ tiên ta...... Sử ta dạy cho ta bài học này: Lúc nào dân ta đoàn kết muôn người như một thì nước ta độc lập, tự do." Nhân đợt trại "Đinh Bộ Lĩnh II" gửi mọi người mẫu chuyện nhỏ " Cuộc đời và những chiến công lẩy lừng của Đinh Bộ Lĩnh - Đinh Tiên Hoàng". Để từ đó nâng cao lòng tự hào trong mổi chúng ta.


Từ cánh đồng ngoài xa, có tiếng kêu của ai đó về vách đá, vọng vào căn nhà giỗ ven núi:
- Thằng Bộ Lĩnh đánh chết người!

Bà Đàm ngừng tay đưa thoi, lắng nghe. Bà biết rõ con bà lắm. Thằng Bộ Lĩnh đã nhiều lần làm khổ bà vì cái tính nghịch ngợm và bướng bỉnh của nó. Còn giết người thì từ khi sinh ra, Bộ Lĩnh không ở với bố là Đinh Công Trứ đang làm thứ sử ở Hoan Châu mà ở Hoa Lưu với bà mười bốn năm nay, bà chẳng biết nó hay sao? Con bà không làm chuyện ấy. Lại có tiếng nói:

- Bà Đàm ra mà đền con cho người ta kìa!

Nó lại đánh nhau với con cái nhà ai rồi! Nghĩ vậy, bà Đàm đứng dậy, với tay cầm chiếc roi trên vách.

Vừa ra đến đầu động bà đã thấy lũ trẻ chăn trâu kéo nhau về. Một tốp cưỡi trâu đi trước, đứa nào đứa nấy kết lá làm bành, ngồi ngất nghểu trên lưng trâu. Tiếp theo, một tốp khác vác cờ lai đi như rước hội. Bộ Lĩnh đang chễm chệ ngồi trên tay hai đứa trẻ khoanh làm kiệu rước đi giữa, hai bê có mấy đứa cầm cờ lau kiếm gỗ hộ vệ. Bà Đàm bực mình, đi thẳng lại chỗ Bộ Lĩnh. Cây roi trong tay bà vừa vung lên thì Bộ Lĩnh đã tụt vội xuống đất, luồn qua tay bà, rồi chạy lên phía trước. Bộ Lĩnh nhảy tót lên lưng trâu, thúc trâu tế về phía núi.

Thì ra lũ trẻ chăn trâu động Hoa Lư cờ lau tập trận. Đánh nhau với một lũ trẻ khác, bị cướp mất trâu. Bộ Lĩnh giận đuổi bắt thằng bé đầu đàn, quẳng xuống sông. Khi thằng bé sắp chìm, Bộ Lĩnh lại nhảy xuống vớt lên...

Bà Đàm vừa giận con lại vừa lo lắng đến việc dạy con.

Lại một hôm, trong lúc cờ lau tập trận, đoàn trẻ chăn trâu Hoa Lư được tin lũ trẻ sách bên đang đi về phía chúng. Lập tức Bộ Lĩnh cho dàn trận, còn mình thì đeo lên một mỏm đá đứng chỉ huy, tay cầm bông lau là cờ hiệu, thanh kiếm gỗ đeo bên sường. Một trận chiến đấu ác liệt sẽ xảy ra. Không phải thế. Chúng đến để xin nhập bọn. Muốn nhập bọn với Bộ Lĩnh nhưng lại không chịu Bộ Lĩnh làm chủ tướng, nhao nhao đòi đọ tài vật xem ai khỏe hơn mới được làm chủ tướng. Tuy bé nhỏ hơn thằng bé đầu đàn của lẽ trẻ sách bên, nhưng Bộ Lĩnh không do dự, nhận lời đọ sức.

Hai đứa cởi áo xông vào vật nhau. Bộ Lĩnh dùng tài nhanh nhẹn của mình làm cho thằng kia ngả sấp xuống rồi chồm lên lưng hắn ngồi như cưỡi trâu. Thằng kia cố sức vùng dậy. Bộ Lĩnh thúc chân vào sườn hắn mà thét:

- Mau Lên! Cõng chủ tướng về hang núi khao quân!

Lũ trẻ reo lên cười nhìn thằng lớn cõng thằng bé. Có tiếng xì xào: "Thằng Bộ Lĩnh khôn quá, đáng mặt làm chủ tướng".

Thế là đoàn quân trẻ nhỏ lũ lượt diễu binh. Bộ Lĩnh ngồi trên kiệu đi giữa, có tả hữu hộ vệ. Rừng cờ lau đi động men theo sườn núi, tiến về hang đá. Đến nơi, Bộ Lĩnh để lũ trẻ đứng đợi, còn mình thì dẫn mười đứa về nhà.

Nhà Bộ Lĩnh ở cạnh đền Sơn Thần, cách động núi chừng nửa dặm. Hôm đó bà Đàm đi vắng, chỉ còn mấy gia đồng ở nhà. Con lợn hai người khiêng đang ở trong chuồng và mấy thùng gạo nếp được lũ trẻ mang đi theo lệnh của Bộ Lĩnh.

Trong hang núi, tiếng lợn kêu vang, khói bốc nghi ngút. Mùi thịt nướng ngầy ngậy, mùi xôi nếp thơm thơm bốc lên quyến rũ. Lũ trẻ háu đòi quây quần bên bếp lửa reo hò...

Tuổi niên thiếu của Bộ Lĩnh trôi qua với những ngày sôi nổi: Tập trận khao quân rồi lại tập trận khao quân. Cứ như thế, Bộ Lĩnh cùng lũ trẻ chăn trâu gắn bó với nhau như cá với nước.

Bà Đàm lo lắng vì Bộ Lĩnh quá nghịch ngợm nhưng bà cũng mừng thầm có đứa con hơn người. Các cụ bô lão truyền cho nhau: "Đứa trẻ này khí độ như thế tất sẽ làm nên việc lớn, bọn chúng ta nếu không về theo, ngày sau hối không kịp". Còn trẻ chăn trâu quanh vùng ngày càng mến phục và rủ nhau tìm về với Bộ Lĩnh.

Mọi người đang xôn xao vì chuyện cờ lau tập trận của cậu bé họ Đinh thì hàng loạt sự kiện lớn lao rung chuyển núi sông liên tiếp truyền đến Hoa Lư, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ để đoạt chức Tiết độ sứ. Rồi Ngô Quyền, thứ sử Ái Châu kéo quân ra hỏi tội kẻ phản trắc. Công Tiễn rước quân Nam Hán về chống lại Ngô Quyền. Cũng năm ấy, Ngô Quyền giết Công Tiễn và bố trí trận thủy chiến ở sông Bạch Đằng để chống giặc. Đội chiến thuyền của giặc Nam Hán cùng với tên tướng Hoằng Tháo bị chôn vùi dưới sông nước. Sông Bạch Đằng đỏ ngầu máu giặc. Đất nước thanh bình. Ngô Quyền lên ngôi vua và đóng ở Cổ Loa.

Năm ấy cậu bé họ Đinh vừa tròn mười sáu tuổi.

Cái tuổi mừơi sáu phơi phới yêu đời của Bộ Lĩnh không chỉ đủ vui với chuyện cờ lau tập trận nữa. Cậu mơ ước sẽ trở thành người chỉ huy thực sự, và muốn làm nên những công tích rung chuyển đất trời như người khác đã làm được. Đinh Bộ Lĩnh đang say sưa với niềm mơ ước đẹp đẽ của tuổi trẻ thì Đinh Công Trứ cha của Bộ Lĩnh, qua đời ở Hoan Châu.

Nhưng năm tháng thanh bình chưa được bao lâu, lại có tin sét đánh: Ngô vương Quyền mất ở Cổ Loa. Dương Tam Kha tiến ngôi vua, tự xưng là Bình Vương. Ngô Xương Ngập con trai của Ngô Quyền phải trốn tránh. Thổ hào các nơi rồi lên chiếm giữ mỗi người một vùng nhằm thôn tính lẫn nhau.

Thấy cảnh đất nước bị chia xé, nghĩ mình không thể ngồi yên được, Bộ Lĩnh liền họp bạn bè lại nói rằng:

- Chúng ta không tập trận giả như trước nữa phải đánh trận thật. Trai thời loạn không thể khoanh tay ngồi một xó mà nhìn. Đất nước đang cần đến chúng ta.

Ai nấy đều cho lời nói của Bộ Lĩnh là phải, liền chia nhau đi tập hợp các bạn bè, rủ nhau theo về với Bộ Lĩnh để cùng lo việc nước. Bộ Lĩnh mổ bò khao quân và kéo về đóng ở sách Đào Úc.

Cả châu Đại Hoàng đã thuộc quyền kiểm soát của Bộ Lĩnh, chỉ còn sách Bông do Đinh Dự chiếm giữ. Bộ Lĩnh đem quân đến thuyết phục. Đinh Dự ở sách Bông nghe tin quân Hoa Lư kéo đến, liến quát:

- Thằng Bộ Lĩnh này láo thật, nó dám đánh lại cả chú nó! Rồi tung quân ra đuổi đánh.

Thấy vậy, Bộ Lĩnh ngửa mặt lên trời than: "Trời ơi! Ta đâu muốn có chuyện nồi da nấu thịt này!" Bộ Lĩnh thu quân chạy. Đinh Dự đuổi đến Đàm Gia, thấy cầu gẫy, rút quân về.

Qua nhiều đêm suy nghĩ, Bộ Lĩnh quyết tâm thu phục sách Bông bằng được. Bộ Lĩnh tập hợp dư chúng, thu thậo thêm quân sĩ, lại dẫn đại quân đến sách Bông. Tới nơi, Bộ Lĩnh cho người mời Đinh Dự ra nói chuyện. Thấy quân của Bộ Lĩnh đông, Đinh Dự không dám tung quân đuổi đánh mà chỉ ra lệnh đóng chặt cổng, leo lên thành quan sát. Thấy chú, Bộ Lĩnh nói:

- Chú ơi! Cháu không chống lại chú, sao chú đuổi đánh cháu. Hiện nay đất nước loạn lạc, cả châu Đại Hoàng đều ở trong tay cháu, chỉ còn sách Bông của chú đứng một mình. Nếu mai đây có kẻ khác đến đánh phá, chú cháu ta mỗi người một phương, làm sao mà chống giữ nổi. Cháu muốn hội quân với chú để cùng lo việc lớn.

Đinh Dự cảm động. Mối tình máu mủ ruột thịt sống lại trong lòng ông già. Đinh Dự sai mở cổng đón Bộ lĩnh vào và giao sách Bông lại cho cháu.

Thu phục được sách Bông, thế lực của Bộ Lĩnh càng lớn mạnh. Nhưng chí lớn của Bộ Lĩnh không dừng lại ở một Châu nhỏ hẹp. Từ Hoa Lư, Bộ Lĩnh vẫn hàng ngày theo dõi tình hình loạn lạc đang diễn ra ở khắp nơi trên đất nước rộng lớn. Những tiếng kêu than rêu siết vì cảnh nồi da nấu thịt, những biến động lục đục ở triều đình Cổ Loa hàng ngày vẫn đến tai Bộ lĩnh.

Năm ấy ở Cổ Loa, Dương Tam Kha sau khi chiếm ngôi được sáu năm, sai Xương Văn cùng hai sứ là Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc đi đánh dẹp hai thôn ở Thái Bình. Đến Thanh Liêm, Xương Văn bàn với tướng sĩ dẫn quân về đánh úp Tam Kha, bắt được giáng làm Tương Dương công. Xương Văn giành lại ngôi vua, xưng là Nam Tấn Cương và đón Xương Ngập về cùng trông coi việc nước.

Thấy thế lực của Bộ Lĩnh ngày một mạnh, triều đình Cổ Loa muốn đánh dẹp để trừ hậu họa. Được tin, Bộ Lĩnh cho con trai là Đinh Liễn đến Cổ Loa để làm kế hòa hoãn. Nam Tấn Cương Thiên Sách Vương (Xương Ngập) bắt giữ Đinh Liễn rồi cắt quân đánh Bộ Lĩnh. Bộ Lĩnh đóng chặt cửa động, chống cự đến cùng. Đánh nhau với Bộ Lĩnh hơn một tháng trời không hạ được, Nam Tấn Vương bèn treo Đinh Liễn lên ngọn cây dọa nếu Bộ Lĩnh không hàng sẽ giết chết Đinh Liễn. Thấy vậy Bộ Lĩnh giận dữ quát:

"Bậc đại trượng phu lẽ nào vì con trẻ mà bỏ việc lớn"

Rồi sai hơn mười tay nỏ cùng nhắm vào Đinh Liễn chực bắn. Trước quyết tâm của Bộ Lĩnh, Nam Tấn Vương hoảng sợ không dám giết Đinh Liễn mà rút quân về. Bộ Lĩnh cười nói với chư tướng:

- À, ra Bộ Lĩnh này không sợ mất con mà lũ kia lại sợ mất đầu!

Sau đó Đinh Liễn được thả về Hoa Lư.

Đánh lui được quân của triều đình Cổ Loa, uy đanh của Bộ Lĩnh càng thêm lừng lẫy. Nhân dân kéo về theo Bộ Lĩnh ngày một đông. Quân dân châu Đại Hoàng càng vui mừng phấn khởi, còn riêng Bộ Lĩnh vẫn chưa vui. Đã nhiều lần đêm không ngủ, Bộ Lĩnh xách gươm đi tuần tra trong doanh trại. Nhìn núi non hùng vĩ tắm ánh trăng, nghe tiếng cuốc kêu ra rả trong ke núi, Bộ Lĩnh càng sốt ruột vì việc lớn chưa thành. Bộ Lĩnh cho gọi chư tướng đến cùng uống thưởng trăng. Thấy chủ tướng không được vui, có người hỏi. Bộ Lĩnh nói với mọi người:

- Non sông bị chia xé, nhân dân điêu đứng tan tác, cảnh nồi da nấu thịt đang diễn ra, ta e rồi đây chỉ làm mồi cho giặc. Trước tình cảnh ấy, các người bảo ta vui sao được.

Nhiều người bàn nên ra quân, Bộ Lĩnh lại nói:

- Con chim bằng bay xa hàng vạn dặm là nhờ có bộ cánh khỏe. Ta có các người như chim có bộ cánh. Nhưng chim thì bay trên trời còn ta lại vác gươm đi dưới đất. Ra quân, nhưng thế chưa vững, lực chưa mạnh, thì sao cho vẹn toàn!

Bộ Lĩnh quyết định đến cửa Bố nương nhờ Trần Lãm. Hiện Trần Lãm đang chiến giữ một vùng rộng lớn ở Bố Hải Khẩu, xưng là Trần Minh Công. Tuy có thế lực mạnh nhưng Trần Lãm đã già yếu. Chi bằng đến nương tựa và tìm cách thuyết phục. Mọi người cho kế đó là phải. Bộ Lĩnh tìm đến gặp Trần Lãm.

Trong một cuộc hội kiến, Trần Lãm hỏi Bộ Lĩnh:

- Đinh tướng quân đến mượn người mượn đất của ta chăng?

Bộ Lĩnh đáp:

- Thưa sứ quân, đất đai, quân dân ở châu Đại Hoàng hay cửa Bố đều là của chung thiên hạ, phải đâu riêng của ông hay của tôi, ma dám nói chuyện vay mượn?

Trần Lãm trừng mắt ngạc nhiên:

- Là của chung?

- Vâng, là của chung. Vì vậy tôi đến đây mong được ông sai bảo để cùng lo việc chung...

Trần Lãm đắc ý cười:

- Tiếng đồn về người con trai của thứ sử Hoan Châu quả không ngoa.

Trần Lãm nhận Bộ Lĩnh làm con nuôi. Thấy mình đã già yếu không lo được việc lớn nữa, ít lâu sau Trần Lãm giao cả binh quyền lại cho Bộ Lĩnh.

Một dải dãi đất rộng lớn từ châu Đại Hoàng đến Bố Hải Khẩu đều thuộc quyền điều khiển của Bộ Lĩnh.

Sau khi mở rộng được địa bàn hoạt động, Bộ Lĩnh lo thu phục nhân tài, rèn luyện quân sĩ, tích lương, chờ thời cơ ra quân để thống nhất đất nước.

Thời cơ đã đến.

Quân do thám cho hay triều đình Cổ Loa sụp đổ. Từ khi Thiên Sách Vương Xương Ngập mất, Nam Tấn Vương Xương Văn lên cầm quyền phải xin mệnh lệnh của chúa Nam Hán, Nam Hán phong cho Xương Văn chức Tỉnh hải quan tiết độ sứ. Thực quyền của triều đình nhà Ngô lúc này không vượt quá một dãi đất hẹp. Cách Cổ Loa chưa đầy vài mươi dặm, đã có nhiều người nổi dậy cát cứ xưng hùng. Nam Tấn Vương có ý muốn đánh dẹp các nơi nhưng bất lưc.

Trong khi đó, đi đánh hai thôn ở Thái Bình. Xương Văn bị tên nỏ mai phục bắn chết. Thấy vậy, nhà tướng cũ của Xương Văn là Lữ Xứ Bình và thứ sử Phong Châu Kiều Tri Hựu tranh chấp nhau làm vua. Ngô Xương Xí (con Xương Ngập) chạy vào Ái Châu giữ đất Bình Kiều. Đỗ Cảnh Thạc, nhà tướng cũ của Ngô Quyền, từ lâu đã rút về chiếm vùng Đỗ Động, đào hào xây thành tính kế lâu dài.

Trước tình thế đó, Bộ Lĩnh đập bàn quát:

- Phường chó chết! Không sớm quét sạch bọn phá nước hại dân này thì non sông có phen lại rơi vào tay giặc ngoài mất!

Bộ Lĩnh triệu tập bộ tướng họp bàn việc lớn. Xung quanh bàn , chư tướng tính kế ra quân.

Đếm trên đầu ngón tay, hiện nay ngoài Cổ Loa còn có mười một sứ quân cần phải thu phục: Kiều Công Hãn giữ Phong Châu, Kiều Thuận giữ Hồi Hồ, Nguyễn Khoan giữ Nguyễn Gia Loan, Nguyễn Thủ Tiệp giữ Tiên Du, Nguyễn Siêu giữ Phù Liệt, Lý Khuê giữ Siêu Loại, Lữ Đường giữ Tế Giang, Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu, Ngô Nhật Khánh giữ Đường Lâm, Ngô Xương Xí giữ Bình Kiều và Đỗ Cảnh Thạc giữ Đỗ Động.

Trong tình thế ấy ra quân sao cho toàn thắng? Bộ Lĩnh quyết định trước khi đánh dẹp các sứ quân hãy đánh vào Cổ Loa. Cổ Loa là đất trọng yếu, hiện nay đang rối loạn và hầu như vô chủ. Bình được trung tâm Cổ Loa lòng người các châu quận sẽ hướng về theo, các sứ quân tất có kẻ đến xin hàng mà giặc ngoài cũng không còn cơ hội để dòm ngó nước ta nữa. Chư tướng cho là phải. Bộ Lĩnh cử Đinh Liễn cùng Lê Hoàn, Nguyễn Bặc, Đinh Điền đi đánh Cổ Loa.

Quân của Đinh Liễn tiến vào Cổ Loa như vào chỗ không người. Lữ Xứ Bình và Kiều Tri Hựu bất tài, chưa đánh đã tan. Chỉ có Cảnh Thạc là đáng kể, thì đã rút quân về Đỗ Động. Nghe tin đại quân của Bộ Lĩnh kéo đến, nhân dân Cổ Loa vui mừng đem thịt ra đón rước. Đinh Liễn, Lê Hoàn, Đinh Điền và Nguyễn Bặc chiếm Cổ Loa, phủ dụ dân chúng và chia nhau điều khiển công việc.

Sau khi chiếm được Cổ Loa, Đinh Liễn sai Lê Hoàn đi chinh phục các sứ quân quanh vùng. Lý Khuê ở Siêu Loại, Lữ Đường ở Tế Giang, Nguyễn Siêu ở Phù Liệt xin hàng. Được tin triều đình Cổ Loa lục đục, giao châu loạn lạc, chúa Nan Hán là Lưu Xưởng vì đang lo đối phó với nhà Bắc Tống nên không tính chuyện xâm lược nước ta được. Nhưng khi nghe tin Đinh Liễn đã dẹp yên Cổ Loa, Lưu Xưởng bèn sai sứ sang phong cho Đinh Liễn làm Giao Châu tiết độ sứ để ràng buộc.

Biết chuyện, Bộ Lĩnh đem quân đến Cổ Loa gặp Đinh Liễn hỏi:

- Ta nghe nói sứ Nam Hán sang, hắn đến có việc gì?

- Thưa cha, chúa Nam Hán phong cho con làm Giao Châu tiết độ sứ.

Đinh Liễn đưa tờ chiếu của Lưu Xưởng cho cha, Bộ Lĩnh xé nát ra làm nhiều mảnh, nói với Đinh Liễn:

- Có phải đất đai của chúng đâu mà chúng có quyền phong cấp. Giá âu cướp được nước ta chúng cũng chẳng tha đâu!

Bộ Lĩnh đòi giết chết sứ Nam Hán, nhưng sứ đã về nước. Đinh Liễn, người con trai ngoài hai mươi tuổi, đang say sưa với chiến công đầu, bừng tỉnh trước cơn thịnh nộ của bố.

Quả nhiên bình được Cổ Loa thế lực của Bộ Lĩnh ngày càng lớn mạnh. Ngô Nhật Khánh ở Giao Thủy, Phạm Phòng Át ở Đằng Châu cũng lần lượt đến xin hàng.

Trong lúc đó lại có tin Kiều Công Hãn ở Phong Châu và Đỗ Cảnh Thạc ở Đỗ Động đang rục rịch định chiếm lại Cổ Loa, Bộ Lĩnh quyết định phải gấp rút ra quân đánh dẹp. Bộ Lĩnh cho quân do thám bám sát tình hình Đỗ Động và chia quân đánh châu Phong và châu Ái trước.

Ngô Xương Xí ở Bình Kiều chưa đánh đã tan, chỉ có Kiều công Hãn ở châu phong đóng cửa thành chống cự. Bộ Lĩnh hạ lệnh cho Lưu Cơ vây thành. Đã hai ngày Công Hãn không chịu hàng. Bộ Lĩnh cho quân lính chuẩn bị mồi rơm. Đến ngày thứ ba Công Hãn vẫn chưa chịu hàng. Bộ Lĩnh cho quân lính chuẩn bị mồi rơm. Đến ngày thứ tư Công hãn vẫn chưa chịu hàng. Bộ Lĩnh ra lệnh đốt thành. Nhưng rồi Lưu Cơ lại được lệnh khoan hãy đốt, chỉ tập trung quân phá cổng thành, bắt sống Công Hãn, không được chém giết bừa bãi. Thành bị phá, Kiều Công Hãn bỏ thành theo cổng sau chạy ra bến Bạch Hạc, xuôi thuyền về Giao Thủy.

Sau hàng loạt chiến công, tinh thần quân sĩ thêm phấn chấn. Binh lực của Bộ Lĩnh mạnh như vũ bão, đánh đâu được đấy. Chỉ còn Cảnh Thạc ở Đỗ Động chưa chịu hàng phục. Bộ Lĩnh bàn kế ra quân đánh Cảnh Thạc.

Trong lúc sĩ khí đang lên thì Trần Lãm hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể sống được nữa. Trần Lãm cho gọi Bộ Lĩnh vào mà nói:

- Tướng quân đến với ta... Nay toàn cõi Nam bang đã về tay tướng quân gần hết... Tướng quân xứng đáng là người đảm đang việc lớn của thiên hạ...

Trần Lãn qua đời, Chôn cất Trần Lãm xong. Bộ Lĩnh bàn chuyện ra quân.

Trong cuộc họp các tướng lĩnh, mọi người tôn Bộ Lĩnh lên làm Vạn Thắng Vương và bàn dời đại bản doanh về Hoa Lư rồi hãy ra quân.

Một tháng sau, từ Hoa Lư đại quân của Bộ Lĩnh chia làm bốn cánh kéo cờ Vạn Thắng Vương lên đường đi đánh dẹp Cảnh Thạc.

Cảnh Thạc, nhà tướng cũ của Ngô Quyền, là người có nhiều mưu trí, đã từ lâu chiếm giữ một vùng rộng lớn, đắp thành ở trang Liệp Hạ để trấn giữ mặt Tây, mặt đông có thành Bảo Đà. Ngày đêm Cảnh Thạc lo luyện quân, tích lương, nuôi chí mưu đồ vương bá.

Đại quân Hoa Lư do Đinh Bộ Lĩnh chỉ huy chia làm bốn mũi tấn công thành Đỗ Động. Thành bị hạ, tướng giữ thành chạy trốn. Hôm đó Cảnh Thạc đang ở Bảo Đả nên thoát chết. Mất thành, Cảnh Thạc thu thập dư chúng quyết tâm kéo về chiếm lại, thề sống mái với Bộ Lĩnh.

Bộ Lĩnh bàn mưu cho Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lê Hoàn chia quân đến Bảo Đà khiêu chiến và đón Cảnh Thạc ở dọc đường. Theo kế hoạch của Bộ Lĩnh, gặp Cảnh Thạc các tướng sĩ giả thua chạy để nuôi lòng kiêu ngạo và chủ quan của hắn, tìm mọi cách dử về Đỗ Động, Cảnh Thạc mắc mưu. Đến nơi thấy cổng thành Đỗ Động đóng chặt, từ trong thành tên bắn ra như mưa. Ngọn cờ Vạn Thắng Vương bay phấp phới trên đỉnh cột càng làm cho Cảnh Thạc thêm phẫn uất. Cảnh Thạc thúc quân vây thành, cố đánh phá, quyết bắt sống Bộ Lĩnh. Bỗng nhiên có tiếng reo hò vang dậy từ tứ phía. Quân của Lê Hoàn, Nguyễn Bắc, Đinh Liễn đã kéo về đánh mặt sau. Bộ Lĩnh liền tung quân dũng mãnh trong thành đánh ra. Bị kẹp vào giữa, Cảnh Thạc liều chết trà trộn vào đám loạn quân cùng vài người thân cận lọt được vòng vây, nhằm hướng Bắc chạy thoát.

Toàn thắng, Bộ Lĩnh dẫn đại quân về Hoa Lư.

Đánh dẹp được Cảnh Thạc, Đinh Bộ Lĩnh chấm dứt thời kỳ loạn mười hai sứ quân kéo dài hơn hai mười năm trời. Đất nước trở lại thống nhất và thanh bình. Nhân dân vui mừng được an cư lạc nghiệp.

Trong lúc khắp nơi tưng bừng vui hội thống nhất non sông, thì ở Hoa Lư, Bộ Lĩnh lên ngôi vua. Bề tôi dâng tôn hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế.

Lên ngôi, nhà vua băn khoăn tìm đất định đô và đặt tên nước. Trong một tiệc có đông đủ bộ tướng và mưu sĩ, Bộ Lĩnh nói với mọi người:

- Chọn đất định đô là việc hệ trọng. Ta vẫn có ý muốn chọn Đàm Gia nhưng Đàm Gia tuy bằng phẳng mà không lợi địa thế, còn Hoa Lư thì hiểm trở nhưng lại hẹp.

Mọi người suy nghĩ, Lê Hoàn bàn nên đóng đô ở Hoa Lư.

Hoa Lư tuy có hẹp nhưng hiểm trở. Từ Hoa Lư vươn tay ra mặt Bắc cũng gần. Mặt sau lưng dựa vào Hoan Ái vững chắc. Vả lại một khi giặc tràn sang, từ Hoa Lư ta có đủ thì giờ đến trở tay đối phó.

Bộ Lĩnh cho là phải. Ngô Chân Lưu, một nhà sư trước đây có dịp cùng Bộ Lĩnh hội kiến, hôm nay cũng có mặt ở đây, nhìn Lê Hoàn thầm phục viên võ tướng có tài mà lời nói cử chỉ lại giống như một văn quan.

Khi bản đến việc chọn tên nước, Bộ Lĩnh chỉ vào Ngô Chân Lưu:

- Nhà sư học rộng biết nhiều, hãy cho ta biết ý nhà ngươi ra sao?

Ngô Chân Lưu đáp:

- Tâu hoàng đế, cứ như kẻ bần tăng này, thì nước ta rộng, dân ta đông, tuy trước đây đã nhiều năm bị đô hộ dưới ách ngoại bang, nhưng cũng nhiều phen dân ta nổi dậy đánh đuổi chúng, giành lại độc lập. Hiện nay một dải non sông tương đẹp vẫn hiên ngang còn đó, ta nên đặt tên nước là Đại Việt.

Bộ Lĩnh nghe nói, gõ gương xuống bàn cười:

- Nhà sư nói hợp ý ta! Họ có đất nước, có vua, có kinh đô của họ, ta cũng có nước, có kinh đô của ta, chịu thua kém gì ai. Rồi đây còn phải đặt niên hiệu riêng của ta nữa chứ!

Mọi người cười vang.

Như chợt nhớ điều gì, nhà vua lại nói tiếp:

- Đại Việt đã là hay nhưng toàn chữ của nước người. Ta phải nói sao cho cả bàn dân thiên hạ hiểu và biết rằng nước ta to lớn. Ta đặt tên nước Đại Cồ Việt có phải hay hơn không?

Ai nấy cười vui sướng với tên nước Đại Cồ Việt, nghe gần gũi với mình hơn. Cho đến vò cuối cùng dốc cạn, nhà vua và mọi người vẫn chưa hết cười nói rộn ràng chung quanh chuyện định đô ở Hoa Lư và đặt tên nước là Đại Cồ Việt.

Mấy hôm sau, một ngày đẹp trời, nhà vua làm lễ lên ngôi hoàng đế. Tại Hoa Lư giữa hai hàng gươm giáo tuốt trần, Đinh Tiên Hoàng ngồi trên chiếc kiệu cửu long tiến về bệ rồng xây bằng đá ở ngoài trời. Tiếng chiêng trống hòa vào nhau vang rền. Ngọn cờ đại mang năm chứ "Đại Thắng Minh Hoàng đế" bay phần phật trên đỉnh cột, Cờ xí rợp trời. Tiếng trẻ em reo hò không lúc nào ngớt.

Từ trên bệ rồng, Đinh Tiên Hoàng bố cáo cho mọi người biết giặc giã đã yên, đất nước từ nay thống nhất. Nước Đại Cồ Việt ra đời và định đô ở Hoa Lư. Tiếng hò reo nổi lên như sấm.

Đinh Tiên Hoàng đưa mắt nhìn mọi người. Chung quanh nhà vua quân sân sát vai nhau, tầng tầng lớp lớp. Đôi mắt nhà vua nhìn bao quát những người đã cùng vào sinh ra tử trong hơn hai mươi năm trời. Những con người ấy cũng thiết tha với đất nước, sẵn sàng bỏ mình vì ngày mai của tổ quốc và gắn bó với nhà vua như cá với nước. Đôi mắt nhà vua bỗng dừng lại ở đám trẻ vác cờ lau chạy nháo nhác vòng ngoài. Hình ảnh thời niên thiếu của nhà vua ba mươi năm trước, nay hiện về trong đám trẻ nhỏ.

Nhà vua bước xuống bệ rồng, dắt Lê Hoàn rẽ đám đông, đi về phía lũ trẻ. Mọi người ngạc nhiên nhìn theo. Trẻ con sợ hãi chạy toán loạn. Nhà vua cười vẫy tay gọi lũ trẻ, chúng chạy đến vây quanh nhà vua. Đinh Tiên Hoàng xoa đầu từng đứa và tiện tay thu mấy bông hoa lau rồi cùng Lê Hoàn về chỗ cũ.

Trên bệ rồng, Đinh Tiên Hoàng một tay cầm hoa lau, một tay nắm chặt đốc gươm, cất tiếng sang sảng:

- Các người theo ta lúc bốn phương loan lạc, đất nước còn bị chia xẻ. Nay bọn giặc cỏ làm tan nát đất nước đã bị quét sạch. Ta ra lệnh cho các người mở tiệc để chào mừng nước Đại Cồ Việt to lớn của chúng ta.

Nói đến đây nhà vua chỉ tay về phía đàn trẻ nhỏ và quay lại ra lệnh cho Lê Hoàn:

- Lê tướng quân nhớ ban cho lũ trẻ kia trâu và gạo nếp để chúng cùng được hưởng vui. Vận nước sau này là ở trong tay lũ chúng.

Ai nấy đều sung sướng. Riêng các cụ già và những người nhiều tuổi lại còn hiểu được sâu sắc hơn việc làm đó của nhà vua. Con người hôm nay lên ngôi, đang đứng oai nghiêm trước mặt họ, không phải là ai khác, chính là cậu bé họ Đinh năm xưa. Ba mươi năm trước đây, ngườ ấy đã từng kết bạn với lẽ trẻ chăn trâu và hàng ngày cờ lau tập trận ở vùng đồi núi châu Đại Hoàng này. Con người ấy đã dẫn họ và con cháu họ vác gươm đi chiến đấu hơn hai mươi năm ròng rã cho nền thống nhất của đất nước mến yêu. Con người ấy đã cùng họ dựng lên nước Đại Cồ Việt, làm rạng rỡ cho tổ tiên cho nòi giống.

Trong ngày vui toàn thắng, giữa kinh đô Hoa Lư còn ngổn ngang hào lũy, nhà vua cùng mọi người đều thấy tự hào và kiêu hãnh, niềm tự hào và kiêu hãnh cao đẹp của một dân tộc biết đoàn kết thành một khối vững mạnh để tồn tại.

Từ khi đô Hoa Lư Trái tim của nước Đại Cồ Việt, tỏa ra một nguồn vui phơi phới như những đỉnh núi đá nhấp nhô, sắc cạnh, vây bọc Hoa Lư đang chọc trời vươn lên trong nắng đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét