Về cố đô Hoa Lư
Hải Anh - Báo điện tử An Giang
LTS: Hoa Lư là kinh đô nước Đại Cồ Việt trong 42 năm (968-1010), dưới hai triều đại Đinh – Lê. Nơi đây cũng là kinh đô đầu tiên của chế độ phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước Việt Nam. Hoa Lư chính là kinh đô có vai trò quan trọng tạo bước đệm vững chắc để nhà Lý, nhà Trần sau này xây dựng kinh đô Thăng Long (Hà Nội) với nền văn minh Đại Việt rực rỡ ngàn năm văn hiến.
Cũng chính nơi đây đã ghi dấu ấn đậm nét của những vị hoàng đế có công lớn giúp giang sơn thống nhất, những vị minh quân sáng ngời trong lòng dân tộc Việt: Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh; Lê Đại Hành – Lê Hoàn và Lý Thái Tổ – Lý Công Uẩn… và một Hoàng hậu hai vua Dương Vân Nga đi vào sử sách.
Kỳ 1: Đinh Tiên Hoàng – Hoàng đế “cờ lau”
Cổng vào lăng hai vị hoàng đế họ Đinh – Lê uy nghiêm ngay trung tâm huyện lỵ Hoa Lư (Ninh Bình) như khẳng định vị thế của những bậc minh quân có công dẹp yên giặc loạn, thống nhất giang sơn, xây nền văn hiến. Và chính nơi ấy, vị hoàng đế cờ lau Đinh Bộ Lĩnh đã khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân trên 1.000 năm trước, lên ngôi hoàng đế, xây dựng nền phong kiến tập quyền trung ương đầu tiên của đất Việt.
Khí tiết cậu bé tập trận cờ lau:
Đinh Bộ Lĩnh sinh vào khoảng năm 924 làng Đại Hữu, châu Đại Hoàng (nay xã Gia Phương, Gia Viễn, Ninh Bình), là con trai út của Đinh Công Trứ, thứ sử Hoan Châu (Nghệ An). Tuy là con quan, thế nhưng tuổi thơ của Đinh Bộ Lĩnh rất khốn khó do cha mất sớm, ông cùng mẹ về vùng đất núi đồi thôn Mỹ Hạ, xã Gia Thủy (Nho Quan, Ninh Bình) mưu sinh. Hằng ngày, cậu bé họ Đinh phải đi chăn trâu, cắt cỏ cho người chú là Đinh Thúc Dự. Tuổi thơ chăn trâu cùng đám trẻ quê, cậu bé Đinh Bộ Lĩnh cùng lũ bạn nghèo thường chơi trò đánh trận. Những ngọn lau trắng mọc đầy triền núi, bờ ruộng vùng đất Hoa Lư chính là những lá cờ “khởi nghĩa”, “dấy binh” của bọn trẻ chăn trâu. Cánh đồng vùng động Hoa Lư, Rộc Xéo, Thung Lá, Thung Lụi chính là “chiến trường” của những cậu bé quê nghèo. Nguyên là con của thứ sử, lại có trí thông minh hơn người, trong những “trận đánh cờ lau” ấy, bọn trẻ thường tôn Đinh Bộ Lĩnh làm trưởng, “khoanh tay làm kiệu và lấy cờ lau làm cờ, đi hai bên Bộ Lĩnh để rước nghi về thiên tử” (theo Đại Việt sử ký toàn thư).
Và thời cuộc chính biến xảy ra khi Ngô Quyền mất (944), các sứ quân lần lượt nổi lên khiến đất Việt lâm cảnh chia tam, xẻ tứ. 12 sứ quân lần lượt ra đời khiến nước Việt rơi vào cảnh lầm than, dân tình khốn khổ. Bấy giờ, nơi đất Hoa Lư, cậu bé chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh ngày nào đã trở thành một thanh niên chí lớn. Thấy đất nước lâm nguy, Đinh Bộ Lĩnh cùng những người bạn ấu khố ngày nào chiếm động Hoa Lư dấy binh khởi nghĩa. Cũng thời ấy, người chú Đinh Thúc Dự cũng chiếm sách Bông (thôn Văn Bòng, xã Gia Phương, huyện Gia Viễn, Ninh Bình) lập binh chống lại lực lượng của Đinh Bộ Lĩnh. Trong cuộc dấy binh đầu tiên, Đinh Bộ Lĩnh suýt chết dưới nhát gươm của người chú ruột, buộc lánh nạn, tập hợp binh lực hùng mạnh cho cuộc khởi binh dẹp loạn 12 sứ quân đi vào lịch sử dân tộc.
Dẹp loạn 12 sứ quân lên ngôi hoàng đế:
Sau trận đầu thúc thủ, Đinh Bộ Lĩnh không nhụt chí mà quyết tâm thu phục tàn quân, tập trung lực lượng tiếp tục khởi nghĩa. Năm 951, khi lực lượng đủ mạnh, một lần nữa Đinh Bộ Lĩnh dấy binh dẹp loạn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò trong cuốn Cố đô Hoa Lư viết: Đầu tiên, Đinh Bộ Lĩnh mở rộng căn cứ của mình từ vùng núi rừng Hoa Lư ra vùng đồng bằng ven sông Hồng bằng cách cùng con là Đinh Liễn nương nhờ Trần Minh Công, một người đức độ, tiềm năng binh lực nhưng hiếm muộn đường con cái. Thấy Đinh Bộ Lĩnh là người có dáng mạo khôi ngô, khi tiết lạ thường, lại có chí lớn liền nhận làm con nuôi, rồi giao cho binh quyền đi dẹp loạn 12 sứ quân. Mở đầu cho sự nghiệp dẹp loạn thống nhất đất nước, Đinh Bộ Lĩnh đã đánh đám loạn thần Lữ Xử Bình và Kiều Trí Hựu ở triều đình Cổ Loa.
Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục hàng phục được Ngô Nhật Khánh, lấy mẹ Ngô Nhật Khánh lập hoàng hậu, lấy em gái Khánh gả cho Đinh Liễn và mang công chúa Phất Kim gả cho Ngô Nhật Khánh tạo tình thân thuộc máu mủ gia quyến, vương quyền bằng mối quan hệ hôn nhân. Lúc này, Phạm Bạch Hổ ở Đằng Châu cũng xin hàng mở đầu cho những thắng lợi liên tiếp của dòng họ nhà Đinh.
Cuộc khởi nghĩa của Đinh Bộ Lĩnh tiếp tục có những chiến thắng vang dội khi Thiên sách vương Xương Ngập và Nam sách vương Xương Văn sau hàng tháng trời giao tranh ác liệt đã buộc rút quân, tháo chạy. 12 sứ quân ở khắp cả nước bấy giờ như: Kiều Công Hãn ở Việt Trì, Lâm Thao - Phú Thọ; Kiều Lệnh Công ở Hồ Hồi (Sông Thao, Phú Thọ), Nguyễn Thái Bình ở Vĩnh Phúc, Ngô Nhật Khánh (Ba Vì, Hà Tây), Lý Khuê (Thuận Thành, Bắc Ninh), Nguyễn Lệnh Công (Tiên Du, Tiên Sơn, Bắc Ninh), Lã Đường (Tế Giang, Châu Giang, Hưng Yên), Nguyễn Siêu (Tây Phú Liệt, Thanh Trì, Hà Nội), Phạm Bạch Hổ (Đằng Châu, Kim Động, Hưng Yên), Trần Lãm (Bố Hải Khẩu, Vũ Tiên, Thái Bình), Đỗ Cảnh Thạc (Đỗ Động, Thanh Oai, Hà Nội), vua Ngô – Ngô Xương Xí (con Ngô Xương Ngập (Bình Kiệu, Triệu Sơn, Thanh Hóa) lần lượt phục hàng hay bị lực lượng quân binh Đinh Bộ Lĩnh đánh tan.
Sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, năm 968, Đinh Bộ Lĩnh chính thức lên ngôi hoàng đế, xưng hiệu Đại Thắng Minh Hoàng đế, hai năm sau Đinh Bộ Lĩnh đặt tên niên hiệu riêng là Thái Bình, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, xây dựng bộ máy phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên của nước Việt ta.
Kỳ 2: Kinh đô Hoa Lư – Thành trì ngàn năm văn vật
Sau khi chính thức lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng cùng các tôi thần chọn đất Hoa Lư với địa thế núi non, sông nước hiểm trở để gây dựng thành trì cho công cuộc gây dựng nền hưng thịnh quốc gia Đại Cồ Việt và trở thành kinh đô của nước Việt trong 42 năm qua 3 đời Đinh, tiền Lê và nhà Lý trước khi Lý Công Uẩn quyết định dời đô, chuyển kinh thành từ Hoa Lư về Thăng Long – Hà Nội ngày nay.
Kinh thành Hoa Lư:
Theo sử cũ, kinh đô Hoa Lư được xây dựng vào hai thời điểm: Năm 968, sau khi dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Năm 984, lúc Lê Hoàn thay nhà Đinh trị vì đất nước do yếu tố loạn lạc, chính biến lịch sử lúc bấy giờ. Sơn hệ đá vôi cùng với hệ thống sông ngòi bao quanh thực sự là thành trì thiên tạo vô cùng kiên cố của cố đô Hoa Lư.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Kim Cúc thì trong tập thơ “Hòn đá vua ngự” do tú tài Khôn Phong Lương Văn Thăng viết vào thời vua Khải Định thứ 9: “Thời Vạn Thắng Vương (Đinh Tiên Hoàng) vừa dẹp xong các sứ quân, thiên hạ mới được thu về một mối, kinh đô chưa kịp xây dựng, vua tôi nhà Đinh tìm đất đóng đô, thấy dưới núi Mã Yên địa thế rộng rãi cao ráo, núi sông vây bọc, cây cỏ tốt tươi, lại được sông Hoàng Long bao bọc phía bắc, núi Bái Đính trấn ngự phía tây, núi Kình Phong đứng ở phía trong, núi Bái Tướng trụ ở phía ngoài, khi tiến có thể đánh bại quân địch, lúc lui có thể bảo toàn lực lượng, là đất dụng võ, nơi dựng đế đô của Đại Cồ Việt. Vạn Thắng Vương bèn cho đóng tạm triều đình ở vùng Sơn Lai, Nho Quan rồi chuẩn bị lực lượng, bao gồm dân đinh, quân lính cùng tàn quân của các sứ quân ở châu Hoan, châu Ái về xây thành, đào hào, dựng cung điện ở đây. Sau một năm thành quách hoàn chỉnh, cung điện trang nghiêm, Đinh Bộ Lĩnh cùng bá quan văn võ triều đình rời thành đô Sơn Lai về kinh đô Hoa Lư, chính thức lên ngôi hoàng đế”.
Sang thời nhà tiền Lê, Lê Hoàn cho xây dựng cùng lúc 8 cung điện lớn: Điện Bách Bảo Thiên Tuế ở núi Đại Vân, cột dát vàng bạc, làm nơi coi chầu; phía đông là điện Phong Lưu, phía tây là điện Tử Hoa, bên tả là điện Bồng Lai, bên Hữu là điện Cực Lạc. Tiếp đó là lầu Đại Vân, dựng tiếp điện Trường Xuân làm nơi vua nghỉ. Cạnh điện Trường Xuân là điện Long Mộc với mái ngói bạc.
Kiến trúc hài hòa giữa nhân tạo và thiên tạo:
Kinh thành Hoa Lư được bao bọc bởi nhiều ngọn núi, các triều vua đã dựa theo địa hình tự nhiên cho đắp 10 đoạn tường thành nối các núi đá, dựng nên thành Hoa Lư với diện tích hơn 300 héc-ta. Toàn bộ công trình chủ yếu được các vua Đinh, Lê dựa vào thiên nhiên hiểm trở làm chỗ dựa, mang nặng tính chất quân sự, không câu nệ vào hình dáng, kích thước. Phía Nam thành Hoa Lư là thành Tràng An (còn được gọi là thành Nam) là khu vực phòng thủ hậu cứ của kinh đô. Thành Hoa Lư có hai vòng: Thành Đông và thành Tây, có đường thông với nhau.
Thành Đông hay thành ngoài rộng khoảng 140 héc-ta, thuộc địa phận hai thôn Yên Thượng và Yên Thành xã Trường Yên, có 5 đoạn tường thành nối các dãy núi tạo nên vòng thành khép kín. Ðây là cung điện chính mà khu vực đền Ðinh, đền Lê nằm ở trung tâm. Thành Đông có vai trò quan trọng hơn. Một số đoạn tường thành phát hiện ở những khu vực này có móng thành bằng cành cây với nhiều cọc đóng xuống sâu. Phía trong của tường thành xây bằng gạch, dày, cao gần 10 mét. Chân tường kè đá tảng, gạch bó và đóng cọc gỗ. Trên gạch tường có in các dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” và “Giang Tây quân”. Phía ngoài tường gạch là tường đất đắp rất dày.
Thành Tây hay thành trong có diện tích tương đương thành ngoài, thuộc thôn Chi Phong cũng có 5 đoạn tường thành nối liền các dãy núi. Việc qua lại giữa hai tòa thành rất thuận tiện. Cả hai thành đều lợi dụng được nhánh sông Sào Khê chảy dọc thành, vừa là hào nước tự nhiên, vừa là đường thủy, phục vụ việc di chuyển ra vào thành. Trong hai tòa thành có bố trí các khu triều đình, quan lại và quân lính. Hiện nay thành thiên tạo vẫn còn, thành nhân tạo và cung điện chỉ còn là những dấu tích được khai quật ít ỏi.
Thành Nam nằm ở phía Nam kinh thành Hoa Lư, có núi cao bao bọc xung quanh, bảo vệ mặt sau thành. Địa thế thành Nam rất vững chắc, đoạn sông chảy qua thành Nam có một hệ thống khe ngòi chằng chịt từ các ngách núi đổ ra. Thành Nam mang nhiều giá trị về mặt quân sự, là nơi dự trữ, phòng thủ hiểm trở, từ đây có thể nhanh chóng rút ra ngoài bằng đường thủy. Đây là hệ thống hang động Tràng An hiện tại. Khu thành hào, hang động Tràng An xưa được sử dụng như là hệ thống phòng thủ mặt sau của kinh thành Hoa Lư. Vào thời Trần, tại hang bói ở đây là cứ địa chống quân Nguyên Mông.
Năm 1010, sau khi quyết dời đô từ Hoa Lư về Thành Đại La – Thăng Long, vua Lý Thái Tổ cải Hoa Lư thành phủ Tràng An, Đại La thành Thăng Long. Khu vực Tràng An hiện còn các đền, phủ thờ các vị quan trung thần thời Đinh và thần Quý Minh trấn thành Nam. Ngày nay, vết tích thành trì xưa chỉ còn trơ lại vài nền gạch cũ nhưng đâu đó cũng nhắc nhớ cho các thế hệ hôm nay về một thành trì vững chắc của một trong những cố đô có vai trò lịch sử vô cùng quan trọng của đất Việt ngày xưa.
Kỳ 3: Dựng nền phong kiến trung ương tập quyền
Chọn được thế đất đóng đô tại Hoa Lư, với con mắt tinh tường và trí tuệ thông sáng của một minh quân, Đinh Bộ Lĩnh đã quyết tâm xây dựng quốc gia Đại Cồ Việt hưng thịnh, sánh ngang với nhà Tống phương Bắc khi xưng hiệu Hoàng đế. Chính Đinh Tiên Hoàng và tiếp sau là Lê Đại Hành là hai vị hoàng đế đầu tiên đất Việt xây dựng được nền phong kiến trung ương tập quyền đầu tiên và kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển hưng thịnh.
Xây nền phong kiến trung ương tập quyền:
Lên ngôi hoàng đế, Đinh Tiên Hoàng đã lấy vùng đất Hoa Lư với địa thế hiểm trở, thuận thế phòng thủ làm kinh đô cho nước Đại Cồ Việt. Đinh Bộ Lĩnh đã xây dựng kinh đô Hoa Lư xứng đáng với tầm vóc của một đất nước thống nhất, hùng mạnh với nền chính trị phong kiên trung ương tập quyền đầu tiên. Với thế núi bao quanh, sông ngòi chằng chịt, Hoa Lư nằm lọt thỏm trong thế đất bằng phẳng có sông, đồng bằng màu mỡ, bao quanh là những dãy đá vôi trùng trùng điệp điệp. Một vài hướng không có thế núi, ông cho đắp hệ thống thành bằng đất kiên cố tạo thế trận phòng thủ vững chắc. Tuy vẫn còn mang tính chất của một quân thành, thế nhưng Hoa Lư ngày ấy đã là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của cả nước. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò: Song song với xây dựng kinh thành, Đinh Tiên Hoàng đã xây dựng bộ máy Nhà nước phong kiến trung ương tập quyền tương đối quy củ.
Năm 971, ông đã đặt thứ bậc, áo mũ cho tất cả các quan văn võ, phong các chức tiết độ sứ, tướng quốc, trấn quốc bộc xạ quản giới sứ phụ dực quốc chính… Các tăng, đạo sĩ cũng được phong danh hiệu như Ngô Chân Lưu giữ chức tăng thống được phong Khuông Việt Đại Sư, Trương Ma Ni làm tăng lục đạo sĩ, Đặng huyền Quang làm Sùng chân Uy nghi. Các con vua đều được phong Vương như: Đinh Liễn làm Nam Việt Vương, Đinh Toàn làm Vệ Vương.
Một góc quần thể kiến trúc khu di tích vua Đinh – Lê. |
Ở các địa phương, để tiện việc cai trị, ban đầu Đinh Tiên Hoàng vẫn giữ châu Hoan, châu Ái, về sau chia bộ máy hành chính Nhà nước thành 10 đạo, dưới đạo là giáp, xã với các chức quản giáp, phó tư giáp, chánh lệnh, tư lệnh trưởng ở xã. Cả về cơ cấu quân đội, hoàng đế họ Đinh đã xây dựng nền quân sự khá mạnh với một triệu quân gồm 10 đạo “mỗi đạo mười quân, mỗi quân mười lữ, mỗi lữ mười tốt, mỗi tốt mười ngũ, mỗi ngũ mười người” (Đại Việt sử ký toàn thư). Với dân số cả nước lúc bấy giờ chỉ khoảng 3 triệu người cho thấy, cứ 3 người dân có một quân lính. Vậy nên, có thể hiểu rằng, ngay thời Đinh Tiên Hoàng khái niệm vũ trang toàn dân đã được hình thành. Chính việc trong thời bình làm nông, trong thời chiến cầm binh đao chiến đấu, nhà Đinh đã xây dựng khái niệm chính sách “ngự binh ư nông” cho các triều đại về sau như: Lý – Trần – Lê – Nguyễn và cả chính sách quốc phòng toàn dân ngày nay. Nhờ chính sách dân binh của Đinh Tiên Hoàng, hơn một thập kỷ trị vì sau dẹp loạn sứ quân, đất nước Đại Cồ Việt đã phát triển hưng thịnh, giặc phương Bắc tuy mạnh nhưng không hề dám bén mảng xâm lược nước ta.
Gầy dựng giang sơn:
Về kinh tế, đất nước sau loạn lạc dân chúng lầm than, đói khổ, Đinh Tiên Hoàng đã chủ trương khai hoang, mở đất, lập làng, đẩy mạnh canh tác nông nghiệp, cày cấy các vùng đất ven biển, phát triển ruộng đất, toàn bộ đất đai thuộc về Nhà nước. Ví như Lê Lương ở châu Ái buộc nhậm chức do vua Đinh ban để trông coi trang trại của mình như một ấp của nhà vua ban cấp. Hay Lã Tá Công là một sứ quân sau hàng phục nhà Đinh đã khẩn hoang mở mang hơn 2.000 mẫu đất vùng tả ngạn sông Đáy (Nghĩa Hưng, Nam Định)… Cũng ngày ấy, nghề trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa bắt đầu phát triển.
Song song đó, hoạt động giao thương đường biển, ban giao với các nước về thương mại được đẩy mạnh… Vì thế, kinh tế, chính trị và đời sống nhân dân ngày một phát triển, đất nước thanh bình, phồn thịnh. Năm 970, đồng tiền Việt Nam đầu tiên đã được Vua Đinh Tiên Hoàng cho phát hành, đánh dấu sự ra đời của nền kinh tế, tài chính của chế độ phong kiến trung ương tập quyền. Đại Việt sử ký toàn thư cho biết năm Thái Bình thứ 7 (976) tại đây thuyền buôn nước ngoài tới dâng sản vật, kết mối giao thương với Đại Cồ Việt. Chính sự phát triển hưng thịnh với chính sách kinh tế của Đinh Bộ Lĩnh, văn hóa dưới thời họ Đinh cũng ngày một định hình với nghệ thuật trang trí đồ gốm, sứ. Đặc biệt, Đinh Tiên Hoàng đã sử dụng nghệ thuật ca hát diễn xướng để phục vụ quân đội và bà Phạm Thị Trân (người Hồng Châu, Hưng Yên) được tôn là Huyền Nữ hay Ưu Bà đã dạy hát, múa cho binh lính nhà Đinh. Những bài hát ấy chính là nghệ thuật chèo ngày nay và Huyền Nữ đã trở thành Tổ sư nghệ thuật hát chèo đất Việt. Như vậy, 11 năm đất nước thống nhất dưới thời Đinh Tiên Hoàng (968-979), tình hình kinh tế, văn hóa – xã hội đã đi vào ổn định và phát triển, tạo nền móng vững chắc cho các triều đại tiếp sau xây nền độc lập.
Sang nhà tiền Lê, sau chính biến, dẹp yên giặc loạn, nhân dân cả nước tiếp tục rơi vào đói khổ cùng cực, Lê Hoàn đã ra sức chăm lo khôi phục kinh tế làm cơ sở cho nền chính thống. Trước hết, vua Lê đẩy mạnh phát triển nông nghiệp với sự tích nhà vua đi cày ruộng tịch điền ở núi Đọi (Duy Tiên, Hà Nam) được chĩnh vàng, cày ở núi Bàn Hải được chĩnh bạc. Năm 989, Lê Hoàn tiếp tục ra lệnh đại xá thiên hạ, vì vậy đời sống nhân dân có phần dễ chịu. Dưới triều đại Lê Đại Hành, thủ công nghiệp có những bước chuyển mới đáng khích lệ với làm gạch ngói phục vụ xây điện, thành lũy, chế tạo vũ khí, làm áo mũ quan quân. Nghề trồng dâu, dệt lụa tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi sử sách chép lại trong triều cống nhà Tống có hàng vạn tấm lụa đẹp. Đặc biệt, triều đại nhà tiền Lê với nghề đúc tiền phát triển cao hơn đã cho ra đời đồng tiền Thiên Phúc giúp sự trao đổi, lưu thông hàng hóa trên thị trường phát triển vượt bậc. Sau chiến tranh, Lê Hoàn còn khôn khéo sử dụng chính sách đối ngoại với nhà Tống vừa cương quyết vừa mềm dẻo để giữ nền độc lập vững chắc nước nhà.
Kỳ cuối: Từ cố đô Hoa Lư đến Thăng Long – Hà Nội
Những cuộc chính biến thời cuộc đã khiến lịch sử đất Việt có cuộc dời đô lịch sử từ cố đô Hoa Lư về kinh thành Thăng Long – Đông đô Hà Nội. Lịch sử ngày nay ghi nhận, chính cố đô Hoa Lư là bước đệm vững chắc để nhà Lý, nhà Trần về sau xây dựng kinh đô Thăng Long rực rỡ.
Những tuyến tường thành cố đô Hoa Lư chính là hình mẫu để nhà Lý xây dựng kinh đô Thăng Long – Hà Nội. Các địa danh gắn với Hoa Lư vẫn còn hiển hiện trên thủ đô đất Việt ngày nay như: Chùa Nhất Trụ (chùa Một Cột), tháp Báo Thiên, Tràng Tiền, cầu Đông, cầu Dền…
Chấm dứt sứ mệnh lịch sử:
Triều đại tiền Lê với Lê Đại Hành trị vì 25 năm thì một lần nữa lịch sử đất Việt tiếp tục chứng kiến cảnh tranh giành ngôi báu. Sau khi Lê Hoàn mất (thọ 65 tuổi), các con ông đã ra sức tranh giành ngôi báu. Người con thứ ba của Lê Hoàn là Lê Long Việt lên ngôi chỉ vỏn vẹn ba ngày đã bị người em thứ năm là Lê Long Đĩnh giết chết để cướp ngôi. Lê Long Đỉnh là vị vua thời tiền Lê mà đến nay nhiều sử gia vẫn còn tranh cãi về tội và công. Thế nhưng, lịch sử vẫn cho thấy, đây là một trong những vị vua kém đức độ, say đắm tửu sắc, mắc bệnh trĩ nặng buộc phải nằm chầu nên gọi là Lê Ngọa Triều. Lê Ngọa Triều ngự trị 4 năm thì mất, hưởng dương 24 tuổi.
Khi Lê Ngọa Triều mất, triều đình không suy tôn con ông lên ngôi mà suy tôn một vị tướng tài khác là Điện tiền chỉ huy sứ Lý Công Uẩn lên ngôi hoàng đế. Như vậy, sau 29 năm khi Lê Hoàn được Thái hậu Dương Vân Nga trao quyền lãnh đạo đất nước đánh đuổi ngoại xâm, lịch sử đất nước tiếp tục chứng kiến một cuộc thay đổi ngôi trị vì lịch sử. Tương truyền, Lý Công Uẩn chính là con rể của Thái hậu Dương Vân Nga, hoàng hậu hai vua duy nhất của đất Việt.
Trong những nghiên cứu về cố đô Hoa Lư cho thấy, với điều kiện hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam vào thế kỷ X - giai đoạn đất nước mới giành được độc lập tự chủ, chính quyền phong kiến tập quyền còn đang non trẻ, nạn ngoại xâm là hiểm họa thường trực trong khi kẻ thù bên trong vẫn rắp tâm rình rập chờ cơ hội - thì với địa thế hiểm yếu, núi non bao bọc bốn bề, lại nằm bên sông lớn, kinh đô Hoa Lư có vị trí rất thuận lợi cho việc bố phòng quân sự mà theo các nhà sử học thì nếu chiến tranh xảy ra công có thể thắng, thủ có thể giữ, phù hợp với việc đề phòng nguy cơ ngoại xâm và nội loạn. Thế nhưng, sang triều đại nhà Lý, những sứ mạng lịch sử trên hầu như không còn phù hợp. Thời nhà Lý điều quan trọng là kiến thiết, phát triển đất nước phồn vinh, hưng thịnh.
Cố đô Hoa Lư- di tích tồn lịch sử:
Từ năm 968 đến năm 1009, cố đô Hoa Lư có 6 vị vua (Đinh Tiên Hoàng, Đinh Phế Đế, Lê Đại Hành, Lê Trung Tông, Lê Long Đĩnh, Lý Thái Tổ) thuộc 3 triều đại Đinh - (tiền) Lê - Lý đóng đô tại đây. Hoa Lư là nơi diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao giữa các triều đình nước Đại Cồ Việt với triều đình nhà Bắc Tống (Trung Quốc): Thời Đinh 2 lần (năm 973, 975), thời tiền Lê 10 lần.
Ngày nay, về cố đô Hoa Lư, kinh thành xưa giờ chỉ còn trơ trọi vài viên gạch trên nền khai quật của một ruộng lúa nằm ven đền vua Lê. Theo sử cũ, sau khi Vua Lý Công Uẩn dời đô mang theo tất thảy những vật dụng của cung điện cũ, dân chúng vì thế cũng đã “tràn” vào thành nên thành cũ gần như không còn nhiều những chứng tích lịch sử. Giờ đây, phần lớn mặt bằng của Hoàng thành xưa đã trở thành đất thổ cư, cửa nhà san sát. Hơn 1.000 năm đã trôi qua, những cung điện nguy nga dát vàng, dát bạc, trường thành hùng vĩ của hai triều đại Đinh, tiền Lê không còn nữa, giờ chỉ còn di tích của một tòa thành rộng khoảng 300héc-ta nằm gọn trong địa phận xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Một số địa danh, dấu vết của các tường thành ngày trước chỉ còn lại thành Ngoại: Tường thành núi Đầm sang núi Thanh Lâu (thành Đông), thành nối núi Thanh Lâu ra núi Cột Cờ (thành Đông Bắc), thành từ núi Cột Cờ sang núi Chẽ (thành Bắc).
Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trò trong cuốn “Cố đô Hoa Lư” (NXB Văn hóa Dân tộc, 1998) viết: Từ khi nhà Lý dời đô về Đại La – Thăng Long (thủ đô Hà Nội), Hoa Lư tuy không còn là kinh đô đất nước nhưng vẫn đảm nhiệm vai trò như một trung tâm văn hóa, mang giá trị tinh thần, kiến trúc của dân tộc. Bắt đầu tư thời nhà Lý, cố đô Hoa Lư trở thành phủ, sang thời Trần là Lộ (sau đổi thành Trấn) và phủ Trường Yên thời Lê sơ, một trong những vùng đất quan trọng của Thanh Hoa ngoại trấn. Sang thời nhà Nguyễn, Hoa Lư trở về là phủ Trường Yên.
Ngày nay, cố đô Hoa Lư đã trở thành điểm di tích lịch sử thu hút nhiều nhà khảo cổ, nghiên cứu lịch sử, du khách tham quan học tập, nghiên cứu. Ngày 29-4-2003, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 82/2003/QĐ-TTG việc việc bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử của khu di tích cố đô Hoa Lư. Theo Quyết định này, toàn bộ khu di tích Cố đô Hoa Lư nằm trên địa bàn giáp ranh giới 2 huyện Hoa Lư, Gia Viễn và thành phố Ninh Bình (Ninh Bình).
Nằm trong quần thể khu di tích cố đô Hoa Lư, Tràng An gắn liền với những giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất cố đô xưa. Khu sinh thái Tràng An với hệ thống hang động đá vôi tuyệt đẹp được ví như “vịnh Hạ Long” trên cạn đã trở thành điểm tham quan du lịch lý thú và đang được ngành chức năng lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với giá trị nổi bật về cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh thái và kiến tạo địa chất, là địa danh được Việt Nam đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét