Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Dương Đình Nghệ


Dương Đình Nghệ


“Khi Lý Khắc Chính bắt được (Khúc) Thừa Mỹ, (Dương) Đình
Nghệ bèn tìm cách đánh báo thù. Ông chiêu tập hào kiệt,
dùng đại nghĩa để khuyến khích cùng hợp mưu để đánh đuổi
tướng (Nam) Hán là Lý Khắc Chính. Vua (Nam) Hán sai Lý Tiến
sang làm Thứ Sử Giao Châu (thay cho Lý Khắc Chính). Dương
Đình Nghệ lại đem quân vây hãm Lý Tiến. Vua (Nam) Hán liền
sai Trần Bảo sang cứu Lý Tiến. Dương Đình Nghệ đón đánh và
chém được Trần Bảo. (Từ đó) Dương Đình Nghệ giữ lấy châu
thành tự xưng là Tiết Độ Sứ, nhận lãnh mọi việc của châu”
Ngô Thì Sĩ
(Việt sử tiêu án)

Trong sử cũ, thỉnh thoảng, Dương Đình Nghệ cũng được chép là Dương Diên Nghệ. Điều này cũng dễ hiểu, bởi lẽ trong Hán tự, mặt chữ Đình và chữ Diên gần giống nhau, rất dễ nhầm lẫn khi đọc cũng như khi sao chép. Dương Đình Nghệ sinh năm nào chưa rõ. Hiện tại, chúng ta chỉ biết ông mất vào năm 937. Tuy nhiên, xét việc ông nhận con nuôi và chọn con rể, cộng với một vài chi tiết có liên quan khác, cũng có thể ước đoán ông đã hưởng thọ khoảng trên dưới năm mươi tuổi.

Dương Đình Nghệ vốn là một hào trưởng, người làng Dàng. Làng này nay thuộc xã Dương Xá, huyện Thiệu Yên, tỉnh Thanh Hóa. Thời Khúc Hào cầm quyền (907 – 917), Dương Đình Nghệ từng là một trong những bộ tướng của họ Khúc. Năm 917, Khúc Hạo mất, con là Khúc Thừa Mỹ lên nối nghiệp cha. Dương Đình Nghệ tiếp tục làm bộ tướng cho Khúc Thừa Mỹ (917 – 930 ).
Bấy giờ, Trung Quốc đang trong thời loạn lạc, các tập đoàn thống trị không ngớt tìm cách chia bè kết cánh và xâu xé lẫn nhau. Một loạt các tiểu vương quốc lần lượt ra đời. Sử gọi đó là thời Ngũ đại thập quốc (năm đời mười nước)1. Sát biên giới phía bắc nước ta là Nam Hán – một tiểu vương quốc do họ Lưu lập nên. Trong bối cảnh phức tạp đó, sự khôn khéo trong quan hệ bang giao có ảnh hưởng rất to lớn đối với vận mệnh quốc gia. Khúc Hạo nhận thức rất đầy đủ về vấn đề này, rất tiếc là Khúc Thừa Mỹ lại không kế thừa được kinh nghiệm quý giá đó. Khúc Thừa Mỹ thường gọi Nam Hán là “ngụy triều”, “ngụy tặc” và chính lời lẽ thiếu tế nhị đó đã có tác dụng khiêu khích Nam Hán. Sẵn có mưu đồ bành trướng từ trước, nhân được thêm cơ hội này, năm 930, Nam Hán đã xua quân sang xâm lược nước ta. Cuộc kháng chiến chống Nam Hán do Khúc Thừa Mỹ chỉ huy đã nhanh chóng thất bại.
Sau thất bại của Khúc Thừa Mỹ, vai trò của họ Khúc trên vũ đài chính trị của nước nhà cũng kể như chấm dứt. Triều đình Nam Hán tuy chưa kịp thiết lập một hệ thống chính quyền đô hộ vững chắc trên toàn cõi nước ta, nhưng, nguy cơ bị ngoại bang thống trị lâu dài cũng đã thể hiện rất rõ. Trước tình hình như vậy, Dương Đình Nghệ đã quả cảm đảm nhận trọng trách lãnh đạo nhân dân vùng lên giành lại độc lập và chủ quyền. Từ một vị hào trưởng – một bộ tướng thân tín của Khúc Hạo và Khúc Thừa Mỹ. Dương Đình Nghệ đã trở thành một vị danh tướng, có công lớn đối với nước nhà. Chỉ trong vòng chưa đầy một năm. Dương Đình Nghệ đã ba lần đánh đuổi ba đạo quân lớn của Nam Hán do ba viên tướng khét tiếng khác nhau cầm đầu.
Lần thứ nhất: Diễn ra ngay sau khi Khúc Thừa Mỹ thất bại trong việc chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nam Hán xâm lăng. Từ quê nhà, Dương Đình Nghệ đã tập hợp được hơn ba ngàn quân, tự mình làm tướng, đánh thẳng vào lực lượng của Nam Hán lúc bấy giờ đang đóng rải rác ở khu vực Hà Nội ngày nay. Tướng giặc là Lý Khắc Chính bị đại bại.
Lần thứ hai: Nhà Nam Hán cho Lý Tiến sang thay Lý Khắc Chính và sẵn sàng đối phó một cách kiên quyết với Dương Đình Nghệ. Nhưng, Lý Tiến chưa kịp thực hiện sứ mạng được giao thì đã bị Dương Đình Nghệ đánh cho tơi bời. Lý Tiến phải hốt hoảng chạy về nước để cầu cứu.
Lần thứ ba: Nhận lời kêu cứu của Lý Tiến: Nam Hán lập tức sai tướng Trần Bảo đem quân sang đàn áp. Nhưng, khi Trần Bảo tới, thành Giao Châu đã bị mất. Trần Bảo bèn cho quân vây thành, quyết tiêu diệt bằng được Dương Đình Nghệ. Trong trận giao tranh đầu tiên, Trần Bảo bị chém đầu, toàn bộ quân sĩ Nam Hán hoảng hốt bỏ chạy thục mạng. Từ đó, giặc Nam Hán không dám đụng tới Dương Đình Nghệ nữa.
Bấy giờ, Nam Hán không phải là một nước lớn, lực lượng quân đội của chúng cũng không phải là hùng mạnh hơn người, nhưng nước ta vừa mới giành được độc lập. dân ta còn ít, tiềm lực của ta còn yếu… cho nên, đây cũng thực sự là một cuộc đối đầu hoàn toàn không cân sức. Để giành được thắng lợi vẻ vang và liên tục như Dương Đình Nghệ, ngoài chí lớn phi thường, hẳn nhiên là còn phải có mưu lược phi thường. Ông thật sự xứng đáng được xếp vào hàng những bậc danh tướng của nước nhà.
Năm 931, sau khi lập nên những võ công xuất sắc như đã kể ở trên, Dương Đình Nghệ tự xưng là Tiết Độ Sứ, tự mình quản lí và điều hành các công việc của nước nhà. Tiết Độ Sứ là tên chức quan đô hộ của Trung Quốc đối với nước ta, được Trung quốc đặt ra kể từ khoảng cuối thời Bắc thuộc. Đối với Dương Đình Nghệ, đây chẳng qua là một danh xưng tạm dùng, cốt tạo ra sự tế nhị cần thiết trong quan hệ bang giao. Trong thực tế, ông chính là vua của nước ta.
Tháng ba năm Đinh Dậu (937) Dương Đình Nghệ bị một kẻ phản phúc giết hại. Kẻ đó là Kiều Công Tiễn2. Chua xót thay, Kiều Công Tiễn lại cũng chính là con nuôi và là một trong những nha tướng từng được Dương Đình Nghệ cưu mang và tin cậy. Sau đó chẳng lao lâu, Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền giết chết. Đó là bản án đích đáng dành cho kẻ bất trung, bất nghĩa, phản phúc, phản chủ và phản dân.
___________________________________
1. Năm đời gồm: Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán và Hậu Chu. Còn như mười nước, nếu so với bản đồ Trung Quốc hiện đại thì Ngô (ở An Huy), Tiên Thục (ở Tứ Xuyên), Ngô Việt (ở Chiết Giang), Sở (ở Hồ Nam), Mân (ở Phúc Kiến), Nam Hán (ở Quảng Đông), Nam Bình (ở Hồ Bắc), Hậu Thục (cũng ở Tứ Xuyên), Nam Đường (ở Giang Tô) và Bắc Hán (ở Sơn Tây).
2. Kiều Công Tiễn cũng đọc là Kiểu Công Tiễn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét