Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

BÀU TRÓ


BÀU TRÓ
Bàu tró
Mùa hè năm 1923, hai thông tin viên người Pháp của trường Viễn đông Bác Cổ là Mác (Max) và Đơ-pi-rây (Depiruy) đã phát hiện di chỉ khảo cổ học Bàu Tró. 
Bàu Tró là tên của một hồ nước ngọt nằm giữa các đồi cát ven biển, ở phía Đông Bắc thị xã Đồng Hới. Nơi đây từ ngàn xưa, người nguyên thủy đã cư trú quanh hồ. Dấu vết của người xưa đã chìm dần trong cát.

Di chỉ khảo cổ học Bàu Tró ở vào 106 độ 37’13" kinh độ Đông, 17 độ 29’30" vĩ độ Bắc. Cuối mùa hè năm đó, nhà địa chất kiêm khảo cổ học Páttơ (Etinen Patte) đã tổ chức khai quật Di chỉ Bàu Tró và công bố kết quả nghiên cứu trong một báo cáo trên tập san Trường Viễn Đông Bác Cổ (Viện Khảo cổ học ngày nay) với nhan đề: "Về một di chỉ thời tiền sử đá mới, đống vỏ sò Ở Bàu Tró, Tam Tòa gần Đồng Hới". Hiện vật thu được còn tàng trữ tại Viện bảo tàng lịch sử việt Nam, gồm: 46 rìu đá, 140 mảnh tước, 2 hòn đá bằng thạch anh (Páttơ gọi là hòn ghè: Perueteur), 1 dụng cụ đá dùng để tu chỉnh ép (Reto-uchoir), 14 bàn nghiền hạt, 1 chì lưới, 1 số thổ hoàng (đá son), 1 đốt xương sống cá, vỏ sò, mảnh gốm vỡ, v v...
Páttơ đã mô tả rằng: "...Những người thời tiền sử ở đây đã để lại các dụng cụ và rất nhiều vỏ ốc là di tích của các bữa ăn của họ. Rồi họ bỏ đi, rồi bị cát, bị gió thổi đã bao phủ di chỉ..."
Mùa xuân năm 1980, khoa lịch sử khảo cổ Trường Đại học tổng hợp Huế khai quật lại di chỉ Bàu Tró. Địa điểm khai quật nằm phía tây nam của bàu, cách mép nước bàu lúc đó 40 mét cao hơn mặt nước 2,3 m, cách hố khai quật năm 1923 của Páttơ hơn 100 mét về phía Tây. Cùng tham gia khai quật có giáo sư Hà Văn Tấn (Viện trưởng Viện khảo cổ học Việt Nam), Võ Quý (Ban Đông Nam Á, Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam). Hiện vật thu được gồm 31 rìu, bôn đá, 47 bàn mài, 7 chày nghiền, 3 mũi nhọn, 1 vòng say, 2 phiến tước. Nhiều cục thổ hoàng bị mài vẹt từ nhiều phía; 11972 mảnh vỡ đồ gốm, gồm các loại nồi, niêu, bình, vò, bát, đĩa, cốc v.v... được trang trí bằng hoa văn dấu thừng, hoa văn khắc vạch, màu đỏ thổ hoàng, màu đen ánh chì v.v... Điều vô cùng lý thú, nếu như năm 1923 Páttơ chỉ tìm thấy loại di chỉ Cồn Cò Điệp thì nay chúng ta đã tìm thấy loại di chỉ mới - di chỉ Cồn Đất.
Với quy mô và ý nghĩa khoa học to lớn của di chỉ Bàu Tró các nhà nghiên cứu đã lấy tên di chỉ này để đặt cho nền văn hóa hậu kỳ đá mới, gồm các di chỉ phân bố vùng ven biển Nghệ Tĩnh - Quảng Bình - Quảng Trị - Thừa Thiên Huế là văn hóa Bàu Tró.
Bàu Tró, ngoài ra còn là một thắng cảnh, hơn nữa là một thắng cảnh dân dụng.
Đứng trên đồi cát làng Hải Thành nhìn thấy Bàu Tró và biển chỉ còn một khoảnh khắc nữa là chan hòa vào nhau. Ấy thế mà mạch nước ở đó vẫn cứ trong văn vắt và ngọt mát đến mê hồn. Bàu Tró là nguồn nước ngọt duy nhất cung cấp nước sinh hoạt, nước nông nghiệp cho toàn bộ vùng Đồng Hới nhiễm mặn. Thuở trước, Bàu Tró thật hoang vu, thật nguyên sơ với một vùng phi lao cổ thụ, với rất nhiều chim chóc, bay nhảy, bơi lặn. Cạnh Bàu Tró có một cái nghè thờ một vỏ lúa bằng gỗ khá to. Có rất nhiều chuyện kể dân gian xung quanh cái bàu kỳ lạ này, trong đó có chuyện cho rằng bàu này " không đáy" mà thông với một bàu nước ngọt khác: Bàu Sen, cách Đồng Hới ngót 30 km đường đất! Đó là cách lý giải dân gian về khả năng "vô tận" của nguồn nước ngọt nhỏ nhoi, quí hiếm nằm lọt vào giữa ba bề bốn bên là nước mặn.
Ngày nay, Bàu Tró đang được đặt vấn đề bảo vệ nghiêm ngặt vì nó chẳng những là một di chỉ khảo cổ học, một thắng cảnh nổi tiếng mà còn là nguồn nước sinh kế cho một vùng cư dân trù phú.
Bàu Tró là niềm tự hào, là tài sản vô giá của quê hương.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét