Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Di tích tiền sử ở Vân Đồn: Nguồn tư liệu quý để khám phá văn hóa vùng ven biển Đông Bắc


Di tích tiền sử ở Vân Đồn: Nguồn tư liệu quý để khám phá văn hóa vùng ven biển Đông Bắc

Cập nhật lúc 06:37, Chủ Nhật, 03/10/2010 (GMT+7)
Theo thống kê của Viện Khảo cổ học, đến nay đã có trên 10 di tích tiền sử được phát hiện trên đất Vân Đồn. Trong đó có những di tích hé mở những tri thức quan trọng về văn hoá vùng ven biển Đông Bắc.
Trong một nghiên cứu của nhà khảo cổ học Hà Hữu Nga, đã đặc biệt nhấn mạnh đến di chỉ Soi Nhụ. Ông coi đây là một trong những di chỉ khảo cổ học quan trọng bậc nhất trong khu vực ven biển, hải đảo nước ta. Soi Nhụ được phát hiện vào đầu những năm 1960, được dự đoán thuộc trung kỳ đá mới, cách ngày nay hơn chục nghìn năm. Về không gian, nó nằm ở ven bờ đảo Cái Bầu, đảo lớn nhất vịnh Bái Tử Long. Về thời gian, nó tương đương với văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn. Tuy nhiên Soi Nhụ sinh tồn ở không gian khắc nghiệt hơn Hoà Bình - Bắc Sơn. Nhà nghiên cứu Hà Hữu Nga cho rằng chủ nhân Soi Nhụ cũng cư trú trong hang động. Khai thác thức ăn từ nguồn nhuyễn thể nước ngọt và các loại thú. Sử dụng nguồn đá cuội để chế tác công cụ. Thế nhưng trong điều kiện hiếm các nguồn nước chảy trên bề mặt như sông suối, dẫn đến ít nguồn thạch liệu đá cuội để chế tác công cụ. Để sinh tồn và phát triển họ đã phải thích nghi và không ngừng sáng tạo. Đây là tiền đề để người Soi Nhụ tạo ra bản sắc văn hoá riêng, khác biệt với ở Hoà Bình - Bắc Sơn. Từ những nghiên cứu của mình, tác giả Hà Hữu Nga đã đưa ra một vấn đề, ấy là có hay không văn hoá Soi Nhụ? Sau này, vấn đề Soi Nhụ càng trở lên lý thú và sôi động hơn khi nhiều nhà nghiên cứu đã phân định thành nhóm di tích tiền sử có chung tính chất văn hoá. Theo lý giải của nhóm nhà khoa học này, có thể vào giai đoạn sơ kỳ đá mới, ngoài văn hoá Hoà Bình - Bắc Sơn, vùng Đông Bắc có thể tồn tại những nhóm di tích mang đặc trưng riêng. Mặc dù vấp phải một số nghi hoặc của giới khảo cổ học song trong cuốn "Hạ Long thời tiền sử", tác giả Hà Hữu Nga một lần nữa khẳng định khái niệm văn hoá Soi Nhụ. Đến nay khẳng định này xem ra không hẳn không có cơ sở khi mới đây việc nghiên cứ tư liệu Hang Thủng, một di tích thuộc đảo Phất Cờ, hải phận xã Hạ Long (Vân Đồn), đã cho thấy có một con đường đá mới hoá mang tên Soi Nhụ.
Phát hiện di chỉ Cái Bèo một thời đã làm chấn động giới khoa học khảo cổ. Tuy nhiên với một Cái Bèo đơn lẻ bên bờ Vịnh Hạ Long chưa đủ sức thuyết phục về khái niệm nền văn hoá Cái Bèo. Thế nhưng với tài liệu nghiên cứu mới về đặc trưng và tính chất văn hoá của di chỉ Hà Giắt đã củng cố thêm quan điểm này. Tại di chỉ Hà Giắt, nhà khảo cổ học Nguyễn Gia Đối đã lưu giữ và nghiên cứu 70 hiện vật. Tất cả đều mang những yếu tố đồng dạng với Cái Bèo cả về chất liệu đá, loại hình công cụ đến phong cách ghè đẽo. Điều này cho thấy trung kỳ đá mới, văn hoá Cái Bèo tồn tại và phân bố rộng khắp vùng Vịnh Hạ Long và Bái Tử Long. Đây được coi là một trong số ít văn hoá biển tiền sử đầu tiên ở nước ta.
Năm 1999, di chỉ Ba Vũng ở thôn 2, xã Hạ Long, được phát hiện. Đáng ngạc nhiên là địa tầng của di chỉ này còn khá nguyên vẹn. Dựa vào kết cấu địa tầng cũng như hiện vật thu được các nhà khoa học đã nhanh chóng khẳng định Ba Vũng vừa là nơi chế tác rìu bôn tứ giác vừa là nơi cư trú, quần tụ của người dân. Cư dân Ba Vũng sống chủ yếu bằng săn bắt hái lượm thực vật và trao đổi các sản phẩm chế tác công cụ với các nhóm cư dân khác cùng thời. Với những sinh hoạt trên, các nhà khoa học đều cho rằng Ba Vũng mang dấu ấn của một ngôi làng ven biển thịnh vượng. Và như vậy ở giai đoạn hậu kỳ đá mới, trên đất Vân Đồn, Ba Vũng được coi là điểm sáng, đánh dấu sự khởi đầu của văn hoá Hạ Long. Tiếp sau Ba Vũng, cư dân Hạ Long cổ ở Ngọc Vừng, Đông Trong đã hướng tới một lối sống thích nghi và khai thác môi trường biển. Điều này được khẳng định khi các nhà khoa học phân tích địa tầng và hiện vật ở di chỉ Ba Vũng, Đông Trong I, Đông Trong II. Trong đó riêng hang Đông Trong được khẳng định vừa là nơi cư trú vừa là khu mộ táng cổ của người tiền sử thuộc Văn hoá Hạ long.
Có thể nói, những di tích thời tiền sử đã được phát hiện ở Vân Đồn cho thấy nơi đây có vị trí quan trọng trong thời tiền sơ sử vùng Đông Bắc. Cũng là một trong những trung tâm hình thành những nền văn hoá lớn trong khu vực...

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét