Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Khảo cổ học Mê Linh nhận thức và vấn đề lịch sử


Khảo cổ học Mê Linh nhận thức và vấn đề lịch sử 

Mê Linh là một vùng đất cổ nằm ở phía nam tỉnh Vĩnh Phúc, là cửa ngõ phía Tây của Thủ đô Hà Nội. Trong tác phẩm “Xứ Bắc Kỳ cổ đại” Madrohe đã căn cứ vào thư tịch Hán cổ miêu tả rất sâu về Mê Linh (Mi - Ling) thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa. Giáo sư Trần Quốc Vượng trong bài “Một vấn đề địa lý học lịch sử : những trung tâm chính trị của đất nước ta trong thời cổ đại” đã viết “Phong Châu, tức huyện Mê Linh đời Hán, tức lãnh thổ bộ lạc Mê Linh xưa gồm một miền đất rộng ở hai bên bờ Sông Hồng, từ núi Ba Vì đến miền Tam Đảo”. Như vậy có thể nói trải qua biến thiên lịch sử có thời gọi là Gia Ninh, Yên Lãng… thì Mê Linh vẫn là Mê Linh của dân tộc thời mở nước và dựng nước. Gần đây giáo sư Trần Quốc Vượng đã viết những dòng sâu sắc về miền đất ấy “Ký ức lịch sử đã chìm sâu vào miền vô thức của tập thể dân tộc, nhưng qua ngữ âm học hiện đại đã phục hưng được dưới dạng vỏ chữ nghĩa” “Văn Lang - Mê Linh - Gia Ninh - Yên Lãng…”… Cái từ cổ Việt lấp lánh: BLing - blang - mling - mlang, chỉ một loài chim; chim Bling của Tây Nguyên hay chim Kláng; chim tráng của người Mường ; một loài chim ăn thịt được thay thế bằng biểu tượng chim Hạc miền Bạch Hạc - Việt Trì … Chim Bling tung cánh trên trời cao là biểu tượng của vua Tổ, của mặt trời. Và những dân làng Việt của nhà Hùng khi bước vào hội mùa thời dựng nước thì đội ngũ cắm lông chim hay khoác áo lông chim, mà hình ảnh mặt trời, chim và mũ áo lông chim còn được trạm khắc trên trống đồng và đồ đồng cổ”.
Tự hào thay, mảnh đất Mê Linh của Hai Bà Trưng mà dấu vết thành Mê Linh hay thành Cự Chiến còn đó cũng như thành Vượn tương truyền của Mã Viện . Bàn đến lịch sử - văn hoá của miền đất này là cả một phức hợp của nhiều người, nhiều ngành trong suốt dặm dài lịch sử vài ngàn năm của mảnh đất Mê Linh . Trong bài này tôi chỉ nhìn nhận Mê Linh xưa trong các di chỉ khảo cổ thời sơ sử . Đó là di chỉ núi Cả, di chỉ Tháp Miếu thuộc thị trấn Phúc Yên và di tích thành Dền thuộc xã Tự Lập, huyện Mê Linh .
1. Di chỉ núi Cả Nằm trên đỉnh núi Cả (còn gọi là núi Toà Sứ (vì Pháp xây dựng Toà Sứ trên quả núi này). Núi Cả cao 25 m so với mặt biển, so với các núi như núi chùa, núi gai, núi cháy, núi chợ cận kề thì nó thấp và thoai thoải hơn.
Tầng văn hoá di chỉ núi Cả dày 30 - 40 cm khi khảo sát, các nhà khảo cổ tìm thấy gốm cổ nằm trong địa tầng. Đồ gốm ở đây có độ nung cao, chất liệu là sét pha cát hạt to, thô, nhưng đã được chế tạo bằng bàn xoay . Đặc trưng miệng gốm loe, cổ thót, thành miệng lõm hình lòng máng sau đó hất cong lên, có loại leo ngang thành miệng vát vào, trong có trang trí hoa văn. Hoa văn trang trí phần miệng gốm chủ yếu là khắc vạch chéo, văn chấm nhỏ, phần đáy nồi có đặc điểm là đáy bằng, thân và đáy trang trí vặn thừng to các mảnh đế gồm có đặc điểm chân đế thấp, có trang trí văn chải.
Nhìn chung di chỉ Núi Cả chủ yếu tìm thấy mảnh đồ gốm, có độ nung cao, màu gốm hồng, hay nâu nhạt, nhưng các đồ án trang trí khá đẹp; đây là một di chỉ mới điều tra thám sát, song di chỉ đã bị phá huỷ nhiều. Về tính chất của di chỉ, căn cứ vào di vật thì địa điểm khảo cổ học Núi Cả thuộc giai đoạn văn hoá Gò Mun (tương đương với lớp I của di chỉ KCH Đồng Đậu (Minh Tân, Yên Lạc)
2. Di chỉ Tháp Miếu
Di chỉ khảo cổ học Tháp Miếu, nằm trong đầu xóm gạo thôn Tháp Miếu, nằm ngay cạnh di chỉ khảo cổ núi Cả về phía Tây .
Tầng văn hoá di chỉ hiện nay bị phá hoại nhiều, do nhân dân xây dựng nhà cửa…vv. Quan sát địa tầng di chỉ dày 0m40. Là một loại đất thịt pha cát màu đen thẫm.
Do vật phát hiện gồm có đồ đá, đồ gốm. Về đồ đá có rùi đá, bôn đá hình chữ nhật được mài nhẵn toàn thân, có màu nâu đen.
Đồ gốm phát hiện chủ yếu là các mảnh miệng thân và chân đế. Riêng miệng gốm có 7 loại có loại miệng loe, phía trên mỏng, phía dưới cổ dày hơn . Trong và ngoài không trang trí gì. Loại 2 miệng gốm loe, thành miệng to hơn, trong có trang trí 3 đường chỉ chìm. Loại 3 miệng loe, hơi đứng, mặt ngoài trang trí 5 đường chỉ chìm. Loại 4 miệng loe, ngoài có gờ nổi hình cung. Mặt trong có 1 đường chỉ chìm. Loại 5, miệng loe, thành miệng vát lõm vào và làm gờ nổi . Loại 6 miệng loe, trên có trang trí những nét văn khắc vạch phía ngoài miệng . Loại 7, miệng khum vào thành gốm dày .
Nhìn chung đồ gốm ở đây tìm được không nhiều, và đều có đặc điểm là gốm được làm bằng bàn xoay, có độ nung cao 700 - 8000C. Căn cứ vào chất liệu, hình dáng và trang trí hoa văn di chỉ Tháp Miếu giống di chỉ đồ đồng thau Nghĩa Lập (Vĩnh Tường), tương đương với lớp 3 của di chỉ khảo cổ Đồng Đậu (Yên Lạc)
3. Di chỉ Thành Dền
Di chỉ khảo cổ học Thành Dền thuộc xã Tự Lập huyện Mê Linh . Di tích được phát hiện tháng 8 năm 1972.Và đã được khoa Sử trường Đại học Tổng hợp khai quật năm 1983 với diện tích 50 m2. Năm 1984 với diện tích 50 m2 lần thứ 3. Năm 1996 với diện tích 28 m2 . Tổng diện tích 1 lần thám sát và 3 lần khai quật là 144m2 .
Ngay sau khi phát hiện và thám sát từ tháng 8 năm 1972 các nhà khoa học cho rằng Thành Dền có nhiều nét gần gũi với di chỉ khảo cổ Đồng Đậu. Để làm sáng tỏ đặc trưng di tích Thành Dền, lần khai quật đầu tiên (1983) nhiều công cụ, đồ trang sức bằng đá, đồ đồng, dụng cụ đúc đồng cùng với những đồ đan bằng tre nứa, đồ gốm đã nói lên tính chất phong phú của di chỉ Thành Dền . Lần đầu tiên những người khai quật như Hà Văn Tấn, Hán Văn Khẩn và Nguyễn Chiều đã nhìn nhận di chỉ khảo cổ Thành Dền như là một trung tâm luyện kim giai đoạn tiền Đông Sơn ở trung du và đồng bằng Bắc Bộ. Chưa thoả mãn với những tư liệu lần 1, giáo sư Hà Văn Tấn cùng các cộng sự lại tiếp tục khai quật Thành Dền lần 2 (1984). Kết quả lần thứ hai đã phát hiện nhiều đồng hồ, đồ gốm, dụng cụ đúc đồng và đặc biệt đã phát hiện 1 ngôi mộ táng nằm trong địa tầng văn hoá, xác định là chủ nhân của cư dân văn hoá Đồng Đậu.
Qua 2 lần khai quật, các nhà nghiên cứu đã cho rằng địa tầng văn hoá Thành Dền dày trên dưới 1 mét, có nhiều yếu tố mang tính chất chuyển tiếp từ văn hoá Phùng Nguyên lên văn hoá Đồng Đậu và từ Đồng Đậu lên văn hoá Gò Mun . Nhưng cũng như di chỉ khảo cổ học Đồng Đậu, di tích Thành Dền cũng chủ yếu phản ánh các bước phát triển của nền văn hoá Đồng Đậu . Di tích Thành Dền cũng có nét tương đồng với di chỉ Đồng Đậu là vừa có di chỉ cư trú song cũng là nơi dùng để chôn cất người chết của cư dân Đồng Đậu. Giáo sư Hà Văn Tấ , người đã hai lần chủ trì khai quật đã công bố 9 mẫu than xác định niên đại C14 ở Thành Dền. Các kết quả C14 ở Thành Dền hoàn toàn không tuân theo trật tự địa tầng điều đó phản ánh tính phức tạp của khu di tích Thành Dền, vì lẽ đó việc khai quật nghiên cứu Thành Dền tiếp theo để tiếp tục làm sáng tỏ về mặt tính chất văn hoá khu di tích .
Từ những nhận thức trên, vào tháng 12- 1996 Viện khảo cổ phối hợp với trường đại học Havard (Mỹ) tiến hành khai quật Thành Dền lần thứ 3. Lần này theo phương pháp của giáo sư Hà Văn Tấn, toàn bộ khối tư liệu này được phân loại tỷ mỷ và chi tiết trên tất cả các phương diện để thấy rõ sự diễn biến phức tạp của chúng qua từng lớp .
Về đồ đá, phát hiện được 219 hiện vật bao gồm : Rùi, bôn, đục, bàn mài, mũi nhọn, chày nghiền, vòng trang sức, hạt chuỗi, khuyên tai, khuôn đúc. Do lần này nghiên cứu phân loại nghiêm túc nên càng rõ nét sự diễn biến từ dưới lên trên . Ví dụ : ở độ sâu 1m tới 0,60m đồ đá chiếm 74,80%, lớp trên từ 0m50 đến 0,00m là 25,21% . Điều đó phản ảnh thực tế, càng về sau khi công cụ đồng phát triển thì đồ đá càng ít dần .
Về đồ đồng, phát hiện 230 hiện vật gồm rìu, công cụ mũi nhọn, mũi tên, lưỡi câu, dây đồng, cục đồng, mảnh đồng… lần này đồ đồng tìm thấy ít hơn so với lần trước, cả khuôn đúc cũng ít hơn . Cũng như trên đã trình bày, theo địa tầng, thì càng phát triển đồ đồng từ ít lên nhiều dần, ngược lại với đồ đá. Ở lớp dưới công cụ đồng là 37,51% thì ở lớp trên là 62,50% . Điều đó chứng tỏ là hoạt động đúc đồng, sử dụng công cụ đồng ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước .
Về đồ gốm, Lần thứ 3, các nhà khoa học đã thu được 15.235 hiện vật và mảnh gốm . Trong số đó mảnh miệng là 1962, mảnh thân là 12056, mảnh đáy là 338, mảnh đế là 279. Các mảnh không xác định là 559. Và các hiện vật gốm phát hiện như dọi xe chỉ 5, bi gốm 10, khuôn đúc đồng là 2, mảnh nồi nấu đồng là 20, dấu vết lò đúc là 4. Hoa văn trang trí, chúng ta có thể nhận ra một số loại tiêu biểu cho quá trình hình thànhvà phát triển ở Thành Dền . Loại hoa văn chấ m tròn kiển Gò Mun thường tập trung ở khoảng 0m50 trở lên. Hoa văn dấu đan tiêu biểu cho văn hoá Đồng Đậu tồn tại từ 0m70 đền 0m20. Hoa văn chấm dải tiêu biểu cho văn hoá Phùng Nguyên phổ biến ở các lớp dưới sát sinh thổ . Văn sóng nước tiêu biểu cho văn hoá Đồng Đậu phổ biến từ các lớp dưới lên đến lớp trên cùng … Di chỉ Thành Dền là một di tích vừa mang đậm dấu ấn của văn hoá Đồng Đậu, nhưng nó cũng mang trong mình nó dấu ấn chuyển tiếp khá đậm nét nền văn hoá trước và sau nó.
Ngoài di vật đá, đồng, gốm, địa điểm Thành Dền còn có xương răng động vật như cua, cá, rùa, ốc, trâu, bò, gà, lợn và các thực phẩm như hạt trám, na…
Trong đợt khai quật lần 3, các nhà khảo cổ đã phát hiện di tích mộ táng. Đó là ngôi mộ song táng, 2 tử thi được đặt song song trên nền đất vàng được đắp vuông vức, đầu quay theo hướng Bắc - Nam.
Mê Linh - với di chỉ khảo cổ học Thành Dền đã cho chúng ta nhận thấy là nó thuộc tính chất của văn hoá Đồng Đậu. Thành Dền là một khu cư trú rộng tới 24.271 m2, mà nay chúng ta mới khai quật qua 3 lần trên 144m2 . Điều đáng nói hơn, đây còn là một trung tâm luyện kim - đúc đồng. Và qua tài liệu gốm thu thập còn cho ta nhận diện các bước phát triển nội tại của các di tích văn hoá Tiền Đông Sơn ở lưu vực Sông Hồng từ văn hoá Phùng Nguyên tới văn hoá Gò Mun .
Với văn hoá khảo cổ từ Núi Cả, Tháp Miếu tới Thành Dền, bộ mặt kinh tế - xã hội, văn hoá của thời kỳ xa xưa, cách ngày nay khoảng 3000 năm hiện lên khá rõ nét. Bức tranh toàn cảnh ấy mà các nhà khảo cổ mới phác dựng nhưng cũng đã hé mở cho chúng ta tiếp tục đi sâu tìm hiểu về đời sống văn hoá, kinh tế - xã hội của Tổ tiên ta . Tương lai trong lòng đất Mê Linh sẽ còn hấp dẫn và lý thú, đang chờ đợi những ai yêu và đến với mảnh đất ngàn năm văn hiến.

T.S : Nguyễn Anh Tuấn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét