Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Di tích khảo cổ học tìm thấy tại Hà Nam


Di tích khảo cổ học tìm thấy tại Hà Nam

I. Di tích khảo cổ học
1.  Mộ cổ
Mộ Lạt Sơn: (sông Bùn, thôn Lạt Sơn, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng): Đây là loại mộ thuyền, quan tài bằng gỗ, loại bé (dưới 3m-2,97m), niên đại phỏng đoán cuối thế kỷ III đầu II (TCN). Mộ được khai quật tháng 1/1977.
Khu mộ cổ Yên Từ (thôn Yên Từ, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên): Khu mộ cổ Yên Từ gồm nhiều ngôi mộ. Tháng 8/1980, các nhà khảo cổ đã khai quật được 2 ngôi mộ hình thuyền nằm trong ao, quan tài bằng gỗ, hai nửa thân cây khoét rỗng hình lòng máng úp khít lại với nhau có niên đại 375 TCN. Năm 1986 tiếp tục khai quật được 10 ngôi trong ao, quan tài bằng gỗ, có xu hướng chữ nhật hoá, có niên đại từ thời Tây Hán 136 TCN, đến Hai Bà Trưng 40-43 SCN.
Theo lời kể của người dân, tháng 5/1980 phát hiện được 4 ngôi mộ thuyền, tháng 11/1980 phát hiện được 1 ngôi mộ thuyền.
Mộ cổ Thịnh Châu Hạ: Mộ cổ Thịnh Châu được phát hiện và khai quật 4/1997 ở Thịnh Châu Hạ, Châu Sơn, huyện Kim Bảng. Quan tài bằng hai nửa cây gỗ khoét vũm, lòng máng chứa nhiều hiện vật, có niên đại thế kỷ I SCN.
Mộ thuyền Châu Sơn (Kim Bảng): Không còn mộ. Theo lời kể của dân, sơ bộ nhận định, đây là khu cư trú và mộ táng của người xưa kéo dài từ Hùng Vương đến Bắc thuộc.
Mộ táng cổ Đọi Sơn: Phát hiện từ những năm 80, dân tự di chuyển xương cốt tới một chỗ khác. Mộ được nghiên cứu vào tháng 5/1984, xác định gồm 11 ngôi, có 3 ngôi quan tài bằng thuyền gỗ, 2 ngôi đất kè đá, 4 ngôi áo quan bằng nan tre (một giát giường), 2 ngôi chưa xác định được cấu trúc. Những ngôi mộ này có niên đại khoảng thế kỷ I SCN.
Mộ thời Lê Đọi Sơn: Mộ gồm 2 ngôi, phát hiện vào năm 983 và tháng 5, 1984, quan tài 6 tấm bằng gỗ, có niên đại thời Lê Trung Hưng – Tây Sơn.
2.  Những trống đồng phát hiện trên đất Hà Nam
Trống đồng là một loại nhạc cụ dùng trong các buổi lễ hay khi đánh trận. Trống đồng được tìm thấy ở nhiều nơi trên đất Việt Nam, như Thanh Hóa (Ðông Sơn, 24 trống), Hà Ðông (9 trống), Bắc Ninh, Cao Bằng (mỗi tỉnh 3 trống), Hà Nam, Hà Nội, Hòa Bình, Kiến An (mỗi nơi 2 trống), Nam Ðịnh, Lào Cai, Sơn Tây, Yên Bái, Hải Dương, Nghệ An, Thủ Dầu Một, Kontum (mỗi nơi một trống).
Ở Hoa Nam thì tìm thấy nhiều nhất ở Vân Nam (5 trống). Các tỉnh khác thì Quế Châu, Quảng Tây, Tứ Xuyên (mỗi tỉnh tìm thấy 3 trống), Quảng Ðông (2 trống).
Tại Cămpuchia, Lào, Thái Lan, Miến Ðiện, Mã Lai, Indonexia cũng thấy nhiều trống đồng cổ. Riêng ở Thái Lan và Lào cũng như ở các vùng người Mường (thượng du Việt Nam) ngày nay người ta vẫn còn dùng trống đồng.
Hà Nam là tỉnh có số lượng trống đồng phát hiện được nhiều nhất khu vực đồng bằng Bắc bộ. Tính đến nay, đã phát hiện được 19 chiếc trống đồng cổ, trong đó, huyện Bình Lục phát hiện được 5 chiếc, đặc biệt là trống đồng Ngọc Lũ có niên đại cổ nhất và đẹp nhất trong toàn quốc. Trống đồng Ngọc Lũ I được phát hiện khoảng năm 1893-1894 do người dân thôn Ngọc Lũ phát hiện khi đang đào đất ở bãi cát bồi đê Trần Thủy trên đất xã Như Trác, huyện Nam Xang (nay là huyện Lý Nhân). Theo ý kiến của nhiều học giả trong và ngoài nước, trống đồng Ngọc Lũ được coi là một trong những chiếc trống có kích thước lớn, hoa văn phong phú. Niên đại của trống được xác định là vào khoảng thế kỷ V-IV TCN. Hiện trống được lưu giữ tại bảo tàng lịch sử Việt Nam.
Trống đồng Ngọc Lũ (Bình Lục)
Trống đồng Ngọc Lũ là một trong ít trống đồng đẹp nhất phát hiện được trên thế giới (ngoài các trống đồng Hòa Bình và Hoàng Hạ).
Trống cao 0,63 mét, đường kính mặt trống 0,86 mét, được trang trí bằng các hình trạm sâu xuống cả trên mặt trống lẫn tang trống.
Chính giữa mặt trống là một hình ngôi sao (hay mặt trời) 14 cánh. Xung quanh ngôi sao này là 16 vòng tròn đồng tâm có trang trí bằng nhiều hình kỷ hà hay hình vẽ khác nhau:
  • Giữa vòng thứ 5 và thứ 6 có khắc hình 2 căn nhà mái cong, có sàn, trong có người tóc dài ngồi. Trước nhà là 4 đàn trống và đoàn vũ nhạc nhảy múa, thổi khèn. Sau nhà có 2 người đang giã gạo.  
  • Xen kẽ với 2 nhà sàn trên là 2 nhà sàn mái tròn trong có người cầm kiếm. Trước nhà này có một người tay phải cầm kiếm, tay trái cầm một con chim. Sau nhà là một đoàn võ sĩ cầm lao, cầm kiếm đang múa.
  • Giữa vòng thứ 7 và thứ 8 có trạm hình 2 đàn hươu (10 con mỗi đàn) và xen kẽ với 2 đàn chim đang bay (mỗi đàn 8 con).
  • Giữa vòng thứ 8 và thứ 9 có khắc 18 con chim mỏ dài đang bay, xen kẽ với 18 con chim đang đậu dưới đất.
  • Trên tang trống, phần phình ra có khắc hình thuyền trên có những người cầm lao, kiếm, cung, đang chuẩn bị chiến dấu, hoặc đang nhảy múa hoặc chèo thuyền.
  • Trên phần thẳng đứng có những đường trang trí kỷ hà thẳng đứng hay nằm ngang đóng khung lấy những hình người cầm rìu và lá chắn.
Ngoài chiếc trống đồng Ngọc Lũ I, tại Ngọc Lũ còn phát hiện thêm 2 chiếc trống đồng nữa. Chiếc trống thứ tư được phát hiện tại Bình Lục là trống Vũ Bị (phát hiện ở thôn Vũ Bị, nay là thôn Đại Vũ) vào năm 1969.
Chiếc trống thứ 5 gọi là trống An Lão được phát hiện ở núi Nguyệt Hằng xã An Lão, huyện Bình Lục vào năm 1985.
Ngoài ra, cách đây hơn 100 năm, tổng đốc Nam Định là Vũ Văn Bảo đã tặng cho thôn Yên Tập, xã Phú Đa, huyện Bình Lục 1 chiếc trống đồng. Như vậy, tổng số trống đồng ở Bình Lục là 6 chiếc.
Duy Tiên là huyện phát hiện được nhiều trống đồng nhất trong toàn tỉnh, chiếm 9 trong tổng số 18 chiếc được phát hiện ở Hà Nam. Trong số đó có 1 chiếc đang được bảo quản tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, 3 chiếc được bảo quản tại Bảo tàng tỉnh, 1 chiếc để tại xã Yên Bắc, 4 chiếc để trong kho của UBND huyện.
Kim Bảng phát hiện được 4 chiếc trống đồng ở các thời kỳ khác nhau. Đó là trống Bút Sơn I, Bút Sơn II, trống Tượng Lĩnh và trống Kim Bảng. Cả 4 chiếc trống này đang nằm trong kho của công an huyện Kim Bảng.
II.  Một số di tích khác
  • Bia ma nhai (bia khắc vào đá tự nhiên) thôn Lạt Sơn, huyện Kim Bảng. Đây là 3 tấm bia được khắc trực tiếp lên một khối đá tự nhiên nặng khoảng vài tấn nổi lên trên mặt đất. Ba bia cùng nằm trên một mặt phẳng, có kích thước khác nhau, cùng hướng vào vách đá. Cả ba tấm bia đều có hình chữ nhật, chữ bị mờ nhiều. Bia thứ nhất là Bia Thượng điện ở chùa Thập địa động tiên Thành Chân được khắc năm 1671, triều Dương Đức đời vua Lê Gia Tông. Bia thứ hai cũng là bia ghi nhớ công đức được soạn năm 1672 vào triều Dương Đức, vùa Lê Gia Tông. Bia thứ ba là Bia Vệ lệ của họ Dương Thánh Hội tiên kính Phật chầu trời được soạn vào năm 1672 triêu Dương Đức vua Lê Gia Tông. Nội dung cả ba tấm bia đều là ghi lại sự hảo tâm công đức xây dựng chùa của các dòng họ, của thiện nam tín nữ trên đất Hà Nam và khách thập phương.
  • Sách đồng: Đây là một quyển sách bằng đồng do người dân xã Bắc Lý phát hiện ra, hiện nay sách được lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Văn Thủy, thôn Văn An, xã Bắc Lý, huyện Lý Nhân. Đây là một trong 4 quyền sách bằng đồng còn lại ở nước ta.
Sách được làm bằng đồng lá màu đen dài 45 cm, rộng 18,5 cm, dày 5 cm, gồm 2 lá đồng có kích thước bằng nhau. Trên cả bốn mặt của 2 lá đồng là những dòng chữ Hán khắc chìm, tổng cộng có 527 chữ. Nội dung của quyền sách đồng này là bài ký (soạn năm Hồng Đức thứ 3, 1472) về việc vua Lê Thánh Tông cho xây dựng Cầu Không (bắc qua sông Long Xuyên, nối dòng sông Hồng với sông Châu), việc dựng cầu trên đền, và việc bao phong cho thần đền là Thượng đẳng linh thần vì nhờ công âm phù của thần mà nhà vua đại thắng trọng trận đánh Chiêm Thành năm Canh Dần (1470). Sau cùng là các tụo lệ thờ cúng. Quyền sách đồng này cho chúng ta biết một kiểu kiến trúc độc đáo: Thượng gia hạ kiều, từng tồn tại trên đất Hà Nam, một mảnh đất xưa kia nổi tiếng với các cây cầu trong câu phương ngôn: Cầu Nam, chùa Bắc, đình Đoài.
Ngày nay, đền Cầu Không không còn, cây cầu cũng đã được dựng bằng bê tông cốt thép, tuy nhiên kiểu kiến trúc của nó còn thấy được tại chiếc cầu ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định (được xây dựng vào thời vua Lê Hồng Thuận, 1509-1515). Tương truyền, cũng trên dòng sông Long Xuyên, cách đây 200 năm, đã từng tồn tại một cây cầu Thương gia hạ kiều thuộc địa phận thôn Phú Khê, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân. Chúng ta còn có thể thấy dấu tích của kiểu kiến trúc cầu này ở Bình Lục, căn cứ vào tâm bia “Vị thị kiểu bi” (Bia cầu chợ Vị) làm năm Chính Hoà thứ 22 (1701) đặt trước đình Vị Hạ (xã Trung Lương, huyện Bình Lục) ghi về việc sửa chữa cầu “Thượng gia hạ kiều” cũng không còn nữa. Ngoài kiểu cầu này, trên đất Hà Nam xưa còn có nhiều cây cầu cổ bằng đá như cầu đá chợ Nghĩa (xã Đồn Xá, Bình Lục), cầu Triểu Quan, cầu Chùa, cầu Đinh ở thôn Thanh Nghĩa (Bình Lục) đều không còn. Qua khảo sát, hiện thấy chỉ còn lại ở Bình Lục cây cầu đá ở xã Đinh Xá, văn bia cho biết được khởi công vào ngày lành tháng 6 năm Bình Thìn Minh Mệnh năm thứ 20 (1840). 
  • Hang Gióng Lở (Thôn Bồng Lang, xã Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm ) là nơi cư trú của con người vào cuối thời đại đồ đá mới - đầu thời đại đồ đồng.
  • Dấu tích ngôi nhà sàn trước công nguyên (xã Mộc Nam huyện Duy Tiên).
Theo Cổng TTĐT tỉnh Hà Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét