Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Tìm thấy công cụ đồ đá cũ tại La Vuông, Hoài Sơn


Con người thời đồ đá cũ sống cách chúng ta ngày nay hàng triệu năm đến hàng vạn năm, ở Việt Nam cho tới nay, các di tích loại này chỉ tìm thấy chủ yếu ở các tỉnh phía bắc từ Quảng Bình trở ra, nơi có nhiều hang động đá vôi phù hợp với thời kỳ sinh sống trong hang động của con người thời kỳ đó.

      Ở các tỉnh phía Nam, theo tư liệu người Pháp công bố đã tìm thấy ở Dầu Dây, Hàng Gòn, Đồng Nai trong ngôi mộ cổ cự thạch (mộ đá) tại một đồn điền cao su, gần đây các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy loại hình di tích này trên cao nguyên Lâm Đồng và ở tỉnh Phú Yên cũng đã phát hiện  được các công cụ đồ đá cũ. Tại Bình Định, nhiều năm qua chúng tôi đã khảo sát dọc theo địa hình trung du và ven biển nhưng vẫn chưa tìm thấy loại hình di tích này. Trong chuyến phối hợp khảo sát nghiên cứu với trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (EFEO) Hà Nội và Viện Khảo cổ học Việt Nam, điều thắc mắc của chúng ta đã được trả lời. Tại La Vuông, xã Hoài Sơn, huyện Hoài Nhơn, tọa độ 14o39’388”N và 108o57’503” trên độ cao 800 m so với mực nước biển, một khu vực giáp ranh với huyện Đức Phổ (Quãng Ngãi) và An Lão trên vùng núi khá hiểm trở, đoàn khảo sát đã thu thập được những công cụ có dạng hình rìu, trên bề mặt các công cụ có dấu vết ghè đẽo của con người. Theo các chuyên gia nghiên cứu về thời đại đá cho biết, những công cụ phát hiện ở La Vuông là những công cụ đá gần với hình dạng đồ đá cũ thời hậu kỳ.
      Sưu tập này gồm có 9 chiếc, trong đó có 7 công cụ hình rìu (nghĩa là chưa thành hình một chiếc rìu) và 2 mảnh tước (tức là 2 mảnh do trong quá trình ghè vỡ ra có dáng hình tròn) trong thuật ngữ khảo cổ học gọi là “mảnh tước”. Những di vật ở La Vuông, về mặt loại hình kỹ thuật mang dáng vẻ của công cụ đá cũ. Ở đây có những công cụ kiểu rìu tay và công cụ dạng rìu chữ nhật. Sơ bộ có thể nhận thấy đồ đá ở đây giống sưu tập đá cũ được phát hiện gần đây tại Định Quán và một số địa điểm khác ở lưu vực sông Đồng Nai. Đây có thể là hệ thống di tích với loại hình công cụ phảng phất sơ kỳ đá cũ. Tại khu vực Đông Nam Á như BuKit hay Koatatampan Malaysia có niên đại từ 4 – 7 vạn năm. Tạm thời có thể lấy khung niên đại 4 – 7 vạn năm định niên đại tương đối cho các di vật tại La Vuông.
      Từ Hoài Sơn nếu đi bộ khỏe mất khoảng 3 tiếng đồng hồ là lên tới đỉnh, trước mắt ta là khu vực bằng phẳng, khí hậu mát mẻ, càng về chiều sương mù và se lạnh. Ở đây có nguồn nước từ núi Gia Long đổ xuống, khí hậu quanh năm mát mẻ, chung quanh là rừng, chính giữ bằng phẳng, là điều kiện tốt để con người cổ Hoài Sơn định cư và sinh sống lâu dài. Không những người tối cổ Hoài Sơn đã nhìn nhận ra vị trí này mà sau này con người hiện đại cũng nhìn ra vị trí thuận lợi này, thời kỳ thực dân Pháp đô hộ, người Pháp đã xây dựng khu đồn lũy và dự định xây dựng một đồn lũy và dự định xây dựng một đồn điền chăn nuôi gia súc, nhưng khí hậu lạnh không thích hợp. Từ những năm 1981 – 1982, tỉnh Bình Định cũng đã thành lập nông trường chăn nuôi tại đây. Gần đây lại đầu tư thành lập nông trường dứa nhưng đều không thành công. Điểm qua một vài dữ liệu đề phần nào hình dung, không chỉ hôm nay mà cách nay 4 – 7 vạn năm, người cổ Hoài Sơn đã sinh sống trong vùng đất này.
      Việc tìm thấy công cụ đồ đá cũ trên vùng đất La Vuông là một sự kiện văn hóa đáng quan tâm, nơi đây không chỉ là di tích đồ Đá cũ, mà còn là di tích thành lũy thời cận đại, một hệ thống thành lũy có chiều dài 300 km trong đó chạy trên đất Bình Định 30 km. Di tích sẽ được khảo sát kỹ trong thời gian tới.

TS. Đinh Bá Hòa - Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Bình Định  (Cập nhật ngày 10-06-2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét