Có thể nói đến bây giờ Lung Leng đã vượt ra ngoài khuôn khổ địa giới của tỉnh Kon Tum, mà đã trở thành một di chỉ có tầm quốc gia đã và đang được lưu tâm. Sự phát hiện ra Lung Leng đã mở ra nhiều vấn đề, trong đó có cả việc định lại giá trị của những di chỉ như Biển Hồ, Trà Dôm... (của Gia Lai), đòi hỏi phải điều chỉnh nhận thức bấy lâu nay về nền văn hóa ở Tây Nguyên và có những suy nghĩ hết sức mới.
Trong báo cáo kết quả khai quật di chỉ Lung Leng, PGS-TS Nguyễn Khắc Sử, trưởng đoàn khai quật (Viện Khảo cổ học) đã viết: “Với Tây Nguyên, Lung Leng là di chỉ duy nhất tìm thấy công cụ thời đại đá cũ và dấu tích luyện kim đồng thau. Ngoài khuôn đúc ra, Lung Leng là nơi duy nhất ở Tây Nguyên tìm thấy được khá nhiều công cụ đồng thau với các loại hình gợi lại mối quan hệ văn hóa Đông Sơn (Thanh Hóa), văn hóa Dốc Chùa (Sông Bé), văn hóa đồng thau Bắc Lào và Đông Bắc Thái Lan... Với phát hiện này, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi một cách nhìn về một Tây Nguyên miền thượng thời quá khứ. Đây là vùng đất sớm có sự khai phá của con người và trong tiến trình phát triển văn hóa, đây là vùng đất đầy năng động, sáng tạo và có mối giao lưu rộng mở...”. Với vài điều “duy nhất” ấy, cùng với giá trị của Lung Leng tựa như làm “lu mờ” những phát hiện về khảo cổ học trước đó tại Tây Nguyên; đặc biệt là đánh giá, bổ sung thêm vào thời tiền sử tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên.
Việc phát hiện ra di chỉ Lung Leng (thuộc xã Sa Bình, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) là hết sức tình cờ. Vào một ngày tháng 8-1999, ông Nguyễn Ngọc Kim, chủ quán trong bãi khai thác vàng Lung Leng đem ra Bảo tàng Tổng hợp Kon Tum 300 cổ vật gồm rìu đá có vai, bôn hình răng trâu, hạt chuỗi... làm toàn bộ cán bộ Bảo tàng bàng hoàng. Ngay hôm sau toàn bộ lực lượng cán bộ nghiệp vụ của Bảo tàng được lệnh cắt rừng vào Lung Leng và không thể tưởng tượng được giữa bãi vàng nham nhở, một tầng văn hóa cổ hiện ra nằm cách mặt đất gần 1m. Lập tức các mẫu vật được gửi ra ngay Hà Nội để xác định niên đại tuyệt đối bằng phương pháp cacbon phóng xạ C14 và những chuyên gia hàng đầu của Việt Nam về khảo cổ đã bay vào Kon Tum (riêng Viện Khảo cổ học thường trực 35 người, trong đó có 2 phó giáo sư, 12 tiến sĩ và còn lại đều là thạc sĩ, thì cũng đã đủ nói lên tầm quan trọng của Lung Leng đến nhường nào). Cuối năm 1999, Chính phủ chỉ thị cho Công ty Điện lực Việt Nam, Bộ Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia thống nhất biện pháp xử lý đối với Lung Leng, sau hơn 1 năm, đến tháng 5-2001 dự án được phê duyệt và đến 15-8 kết thúc đợt khai quật để chạy đua với lũ.
Di chỉ Lung Leng được khai quật với diện tích hơn 10.000m2, mở được 64 hố (100m2/hố) và đã đào được trên 4.000 công cụ đá, hàng vạn mảnh gốm, 40 mộ, 20 bếp, lò nung (cao 70cm, rộng 2-3m, đây là một bất ngờ lớn), chuỗi đá, rìu, chân đèn, bát, một số đồ gốm có niên đại từ thế kỷ 14 trở lại... được xác định là vết tích văn hóa thuộc nhiều giai đoạn khác nhau trải dài từ thời đại đá cũ (cách nay 20.000-30.000 năm), qua hậu kỳ đá mới và sang sơ kỳ kim khí (3.000-4.000 năm). Qua nghiên cứu sơ bộ thì cư dân tiền sử nơi này không chỉ đạt trình độ cao về kỹ thuật mài đá chế tác công cụ đến mức tinh xảo, kỹ nghệ luyện kim đồng thau mà họ còn là những thợ giỏi chế tác gốm, họ đã biết cách pha chế một tỷ lệ thích hợp đất sét với cát, bã thực vật và nắm chắc kỹ thuật đắp lò nung gốm... để chế tác từng loại vật dụng sinh hoạt thích hợp như chén, bát, chân đèn, đồ trang sức với nhiều kích thước, nghệ thuật khác nhau. Đặc biệt việc phát hiện dọi xe chỉ bằng đất nung tại di chỉ Lung Leng là minh chứng cho hoạt động xe sợi dệt vải ngay từ giai đoạn bình minh của nền văn minh.
Phát hiện quan trọng từ Lung Leng đã bác bỏ không ít nhận định trước đây cho rằng Tây Nguyên là vùng đất nghèo về khảo cổ tiền sử, ngược lại còn giúp làm sống lại quan điểm trái ngược với định kiến về tính chất biệt lập, khép kín, ngừng trệ và bảo thủ của Tây Nguyên, minh chứng Việt Nam là nơi chứng kiến quá trình hình thành con người từ thuở hồng hoang, vùng đất sớm nẩy sinh nền kinh tế nông nghiệp với sự phát triển rực rỡ, là một trong những trung tâm luyện kim. Nếu để so sanh với một số di chỉ phát hiện ở Tây Nguyên trước đây thì giá trị của Lung Leng đã mở ra nhiều vấn đề trong việc nghiên cứu kinh tế -văn hóa, xã hội, con người thời tiền sử.
Nguyễn Xuân Phuớc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét