Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Phát hiện đồ đá mới ở Bảo Thắng Lào Cai


Phát hiện đồ đá mới ở Bảo Thắng Lào Cai   (23/03/2012 )
Bảo Thắng là vùng đất cổ, có nhiều di sản văn hoá lâu đời đặc biệt di tích Khảo cổ học từ thời đại đồ đá cũ với nền văn hoá Sơn vi đến văn hoá Hoà Bình, Phùng Nguyên và nền văn minh Đông Sơn rực rỡ. Trong những năm qua, nằm trong chương trình sưu tầm thường xuyên của Bảo Tàng tỉnh Lào Cai đã phát hiện và sưu tầm về kho bảo quản của Bảo tàng những hiện vật với chất liệu khác nhau như: đồ đá, gốm, đồng… tại di chỉ khảo cổ học Ngòi Nhù (thuộc xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng,tỉnh Lào Cai).
 
Những hiện vật được sưu tầm tập chung chủ yếu là các loại hình mảnh tước, hạch đá các loại  rìu đá mài nhẵn, rìu có vai, chén gốm, bình vôi, mũi lao, dao găm, rìu đồng ... Tính cho đến nay, tại di chỉ này Bảo Tàng tỉnh Lào Cai đã sưu tầm và lưu giữ được trên500 hiện vật với các sưu tập hiện vật khác nhau.
Thực hiện kế hoạch sưu tầm hiện vật tư liệu hằng năm, ngày 20 tháng 3 năm 2012 đoàn công tác và nghiên cứu sưu tầm của Bảo Tàng tỉnh Lào Cai đã sưu tầm được 25 hiện vật đồ đá thuộc nền văn hóa Sơn Vi và Hòa Bình có niên đại cách ngày nay khoảng 18 đến 20 nghìn năm.Qua nghiên cứu và đánh giá bước đầu các hiện vật này chủ yếu tập chung với các loại hình hiện vật như: hạch đá, mảnh tước, bôn, chày nghiền, công cụ rìa lưỡi ngang, lưỡi dọc và xòe cân. Đặc biệt tại đây đã phát hiện được một chiếc chén gốm thô khá điển hình.  Những hiện vật này được phát hiện trong quá trình san gạt chuyển nghĩa trang thôn An Thắng để xây dựng mố cầu (nằm trong dự án đường cao tốc Nội Bài - Hà Nội - Lào Cai do tổng công ty xây dựng cầu đường bộ Vinaconex xây dựng) thuộc thôn An Thắng - xã Sơn Hà - huyện Bảo Thắng - tỉnh Lào
1. Công cụ là mảnh tước và phác vật.
Công cụ lao động của người nguyên thủy trong văn hóa Sơn Vi làm từ đá cuội được ghè đẽo thô sơ. Họ sống bằng săn bắn và hái lượm, chưa có trồng trọt và chăn nuôi.
Công cụ chủ yếu là những mảnh tước được tách ra từ đá. và được chế tác chủ yếu bằng chất liệu đá bazan. Các công cụ phần lớn đều được chế tác thô sơ, phần nhiều có vết nghè lõm. Rìa lưỡi sắc được ghè đẽo thành hình ô van, dài trung bình 13cm rộng 7cm mặt trên ghè thành những múi nhỏ, sắc cạnh. Mặt dưới để trơn tự nhiên của viên cuội.
2. Công cụ ghè đẽo:
Đây là công cụ ghè đẽo có dạng rìa lưỡi dọc nhưng cũng có thể sử dụng như mũi nhọn được làm từ những viên cuội có màu vàng lưỡi  khá sắc. Hai viên còn lại có dạng hình ô van rìa lưỡi hai bên sắc và mũi nhọn có tác dụng vừa đào vừa chặt, một loại hình đặc trưng trong công cụ đồ đá của người cổ xưa.
2. Phác vật rìu và bôn:
Phác vật bôn đá được phát hiện tại đây có dạng hình thang được mài cả hai bên, rìa lưỡi  mỏng hơi xòe. Trên thân của bôn còn nhiều vết ghè đẽo chưa hoàn thiện. Chiều dài trung bình 5cm, rộng 4cm, một chiếc có kích thước lớn hơn dài 9cm, rộng 5cm.
Những phác vật thuộc loại hình này chủ yếu được chế tác dở dang, chưa hoàn thiện, còn thiếu một số công đoạn nào đó thì mới hoàn chỉnh. Phần lớn các phác vật mới chỉ dừng lại ở công đoạn ghè đẽo chưa qua kinh nghiệm của giai đoạn mài. Cũng có thể nhiều chiếc là sản phẩm hỏng trong quá trình chế tác, được để lại ngay tại chỗ trong quá trình di chuyển.
3. Đồ gốm (Chén gốm thô)
Theo nghiên cứu bước đầu và giám định sơ bộ thì đây là chiếc chén gốm  thô có niên đại khoảng 5-7 nghìn năm cách ngày nay.Chiếc chén được tìm thấy ở độ sâu 60cm, nằm ở lớp đất cát màu đen. Đặc biệt, đây là chiếc chén có đường kính khá nhỏ cao 8cm, đường kính miệng 10cm, chu vi vòng miệng 32cm, chén có dạng đáy bằng, thân vại thẳng, miệng loe. Chén có màu nâu đen, bên trong không có hoa văn trang trí, nhẵn, phía thành chén bên ngoài được điểm xuyết liên tục bằng những đường chéo đan xen nhau. Chén không còn nguyên vẹn, miệng và thân đã bị vỡ phải ghép lại từ nhiều mảnh gốm nhỏ.
Đây là những hiện vật rất có giá trị về mặt nghiên cứu lịch sử, khoa học của nền Văn hóa cổ xưa tại vùng đất Lão Nhai - Bảo Thắng. Trong quá trình đi khảo sát và sưu tầm hiện vật thì hầu hết các hiện vật này đều nằm ở lớp đất đã bị xáo trộn nhiều lần.
Qua các bước khảo sát, nghiên cứu và đánh giá bước đầu, có thể nói rằng đây là cái nôi của một nền văn hóa rất lâu đời được nằm trên một vùng đất cổ được phát triển rực rỡ qua nhiều thời kỳ và giai đoạn lịch sử dựng nước của dân tộc Việt Nam nơi địa đầu Tổ quốc. Những hiện vật này đã được sưu tầm và nhập kho cơ sở của Bảo Tàng tỉnh Lào Cai để lưu giữ, bảo quản và phục vụ cho công tác nghiên cứu và sưu tầm và bảo tồn nền văn hóa cổ xưa tại di chỉ này./.

Bùi Thị Hường-Bảo tàng tỉnh    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét