Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Hang Con Moong - Di chỉ khảo cổ học tiền sử


Hang Con Moong - Di chỉ khảo cổ học tiền sử  
Giá trị nổi bật của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn, hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.
     Hang Con moong - một di chỉ Khảo cổ học nằm trên địa bàn bản Thành Trung, xã Thành Yên, huyện miền núi Thạch Thành của tỉnh Thanh Hóa, cách di sản Thế giới Thành Nhà Hồ khoảng 30km về phía Tây Nam theo đường chim bay.
         

    Nằm trong vùng đệm của vườn Quốc gia Cúc Phương, có độ dài khoảng 40m, thông hai đầu, trần hang có chỗ cao 10m. Hang Con Moong nổi bật hẳn lên với những thế mạnh của một di chỉ khảo cổ học độc đáo và nhiều điều bí ẩn.

    Theo các tài liệu khảo cổ hoc, hang này được phát hiện vào năm 1975. Năm 1976, Viện Khảo cổ học phối hợp với Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Thanh Hóa và vườn Quốc gia Cúc Phương tiến hành khai quật lần thứ nhất. Từ năm 2008 đến năm 2011, các  chuyên gia Viện Khảo cổ học phối hợp với các chuyên gia, các nhà khoa học của Cộng hòa Liên bang Nga tiếp tục khai quật di chỉ hang Con Moong. Kết quả qua các lần khai quật cho thấy, những yếu tố chủ đạo của văn hóa Sơn Vi, văn hóa Hòa Bình và văn hóa Bắc Sơn - ba nền văn hóa tiền sử tiêu biểu nhất cho Việt Nam và Đông Nam Á đều hội tụ về đây. Và cũng từ đây lại có sự lan tỏa ra các hang động trong và ngoài khu vực của vườn Quốc gia Cúc Phương.
        
    Tầng văn hóa trong hang rất dày (khoảng từ 3,0 - 3,2m), chứa đựng vết tích văn hoá của nhiều thời đại, từ đá cũ qua đá mới.


    Các di vật thu được tại hang Con Moong gồm: Rìu mài lưỡi kiểu Bắc Sơn, nạo hình đĩa, rìu ngắn, công cụ mũi nhọn bằng xương và công cụ ghè đẽo thô sơ tạo rìa ở dọc viên cuội, rìu ngang cùng một số mảnh đá được sử dụng làm dao cắt. Kết quả phân tích bằng phương pháp Cacbon (C14) trên 10 mẫu của Viện Khảo cổ học Việt Nam đã khẳng định niên đại của lớp sớm nhất là cách đây khoảng 15.000 năm, lớp giữa là khoảng 10.000 năm, lớp trên là khoảng 7.000 năm.
        
      Giá trị nổi bật của hang Con Moong là lần đầu tiên phát hiện ra địa tầng có dấu vết của quá trình phát triển liên tục của con người thời tiền sử từ đá cũ đến đá mới, từ săn bắn, hái lượm đến trồng trọt. Sự phát triển này là một thành tựu văn hóa vĩ đại của nhân loại.
        
     Như vậy, hang Con Moong chính là “Ngôi nhà lớn” mà người tiền sử đã cư trú suốt 7000 - 8000 năm liên tục. Nó sẽ rất có ý nghĩa cho việc tìm hiểu về thời tiền sử Việt Nam và khu vực.
         
    Với những giá trị quan trọng đó, cùng với Thành Nhà Hồ, từ năm 2006, Chính Phủ đã đồng ý để tỉnh Thanh Hóa xây dựng Hồ sơ đề cử UNESCO. Hy vọng sau Thành Nhà Hồ, di chỉ hang Con Moong sẽ tiếp tục được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Thế giới.
Hoài Nam - Thanh Lan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét