Con trâu – Biểu tượng của làng quê Việt
Con trâu đã xuất hiện trong nền văn minh lúa nước của cư dân Việt từ thuở khai hoang mở cõi, thời đại các vua Hùng cách đây 4.000 năm. Cũng từ xa xưa, người dân đã biết dùng trâu để cày bừa, kéo xe, chở người, làm thực phẩm, tham gia các hoạt động vui chơi hay thờ cúng… Trâu là gia súc quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất nông nghiệp, kinh tế gia đình và sự giàu có, trù phú nông thôn Việt Nam.
Tìm hiểu sâu hơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện hóa thạch của trâu trong nhiều hang động ở nước ta, như động Kéo Lèng – Lạng Sơn, Hang Hùm – Hòa Bình, Thẩm òm – Hà Tĩnh… Rồi xương trâu ở các di chỉ đá mới và đồng thau tại Tràng Kênh – Hải Phòng, Tiên Hội – Hà Nội, Đồng Đậu – Phú Thọ… cùng hàng trăm lưỡi cày đồng cho trâu thuộc văn hóa Đông Sơn ở Cổ Loa… Điều đó cho thấy Việt Nam là một quê hương, xứ sở của loài trâu.
Trong dân gian tồn tại nhiều truyền thuyết thú vị liên quan tới trâu. Tại thủ đô Hà Nội, có hai địa danh từ lâu đã đi vào huyền thoại, đó là sông Kim Ngưu và Hồ Tây (ngày nay). Đồ rằng, ngày xưa vùng này cây cỏ um tùm, bỗng một hôm có con trâu vàng từ đâu chạy tới, giẫm nát một vùng và làm lở đất, hình thành nên sông Kim Ngưu và Hồ Tây, đầm xong nó cũng lặn mất. Những hôm mờ sương, người ta vẫn nhìn thấy bóng một con trâu lớn ngoi lên mặt nước.
Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, tận dụng sức trâu, dân gian đã dùng trâu để kéo gỗ trên những đoạn đường cheo leo của dãy Trường Sơn. Cũng có nhiều sự tích lý thú khác về trâu, như hồi nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đã từng cùng bè bạn cưỡi trâu tập trận dưới cờ lau, sau dẹp loạn 12 xứ quân xưng đế, xây dựng đất nước Đại Cồ Việt. Hoặc như thời Trần, có chàng trai Yết Kiêu, người Gia Lộc – Hải Dương một lần đi ven biển, thấy hai con trâu chọi nhau bèn rút đòn gánh đuổi, chúng lặn xuống biển. Thấy chúng mãi không nổi lên, và trên đòn gánh còn dính vài sợi lông kỳ lạ, ông bèn nuốt vào bụng, từ đó bơi lặn giỏi như cá, rồi trở thành vị tướng thống lĩnh hải quân phò tá triều đình.
Ở những miền quê nông thôn xưa, hầu như ai cũng có một thời chăn trâu cắt cỏ đầy kỷ niệm. Một thân, một mình hoặc cùng bạn lang thang trên triền đê, đồng bãi hoặc rừng núi để trông coi và cho đàn trâu ăn no. Đứa nào, đứa nấy nhọ lem nhọ thủi, hoặc đầu trần hoặc đội lá sen, mũ rơm, mũ cọ; quần cộc áo tũn; cắp nải đựng cơm, khoai, sắn; tay lăm lăm cây roi hoặc đoạn thừng, lẽo đẽo dắt trâu đi hết quãng này đến quãng khác, và khi mệt thì cột trâu dưới một gốc cây, giở tay nải ra ăn và nằm kềnh ra đất mà ngủ.
Đi chăn trâu, đám trẻ đồng thời cũng đi bắt chim, đào dế, mò ốc, hái rau, tìm củ thuốc mang về làm kinh tế phụ. Những lúc nghỉ ngơi, bạn bè hát nghêu ngao, đánh đàn, thổi sáo, chơi đá bóng, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, thả diều… hình thành nên bao khúc đồng dao và trò chơi. Điều ấy được thấy khá rõ qua bài thơ Quê Hương của Giang Nam: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…
Từ xưa, nông dân đã xem trâu là một tài sản rất lớn. Tục ngữ có câu: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhà ai chỉ cần có một con trâu đã được xem là phú hộ, và nếu có cả đàn trâu là đại phú. Ai không có trâu là kẻ nghèo hèn. Vì vậy, họ chăm sóc trâu rất chu đáo.
Mới đầu, người dân phải tậu một con nghé, nuôi nó lớn dần cho quen người quen nhà, sau này dễ bảo. Đợi khi nó dăm tuổi, mới cho cày thử trên đất cát, đồng cạn, cuối cùng là ruộng sâu. Trâu thuộc họ nhai lại, dạ dày cho phép ăn được nhiều mà không cần nhai kỹ. Khi nằm nghỉ, con vật mới ợ cỏ lên miệng để nhằn. Vì vậy mà lúc nào cũng thấy nó tóp tép. Không như nhiều loài vật khác khó gần, trâu luôn có bạn, và thường là những chú chim nhỏ loắt choắt nhảy trên lưng để bắt rận. Khi nghỉ, trâu hay đầm dưới ao cho mát và rũ bỏ vật ký sinh. Trâu rất sợ muỗi.
Dân gian xem con trâu là đại diện cho sức lao động chân chính, tượng trưng cho vòng luân chuyển của ngày đêm, năm tháng, bốn mùa và vũ trụ nên đã xếp nó vào trong 12 giáp. Họ cho rằng, những người có tuổi sửu sẽ có đức tính giống với trâu. Ngoài ra, người dân còn xem hình ảnh trâu là biểu tượng cho sự yên bình và vẻ đẹp của làng quê.
Vào các lễ hội, các miền đều có phần chọi trâu, ở một số vùng còn có hẳn hội chọi trâu, như hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng, chọi trâu Lập Thạch Vĩnh Phúc, chọi trâu Phú Thọ… Song sôi động nhất là hội chọi trâu ở vùng biển Đồ Sơn từ thế kỷ 18. Lễ hội này đã đi vào dân ca: Dù ai buôn đâu, bán đâu/Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Kết thúc hội thi, tất cả trâu thua hay thắng đều được mổ tế thần, làm cỗ làng khao mời quan khách. Thịt con trâu thắng được rải đều các mâm cỗ, ai gắp được sẽ may mắn cả năm. Hội chọi trâu Đồ Sơn là ngày hội tưởng nhớ cội nguồn cũng là nghi lễ cầu mùa, cầu phúc như ở một số vùng trồng lúa là mong muốn lúa khoai đầy kho, vùng đi biển là mong ước thuận buồm xuôi gió, biển nhiều tôm cá, và là trò chơi giải trí, thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết dân tộc.
Ở Tây Nguyên, lại có hội đâm trâu về ý nghĩa cũng để tạ ơn thần lúa và mừng được mùa… Nổi bật nhất là lễ đâm trâu của người M’nông diễn ra vào tháng ba âm lịch, do các gia đình khá giả tổ chức hàng năm hoặc ba năm một lần. Đâm trâu làm sống lại không khí linh thiêng, và cũng rất cổ xưa từ những ngày lập nước. Lễ hội này đã từng được khắc trên các trống đồng của người Việt Cổ.
Vì con trâu là biểu trưng cho nông nghiệp, nên từ xa xưa, làng quê đều có lễ hội rước thần Nông và trâu nhằm ca ngợi thần Nông và trâu. Vào đầu xuân, từ cung đình đến vùng quê đều mở hội rước long trọng, cầu mong mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn, nhà nhà no ấm. Người Thái (Yên Bái) từ xưa đã giữ được tục cúng vía (tạ ơn) trâu vào ngày Tết síp sí -14/07 âm lịch, khi cấy lúa xong.
Xưa kia, các làng quê thường có lễ hội rước mục đồng, cảm ơn trẻ chăn trâu đã chăm sóc và nuôi dưỡng những con trâu béo khỏe, năng việc nhà, việc làng. Ví như làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, xưa kia cứ ba năm vào các năm Tỵ, Ngọ, Mão, Dậu lại tổ chức lễ rước mục đồng rất linh đình. Nhưng theo thời gian, lễ hội này đã dần mai một.
Ca dao, tục ngữ, hò vè Việt Nam từ xa xưa đã dành bao lời hay, ý đẹp ca ngợi hình ảnh con trâu: Trâu ơi, ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…hay Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa.
Ngày nay, khi cơ giới hóa nông thôn và đô thị hóa ngày càng tăng, những đồng ruộng thu hẹp dần, những máy cấy cầy hiện đại xuất hiện thì hình ảnh những chú trâu cũng không còn nhiều. Mục đích nuôi và sử dụng trâu cũng đã khác xưa, trâu nuôi để bán lấy thịt, kéo gỗ, kéo đồ, làm du lịch…Nhưng vai trò của trâu vẫn được khẳng định, trâu vẫn xuất hiện nhiều ở những vùng quê nghèo, những nơi địa hình phức tạp, ruộng đồng manh mún hay trong dịp lễ hội của nhiều đồng bào. Ngắm nhìn lũ trẻ chăn trâu trên triền đê, thả sáo diều hay đùa nghịch dưới ao nước mát hoặc lững thững về chuồng … luôn là những hình ảnh mang cho ta một cảm giác bình yên của làng quê Việt.
Tìm hiểu sâu hơn, các nhà khảo cổ đã phát hiện hóa thạch của trâu trong nhiều hang động ở nước ta, như động Kéo Lèng – Lạng Sơn, Hang Hùm – Hòa Bình, Thẩm òm – Hà Tĩnh… Rồi xương trâu ở các di chỉ đá mới và đồng thau tại Tràng Kênh – Hải Phòng, Tiên Hội – Hà Nội, Đồng Đậu – Phú Thọ… cùng hàng trăm lưỡi cày đồng cho trâu thuộc văn hóa Đông Sơn ở Cổ Loa… Điều đó cho thấy Việt Nam là một quê hương, xứ sở của loài trâu.
Trong dân gian tồn tại nhiều truyền thuyết thú vị liên quan tới trâu. Tại thủ đô Hà Nội, có hai địa danh từ lâu đã đi vào huyền thoại, đó là sông Kim Ngưu và Hồ Tây (ngày nay). Đồ rằng, ngày xưa vùng này cây cỏ um tùm, bỗng một hôm có con trâu vàng từ đâu chạy tới, giẫm nát một vùng và làm lở đất, hình thành nên sông Kim Ngưu và Hồ Tây, đầm xong nó cũng lặn mất. Những hôm mờ sương, người ta vẫn nhìn thấy bóng một con trâu lớn ngoi lên mặt nước.
Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn, tận dụng sức trâu, dân gian đã dùng trâu để kéo gỗ trên những đoạn đường cheo leo của dãy Trường Sơn. Cũng có nhiều sự tích lý thú khác về trâu, như hồi nhỏ Đinh Bộ Lĩnh đã từng cùng bè bạn cưỡi trâu tập trận dưới cờ lau, sau dẹp loạn 12 xứ quân xưng đế, xây dựng đất nước Đại Cồ Việt. Hoặc như thời Trần, có chàng trai Yết Kiêu, người Gia Lộc – Hải Dương một lần đi ven biển, thấy hai con trâu chọi nhau bèn rút đòn gánh đuổi, chúng lặn xuống biển. Thấy chúng mãi không nổi lên, và trên đòn gánh còn dính vài sợi lông kỳ lạ, ông bèn nuốt vào bụng, từ đó bơi lặn giỏi như cá, rồi trở thành vị tướng thống lĩnh hải quân phò tá triều đình.
Ở những miền quê nông thôn xưa, hầu như ai cũng có một thời chăn trâu cắt cỏ đầy kỷ niệm. Một thân, một mình hoặc cùng bạn lang thang trên triền đê, đồng bãi hoặc rừng núi để trông coi và cho đàn trâu ăn no. Đứa nào, đứa nấy nhọ lem nhọ thủi, hoặc đầu trần hoặc đội lá sen, mũ rơm, mũ cọ; quần cộc áo tũn; cắp nải đựng cơm, khoai, sắn; tay lăm lăm cây roi hoặc đoạn thừng, lẽo đẽo dắt trâu đi hết quãng này đến quãng khác, và khi mệt thì cột trâu dưới một gốc cây, giở tay nải ra ăn và nằm kềnh ra đất mà ngủ.
Đi chăn trâu, đám trẻ đồng thời cũng đi bắt chim, đào dế, mò ốc, hái rau, tìm củ thuốc mang về làm kinh tế phụ. Những lúc nghỉ ngơi, bạn bè hát nghêu ngao, đánh đàn, thổi sáo, chơi đá bóng, nhảy dây, bịt mắt bắt dê, thả diều… hình thành nên bao khúc đồng dao và trò chơi. Điều ấy được thấy khá rõ qua bài thơ Quê Hương của Giang Nam: Thuở còn thơ ngày hai buổi đến trường/Yêu quê hương qua từng trang sách nhỏ/Ai bảo chăn trâu là khổ/Tôi mơ màng nghe chim hót trên cao…
Từ xưa, nông dân đã xem trâu là một tài sản rất lớn. Tục ngữ có câu: Con trâu là đầu cơ nghiệp. Nhà ai chỉ cần có một con trâu đã được xem là phú hộ, và nếu có cả đàn trâu là đại phú. Ai không có trâu là kẻ nghèo hèn. Vì vậy, họ chăm sóc trâu rất chu đáo.
Mới đầu, người dân phải tậu một con nghé, nuôi nó lớn dần cho quen người quen nhà, sau này dễ bảo. Đợi khi nó dăm tuổi, mới cho cày thử trên đất cát, đồng cạn, cuối cùng là ruộng sâu. Trâu thuộc họ nhai lại, dạ dày cho phép ăn được nhiều mà không cần nhai kỹ. Khi nằm nghỉ, con vật mới ợ cỏ lên miệng để nhằn. Vì vậy mà lúc nào cũng thấy nó tóp tép. Không như nhiều loài vật khác khó gần, trâu luôn có bạn, và thường là những chú chim nhỏ loắt choắt nhảy trên lưng để bắt rận. Khi nghỉ, trâu hay đầm dưới ao cho mát và rũ bỏ vật ký sinh. Trâu rất sợ muỗi.
Dân gian xem con trâu là đại diện cho sức lao động chân chính, tượng trưng cho vòng luân chuyển của ngày đêm, năm tháng, bốn mùa và vũ trụ nên đã xếp nó vào trong 12 giáp. Họ cho rằng, những người có tuổi sửu sẽ có đức tính giống với trâu. Ngoài ra, người dân còn xem hình ảnh trâu là biểu tượng cho sự yên bình và vẻ đẹp của làng quê.
Vào các lễ hội, các miền đều có phần chọi trâu, ở một số vùng còn có hẳn hội chọi trâu, như hội chọi trâu Đồ Sơn Hải Phòng, chọi trâu Lập Thạch Vĩnh Phúc, chọi trâu Phú Thọ… Song sôi động nhất là hội chọi trâu ở vùng biển Đồ Sơn từ thế kỷ 18. Lễ hội này đã đi vào dân ca: Dù ai buôn đâu, bán đâu/Mồng chín tháng tám chọi trâu thì về. Kết thúc hội thi, tất cả trâu thua hay thắng đều được mổ tế thần, làm cỗ làng khao mời quan khách. Thịt con trâu thắng được rải đều các mâm cỗ, ai gắp được sẽ may mắn cả năm. Hội chọi trâu Đồ Sơn là ngày hội tưởng nhớ cội nguồn cũng là nghi lễ cầu mùa, cầu phúc như ở một số vùng trồng lúa là mong muốn lúa khoai đầy kho, vùng đi biển là mong ước thuận buồm xuôi gió, biển nhiều tôm cá, và là trò chơi giải trí, thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết dân tộc.
Ở Tây Nguyên, lại có hội đâm trâu về ý nghĩa cũng để tạ ơn thần lúa và mừng được mùa… Nổi bật nhất là lễ đâm trâu của người M’nông diễn ra vào tháng ba âm lịch, do các gia đình khá giả tổ chức hàng năm hoặc ba năm một lần. Đâm trâu làm sống lại không khí linh thiêng, và cũng rất cổ xưa từ những ngày lập nước. Lễ hội này đã từng được khắc trên các trống đồng của người Việt Cổ.
Vì con trâu là biểu trưng cho nông nghiệp, nên từ xa xưa, làng quê đều có lễ hội rước thần Nông và trâu nhằm ca ngợi thần Nông và trâu. Vào đầu xuân, từ cung đình đến vùng quê đều mở hội rước long trọng, cầu mong mùa màng bội thu, gia súc đầy đàn, nhà nhà no ấm. Người Thái (Yên Bái) từ xưa đã giữ được tục cúng vía (tạ ơn) trâu vào ngày Tết síp sí -14/07 âm lịch, khi cấy lúa xong.
Xưa kia, các làng quê thường có lễ hội rước mục đồng, cảm ơn trẻ chăn trâu đã chăm sóc và nuôi dưỡng những con trâu béo khỏe, năng việc nhà, việc làng. Ví như làng Phong Lệ, Hòa Châu, Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, xưa kia cứ ba năm vào các năm Tỵ, Ngọ, Mão, Dậu lại tổ chức lễ rước mục đồng rất linh đình. Nhưng theo thời gian, lễ hội này đã dần mai một.
Ca dao, tục ngữ, hò vè Việt Nam từ xa xưa đã dành bao lời hay, ý đẹp ca ngợi hình ảnh con trâu: Trâu ơi, ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công/ Bao giờ cây lúa còn bông/Thời còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn…hay Trên đồng cạn, dưới đồng sâu/Chồng cầy vợ cấy con trâu đi bừa.
Ngày nay, khi cơ giới hóa nông thôn và đô thị hóa ngày càng tăng, những đồng ruộng thu hẹp dần, những máy cấy cầy hiện đại xuất hiện thì hình ảnh những chú trâu cũng không còn nhiều. Mục đích nuôi và sử dụng trâu cũng đã khác xưa, trâu nuôi để bán lấy thịt, kéo gỗ, kéo đồ, làm du lịch…Nhưng vai trò của trâu vẫn được khẳng định, trâu vẫn xuất hiện nhiều ở những vùng quê nghèo, những nơi địa hình phức tạp, ruộng đồng manh mún hay trong dịp lễ hội của nhiều đồng bào. Ngắm nhìn lũ trẻ chăn trâu trên triền đê, thả sáo diều hay đùa nghịch dưới ao nước mát hoặc lững thững về chuồng … luôn là những hình ảnh mang cho ta một cảm giác bình yên của làng quê Việt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét