Thứ Bảy, 7 tháng 7, 2012

Một vùng quê văn hóa, giàu truyền thống cách mạng


Một vùng quê văn hóa, giàu truyền thống cách mạng
Nằm trong cái nôi của nền văn hóa Đồng Đậu, nền văn minh lúa nước sông Hồng, Yên Lạc có truyền thống văn hóa đặc sắc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy trong suốt chiều dài lịch sử; đó là tinh hoa của nền văn nghệ dân gian, của những làn điệu hát xoan, trống quân, hát chèo... thường được biểu diễn trong các lễ hội, đình đám. Đó là lối sống “Thuần phong, mỹ tục” của “Uống nước nhớ nguồn”, của tình làng nghĩa xóm, của tắt lửa tối đèn có nhau, sống chan hòa, thân ái. Đó là truyền thống hiếu học của nhiều nhà khoa bảng học rộng, tài cao đức cả. Từ đời Lê về trước, Yên Lạc có 19 người đỗ đại khoa, nếu tính đến năm 1989, năm cuối cùng có người đỗ thi Đình thì có tới 26 người. Trước hết phải kể đến hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử người làng Phương Nha làm vua từ năm 571 đến năm 603. Nhiều người khá nổi tiếng như Khoan Khoáng Đại vương, Phùng Dong Oánh, Tạ Hiển Đạo, Trạng nguyên Phạm Công Bình, Phó bảng Nguyễn Đức Kỳ. Có người làm quan trong triều đến chức Thượng thư, có người là Bộ Hộ tả thị lang. Lại có người làm Toàn tu sử quân. Văn cũng có mà võ cũng có.
Truyền thống văn hóa Yên Lạc còn thể hiện bằng hệ thống các công trình kiến trúc đình, đền, chùa, miếu như đền Thính, đền Tranh thờ Tản Viên Sơn Thánh, Đền Gia Loan thờ Nguyễn Khắc Khoan ở Minh Tân, đền thờ Lý Phật Tử ở Phương Nha, Đền thờ Bố Cái Đại Vương ở Phú Phong. . . hàng năm tổ chức lễ hội cổ truyền trang trọng mà phong phú lành mạnh.
Truyền thống tiêu biểu nhất của nhân dân Yên Lạc là yêu nước, kiên cường bất khuất, chống giặc ngoại xâm “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” từ thời Trưng Vương khởi nghĩa có Quách Gia Nương ở Liên Châu được phong chức Tiên phong tả tướng quân, nữ tướng Vĩnh Hoa ở Đinh Xá được phong chức Nội thị tướng quân. Phong trào Cần Vương chống Pháp có ông Lê Bột chiêu mộ quân lính, lập căn cứ ở chân núi Tâm Đảo đánh Pháp suốt 11 năm liền, ông Bùi Sâm, lãnh binh Trấn Sơn Tây dựng cờ tụ nghĩa, đi đến đâu giặc cũng khiếp vía kinh hồn.
Năm 1930 đồng chí Phan Văn Cương và Vũ Duy Cương, cán bộ Xứ ủy Bắc Kỳ được cử về Yên Lạc tuyên truyền cách mạng. Các tổ chức Nông hội đỏ, Thanh niên Cộng Sản Đoàn, Phụ nữ giải phóng được thành lập. Tuy chưa có tổ chức Đảng chính thức nhưng Hội kín (Tức Đảng) đã có, năm 1944 Mặt trận Việt Minh Yên Lạc được thành lập. Trên 30 làng có đội tự vệ diệt ác trừ gian. Yên Lạc còn là cơ sở tin cậy của Xứ ủy Bắc Kỳ và Tỉnh ủy Vĩnh Yên. Các đồng chí Đinh Đức Thiện, Khuất Thị Vinh, Hoàng Văn Thụ, Vũ Duy Cương, Lê Xoay... về đây hoạt động, chỉ đạo cách mạng trong vùng được nhân dân đùm bọc chở che.
Từ tháng 4 đến tháng 8 năm 1945, Yên Lạc có 18 cuộc biểu tình lớn nhỏ, trở thành phong trào sôi nổi, róng khắp đi đầu trong toàn tỉnh. Tiêu biểu là ngày 15 - 5 - 1945 hơn 400 người biểu tình, thị uy kẻo từ hạt Bình Xuyên đến hạt Yên Lạc có băng cờ và bắn súng (Báo cứu quốc ngày 15 - 7 -1945). Cuộc biểu tình kéo dài 6 tiếng đồng hồ, đến các tụ điểm dân cư, các chợ Lổ, chợ Lầm đều tuyên truyền ủng hộ Việt Minh đánh Nhật cứu nước. Ngày 20 - 4 có 70 người, ngày 23 - 4 có 130 người kéo lên huyện biểu tình đòi đong thóc rẻ thắng lợi, cuộc biểu tình phá kho thóc ở nhà Lý Chén ở Đông Mẫu, của Bá Soạn ở Cung Thượng... Đây là cuộc tổng diễn tập quan trọng để đến ngày 22 - 8 trên cánh đồng ngập nước xã Yên Phương, đồng chí Trần Bảo phát lệnh khởi nghĩa, hơn 20 chiếc thuyền rẽ sóng tiến về huyện lỵ phối hợp cùng dân quân các xã cướp chính quyền thành công. Huyện Nhụ đã phải chạy trốn.
Tháng 6 - 1946 Đảng bộ Yên Lạc được thành lập, tháng 7 - 1946 các chi bộ đảng ở các xã cũng lần lượt ra đời. Đảng bộ huyện đã quán triệt sâu sắc đường lối chiến tranh nhân dân “Toàn dân, toàn diện”. Lực lượng vũ trang từ huyện đến xã được thành lập đồng bộ, rộng khắp. 42 đội du kích ra đời. Đi đôi với tiêu thổ kháng chiến thắng lợi thì dựng làng chiến đấu cũng là phong trào tiêu biểu trong tỉnh. Hiệp Lực (Yên Đồng) là một trong 5 xã của tỉnh được giải thưởng thi đua trong dịp sơ kết cuộc vận động xây dựng làng chiến đấu của tỉnh 32 km2 giáp vùng tự do bị địch lập thành vành đai trắng, hàng trăm ban tề ra đời, 82 đồn bốt, tháp canh, 3 bốt chỉ huy phân khu cùng hệ thống đồn bốt của Vĩnh Tường tạo thành vòng vây kiêm tỏa, o ép sự hoạt động của ta, nhiều trận càn chúng chà đi soát lại hòng chia rẽ Đảng với dân, dân với Đảng “Vỏ quýt dày có móng tay nhọn”. “Độn thổ xuất thần” lại là lối đánh tiêu biểu của lực lượng vũ trang Yên Lạc làm cho địch khiếp đảm, ăn không ngon ngủ không yên, tiến không được, thoái cũng chẳng xong, với hàng trăm trận đánh lớn nhỏ tiêu diệt 1400 lính bảo an, hương dũng, diệp ngầm, 1200 lính Pháp, lính âu Phi, thu hàng chục tấn đạn dược, hàng ngàn súng. Tiêu biểu là trận đánh ngày 28 - 6 – 1945 phối hợp du kích Đại Tự, Liên Châu, Yên Phương đánh chiếm hai thuyền đạn của Nhật chạy trên sông Hồng. Trận ngày 28/6/1945 quân và dân Nguyệt Đức phối hợp với đại đội Trần Phú của huyện đánh bại hai tiểu đoàn, 1 đại đội có cơ giới có súng, đại bác yểm trợ bảo vệ an toàn cho các đồng chí Đinh Đức Thiện, Lê Thanh Kim Ngọc... và cơ quan tác chiến của tỉnh. Đánh bại 3 chiến dịch đại càn của địch hòng đè bẹp Yên Lạc, nơi có phong trào du kích hoạt động mạnh là chiến dịch Tây Bá - Lợi Á (Xibêri), Canigu, đặc biệt là chiến dịch Thanh Kiếm xảy ra sau chiến dịch Tây Bá - Lợi Á hai ngày với lực lượng một tiểu đoàn lính lê dương, một tiểu đoàn bộ binh Marốc, 1 tiểu đoàn Âu Phi, hai đại đội cơ động, 4 đại đội pháo, 4 xe tăng, 4 máy bay, 196 xe cơ giới trong đó có cả thiết giáp và một số ca nô chạy trên sông Hồng ồ ạt đánh vào Yên Lạc. Với chiến thuật “Hỏa lực mạnh, hành binh nhanh” do hai tên tướng Xa Lan và Cơ Buốc chỉ huy. Phối hợp với lực lượng vũ trang của Vĩnh Tường, đại đội Trần Phú – Yên Lạc và dân quân các xã Hiệp Lực (Yên Đồng), Tứ Trưng, Ngũ Kiên, Tam Phúc có sự chi viện của chủ lực tỉnh chiến đấu liên tục trong 4 ngày từ 3/3 đến 6/3/1952. Ta đã tiêu diệt và bắt sống 357 lính âu Phi, 1139 lính bảo an, hương dũng, diệp ngầm, thu một máy bộ đàm, 248 súng các loại, diệt 35 xe cơ giới trong đó có 4 thiết giáp. Phá tan âm mưu của địch.
Kháng chiến chống Pháp nhân dân Yên Lạc kiên cường bám trụ giữ đất, giữ làng, vừa huy động nuôi quân tại chỗ vừa huy động hàng ngàn tấn lương thực ủng hộ kháng chiến. Đã xuất hiện nhiều người con trung kiên bất khuất, đó là các anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Nhạc, Phan Văn Trác, Phùng Thị Toại, đó là các chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952; Nguyễn Văn Hậu (Trai Hậu), Nguyễn Văn Lữ, Ngô Thị Mít. Đó là Nguyễn Minh Đức người Bí thư chi bộ kiên cường bám trụ, đội hầm đánh giặc . . .
Trong chống Mỹ cứu nước Yên Lạc thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc. Trong sản xuất nông nghiệp đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến. Phương Trù lá cờ đầu phong trào làm thủy lợi, đi đầu trong sản xuất ngô, bầu, làm cho vụ đông nhanh chóng trở thành vụ sản xuất chính, Ngọc Long là lá cờ đầu về phong trào trồng cây toàn miền Bắc. Ngày 15 - 10 - 1971 Tổng Bí thư Lê Duẩn về thăm xã Liên Châu, đồng chí nói “Liên Châu là một điểm sáng của nông thôn miền Bắc”. Trong giáo dục đào tạo cũng xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, ngành học phổ thông của Liên Châu được thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba. Phong trào bổ túc văn hóa ở Tam Hồng được Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng, Trưởng ban Bình dân học vụ về thăm và nói chuyện với Đảng bộ và nhân dân Tam Hồng “Tôi được biết Tam Hồng là một xã có thành tích về văn hóa, sản xuất, về văn hóa quần chúng... Tôi nhiệt liệt khen ngợi cán bộ và nhân dân Tam Hồng... Trong năm 1963, phong trào bổ túc văn hóa ở Vĩnh Phúc chưa phát triển lắm, nhưng riêng Tam Hồng vẫn thường xuyên có 600 người đi học và cuối năm có 400 người mãn khóa. Đây là kết quả rất tốt”.
Sản xuất chưa phát triển, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, nhân dân Yên Lạc sẵn sàng chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, bảo vệ an toàn 12 km đê xung yếu của đồng bằng Bắc bộ. Với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến”, “Thóc thừa cân, quân thừa người”, từ năm 1954 đến 1975, Yên Lạc đã tiễn đưa 11.500 lượt thanh niên lên đường nhập ngũ, hàng ngàn thanh niên xung phong, mười năm liền giao quân vượt chỉ tiêu, huy động 300.000 tấn lương thực, 1 50.000 tấn thực phẩm các loại phục vụ tiền tuyến, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Đánh Pháp, đánh Mỹ xong rồi, Yên Lạc bước vào thời kỳ đổi mới, thời kỳ 1991- 1996 tăng trưởng kinh tế bình quân 11%/năm . Từ 1996 đến nay nông thôn Yên Lạc thay đổi sâu sắc. Kết cấu hạ tầng không ngừng được củng cố và phát triển, 90% diện tích được cấy bằng các giống lúa lai, lúa thuần cao sản, năng suất, sản lượng nâng cao một cách vững chắc.
Giao thông nông thôn Yên Lạc là điểm sáng trong cả nước, năm 1998 được Chính phủ tặng cờ Luân lưu đơn vị dẫn đầu phong trào xây dựng giao thông nông thôn trong cả nước. Trong năm năm Yên Lạc làm được 42,35 km đường nhựa, 96,2 km đường bê tông cất thép, 121 km đường lát gạch chỉ, 200 km rãnh thoát nước, bó kè 6,7 khi trị giá lên trên 66 tỷ đồng. Đường nhựa đã nối liền từ trung tâm huyện đến trụ sở làm việc của các xã.
Giáo dục Yên Lạc liên tục phát triển, chất lượng dạy và học ngày càng cao, học sinh giỏi các cấp học sinh đỗ vào các trường Đại học ngày càng tăng, cơ sở vật chất ngày càng đầy đủ; 17 xã, xã nào cũng có trường tầng, có xã 4 trường tầng như Tạm Hồng, Đồng Cương, Tề Lỗ, nhiều xã 2 trường tầng. Trường tiểu học Tề Lỗ, Liên Châu, Nguyệt Đức, Hồng Châu, Trung Nguyên, Tam Hồng II được công nhận là trường chuẩn Quốc gia trong đó Tề Lỗ là trường đầu tiên được tỉnh công nhận. Năm 1999, tất cả các ngành học, cấp học đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, ngành giáo dục Yên Lạc đứng đầu giáo dục tỉnh Vĩnh Phúc, cuối năm 2000 Yên Lạc đạt phổ cập trung học cơ sở. 100% thôn xóm và nhà dân đều có điện thắp sáng, 1,5 máy điện thoại trên 100 người dân. Tất cả các công sở, trường học, cán cán bộ chủ chết đều lắp đặt máy điện thoại. Chính sách xã hội được quan tâm đầy đủ dân chủ, trong đời sống chính trị ngày càng được đảm bảo, tệ nạn xã hội bị đẩy lùi.
Tại Quyết định số 160 KT - CTN ngày 28 - 4 – 2000 của Chủ tịch nước Quyết định phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Yên Lạc, cho hai xã Liên Châu và Đại Tự. Truy tặng danh hiệu cao quý này cho hai liệt sĩ Phan Văn Trác và Phùng Thị Toại.
Với quyết định đổi mới, đoàn kết phấn đấu vươn lên, Yên Lạc mãi xứng danh đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân./.

(Nguồn: Yên Lạc- Lịch sử và phát triển- NXB QĐND năm 2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét