Di chỉ khảo cổ học - Bằng chứng sống động về con người và văn hoá Quảng Ninh
Ảnh có tính chất minh họa
Di chỉ Tấn Mài (Quảng Đức, Hải Hà) được kỹ sư địa chất Nguyễn Đăng Đạt phát hiện năm 1976, sau đó được tiếp tục khảo sát 3 lần đã cho thấy hơn 80 tiêu bản công cụ ngay trên mặt đất, mang dấu vết chế tác từ bàn tay con người dẫu còn sơ sài. Bộ sưu tập Tấn Mài của nhà khảo cổ học Quang Văn Cậy có loại hình phong phú như rìu tay, nạo, công cụ chặt đập thô, công cụ mũi nhọn... Địa chỉ Cồn Cổ Ngựa (đảo Mã Cháu, Cô Tô) cùng tuổi với hệ tầng Tấn Mài thế nhưng hiện vật thu nhặt được ở đây có dấu hiệu chế tác rất rõ, nhất là công cụ dạng rìu vạn năng, đây là cơ sở quan trọng để khẳng định sự có mặt của người cổ trong Hậu kỳ đá cũ trên đất Quảng Ninh.
Thời kỳ đá mới, người Việt cổ khi đó đã sử dụng phương pháp chế tác công cụ ghè đẽo, giống phương pháp truyền thống Hoà Bình song có cái khác là một mặt ít tu sửa. Môi trường sống chủ yếu là đồng bằng hoặc ở những dãy núi đá vôi chưa có sự tác động mạnh của biển.
Điều này được các nhà khoa học đúc kết sau khi nghiên cứu một loạt các di chỉ khảo cổ học kéo dài từ vùng biển đến đồi núi như Giáp Khẩu, Hạ Long), Núi Hứa (Đại Bình, Đầm Hà), Soi Nhụ, Hà Giắt (Hạ Long, Vân Đồn) và hàng chục hang, được coi là nơi trú ngụ của người cổ như hang Thương Binh (Hoàng Tân, Yên Hưng), Yên Ngựa, Sinh Đôi, Chữ Thập, hang Hầu, hang ốc, hang Đục (Hạ Long), hang Dơi, Đồng Đặng, Hà Lùng (Hoành Bồ), hang Thiên Tinh (Vân Đồn).
Di chỉ Giáp Khẩu được một người Pháp tên là M.Colani phát hiện đầu tiên với những hiện vật rìu ngắn, rìu tam giác, nạo đá, công cụ hình đĩa, công cụ mũi nhọn, được chế tác bằng phương pháp ghè đẽo 2 mặt. Theo tác giả, các công cụ này giống công cụ của văn hoá Hoà Bình nhưng tinh vi hơn.
Tại di chỉ Núi Hứa được xác định giống loại hình di chỉ Giáp Khẩu. Toàn bộ khu vực có hiện vật đều nằm dưới mức thuỷ triều, đây là khu vực có độ rửa trôi rất mạnh nhưng các hiện vật được chế tác hoàn chỉnh đều nằm bên cạnh các mảnh tước mảnh tách, hòn ghè, đá nguyên liệu. Điều đó cho thấy công cụ được chế tác tại chỗ chứ không phải di chuyển từ nơi khác đến.
Những công cụ ở đây cũng mang, dấu ấn ghè đẽo thô sơ, ghè một mặt để tạo dáng, sau đó lật mặt sau sửa để tu chỉnh lưỡi hoặc bằng phương pháp bổ, chặt và mảnh tước. Hầu hết các hang được xếp vào thời kỳ đá mới đều phát hiện có khối trầm tích ốc núi, xương rùa, thú lớn bị cháy, xương cá, đã xi măng hoá. Một số điểm phát hiện được di cốt người cổ như trong hang Soi Nhụ, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu ở đây, có ít nhất 5 người, gồm 3 nam, 2 nữ, đều là người khoẻ mạnh.
Di chỉ Thoi Giếng (Vạn Ninh, Móng Cái) được coi là di chỉ tiêu biểu thuộc Hậu kỳ đá mới - Văn hoá Hạ Long. Nơi đây các nhà khoa học đã tìm thấy hàng ngàn công cụ ghè đèo, chặt đập, nạo, rìu, bôn, đục, với đủ chất liệu như đá gốm, đã qua chế tác kỹ lưỡng như đồ trang sức vòng tay, khuyên tai, khánh đeo cổ hay còn thô như chày, hòn kê đập, hòn mài. Nhiều di chỉ khác như di chỉ Thôn Nam, Gò Mừng, gò Miếu Cả, gò Bảo Quế, Mả Tổ (Móng Cái) đều có tính chất giống Thoi Giếng. Điều này cho thấy bước đầu đã hình thành vùng tụ cư ở khu vực này.
Với các di chỉ thuộc giai đoạn muộn trên đất Quảng Ninh, đến thời điểm này các nhà khoa học đã phát hiện được hơn 10 địa điểm khảo cổ và di tích. Các hiện vật tìm được đều thể hiện phương pháp chế tác công cụ tuy chưa đoạn tuyệt hẳn với kỹ thuật ghè đẽo, nhưng chủ yếu phát huy kỹ nghệ mài, nâng cao kỹ thuật cưa, khoan.
So với các thời kỳ trước, các di chỉ thời đại Kim khí của Quảng Ninh mới được phát hiện với số lượng không nhiều nhưng di chỉ đều có quy mô lớn và hiện vật rất phong phú, như Đầu Rằm (Hoàng Tân, Yên Hưng), Hòn Hai - Cô Tiên (Hạ Long). Tại Đầu Rằm các nhà khoa học đã tìm thấy hàng ngàn hiện vật, đặc biệt có rất nhiều cưa đá, rất nhiều bàn mài, bộ sưu tập lưỡi câu đến 43 chiếc, bộ sưu tập mũi tên 28 tiêu bản với 8 loại khác nhau thể hiện một phổ thời gian rộng trong niên đại của di chỉ.
Qua đây có thể xác định di chỉ thời kim khí Đầu Rằm có quy mô lớn, vừa là trung tâm dân cư, vừa là công xưởng chế tác công cụ, đồ trang sức. Di chỉ Hòn Hai - Cô Tiên cũng có số lượng hiện vật lớn, đặc biệt là đồ gốm. Đây cũng là di tích khảo cổ học duy nhất của tỉnh đến thời điểm này được xếp hạng cấp quốc gia.
Có thể thấy từ các di chỉ khảo cổ, hiện vật khảo cổ, rất nhiều vấn đề quan trọng về tiến trình phát triển của văn hoá và con người Quảng Ninh đã được nhìn nhận rõ hơn. Thế nhưng đáng tiếc hiện nay nhiều di chỉ khảo cổ học đang bị lãng quên, xâm hại, thậm chí đã bị xoá sổ hoàn toàn...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét