Khái niệm về tín ngưỡng và tôn giáo có nhiều quan điểm khác nhau nhưng cơ bản và phổ biến một số quan niệm như sau:
Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào những điều thiêng liêng, huyền bí vượt khỏi thế giới tự nhiên. Tôn giáo là tín ngưỡng của những người cùng chung một tổ chức có hệ thống giáo lý, giáo luật và lễ nghi;
Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào những điều thiêng liêng, huyền bí vượt khỏi thế giới tự nhiên. Tôn giáo là tín ngưỡng của những người cùng chung một tổ chức có hệ thống giáo lý, giáo luật và lễ nghi;
“Tôn giáo cũng có thể hiểu là một hình thái ý thức xã hội hình thành nhờ vào lòng tin sùng bái những lực lượng siêu nhiên quyết định số phận con người. Con người phục tùng, tôn thờ”. (Trích từ điển tiếng Việt, Nxb KHXH. HN: 1995, trang 239).
Ph. Ăng ghen lại cho rằng: “…Tôn giáo chẳng qua là sự phản ánh hư ảo – vào trong đầu óc của con người – của những lực lượng bên ngoài chi phối cuộc sống hàng ngày của họ, chỉ là sự phản ánh trong đó những lực lượng trần thế đã mang hình thức của lực lượng siêu trần thế”. (Các Mác, Ăng ghen toàn tập Nxb Chính trị QG. HN: 2002, trang 20, 437)
Còn theo quan điểm Mác xít: Về bản chất tôn giáo không chỉ là hình thái ý thức xã hội mà còn là một thực thể xã hội. Tôn giáo hình thành, phát triển và biến đổi theo sự biến đổi của lịch sử xã hội. Trong lịch sử xã hội loài người có giai đoạn đánh dấu mốc vĩ đại của sự phát triển đó là thời kỳ tiền giai cấp và thời kỳ có giai cấp hay còn gọi là thời kỳ xã hội nguyên thủy và thời kỳ xã hội có giai cấp, tương ứng với nó có hai hình thức tôn giáo là tôn giáo nguyên thủy (tôn giáo tiền giai cấp) và tôn giáo giai cấp (tôn giáo hiện đại).
Lênin đã khái quát toàn bộ những quan điểm của C.Mác về nguồn gốc tự nhiên và xã hội của tôn giáo bằng một công thức ngắn gọn: “Sự bất lực của giai cấp bị bóc lột trong cuộc đấu tranh chống bóc lột tất nhiên đẻ ra lòng tin vào cuộc đời tốt đẹp hơn ở thế giới bên kia, cũng giống y như sự bất lực của người dã man trong cuộc đấu tranh chống thiên nhiên đẻ ra lòng tin vào thần thánh, ma quỷ, vào những phép màu…” (Nguyễn Đức Sự. Mác, Ăng ghen, Lênin bàn về tôn giáo. Chủ nghĩa xã hội và tôn giáo. Nxb Tôn giáo.HN. 2001 – trang 398).
Trong xã hội nguyên thủy có rất nhiều hình thức tôn giáo sơ khai, ở đây chỉ tìm hiểu 5 hình thức tôn giáo sơ khai phổ biến trong cộng đồng nguyên thủy và những dấu ấn của nó để lại trong các tôn giáo, đời sống tín ngưỡng ngày nay là: Tô tem giáo, Bái vật giáo, Ma thuật giáo, Saman giáo, Vật linh giáo.
1. Tô tem giáo:
Hình thức tôn giáo này xuất hiện ở thời kỳ cuối Công xã thị tộc. Thuật ngữ này có nghĩa đen là: họ hàng hay có họ hàng.
Tô tem giáo thể hiện niềm tin vào mối liên hệ gần gũi, huyết thống giữa một nhóm người với một loài động vật, cây cỏ, đồ vật, hiện tượng nào đó. Thông thường một cộng đồng thị tộc, bộ lạc nhận một giống, vật hoặc loại cây làm thủy tổ của mình và các thành viên cộng đồng đó bảo vệ, thờ phụng vị thủy tổ của mình.
Tô tem giáo là hình thức tín ngưỡng phản ảnh tư tưởng của xã hội thị tộc khi con người còn gắn bó chặt chẽ với môi trường sống, họ còn phải nhờ cậy, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Tô tem giáo phản ánh quan hệ cộng động của thị tộc, bộ lạc với thiên nhiên.
Dấu ấn của Tô tem giáo trong tôn giáo hiện đại thể hiện trong đạo Công giáo là ở phép bí tích Thánh thể, tức một trong 7 bí tích của đạo Công giáo. Bí tích Thánh thể xem bánh là mình Chúa, rượu là máu chúa thể hiện dấu tích xem thực vật là tổ tiên của cộng đồng thị tộc nào đó ngày xưa. Trong Đạo giáo, tín đồ theo Đạo giáo tôn thờ con rồng đỏ, dấu tích của cộng đồng người nguyên thủy ngày xưa quan niệm con rồng đỏ là tổ tiên của mình. Đạo Sito lại thờ rất nhiều con vật như khỉ, rắn, rùa. Còn đối với tín đồ Bàlamôn giáo, họ lại thờ con bò, người theo đạo Bàlamôn tôn thờ con bò như đấng thiêng liêng của mình, họ không ăn thịt bò, thậm chí còn ví vẻ đẹp đôi mắt của thiếu nữ như mắt bò cái. Điều đó chứng tỏ ở đây xa xưa cộng đồng người ở đây đã lấy con bò làm tổ tiên của mình.
Ở Việt Nam chúng ta, trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, dấu ấn Tô tem giáo rất rõ qua truyền thuyết “con Rồng, cháu Tiên” đã tự xem mình là con Lạc, cháu Rồng. Như vậy, từ xa xưa người Việt đã xem con chim Lạc và con Rồng là tổ tiên của mình. Không đâu xa giai thoại về vua Đinh Bộ Lĩnh ở thế kỷ thứ X cũng nói về con Rồng xanh ngụ ý là cha của vị vua họ Đinh.
2. Hình thức Bái vật giáo
Bái vật giáo là lòng tin của con người vào thuộc tính siêu nhiên của những vật chất như hòn đá, gốc cây, lá bùa, tượng, tranh…Bái vật giáo là hình thức tín ngưỡng thổi phồng, phóng đại những tính năng thực tế của đồ vật và gán cho những vật chất, đồ vật những khả năng siêu phàm.
So với Tô tem giáo, Bái vật giáo đã tách dần với tôn giáo tự nhiên, đối tượng thờ phụng là đồ vật, cây cối …có khả năng siêu phàm chứ không còn được con người xem là tổ tiên của mình nữa. Như vậy đối tượng thờ phụng được thu hẹp trong phạm vi là vật chất và thực vật.
Dấu ấn của Bái vật giáo để lại trong các tôn giáo hiện đại thể hiện như việc tín đồ Hồi giáo thờ hòn đá đen ở Thánh địa Mecca; Đạo giáo có rất nhiều vật thiêng để thờ như thờ đá, gốc cây, giếng nước, ao hồ….
Việc tín đồ Phật giáo thờ Xá lỵ, tượng Phật, La Hán, Bồ tát hoặc ở Phật giáo Việt Nam là chuyện Man nương đầu thai với nhà sư Ấn Độ sinh ra con dấu trong cây gỗ và sau này hình thành nên tứ pháp như Pháp Vân (mây), Pháp Điện (sét), Pháp Lôi (sấm), Pháp Vũ (mưa) hay việc đạo Công giáo thờ Thánh giá, tượng gỗ chúa Giêsu; ở Cao đài là việc thờ Thiên nhãn, còn ở đạo Hòa Hảo là việc thờ tấm Trần Dà là thể hiện rõ cộng đồng người ngày xưa ở đây đã có tín ngưỡng Bái vật giáo.
Đối với tín ngưỡng dân gian của người Việt dấu ấn Bái vật giáo rất đậm đặc như việc người dân thờ gốc cây, giếng nước, hòn đá hay thờ thần sông, thần núi, thần đất, thần trời, biểu hiện rõ nhất ở tín ngưỡng thờ Tam phú (mẹ thượng ngàn, mẹ thủy, mẹ thiên), Tứ phú (mẹ thượng ngàn, mẹ thủy, mẹ thiên, mẹ đất).
3. Ma Thuật giáo
Ma thuật giáo là niềm tin vào một người cụ thể nào đó có khả năng giao tiếp được với thần linh. Người này có tác động đến các bậc siêu nhiên bằng hành động tượng trưng như cầu khẩn, phù phép, thần chú hay các nghi lễ tôn giáo…sẽ tác động đến thần linh để gây hậu quả như mong muốn.
Hình thức Ma thuật giáo đã tách thần rời xa những thứ gần gũi, gắn bó với con người, con người có khả năng giao tiếp và tác động đến thần linh.
So với hai hình thức trên, Ma thuật giáo để lại dấu ấn khá nhiều và đậm nét trong các tôn giáo hiện nay. Đạo giáo thể hiện ở các vị thầy pháp, đạo sỹ với các hành vi giao tiếp với thần linh như phù phép, yểm bùa, đọc thần chú, cầu khẩn để giúp con người có niềm tin thỏa mãn những ước nguyện của mình. Còn đối với đạo Công giáo điều chúng ta có thể thấy rõ nhất là việc rửa tội cho chúa Jesu trên dòng song Jocdan bằng hành vi Thánh Joan dìm mình Jesu xuống nước hoặc việc thực hiện 7 phép Bí tích tiêu biểu như phép Bí tích Xức dầu, giám mục xức dầu thánh lên trán, phép Bí tích rửa tội, linh mục, giám mục vẩy nước lên đầu người vào đạo... Ở đây linh mục, giám mục được xem là trung gian giữa những tín đồ và Thiên chúa, linh mục đại diện cho Thiên chúa để ban ơn, ban phép, đồng thời kênh thông tin để tín đồ bày tỏ niềm tin, xin hồng ân hoặc ban phát những hồng ân bằng những hành vi mang tính phép thuật. Ma thuật giáo thể hiện ở đạo Phật là hình thức cầu siêu, bùa, hiện nay Phật giáo cũng xuất hiện hiện tượng cầu cúng, xin thuốc, trấn bùa. Hình thức lễ nghi này được các nhà sư thực hiện bằng các hành vi lấy tàn hương và nước lã làm thuốc, cho bùa để trấn trị tà ma…
Đối với đời sống tín ngưỡng tâm linh ở Việt Nam hiện nay dấu ấn về Ma thuật giáo khá rõ, nhất là đối với đồng bào các dân tộc vùng núi phía Bắc với Ma thuật tình yêu như bỏ bùa ngải, Ma thuật làm hại như chém bóng, bỏ đồ vật vào bụng, Ma thuật chữa bệnh...
Ma thuật giáo, thậm chí còn xuất hiện ở những sinh hoạt đời sống hành ngày của người dân Việt Nam như hiện tượng chửi thề, làm thuật hại nhau, hiện tượng trừ tà ma như bẻ một cành cây có gai treo trước cửa ngõ những nhà có người sinh để xua tà ma, bôi một vết nhọ vào trán trẻ em đi đường để làm dấu không cho ma nhà khác bắt nhầm con cháu mình hay hành vi dựng cây Nêu ngày tết của nhân dân miền Bắc, miền Trung cũng nằm trong hiện tượng dấu ấn Ma thuật giáo.
Đối với thế giới một số nước phương Tây thể hiện ở hành vi đốt hình nộm các chính trị gia để tỏ thái độ phản đối đường lối chính trị.
4. Sa man giáo
Sa man giáo là hình thức tôn giáo phổ biến vào cuối chế độ thị tộc. Sa man giáo quan niệm một người nào đó có khả năng đặc biệt làm trung gian giao tiếp giữa thế giới trần tục với thế giới siêu nhiên, giữa con người với thần thánh, ma quỷ.
Những người đặc biệt đó là các thầy pháp, có khả năng cầu xin thần linh giúp đỡ con người thoát khỏi hoạn nạn, bệnh tật hoặc đạt được những mong muốn của con người bằng các hành vi nhảy múa, ca hát, hú gọi…hoặc bắt quyết, trừ tà. Tuy nhiên hình thức tôn giáo này gần giống với ma thuật giáo.
Hình thức Sa man giáo còn hiện hữu khá rõ trong các tôn giáo hiện đại như Chúa Jêsu của đạo Công giáo là người trung gian giữa Chúa trời và loài người, là người đã chịu nạn để cứu chuộc tội lỗi loài người trước sự trừng phạt của Thiên Chúa bằng cách chịu đóng đinh trên cây Thánh giá và những quyền năng của mình. Nhà tiên tri Môhamét là sứ giả của Thánh Ala để truyền những pháp quyết, chỉ dẫn của Thánh Ala cho loài người. Còn đối với đạo Cao đài là Cầu Cơ, Chấp bút của một số vị chức sắc nhằm giải mã những lời truyền dạy của thần linh, thượng đế. Đặc biệt trong Đạo giáo hình thức này tồn tại nhiều hơn bao giờ hết với việc các thầy pháp, thầy mo, thầy cúng, thầy bói bằng nghi thức như làm lễ giải hạn, cầu an, chữa bệnh, gieo quẻ, trấn yếm, cầu mưa…
5. Vật linh giáo
Hình thức tôn giáo này ra đời vào cuối giai đoạn Công xã thị tộc. Vật linh giáo quan niệm tồn tại thế giới siêu linh, thế giới bên kia và linh hồn.
Người nguyên thủy thời kỳ này tin vào linh hồn có thể tác động để đem lại lợi hoặc hại cho chính mình và vật thể khác. Các sự vật có thái độ, hành vi giống với con người. Con người đã nhân cách hóa và thần linh hóa các sự vật, hiện tương xung quanh mình. Theo quan niệm của người nguyên thủy, linh hồn ban đầu được quan niệm là hữu hình như máu lưu thông trong cơ thể, sau đó lại được xem như hơi thở.
Vật linh giáo là một bước tiến của tư duy loài người và cơ sở cho sự xuất hiện tôn giáo dân tộc sau này. Quan niệm về linh hồn được hình thành từ những sự quan sát thiên nhiên và chính bản thân mình của người nguyên thủy.
Chính Vật linh giáo là một bước tiến của tư duy loài người nên dấu ấn của nó để lại trong các hình thức tôn giáo hiện đại là rất sâu đậm. Tất cả các tôn giáo hiện đại đang tồn tại hay không tồn tại đều quan niệm con người có linh hồn và có thế giới bên kia. Đối với đạo Công giáo thể hiện ở quan niệm về Thiên đàng, địa ngục, về con người có phần xác và phần hồn, ai sống tốt sẽ được Chúa phán xét cho lên Thiên đàng, còn ai nhiều tội lỗi sẽ bị đày xuống địa ngục. Còn ở đạo Phật là quan niệm về Niết bàn và địa ngục, con người và phép luân hồi sinh tử. Phật giáo quan niệm ai tu đắc đạo sẽ thành Phật – đạt đến Niết bàn, còn đối với những ai mắc nhiều tội lỗi phải bị đày xuống địa ngục, nơi có Diêm vương, quỷ dạ sa và các cực hình trừng phạt.
Nhìn chung, các hình thức tôn giáo sơ khai (tôn giáo nguyên thủy) đều để lại dấu ấn trong các tôn giáo hiện đại và tín ngưỡng của các dân tộc trên thế giới, tùy thuộc vào điều kiện địa lý, tâm thức và đặc điểm đời sống văn hóa của mỗi dân tộc khác nhau mà dấu ấn đó để lại đậm nhạt khác nhau trong các tôn giáo ở mỗi vùng văn hóa, tôn giáo khác nhau.
Bùi Anh Tuấn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét