Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Thẳm Khương - Di chỉ khảo cổ học đầu tiên được phát hiện tại khu vực Tây Bắc

Thẳm Khương - Di chỉ khảo cổ học đầu tiên được phát hiện tại khu vực Tây Bắc


Hang Thẳm Khương là tên gọi bẳng tiếng bản ngữ:Thẳm có nghĩa là hang, còn Khương là tên của bản trước kia (ngày nay bản Khương còn có tên là bản Bó) thực chất là một mái đá nằm dưới chân núi Hồng Cáy, thuộc xã Chiềng Sinh, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Xã Chiềng Sinh là nơi có cả một quần thể hang động, núi non trùng điệp, nhiều danh lam thắng cảnh đẹp, nhiều di tích lịch sử nổi tiếng chứa đựng những giá trị lịch sử văn hóa phong phú.

Trong cuộc nghiên cứu, điều tra Khảo cổ học tại khu vực Tây Bắc vào cuối năm 1972, Thẳm Khương là một trong số các di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình được phát hiện đầu tiên ở Lai Châu (nay là Điện Biên) và được chọn là điểm nghiên cứu sâu rộng nhất. Nhiều cuộc nghiên cứu, khảo sát, khai quật đã được tiến hành và thu được nhiều hiện vật, tư liệu lịch sử, khảo cổ quý giá. Năm 1974, Viện Khảo cổ học phối hợp với ty Văn hóa Lai Châu tiến hành khai quật hang đá Thẳm Khương từ ngày 15/2 đến ngày 08/3/1974 trên diện tích khai quật 53m được chia thành nhiều ô nhỏ và đã thu được một lượng hiện vật đáng kể. Đến năm 1992, Đoàn cán bộ Viện Khảo cổ học cùng cán bộ Bảo tàng tỉnh và cán bộ phòng văn hóa huyện Tuần Giáo đã khảo sát trực tiếp hang đá Thẳm Khương. Quá trình khảo sát, nghiên cứu, khai quật di chỉ mái đá Thẳm Khương, các nhà khảo cổ học đã thấy được cấu tạo của tầng văn hóa dày 1,2m, chia làm 3 lớp với những đặc điểm của mỗi lớp khác nhau. Trong các tầng văn hóa đã phát hiện bếp nguyên thủy, mộ táng và rất nhiều công cụ bằng đá, xương răng động vật cùng một số hiện vật bằng đồng....      
Mái đá Thẳm Khương nằm trong khối đá vôi thuộc vùng các cao nguyên đá vôi Tây Bắc với những khoáng thạch tạo thành chủ yếu là đá phiến kết tinh, đá nai, đá grannit có tuổi nguyên đại cổ sinh cách ngày nay trên 450 triệu năm. Mái đá nằm ở độ cao khoảng 10m so với mặt thung lũng, phía trước cửa có suối Nặm Hua (suối hoa) chảy qua. Suối này đã có thời kỳ chảy sát sườn núi nơi có di tích khiến cho việc cư trú ở đây rất thuận lợi như lấy nước sinh hoạt và tìm thức ăn đối với người xưa. Ngày nay, mái đá Thẳm Khương nằm sát quốc lộ 279, tại km15 trên  đường Tuần Giáo - Điện Biên.
Vòm mái đá được thông liền với hang phía trên là do tác động của những dòng nước mạch chảy từ trong lòng hang ra và nước từ ngoài suối tạt vào sườn núi. Hiện nay giữa mái đá và hang trên đã bị đá lở và nhũ phủ che lấp tách rõ thành hai bộ phận: hang ở trên và mái đá ở dưới cách nhau chừng 10m.
Mái đá có chiều dài 25m, nơi rộng nhất 6m; chiều cao khoảng 16m, Phía cửa và rải rác bên trong bị những tảng đá lớn lở xuống và những cột nhũ phủ che lấp khiến mái đá chỉ còn dạng hang. Phần còn lại của mái đá (đầu hướng Tây Bắc) khá trống nhưng hẹp, ít có khả năng cư trú.
Xét về mặt địa lý, hình thể và kinh tế, mái đá Thẳm Khương là nơi cư trú có đầy đủ điều kiện cần thiết để người nguyên thủy sinh sống phong phú và lâu dài. Qua các đợt khai quật, các nhà nghiên cứu đã phát hiện bếp nguyên thủy được bố trí ngay cửa hang, ở độ sâu 0,62m, thuộc lớp1. Đây vừa là nơi nấu nướng thức ăn, vừa là nơi sưởi ấm và còn là nơi sinh hoạt quây quần của người xưa. Tại cửa cũng phát hiện được 4 ngôi mộ cổ chôn cùng một số đồ dùng sinh hoạt như rìu đồng, giáo đồng. Tất cả những hiện vật thuộc di cốt của con người thời tiền sử do thời gian quá dài nên phần lớn đã bị phân hủy, chỉ còn lại những di vật.

Mái đá Thẳm Khương
Di vật khảo cổ học thu được ở Thẳm Khương khá phong phú về loại hình và số lượng, trong đó công cụ đá chiếm số lượng lớn bao gồm nhiều loại hình công cụ khác nhau. Những loại hình công cụ đá phát hiện ở đây căn bản không có gì khác với loại hình công cụ ở những di chỉ khác. Xét về mặt loại hình, công cụ đá ở đây có đầy đủ đặc trưng của các loại hình công cụ thuộc nền văn hóa Hòa Bình. Văn hóa Hòa Bình là một nền văn hóa tiền sử nổi tiếng ở Việt Nam và Đông Nam Á, có mặt phổ biến ở nhiều nước Đông Nam Á, lục địa nhưng chưa ở đâu văn hóa Hòa Bình phân bố dày đặc và phong phú như ở Việt Nam. Sự phong phú về số lượng và loại hình của các di vật giúp chúng ta có đủ điều kiện nghiên cứu những vấn đề cần thiết, những hiện vật đó có tầm quan trọng lớn cho việc nghiên cứu những di chỉ khảo cổ học sau này.
Thẳm Khương là di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình được phát hiện đầu tiên ở Tây Bắc, đây là tài sản vô cùng quý báu, đóng góp một phần cho nền văn hóa nước nhà cũng như nền văn hóa thế giới. Từ di chỉ này giúp các nhà khoa học nghiên cứu được lượng thông tin cần thiết cho việc phát sinh, phát triển của loài người.
Việc nghiên cứu, khai quật mái đá Thẳm Khương sẽ đem đến cho chúng ta những triển vọng tốt đẹp về mặt khoa học, góp phần quan trọng trong việc nghiên cứu cổ sinh, nhân chủng học, tìm hiểu văn hóa của khu vực Tây Bắc trong mối quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên.
Bên cạnh như giá trị to lớn về mặt nghiên cứu khoa học, di tích mái đá Thẳm Khương còn chứa đựng tiềm năng du lịch có thể khai thác. Di tích nằm ngay bên quốc lộ 279, rất thuật tiện trong giao thông. Xung quanh mái đá Thẳm Khương có khung cảnh thiên nhiên hữu tình và có nhiều hang động đẹp, tiêu biểu là hang Thẳm Púa (là nơi dừng chân đầu tiên của đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954). Không gian và cảnh vật thiên nhiên quanh mái đá Thẳm Khương đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, hệ động thực vật phong phú với nhiều loại quý hiếm, những cánh rừng nguyên sinh còn chứa nhiều bí ẩn đang mời gọi con người đến khám phá. Với những ưu đãi của thiên nhiên như vậy, nơi đây dễ dàng trở thành điểm du lịch xanh, điểm du lịch văn hóa phù hợp với các hình thức du lịch trải nghiệm, khám phá và nghiên cứu khảo cổ giành cho các nhà nghiên cứu, các đối tượng khách du lịch trong nước và quốc tế./.
Bài, ảnh: Nguyễn Thị Vân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét