Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Lạng Sơn: Vùng đất của những dấu tích cổ


Lạng Sơn: Vùng đất của những dấu tích cổ


Từ sâu trong lòng đất đến đỉnh cao ngàn mét, từ trong hang động thâm u đến nơi triền sông trầm mặc, từ câu ca dao truyền miệng đến những pho sử sách chính thống, từ hiện vật được trưng bày trong bảo tàng đến nhiều chứng tích còn ẩn khuất đâu đó trong thôn, trong bản…trên khắp quê hương Xứ Lạng là sự hiện hữu của những dấu tích cổ với muôn vàn thông điệp gửi tới hiện tại và tương lai. Lạng Sơn - mảnh đất hội tụ của 7 con sông và 8 di tích được liệt vào hàng “trấn doanh bát cảnh”, mảnh đất linh thiêng nơi địa đầu Tổ quốc ấy luôn làm ta ngỡ ngàng trước những nét xưa hiếm gặp ở một nơi nào khác.


                     

                                                   Di chỉ khảo cổ Mai Pha

Khi những vỉa than ở Na Dương, huyện Lộc Bình được đánh thức để phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Na Dương, người ta đã vô tình lật dở một trang nhật ký của trái đất được viết cách đây hơn 6 triệu năm, từ những lát cắt sau khai thác, chứng tích của một khu rừng cổ rộng lớn hiện ra sinh động, vẹn nguyên đến bất ngờ. Hiện nay, nhiều mẫu hóa thạch mang tính đặc trưng cho niên đại Na Dương đã được đưa về bày trang trọng tại Bảo tàng Địa chất Việt Nam. Khi tiếp cận với những dấu vết cổ sinh ở Na Dương, một số nhà khoa học đã khẳng định: chỉ cần tìm thấy 1 chiếc răng linh trưởng ở đây thôi, thì mặc nhiên Na Dương sẽ trở thành di tích có tầm quan trọng thế giới, vì đó là minh chứng cho những dấu vết sơ khai nhất trong chuỗi tiến hóa hình thành loài người. Cho đến giờ, người ta vẫn chưa tìm thấy vật chứng vô cùng giá trị ấy tại Na Dương, nhưng cách đây gần 50 năm, những vùng đất khác trên quê hương Xứ Lạng đã hé lộ những phát hiện gây chấn động ngành khảo cổ học thế giới. Trong lần khai quật năm 1965 tại 2 di tích thuộc huyện Bình Gia là hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai, các nhà khảo cổ đã thu được nhiều hóa thạch quý, trong đó có răng của người vượn khổng lồ mang tính chất đặc nguyên thủy. Với niên đại cách đây 250 nghìn năm, hang Thẩm Khuyên trở thành một kho tài liệu vô cùng quý báu cho nền khảo cổ học và nhân chủng học thế giới. Ở Thẩm Hai, các nhà khảo cổ Việt nam và CHLB Đức tiếp tục tìm thấy răng hàm trên của người cổ và nhiều hóa thạch khác. Cách đó khoảng 3 km, tại hang Kéo Lèng, các nhà khảo cổ cũng đã tìm thấy răng gấu tre, răng hàm, hộp sọ, xương sống của người cổ cách đây 30 nghìn năm. Những hóa thạch về người và động vật cổ ở 3 hang động nói trên minh chứng rằng: ngay từ thời đồ đá xa xưa, ở miền núi phía Bắc Việt Nam đã có người vượn sinh sống và Bình Gia chính thức được xác định là một trong những cái nôi của loài người. Tháng 12/1993 hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng được công nhận là di tích khảo cổ học loại đặc biệt quan trọng. Tại Bắc Sơn, các nhà khảo cổ tiếp tục tìm ra nhiều công cụ đá và các di chỉ về sự cư trú của người Việt cổ, cái nôi khai sinh ra nền văn hóa Bắc Sơn thuộc thời đồ đá sơ kỳ. Ở Mai Pha, di chỉ của một nền văn hóa bên dòng Kỳ Cùng cũng được phát hiện. Trên ngọn núi Phai Vệ, một số hóa thạch cổ sinh vật tiếp tục được tìm thấy. Tại các hang động ở Chi Lăng, Hữu Lũng, Văn Quan xuất hiện rải rác là những mẩu hóa thạch, những hình vẽ sơ khai thể hiện đời sống sinh hoạt của người Việt cổ. Lạng Sơn quả thực là một pho tư liệu tự nhiên có giá trị đặc biệt trong việc xác định dấu vết cư trú và nguồn cội lâu đời của dân tộc.


                     

                                       Nhà bia Thủy Môn Đình ở thị trấn Đồng Đăng


                     

                    Những dấu tích cổ ở Lạng Sơn luôn gắn với hành trình khám phá thú vị


                     

                            Khu linh địa cổ - một chứng tích văn hóa lâu đời của Xứ Lạng


Từ khu rừng cổ sinh ẩn dưới lớp trầm tích đến những nền văn hóa sơ khai giấu mình trong hang động, mảnh đất Xứ Lạng tiếp tục khiến các nhà khảo cổ ngỡ ngàng khi phát lộ một khu linh địa cổ ngàn năm tuổi trên đỉnh núi Mẫu Sơn. Khu linh địa nằm trên độ cao 1190m so với mực nước biển, có phạm vi diện tích khoảng 42.000m2, trong khu linh địa tồn tại 2 ngôi mộ đá lớn có niên đại hàng ngàn năm, được cho là để chôn cất những thủ lĩnh của tộc người Tày cổ ở Lạng Sơn. Theo nhận định của các nhà khảo cổ học, khu linh địa không chỉ đơn thuần là nơi thờ tự, lăng mộ, hành lễ mà còn là biểu hiện sức mạnh văn hóa của dân tộc Tày cổ ở khu vực này, đồng thời phản ánh tinh thần đoàn kết, độc lập của tộc người bản địa cư trú lâu đời nơi vùng biên cương Xứ Lạng. Ở Lạng Sơn, rất nhiều nơi còn lưu giữ được những dấu tích và cổ vật đặc trưng có giá trị văn hóa cao: Chùa Thành với quả chuông cổ từ năm 1671; đền Tả Phủ với tấm bia 4 mặt độc đáo dựng năm 1683, Thủy Môn Đình ở thị trấn Đồng Đăng có tấm bia cổ niên hiệu Cảnh Trị thứ 18 đời Lê năm 1670; các dấu tích, văn bia, phù điêu, truyền thần khắc đá ở danh thắng Nhị, Tam Thanh... đó là sự khẳng định về giá trị của chiều sâu văn hóa, là chứng tích về một vùng đất giàu truyền thống. Mỗi nét cổ, mỗi truyền thuyết, mỗi dấu xưa còn gìn giữ được đến nay đều là những bảo vật vô giá của quê hương.
   
Lạng Sơn vốn là vùng đất được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho những tạo phẩm tuyệt diệu mà không nơi nào có được, người xưa cũng đã khéo léo gắn bản sắc văn hóa dân tộc và tô điểm thêm chất nhân văn cho từng tạo phẩm ấy. Điển hình như câu chuyện người vợ thủy chung bồng con hóa đá chờ chồng - một tuyệt phẩm hiếm hoi của tạo hóa đã được người xưa hóa thành một sự tích rất đỗi đời thường và gọi tên nàng là Tô Thị. Vậy thôi, mà sao nàng Tô Thị của Xứ Lạng có hồn cốt, có đời sống hơn rất nhiều những hòn vọng phu không tên khác. Tô Thị - cái tên giản dị ấy đã đi vào ca dao, thi ca, sự tích về nàng đã được những danh nhân văn hóa tài hoa bậc nhất như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du cảm khái mà đề vịnh những dòng thơ đầy xúc động. Người xưa đã dụng công biết bao khi phủ lên mỗi thắng cảnh quê hương một câu chuyện huyền thoại để cảnh sắc cũng có tâm hồn, để khắc sâu vào tâm khảm của mỗi người con Xứ Lạng những hình ảnh của quê hương, để Lạng Sơn mãi xứng danh là vùng đất của những dấu tích cổ mang đậm bản sắc văn hóa, thấm đượm tính nhân văn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét