Thứ Tư, 25 tháng 7, 2012

Có một nền văn hóa Hạ Long


Có một nền văn hóa Hạ Long


Tổ chức NewOpenWorld đã phát động chương trình bầu chọn bảy kỳ quan thiên nhiên của thế giới, trong đó vịnh Hạ Long của VN được giới thiệu. Nhiều người đã vào trang web www.natural7wonders.com
để đề cử vịnh Hạ Long, đề cử cho một vẻ đẹp huyền ảo của đất nước và cũng là đề cử cho một kỳ quan thiên nhiên không chỉ của VN.
Hạ Long không chỉ là một kỳ quan thiên nhiên, trong mình nó còn có những giá trị khác có thể nhiều người chưa biết, những giá trị mà người đời sau càng bồi đắp càng làm đẹp thêm cho kỳ quan này.
Ảnh: Đỗ Hữu Lực
Vịnh Hạ Long rộng 1.533km2. Địa hình Hạ Long là đảo, núi xen kẽ giữa các trũng biển, là vùng đất mặn có sú vẹt mọc và những đảo đá vôi, vách đứng tương phản nhau.

Kỳ 1: Mỗi đảo là một kỳ quan

Năm 1994, Hội đồng Di sản thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là di sản thế giới về cảnh quan, và đến năm 2000 vịnh Hạ Long lại vinh dự được Hội đồng Di sản thế giới lần thứ hai công nhận về giá trị thiên nhiên huyền ảo của nó.
Rừng đảo đá
Những ai đã từng đến vịnh Hạ Long đều có cảm giác như đi giữa một thế giới động vật trải qua hàng triệu năm hóa đá, mỗi đảo có một hình thù kỳ lạ. Theo thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long, hiện nay trên vịnh có 1.969 hòn đảo, trong đó có 900 hòn đảo được đặt tên. Đảo trên vịnh Hạ Long có chỗ quần tụ lại, nhìn xa ngỡ chồng chất lên nhau, nhưng cũng có chỗ đảo đứng dọc ngang, xen kẽ nhau, tạo thành tuyến chạy dài hàng chục kilômet như một bức tường thành vững chãi ngăn khơi với lộng nối mặt biển với chân trời.
Ông Nguyễn Thanh Sĩ, nguyên giám đốc Sở VH-TT tỉnh Quảng Ninh, và cũng là một nhà nghiên cứu về vịnh Hạ Long, cho rằng sở dĩ năm 1994 vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới lần thứ nhất vì giá trị thẩm mỹ, vịnh Hạ Long có vẻ đẹp tạo dáng cực kỳ phong phú của các đảo đá với qui mô khác nhau phân bố trên diện rộng hàng ngàn kilômet vuông. Bên cạnh đó là vẻ đẹp của các hang động, hệ sinh thái đa dạng quí hiếm.
Đảo trên vịnh Hạ Long không giống bất kỳ hòn đảo nào ở VN - Ảnh: Lê Bích
Theo thống kê của ban quản lý vịnh Hạ Long, trong số 1.969 đảo của vịnh Hạ Long có đến 1.921 đảo đá. Mỗi đảo đá ngoài dáng vẻ kỳ lạ trầm mặc như một phác thảo tượng đài soi bóng xuống mặt vịnh, còn mang trên mình một thảm thực vật đặc trưng, phong phú và tuyệt diệu mà cho đến nay vẫn là tấm màn bí mật với nhiều người.
Báo cáo của Văn phòng tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế cho biết thảm thực vật trên đảo đá của Hạ Long gồm 1.000 loài. Thiên nhiên đá vôi với môi trường biển độc đáo cho thấy bảy loài thực vật chỉ thích nghi với điều kiện sống trên các đảo Hạ Long mà chưa thấy nơi nào khác trên thế giới như: thiên tuế Hạ Long, cọ Hạ Long, khổ cử đại nhung...
Đặc biệt, trên đảo đá của vịnh Hạ Long, mấy năm gần đây các nhà khoa học đã phát hiện một giống trúc mọc ngược, khác với các cây trúc khác khi mọc cành chĩa lên trời, còn cây trúc Hạ Long khi mọc lại chĩa cành xuống đất. Loài trúc này gần đây thường được dân vạn chài dùng làm cần câu hải sản rất chắc chắn.
Các đảo đá đổ bóng râm xuống vịnh và chân đảo nhiều hang hốc nên các loài cá đáy, cá lớn, cá dữ sống gần bờ thường cư ngụ, quanh quẩn trong rừng đảo. Tài liệu của Phân viện Hải dương học Hải Phòng cho thấy Hạ Long có 1.151 loài động vật thì đã gần 500 loài cá, 57 loài cua... Tài liệu lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh cho biết vào năm 1898, tờ Tin Tức Hải Phòng xuất bản bằng tiếng Pháp đưa tin: “Rồng xuất hiện trên vịnh Hạ Long!”.
Theo lời kể của viên thiếu uý Pháp Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence, có gặp một đôi rắn biển khổng lồ trên vịnh Hạ Long. Mỗi con vật kỳ lạ này dài 20m, trong đó đầu và cổ dài chừng 4m, thân con vật phủ một lớp lông ngắn và màu nâu. Còn trong tập du ký Hải Long của ông Nguyễn Tiến Phước là nhân viên hải quan của Pháp trên tàu Espadon thường xuyên tuần tiễu trên vùng biển Hạ Long, ông Phước kể lại rằng ông cùng thủy thủ đoàn đã ba lần chứng kiến đôi rắn biển này xuất hiện trên vịnh Hạ Long vào các năm 1898, 1900 và 1902.
Trải qua hàng triệu năm, hình thù chạm khắc quanh chân đảo trở nên muôn hình muôn vẻ - Ảnh: Đỗ Hữu Lực
Những hình hài đá bí ẩn
Đảo trên vịnh Hạ Long không giống bất kỳ hòn đảo nào ven biển VN, đó là một thế giới sống động những sinh linh ẩn hiện trong biết bao hình hài bí ẩn bằng đá.
Đảo này giống ông già ngồi câu cá (hòn Lã Vọng), đảo kia tựa như nhà sư đứng giữa mặt vịnh bao la chắp tay niệm Phật (hòn Ông Sư), đảo nọ y hệt đôi gà chọi nhau trên sóng nước hay gọi là hòn Trống Mái hoặc hòn Gà Chọi... Tưởng chừng như các đảo đá đều có nội tâm.
Du ngoạn trên vịnh Hạ Long, du khách thường chú ý vào chân các đảo đá, chỗ mấp mé mặt nước. Ở đây bao đời qua biển cả đã cần cù chạm khắc vào chân đảo nhiều hình thù kỳ dị, tầng tầng lớp lớp, trông xa tựa bức phù điêu lượn quanh chân đảo.
Trải qua hàng triệu năm, với sự tác động của nước biển, hình thù chạm khắc quanh chân đảo hằn sâu khiến nhiều chân đảo trở nên muôn hình muôn vẻ. Điểm xuyết giữa thế giới điêu khắc kỳ lạ còn ở dạng phác thảo ấy là những khối kiến trúc uy nghi tạo dựng bởi bàn tay của tạo hóa. Nhà thơ Reuy Alay (New Zealand) khi đến thăm các đảo đá trên vịnh Hạ Long đã làm một bài thơ có tựa đề Hạ Long. Bài thơ có câu: “Trên mặt biển Đông Nam/Mỗi đỉnh một kỳ quan”.
Hơn 600 năm trước, Nguyễn Trãi sau khi từ quan để về Côn Sơn ở ẩn đã có một chuyến chu du dài ngày tới vùng non nước Đông Bắc. Nguyễn Trãi đã sửng sốt trước vẻ đẹp kỳ vĩ, thơ mộng của vịnh Hạ Long và thốt lên: “Thiên khôi địa thiết phó kỳ quan” (Kỳ quan đất dựng giữa trời cao).
Theo nhà nghiên cứu văn hóa vịnh Hạ Long Nguyễn Thanh Sĩ, các đảo của vịnh Hạ Long có tên gốc là tên chữ nôm do những người làm nghề chài lưới, sơn tràng, lính đồn trú sinh sống trên vùng biển Hạ Long từ xa xưa phát hiện và đặt tên như hòn Oản, hòn Dù Dì, hòn Ghềnh Đám…
Trải qua bao biến cố của tự nhiên và lịch sử, một số không ít đảo mất tên nôm gốc, mang tên âm mới Hán Việt hoặc tên tiếng Hoa và tiếng Pháp như Tuần Châu, Minh Châu, Cẩu Thầu Chảy, Cống Tàu, Êcăng, Latáp…
Đảo trên vịnh Hạ Long được đặt tên căn cứ vào hình dáng (giống người hoặc vật nào thì đặt tên của người hoặc vật đó); hay căn cứ vào sự tích dân gian, những sự kiện lịch sử (núi Bài Thơ, hang Trinh Nữ); hoặc căn cứ vào những đặc sản có trên đảo hay vùng biển quanh đảo để đặt tên (Ngọc Vừng, hòn Kiến Vàng, đảo Khỉ...).
Hang động vịnh Hạ Long cũng nổi tiếng bậc nhất thiên hạ. Báo cáo của ban quản lý vịnh Hạ Long cho biết hiện nay vẫn chưa thể thống kê hết được tất cả hang động trên 1.969 đảo. Từ đầu thế kỷ 20, các nhà thám hiểm địa chất người Pháp khi nghiên cứu về vịnh Hạ Long đã khẳng định hang động vịnh Hạ Long được kiến tạo trong thế Pleistocen kéo dài từ 2 triệu đến 11 ngàn năm trước.
Trong những hang động đã phát hiện và khai thác phục vụ tham quan du lịch mới chỉ có 10 hang động như hang Đầu Gỗ, động Thiên Cung, hang Trinh Nữ... Có hang rộng thênh thang như tòa lâu đài lộng lẫy, có hang như một địa đạo chật hẹp, dicdăc, trần vòm cuốn lô nhô những nhũ đá to nhỏ... Không hang nào giống hang nào. Mỗi hang đem lại cho người xem sự kỳ thú khác nhau, sự phát hiện mới lạ khác nhau.
HỮU LỰC - THI CẢNH - HỒ VĂN
Trở lại hòn đảo đặt tên mình sau gần 40 năm, Ghecman Titôp - người anh hùng phi công vũ trụ của Liên Xô (cũ) - rưng rưng nước mắt.

Kỳ 2: Câu chuyện đảo Titốp
Cau chuyen dao Titop
Tấm ảnh lịch sử: Bác Hồ và nhà du hành vũ trụ Ghecman Titôp thăm vịnh Hạ Long năm 1962 - Ảnh tư liệu

LTS - Ít ai biết được rằng Ghecman Titôp đã trở lại hòn đảo đặt tên mình sau gần 40 năm. Người anh hùng phi công vũ trụ của Liên Xô (cũ) năm xưa đã rưng rưng nước mắt đứng lặng trước tấm bia ghi sự kiện một hòn đảo đẹp của di sản thế giới do chính Bác Hồ đặt tên.
Hòn đảo của tình hữu nghị
Cụ Nguyễn Văn Cải, 96 tuổi, là ngư dân cao tuổi nhất làng chài Cửa Vạn trên vịnh Hạ Long, cho hay trước đây dưới thời Pháp thống trị thì đảo Titôp có tên gọi khá rùng rợn là đảo Nghĩa Địa, hay còn gọi đảo Hồng Thập Tự.
Sở dĩ có tên gọi này là do năm 1905, một tàu chở hàng của Pháp khi vào vịnh Hạ Long do không có hoa tiêu thông thạo luồng lạch đã đâm vào đá ngầm, bị đắm ở vũng Con Cóc, các thủy thủ đoàn thiệt mạng được đưa về chôn ở đảo này. Từ đó, dân chài ít dám đến khu đảo này khai thác hải sản, đảo trở nên hoang sơ. Cụ Cải nói rằng mãi đến năm 1965, dân làng chài trên vịnh Hạ Long mới biết hoang đảo này có tên gọi là đảo Titôp.
Tài liệu của Bảo tàng Quảng Ninh còn lưu giữ có ghi rõ sự kiện đảo Titôp được Hồ Chủ tịch đặt tên. Ngày
22-1-1962, Bác Hồ đi thăm vịnh Hạ Long lần thứ năm, cùng đi với Bác có anh hùng phi công vũ trụ Liên Xô (cũ) Ghecman Titôp. Tại đảo, Hồ Chủ tịch đã cùng Titôp tắm biển và người anh hùng phi công vũ trụ tỏ ra thích thú thấy bãi tắm có doi cát, nước biển sạch không kém các bãi tắm phương Tây. Tại bãi tắm, Bác Hồ nói với Titôp rằng để ghi nhớ sự kiện một phi công vũ trụ Liên Xô đến thăm Hạ Long và biểu thị tình hữu nghị hai nước Việt - Xô, Bác đề nghị lấy tên Titôp đặt cho đảo. Và Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh trong kỳ họp tháng 5-1962 đã ra nghị quyết đổi tên đảo thành Titôp.
Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long Ngô Hùng cho biết sau khi vịnh được đưa vào danh sách di sản thế giới năm 1994, trong lịch trình tham quan trên vịnh Hạ Long, đảo Titôp là một trong những điểm đến hấp dẫn du khách vì ở đây có bãi tắm đẹp nhất và sạch nhất vịnh Hạ Long được đưa vào khai thác.
Mấy năm gần đây, địa điểm này được ban quản lý vịnh đưa vào khai thác một loạt dịch vụ du lịch hấp dẫn khác như bay tàu lượn, nhảy dù, lặn biển, bơi thuyền kayak... khiến đảo lúc nào cũng tấp nập du khách. Ngày 21-7-2007, sau một tuần vịnh Hạ Long được đưa vào danh sách đề cử là kỳ quan thiên nhiên thế giới, ban quản lý vịnh đã lắp đặt mạng Internet không dây trên đảo Titôp để du khách tham quan có thể dễ dàng vào laptop tham gia bình chọn.
Cau chuyen dao Titop
Đảo Titôp của vịnh Hạ Long có bãi tắm đẹp và sạch nên thu hút đông đảo du khách - Ảnh: Đ.H.Lực
Chứa chan tình người
Chủ tịch UBND TP Hạ Long Nguyễn Văn Tuấn, nguyên trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long, nhớ lại một buổi sáng mùa hè năm 1999 ông nhận được điện thoại từ Hà Nội báo rằng chuẩn bị đón Ghecman Titôp đi thăm vịnh Hạ Long, sắp xếp tàu xuồng đón Titôp sẽ đến chỉ sau vài tiếng.
Ông Tuấn kể: “Trái ngược với suy nghĩ của tôi là anh hùng phi công vũ trụ phải to lớn và đường bệ, Ghecman Titôp xuất hiện trước mặt tôi là một ông già tầm thước, cao chừng 1,67m, chỉ nhỉnh hơn tôi một tí”. Lần này sang thăm VN, Ghecman Titôp đi cùng các nhà khoa học nước ngoài do Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị VN mời, đó là một chuyến đi không ồn ào.
Tàu rẽ sóng đưa đoàn du khách ra vịnh Hạ Long, đứng bên cạnh lan can tàu, Titôp nheo mắt trước nắng và gió biển, kể lại cho khách trong đoàn nghe về kỷ niệm được cùng lãnh tụ VN Hồ Chí Minh du ngoạn trên vịnh Hạ Long cách đây 37 năm. “Tôi còn được tắm biển với Hồ Chủ tịch và Người bơi rất giỏi!”, Titôp khoa hai tay làm động tác bơi lội làm mọi người cười vui vẻ.
Ông Tuấn nhớ rằng khi tàu thả neo cập bến đảo Titôp, người anh hùng phi công vũ trụ đã gần 70 tuổi nhanh nhẹn nhảy xuống bãi cát khiến ai cũng lo lắng. Titôp chỉ tay về phía bãi tắm và thốt lên với vẻ vui mừng bằng tiếng Nga: “Đông quá, đông quá, sao lại đông thế nhỉ?”. Ông Tuấn đưa Titôp đến bên tấm bia ghi sự kiện đảo được đặt tên người anh hùng. Titôp đưa hai tay ôm ghì lấy tấm bia, rưng rưng nước mắt. Và tại đảo Titôp, người anh hùng phi công vũ trụ đã run run ghi nắn nót từng nét chữ vào sổ lưu niệm: “Cảm ơn số phận đã cho tôi có dịp trở lại hòn đảo nhỏ xinh đẹp này! Ghecman Titôp”.
Trước khi rời hòn đảo mang tên mình, Titôp nói với ông Tuấn: “Sau gần 40 năm trở lại, tôi rất xúc động với tình cảm trước sau như một của người dân VN, các bạn vẫn còn nhớ đến tôi”. Titôp hứa với ông Tuấn sẽ cố gắng thu xếp thời gian để đưa gia đình sang thăm đảo một dịp gần nhất. Ông Tuấn bỗng trầm giọng xúc động cho hay vào năm 2001, qua phương tiện truyền thông nghe tin Titôp mất sau một cơn bạo bệnh, Ban quản lý vịnh Hạ Long đã tổ chức một lễ truy điệu long trọng người phi công vũ trụ Liên Xô trên đảo Titôp và cho một chiếc tàu chạy vòng quanh đảo thả những vòng hoa viếng xuống mặt vịnh.
Một ngày hè năm 2006, phu nhân của Ghecman Titôp đã thực hiện lời hứa của chồng. Từ Nga sang thăm VN, bà đã đến vịnh Hạ Long, một mình đi tha thẩn trên bãi cát vàng mà ngày trước chồng bà đã cùng được tắm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đứng lặng trước tấm bia ghi sự kiện đảo mang tên Titôp và khóc.
Hướng dẫn viên trên đảo Titôp Nguyễn Mạnh Hiền cho hay khi bà Titôp được nghe kể lại sự kiện Titôp được đặt tên và sự kiện tổ chức lễ truy điệu Titôp trên đảo, bà đã cảm động nói rằng: “Các bạn là những người thân của gia đình Titôp, Hạ Long thật tuyệt vời và chứa chan tình người!”.
ĐỖ HỮU LỰC - HỒ VĂN
Đề cử cho vịnh Hạ Long
- Sau khi bảy kỳ quan nhân tạo của thế giới được công bố hôm 7-7-2007, các nhà tổ chức đã phát động chương trình bầu chọn bảy kỳ quan tự nhiên của thế giới. Vịnh Hạ Long của VN đã được ban tổ chức giới thiệu.
- Bạn đọc có thể vào trang web http://www.natural7wonders.com/ và đề cử cho vịnh Hạ Long. Ban tổ chức cho biết muốn tập hợp ý kiến khắp năm châu trước khi công bố danh sách 21 “ứng cử viên” sáng giá. Sau giai đoạn đề cử này là kỳ bỏ phiếu chính thức và kết quả sẽ được công bố vào ngày 8-8-2008. Theo Tổ chức NewOpenWorld, tiêu chuẩn của các đề cử phải là những địa điểm thiên nhiên hay những tuyệt tác thiên nhiên mà bàn tay con người không hề tác động tới.
- VN đang có thuận lợi là vịnh Hạ Long đã được ban tổ chức nêu ra trong các ví dụ hướng dẫn cách bỏ phiếu đề cử.
M.H.


Kỳ 3: Kỳ quan huyền ảo

Năm 1937, ông Vũ Xuân Tảo - công nhân lò nấu thủy tinh - trong lúc đào cát để làm nguyên liệu chế tạo thủy tinh đã tình cờ phát hiện được một chiếc rìu đá trên đảo Ngọc Vừng. Phát hiện này đã gây xôn xao các nhà khảo cổ học Pháp thời ấy, bước đầu xác định Hạ Long không chỉ là kỳ quan thiên nhiên mà còn là cái nôi của người tiền sử.
Dấu vết người tiền sử
Nhà nghiên cứu vịnh Hạ Long Nguyễn Thanh Sĩ còn lưu giữ bản công bố của nhà khảo cổ học Andecxen (Thụy Điển) và của hai chị em Colani (Pháp). Sau nhiều tháng tìm tòi trên các đảo đá vịnh Hạ Long, họ đã đi đến nhận định chung: “Những công cụ đá, đồ đựng bằng gốm, đồ trang sức bằng đá, bằng xương... đã được phát hiện và thu thập ở Hạ Long đều thuộc thời đại hậu kỳ đá mới - thời đại của người tiền sử”.
Các nhà khoa học Pháp đã xếp những di chỉ khảo cổ ở Hạ Long có cùng đặc điểm vào trong khái niệm “văn hóa Danhdola”. “Danhdola” là tên đảo Ngọc Vừng do người Pháp đặt.
Sau này, khi miền Bắc được giải phóng, các nhà khoa học VN và các chuyên gia khảo cổ học Liên Xô đã tiến hành nhiều cuộc thám sát, điều tra trên diện rộng và qui mô lớn. Một phát hiện gây chấn động những năm 1960 tại di chỉ Tấn Mài - vịnh Hạ Long với những mảnh ghè của người vượn và tiếp đó là khai quật được những mũi tên đồng của thời Hùng Vương.
Các nhà khoa học đã khẳng định: Đã từng có một nền văn hóa Hạ Long cách nay từ 3.500-5.000 năm. Từ thời hậu kỳ đá mới đã có con người sinh sống trên vịnh Hạ Long, dấu vết của người tiền sử đã được phát hiện tại các di chỉ Hang Luồn, Soi Nhụ và Tiên Ông... gồm đồ đá và tàn tích thức ăn, người tiền sử đã xác định được vai trò “kinh tế biển” đối với đời sống con người từ ngàn năm trước.
Co mot nen van hoa Ha Long
Du khách nước ngoài đi thuyền kayak trên vịnh Hạ Long - Ảnh: Đ.H.Lực
Đến thời kỳ lập nước và giữ nước, vịnh Hạ Long còn đóng vai trò quan trọng về an ninh và phát triển kinh tế đất nước. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Kỷ Tỵ, (Đại Định) năm thứ 10 (1149). Mùa xuân, tháng hai, thuyền buôn ba nước Trảo Oa, Lộ Lạc, Xiêm La vào cảng Hải Đông (vịnh Hạ Long) xin cư trú buôn bán, bèn cho lập trang ở hải đảo, gọi là Vân Đồn, để mua bán hàng hóa quí, dâng tiến sản vật địa phương”.
Và thương cảng Vân Đồn đã hình thành từ đó. Theo ông Nguyễn Thanh Sĩ, lý do nhà Lý chọn Vân Đồn bên vịnh Hạ Long làm thương cảng là vì vùng này có nhiều đảo đất, đảo đá ngang dọc, chia cắt biển thành nhiều vũng, luồng lạch sâu và kín gió. Thuyền bè neo đậu an toàn, không bị gió bão uy hiếp.
Năm 1964, trong một lần khai quật khảo cổ tại thương cảng cổ Vân Đồn, các nhà khảo cổ đã tìm được những đồng tiền Tây Ban Nha đúc từ năm 1762, chứng tỏ nó đã qua nhiều cửa khẩu trước khi đến Vân Đồn, điều đó cho thấy phạm vi buôn bán của thương cảng Vân Đồn - vịnh Hạ Long ngày ấy đã vươn tới một số nước Tây Âu.
Bức tường thành trên biển
Trưởng ban quản lý vịnh Hạ Long Ngô Hùng cho hay căn cứ vào các tài liệu còn lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Ninh thì con người đến các đảo Hạ Long cư trú và lập nghiệp, không kể người thời đại đồ đá, sớm nhất là vào thế kỷ thứ VI. Người dân sinh sống đông đúc bắt đầu từ khi thương cảng Vân Đồn thành lập và phát triển.
Trong số 1.969 đảo của Hạ Long chỉ có 40 đảo là có dân sinh sống, những đảo này có qui mô từ vài chục đến hàng ngàn hecta và những đảo có dân sinh sống tập trung chủ yếu ở phía đông và đông nam vịnh Hạ Long. Mấy chục năm gần đây, nhiều vạn chài sống trôi nổi trên mặt nước, bắt đầu lên một số đảo định cư biến những đảo hoang sơ trở thành trù phú như Sa Tô (TP Hạ Long), đảo Thắng Lợi (huyện Vân Đồn)...
Ý kiến bạn đọc
Ngày 7-7-2007, qua truyền hình, tôi nhìn thấy người dân ở các quốc gia có kỳ quan ứng cử danh sách bảy kỳ quan mới của thế giới đã đổ xuống đường vận động cho quốc gia mình, từ tổng thống cho đến người dân cùng chung một nhịp đập. Nhìn hình ảnh ấy, tôi xúc động lắm, và ước rằng giá như một ngày nào đó VN có cái tên đề cử.
Khi được biết Tổ chức NewOpenWorld mời mọi người đóng góp ý kiến bình chọn danh sách kỳ quan thiên nhiên thế giới, tôi đã vào trang webwww.natural7wonders.com để bầu chọn vịnh Hạ Long. Nhìn cái tên vịnh Hạ Long được ban tổ chức lấy làm ví dụ để hướng dẫn cách bỏ phiếu đề cử, tôi cũng tự hào lắm. Tôi click chuột đề cử cho vịnh Hạ Long mà lòng rộn ràng bởi hiểu rằng tôi đang bầu chọn cho đất nước của mình, cho dân tộc mình.
NGUYỄN KIM THÀNH
(Đà Nẵng)
Khác với vùng biển khác trên đất nước VN thường có sóng to gió lớn, vịnh Hạ Long với hàng ngàn hòn đảo như bức tường thành ngăn sóng và bão lớn. Với điều kiện như thế, thuyền đi lại như trong ao hồ trên đất liền.
Ở các vùng biển khác, tàu và thuyền đánh cá chỉ dành cho đàn ông khỏe mạnh, nhưng ở Hạ Long tàu thuyền không chỉ là phương tiện đánh cá mà còn là nhà của họ, là nơi ăn ngủ và cả thờ cúng tổ tiên. Những người dân chài trên vịnh Hạ Long gắn bó cả cuộc đời với những con thuyền của họ từ khi sinh ra, lớn lên, lấy vợ gả chồng và cho đến cả khi trở về cõi vĩnh hằng.
Chỉ tay vào phía trong khoang thuyền, anh Nhật - một ngư dân vạn chài Hạ Long - nói rằng bao đời nay con thuyền của dân chài Hạ Long vẫn thế, dù to hay nhỏ đều có ba khoang: khoang mũi, khoang giữa và khoang sau.
Trong đó, khoang giữa là khoang chính có mui chắc chắn và cố định dùng để thờ tự ông bà và cũng là nơi ngủ của bố mẹ và con cái nhỏ. Khoang mũi là nơi để ngư cụ, thả lưới và giăng câu. Khoang sau (khoang lái) thường có mui, là nơi ngủ của con cái lớn chưa lập gia đình, và khi nào lập gia đình thì hai bên gia đình phải gom góp làm một thuyền mới cho đôi trẻ một chiếc thuyền như thế.
Hơn chục năm trở lại đây, một số dân vạn chài làm ăn khá đã sáng tạo ra kiểu làm nhà trên bè cá lồng, tuy nhiên hầu hết các hộ vẫn có một chiếc “thuyền nhà” như đã kể để mưu sinh.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Kha là người sinh ra và lớn lên trên vịnh Hạ Long, anh cho hay hiện nay hầu hết dân chài đã dùng thuyền có lắp máy thủy, không còn dùng buồm như trước.
Năm 2003, cánh buồm cuối cùng của gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn, ngư dân làng chài Vông Viêng, đã được bán cho một gia đình ngư dân của đảo Hà Nam (Yên Hưng), kể từ đó vịnh Hạ Long vắng bóng những cánh buồm nâu thơ mộng.
Chị Nguyễn Thị Minh, ngư dân làng chài Cửa Vạn, cho biết hiện nay dấu xưa đọng lại của làng chài cổ là những câu hát giao duyên xưa vẫn còn được lưu truyền đến hôm nay mà lớp thanh niên nam nữ làng chài hầu như ai cũng thuộc, đó lối hát đúm, hò biển và hát đám cưới.
Cụ Nguyễn Văn Cải, 96 tuổi, ngư dân cao tuổi nhất của làng chài Cửa Vạn, tự hào rằng hát đám cưới của Hạ Long không kém gì lối hát của người quan họ Kinh Bắc. Cụ Cải cho hay đám cưới của vịnh Hạ Long cũng độc nhất vô nhị vì theo phong tục chỉ được tổ chức trong những ngày rằm, do đây là lúc trên vịnh có trăng sáng, cá ăn tản, người dân chài không đi đánh cá.
Và những đêm trăng ấy, biển Hạ Long lung linh và huyền ảo. Thuyền nhà trai đến thuyền nhà gái đón dâu, thay bằng những lời chào hỏi, chúc tụng là những câu hát đối đáp vui vẻ. Cụ Cải cho biết nếu nhà trai hát “thắng” thì nhà gái mới “chịu” mở ngõ cho thuyền mình làm lễ gia tiên và đón dâu. “Tất nhiên là bao giờ nhà trai cũng thắng và nhà gái bao giờ cũng giả vờ thua”, cụ Cải cười vui vẻ.
HỮU LỰC - THI SẢNH - HỒ VĂN
________________________
Làng chài Cửa Vạn là mô hình trung tâm văn hóa nổi đầu tiên dành cho cộng đồng ngư dân vạn chài. Vịnh Hạ Long trở thành di sản thiên nhiên thế giới thì “phố biển” ấy cũng trở thành một phần của di sản.
Kỳ tới: “Phố biển” trong lòng di sản


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét