Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

NHỮNG KHÁM PHÁ KHẢO CỔ HỌC MỚI Ở MIỀN NAM VIỆT NAM


NHỮNG KHÁM PHÁ KHẢO CỔ HỌC MỚI
Ở MIỀN NAM VIỆT NAM

Phạm Đức Mạnh


Trong những năm gần đây, sinh viên Khoa Sử (Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGTP.HCM) đã tiến hành nhiều đợt thực tập dài ngày. Đó là tham dự cuộc khai quật chưa từng thấy trên đất rừng Tây Nguyên (di chỉ tiền sử Lung Leng), khảo sát kiếm tìm cổ vật ở quần thể di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia - Mộ Cự thạch Hàng Gòn (Long Khánh - Đồng Nai), khảo sát các quần thể kiến trúc, đền đài lăng tẩm lớn thuộc văn minh Oùc Eo như Cát Tiên (Lâm Đồng) và Gò Tháp Mười (Đồng Tháp), các làng cổ thời tiền sử - sơ sử ở 3 miền địa hình Long An hay làng trên nhà sàn ngập trong sình Rạch Lá vùng cận biển Long Thành và Nhơn Trạch (Đồng Nai) .v.v (Phạm Đức Mạnh, 2001). Ngay trong các đợt thực tập chính khóa, sinh viên cũng  đã thu được từ thực địa nhiều bài học về phương pháp điền dã, khảo cứu và giám định di tích - di vật văn hóa cổ xưa, tập giải các bài toán hiện trường nghiên cứu đặc thù của chuyên ngành trong khoa học Lịch sử, đề xuất bước đầu các giải pháp bảo tồn di sản văn hoá (Nguyễn Tuyết Trinh, 2001; Phạm Ngọc Thảo, 2002).
Ở bài này, dưới góc độ nghiên cứu chuyên ngành, tôi chỉ xin điểm lại mấy khám phá mới về các loại hình di tích - di vật độc đáo thuộc các thời kỳ tiền sử - sơ sử và cổ sử - lịch sử của sinh viên Trường ta ở Nam Bộ và miền Nam Trung Bộ (Việt Nam).

1.   NHỮNG DI CHỈ - XƯỞNG TIỀN SỬ - SƠ SỬ VÙNG NGÃ BA SÔNG
VÀ MIỀN SÌNH CẬN BIỂN ĐỒNG NAI

1.1  DI TÍCH
Trong các mùa điền dã 1999-2002, ngoài việc thực hành khảo sát tại một số di chỉ tiền sử thuộc Biên Hòa (Bình Đa, Gò Me) và Long Khánh (quần thể mộ Cự  thạch Hàng Gòn I - II), đoàn sinh viên chuyên ban Khảo cổ học đã dồn sức đào thám sát vùng ngã ba sông thuộc lâm phận Hiếu Liêm - Vĩnh Cửu (Đồng Nai), Tân Uyên (Bình Dương) và tham gia khai quật các làng ngập sình vùng cận biển.
Trong địa phận Đồng Nai, tại Đồi Phòng Không, trên sườn đồi phía tây - đông nam rộng 2100m², đoàn đã thu thập được 269 cổ vật, bao gồm: 260 đồ đá, với các loại hình như : 2 phác vật rìu tứ  giác lưỡi sắc; 115 phác vật vòng hình đĩa (với 66 tiêu bản chưa có dấu khoan  và 49 tiêu bản mang dấu khoan ở 1 - 2 mặt, quy mô chung của đường kính 8,4 - 12cm); 58 lõi vòng hình tròn do kỹ thuật khoan tách lõi tạo nên (quy mô 2 đường kính trung bình: 4,95 - 6,3 x 4,7 - 5,8cm); 5 mảnh vòng đeo tay (d= 6,9-11cm); 5 bàn mài; 58 mảnh tước cùng chất liệu phiến sừng để làm vòng; 10 tảng đá phế liệu, 1 công cụ dạng chày bằng đá keo núi lửa cứng chắc (10,65 x 4 - 7,5 x 3,1 - 3,7cm) và 6 di vật hình cầu hoặc khối tròn dẹt như bánh xe (4,7 - 6,05 x 4,4 - 5,4 x 2,9 - 4,2cm). Đồ đất nung có 1 bàn xoa gốm; 8 mảnh gốm thô vỡ nhỏ, làm từ  sét pha nhiều cát và lẫn sỏi sạn nhỏ, độ nung không cao, gốm mềm bở và dễ thấm nước.
Ở Suối Linh, trong phạm vi xuất lộ cổ vật rộng tới 8.750m² (175 x 140m) ở dải đồi thấp phía đông, đoàn đã tiến hành đào một hố thám sát quy mô 6m² (2 x 3m) theo hướng đông tây, phát hiện tầng văn hoá khảo cổ học chứa hàng ngàn di tồn xưa, đặc biệt có cả vài phác vật đàn đá. Tổng số cổ vật thu trong hố thám sát và trên bề mặt di tích Suối Linh tới 1.545 tiêu bản; trong đó: Đồ đá có 979 tiêu bản, với 3 cuốc tứ giác; 253 rìu - bôn (có 201 rìu - bôn hình tứ giác hoặc tam giác, 12 rìu - bôn có vai và 40 phác vật); 19 đục các cỡ; 13 dao hái; 22 bàn mài (với nhiều tiêu bản còn 3 - 4 mặt sử dụng); 2 hòn ghè; 18 đá ghè đẽo hình cầu hay hình khối bầu dục chưa rõ công dụng; 18 mảnh phiến đàn đá; cùng 631 mảnh tách - mảnh tước các loại. Đồ đất nung có: 161 bàn xoa gốm (có 61 tiêu bản chỉ còn chuôi, có chuôi bàn xoa còn có lỗ dùi thủng ở đầu), cùng hàng ngàn mảnh đồ đựng mang trang trí hoa văn lạ.
Tại khu vực rẫy Nguyễn Nghị, địa điểm nằm sát bờ tây cách Suối Linh khoảng 400 - 500m về phía đông bắc, đoàn đã tìm thấy  2 rìu đá không vai, 1 bôn vai xuôi, 1 phác vật rìu, 1 đục, 5 bàn mài bằng sa thạch, 20 di vật các loại phế vật công cụ hoặc giống hòn ghè v.v. Ở Cống Đôi trên sườn đồi ven bờ sông Bé, có 1 rìu cỡ nhỏ (8 x 3,2 x 1,5cm) chế tác từ đá spilit cứng chắc màu vàng nhạt và được mài bóng toàn thân, lưỡi sắc bén và 1 lục lạc đồng cỡ nhỏ.  Ở rẫy Phạm Ba, gần hợp lưu Suối Linh - Sông Bé, đoàn ghi nhận tầng văn hoá xuất lộ 150m², ken dày cổ vật: 11 rìu - bôn đá các cỡ, 1 hòn ghè hình cầu, 1 bàn xoa gốm, hàng trăm mảnh đồ đựng dạng nồi hay vò từng thấy ở làng cổ Suối Linh.
Trên đất Bình Dương bên kia sông Đồng Nai, đoàn trở lại phúc tra Gò Đá (Mỹ Lộc) - di chỉ - xưởng nổi tiếng từ 1977 với hàng ngàn di vật các loại ngổn ngang trên mặt gò (Phạm Đức Mạnh, 1977). Ở đây, trong khu vực phía đông nam di tích, tầng văn hoá hiện diện rất rõ với độ sâu trung bình 0,7-1,1m, ken dày đá - gốm. Ngoài 19 mảnh miệng - đế đồ đựng đặc trưng Gò Đá, đoàn thu thêm sưu tập đá gồm: 2 cuốc hình thang dài, 1 bôn tứ giác, 1 phế vật rìu vai xuôi và 3 bàn mài.
Trong vùng ngập mặn ven bờ sông Thị Vải thuộc Long Thành và Nhơn Trạch, đoàn đã tiến hành khảo sát trên diện rộng ở Cái Vạn, Cái Lăng thu được 40 cổ vật, gồm: 39 đồ đá, với 9 di vật có vai (1 cuốc, 8 rìu bôn có bản lưỡi dài hoặc ngắn); 8 rìu tứ giác; 2 bàn mài mang nhiều vết sử dụng trên thân; 1 viên bi đất nung, 40 mảnh gốm cổ với nhiều loại miệng cùng hoa văn khắc vạch hoặc chải thừng, các chân ống bát bồng và chân cà ràng dạng tròn hay bẹt v.v. Ở Rạch Lá, đoàn tham gia cuộc đào lớn 103m² của Viện Khảo cổ học 3/2002, phát giác 6 cọc nhà sàn dài 1,5-3m còn cắm sâu trong tầng sình, cùng 55 rìu - bôn đá, nhiều bàn mài, 3 chì lưới, 1 hòn nghiền, 1 thanh đàn đá cỡ 35 x 18 x 3cm, nặng 3kg; đồ đất nung có: 1 cà ràng, 8 viên đạn, 508 mảnh đồ đựng kiểu nồi, vò, chum, đĩa; 2 di vật gỗ lạ v.v. (Mai Văn Hậu - Kim Sa Rai, 2002).

1.2 NHẬN XÉT CHUNG
Các mùa điền dã 1999-2002 tại vùng ngã ba sông Bé - Đồng Nai và miền ngập sình cận biển Đông Nam Bộ của sinh viên Khoa Sử đã góp thêm nhiều tư liệu mới, cung cấp cho công cuộc nghiên cứu tiền sử - sơ sử ở các tiểu vùng văn hoá nguyên thuỷ đặc trưng của phức hệ di tích Đồng Nai mà nhát cuốc của nhà khảo cổ học xâm thực tới chưa nhiều, kể từ khám phá của T.V.Holbé cuối thế kỷ 19 đến những cuộc thám sát khai quật đầu tiên ở Gò Đá (1977), Suối Linh (1985), Cái Vạn (1996) (Trần Quốc Vượng - Phạm Đức Mạnh, 1997).
Trong hàng ngàn di vật khảo cổ học tiền sử được đưa về Bảo tàng Đồng Nai, chúng ta có thể nhận ra nhiều tiêu bản thuộc các loại hình di vật mới. Ví như, những lưỡi cuốc đá có vai lệch và bản lưỡi gần hình chữ  nhật, những rìu - bôn có lưỡi vát gần như kiểu rìu lưỡi xéo v.v. ở Cái Vạn (Long Thành). Đó còn là những tiêu bản rìu thân ngắn với lưỡi xoè vòng cung gần giống như  kiểu mô phỏng lưỡi trũng parabol của sưu tập rìu đồng đặc trưng ở Đông Nam Bộ, các phiến đá xanh đen chế tác dọc rìa tạo dáng chữ nhật dài giống đàn đá dồn đống ở góc hố thám sát, gốm có loại hình miệng khum gấp khúc dáng lạ v.v. ở di tích Suối Linh; lưỡi rìu sắc bén làm từ  đá hiếm ở Cống Đôi (Hiếu Liêm). Đặc biệt, ở Đồi Phòng Không, ngoài đồ đá và cả gốm cổ lần đầu tiên phát hiện được ở trái đồi này ghi nhận thêm các khả năng cư  trú thường xuyên hoặc tạm thời của tập thể người cổ, hàng ngàn di vật các loại quan hệ đến quy trình chế tác vòng tay đá bằng kỹ thuật tạo phác hình đĩa và khoan tách lõi từ 1 - 2 mặt, minh định rõ ràng hình hài một công xưởng chuyên chế vòng trang sức đeo tay bằng phiến sừng bản địa.hiện biết là lớn nhất miền Nam Việt Nam. Thế nhưng, kỹ thuật khoan tách lõi từ 1 - 2 mặt, theo tôi, hoàn toàn tùy thuộc vào độ dày di vật và chất liệu nham thạch, chứ không liên quan gì đến cái gọi là trình độ sớm muộân khác nhau như có người khẳng định. Các di tích còn lại (Suối Linh, Rẫy Nguyễn Nghị và rẫy Phạm Ba, Gò Đá) đều là những di chỉ - xưởng (workshop-sites) đích thực, có quy mô lớn rộng vào bậc nhất miền Đông Nam Bộ. Với những dấu tích đá - gốm sưu tầm được, tôi tin rằng các địa điểm rẫy Nguyễn Nghị và rẫy Phạm Ba gắn kết với làng - xưởng Suối Linh từ ngàn xưa dọc theo đôi bờ dòng chảy này viền quanh thung lũng cổ từ đầu nguồn về nơi hợp lưu Suối Linh - Sông Bé. Ở những làng thủ công rộng nhiều hec-ta này, những người thợ xưa tập trung chế tạo công cụ lao động đá từ phác vật đầu tiên đến những thành phẩm cuốc - rìu bôn - đục chủ yếu hình tứ giác, tam giác, ít thể loại có vai, dao hái, đàn đá đơn giản. Riêng người thợ Suối Linh còn sản xuất thêm hàng loạt bàn đỡ - bàn xoa đất nung phục dịch cho thao tác tạo hình trong các lò gốm cổ. Sự đồng chất Di chỉ - xưởng làm nên đặc trưng nổi bật trong xóm làng cổ làm nông và hoạt động thủ công vùng ngã ba sông Bé - Đồng Nai so với các phân vùng quy tụ dân cư tiền sử khác thuộc Phức hệ văn hoá Đồng Nai. Những cổ vật mới lạ được đưa ra ánh sáng khoa học từ lòng sình Cái Vạn, Cái Lăng, Rạch Lá (Long Thành và Nhơn Trạch) chính là những nhân chứng không lời  của diện mạo văn hoá nguyên thủy vùng ven sông Thị Vải cả ngàn năm trước Công nguyên và, cùng với các niên đại C14 từ cọc - dao - kiếm gỗ Cái Vạn (3360 ± 80; 3195 ± 70 BP), Cái Lăng (3260 ± 70 BP), Rạch Lá (3100 ± 60 BP) (1) và với vị thế độc đạo của những bàn đạp lịch sửhướng ra biển Thái Bình của chúng, Kích thước Cần Giờ về môi trường cảnh quan - lịch sử văn hoá - kinh tế xã hội trong quan niệm của Diệp Đình Hoa (1996), theo thiển ý của chúng tôi, có thể và nên phải tính từ đỉnh điểm Tứ giác rừng Sác ngập mặn Đông Nam Bộ - tính từ Phước Thọ với Cái Vạn, Cái Lăng và Rạch Lá, ít nhất là từ đấy.
Hy vọng rằng, cùng với việc xây dựng kế hoạch nhiều năm điền dã - nghiên cứu - xây dựng bản đồ khảo cổ học và tăng cường hợp tác giữa Trường ta và Sở VH-TT Bình Dương, Đồng Nai; trong công tác đào tạo chuyên gia trẻ; các cuộc khai quật nghiêm túc và rộng lớn hơn sẽ được thực thi ở những trại ấp trên nước này, và ở chính Đồi Phòng Không, Suối Linh, các rẫy Nguyễn Nghị - Phạm Ba thuộc đất Đồng Nai và cả Gò Đá bên kia sông thuộc đất Bình Dương -một trong những địa điểm thời kỳ Đá mới quan trọng nhất Đông Nam Á (Helmut Loofs-Wissowa, 1981); mà chỉ nhờ thế, chúng ta mới hy vọng có thêm những tri thức khảo cổ học nền tảng về hình hài các làng cổ làm nông và hoạt động thủ công định vịù trên sườn đồi phù sa cổ hay trên nhà sàn ngập mặn thuỷ triều từng góp sức vào sự vận hành cả xã hội nguyên thủy của riêng miền văn hoá nơi cao nguyên và đồng bằng ven biển Đông phía Nam Việt Nam trong quá vãng 2 thiên kỷ trước Công nguyên.

2.   NHỮNG KHẨU SÚNG THẦN CÔNG Ở THÀNH CỔ QUẢNG TRỊ
Trong đợt thực tập Khảo sát hiện trạng các di tích lịch sử - văn hoá Nam Trung Bộ tháng 5/2001, thầy trò Khoa Sử đã dừng chân tại Thành Cổ Quảng Trị, mảnh đất lịch sử nằm kẹp giữa 2 dòng chảy Thạch Hãn và Vĩnh Định, từng là 1 trong những trung tâm chính trị - kinh tế - quân sự lớn phía bắc Kinh thành Nguyễn. Đây vốn là toà thành đất đắp hình vuông đời Gia Long (1809), xây lại bằng gạch thời Minh Mạng (1837), cấu trúc kiểu Vauban, với 4 pháo đài góc nhô ra gần hình thoi; 4 cửa giữa 4 mặt thành rộng 3,4m xây vòm cuốn có vọng lâu mái lợp ngói uốn cong; chu vi vòng thành 2160m (540 trượng), tường cao 4m và dầy từ 0,65m (trên) đến 12m (chân); cùng hệ thống hào bao quanh rộng 18,4m và sâu 3,2m. Nội thành gồm hành cung cấu trúc 3 gian 2 chái, mái lợp ngói liệt có hệ thống tường bao hình vuông (100 x 100m) với 2 cửa bắc - nam, kỳ đài, các dinh tuần vũ, án sát, lãnh binh, các ty phiên, miết, thương chính, các nhà quan giám binh, kiểm học, trại lính, xưởng đúc tiền, các kho trữ lương và vũ khí v.v. (Ban quản lý di tích, danh thắng Quảng Trị, 2000).
Sau Mùa hè đỏ lửa tổng tiến công và nổi dậy 1972 của quân dân ta với cuộc chiến 81 ngày đêm (28/6 - 16/9) chính tại Thành Cổ Quảng Trị, phần lớn kiến trúc thành xưa bị tàn phá vì bom đạn, chỉ còn lại dấu vết ít đoạn tường thành, lao xá, nền hành cung, các cổng tiền hậu Trong công cuộc bảo tồn, phục chế và tôn tạo di tích lịch sử văn hoá Quốc gia này, nhiều hiện vật hiếm quý được thu hồi dưới các nền gạch vụn. Ngoài một số viên đạn thời Nguyễn với cỡ đạn rộng từ 3-20cm, còn 3 khẩu súng thần công bằng đồng thau độc đáo được tìm thấy khi làm Đài tưởng niệm ở trung tâm khuôn viên Thành Cổ.
Hai khẩu lớn nhất cùng chung cặp nòng ngắn và cùng mang nhiều thương tích do đạn và mảnh bom gây. Súng được đúc hình khối trụ tròn còn nguyên vẹn với chiều dài toàn thân 116cm và đường kính nòng rộng 36,1cm. Súng được cấu tạo thành 3 phần, trong đó phần nòng dài nhất có gờ gấp hình viên phân viền quanh vành miệng, mép nòng tính từ chân đến đỉnh gờ gấp dày 8,2-9,5cm. Phần khối hậu đúc kín, ngắn và nhỏ hơn phần nòng súng, với lỗ điểm hoả tròn rộng bố trí trên khung nổi giữa hình lá đề và với gờ gấp hình vành khăn viền quanh (chu vi 157,5cm) có dòng chữ Hán: Ngự chế thần uy địch thượng tướng quân đệ nhất vị và Ngự chế thần uy địch thượng tướng quân đệ nhị vị. Nắp súng đúc liền khối hậu với núm dài 20cm có đầu hình cầu, cùng vành đai ở chính giữa trụ cầu mang khung bằng chữ Hán: Minh Mạng thập ngũ niên chú. Khúc giữa súng dày nhất, tạo thành các gờ bậc nơi tiếp giáp với nòng và khối hậu, có 2 trục quay hình trụ tròn với 2 đầu rộng 13,5cm đối xứng nhau qua thân súng. Trục quay dài 13cm, riêng chỗ gắn với thân súng được cấu tạo thêm 2 vòng nấc, ở bề mặt 1 trục quay còn có dòng chữ Hán ghi số cân của súng là 2634 cân và 2661 cân.
Tiêu bản 3 là súng lệnh bằng đồng thau còn nguyên vẹn và láng bóng khắp mặt ngoài, không hề bị xây xát do bom đạn như 2 khẩu đại bác lớn (có thể do bị vùi lấp từ trước cuộc chiến Xuân Hè 1972). Súng được đúc liền thân dài 133cm; nòng nhỏ với mép loe ra và tạo thành 2 nấc; khẩu kính 9cm với miệng dày 4cm. Súng có cấu tạo thành nhiều khoang với các gờ đai hình viên phân quanh thân. Tất cả có 7 gờ đai tính từ nòng xuống đuôi súng thuộc các cỡ khác nhau, chia súng thành 6 phần không đều nhau. Trong đó, phần nòng súng dài nhất với 4 gờ đai, phần giữa và khối hậu gần tương đương nhau, với chu vi vành đai viền khối hậu là lớn nhất (93cm), gắn liền lỗ điểm hoả trên lá đề và đuôi súng. Phần đuôi dài 14,5cm, cũng có đầu hình trụ tròn như thường thấy ở súng lệnh. Riêng khúc gắn trục quay (khoang 4 tính từ miệng nòng xuống đuôi), ngoài 2 trục quay hình trụ tròn dài 9cm, đường kính rộng 8,5cm, gắn liền với 2 bên thân súng bởi 2 vành tròn ngắn và rộng hơn, còn được người xưa đúc thêm 2 quai xách hình mui thuyền, cách đều và song song với nhau dọc thân trên dài 17cm và nhô cao 11cm. Cả 2 quai xách được đúc tạo hình giống như con rồng đầu to đuôi nhỏ uốn tròn, gắn trên các trục tròn nhô lên trên thân súng. Sự hiện diện cặp quai xách trên thân súng ghi nhận tính cơ động của đại bác dạng này ở Thành Cổ Quảng Trị; song cấu trúc quai xách hình rồng gợi ý rằng đây là súng lệnh chỉ bố trí trong hành cung, phục vụ các đại lễ đón vua tuần thủ, thăng quan như  sử cũ từng ghi nhận ở các thành lũy cấp tỉnh thời Gia Long - Minh Mạng. Vành bao khối hậu và 2 bề mặt tay quay súng còn khắc chữ Hán mà nhiều chữ đã bị mờ; 4 hàng chữ rõ nhất ở mặt tay quay bên trái ghi rằng: Đích xạ hảo hạng dược nhị cân tứ lượng, đạn chỉ dụng đồng đạn nhị thốn nhất phân (Bắn chính xác nhất thì dùng 2 cân 4 lượng thuốc súng, đạn dùng đạn đồng có đường kính 2 tấc 1 phân).
Những tiêu bản thần công và đạn dược thời Nguyễn hiện còn tàng trữ tại Phòng truyền thống di tích lịch sử văn hoá Quốc gia Thành Quảng Trị hiện là những di vật xưa nhất gắn liền với Thành Cổ hàng tỉnh này các đời Nguyễn Gia Long và Minh Mạng. Chúng tôi mong rằng các cuộc đào móng xây dựng mới để tôn tạo di tích đang diễn ra trên toàn bộ 10ha của Quần thể di tích này sẽ hướng tới không chỉ phục chế lại hệ thống giao thông hào - công sự chiến đấu của quân giải phóng trong Mùa hè đỏ lửa 1972, mà còn khôi nguyên nền cũ của hành cung, kỳ đài và hình hài hồ thành, tường bao, cổng, cầu ở mức có thể được.  Và, trong Bảo tàng Thành Cổ tương lai, bên cạnh nhiều chứng tích chiến tranh thời hiện đại, 3 tiêu bản đại bác và súng lệnh thần công Nguyễn sẽ có thêm đồng loại (tương hợp với nhiều cỡ đạn đã biết) và có thêm nhiều di vật quý đồng đại khác, từ các bia đá, vật liệu kiến trúc - xây dựng - trang trí nội thất và kho tàng., đến các vũ khí, chiến cụ và vật dụng sinh hoạt cả quan lẫn lính và dân thường, dù còn nguyên bản hay chỉ còn là những mảnh vỡ thời cận đại mà tôi nhặt được ở đó đây ven tường bao nội thành.

3.   NHỮNG QUẦN THỂ MỘ CỔ Ở TIỀN GIANG
Trong 2 mùa điền dã qua, đoàn sinh viên Trường ta đã về Tiền Giang nghiên cứu một trong những loại hình di tích Khảo cổ học Lịch sử hấp dẫn của người Việt ở Nam Bộ - mộ Hợp chất (Phạm Đức Mạnh - Phan Thanh Toàn, 2001).

3.1. QUẦN THỂ CÁI BÈ: Trong quần thể 3 mộ có nấm hình voi phục ở Cái Bè, tọa lạc trên khu đất 15 x 25m = 375m², mộ Mỹ Quới - Đức Mỹ Đông có dạng lăng, quy mô khuôn viên 5 x 4m = 20m² (thành trong) và 10 x 6m = 60m² (thành ngoài). Riêng nhà mồ 4 x 3,6m, cao 1,78m, đúc dáng thấp nhưng bền vững bằng hợp chất (vôi sống, mật đường, nước nhớt thực vật và cát sỏi có độ phong hóa cao), với thành ngoài còn nguyên chia 2 phần tiền - hậu, lợp ngói âm dương bằng vật chất; chỉ các trụ sen bị hư hại nhiều. Ở mộ Đông Hoà Hiệp, thành quách nội ngoại xây tường dầy 0,6m bao quanh diện tích gần 60m² (7,65 x 6,65m), với 4 trụ sen (0,65 x 0,62 x 0,5m), còn nhà mồ khá dị biệt với 2 hộc trống bên trong lưu giữ đồ kỷ niệm. Riêng cặp mộ song táng Cái Bè (MC1: cải táng; MC2: ướp xác) có hình lăng bao quanh quách thành nội - ngoại và bình phong (2,55 x 1m) ở phần đầu tạo dáng hình mái đình, nhưng không còn bia và nhà mồ, ngoài mấy câu liễn đối ca tụng phong cảnh đất đai và địa cuộc của nhà nho và mui luyện (0,68m) hình voi phục mà dân sở tại gọi là vương miện, gắn với khung đài bia trên bệ xây kiểu khán thờ chân quỳ. Các mộ được khai quật khá dị biệt vì mui luyện hiện hình bông sen, khi đục phá lớp hồ hợp chất 10cm và huyệt đúc còn rõ nhiều lớp hợp chất (MC2-CB-9/94) (Đỗ Đình Truật - Lê Aùi Siêm - Dương Hùng Dũng - Nguyễn Mạnh Thắng, 1997; Phạm Đức Mạnh - Phan Thanh Toàn, 2002).
Ngoài những mộ đã biết, sinh viên Trường ta đã khám phá thêm một số mộ cấu trúc khác lạ trong địa phận 2 xã Hòa Hiệp và Hòa Khánh (Cái Bè). Ngôi mộ ở Đông Hòa Hiệp được người xưa kiến tạo bằng hợp chất thường thấy, bề ngoài điêu khắc trang trí nhiều khung viền thực vật cân xứng và khá cầu kỳ nhưng bị hư hại nhiều, bị bong tróc gần hết các phù điêu mô tả hoa lá và dây leo, các đường kẽ viền giả gạch, văn bia và bài vị. Mộ mang kiến trúc nhà mồ, với phần quách đúc liền khối cấu trúc mui luyện hình hộp chữ nhật mà phần nắp mái lại tạo hình gần nón cụt. Bên trong nhà mồ được ngăn thành 2 hộc trống có thể là nơi đặt đồ tuỳ táng của chủ nhân ngôi mộ (cả 2 hộc này còn rõ vết đào phá bởi những kẻ đào trộm mộ cổ tìm báu vật). Mặt nền mộ phủ dầy đất và cây cỏ. Các bờ tường bao quanh và cột trụ bị gãy đổ và hư hại nặng, chỉ còn rõ bờ tường thành trước và nền bao cao khoảng 30-50cm ở xung quanh.
Ở Hòa Khánh, 6 di tích khá giống nhau về chất liệu và kỹ thuật xây dựng, bình đồ khá đơn giản với khuôn viên hình chữ nhật (20 - 100m²) mà cấu trúc mui luyện, hộc thờ, văn bia, bài vị và các phù điêu trang trí hình nổi mặt tiền khá giống nhau có thể chủ nhân cùng huyết tộc (?). Các mộ khác nằm lẻ trong các vườn cây phủ nhiều cỏ dại, phần lớn bị tróc hết văn bia, bài vị, hiện không có cháu con ghi nhận. Riêng mộ Hòa Hảo với khuôn viên lớn gần 100m², còn nguyên bình phong dày tạo dáng gần nón cụt gắn với cặp trụ góc hình khối chữ nhật dài có đầu giống như cặp bát úp nhau được nhân dân sở tại từ xưa gọi là mộ Bà Nghè. Di tích được bảo quản tốt nhất hiện là mộ Hòa Quý mà tương truyền là ngôi mộ tổ Lê Văn Duyệt (?), dù văn bia nguyên hình chữ nhật đặt trên bệ đặt trước quách mộ, với đường viền trang trí bao quanh và nóc bia tam giác chạm nổi cầu kỳ hình sen và văn mây lồng nhau nhưng toàn bộ chữ trong khung đều bị bào mòn gần hết. Phần quách cấu trúc hộp kín đơn giản với khung bình phong hình chữ nhật chấn giữa các diềm cung trang trí chạm nổi văn mây và hoa lá cầu kỳ, đẹp mắt.

3.2 QUẦN THỂ GÒ CÔNG: Ở Gò Công, mộ hợp chất mật tập 3 cụm lớn; trong đó, cụm A - Lăng Hoàng Gia là tập hợp kiến trúc mộ táng quy mô cực lớn, với 14 lăng mộ và 1 đền thờ chiếm tới 5 ha ở Long Hưng, được coi như khuthánh địa của vương triều Nguyễn ở Nam Bộ, với các dòng hoàng tộc, đại thần, hoàng hậu, cung tần mỹ nữ các triều từ Minh Mạng đến Thành Thái; cụm B - mộ Cụ bà Dương Thị Hương - phu nhân Đốc phủ sứ Gò Công, với chùm kiến trúc đá xanh tạo hình thạch cự tháp 8 mái cao 2,5m, diện tích 25-50m² và 8 trụ chạm hình cây trái 4 mùa Xuân - Hạ - Thu - Đông; cụm C - 12 lăng mộ Họ Huỳnh quy tụ khoảnh rộng 1ha, với kiến trúc chạm đá non nước tinh xảo và đáng khâm phục tới hàng trăm phù điêu trên khung, văn trang điểm diềm bia, chân cột, mui luyện và đắp nổi trái thờ  v.v…

4. NHẬN XÉT CHUNG

1 Chúng ta đã biết rằng, ở Nam Bộ, mộ hợp chất mật tập trong những vùng đông dân sầm uất nhất, xưa cũng như nay và bảo tồn khá đủ đặc trưng truyền thống Việt về cấu trúc loại hình từ nghĩa địa chung đến kết cấu mộ phần, chế tạo quan tài và các thủ pháp bảo tồn thi thể chính. Đến nay, chúng ta cũng đã khảo sát - khai đào hàng ngàn di tích dạng này ở TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu v.v. Đó là những nguồn liệu Nam Bộ đặc sắc và có giá trong công cuộc khảo cứu lịch sử - văn hoá- xã hội - tín ngưỡng cư dân Việt vùng Đất rừng Phương Namcủa Tổ Quốc chúng ta hiện nay. Cũng như ở các Cố Cung Thăng Long và Huế, những quần thể lăng mộ bằng hợp chất được kiến tạo nhằm thỏa mãn ước nguyện muốn vĩnh hằng mồ yên, mả đẹp trong quan - quách của tầng lớp thượng lưu trong xã hội đương thời, là quy định đặc quyền của riêng hoàng tộc Nguyễn và cận thần ở Nam Bộ, cùng các quan gia danh tướng đại thần từng cai quản miền này, các thủ lãnh địa phương, những dòng tộc đại gia và chúa đất có vai vế nhất ở từng vùng (Thánh địa Hoàng gia Nguyễn từ Minh Mạng đến Thành Thái ở Long Hưng (Gò Công); mộ phần các dòng họ Phạm, Huỳnh, Dương, Võ, Nguyễn, Lê, Trần  ở Gò Công Tây (Tiền Giang); giống như  khu mộ gia tộc Mạc ở Hà Tiên; lăng danh tướng Thoại Ngọc Hầu ở Núi Sam (Châu Đốc - An Giang); lăng mộ Quận công Nguyễn Huỳnh Đức ở Tân An (Long An), của Tả quân Lê Văn Duyệt và người em trai Chưởng cơ ở Phú Nhuận; các lăng mộ Phò mã Võ Tánh; Oâng Bà Chiểu, Thoại Ngọc Hầu, Trương Tấn Bửu, Quan Nhất Nguyễn Văn Học; Phó Tổng trấn thành Gia Định Huỳnh Công Lý, Tả Tham tri bộ binh Phạm Lượng và mộ phần các dòng họ Tạ, Hồ, Trần, Phạm, Huỳnh vùng Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh) v.v. Ngoài những đặc trưng chung của táng tục truyền thống kiểu này, mộ hợp chất Nam Bộ có không ít chi tiết khác biệt ở từng tiểu vùng, từ  vật liệu và kỹ thuật xây dựng, quy mô và kết cấu công trình phần chìm-phần nổi, đến kỹ thuật làm quan, ướp xác và cả tùy táng phẩm chôn kèm theo người mất. Nhìn chung, mộ hợp chất Nam Bộ kiến tạo rất công phu, dày công và tốn kém, quy mô rất đồ sộ, với kích cỡ và tiểu tiết các quy trình xây dựng ít thấy ở miền Bắc. Ví như, người Nam Bộ xưa phá thông lệ: luyện đúc thành hộc huyệt hình khối chữ nhật rỗng (đáy nền có hay không bao kín) bằng hợp chất, để áo quan sâu xuống dưới (đáy lót gạch hay tro, cát), phía trên lèn cát và các vật liệu khác, rồi lại đổ hợp chất thành mui luyện bao kín; hay tìm danh mộc trong rừng nguyên sinh bản địa, kiểu gỗ trai thớ dầy chắc ít bị nứt nẻ và các loại gỗ ngoại hạng khác, cũng hiếm quý nhưng không chứa nhựa thơm như san mộc miền Bắc. Các áo quan Nam Bộ thường lớn, vì ván thiên tạo thành vòm, được khắc gỗ dày đặc, trang trí rất cầu kỳ. Đương nhiên, vì nhiều lý do tạo nên những nhân tố khách quan dẫn đến việc phân huỷ - bị đào phá xâm phạm, khí hậu nắng nóng mưa nhiều, chất lượng nguyên liệu và kỹ thuật xây dựng chưa chuẩn, đến chất liệu quan tài và thủ pháp ướp xác chưa cao tay (không có được chất dầu thơm đặc thù Bắc thấm đẫm các thi hài và đồ khâm liệm) ở Nam Bộ , rất hiếm các thi hài và tùy táng hữu cơ còn bảo tồn nguyên vẹn như các di tích phía Bắc. Trong không ít công trình nơi đây, khi mui luyện và vỏ quách bị xâm phạm do các nguyên nhân chủ quan và cả do chất lượng hợp chất cùng kỹ thuật xây dựng không như ý, áo quan (và cả thi hài hay tuỳ táng phẩm) thường bị hủy hoại nhiều; ngoại trừ hiện kim và di vật vô cơ giúp nhiều cho các nhà khai quật đoán định về thân thế chủ nhân và niên biểu công trình.

2 Về khung tuổi chung, chúng không thật cổ kính, chỉ thường thấy niên đại muộn, phổ cập trong 2 thế kỷ 18 - 19. Đây cũng chính là thời đoạn lịch sử  mà các thế lực phong kiến Nguyễn dần củng cố thế lực và và bình ổn địa cuộc trên những vùng đất mới, ở Gia Định đã có đông người Việt đến làm ăn sinh sống (với ước định khoảng 150.000 - 300.000 nhân khẩu). Vào thủa ấy, người Hoa cũng đã nhập cư không ít ở Đồng Nai, Mỹ Tho và Hà Tiên. Chúa Nguyễn đã cho lập khá nhiều dinh - đạo - trấn; Ví như, Dinh Trấn Biên, Phiên Trấn Lâm Hồ, Hà Tiên Trấn, cùng các Đạo Tân Châu, Châu Đốc, Kiên Giang, Long Xuyên, Đôn Khẩu, Trường Đồn v.v. Cùng với các sự nghiệp lao động vĩ đại của cư dân Việt gốc Bắc và gốc Trung (và về sau thêm cả những người Việt gốc Hoa) khai phá mở rộng đất canh tác, kiến lập xóm làng, chợ búa, xây dựng đình chùa miếu mạo hình thành các dòng họ lớn từng lãnh địa, thể loại mộ hợp chất theo đó mà phổ biến ở nhiều vùng của Nam Bộ (Việt Nam).

3 -Trong khung cảnh Nam Bộ chung, các quần thể lăng mộ hợp chất Tiền Giang thường kiến tạo trên vùng khí hận nóng ẩm và nhiều mưa ở Cái Bè và Gò Công, với hàng chục di tích mang hình hài Thánh địa có quy mô vào loại lớn của nước ta  bao gồm mọi tinh hoa kiến trúc mộ táng như chất liệu hợp chất, gạch và đá, mỗi vật liệu xây dựng đều có sự chọn lựa, chạm khắc chu đáo, cùng không ít trụ đài sen tả thực và cách điệu, hàng trăm phù điêu, tượng và tranh khắc đá tinh xảo không chỉ minh hoạ các tích cổ Trung Hoa (Bá Nha Tử Kỳ, Lã Vọng câu cá), mà còn đặc tả về thiên nhiên và con người bản địa - thể hiện về hoa trái 4 mùa Nam Bộ (lê, lựu, táo, mãng cầu, xoài, khế, đu đủ, măng cụt, thanh long .), về nhiều con vật gần gũi với con người, cùng nhiều hoạ cảnh đời sống Nam Bộ thủa đương thời (nhà nho uống trà, thi cử, chơi cờ, đốn củi, chăn dê, săn nai, vịt lội ao sen ) (Đỗ Đình Truật - Lê Aùi Siêm - Dương Hùng Dũng - Nguyễn Mạnh Thắng, 1997; Lê Aùi Siêm, 1997; Phạm Đức Mạnh - Phan Thanh Toàn, 2002). Về cách thức mai táng, người Cái Bè xưa chế tạo áo quan quách gỗ bao ngoài bằng danh mộc. Quách gỗ do mộng con cá ghép với nhau, không có định sắt, có 6 riềng ván xẻ ghép úp tròn hình bầu dục ở trên. Ở đầu 2 vách gỗ là 2  bức khắc phù điêu có hình chim phụng, chân là 1 đóa sen có lá và gốc rễ. Aùo quan có cấu tạo 2 đáy: đáy trên - nơi đặt thi thể - có lỗ thủng nhỏ, đáy dưới có đọng thủy ngân, dược liệu và gần 50kg hạt giống cà phêù (?). Trong quan, thi thể chủ nhân được phủ chiếu cói và các lớp khâm liệm, gấm, vải xó và giấy bản, bị hư nát nhiều do ngâm trong nước. Di cốt còn 1 sọ và đủ xương tay, chân, sườn, trụ, cột sống, chậu, bộ răng bị long ra ngoài 3 chiếc, mặt răng mòn trơn láng - có thể chủ nhân thọ khoảng 70 - 80 tuổi (?) và là nhà sư có học thức (vì có mực tàu, bút lông và mũ ni). Ở ngôi mộ MC3-CB-9/94 có huyệt sâu gần 1,4m, khi đào qua lớp cát dầy 20 - 30cm là gặp quách chứa áo quan. Mở nắp quách, nắp quan phủ 1 lá triện song chữ viết đã bị mục. Aùo quan sơn dầy, trét kín lớp dầu trai và, dù trong áo quan bị thấm nước, di cốt nguyên hộp sọ và xương cơ thể, với chiều cao 1,5m, răng rụng mất vài chiếc với độ mòn vừa phải, có thể chủ nhân thọ khoảng 60 - 65 tuổi, có chôn kèm vải, lụa, gấm, giấy dó nguyên bản, 1 bút lông cán trúc, 1 ống xoáy trầu. Niên đại các mộ có thể khoảng hơn 200 năm cách nay (Đỗ Đình Truật - Lê Aùi Siêm - Dương Hùng Dũng - Nguyễn Mạnh Thắng, 1977; Phạm Đức Mạnh - Phan Thanh Toàn, 2002).

4 Các mộ mới biết gần đây nhất ở Hoà Hiệp - Hoà Khánh góp thêm vào danh mục Loại hình Cái Bè của Nam Bộ. Về cấu trúc phần nổi, kỹ thuật xây cất và chất liệu hợp chất, chúng cơ bản gần gũi với di tích Mỹ Đức Đông và đơn sơ hơn các di tích ở thị trấn Cái Bè. Chúng cũng có nhiều bức diềm trang trí chạm nổi cầu kỳ và sinh động, với không ít họa tiết mang dáng dấp của nghệ thuật  chạm trổ và đắp nổi Gò Công trên thân lăng mộ Hoàng Gia (văn mây, hình trái cây và hoa lá, các chi tiết chạm trên thân rồng và hổ), ở đường viền và mặt sau bia mộ Dương Thị Hương cùng sưu tập phù điêu trong quần thể mộ Họ Huỳnh (cỏ cây và chim thú). Dù khuyết danh vì văn bia, bài vị bị hủy, ngôi mộ Hòa Hiệp khẩu truyền là mộ Thành Hoàng thôn An Bình là Oâng Nam-Bà Nam, gắn liền với ngôi đình cạnh đó còn lưu giữ sắc thần phong cho An Bình bảo an Thành hoàng chi thần ngày 27 tháng11 năm Thiệu Trị thứ năm, được nhà nghiên cứu Hán-Nôm Cao Tự Thanh phiên âm và dịch nghĩa là: Sắc An Bình bảo an Thành hoàng chi thần, hộ quốc ý dân nẫm trứ linh ứng. Minh Mạng nhị thập nhất niên trị ngã Thánh tổ Nhân hoàng đế ngũ tuần đại khánh tiết, khâm phụng bảo chiếu đàm ân, lễ long đăng trật. Tứ kim phỉ ưng cảnh mệnh, miến niệm thần hưu, khả gia tặng bảo an chánh trực chi thần, nhưng chuẩn Kiến Phong huyện An Bình Tây thôn y cựu phụng sự. Thần kỳ tướng hựu bảo ngã lê dân. Khâm tai! Thiệu Trị ngũ niên thập nhất nguyệt nhị thập thất nhật. Sắc mệnh chi bảo (ấn) (Sắc: Thành hoàng bảo an thôn An Bình, giúp nước cứu dân từng nhiều lần hiển hiện linh ứng. Năm Minh Mạng thứ 21 gặp ngày lễ lớn mừng thọ 50 tuổi của Thánh tổ Nhân hoàng đế ta, kính phụng lời chiếu ban ơn, đã làm lễ nâng bậc. Ta nay vâng theo mệnh sáng của trời, nghĩ nhớ đức tốt của thần, tặng thêm là vị thần Bảo an chánh trực, vẫn chuẩn cho thôn An Bình Tây, huyện Kiến Phong thờ phụng như cũ. Thần thì phải giúp đỡ để bảo vệ cho dân đen của ta. Kính đấy! Ngày 27 tháng 11 năm Thiệu Trị thứ năm (27-12-1845). (có đóng ấn: Sắc mệnh chi bảo) (Phạm Đức Mạnh - Phan Thanh Toàn, 2002).

5 - Hiện nay, trong công cuộc khẩn trương đổi mới đất nước bằng sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá ở Thành phố Hồ Chí Minh và Nam Bộ, các di tích mộ hợp chất cùng nhiều di tích lịch sử - văn hoá - nghệ thuật có giá của tiền nhân trong những vùng trọng điểm xây dựng khu công nghiệp và đô thị mới cấp thiết cần khảo sát tiềm năng - nghiên cứu để định hướng bảo tồn và khai thác di sản quý bằng những chương trình liên ngành khoa học lớn, có tính hệ thống và pháp quy. Bởi chúng là những bằng cớ cụ thể và sinh động bậc nhất, là tiếng nói trực tiếp của dĩ vãng, là mực hoạ diện mạo quá khứ  lịch sử văn hoá vật chất - tinh thần - tư duy cổ nhân trên mảnh đất này. Chúng là dạng di sản văn hoá - lịch sử chứa đựng nhiều thông tin khoa học hữu ích cho sự nghiệp phục dựng cả thời đoạn lịch sử quan trọng của đất nước ta, của sự hình thành bản sắc và bản lĩnh lao động sáng tạo văn hoá riêng của cư dân Việt  - lực lượng mật tập đông đảo nhất là trung tâm liên kết và cuốn hút nhiều cộng đồng tộc người khác chung vai sát cánh khai phá và chế ngự thiên nhiên nơi vùng Đất mới Biên Hòa - Gia Định - Định Tường và đồng bằng sông Cửu Long trong những thế kỷ sống động gần đây nhất. Và, bên cạnh các hình loại di tích Khảo cổ học lịch sử khác (đình, chùa, miếu, mạo, thành quách, bến cảng, chợ búa, nhà cửa, làng - phường thủ công cổ truyền, thuyền bè và thần công nơi chiến trường xưa v.v.), loại hình di tích mộ hợp chất Tiền Giang và Nam Bộ cũng góp phần cung ứng nhiều điều cho công cuộc phục sử Việt trong sự nghiệp khơi dậy mọi sức mạnh văn hoá truyền thống Đại Việt để kiến tạo văn minh mang thêm sắc tháiBiên Hòa - Gia Định - Định Tường mới - diễn trình lao động đầy bản lĩnh biên hùng mà thông minh, gian lao mà anh dũng của nhiều thế hệ lưu dân tiên phong hướng về vùng mở nước sau cùng của Tổ Quốc Việt Nam ngày nay - Hướng về Nam 

TÀI LIỆU DẪN

Ban Quản lý di tích lịch sử - danh thắng Quảng Trị, 2000. Thành cổ Quảng Trị.
ĐỖ ĐÌNH TRUẬT - LÊ ÁI SIÊM - DƯƠNG HÙNG DŨNG - NGUYỄN MẠNH THẮNG, 1997. Điều tra và khai quật khảo cổ học ở Tiền Giang - MSVĐKCHOMNVN, Hà Nội, 522-527.
HOLBÉ, T.V., 1889. Station préhistorique de Mỹ Lộc (province de Biên Hòa, Sud Vietnam) - L'Homme revue francaise d'Anthropologie, 12:108-112, Paris.
LÊ XUÂN DIỆM - ĐỖ ĐÌNH TRUẬT, 1977. Khai quật mộ Vườn Chuối (Thành phố Hồ Chí Minh) - KCH, số 4: 84-89.
LOOF-WISSOWA, H., 1981. Tiền sử và sơ sử Đông Nam Á - Khảo cổ học, số 1:73-77.
MAI VĂN HẬU - KIM SA RAI, 2002.Kết quả điền dã di chỉ khảo cổ Rạch Lá (Đồng Nai) 2002-Khóa luận thực tập 4-2002.
NGUYỄN TUYẾT TRINH, 2001. Thánh địa Mỹ Sơn, một số vấn đề cần quan tâm - Xã hội Nhân Văn, TĐHKHXH&NVTPHCM, số 4:11-12.
PHẠM ĐỨC MẠNH, 1977. Điều tra Gò Đá (Sông Bé) - Khảo cổ học, số 4:22-28; 1986. Đồ gốm ở Suối Linh - Những phát hiện mới về khảo cổ học 1986: 205-209; 1997. Kết quả khảo sát bề mặt Khu quy hoạch xây dựng quần thể công trình lịch sử - văn hóa dân tộc (Long Bình - Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) - Một số vấn đề Khảo cổ học ở Miền Nam Việt Nam, NXB KHXH, Hà Nội: 579-587; 2001. Đằng sau Lý lịch di vật cổ - Xã hội Nhân văn, TĐHKHXH&NVTPHCM, số 3:4-5.
PHẠM ĐỨC MẠNH - LÊ XUÂN DIỆM, 1996. Khai quật mộ hợp chất Phú Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh) - Khảo cổ học, số 1: 59-73.
PHẠM ĐỨC MẠNH - PHAN THANH TOÀN, 2002a. Khảo sát các quần thể mộ cổ ở Tiền Giang - Xã hội Nhân Văn, số 5 : 12-13.
PHẠM NGỌC THẢO, 2002. Cảm nghĩ sau một chuyến đi - Xã hội Nhân văn, số 6:20-23.
PHẠM QUANG SƠN - LÊ CÔNG TÂM, 1986. Khai quật di tích Suối Linh (Đồng Nai) - Những phát hiện mới về khảo cổ học 1986: 218-221.
TRẦN QUỐC VƯỢNG - PHẠM ĐỨC MẠNH - CTV, 1996. Trở lại Cái Vạn (Đồng Nai) - Những phát hiện mới về khảo cổ học 1996: 110-124.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét