An Dương Vương và cuộc rút lui
(PL&XH) - Theo tục lệ của người dân, cũng như căn cứ vào sử sách, thì Đền Cuông (huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An) là nơi chôn cất và thờ An Dương Vương. Ngôi đền này như những câu chuyện thế sự trùng lặp đến kỳ lạ.
Truyền thuyết kể rằng, khi bị Triệu Đà dàn kế cướp đi nỏ thần, An Dương Vương đã cùng con gái là Mỵ Châu phi ngựa về phương Nam.
Cái giá của sự chủ quan
Năm 257 trước CN, Thục Phán, thủ lĩnh người Âu Việt hợp nhất Văn Lang vào đất nước mình, gọi tên nước là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương, đóng đô ở Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội). Cũng như các triều vua Hùng trước, Thục An Dương Vương không chịu bang giao với nhà Chu (Trung Quốc). Năm 221 trước CN, Tần Thủy Hoàng đánh thắng nhà Chu, lên ngôi Hoàng đế. Đến năm 218, Tần Thủy Hoàng đưa 50 vạn quân chia làm năm đạo dưới quyền tống chỉ huy của danh tướng Đồ Thư, tiến xuống đánh Bách Việt (các bộ tộc ở phương Nam). Các lạc tướng Việt suy tôn Thục An Dương Vương làm thủ lĩnh chung chỉ huy cuộc kháng chiến.
Người Việt thực hiện kháng chiến kéo dài trong vòng 10 năm. Lương thực ngày càng cạn kiệt, thủy thổ không phù hợp, quân Tần đói khổ, ốm đau, mệt mỏi, chán nản… Thục An Dương Vương nhân cơ hội tổ chức phản công giết chết Đồ Thư. Mất tướng chỉ huy, quân Tần như rắn mất đầu tháo chạy về nước. Sau chiến thắng đó, An Dương Vương được tôn vinh và sau đó ông xây thành Cổ Loa.
Cổ Loa vừa là một kinh thành, vừa là một căn cứ phòng ngự bộ binh và thủy binh có thể phối hợp nhịp nhàng, vừa là căn cứ xuất phát tấn công. Một công trình kiến trúc quy mô lớn, dựa theo địa hình, lấy một khúc sông làm hào, lấy gò đất cao đắp thêm thành lũy. Truyền thuyết kể rằng, An Dương Vương xây được thành Cổ Loa là nhờ có thần Kim Quy giúp. Sau khi hoàn thành, thần còn ban cho vua cái móng, để làm vũ khí phòng khi kẻ thù xâm lược. Sau này, Cao Lỗ chế ra nỏ thần, bắn một phát chết hàng loạt quân địch. Ông còn chế mũi tên đồng, huấn luyện cho hàng vạn quân lính sử dụng.
Vào cuối đời Tần, Triệu Đà gốc Hán chiếm cứ Uất Lâm (Quý Huyện – Quảng Tây), Nam Hải (Quảng Châu – Quảng Tây), Tượng Quận (Quảng Tây), lập nước Nam Việt, xưng vương đóng đô ở Phiên Ngung. Triệu Đà mấy lần đem quân sang đánh Âu Lạc nhưng đều bị thất bại nên lập kế cầu hòa. Thục An Dương Vương không những chấp nhận mà sau đó còn gả con gái Mỵ Châu cho Trọng Thủy, con trai Triệu Đà. Trong việc này, Cao Lỗ có can ngăn, nhưng An Dương Vương không nghe mà còn xử tệ. Cao Lỗ sau đó bỏ ra khỏi thành. Trọng Thủy ở trong cung đánh cắp lẫy nỏ thần về báo vua cha. Triệu Đà cất quân đánh, quân Thục thua to. An Dương Vương lên ngựa cho Mỵ Châu ngồi sau chạy vào Nghệ An.
Lần theo những truyền thuyết
Thành Cổ loa
Thục An Dương Vương đóng đô ở Cổ Loa, nhưng con cả thì lại vào trấn thủ ở xứ Nghệ. Hoàng tử xây thành ở miền núi phía Tây, nay là huyện Quỳ Châu (Nghệ An). Nhờ uy danh của vua Thục, các chúa Mường đều nhất nhất tuân lệnh Hoàng tử, huy động người dân ngày đêm xây thành đắp lũy. Cũng bởi vì có người nhà, nên khi bị Triệu Đà xâm lược và cướp nước, An Dương Vương đã cùng con gái thẳng tiến về xứ Nghệ với ý đồ tập hợp lại lực lượng, hy vọng sẽ có ngày đem quân trở lại phía Bắc. Xung quanh câu chuyện này, có không ít truyền thuyết gắn với những địa danh tồn tại cho đến tận bây giờ.
Theo truyền thuyết, huyện Diễn Châu (tỉnhNghệ An) là nơi lưu truyền vô số các ảnh xạ của truyền thuyết về An Dương Vương. Nơi đây, vị vua này đã kết thúc sự nghiệp hào hùng của mình, nhưng hào quang về sự nghiệp ấy, về con người ấy và ngay cả dư chấn của nỗi uất hận ngàn thu về sự cả tin để “Nỏ thần vô ý trao tay giặc - Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu” (thơ Tố Hữu) vẫn còn vọng mãi muôn đời sau. Đọc lại những mẩu truyện trong dòng truyền thuyết An Dương Vương, có thể thấy rõ đoạn kết là cao trào của bi kịch mất nước, cũng là điểm thắt nút của bi kịch tình yêu. Có lẽ bởi là nơi diễn ra hồi kết nghiệt ngã của cuộc đời những nhân vật lịch sử (mà trước hết cũng là những con người cụ thể, có tình yêu, có niềm kỳ vọng và có cả những khờ khạo, ngây thơ…) cho nên huyện Diễn Châu (Nghệ An) trở thành một địa danh tỏa phát nhiều ảnh xạ về truyền thuyết An Dương Vương, tiếp nối mạch truyền thuyết này từ địa danh Hòa An (Cao Bằng) và Cổ Loa (Đông Anh, Hà Nội).
Về sự ra đi của An Dương Vương, nhân dân nơi đây kể rằng: vị vua này cùng công chúa Mỵ Châu mải miết phóng ngựa thật nhanh qua xứ Thanh đi về phía đất Nghệ. Một cơn gió ngược chiều thổi mạnh đã làm rơi chiếc mũ của bậc đế vương. Công chúa Mỵ Châu bèn lấy khăn của mình trùm lên đầu cho phụ vương. Ngựa dừng chân ở đỉnh một quả đồi thấp và dài nối liền hai dãy núi: dãy Đại Hải và dãy Đại Vạc. Hai dãy núi này tạo thành một eo biển. Tưởng đây là đất dừng chân, nào ngờ, tiếng vó ngựa quân Triệu Đà đã thấy dồn dập phía sau lưng. Bỗng nhiên, An Dương Vương thấy từ phía chân núi có một cụ già đi tới. Vua than thở: “Sao ta chạy đến đâu giặc cũng dò được đường đuổi theo ta?” Cụ già đáp: “Thưa bệ hạ, vì giặc ở ngay sau lưng bệ hạ đó thôi!”. An Dương Vương rút kiếm, ngoảnh đầu nhìn Mị Châu.
Mặc nàng khóc lóc, thề nguyền, ông chém đầu Mỵ Châu rồi men theo chân dãy Đại Hải, đến một quả núi cuối cùng thì thấy ba mặt đều là biển cả mênh mông, sóng cồn dữ dội. Gió từ ngoài khơi thổi vào hất tung chiếc khăn trên đầu Thục An Dương Vương và trùm lên đỉnh ngọn núi. An Dương Vương cùng đường, ngửa mặt lên trời mà than: “Cơ đồ của ta đến đây là hết!”. Nói đoạn, nhà vua gieo mình xuống biển. Về sau, quả núi đó được nhân dân đặt tên là núi Đầu Cân (nghĩa là cái khăn bịt đầu), nay thuộc ranh giới 2 huyện Diễn Châu và Nghi Lộc của tỉnh Nghệ An. Dân làng cũng lập một miếu nhỏ thờ Thục An Dương Vương dưới chân núi.
Ẩn hiện bóng dáng vị vua huyền thoại...
Trong truyền thuyết dân gian, phía đông núi Mộ Dạ, có một tảng đá tròn với những màu sắc rất kỳ lạ. Tảng đá có những hạt màu đỏ, vàng, đen, trắng xen kẽ nhau trông như những hạt gạo. Dân gian gọi đó là tảng đá gạo. Bằng niềm tin mãnh liệt vào câu chuyện Thục An Dương Vương từng lưu bóng trên mảnh đất quê hương mình, người dân Diễn Châu cho rằng, tảng đá gạo là dấu vết của số gạo nuôi quân của An Dương Vương.
Tục lệ cúng tế ở Nghệ An còn in dấu vết của truyền thuyết An Dương Vương. Nhân dân ta thường dùng vàng mã trong cỗ bàn cúng tế. Vàng mã có loại là những tờ giấy gió hình vuông, ở giữa quét nhũ vàng hay nhũ bạc cũng hình vuông, gọi là vàng giấy. Người dân xứ Nghệ còn có loại vàng vó, làm bằng nan tre gập lại thành khối vuông, dán giấy vàng hay đỏ ghép xen kẽ nhau. Mỗi khối là một thỏi.
Năm mươi thỏi ghép lại thành hình một khối chữ nhật gọi là một thớt. Tương truyền rằng, quân tướng của Thục An Dương Vương hộ tống nhà vua vào đến đây, sau khi vua chết, họ ở lại và truyền nghề làm vàng vó cho dân. Ngày nay, ở một số vùng, các phường hội làm vàng vó cúng tổ sư là: “Thục An Dương Vương chi Quân tướng” (nghĩa là: quân tướng của vua Thục An Dương Vương). Khi tìm hiểu rộng ra ở miền Bắc, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng, phần lớn các tỉnh miền Bắc chỉ làm vàng giấy, riêng ở Cổ Loa thì có tục làm vàng vó.
Như vậy, có thể thấy, dòng truyền thuyết về An Dương Vương trên mảnh đất Nghệ An đã thu hút vào nó không chỉ những câu chuyện về các nhân vật chính trong truyền thuyết mà ngay cả những mẩu chuyện về vết tích quân tướng của vua Thục lưu lại nơi đây. Đó có thể là chuyện về một hiện vật kỳ lạ (như chuyện tảng đá gạo), hoặc là chuyện về một phong tục, một nghề nghiệp như câu chuyện vàng vó. Niềm tin về sự hiện diện của Thục Phán An Dương Vương trên quê hương mình thuở xa xưa đã ăn sâu vào tâm khảm những người dân xứ Nghệ. Dù là chuyện làm ăn, dù là chuyện phong tục, dù là để lý giải những hiện tượng kỳ lạ của tự nhiên, họ đều nhìn thấy ẩn hiện phía sau là bóng dáng vị vua huyền thoại ấy...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét