GS Lê Văn Lan
Kỳ 1: Bản hùng ca ở thế kỷ thứ nhất
QĐND - “Bản anh hùng ca ngắn ngủi”- đó là lời Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Khánh Toàn, chủ biên bộ quốc sử chính thức của thời kỳ kháng chiến chống Mỹ “Lịch sử Việt Nam” nói về phong trào đấu tranh do Hai Bà Trưng lãnh đạo, diễn ra từ mùa xuân năm Canh Tý 40 đến mùa đông năm Quý Mão 43.
Đúng là “ngắn ngủi”, vì cộng thêm cả năm Kỷ Hợi 39 với những diễn biến của lịch sử trực tiếp dẫn đến sự bùng nổ của phong trào vào mùa xuân năm Canh Tý 40 và cộng thêm cả năm Giáp Thìn 44 là thời gian hung tướng Mã Viện sau khi dìm phong trào đấu tranh của Hai Bà Trưng vào biển máu còn nán lại nước Việt để xử lý các vấn đề hậu chiến, thì tất cả cũng chỉ có 6 năm.
Nhưng đây rõ ràng là những năm tháng đầy ắp các sự kiện trọng đại, những ý nghĩa lớn lao, những bài học quý giá, mà sự hiểu biết và lưu truyền thì lại có nhiều mờ tỏ hoặc bất cập.
Cho nên dưới đây chúng ta sẽ bàn bạc mấy điều-chủ yếu là về phương diện quân sự học-nhân dịp ngày 8-3 mà hằng năm vẫn thường được kết hợp kỷ niệm luôn “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”.
Chính thuật ngữ “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng” này đang được sử dụng chính thức trong nhiều dịp lễ nghi, nhiều văn bản, thậm chí sách giáo khoa… là điều cần được “chính danh” đầu tiên.
Bởi vì phong trào đấu tranh do Hai Bà Trưng lãnh đạo, không chỉ là một “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng”! Lịch sử phong trào này cho dù 4 hoặc 6 năm thì cũng đã diễn ra, với cấu trúc và theo trình tự:
1. Khởi nghĩa - mùa xuân năm 40; 2. Xây dựng quốc gia độc lập năm 41 và 42; 3. Kháng chiến năm 43. Vì thế, gọi cả phong trào đấu tranh do Hai Bà Trưng lãnh đạo, bằng thuật ngữ “Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng” là đã-về mặt quân sự học-“bỏ qua” mất một thành phần hữu cơ trong cấu trúc và một công trình lớn lao trong sự nghiệp của phong trào đấu tranh do Hai Bà lãnh đạo. Tức thị, cho dù có thể là muốn “nói gọn”, “gọi tắt”, thì cũng là gọi thiếu và do đó: Gọi sai sự thực và giá trị lịch sử của phong trào.
Vì thế, tiếp theo việc xác định tên gọi ta sẽ bàn trước mấy điều về cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, với vị thế lịch sử là bước khởi đầu (bùng nổ) của phong trào. Sau đó vì những năm tháng xây dựng quốc gia độc lập của Hai Bà, không nhiều vấn đề quân sự học, nên ta sẽ bàn tiếp ngay mấy điều về cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo, với vị thế là sự kết thúc vẻ vang, oanh liệt của phong trào.
Kỳ 2: Mấy vấn đề về cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo
Sử liệu xuất hiện gần nhất với thời gian khởi nghĩa các sách: “Hậu Hán thư”, “Thủy Kinh chú” (thế kỷ 5, 6) của Trung Quốc nói niên đại bùng nổ cuộc khởi nghĩa là: Giữa mùa xuân năm Canh Tý (40 sau Công nguyên). Vì thế, các bộ chính sử của ta như “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” (xuất hiện muộn hơn vào các thế kỷ 15, 19)-mới chép niên đại đó, cụ thể là: Tháng hai (âm lịch) năm 40. Và xuất phát từ “sự kiện Mê Linh-Chu Diên”.
Lễ rước tượng voi chiến từ đình làng Hạ Lôi tới Đền thờ Hai Bà Trưng (Mê Linh, Hà Nội). Ãnh: Tuấn Tú. |
+ Mê Linh: Còn được chép vào sử cũ bằng những ký tự na ná: “My Linh”, “Ma Linh”… Rõ ràng đó là những từ phiên âm Hán-Việt của một từ ngữ Việt Cổ, phát âm gần như “M’ling” và ngữ nghĩa thì có thể là tên một loài chim thiêng, “vật tổ” của cộng đồng cư dân và đất đai xa xưa ở giữa hai triền núi Ba Vì và Tam Đảo-trung tâm “Văn Lang” của đất nước từ thời Hùng Vương.
Còn Chu Diên là từ dịch nghĩa Hán-Việt của “diều hâu đỏ” trong tiếng (chữ) Nôm, là địa danh của miền đất dọc sông Hồng (sông Cái) và sông Đáy (sông Hát), kề cận mạn nam Mê Linh (ở Hạ Mỗ, thuộc huyện Đan Phượng “phượng hoàng đỏ”, gần nghĩa với “diều hâu đỏ”)-quê hương Thái úy Tô Hiến Thành, trên bờ sông Đáy (nay ở Tây Bắc trung tâm Hà Nội)-có “thành cổ Ô Diên”, cũng mang ngữ nghĩa là “diều hâu” (diên) nhưng là “đen” (ô) như vậy).
Hai Bà Trưng là dòng dõi của lạc tướng (người đứng đầu một “bộ” hoặc “bộ lạc” ở thời Hùng Vương) Mê Linh. Thi Sách là con trai lạc tướng Chu Diên. Cuộc hôn nhân Trưng Trắc-Thi Sách, theo hình thức phong tục mà khoa dân tộc học gọi là “hôn nhân vọng môn cư” (vợ chồng lấy nhau, nhưng vẫn người nào ở lại tại nhà người nấy một thời gian). Tàn dư từ thời “mẫu hệ” chuyển sang thời “phụ hệ”, cho đến đầu thế kỷ 20 vẫn thấy còn trong phong tục hôn nhân ở nhiều làng trung du và Đồng bằng Bắc Bộ, trong đó có Đình Bảng-Bắc Ninh. Thực chất chính là một cuộc liên minh thế lực giữa hai miền đất và người ở trung tâm đồng bằng châu thổ sông Hồng-“Cái nôi của dân tộc Việt”, để tạo ra nguồn lực trọng yếu và chủ yếu của cuộc khởi nghĩa. Thái thú Tô Định của nhà Hán đô hộ nhận ra nguy cơ từ cuộc liên minh đó, nhưng vì chưa dám động đến “đất chủ” Mê Linh nên đã giết Thi Sách để bẻ gãy “vây cánh” của liên minh. Do đó, tạo “cớ” cho cái “nguyên” của sự bùng nổ cuộc khởi nghĩa mà 4 “Lời thề sông Hát” của Hai Bà Trưng (xin xem lại Sự kiện và Nhân chứng số 1-2012) đã nói rõ ở lễ xuất quân tại Hát Môn.
+ Hát Môn: Là “Cửa (sông) Hát” (tức sông Đáy), chỗ dòng sông này giao nước với sông Hồng, nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội. Đây chính là điểm tiếp giáp giữa hai miền Mê Linh và Chu Diên xưa. Chọn nơi này làm chỗ tập kết lực lượng và cử hành lễ ra quân đánh giặc-như các sử liệu cũ đều thống nhất nói, là chọn đúng địa bàn biểu tượng (tượng trưng) cho sự liên kết Mê Linh-Chu Diên. Đấy là nói về mặt chính trị. Còn về mặt quân sự thì chỗ ngã ba của hai dòng sông huyết mạch này chính là một đầu mối chiến lược rất thuận cho mọi hướng đi-về, dồn quân và ra quân. Đặc biệt, nếu nhằm vào đầu não giặc ở Liên Lâu mà tiến công thì Hát Môn là căn cứ xuất phát lý tưởng nhất của quân ta.
+ Liên Lâu: Còn được ghi vào sử cũ bằng những ký tự: “Ly Lâu”, “Luy Lâu”… Đây là những từ phiên âm Hán-Việt, của một tiếng Việt cổ đa âm tiết, mà về sau được “đơn âm tiết hóa”, thì thành (nói gọn) là: “Dâu”. Với ngữ nghĩa có thể là: Tên của một miền đất đai và cộng đồng cư dân, từ thời Hùng Vương, đã lấy cây dâu (nuôi tằm) làm nghề nghiệp và biểu tượng. Hiện vẫn đang còn các thực thể và tên gọi: Chùa Dâu, sông Dâu… ở miền này (Thuận Thành, Bắc Ninh). Nhà Hán xâm lược đã lấy nơi đây làm đầu não cai trị, không chỉ là của một “quận” trung tâm tên là Giao Chỉ, với chức Thái thú đứng đầu, mà còn là của cả một “châu”-Giao Châu, gồm nhiều “quận” hợp thành: Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam (trên đất Việt Nam bây giờ) và Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố (ở Hoa Nam ngày nay), có quan thứ sử cai trị, đóng dinh, xây thành lũy (chính là tòa thành Liên Lâu, vẫn đang còn rõ dấu vết trên thực địa).
Đánh thẳng vào đầu não của giặc và nhanh chóng chiếm thành, đuổi tướng, khiến cho “các thái thú, thứ sử chỉ còn biết lo việc giữ lấy mạng sống”, như lời sử cũ chép là cách đánh biểu hiện khí thế ngất trời của cuộc khởi nghĩa. Đồng thời, đấy cũng là chủ lực thúc đẩy nên hiện tượng kỳ vĩ: “các quận Nam Hải, Hợp Phố… đều hưởng ứng, lấy được đến 65 thành ở Lĩnh Nam” như lời sách “Đại Việt sử ký toàn thư” đã chép.
+ 65 thành ở Lĩnh Nam: Lĩnh Nam là miền đất ở phía nam núi Ngũ Lĩnh. Ngũ Lĩnh là cửa ngõ ra vào miền Hoa Nam (Quảng Đông, Quảng Tây). Thế kỷ 3 trước Công nguyên, nhà Tần đưa 50 vạn quân đi “bình định Bách Việt”, đã đánh qua Ngũ Lĩnh. Thế kỷ 11, danh tướng Lý Thường Kiệt, trong chiến dịch triệt phá các căn cứ chuẩn bị xâm lược nước Việt của nhà Tống ở châu Khâm, châu Liêm và đặc biệt là châu Ung (miền Nam các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây bây giờ) đã đưa quân lên Ngũ Lĩnh, chẹn đánh các đạo quân cứu viện của nhà Tống. Khoảng trước sau Công nguyên, khi nhà Hán lập ra Giao Châu để đô hộ, thì đó chính là miền Lĩnh Nam.
Cuộc khởi nghĩa giữa mùa xuân năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo, có sự hưởng ứng nổi dậy của các quận Nam Hải, Hợp Phố… (bây giờ là miền Nam Quảng Đông, Quảng Tây), lấy (chiếm) được đến 65 thành ở Lĩnh Nam, có nghĩa là đã thắng lợi ở cả trên miền đất phía bắc Giao Châu (phía bắc biên giới Việt-Trung bây giờ). Nhưng 65 thành là những thành nào? Vì hiểu “thành” là “huyện thành” tức: Mỗi “huyện” có một “thành” nên đã có sự thống kê: Quận Nam Hải có 7 huyện nên có 7 thành, Thương Ngô: 11, Uất Lâm: 11, Hợp Phố: 5, Giao Chỉ: 12, Cửu Chân: 5, Nhật Nam: 5, tổng cộng: 56 thành. Do đấy, đã có chủ trương: Con số 65 thành, là do sử cũ viết lộn con số 56 này. Nhưng lại cũng đã có sự hiểu khác về “thành”. Đó chỉ là một vùng (miền) đất! Do vậy, 65 thành ở Lĩnh Nam là 65 đơn vị đất đai ở Quảng Đông, Quảng Tây và miền Bắc, miền Trung Việt Nam ngày nay.
Điều này phản ánh tính rộng khắp (toàn dân) của cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40 do Hai Bà Trưng lãnh đạo. Trong loạt bài trả lời phỏng vấn của nhà báo, nhà sử học Alain Ruscio về cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 45, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có phần giải thích cặn kẽ tính chất toàn dân của cuộc Tổng khởi nghĩa này. Và nói rõ: Đây là công trình có truyền thống từ hàng nghìn năm trước của dân tộc Việt Nam. Chính là truyền thống từ cuộc khởi nghĩa mùa xuân năm 40.
Mấy vấn đề về cuộc kháng chiến năm 43 do Hai Bà Trưng lãnh đạo
QĐND - Hai Bà Trưng chỉ có một thời gian ngắn để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến này. Sách “Đại Nam quốc sử diễn ca”, qua và bằng ngôn ngữ thi ca, nói gọn một câu “Ba năm gánh vác sơn hà”, để chỉ thời gian làm chủ và lo toan việc nước của Hai Bà, trước khi tiến hành cuộc kháng chiến năm 43. Nhưng trên thực tế, trong ba năm ấy, năm 40 đã là thời gian khởi nghĩa; năm 41 và 42 là thời gian xây dựng đời sống tự chủ tự do, bằng biện pháp duy nhất được sử cũ ghi chép là: Xá thuế 2 năm cho dân. Cũng trên thực tế thì, theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”: Ngay từ năm 41, vua Hán Kiến Vũ đã “hạ lệnh sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, chứa thóc lương, cho Mã Viện làm Phục Ba tướng quân, Phù Lạc hầu Lưu Long làm phó, sang xâm lược rồi”.
Tái hiện hình ảnh Hai Bà Trưng tại Lễ hội làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Ảnh: Tuấn Tú |
Lực lượng tái xâm lược của Nhà Hán này – khoảng 2 vạn quân, (để đánh vào một đất nước chưa đầy 1 triệu tổng dân số - là nước ta, lúc bấy giờ), huy động từ các quận thuộc miền Hoa Nam: Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô, cùng với khoảng 2 nghìn thuyền lớn nhỏ - sang đến năm 42, sau khi tập kết ở Hợp Phố (nam Quảng Đông) đã chia hai đường thủy bộ song song ven biển Bái Tử Long – Hạ Long mà vào cõi, theo lối cửa sông Bạch Đằng, đến Lục Đầu Giang, tiến đánh phong trào Hai Bà Trưng.
Cuộc kháng chiến do Hai Bà lãnh đạo, bùng nổ vào năm 43, với ba loạt trận đánh lớn, do hai nữ vương trực tiếp chỉ huy ở: Tây Vu, Lãng Bạc, Kim Khê; và loạt trận cuối cùng do các thủ lĩnh địa phương của phong trào điều hành ở: Cửu Chân.
+ Tây Vu: Đây là tên một miền đất và bộ lạc lớn, từ thời Hùng Vương – An Dương Vương mà trung tâm, chính là Cổ Loa. (Vào năm 1982, đã đào tìm được ở dưới lòng đất, giữa thành Cổ Loa (Đông Anh – Hà Nội), một chiếc trống đồng thuộc nhóm cổ và đẹp nhất, có khắc chữ, trong đó, đọc được 2 chữ “Tây Vu”. Tòa thành Cổ Loa kỳ vĩ này, vào năm 179 trước Công nguyên – cùng với vũ khí “nỏ thần” – đã giúp An Dương Vương đánh bại (những trận đầu) cuộc xâm lược của Triệu Đà từ Phiên Ngung (Quảng Châu) tới, thì nay – đầu năm 43 – chính là cái đích đầu tiên tiến đánh của quân Hán Mã Viện, trên đường chúng từ Lục Đầu Giang nhằm vào, hướng tới “kinh đô” Mê Linh của Hai Bà. Và, một lần nữa – vào đầu năm 43 – thành Cổ Loa lại giúp Hai Bà Trưng làm nên loạt trận đánh phòng ngự ở Tây Vu thành công thắng giặc, mở màn cuộc kháng chiến oanh liệt.
Không đánh hạ được Cổ Loa, Mã Viện phải cho quân lui về Lãng Bạc.
+ Lãng Bạc: Đây là địa danh Hán ngữ, diễn Nôm văn vẻ một chút, thì thành “Bến Sóng”. Vùng đất và nước này, ở về phía đông Tây Vu. Vì thế, không thể coi Lãng Bạc là Hồ Tây (thuộc quận Tây Hồ - Hà Nội ngày nay) – vốn ở mạn tây của Tây Vu – như một số thuyết xưa đã nói. (Vả chăng, về thời gian đầu Công nguyên, chưa có Hồ Tây. Vốn chính là một khúc uốn của sông Cái (sông Hồng), vùng hồ này chỉ được thành lập, khi bị dòng sông Mẹ “bỏ quên” (ở lại tại chỗ) lúc đổi dòng, vào khoảng các thế kỷ 9-10). Do đó, vùng đất và nước trũng ở giữa huyện Tiên Du (Bắc Ninh) bây giờ, mới đúng là Lãng Bạc thời Hai Bà Trưng.
Mã Viện đã từ Tây Vu (Cổ Loa) lui quân về, đóng ở đây. Bấy giờ là mùa hè năm 43. Khổ vì tiến thoái lưỡng nan và vì thời tiết nóng nực, Mã Viện đã phải thốt lên lời than thở được sách “Hậu Hán thư” ghi lại rằng cũng giống như chính con diều hâu lúc ấy đang bay trên đầu, gặp khí nóng bốc lên ngùn ngụt từ vùng đất lầy lội, đã phải sã cánh mà rơi xuống!
Nhưng chính Hai Bà lại đem lực lượng dân binh mới được tập hợp, đến đánh công kiên cấp tập vào đạo quân viễn chinh nhà nghề của Mã Viện, ở đấy, và vào lúc ấy.
Không mong đợi gì hơn, viên tướng lão luyện của nhà Hán – được tháo cởi bế tắc, phát huy hết sở trường – đã đánh một trận kinh hoàng ở Lãng Bạc, tiêu diệt phần lớn lực lượng của Hai Bà.
Tổn thất nặng nề sau trận Lãng Bạc, Hai Bà Trưng phải rút về cố thủ ở Kim Khê.
+ Kim Khê: Đây là địa danh dịch từ tên Nôm sang Hán ngữ của vùng “Suối Vàng”. Dòng suối này, chảy ra từ ngọn Viên Nam – bộ phận phía Nam của núi Tản Viên (Ba Vì), nay ở giữa các huyện Lương Sơn (Hòa Bình) và Thạch Thất – Quốc Oai (Hà Nội). Cho đến gần đây, nhiều người vẫn tìm đến nơi này, đãi vàng sa khoáng.
Đọc (phát âm) theo tiếng Bắc Kinh, “Kim Khê” trở thành “Chin Xi”. Cũng thành “Chim Xi”, là những từ “Cấm Khê”, “Cẩm Khê”. Vì thế, trong nhiều sách vở, thay vì “Kim Khê”, nhiều tác giả đã viết: “Cấm Khê”, “Cẩm Khê”. Chẳng hạn: “Cấm Khê đến lúc hiểm nghèo/ Chị em thất thế phải liều với sông”. Đó là cách nói về chung cuộc của Hai Bà Trưng, ở sách “Đại Nam quốc sử diễn ca”.
Nhưng trên thực địa, không có thực thể nào, mang tên “Cấm Khê” hoặc “Cẩm Khê” mà lại phù hợp với sự “thất thế” của Hai Bà Trưng vào mùa hè năm 43 cả. Chỉ có “Suối Vàng” – Kim Khê. Và, ở đây, cũng không hề có việc “phải liều với sông” (tự trầm) nào của Hai Bà. Thực tế lịch sử không theo tâm thức (tâm lý) cổ truyền của nhân dân, dân tộc: Muốn Hai Bà phải được chết một cách mát mẻ trong dòng sông quê hương – đã diễn ra thật ác nghiệt: Hung tướng Mã Viện đã dẫn đại binh đuổi theo Hai Bà đến tận nơi cố thủ Kim Khê (Suối Vàng). Và đã giết các nữ vương nước Việt ở đấy. Thậm chí theo sách “Hậu Hán thư” – còn chặt đầu những nữ anh hùng lãnh đạo cuộc kháng chiến năm 43, mang về bêu ở kinh đô Lạc Dương của triều Hán.
Cuộc kháng chiến năm 43 của Hai Bà Trưng – bộ phận tổ thành, và ở giai đoạn cuối của cả phong trào đấu tranh dân tộc vô cùng oanh liệt ở thời gian đầu Công nguyên – đến đây đã bị dìm gần hết vào biển máu. Thủ lĩnh Đô Dương ở địa phương Cửu Chân (Thanh Hóa) – với vị thế tàn dư của phong trào – còn đánh những trận cuối cùng vào mùa đông năm 43 nữa. Và Mã Viện cũng còn ở lại đất Việt một năm nữa – sau mùa đông kéo quân vào Cửu Chân tận diệt cuộc kháng chiến của thủ lĩnh Đô Dương để tiếp tục thi thố những thủ đoạn chiến tranh, đô hộ và đồng hóa – cực kỳ thâm độc và bạo tàn nữa.
Nhưng, dù thế nào thì bản anh hùng ca của những năm đầu Công nguyên đấu tranh anh hùng do Hai Bà Trưng lãnh đạo vẫn bất tuyệt mà vang vọng đất trời. Đây là biểu hiện đầu tiên và là minh chứng đặc biệt của tinh thần và truyền thống dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người phát biểu đích xác nhất: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Và, còn nguyên vẹn cả những bài học và kinh nghiệm lịch sử - đắt giá, quý giá – để lại mãi mãi cho đời sau. Nói về thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đây là ý kiến của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (trả lời phỏng vấn của nhà sử học, nhà báo Alan Ruscio): “Cái đó, ở chúng tôi, có gốc rễ từ những sự kiện xưa, vào đầu Công nguyên”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét