Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

THỜI HÙNG VƯƠNG QUA TRUYỀN THUYẾT VÀ HUYỀN THOẠI, Phần 3

CHƯƠNG I 

Phần 1:

Nhưng thật sự không thể giải thích nổi khi:
* Thái Cực thể bản nguyên của vũ trụ lại được phát hiện sau cùng vào thời Khổng Tử (500 năm tr.CN).
* Âm Dương phát hiện vào đầu thời Chu (khoảng 1200 năm tr.CN).
* Cuối cùng theo Lý học Trung Hoa thì hậu quả lại là có cái trước: Bát quái và 64 quẻ được phát hiện vào khoảng 3500 năm tr.CN (Đời vua Phục Hy).
Sau đó vào thời Hán, sách vở sưu tầm được lại nói đến Trâu Diễn với thuyết Âm Dương Ngũ hành (đã trình bày ở trên). Khi thuyết Ngũ hành bắt đầu được phát triển và ứng dụng từ thời Hán Vũ Đế thì: Thái Cực – Âm Dương – Ngũ hành lại được gắn với nhau với sự ứng dụng phổ cập trong nhiều mặt của cuộc sống như: thiên văn, địa lý, y học Đông phương... như một hệ thống vũ trụ quan hoàn chỉnh. Trong khi đó thuyết Ngũ hành tương truyền do vua Đại Vũ phát hiện trước thời nhà Chu, tức là trước khi phát hiện Âm Dương cũng cả 1000 năm?
Hiện tượng vô lý này đã được ông cha ta nhắc đến trong một câu ca dao nổi tiếng còn lưu truyền trong dân gian đến tận bây giờ:
Sinh con (Bát quái) rồi mới sinh cha (Âm Dương)
Sinh cháu (Ngũ hành) giữ nhà rồi mới sinh ông (Thái Cực).
Câu ca dao này được dùng làm tựa và gán ghép cho một truyện cổ tích đã được cụ Nguyễn Đổng Chi sưu tầm trong bộ Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam. Nhưng nội dung câu truyện cổ tích huyền thoại này chỉ là phương tiện chuyển tải câu ca dao đó. Chính nhờ câu ca dao này của tổ tiên truyền lại, nhắc nhở con cháu tìm ra sự vô lý trong quá trình hình thành thuyết Âm Dương Ngũ hành mà cổ thư chữ Hán ghi nhận và được coi là thuộc về văn minh Hoa Hạ.
Nhà lý học nổi tiếng Trung Quốc và quốc tế hiện nay là Thiệu Vĩ Hoa cũng đã nhận xét trong cuốn Chu Dịch và dự đoán học(Nxb Văn Hóa 1995 - người dịch: Mạnh Hà) thì sự ra đời của thuyết Ngũ hành là một vấn đề chưa được sáng tỏ. Xin được trích dẫn như sau:
Giới dịch học cho rằng sự ra đời của học thuyết Ngũ hành rất có khả năng đồng thời với học thuyết Âm Dương. Nhưng giới sử học lại cho rằng người đầu tiên sáng lập ra thuyết Ngũ hành là Mạnh tử. Trong cuốn “Trung Quốc thông sử giản biên” của Phạm Văn Lan nói: “Mạnh tử là người đầu tiên sáng lập ra thuyết Ngũ hành, Mạnh tử nói 500 năm tất có vương giả hưng, từ Nghiêu Thuấn đến Vu Thang là hơn 500 năm... Từ Văn Vương đến Khổng tử lại hơn 500 năm... hầu như đã có cách nói tính toán về Ngũ hành. Sau Mạnh tử một ít, Trâu Diễn đã mở rộng thuyết Ngũ hành thành Âm Dương – Ngũ hành”. Nói học thuyết Ngũ hành là do Mạnh tử phát minh là không có chứng cứ xác thực. Điều này chính Phạm Văn Lan đã tự phủ định mình. Trong cùng một chương của cuốn sách trên đã nói: “Mạnh tử không tin Ngũ hành, bác bỏ thuật chiêm bốc dùng ngũ thanh long để định cát hung, điều đó đủ thấy thời Đông Chu thuyết Ngũ hành đã thông dụng rồi, đến Trâu Diễn đặc biệt phát huy”. Mạnh tử là người nước Lỗ thời Chiến quốc mà thời Đông Chu đã có thuyết Ngũ hành rồi, rõ ràng không phải là Mạnh tử phát minh ra Ngũ hành. Có những sách sử nói học thuyết Âm Dương Ngũ hành là Đổng Trọng Thư thời Hán sáng lập ra, điều đó càng không đúng.
Giới triết học như Vu Bạch Huệ, Vương Dung thì cho rằng: “Văn bản công khai của Ngũ hành có thể thấy trong cuốn sách “Thượng Thư” của Hồng phạm (tương truyền văn tự những năm đầu thời Tây Chu, theo những khảo chứng của người cận đại có thể là thời Chiến quốc). Ngũ hành, một Thủy, hai Hỏa, ba Mộc, bốn Kim, năm Thổ; Thủy nhuận dưới, Hỏa nóng trên, Mộc cong thẳng, Kim là cắt đứt, Thổ là nông gia trồng trọt” (Xem “Ảnh hưởng của học thuyết Âm Dương - Ngũ hành với khoa học truyền thống Trung Quốc”). Qua đó có thể thấy vấn đề nguồn gốc học thuyết Ngũ hành vẫn là điều chưa sáng tỏ.
Qua phần trình bày ở trên thì ngay các nhà lý học Trung Hoa cũng không xác định được nguồn gốc của thuyết Âm Dương Ngũ hành.
Tất cả những điều vô lý nói trên đã chứng tỏ sự gán ghép một cách khiên cưỡng những giá trị tư tưởng cho những nhân vật tuy nổi tiếng, nhưng lại không phải tác giả của nó. Đây là một hiện tượng phổ biến trong việc tìm hiểu, nghiên cứu lý học Trung Hoa vào thời Hán và hậu quả của sai lầm này còn kéo dài đến tận bây giờ.
Ông Hồ Thích – một học giả nổi tiếng Trung Hoa vào đầu thế kỷ này – đã có nhận xét:
Triết học sử có ba mục đích là chứng tỏ sự biến hóa, tìm tòi nguyên nhân và phân phán giá trị. Song triết học phải nên trước hết làm công việc căn bản có thể mong đạt được mục đích trên; công việc căn bản ấy gọi là học thuật tức là dùng thủ đoạn chính xác, phương pháp khoa học, tâm tư kinh tế, dựa vào sử liệu đã có để vạch ra việc làm, tư tưởng nguồn gốc biến đổi cùng là bộ mặt thật của các nhà triết gia. Thế nào là bộ mặt thật? 
Số là người xưa biên sách đọc rất đỗi cẩu thả, thường đem học thuyết của người không liên quan với nhau đặt vào học thuyết của người khác. Ví như thiên thứ nhất của Hàn Phi tử là của Trương Nghi nói về vua Tần. Lại như sách Mặc tử, kinh thương hạ, kinh thuyết thương hạ, đại thủ, tiểu thủ, quyết không phải chính tay Mặc Định viết.
Hoặc ấy là sách giả làm sách thật, ví dụ như Quản tư, Quan Doãn tử, Án Tử Xuân Thu v.v... Hoặc là lấy sách của người sau đem vào của tiền nhân cho là vốn có từ đầu. Các tệ này ở các sách chư tử đều không tránh được. Thử lấy cái học Trang tử làm tỷ dụ. Sách Trang tử có nhiều thiên ngụy. Người đời nhận thiên Thuyết Kiếm, Ngư ông là chân, còn các thiên khác không bàn vậy .
Hoặc không hiểu được học thuyết của cổ nhân bèn để cho mất đi, như Mặc tử, kinh thượng chẳng hạn.
Hoặc lấy sách cổ nhân giải thích sai lầm bèn làm mất đi nguyên lý. Như người nhà Hán dùng phân dã, hào thìn, quái khí để thuyết Dịch kinh. Tống nhân dùng Thái Cực đồ, Tiên thiên Quái vị đồ để thuyết Dịch kinh; lại như Hán nhân phụ hội Xuân Thu để thuyết về tai dị, Tống nhân đảo lộn sách Đại Học tự ý thêm bớt. Hoặc mỗi người dùng ý riêng để giải thích cổ, làm rối loạn nhiều thuyết lý về sau, hồ đồ hỗn loạn. Như trong sách Đại Học, hai chữ Cách Vật có tới hơn bảy mươi nhà giải thích khác nhau. Lại như Lão tử, Trang tử, các thuyết bời bời không có đến hai nhà giống nhau như vậy.
Vì có những chướng ngại như thế nên bộ mặt thật của học thuyết các nhà mờ mịt đến quá nửa. Còn đến việc làm bình sinh của triết gia cùng là thời đại của triết gia thì cổ nhân rất là không để ý đến. Lão tử có thể gặp Dương Chu; Trang Chu có thể thấy Lỗ Ai Công; Quản tử có thể nói với Mao Tường, Tây Thi. Mặc tử có thể thấy Ngô Khởi chết và nước Trung Sơ diệt vong. Thương Ưởng có thể biết được chiến tranh Trường Bình v.v... Vô số những điều lỗi lầm như vậy. Lại như Sử ký nói Lão tử sống 160 năm, hay là hơn 200 tuổi hay là Khổng tử chết đi 129 năm sau Lão tử chưa chết. Nhưng điều thần thoại ấy thực không đáng bàn.
(Theo sách Lịch Sử triết học phương Đông Tập I - Nguyễn Đăng Thục - Nxb Thành phố Hồ Chí Minh 1997 - tr.68).
Nói tóm lại về xuất xứ của thuyết Âm Dương Ngũ hành, ngay cả những nhà nghiên cứu Trung Hoa – là nơi mà từ cổ sử đến nay vẫn cho rằng là quê hương của thuyết này – vẫn không thống nhất về tác giả của nó. Hay nói một cách khác: Nguồn gốc thuyết Âm Dương Ngũ hành trong cổ thư chữ Hán hết sức mơ hồ.
Những mâu thuẫn trong phương pháp lý giải bản nguyên vũ trụ của các nhà Lý học Trung Hoa trong các trước tác liên quan.
Có thể nói cho đến tận ngày hôm nay – khi bạn đang đọc cuốn sách này – các nhà Lý học đành phải tạm bằng lòng với cách lý giải có tính tiếp cận và sự cảm nhận về một ý niệm tính bản nguyên của vũ trụ là Thái Cực và hệ quả trực tiếp của nó là Âm Dương. Ngoài tính không thống nhất cách lý giải của các nhà Lý học Trung Hoa như đã trình bày trong phần “Bánh Chưng, bánh Dầy và thuyết Âm Dương Ngũ hành”, bạn đọc có thể tham khảo nhận định của nhà Lý học nổi tiếng Trung Hoa thời Tống là Chu Hy về ý nghĩa của Thái Cực và Âm Dương (Thời Tống là thời đại đầu tiên của Trung Hoa tương đương với đầu thời hưng quốc của Việt Nam, cho nên có thể coi ông ta là đại biểu đầu tiên của nền Lý học Trung Hoa với nước Đại Việt). Mặc dù xuất hiện sau nền Lý học của nhà Hán cả ngàn năm – tức là đã có một quá trình nghiên cứu tổng hợp với một thời gian đáng nể – ông Chu Hy vẫn sai lầm khi nhận xét trong sách “Thái Cực đồ thuyết” như sau:
Vô Cực nhi Thái Cực. Thái Cực động nhi sinh Dương, động cực nhi tĩnh; tĩnh nhi sinh âm; tĩnh cực phục động; nhất động nhất tĩnh, hỗ vi kỳ căn ...
Nghĩa là “Vô cực mà là Thái Cực, Thái Cực động sinh Dương, động đến cực điểm thì tĩnh, tĩnh sinh Âm; tĩnh đến cực đỉnh thì lại động. Một động một tĩnh làm căn bản cho nhau...”
 (Chu Dịch Vũ trụ quan, sách đã dẫn).
Đây là sự sai lầm căn bản của ông Chu Hy. Bởi vì Âm Dương là một cặp phạm trù có tính bao trùm. Ý niệm khởi nguyên của nó chính là ở sự phân biệt. Chỉ cần bạn đọc vạch một đoạn thẳng, thì đầu đoạn thẳng và cuối đoạn thẳng; phía trên phía dưới đoạn thẳng; bên phải bên trái đoạn thẳng; bên trong bên ngoài đoạn thẳng là đã có sự phân biệt Âm Dương. Ông Chu Hy đã đưa ý niệm Vô Cực và Thái Cực là sai lầm đầu tiên. Sự sai lầm càng rõ nét khi phân biệt Thái Cực với cặp phạm trù Âm Dương, vì Âm Dương lúc này chỉ là một vế của chính nó.
Ý niệm cho rằng Dương động, Âm tịnh là sai lầm thứ hai của ông Chu Hy vẫn ảnh hưởng đến tận bây giờ. Điều này đã thể hiện trong Kinh Dịch Phục Hy (Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1997, Giáo sư Bùi Văn Nguyên. tr.140) như sau:
Quẻ Khôn biểu thị cái thể của đất, như lớn lao, dầy dặn, vững vàng, bao dung, còn quẻ Kiền biểu thị cái thể của trời. Đất thuộc Âm thì tĩnh, như con ngựa cái đi trên mặt đất, còn trời thuộc Dương thì động, như con rồng biến hóa, khi thì hiện ở đồng ruộng, khi thì nhảy ở vực sâu, khi thì lại bay lên trời.
Chính từ những sai lầm có tính rất căn bản trong việc giải thích những nguyên lý của Âm Dương Ngũ hành, đã dẫn đến một hậu quả là: cho đến tận bây giờ, thuyết Âm Dương Ngũ hành không phát triển được trong hơn 2000 năm qua – kể từ thời Bắc thuộc – và đưa tất cả
những phương pháp ứng dụng về mọi mặt của nó vào một trạng thái huyền bí.
Sau đây là hai đồ hình Thái Cực chứng tỏ quan điểm sai lầm về thể bản nguyên của vũ trụ của Lai Trí Đức và Chu Hy. Bạn đọc có thể dễ dàng nhận thấy: vòng tròn nhỏ ở giữa là biểu tượng của Thái Cực, phân biệt với phần đen trắng ở ngoài vòng tròn nhỏ thể hiện Âm Dương.
Như vậy giữa Thái Cực và Âm Dương là hai trạng thái phân biệt, đây là điều vô lý như đã trình bày ở trên.
Như vậy, cùng với sự không thống nhất quan điểm và mâu thuẫn khi giải thích nguồn gốc vũ trụ với sự vô lý về thời điểm xuất xứ, đã chứng tỏ rằng thuyết Thái Cực sinh Lưỡng Nghi (Âm Dương), Âm Dương sinh Ngũ hành không thuộc sự phát minh của các nhà Lý học Hoa Hạ, mà chỉ là thể hiện những cái nhìn khác nhau trong sự phát hiện rời rạc về một học thuyết, cũng như những phạm vi đã ứng dụng của nó đã có trong một nền văn minh đã mất.
Điều này là cơ sở của giả thuyết cho rằng: thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về nền văn minh Văn Lang thể hiện ở bánh chưng, bánh dầy. Nước Văn Lang Bắc giáp Động Đình hồ, Nam giáp Hồ Tôn, Tây giáp Ba Thục, Đông giáp Đông Hải đã tồn tại gần 3000 năm. Trong quá trình diễn biến của lịch sử và khi bị đô hộ hoàn toàn vào đời Hán, thuyết Âm Dương Ngũ hành của nền văn minh Văn Lang đã dần dần truyền sang Trung Hoa (Giả thuyết này sẽ được minh chứng rõ hơn ở các phần sau). Do đó, sự lý giải hợp lý nhất về nguồn gốc xuất xứ và nội dung của thuyết Âm Dương Ngũ hành phải là của những người chủ phát minh ra nó. Đó là nền văn minh Văn Lang.


Phần 2:

Bởi vì, khi một đất nước bị chinh phục với âm mưu đồng hóa, thì việc đầu tiên của kẻ xâm lược là xóa sổ tất cả giá trị văn hóa chính thống của nền văn minh bị xâm lược. Đối tượng chính của sự xóa sổ đó là tri thức văn hóa có trong sách vở và con người. Do đó, các học giả còn sống sót của Văn Lang không thể công khai phổ biến tri kiến của mình. Họ phải bảo vệ hệ thống tư tưởng chính thống của văn minh Văn Lang dưới một hình thức khác. Đó là: tục ngữ, ca dao, cổ tích thần thoại… dưới dạng mật ngữ, truyền miệng đời này qua đời hác.
Trăm năm bia đá thì mòn
Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
Như phần trên đã trích dẫn lời của học giả Thiệu Vĩ Hoa trong uốn Chu Dịch và dự đoán học đã đặt vấn đề:
Giới Dịch học cho rằng sự ra đời của học thuyết Ngũ hành rất có khả năng đồng thời với học thuyết Âm Dương.
Sự thật đúng như vậy! Nhưng sở dĩ qua hơn 2000 năm tính từ thời Hán cho đến những năm đầu của thế kỷ 21 này, các nhà Lý học Trung Hoa vẫn chưa tìm được bản chất sự quan hệ thuyết Âm Dương Ngũ hành mà chỉ mới đặt vấn đề một cách dè dặt cho sự liên quan của nó; chính vì thuyết Âm Dương Ngũ hành chỉ được phát hiện một cách rời rạc qua những sách vở còn sót lại của một nền văn minh bị hủy diệt, nên đã tạo ra những khoảng trống không lý giải được. Đối với nền văn minh Văn Lang – cội nguồn và là nền tảng cho một nền văn hiến gần 5000 của Việt Nam – thì sự thống nhất và liên hệ đồng thời của thuyết Âm Dương Ngũ hành đã được thể hiện trong chiếc bánh chưng, bánh dầy. Bởi vì, khi Ngũ hành giải thích sự vận động của tự nhiên, xã hội và con người, không phải tự nhiên sinh ra mà phải có bản nguyên của nó. Do đó, Thái Cực theo vũ trụ quan của tổ tiên người Việt được truyền lại với câu tục ngữ: “Mẹ tròn, con vuông” thì lý của Thái Cực phải hiểu là:
Bản nguyên của vũ trụ có tính thuần khiết, tràn đầy, viên mãn. Do thuần khiết nên không thể coi cấu tạo thể bản nguyên gồm những cái cực nhỏ và cũng không thể là một cái cực lớn; trong đó không có cái “Có” để nói đến cái “Không”. Tượng của Thái Cực do tính viên mãn nên là hình tròn. Tính của Thái Cực chí tịnh. Bởi chí tịnh nên động. Có tịnh, có động đối đãi sinh Âm Dương. Cái “Có”, Động (Âm) ra đời đối đãi với cái “Không” bản nguyên. Tính của Âm tụ, đục, giới hạn nên tượng của Âm hình vuông. Bởi vậy, ông cha ta đã truyền lại câu tục ngữ: “Mẹ tròn, con vuông” nhằm hướng dẫn việc lý giải về bản nguyên của vũ trụ. “Mẹ tròn” cái có trước và là Thái Cực – Trở thành Dương, khi sinh Âm – “Con vuông”, cái có sau. Với ý nghĩa của câu tục ngữ này và cách giải thích như trên, thì Dương cũng là Thái Cực (Mẹ tròn) vì có đối đãi nên có sự phân biệt Âm Dương. Hoàn toàn khác hẳn ý niệm Thái Cực sinh Lưỡng Nghi theo cách hiểu của các nhà Lý học cổ kim, khi họ cho rằng: Âm Dương tuy cũng có nguồn gốc của Thái Cực, nhưng không phải là Thái Cực.
Cũng bởi quan niệm phân biệt giữa Thái Cực và Âm Dương, cho nên hầu hết các nhà Lý học thuộc văn
minh Trung Hoa và sau này ở các nơi khác, cho rằng: tính của Âm là tĩnh và tính của Dương là động. Tức là hiểu sai về căn bản sự vận động của Âm Dương Ngũ hành. Nhưng theo cách lý giải của văn minh Văn Lang thì Âm động, do đó Ngũ hành thuộc Âm phải động. Nếu Âm tịnh thì không thể nói đến sự vận động của Ngũ hành. Điều này lý giải tượng của Ngũ hành nằm trong bánh chưng vuông thuộc Âm.
Như vậy, quan điểm dựa trên cơ sở phân tích truyền thuyết về bánh chưng, bánh dầy mà di chứng còn truyền lại đến ngày nay cho rằng: Thuyết Âm Dương Ngũ hành của tổ tiên người Việt đã phát minh và hoàn chỉnh có từ trước thời Hùng Vương thứ VI, thì hoàn toàn có thể biết được căn nguyên của sự hình thành thuyết Âm Dương Ngũ hành và giải thích được tất cả những hiện tượng liên quan tới nó.
Linh diệu thay! Mỗi khi năm hết tết đến, nhìn lên bàn thờ tổ tiên lại thấy chiếc bánh dầy tròn đầy một màu trắng thuần khiết, được đặt lên trên chiếc bánh chưng vuông với màu lá dong xanh mượt, buộc bằng bốn sợi lạc (lạt) hồng. Đó là tất cả ý nghĩa bản căn của nền lý học cổ Đông phương mà tổ tiên người Lạc Việt truyền cho con cháu qua hàng thiên niên kỷ, cho đến tận bây giờ.
Để minh họa rõ hơn ý cho rằng Âm Dương - Ngũ hành là một học thuyết xuất hiện đồng thời mà các nhà Lý học Trung Hoa hiện đại đã đặt vấn đề hoài nghi và chưa thể giải quyết; ngoài phần minh chứng qua câu tục ngữ “Mẹ tròn, con vuông”và biểu tượng của nó là bánh Chưng, bánh Dầy, xin được trình bày một trò chơi trẻ em Việt Nam vẫn còn tương đối phổ biến, đó là trò chơi “Ô ăn Quan”.
Đối với trẻ em Việt Nam trước thời văn minh phương Tây du nhập để có những trò chơi như: búp bê, bắn bi, hoặc các trò chơi như “Xút xanh”... thì “Ô ăn Quan” là một trò chơi hấp dẫn, truyền từ đời này qua đời khác cho đến tận bây giờ.
Trò này được chơi như sau:
Trên một hình vẽ gồm 10 ô vuông sắp thành hai hàng trong một hình chữ nhật. hai đầu hình chữ nhật có hai nửa vòng tròn. Có hai người chơi ngồi hai bên, đối xứng theo trục dọc của hình. Mỗi bên có 25 quân chia cho mỗi ô 5 quân. Mỗi nửa vòng tròn trong đó có một quan. Quân có thể là hạt nhãn hoặc hòn sỏi, quan có thể là hạt vải hoặc hòn sỏi to hơn.
Đồ hình trò chơi Ô ăn Quan
Cách chơi: lần lượt từng người chơi. Mỗi bên khi đi chỉ được phép bốc quân ở một trong năm ô phía bên mình và rải đều mỗi ô một quân theo một chiều nhất định (kể cả ô quan). Khi hết quân trên tay thì bốc tiếp ở ô kế đã rải quân cuối cùng và rải tiếp, cho đến khi ngưng trong những điều kiện sau đây: 
@ Ô rải quân cuối cùng sát ngay ô quan (nếu ô quan vẫn còn quân hoặc quan trong đó).
@ Ô rải quân cuối cùng mà hai ô kế liên tiếp thuận chiều không có quân để bốc.
@ Kế ô rải cuối cùng không có quân và ô kế đó có quân thì được lấy hết quân trong ô cách ô trống ra ngoài, kể cả đó là ô quan.
Hai trường hợp trên gọi là “Chựng” và phải nhường cho người kia đi. Trường hợp cuối gọi là “Ăn” và sau đó cũng đến lượt người kia đi.
Một điều đáng lưu ý ở trò chơi này là: mặc dù cả hai bên đều còn quân để đi, nhưng ô quan không còn quân (đã rải vào trong quá trình chơi) hoặc quan thì trò chơi vẫn bị ngưng lại. Người chơi hô: “Hết quan, toàn dân kéo về!”. Người nào ăn và còn nhiều quân nhất thì thắng.
Theo cái nhìn của người viết thì hình ảnh và cách chơi “Ô ăn Quan” đã thể hiện sự liên quan chặt chẽ của Âm Dương Ngũ hành:
@ Hai quan nằm trong ô tròn biểu tượng hình và tướng của Âm Dương.
@ Mười ô vuông biểu tượng Ngũ hành (năm Âm Ngũ hành và năm Dương Ngũ hành). 
@ Sự vận động của năm quân trong ô biểu tượng cho sự vận động của Ngũ hành. Trong suốt quá trình chơi là thể hiện sự tiêu trưởng sinh khắc của Âm Dương Ngũ hành.
@ Trong lúc chơi, khi không còn quân ở hai ô quan (tức là hông có Âm Dương) thì trò chơi bị ngưng. Nghĩa là: không có Âm Dương thì cũng không có sự vận động của Ngũ hành.
Phải chăng, trò chơi này nếu không do sự ngẫu nhiên trùng hợp với nguyên lý của Âm Dương Ngũ hành, thì chính là do ông cha ta đã đặt ra để lưu truyền trong đời qua thế hệ mầm non một ý niệm về Âm Dương Ngũ hành và sự diễn biến, liên hệ chặt chẽ của nó: Âm Dương có trước, Ngũ hành có sau và là một hệ tư tưởng thống nhất hoàn chỉnh, với hy vọng sau này cùng với bánh Chưng, bánh Dầy sẽ chứng tỏ được nền văn minh kỳ vĩ của tổ tiên.
Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một hệ thống Lý học hoàn chỉnh về vũ trụ quan của người Việt được phát triển và ứng dụng vào nhiều mặt của tự nhiên, xã hội và con người: trên xét thiên văn, dưới xem địa lý, làm lịch pháp, luận đoán cát hung, y lý Đông phương và ứng dụng vào cả việc cân bằng sự phát triển, ổn định xã hội (xin xem phần: “Cửu trù Hồng phạm - bản hiến pháp cổ nhất của người Lạc Việt”, ở phần sau).
Đến thời Hùng Vương thứ VI, thuyết Âm Dương Ngũ hành đã được biểu tượng hóa một cách độc đáo trong chiếc bánh chưng, bánh dầy thể hiện Âm Dương hài hòa, Ngũ hành tương sinh. Sự ấn chứng của vua Hùng chứng tỏ thuyết Âm Dương Ngũ hành là hệ thống tư tưởng vũ trụ quan chính thống của nền văn minh Văn Lang.
Các học giả của thế giới hiện đại trên nhiều lãnh vực khoa học đã dày công nghiên cứu thuyết Âm Dương Ngũ hành và đã phát hiện nhiều điểm tương đồng với khoa học hiện đại. Mặc dù họ chưa có một kết luận về tính khoa học của thuyết này, nhưng cũng chưa khám phá hết sự kỳ ảo của nó. Nhưng với phạm trù rộng lớn và qui mô ứng dụng trên khắp mọi lĩnh vực của học thuyết này, đã chứng tỏ:
Thời Hùng Vương không thể chỉ tồn tại khoảng 300 năm và là một thời kỳ được coi là chưa văn minh lắm so với các quốc gia đương thời. Và cũng không thể kể từ khi bắt đầu hình thành xã hội Văn Lang cho đến khi chiếc bánh chưng, bánh dầy được tôn vinh vào thời Hùng Vương thứ VI mới khoảng 100 năm (tức khoảng 4 thế hệ, theo quan điểm mới) – mà một xã hội lạc hậu hoang sơ, có thể phát minh ra một học thuyết vũ trụ quan hoàn chỉnh cùng với sự ứng dụng rộng rãi của nó.
Sự tồn tại và phát triển của một học thuyết vũ trụ quan cổ đại với qui mô to lớn là thuyết Âm Dương Ngũ hành trong một xã hội của người Lạc Việt, tổ tiên của người Việt Nam hiện nay. Học thuyết này có tham vọng lý giải từ sự hình thành vũ trụ cho đến mọi sự vận động của con người. Mặc dù những thăng trầm của lịch sử đã khiến nó bị thất truyền, nhưng sự vi diệu sâu sắc qua những gì còn lại của nó đã làm kinh ngạc tri thức con người hiện đại. Điều này chỉ có thể giải thích một cách hợp lý là: Đã có một nhà nước với một tổ chức chặt chẽ của cộng đồng người Lạc Việt như truyền thuyết đã nói tới. Đó chính là nhà nước Văn Lang, dưới thời trị vì của các vua Hùng.
“Chơi Ô ăn Quan”
Bức danh họa của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh sáng tác năm 1931


Phụ trương:

Sự hoài nghi của người viết, dựa trên cơ sở một truyền thuyết được coi là của chính nền văn minh Trung Hoa (tuy nhiên phải xem lại xuất xứ của nó có phải ở miền Nam sông Dương Tử hay không?). Truyền thuyết này có những yếu tố phản bác tác giả của Bát quái trong kinh Dịch là Phục Hy và Chu Công. Xin được thuật lại như sau (Đoạn sau đây được trích trong bộ Tam Quốc Chí, tác giả La Quán Trung, dịch giả Phan Kế Bính, Nxb Đại Học & Giáo Dục chuyên nghiệp Hà Nội 1988, tập 6, trang 167, hồi thứ 86):
“Tần Bật biện bác hỏi vặn Trương Ôn.
Từ Thịnh hỏa công phá quân Ngụy chủ”
... Khi ấy Tần Bật ứng đối trôi chảy, nói năng hoạt bát, cả đám ngồi đều kinh. Trương Ôn không hỏi vặn được câu gì nữa. Bật mới hỏi lại rằng:
- Tiên sinh là danh sĩ Đông Ngô, đã lấy việc trên trời mà hỏi, tất là hiểu sâu lẽ trời. Khi xưa lúc hỗn độn mới mở, Âm Dương chia biệt, khí nhẹ mà trong thì bay lên thành trời; khí nặng mà đục thì đọng xuống dưới thành đất. Đến đời họ Cung Công đánh trận thua, húc đầu vào núi Bất Chu thì cột trời đổ gẫy mà rường đất sứt mẻ, trời nghiêng về phía Tây Bắc, đất đổ về phía Đông Nam. Trời đã là khí nhẹ mà trong, làm sao lại còn nghiêng về phía Tây Bắc? Vả lại, ở ngoài lần khí nhẹ mà trong còn có vật gì nữa, xin tiên sinh dạy cho tôi được biết?
Trương Ôn không biết đối đáp ra sao mới đứng dậy tạ rằng:
- Tôi không ngờ trong Thục lắm người tuấn kiệt thế này, nghe lời ngài giảng luận, khiến tôi mở được đường ngu dốt...
Đoạn trích dẫn trên chỉ là phần mở đầu của truyền thuyết huyền thoại về sự tích lúc trời đất mở mang của Trung Hoa.
Đoạn sau của truyền thuyết này tiếp tục kể rằng:
Khi cột trời đổ gẫy, nước từ trên trời trút xuống gây lũ lụt ở trần gian, khiến muôn loài điêu linh. Bà Nữ Oa phải luyện đá ngũ sắc, vá trời ngăn mưa lũ. Sau đó khiến một con rùa lớn đứng đội trời lên, thay cho cột trời đã gẫy. (Truyền thuyết “Bà Nữ Oa vá trời”)
Qua nội dung truyền thuyết nói trên, người viết nhận xét thấy có một sự liên quan khá chặt chẽ đối với xuất xứ của Bát quái Tiên thiên như sau:
Xét sự sắp xếp của 8 Quái trong Tiên thiên ở hình vẽ trên (tương truyền do vua Phục Hy phát hiện) thì quẻ Càn (trời) ở trên; Khôn (đất) ở dưới, ứng với đoạn đầu của truyền thuyết: Khí nhẹ và trong bay lên thành trời; khí nặng và đục tụ xuống thành đất.
Đối với sự sắp xếp lại quẻ Hậu thiên Bát quái, những nhà nghiên cứu lịch sử Lý học Trung Hoa cho rằng: đó là do vua Văn Vương nhà Chu khi bị Trụ Vương giam ở ngục Dữu Ly, ngài đã nghiên cứu Bát quái Tiên thiên và hiệu chỉnh lại thành Bát quái Hậu thiên, như hình
vẽ sau đây:
Hậu thiên bát quái theo cổ thư chữ Hán
Theo truyền thuyết thì trong Hậu thiên Bát quái, ngài Chu Văn Vương đã đưa quẻ Càn (trời) lệch về phía Tây Bắc.Truyền thuyết cũng cho rằng ngài đã chú giải kinh Dịch. Lời chú giải của ngài gọi là Soán từ, như đã trình bày ở trên.
Nhưng ứng với truyền thuyết thì sự nghiêng lệch của trời đất lại do cột trời đổ gẫy. Cột trời có tên là Bất Chu, hiểu theo một nghĩa khác thì Bất Chu nghĩa là không phải nhà Chu làm trời lệch sang phía Tây Bắc. Qua hình vẽ dưới đây, bạn đọc sẽ thấy trong hình Hậu thiên, quẻ Càn (trời) lệch về phía Tây Bắc. Phía trên thay thế là quẻ Khảm (thuộc Thủy) ứng với truyền thuyết: Nước từ trên trời đổ xuống gây lụt lội khắp nơi. Chi tiết khác nhau duy nhất là theo truyền thuyết thì đất lệch về hướng Đông Nam; nhưng ở hình Hậu thiên Bát quái - quẻ Khôn (tượng Đất) - lệch về phía Tây Nam. Sự sai lệch giữa truyền thuyết và thực tế sắp xếp của Hậu thiên Bát quái có thể lý giải do sự tam sao thất bản vì đã lưu truyền hàng ngàn năm (kể từ khi Văn Lang bị đô hộ đến thời Tam Quốc chí thì đã 400 năm, đến thời La Quán Trung viết Tam Quốc thì đã hơn 1000 năm).
Tuy nhiên, theo cái nhìn của người viết thì – mặc dù sự sắp xếp quẻ Hậu thiên Bát quái có bản văn truyền lại theo cổ thư chữ Hán (tiết 5, Thuyết quái truyện) – nhưng đã sai lệch. Còn câu chuyện thần thoại này – mặc dù được truyền miệng, lại chứng tỏ tính chính xác của nó – là một mật ngữ hướng dẫn cho việc đi tìm những bí ẩn của văn hóa Đông Phương. Bởi vì: xét Bát quái Tiên thiên thì các quẻ đều có sự đối xứng Âm Dương qua tâm điểm, nhưng ở Bát quái Hậu thiên không có sự đối xứng đó. Nếu ta theo truyền thuyết đưa quẻ Khôn (Đất) về vị trí Đông Nam và quẻ Tốn đang ở phía Đông Nam về vị trí Tây Nam của quẻ Khôn, thì sẽ lặp lại qui luật đối xứng qua tâm của hình Bát quái Hậu thiên. Qui luật đối xứng (cân bằng Âm Dương) là nguyên lý căn bản của Lý học Đông phương. Xin độc giả so sánh hai hình vẽ dưới đây để tham khảo.
Hậu thiên bát quái theo cổ thư chữ Hán
Hậu thiên bát quáiĐã sửa vị trí Tốn, Khôn theo truyền thuyết
“Đất lệch về phía Đông Nam”
Xuất phát từ sự trùng hợp phản bác đến kỳ lạ của truyền thuyết với nguyên nhân xuất hiện của Hậu thiên Bát quái và kinh Dịch thiếu một hệ thống lý thuyết căn bản cho sự vận động của nó (có thể nguyên lý của Bát Quái trong Dịch học nằm ngay trong truyền thuyết nói trên). Đó là lý do đầu tiên khiến người viết đặt vấn đề hoài nghi nguồn gốc đích thực của kinh Dịch.
Sự hoài nghi nguồn gốc Hậu thiên Bát quái do vua Chu Văn Vương trước tác, còn xuất phát từ chính sự nghiệp của ngài Khổng tử. Bởi vì, nếu do vua Văn Vương - vị vua sáng lập nhà Chu - trước tác thì tất nhiên kinh Dịch phải là quan điểm vũ trụ quan chính thống của nhà Chu và phải được phổ biến. Nhưng tại sao với một đại học giả như ngài Khổng tử mà suốt đời bôn ba khắp các nước chư hầu, lại đã từng làm quan ở một số nước mà mãi đến cuối đời mới biết đến Dịch học? Để rồi ngài phải lấy làm tiếc vì đã già không có thời gian nhiều để hiểu hết kinh Dịch. Điều này được chứng tỏ qua đoạn trích dẫn trong sách Kinh Dịch với vũ trụ quan Đông phương (Gs. Nguyễn Hữu Lượng - Nxb T/p Hồ Chí Minh 1992 - trong phần “Thay lời giới thiệu” - phần này do Gs. Bửu Cầm viết) như sau:
... chính Khổng tử trước khi từ trần, còn than tiếc nói với học trò: “Giá như ta được thêm ít năm nữa để học Dịch cho trọn vẹn thì không có điều sai lầm lớn” (Luận Ngữ học tri).
Ngài chưa hiểu hết sự biến hóa kỳ ảo của Bát quái, thì tại sao ngài lại có thể diễn giải ý nghĩa cho các quẻ Dịch như những sách về lịch sử Dịch học Trung Hoa đã nói tới. Khổng tử - một đại học giả - được tặng danh hiệu “Vạn thế sư biểu”, tất nhiên không thể có việc san định thiếu thận trọng, nhất là lúc ngài đã đứng tuổi. Một điều đáng lưu ý nữa là: Vào thời Xuân thu Chiến quốc (tức là tương đương ới thời Khổng tử và sau đó hàng trăm năm) có rất nhiều các nhà tư ưởng nổi tiếng Trung Hoa như Mạnh tử, Hàn Phi tử, Tuân tử... nhưng rong các trước tác của họ không hề có một câu nhắc đến kinh Dịch. ếu như kinh Dịch được Khổng tử san nhuận và phổ biến với kinh ách của ông; thì với một người nổi tiếng như ông, không thể nào tư tưởng của kinh Dịch do ông san định lại không ghi dấu ấn cho các học giả đời sau.
Những vấn đề nêu trên đã chứng tỏ kinh Dịch không phải là một học thuyết phổ biến và càng không phải là một hệ thống vũ trụ quan của nền văn minh Trung Hoa, ít nhất đến thời Khổng tử. Do đó, hoàn toàn có cơ sở để đặt vấn đề rằng: cả Khổng tử lẫn Chu Công, các ngài chưa hề san nhuận hoặc chú giải kinh Dịch. Sự gán ghép khiên cưỡng cho các ngài chú giải kinh Dịch đã tạo ra sự phi lý:
Sinh con rồi mới sinh cha
Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông
Cũng như hiện tượng gán ghép vua Phục Hy dựa vào Hà đồ để vạch quẻ Bát quái Tiên thiên, vua Văn Vương dựa vào Lạc thư làm ra Bát quái Hậu thiên. Nhưng Lạc thư lại là phương tiện để xuất hiện Hà đồ và nội dung cả hai đồ hình này đều thể hiện sự vận động của Ngũ hành. Tất cả những sự phi lý nói trên đã phủ nhận kinh Dịch có nguồn gốc từ văn minh Hoa Hạ. Vấn đề này chính những nhà Lý học Trung Hoa thời Tống cũng lên tiếng hoài nghi. Đoạn trích dẫn dưới đây chứng tỏ điều này (Kinh Dịch với Vũ trụ quan Đông phương - sách đã dẫn, trang 85):
Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ tính như ai! Ngay trong làng Nho, thiếu gì người lên tiếng đả kích Hán nho, nhất là đả kích Khổng An Quốc. Du Diễm đời Tống căn cứ vào câu nói của Khổng tử trong Dịch Hệ thượng: “Đồ xuất hiện ở sông Hà, Thư xuất hiện ở sông Lạc, đấng thánh nhân bắt chước theo” mà cho rằng Đồ Thư đều xuất hiện ở thời Phục Hy, chứ không phải hai thời khác nhau như họ Khổng đã chia ra. Ông nói: Phục Hy bắt chước theo Hà đồ, Lạc thư mà hoạch quái, Thế mà Khổng An Quốc lại bảo Phục Hy hoạch quái phải bắt chước theo Hà đồ, còn Đại Vũ bày Cửu trù phải bắt chước theo Lạc thư. Vì sao họ Khổng lại chia làm hai như vậy? Sách Cửu Kinh biện nghi của họ Trần xét theo Ngọc xuyên văn tập có nói: “Nếu bảo Phục Hy hoạch quái, gốc ở Hà đồ thì Khổng tử chỉ cần nói Đồ xuất hiện ở sông Hà, đấng thánh nhân bắt chước theo là đủ rồi, hà tất phải nói gồm cả Lạc thư vào nữa làm gì? Đã nói: bắt chước theo Đồ, Thư để làm Dịch thì như thế Đồ Thư đều phải có từ đời Phục Hy, chứ sao lại phải đợi mãi tới khi vua Vũ trị thủy sau này mới có Lạc Thư”? Họ Du tiếp thêm: Số của Dịch bất quá từ Trời 1 đến Đất 10, chỉ có 44 số mà thôi, chứ chưa từng được mệnh danh là Hà đồ, cũng như chưa từng được mệnh danh là Lạc thư. Thế mà Khổng An Quốc dám bảo: Thời Phục Hy có con long mã mang Đồ xuất hiện ở sông Lạc, nhà Vua thấy vậy bèn nhân đó xếp đặt điểm số để lập thành Cửu trù, gọi là Lạc thư. Họ Khổng căn cứ vào đâu vậy?”
Chưa hết, Du còn phê bác, chỉ trích nhiều điểm khác: “Thời vua Phục Hy chưa có văn tự. Nhà vua nhân những nét chấm của Hà đồ, Lạc thư mà hoạch quái, chứ chẳng phải Đồ Thư có những số trời sinh sẵn để cho ngài lấy dùng! Nếu Dịch Hệ từ nói: ngửa trông tượng ở trên trời, cúi xem phép ở dưới đất, quan sát hình nét của chim muông cùng với sự thích nghi của đất, gần thì lấy ở mình, xa thì lấy ở vật, do đó mới vạch Bát quái; vậy thì Phục Hy hoạch quái há chỉ riêng Hà đồ và Lạc thư thôi sao?”
Nhưng Bát quái của Dịch học bắt nguồn từ đâu?
Theo như truyền thuyết đã trình bày ở trên, thì: Bát quái Tiên thiên và Hậu thiên đã có ngay từ thời tối cổ. Sự có mặt của Thái Cực - Âm Dương trong các bản Chu Dịch chữ Hán trước đây, cũng như sự có mặt của Âm Dương Ngũ hành trong các sách liên quan đến học thuyết này (Thí dụ như sự ứng dụng của nó trong Chu Dịch và Dự đoán học của tác giả Thiệu Vĩ Hoa), thực ra đã có từ lâu trong nền văn minh Văn Lang. Nhưng đấy chỉ là sự vận dụng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành để lý giải Dịch của tác gia Văn Lang. Chính sự có mặt của thuyết Âm Dương Ngũ hành với Bát quái, đã chứng tỏ Bát quái thuộc về một nền văn minh tối cổ tồn tại trong xã hội Văn Lang. Việc sử dụng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành để giải đoán quẻ trong “Chu Dịch và dự đoán học” không thấy có trong bản Chu Dịch gốc như đã trình bày ở trên. Điều này chứng tỏ rằng: Thuyết Âm Dương Ngũ hành là nguồn gốc của kinh Dịch và sự vận động của Bát quái chỉ là sự thể hiện của thuyết Âm Dương Ngũ hành. Hiện tượng này đã chứng tỏ tính bao trùm của học thuyết Âm Dương Ngũ hành. Đó là nguyên nhân để cuốn “Chu Dịch và dự đoán học” do ông Thiệu Vĩ Hoa công bố có thể sử dụng phương pháp luận của thuyết Âm Dương Ngũ hành giải đoán quẻ Dịch. Nhưng như các phần trên đã đặt vấn đề: Thuyết Âm Dương Ngũ hành là một học thuyết hoàn chỉnh và nhất quán; Bát quái chỉ là ký hiệu thể hiện của học thuyết này.(*)
* Chú thích: Trong lần xuất bản trước, người viết không có ý tưởng này (phần in nghiêng) và vẫn cho rằng thuyết Âm Dương Ngũ hành không liên quan đến kinh Dịch. Nhưng xuất phát từ sự hoài nghi đã trình bày ở trên, ngay sau lần xuất bản đầu tiên, người viết đã tiếp tục tìm hiểu về kinh Dịch và hiệu chỉnh như trên. Những ý tưởng trong phần phụ chương này, sau lần xuất bản thứ nhất, được trình bày trong sách “Tìm về cội nguồn Kinh Dịch” (Tái bản lần 1, Nxb VHTT – 2002).
Chính vì không phải là chủ nhân đích thực của thuyết Âm Dương Ngũ hành, cho nên ngay cả việc ứng dụng Âm Dương trong thuyết Âm Dương Ngũ hành vào Bát quái từ nguyên lý khởi nguyên trong cổ thư chữ Hán, đã chứng tỏ tính phi lý của nó. Qua biểu tượng kinh Dịch quen thuộc dưới đây bạn đọc cũng nhận thấy vòng tròn (Thái Cực) với 2 nửa Âm Dương ở giữa – vốn được coi là nguồn gốc của Bát Quái. Bát Quái bao quanh thể hiện sự biến hóa của Âm Dương. Nhưng với 2 quẻ: Càn ( ) thuần Dương và Khôn () thuần Âm, so với biểu tượng của Âm Dương trong vòng tròn thì cái nào có trước? Không lẽ tính thuần Dương của quẻ Càn không phải là Dương trong vòng tròn (Dương bản nguyên) nhưng lại là Dương? Tính thuần Âm của quẻ Khôn không phải là Âm trong vòng tròn (Âm bản nguyên) nhưng lại là Âm?
Đồ hình minh họa qua bát quái Tiên Thiên
Sự phi lý do gán ghép khiên cưỡng này trải hàng thiên niên kỷ, phải chăng đã được ông cha ta nói đến trong một câu đố nổi tiếng: “Mồm bò, chẳng phải mòm bò, nhưng lại là mồm bò”. Câu đố được lý giải là con ốc! Con ốc thì không phải mồm (con) bò, nhưng dùng mồm để bò thì lại là con ốc. Thực là một lối chơi chữ đến tuyệt kỹ, cuối cùng chẳng hiểu là con gì?
Hơn nữa, kinh Dịch vốn được coi là một cuốn sách “bói”. Cũng chính vì được coi là một cuốn sách bói, nên nó đã thoát khỏi ngọn lửa hủy diệt văn hóa của Tần Thủy Hoàng. Trên thực tế, kinh Dịch dùng đã bói cũng đã trải hàng thiên niên kỷ; cho đến tận bây giờ, hầu hết những nhà nghiên cứu vẫn cho rằng kinh Dịch dùng để bói. Nhưng, chúng ta cũng biết rằng một trong những tiêu chuẩn để thẩm định cho một luận thuyết khoa học là nó phải có khả năng dự báo. Khả năng dự báo này chỉ thực hiện được sau khi đã hình thành một hệ thống lý thuyết hoàn chỉnh. Trong khi đó, kinh Dịch đã chứng tỏ khả năng dự báo - mà mọi người gọi nôm là bói - có hiệu quả trải hàng thiên niên kỷ; nhưng nó vẫn thiếu hẳn một hệ thống lý thuyết của nó. Thật là một sự vô lý khi khả năng dự báo lại ra đời trước một học thuyết để có khả năng thực hiện những dự báo qua những ký hiệu của kinh Dịch. Điều này đã chứng tỏ: những ký hiệu trong kinh Dịch chỉ là hệ quả của một hệ thống lý thuyết đã thất truyền. Do đó, nếu nền văn minh Hoa Hạ - nơi mà từ trước đến nay vẫn được coi là cái nôi của nền văn minh phương Đông và kinh Dịch vốn được coi là có sự hình thành và phát triển liên tục trải qua nhiều thế hệ trong cái nôi đó - thì thật là sự vô lý với những tri kiến của khoa học hiện đại, khi khả năng dự báo lại có trước sự hình thành lý thuyết.
Với những vấn đề được trình bày ở trên, thì Bát quái thuộc về nền văn minh Văn Lang và là những ký hiệu mà các nhà lý học Văn Lang dùng để lý giải qui luật vận động của vũ trụ theo thuyết Âm Dương Ngũ hành. Dấu ấn của nền văn minh Văn Lang theo truyền thuyết “Bà Nữ Oa vá trời” chính là hình ảnh con Rùa - một biểu tượng của phương tiện chuyển tải tri thức của nền văn minh Văn Lang (xin xem thêm phần: “Phương tiện ghi nhận chuyển tải tri thức dưới thời Hùng Vương” ở chương IV “Sự tích Trầu Cau”) – còn ở trong kinh Dịch thì đó chính là Âm Dương Ngũ hành. Khi xã hội Văn Lang bị thu hẹp dần lãnh thổ theo những diễn biến của lịch sử, Bát quái đã truyền sang nền văn minh Trung Hoa. Có thể ngài Khổng tử đã biết đến Bát quái vào thế kỷ thứ VI – V trước Công nguyên. Điều này đã chứng tỏ có thể Bát quái của Văn Lang được truyền sớm nhất sang Trung Hoa. Như vậy hoàn toàn có cơ sở để cho rằng: lãnh thổ Văn Lang vào ngay thời Xuân Thu đã có những biến động hoặc hai nền văn hóa Trung Hoa và Lạc Việt đã có sự giao lưu ít nhất cũng qua ngài Khổng tử.
Do mục đích của cuốn sách này không đi sâu vào những học thuật cổ Đông Phương, người viết chỉ xin được trình bày để các bậc trí giả xem xét.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét