TẦM VÓC CUỘC KHỞI NGHĨA CỦA HAI BÀ TRƯNG
Gs Nguyễn Trần Trác, Đại học Sư phạm Sài Gòn
Nếu không kể thời kỳ lập quốc của các vua Hùng và thời kỳ Thục An Dương Vương thì Hai Bà Trưng là những người đầu tiên xây dựng nền tự chủ, độc lập của nước ta. Mặc dù thời gian trị vì của Hai Bà ngắn ngủi (từ năm 40 tới 43 sau Tây lịch) nhưng cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Đông Hán, dành độc lập cho xứ sở của Hai Bà có một ý nghĩa vô cùng quan trọng trong lịch sử của nước nhà. Xét trong lịch sử thế giới, ta thấy không ở một quốc gia nào khác có một cuộc chiến tranh chống xâm lược, lãnh đạo bởi một phụ nữ, mà kiệt liệt như cuộc khởi nghĩa của Trưng Vương nước ta. Tiếc thay, ngày nay, khi học sử, thanh niên Việt Nam chưa có một hiểu biết đúng về tầm vóc của cuộc khởi nghĩa này.
Nếu ta hỏi bất kỳ một sinh viên hay học sinh nào về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà thì hầu như, một cách mặc nhiên, họ cho rằng cuộc khởi nghĩa đó dấy binh bởi Hai Bà từ quận Giao Chỉ và phạm vi của cuộc khởi nghĩa nằm trong vùng lãnh thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay.
Ta hãy đọc lại một đoạn trong Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim : “ Năm Giáp Ngọ ( năm 34 sau Tây lịch) , vua Quang Vũ ( nhà Đông Hán) sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao Chỉ. Tô Định là người bạo ngược, người Giao Chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm Canh Tý ( năm 40 sau TL), người ấy lại giết Thi Sách. Vợ Thi Sách là Trưng Trắc, con gái quan Lạc Tướng ở huyện Mê Linh, cùng em gái là Trưng Nhị, nổi lên đem quân đánh Tô Định. Chẳng bao lâu, Hai Bà hạ được 65 thành trì (Lãnh Nam hơn sáu mươi thành, Hai Bà Trưng thị dẹp bình như không), và tự xưng làm vua, đóng đô ở Mê Linh là chỗ quê nhà. Tô Định phải chạy về Tầu”.
Khi quân Pháp sang xâm chiếm nước ta thì cả Nam Bộ chỉ có 06 tỉnh (Nam Kỳ lục tỉnh). Nếu giả sử mỗi tỉnh có một thành trì thỉ cả Nam Bộ khi đó chỉ có 06 thành trì. Lãnh thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời kỳ bị Đông Hán đô hộ có nhiều hơn thì có lẽ cũng chỉ khoảng 10 thành. Như vậy con số 65 thành trì như trong sử ghi là quá lớn so với lãnh thổ Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, và câu hỏi là 65 thành trì đó ở đâu?
Ta hãy đọc tiếp trong Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca:
“Đô kỳ đóng cõi Mê Linh
Lãnh Nam riêng một triều đình nước ta”
Lãnh Nam riêng một triều đình nước ta”
Và trong Việt Sử Yếu của Hoàng Cao Khải:
“Vương bèn cùng với em là Trưng Nhị khởi binh đánh đuổi Tô Định. Nhân dân các quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố đều hưởng ứng lời kêu gọi của Vương, nên Vương lấy 65 thành trì ở Lĩnh Nam một cách dễ dàng” .
Ta thấy,khi nói về lãnh thổ nước ta thời Hai bà Trưng, các sử gia xưa dùng địa danh Lãnh Nam. Vậy, câu hỏi thứ hai làLĩnh Nam (hay Lãnh Nam) là vùng lãnh thổ nào? Địa giới ra sao?
Để trả lời các câu hỏi trên, trước hết , ta hãy đi ngược lại lịch sử từ thời cổ đại Hùng Vương dựng nước.
Theo Việt Nam Sử Lược của TTK: “ Theo tục truyền, Vua Đế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông khi đi tuần thú phương Nam tới núi Ngũ Lĩnh (thuộc tỉnh Hồ Nam ngày nay của Trung quốc) thì gặp một nàng tiên, lấy nhau, sinh ra Lộc Tục. Sau Đế Minh nhường ngôi cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương Bắc và Lộc Tục làm vua phương Nam, xưng là Kinh Dương Vương”. Lãnh thổ của Lộc Tục nằm ở phía nam núi Ngũ Lĩnh nên được gọi là Lĩnh Nam (hay Lãnh Nam), phía bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía tây giáp Ba Thục (Tứ xuyên), phía đông là biển. Kinh Dương Vương sau này nhường ngôi cho con là Sùng Lãm, xưng là Lạc Long Quân, lấy con gái vua Đế Lai là Âu Cơ. Như vậy, địa danh Lĩnh Nam để chỉ một vùng rộng lớn chiếm cả vùng Hoa Nam ngày nay của Trung Hoa. Đó chính là vùng đất Bách Việt (Hồ Nam, Quảng Đông, Quảng Tây ngày nay của Trung quốc). Nước Âu Lạc của Thục An Dương Vương ở phía nam.
Năm 208 trước TL, Triệu Đà đem quân đánh lấy nước Âu Lạc, sát nhập quận Cửu Chân và lập ra nước Nam Việt. Năm 182 trước TL, Hán Lữ Hậu cấm dân Trung Hoa không được buôn bán đồ sắt với Nam Việt, Triệu Vương tức giận đem quân đánh Trường Sa (gần Động Đình Hồ) chiếm thêm một số quận của Tầu (Việt Sử Yếu). Các nước ở phía bắc Nam Việt như Mân Việt (Phúc Kiến), nước Đông Âu (Chiết Giang) đều quy phục Triệu Vương. Lúc bấy giờ, đất đai của nước Nam Việt chiếm lĩnh từ tây sang đông gần một vạn dặm, nước ta trở thành một nước lớn ở cõi Á Châu này (Việt Sử Yếu).
Triệu Đà, xưng là Triệu Võ Vương, làm vua nước Nam Việt, đóng đô ở Phiên Ngung, gần thành phố Quảng Châu ngày nay của tỉnh Quảng Đông. Triệu Võ Vương là một vị vua anh hùng. Năm 183 trước TL, Vương xưng làm Nam Việt Hoàng Đế, muốn kình nhau với Hán Đế của Trung Hoa. Triệu Đà mất năm 137 trước TL, thọ 121 tuổi, nhường ngôi cho cháu, hiệu là Triệu Văn Vương. Sau Triệu Văn Vương là Triệu Minh Vương. Triệu Minh Vương có vợ cả là người Nam Việt, vợ lẽ là Cù Thị, người Hán, được lập làm Hoàng Hậu. Triệu Minh Vương mất, nhường ngôi cho con là Hưng, còn nhỏ, con của Cù Thị, gọi là Triệu Ai Vương.
Bấy giờ, vua nhà Hán sai sứ là An quốc Thiếu Quý, nguyên là tình nhân của Cù Thị, sang dụ vua Nam Việt là Ai Vương vào chầu, ý muốn thôn tính nước Nam Việt. Cù Thị âm mưu với Thiếu Quý dụ Ai Vương đem Nam Việt dâng cho nhà Hán. Quan tể tướng Nam Việt khi đó là Lữ Gia cương quyết can ngăn nhưng mẹ con Cù Thị không nghe, Lữ gia bèn truyền hịch đi mọi nơi, kể tội âm mưu dâng nước Nam Việt cho nhà Hán của mẹ con Cù Thị rồi đem binh vào cung giết sứ nhà Hán, Cù Thị và Ai Vương. Đoạn lập Kiến Đức, con trưởng của Minh Vương, có mẹ là người Nam Việt, lên ngôi. Đó là Triệu Dương Vương. Triệu Dương Vương lên ngôi được một năm thì Hán Vũ Đế sai Phục Ba tướng quân Lộ Bác Đức sang đánh. Triệu Dương Vương và Lữ Gia đều bị hại. Ở Thành phố Hồ Chí Minh (Sài Gòn trước đây) có một cư xá gọi là cư xá Lữ Gia.
Năm 111 trước TL, Hán Vũ Đế, sau khi lấy được nước Nam Việt bèn cải làm Giao Chỉ Bộ, chia làm 09 quận là:
1. Nam Hải ( Quảng Đông)
2. Hợp Phố ( Quảng Đông)
3. Thương Ngô ( Quảng Tây)
4. Uất Lâm ( Quảng Tây)
5. Châu Nhai ( Đảo Hải Nam)
6. Đạm Nhĩ ( Đảo Hải Nam)
7. Giao Chỉ (Bắc Việt và
8. Cửu Chân mấy tỉnh ở
9. Nhật Nam phía bắc Trung Việt)
Đó là cuộc diện lịch sử trước cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng.
Đến đây, ta có thể giải đáp một phần cho các câu hỏi trên. Nhà Triệu tồn tại được gần 100 năm, từ năm 207 tới năm 111 trước Tây lịch. Nhà Thục lập lên nước Âu Lạc, tồn tại được 50 năm, từ năm 257 tới 207 trước Tây lịch. Như vậy, thời Hai Bà Trưng đã cách thời các vua Hùng khoảng 150 năm. Tuy ảnh hưởng thời các vua Hùng vẫn còn (Sử vẫn nhắc Trưng Trắc là con quan Lạc Tướng Mê Linh) nhưng có lẽ cũng đã mờ nhạt phần nào. Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà không những là cuộc khởi nghĩa của nhân dân quận Giao Chỉ mà còn là của nhân dân của cả Giao Chỉ Bộ, nghĩa là của nước Nam Việt, chống lại lực lượng đô hộ của Hán tộc phương Bắc. Việt Nam Sử Lược ghi “Lúc bấy giờ,những quận Cửu Chân, Nhật Nam và Hợp Phố (Quảng Đông) cũng nổi lên theo về với Hai Bà”.
Như vậy, cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng không phải chỉ giới hạn trong quận Giao Chỉ (Bắc Bộ ngày nay) mà trên một phạm vi có lẽ rộng lớn hơn nhiều, trong cả vùng Hoa Nam ngày nay. Đó là lý do Hai Bà Trưng lấy quốc hiệu (?) là Lãnh Nam hoặc là lý do các nhà viết sử gọi lãnh thổ nước ta thời Hai Bà là Lãnh Nam. ”Lãnh Nam riêng một triều đình nước ta”.
Và, 65 thành trì bị chinh phục bởi Hai Bà không phải chỉ nằm trong phạm vi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mà có lẽ trong toàn lãnh thổ của nước Nam Việt, tức là trong phạm vi đất Bách Việt cũ.
Bản đồ thời nhà Tần xâm chiếm Âu Lạc ( Việt Nam Sử Lược-TTK)
Gần đây, một công trình nghiên cứu của Giáo sư-Bác sỹ Trần Đại Sỹ, công tác ở Bộ Y tế nước Cộng Hòa Pháp, nhân dịp đi công tác tại Trung quốc cho ta thấy một số di tích của cuộc khởi nghĩa của Hai Bà ở vùng Hoa Nam. Báo cáo của Bác sỹ Trần Đại Sỹ cho biết như sau:
Trong những năm 1978-1979, khi dẫn phái đoàn Ủy-ban y học Pháp-Hoa (CMFC) đi trao đổi tại các tỉnh cực Nam Trung-Quốc như Quảng-đông, Quảng-tây, Vân-nam, Quý-châu và Tứ-xuyên... tôi ( Trần Đại Sỹ) thấy khắp các tỉnh này, không ít thì nhiều đều có đạo thờ vua Bà. Nhưng tôi không tìm được tiểu sử vua Bà ra sao. Ngay những cán bộ Trung-quốc ở địa phương, họ luôn đề cao vua Bà, mà họ cũng chỉ biết lờ mờ vua Bà là người nổi lên chống tham quan. Khắp năm tỉnh, tôi ghi chú được hơn trăm đền, miếu thờ những tướng lĩnh thời vua Bà.
Bấy giờ tôi lại tìm thấy ở Hồ-nam, nhiều di tích về đạo thờ vua Bà hơn. Tại thư viện bảo tồn di tích cổ, tôi tìm thấy một cuốn phổ rất cổ, soạn vào thế kỷ thứ tám chép sự tích nữ vương Phật Nguyệt như sau:
« Ngày xưa, Ngọc-hoàng Thượng-đế ngự trên điện Linh-tiêu, có hai công chúa đứng hầụ. Vì sơ ý hai công chúa đánh vỡ chén ngọc. Ngọc-hoàng Thượng-đế nổi giận đầy hai công chúa xuống hạ giớị. Hai công chúa đi đầu thai được mấy ngày thì Tiên-lại giữ sổ tiên-giới tâu rằng có 162 tiên đầu thai xuống theo hai công chúa. Ngọc-hoàng Thượng-đế sợ công chúa làm loạn ở hạ giới, ngài mới truyền Thanh-y đồng tử đầu thai để theo dẹp loạn. Thanh-y đồng tử sợ địch không lại hai công chúa, có ý ngần ngừ không dám đi, Ngọc-hoàng Thượng-đế truyền Nhị thập bát tú đầu thai theo. Thanh-y đồng tử sau là vua Quang Vũ nhà Hán. Nhị thập bát tú đầu thai thành hai mươi tám vị văn thần võ tướng đời Ðông-Hán. Còn hai công chúa đầu thai xuống quận Giao-chỉ, vào nhà họ Trưng. Chị là Trắc, em là Nhị. Lúc Trưng Trắc sinh ra có hương thơm đầy nhà, thông minh quán chúng, có sức mạnh bạt sơn cử đỉnh, được gả cho Ðặng Thi-Sách. Thi-Sách làm phản, bị Thái-thú Tô Ðịnh giết chết. Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa, được 162 anh hùng các nơi nổi lên giúp sức, nên chỉ trong một tháng chiếm hết sáu quận của Trung-quốc ở phía Nam sông Trường-giang: Cửu-chân, Nhật-nam, Giao-chỉ, Quế-lâm, Tượng-quận, Nam-hảị Chư tướng tôn Trưng Trắc lên làm vua, thường gọi là vua Bà. Quang-Vũ nhà Hán sai Phục-ba tướng quân Tân-tức hầu Mã Viện. Long-nhương tướng quân Thận-hầu Lưu Long đem quân dẹp giặc. Vua Bà sai nữ tướng Phật Nguyệt tổng trấn hồ Ðộng-đình. Mã Viện, Lưu Long bị bạị. Vua Quang Vũ truyền Nhị thập bát tú nghênh chiến, cũng bị bại. Nữ vương Phật Nguyệt phép tắc vô cùng, một tay nhổ núi Nga-mi, một tay nhổ núi Thái-sơn, đánh quân Hán chết, xác lấp sông Trường-giang, hồ Ðộng-đình, oán khí bốc lên tới trời. Ngọc-hoàng Thượng-đế sai thiên-binh, thiên-tướng trợ chiến cũng bị bại. Ngài phải sai thần Du Liệt sang Tây phương cầu cứu Phật Như Lai. Ðức Phật sai mười tám vị Kim-cương, ba ngàn La-hán trợ chiến cũng bị bại. Cuối cùng ngài truyền Quán Thế Âm bồ tát tham chiến. Nữ vương Phật-Nguyệt với Quan-Âm đấu phép ba ngày ba đêm, bất phân thắng bại. Sau Quán Thế Âm thuyết pháp nữ vương Phật Nguyệt giác ngộ, bỏ đi tu.
Ta nhân ngày lành, viết lại chuyện xưa, xin dâng đôi câu đối:
Tích trù Ðộng-đình uy trấn Hán,
Phương lưu thanh sử lực phù Trưng
(Một trận Ðộng-đình uy trấn Hán
Tên còn trong sử sức phù Trưng).
Phương lưu thanh sử lực phù Trưng
(Một trận Ðộng-đình uy trấn Hán
Tên còn trong sử sức phù Trưng).
Bỏ ra ngoài những huyền thoại về Nữ-vương Phật-Nguyệt, tài liệu chứng minh: Đạo thờ vua Bà tại năm tỉnh Nam Trung-quốc là di tích của lòng tôn kính thờ anh hùng dân tộc của tộc Việt trên lãnh thổ cũ của người Việt còn sót lại. Vua Bà mà người Trung-hoa thờ như một thứ tôn giáo, chính là vua Trưng.
Huyền sử (những cuốn phổ) nói rằng: Khi bà Trưng Nhị cùng các tướng Trần Năng, Phật Nguyệt, Trần Thiếu-Lan, Lại Thế-Cường đánh Trường-sa vào đầu năm Kỷ-Hợi (39 sau Tây-lịch). Trong trận đánh này, nữ tướng Trần Thiếu-Lan tử trận, được mai táng ở ghềnh sông Thẩm-giang. Thẩm-giang chính là đọan sông ngắn ở Bắc, tiếp nối với hồ Động-đình. Một cuốn phổ khác, chép vào thời Nguyễn nói rằng: Các sứ thần triều Lý, Trần, Lê khi qua đây đều có sắm lễ vật đến cúng miếu thờ bà Trần Thiếu-Lan. Năm 1980 tôi đến đây tìm hiểu. Không khó nhọc tôi tìm ra trong cuốn địa phương chí, do sở du lịch Trường-sa cấp, một đoạn chép:« Miếu thờ liệt nữ Trần Thiếu-Lan ở đầu sông Tương. Hồi cách mạng văn hóa bị phá hủy. Tượng đồng bị nấu ra. Vệ binh đỏ phá luôn cả bia đá ».
Tôi tìm tới nơi, thì miếu chỉ còn lại cái nền bằng đá ong, mộ vẫn còn.
Tôi tìm tới nơi, thì miếu chỉ còn lại cái nền bằng đá ong, mộ vẫn còn.
Vậy,thời Lĩnh-Nam quả có việc Trưng Nhị, Trần Năng, Hồ Đề, Trần Thiếu-Lan, Lại Thế-Cường đánh trận Trường-sa. Trong trận, nữ tướng Trần Thiếu-Lan tuẫn quốc. Khi có trận đánh này, thì lãnh địa thời Lĩnh-Nam quả gồm có hồ Trường-sa, hồ Động-đình “.
Trong dịp hè năm 1982, Bác sỹ Trần Đại Sỹ cầm đầu phái đoàn CMFC sang Vân-Nam, Trung-quốc, để nghiên cứu về một giống trà có khả năng trị tuyệt chứng Cholestérol, Triglycéride. Nhân dịp này, ông cất công tìm kiếm các sử liệu về trận Bồ Lăng của quân Hai Bà với quân Hán.
Phái đoàn gồm:Trưởng-đoàn: Bác-sĩ Trần Ðại-Sỹ, Thành viên: Bác-sĩ Pascale Vareilla (Biologie), Claude Tarentino (Anatomie), Antonio Fernandes (Cardiologie). Các dược sĩ: Valérie Cordinante, Jean Marie Limager. Kỹ sư canh nông Antoine Reynault, và một diễn viên điện ảnh Hương-cảng.
Trong chương trình phái đoàn chỉ công tác tại các vùng thuộc Vân-Nam như: Chiêu-dương, Đông-xuyên, Khâu-bắc, Nguyên-dương, Bảo-sơn, Điền-Bắc, Côn-minh; rồi dùng phi cơ từ Côn-minh trở về Paris. Nhưng khi tới Đông-xuyên, giáo sư Trần Đại-Sỹ tìm ra dấu vết cuộc chiến giữa quân vua Trưng và quân Hán, mà không rõ ràng cho lắm. Ông dẫn phái đoàn trở lại Côn-minh, sau khi thảo luận với giáo-sư sử học Đoàn Dương của đại học Văn-sử, được giáo sư Đoàn cho biết: "Trong truyền thuyết dân gian nói rằng hồi đầu thế kỷ thứ nhất có trận đánh giữa quân vua Bà với quân Hán tại Bồ-lăng. Nay Bồ-lăng nằm trên lãnh thổ Tứ-xuyên, chỗ ngã ba sông Trường-giang và Ô-giang." Thế là giáo sư Trần Đại-Sỹ đề nghị phái đoàn dùng đường thủy về Hồ-Nam, sau đó đáp phi cơ từ Hồ-Nam ra Hương-cảng, rồi đi Paris.
“Trên đường từ Độ-khẩu (Vân-Nam) đi Hồ-Nam, sẽ qua... Bồ-lăng. Thế là phái đoàn dùng tầu đi từ Độ-khẩu theo Kim-sa-giang (Trường-giang) qua Nam-khê, Giang-tân, Trùng-khánh, tới ngã ba sông Ô-giang, Trường-giang thì gặp bến Bồ-lăng. Tại đây tôi (Trần Đại Sỹ) được sở du-lịch chỉ cho xem miếu thờ ba vị thần, tướng (Chiêu Hiển, Đô Thống , Tam Lang) của vua Bà, tử trận trong trận Bồ Lăng. Nhưng họ không biết tên vua Bà cùng ba vị tướng. Cả vùng này có đạo thờ vua Bà (lên đồng). Hồi trước 1949 rất thịnh. Sau cách mạng Văn-hóa (1965-1967) miếu được cấp cho dân chúng ở. Hỏi hướng dẫn viên du lịch về vua Bà, họ chỉ cho biết vua Bà là người nổi lên chống tham quan thời Hán. Tôi đến thăm miếu. Miếu khá lớn, chủ hộ ở trong miếu trước đây là cán bộ Văn-hóa Bồ-lăng. Trước miếu có nhiều câu đối, nay chỉ còn lại có ba. Ông chủ hộ khoe rằng để bảo tồn di tích văn hóa, hằng năm ông phải mua sơn tô chữ cho khỏi mất:
Khẳng khái, phù Trưng, thời bất lợi,
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết... can vân.
Nghĩa là:
Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây.
Ðoạn trường, trục Ðịnh, tiết... can vân.
Nghĩa là:
Khẳng khái phù vua Trưng, ngặt thời của Ngài không lâu.
Ðuổi được Tô Ðịnh, nhưng đau lòng thay, phải tự tận, khí tiết ngút từng mây.
Tôi xin vào trong miếu xem, thì bệ thờ nay là nơi vợ chồng ông nằm ngủ. Hai bên bệ cũng có đôi câu đối.
Giang-thượng tam anh phù nữ chúa,
Bồ-lăng bách tộc khốc thần trung.
Nghĩa là:
Trên sông Trường-giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa.
Tại bến Bồ-lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.
Bồ-lăng bách tộc khốc thần trung.
Nghĩa là:
Trên sông Trường-giang, ba vị anh hùng phò tá nữ chúa.
Tại bến Bồ-lăng, trăm họ khóc cho các vị thần trung thành.
Ông chủ hộ thì cho rằng bách tộc là toàn dân Trung-quốc. Tôi giảng cho ông nghe về sự tích trăm con của Quốc-tổ, Quốc-mẫu. Vì vậy chữ bách tộc đây để chỉ người Việt. Ông thích lắm. Ông chỉ vào khoảng trống của hai cái cột thuật rằng trước kia cũng có đôi câu đối, nhưng bị lạc mất. Ông đề nghị tôi làm một đôi khác thay thế. Tôi nhờ hướng dẫn viên du lịch mua giùm hai hộp sơn. Một hộp sơn đỏ loại láng và một hộp loại thiếp vàng. Ông với tôi sơn cột mầu đỏ. Chiều hôm đó sơn đỏ khô, tôi trở lại viết bằng sơn thiếp vàng đôi câu đối có sẵn tại đền thờ ba ngài ở thôn Ngọc-động, huyện Gia-lâm, Hà-nội:
Tái Bắc tức chinh trần, công cao trục Định,
Bồ-lăng dương nộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng.
Nghĩa là:
Ải Bắc yêu gió bụi can qua, công cao đuổi Tô Định.
Bồ-lăng nổi ba đào, nghĩa nặng phù vua Trưng ... ”
Bồ-lăng dương nộ lãng, nghĩa trọng phù Trưng.
Nghĩa là:
Ải Bắc yêu gió bụi can qua, công cao đuổi Tô Định.
Bồ-lăng nổi ba đào, nghĩa nặng phù vua Trưng ... ”
Nếu các tài liệu trên là khả tín thì ta thấy các trận đánh của quân Hai Bà với quân Hán không phải chỉ diễn ra trong phạm vi quận Giao Chỉ mà trên cả một vùng Hoa Nam và triều đại Trưng Vương không chỉ riêng của Việt Nam mà đã để lại một dấu ấn sâu sắc cho cả một vùng Bách Việt rộng lớn. Mong rằng các nhà Sử học Việt Nam , nếu có điều kiện đi thực địa tại vùng Hoa Nam, Trung quốc, sẽ có những nghiên cứu tường tận hơn để làm rạng tỏ một trang sử oanh liệt của đất nước.
Nguyễn Trần Trác
Tài liệu tham khảo
- Việt Nam Sử Lược. Trần Trọng Kim.Trung Tâm Học Liệu.Bộ Giáo Dục Sài Gòn. 1971
- Việt Sử Yếu. Hoàng Cao Khải. Dịch giả Lê Xuân Giáo.Ủy ban dịch thuật Sài Gòn.1970.Nhà xuất bản Nghệ An tái bản.2007
- Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca.Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ.Nhà xuất bản Văn Học - 2009
- Tài liệu của GS-BS Trần Đại Sỹ.Bộ Y Tế Cộng Hòa Pháp - 1982.
- Việt Sử Yếu. Hoàng Cao Khải. Dịch giả Lê Xuân Giáo.Ủy ban dịch thuật Sài Gòn.1970.Nhà xuất bản Nghệ An tái bản.2007
- Đại Nam Quốc Sử Diễn Ca.Lê Ngô Cát và Đặng Huy Trứ.Nhà xuất bản Văn Học - 2009
- Tài liệu của GS-BS Trần Đại Sỹ.Bộ Y Tế Cộng Hòa Pháp - 1982.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét