Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Mối tình của vua Hùng thứ 7 với thần nữ Tam Đảo


Mối tình của vua Hùng thứ 7 với thần nữ Tam Đảo

(Thâm cung bí sử) - Thời đại Hùng Vương dựng nước là thời kỳ mở ra những trang đầu tiên của lịch sử Việt Nam, là buổi bình minh của dân tộc nhưng đó là một buổi bình minh huy hoàng, là ngọn nguồn của những tinh hoa, truyền thống tốt đẹp và trong đó không thể không nhắc tới chuyện muôn thuở của con người đó là tình yêu nam nữ. 
Ngoài mối tình nguyên khởi giữa Thủy Tổ Kinh Dương Vương với Thủy Tổ Quốc Mẫu Thần Long Nữ và duyên kỳ ngộ giữa Quốc Tổ Lạc Long Quân với Quốc Mẫu Âu Cơ, còn có một mối tình tuyệt đẹp của chàng Lang Liêu với cô gái núi Tam Đảo.
Từ chàng hoàng tử nghèo trở thành vua Hùng thứ 7
Trong truyền thuyết cũng như trong các bộ sử cũ đều chép rằng mở đầu nước ta là các đời vua đều có chung hiệu Hùng Vương. Theo các nhà nghiên cứu, tên gọi Hùng Vương gồm hai thành tố khác nhau.
Thành tố thứ nhất là “Hùng”, đây là từ phiên âm Hán Việt của một từ Việt cổ có ngữ âm và ngữ nghĩa gần với từ Khun trong tiếng Thái, Kun (Lang Kun) trong tiếng Mường, Khunzt trong tiếng Munđa…; những từ này đều có nghĩa là thủ lĩnh, tù trưởng, người đứng đầu.
Thành tố thứ hai là “vương”, đây là từ do người đời sau thêm vào khi nói về người đứng đầu, thủ lĩnh của các nước nếu không là đế thì cũng là vương. Có ý kiến còn cho rằng “vua Hùng” có âm cổ là Pò Khun, có nghĩa là bố các thủ lĩnh.
Như vậy, Hùng Vương theo nghĩa chung là từ để gọi vị thủ lĩnh đứng đầu nhà nước sơ khai, nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam.
Tuy nhiên không phải có 18 đời vua Hùng như nhiều người vẫn nghĩ mà là 18 ngành, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một ngành mới đặt vương hiệu mới.
Bên cạnh đó thời gian trị vì cũng như tuổi thọ của một vị vua có thể hiểu là tuổi của nhiều đời vua và số năm trị vì của nhiều đời vua thuộc một ngành cộng lại.
Vị vua mở đầu ngành thứ 7 (chi Khôn) là Hùng Chiêu Vương (tức vua Hùng thứ 7); các triều đại sau này, để tôn vinh và bày tỏ sự sùng kính, ngưỡng vọng tổ tiên đã suy tôn các vua Hùng từ vương hiệu lên đế hiệu.
Theo “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng” được sao chép lại năm Canh Tý (1600) thì đế hiệu của vua Hùng thứ 7 là: “Hùng Chiêu Vương Minh Tông Thần Công Hoàng đế”.
Hùng Chiêu Vương tên thường gọi là Lang Liêu, hay Lang Liêu Lang; còn có tên khác là Quốc Lang, là con trai thứ của Hùng Hồn Vương (chi thứ sáu). Chuyện ông được thừa kế ngôi vua được truyền thuyết, dã sử kể lại qua câu chuyện “Bánh chưng, bánh dày” và được nhiều sách vở ghi chép lại.
Trong “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” có chép như sau: “Khi Hùng Vương thứ 6 đã phá tan giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, vua gọi 22 vị hoàng tử lại mà bảo rằng:
Ta muốn truyền ngôi cho người con nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dân cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.
Các hoàng tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiều mà kể.
 Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu.
Đền thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu.
Duy có hoàng tử thứ 9 (có sách chép là 18) tên là Lang Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà qua đời rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên. Một hôm, Lang Liêu mộng thấy thần nhân bảo rằng:
Trong trời đất không có vật gì quý bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được.
Nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, ngụ ý cái ơn trời đất phát dục vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.
Lang Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng mà nói rằng:
- Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm.
Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dày.
Đúng kỳ, Hùng Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thứ gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu. Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo.
Vua thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các hoàng tử khác không sao hơn được. Vua khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liêu được giải nhất.
Năm hết, Hùng Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu.
Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; 21 anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố. Về sau, họ hàng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kính bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thuỷ từ đấy vậy”.
Thế rồi từ đấy, cứ vào ngày lễ tết, vua Hùng thường đem bánh chưng, bánh dày dâng cúng lên tổ tiên, người dân cũng bắt chước làm theo và dần trở thành một phong tục đẹp lưu truyền đến tận ngày nay.
Do hai loại bánh thường có trong dịp Tết nên được gọi là Tiết Liệu để ghi nhớ đến Lang Liêu, người làm ra bánh. Theo Hán tự, chữ “tiết” viết gần giống chữ “Lang”, chữ “liệu” âm gần giống chữ “Liêu”; từ đó về sau Tiết Liệu là từ dùng để chỉ chung các loại đồ ăn trong ngày Tết.
Câu chuyện “Bánh Chưng, bánh Dày” còn nói lên nền triết lý bao la như trời đất nhưng lại gần gũi và cụ thể như miếng ăn; đặc biệt trong đó còn thể hiện thế giới quan về vạn vật, về “Tam tài”: Trời, đất, người.
Lang Liêu nối ngôi, trở thành vị vua đầu tiên của ngành thứ 7. Trong số các bản Ngọc phả, Thần tích về các đời vua Hùng còn được lưu truyền đến ngày nay thì bản Thần tích xã Vi Cương (Phú Thọ) ghi chép khá rõ về các đời vua với những thông tin thú vị liên quan. Phần viết về vua Hùng thứ 7 có nguyên văn như sau:
“Hùng Chiêu Vương (chi thứ bảy), tên húy là Quốc Lang, ở ngôi 200 năm, thọ 692 tuổi. Sinh ngày mồng 10 tháng 10 năm Tân Dậu, mất ngày 15 tháng 7 ở điện trung. Vua lấy bà Ngọc Tiêu ở núi Tam Đảo, lập làm hoàng phi. Sinh con trưởng là Ninh Vương, truyền được 5 vương cai trị.
Hùng Chiêu Vương có 61 cung phi, sinh được 23 hoàng tử, 36 công chúa; hoàng tôn miêu duệ gồm 59 chi, sinh 750 cháu chắt. Bấy giờ vua cai trị, thiên hạ thanh bình, chư hầu phục tùng, dân không cướp trộm, không thu thuế, dân đinh mỗi suất nộp tiền 36 văn nhập vào công khố”.
 Tượng thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu
Tượng thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu
Đoạn ghi chép ở trên có thể hiểu là ngành vua Hùng thứ 7 với Lang Liêu là người mở đầu, nối truyền được 6 đời đều lấy hiệu là Hùng Chiêu Vương, số năm ở ngôi và tuổi thọ là của các đời vua gộp lại.
Trong số những người vợ của Hùng Chiêu Vương, nổi bật nhất là Ngọc Tiêu, giữa vua và bà có một mối tình diễm lệ.
Chuyện tình đẹp và những nghi thức trong hôn lễ thời Hùng Vương
Trong phong tục hôn lễ thời Hùng Vương, xuất phát từ đặc trưng của nền văn hóa mà các nghi thức, lễ tiết có những nét rất độc đáo, đặc biệt là những biểu trưng cầu chúc cho quan hệ vợ chồng mãi mãi vững bền, hạnh phúc.
Điều này được thể hiện qua một số tục lệ với ba lễ chính. Thứ nhất là Lễ dạm: Trong lễ này, vật phẩm không thể thiếu là gói muối hoặc nắm đất. Nắm đất vừa là vật tượng trưng cho quê hương, nguồn cội, là lời nguyền gắn bó với đất đai, làng xóm, vừa là hương liệu (đất hun).
Còn gói muối là lời chúc cho tình nghĩa của đôi trai gái mặn mà, đằm thắm, thuỷ chung; muối còn là gia vị cần thiết cho đời sống con người. Tiếp đó là Lễ rước dâu: Trong nghi thức rước dâu có tục ném bùn đất, hoa quả vào chú rể.
Có lẽ tục này có ý nghĩa thử thách và cầu mong chú rể gặp may mắn, gặt hái thành quả cao trong lao động để tạo dựng đời sống gia đình tốt đẹp, hạnh phúc.
Ngày hội làng ở các xã Vân Luông (huyện Phù Ninh) và Chu Hóa (huyện Lâm Thao) của tỉnh Phú Thọ có diễn lại tích Sơn Tinh rước Ngọc Hoa về núi Tản, người ta ném đất đá vào người đóng vai Sơn Tinh.
Ở nhiều đám cưới của người Mường thời cận đại vẫn giữ nguyên phong tục cổ truyền này, ném bùn đất, hoa quả vào chàng rể. Kết thúc là Lễ thành thân: Khi làm lễ thành thân còn có tục cô dâu, chú rể ăn chung với nhau một đĩa cơm nếp, uống chung một chén rượu.
Ý nghĩa của tục này cũng là cầu chúc cho hai vợ chồng luôn gắn bó với nhau, dính nhau như dính cơm nếp và say mê nhau như say rượu. Tục ăn cơm nếp trong ngày cưới hiện còn thấy ở đám cưới người Mường và một số dân tộc thuộc khu vực Tây Nguyên.
Cuộc gặp gỡ giữa vua Hùng thứ 7 và nàng Ngọc Tiêu ở núi Tam Đảo được Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng chép như sau: “Xã tắc yên vui, triều đình yên tĩnh. Vua nghiệm thấy lý trời thực huyền vi nên để lòng sùng trọng, càng ngày càng đôn đốc tu sửa tâm tính bản thân.
Bấy giờ cảnh trời mát mẻ, vạn vật tươi màu, khắc thành hồng tía đu kheo, sắc xuân đẹp đẽ, quần thần dâng lời, nói rằng:
- Nghe đồn ở núi Tam Đảo có nhiều nàng tiên tụ hội! Vua vốn trọng việc quỷ thần thì nên một lần đến đó ngoạn thưởng.
Vua bèn khởi hành xa giá đi xem phong cảnh. Xe loan tới nơi, vua thấy núi non như gấm vóc, lâu đài thiên tầm trùng điệp, khe biếc ngòi xanh, sóng nước nhè nhẹ nối nhau, cảnh trí phong quang, có hoa ngào ngạt, đầu núi lô nhô, có bạch long giáng khí, xưa lập chùa gọi là Tây Thiên.
Vua cho dựng đàn, rồi chỉnh biện lễ chay, sau quần thần dâng lễ đứng chầu. Vua làm lễ bái yết, mở trường công đức ở chùa, sớm đảo tối cầu, qua bảy ngày bảy đêm, nam nữ bốn phương tập hợp cùng vui vẻ đến đây chiêm ngưỡng, chim trong rừng nghe đến kinh, cá dưới nước đến nghe giảng kệ.
Công đức viên thành. Vua ngự trên suối Thạch Bàn để xem cảnh tiên, bỗng thấy điện vũ huy hoàng, khói mây óng ánh, mây rồng bốn phía tựa như lâu đài Tây Trúc mênh mang, một bầu sơn thủy, bèn mật khấn với trời, sai bách quan văn võ đứng chầu trang nghiêm. Vua yết lễ, khấn rằng:
- Xin trời giáng thần tiên để được gặp gỡ, thực vui sướng ba đời!
Khấn xong, vua bái tạ trời. Sau ba ngày không gặp tiên, vua bồi hồi trong lòng không biết làm sao. Vua lại ngự đến long đầu, đứng nhìn tiên đàn, kiên trì cầu đảo. Đêm ấy mơ thấy thần linh mách bảo rằng:
Trên núi có nàng tiên,
Chưa gặp chớ buồn phiền.
Phía Đông có người đợi,
Đón thiếp về làm phi.
Vua được vị thần ban cho bốn câu thơ, phản giá trở về ngự dưới chân núi, thấy một người đẹp phong tư diễm lệ, cốt cách thanh tú, đứng bên cạnh điện Cẩm Miếu xem vua ngự. Vua thích sắc đẹp của nàng, có ý muốn lấy làm vợ. Khi về cung, vua hỏi rằng:
- Nhà nàng ở đâu?
Nàng đáp:
- Thiếp là người tiên, giáng sinh ở Đông Lộ, làm con gái ông trưởng giả, mấy năm ở nơi nhà tranh, vịnh sử ngâm kinh, giữ ngọc gìn vàng để đợi người anh hùng.
Nghe thấy bệ hạ khởi giá chơi chùa Tây Thiên, thiết lập đàn trường để chí cầu tiên, thiếp chẳng quản đường xa đến xem, may nhờ duyên trời định trước nên được gặp quân vương. Nguyện xin chầu trực trong trướng, ngõ hầu không phụ ước tam sinh.
Vua nghe nàng nói, biết đây là trời ban thần tiên cho mình, bèn sai quần thần sửa sính lễ, nhanh chóng đưa đến Đông Lộ cho nhà ông trưởng giả, rồi trở về đô ấp Phong Châu, lập làm vương phi chính thất.
Chưa đến một năm, lúc ấy nàng Ngọc Tiêu mang thai, sinh được một nam, tư chất thông minh, tài giỏi vượt trội. Đến tuổi gia quan, vua lập làm Hoàng thái tử để nối theo quốc thống, đặt tên hiệu là Hùng Vĩ Vương. Về sau, vua và Hoàng phi, do có tiên thuật, hưởng nước 200 năm, tuổi thọ sánh với Bành Tổ, Kiều Tông, hóa sinh bất diệt”.
Trong “Hi Cương xã thần tích” còn gọi là “Cổ Việt Hùng thị nhất thập bát thể thánh vương ngọc phả cổ truyền” cũng cho biết: “Hùng Chiêu Vương:
Buổi đầu tiên nối ngôi nghiêm khắc, chuyên về chính trị. Bãi bỏ khí giới, không dùng việc quân binh. Chăm lo sức dân, chăm sóc nền giáo hoá để mở mang trí tuệ. Đúc kiếm báu (Thiên linh kiếm), ấn báu (Thiên linh ấn) làm báu vật của quốc gia để giữ yên xã tắc vững bền mãi mãi.
Lập đàn ở núi Tam Đảo, đến chùa Tây Thiên mở hội 7 ngày, 7 đêm để cho trai gái bốn phương dự hội vui. Lại đến chùa Phù Nghì lập vọng Tiên đàn cầu trời đất, mong được gặp Tiên.
Trên đường trở về, gặp được nàng Ngọc Tiêu, con gái nuôi của vị Trưởng ông thôn Đông Lộ rồi kết duyên, sinh ra Hùng Vĩ Vương, lập làm con trưởng.
Sách “Truyền thuyết Hùng Vương” có thêm những chi tiết khác về mối tình này. Bấy giờ trên núi Tam Đảo có một người con gái ít tuổi, khoẻ mạnh, che thân bằng vỏ cây, làm lều ở trên cây, đi lại truyền nhảy nhanh như con sóc, nhẹ như vượn, nhặt đá ném thú rừng và chim muông mà sống.
Giặc Ân sang cướp nước ta, thế giặc rất mạnh. Vua Hùng cho sứ đi các trang động trong nước cầu người ra dẹp giặc.
Người con gái xuống núi về chầu vua, xin được đi đánh giặc. Ra trận chỉ lấy đá mà ném, giết được nhiều giặc, đánh với giặc nhiều trận ở ngay cửa ngõ thành Phong Châu, ngã ba Bạch Hạc (nay thuộc là địa phận huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc).
Khi tan giặc, người con gái lại trở về núi. Vua Hùng thứ 6 truyền ngôi cho Lang Liêu là người con thứ 18 đã làm bánh chưng, bánh dầy dâng vua ngày tết. Lang Liêu lên ngôi, nghe dân gian đồn rằng núi Tam Đảo có tiên nữ rất xinh đẹp, bèn lên núi cầu mong gặp tiên.
Chờ mãi chưa thấy bóng tiên, vua đã nản lòng hạ lệnh cho quan quân sớm hôm sau phò giá về triều. Đêm đó, vua thấy thần báo mộng sáng mai sẽ được gặp tiên và vua sẽ lấy tiên làm vợ. Vua tỉnh giấc thấy bồn chồn.
Trăng sao sáng ngời nhưng vua vẫn truyền thắp đèn đốt đuốc, chờ đón và cho quan quân lui xuống chân núi để khỏi kinh động. Mãi tới khi mặt trời đứng bóng, chợt thấy một người con gái từ xa đi đến, mình mặc vỏ cây, vai vác một con thú rừng máu rỏ đỏ tươi.
Người con gái đặt con thú xuống chân vua và cất lời chúc mừng nhà vua. Vua nhìn ngắm thấy người con gái ấy đúng là cô gái trước đã theo cha đánh giặc Ân. Người con gái đứng trước mặt vua, mắt sáng long lanh, gương mặt tươi tắn đỏ hồng, vóc dáng xinh đẹp, khoẻ mạnh. Vua rất đẹp lòng, đón về kinh đô cưới làm vợ.
Cô gái núi Tam Đảo thường được gọi tên là Ngọc Tiêu, hiện vẫn có đền thờ tại Tam Đảo, bà được tôn phong làm Tam Đảo Sơn trụ quốc mẫu Đại vương Thái phu nhân.
Theo quan niệm âm dương thì thần núi Tản Viên thuộc dương tính còn thần núi Tam Đảo mang âm tính.
Điều này bắt nguồn từ quan niệm của người Việt cổ ở vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng - nơi nằm giữa hai ngọn núi Tam Đảo và Tản Viên, hai ngọn núi này được coi như núi cha - Tản Viên, núi mẹ - Tam Đảo, trấn ngự vùng trung châu thổ của đất nước.
Vì thế, thần núi Tam Đảo là nữ thần, khác với các thần núi nơi khác là nam thần.
Theo truyền thuyết địa phương, bà quê thôn Đông Lộ (thuộc xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay). Phụ mẫu thân sinh của bà là ông Lăng Vĩ và bà Đào Liễu. Khi đã hơn 40 tuổi vẫn chưa có con, ông bà Lăng Vĩ lên cầu tự ở núi Tam Đảo mà sinh ra bà và đặt tên là Lăng Thị Tiêu.
Lớn lên bà rất xinh đẹp, lại đức độ thông minh có tài thao lược. Bà đã giúp vua Hùng đánh giặc Ân, vua ban cho chức tước, nhưng bà từ chối không nhận mà lại về quê Đại Đình để phụng dưỡng cha mẹ. Về già bà tạ thế và được phong làm Thượng đẳng phúc thần, hiệu là Tam Đảo Sơn trụ quốc mẫu.
Còn người dân thường gọi bà là Quốc Mẫu Tây Thiên và trong hệ thống đạo Mẫu, bà cũng là một thánh nữ được thờ phụng
Theo thần tích ở đền Tam Đảo, bà họ Lăng tên là Tiêu, còn gọi là bà Cẩm Giang, người thôn Đông Lộ vốn do khí núi linh thiêng mà sinh ra không phải người thường thoát ẩn, thoắt hiện thiêng liêng khắp mọi nơi.
Bao đời nay, các triều đại phong kiến từ Đinh, Lý, Trần, Lê đều sắc phong Người là: Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu Tối Linh Đại Vương, hàng năm cử các quan đại thần lên cúng tế.
  • Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét