Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Sự tích một câu ca dao


Sự tích một câu ca dao


ANTĐ - Truyện kể rằng: Ngày ấy, người con gái duy nhất của Thục Phán An Dương Vương đã quá tuổi cập kê. Nàng Mỵ Châu đẹp nghiêng nước nghiêng thành, nhưng chưa chịu lấy ai. Vua rất nóng ruột. Một hôm, An Dương Vương gọi con gái đến.

- Con gái yêu quý của cha! Cha đã già rồi, mẹ con mất đã lâu, cơ nghiệp họ Hùng... Cha gánh vác thì...
Mỵ Châu vội quỳ xuống
- Thưa cha, con hiểu! Phải chăng cha định nhắc đến chuyện thành thân của con?
- Phải lắm con gái ạ! Bao người đã đánh tiếng; bao chàng trai đã cầu hôn. Tướng quân Đức Trung vẹn toàn, tướng Long Hổ đầy quả cảm, con trai tể tướng giàu có... con đều không ưng ai. Con còn băn khoăn nỗi gì?
- Thưa cha, họ dũng mãnh nơi chiến địa; họ trung nghĩa vẹn toàn với cha. Nhưng... nhưng con thấy họ đều... đều...
- Sao? Con bảo sao?
- Họ cục mịch, thô kệch... thế nào ấy cha ạ!
- Trời ơi! Con gái rượu của ta! Ở đất Âu Lạc này con kiếm đâu ra những người hơn thế? Họa có tìm nơi đất Tần, đất Sở mới có...
Mỵ Châu quay ngoắt lại, ôm lấy tay áo cha;
- Cha hiểu đúng ý con rồi! Con muốn vượt ra ngoài biên giới, con muốn thử sức đua chen với công chúa các nước, con muốn...
- Thôi thế thì cha hiểu... Cha hiểu rồi! Sao con không nói sớm cùng cha?
Mỵ Châu cúi đầu e thẹn. An Dương Vương hùng dũng bước quanh điện:
- Cha cũng đang muốn mở rộng bang giao, bắt tay với các cường quốc. Cha muốn xây dựng Âu Lạc này thành một nước giàu có. Ngặt một nỗi dân ta ít, đất ta hẹp, nước ta nghèo. Muốn vươn lên chắc phải nhờ đến các nước mạnh như Tần, Nam Việt con ạ. Họ sẽ hòa hiếu với ta, họ sẽ giúp ta. Kỹ nghệ ư? Họ sẵn; Người giỏi ư? Họ có! Vậy con phải giúp cha, cha cũng sẽ cho con thảo ý mình!
Mỵ Châu ửng hồng đôi má, mắt long lanh:
- Nhưng mà để chọn người...
- Được rồi, được rồi! - An Dương Vương nắm chặt vai con gái lắc mạnh.
*
Buổi thiết chiều hôm sau, tại cung điện trung tâm Loa Thành, An Dương Vương ngự trên Long Ngai rực rỡ ánh vàng, Người giơ tay phán:
- Hỡi các đại thần! Ta muốn hòa hiếu, bang giao với Tần, với Triệu, các khanh nghĩ sao?
Tướng quân Cao Lỗ bước ra:
- Muôn tâu! Tần là nước lớn, đã từng giao tranh với ta, bang giao với họ là phải. Triệu là nước mạnh, họ lại ở gần ta. Ta và Triệu đã qua hai lần giao chiến tàn khốc, kéo dài gần 10 năm. Ta lo đắp Loa Thành, sức dân đã cạn, sức quân đã mệt... Hòa hiếu bây giờ là đúng lúc, là tốt ạ!
- Hay lắm! Các khanh có ý kiến gì khác không?
- Vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế!
An Dương Vương cười lớn và đứng dậy:
- Ta muốn cử sứ giả tài giỏi sang thuyết phục Triệu Đà. Nói rõ lòng ta cho họ hiểu. Từ nay hai nước sẽ vĩnh viễn hòa hiếu, không giao tranh, không lấn đất. Trong số các con trai của Triệu Đà, các khanh hãy chọn lấy một người toàn mỹ để ta gả con gái Mỵ Châu cho họ!
- Trời ơi! Cao Lỗ vội quỳ xuống - Muôn tâu! Công chúa chúng ta lá ngọc cành vàng, là người con duy nhất của quân Vương, gả đi sứ người, thần e rằng...
- Không sao, không sao! Công chúa rất muốn như vậy, khanh khỏi lo!
Một vài tiếng thở dài trong đám đại thần; một vài vị lắc đầu, nhìn nhau.
An Dương Vương cao giọng:
- Các khanh! Ta còn muốn họ giúp ta xây dựng Âu Lạc phồn thịnh. Cách làm ăn, buôn bán, lối phòng thủ quân cơ, kỹ nghệ làm vũ khí... Hà, hà... ta lớn mạnh bằng chính tài trí, sức lực của họ! ha... ha... Bãi triều!
Và, chuyện đi sứ, chuyện Mỵ Châu lấy Trọng Thủy nhanh chóng diễn ra. Thật xuôi chèo, mát mái.
Chuyện kể rằng: Từ ngày sang làm dâu xứ người, Mỵ Châu gặp muôn nỗi nhọc nhằn. Khó khăn thứ nhất mà nàng vấp phải là ngôn ngữ. Giao tiếp hàng ngày nàng chỉ quanh quẩn với mấy thị nữ mang từ Âu Lạc sang. Nàng chẳng dám đi đâu xa. Ra phố, bất chợt gặp nàng, dân nước Nam Việt tròn mắt nhìn nàng như đàn chèo bẻo ngắm con công lạ hoắc. Kế đến là khí hậu ở nhà giữa đất Loa Thành mưa thuận gió hòa, bốn mùa, với muôn hoa, ngàn trái. Lúc nào làn da của nàng cũng mát như thạch, mịn như lụa. Ở đây, Thủ đô Phiên Ngung cũng đầy sông đầy suối, hoa lá... Nhưng mùa rét thì thật là quái ác. Nàng quấn mình trong nhung lụa, người dày lên như cỗ kiệu tay, da nàng khô khốc trong gió bấc. Rồi còn phong tục, tập quán nữa, muôn vàn điều khó xử. Triều đình nhà Triệu đang muốn tranh bá, đồ vương với nhà Tần ở phương Bắc. Họ tự đặt ra muôn vàn nghi lễ khắt khe. Từ ăn, ở, đi lại, bẩm thưa... nhiều khi nàng như không chịu nổi cái nguýt cháy thịt của công chúa, cung tần nhà Triệu.
Nhưng nỗi đau khổ nhất đối với nàng là về người chồng - Trọng Thủy. Vốn được nuông chiều từ nhỏ, Trọng Thủy lớn lên trong buông thả, chơi bời và trâng tráo... Bọn nịnh thần luôn gần gũi với anh ta. Suốt ngày đàn hát, đùa giỡn với cung nữ; về đến cung, anh ta nhìn nàng với con mắt khinh khỉnh. Nhiều đêm, cung của nàng lạnh như nhà gái góa. Gió đập phành phạch vào cánh cửa để ngỏ như giã vào tim nàng.
Ba năm sống như thế, Mỵ Châu héo đi trong tủi hờn. Nhưng biết trách ai? Có lẽ chỉ có một người duy nhất ở Triều đình nhà Triệu thông cảm và thương xót cho cảnh của nàng. Đó là tể tướng Lữ Gia. Ông là người nhân hậu, trung thực. Khi đón nàng về làm dâu Nam Việt; ông ta đã tấu với Triệu Vương nên để Trọng Thủy sang ở rể Âu Lạc. Một là để rèn giũa Hoàng tử, hai là cũng để tỏ lòng hòa hiếu của nhà Triệu. Nhưng Trọng Thủy nào có nghe? Tể tướng quyền uy cũng chịu lép trước con vua ngỗ ngược. Luật pháp cũng chẳng là gì dưới con mắt của các quý tử con vua, cháu chúa. Những khi thấy Mỵ Châu lướt qua như chiếc bóng, ông bất giác thở dài.
Một ngày kia, nhớ ngày giỗ mẹ, Mỵ Châu mạnh dạn bẩm với thừa tướng Lữ Gia. Việc đến tai Triệu Vương. Ông ta giật mình tự hỏi: Sao 3 năm rồi mà con dâu không chửa đẻ gì? Phải chăng khí hậu phương Bắc quá khắc nghiệt hay nỗi nhớ nhà giày vò nàng? Triệu Vương xuống chiếu đồng ý để nàng về thăm quê, đồng thời bắt Trọng Thủy sang ở rể 3 năm, âu cũng tỏ vẻ hòa hiếu với An Dương Vương.
Trước khi đi, Trọng Thủy vùng vằng:
- Thế chưa hết 3 năm, con về thì sao?
- Nếu Thục Phán đồng ý, cho phép!
- Con nhổ vào cái phép tắc của ông ta!
- Thế thì chỉ có cách là sáp nhập Âu Lạc vào Nam Việt của ta mà thôi!
- Việc ấy thì Trọng Thủy này thừa sức làm!
- Chà, thế thì phúc lớn cho Nam Việt, cho nhà Triệu này rồi!
*
Lại nói về Âu Lạc và An Dương Vương. Từ ngày lập cột đá thề trên núi Nghĩa Lĩnh, Thục Phán An Dương Vương ra sức củng cố, xây dựng đất nước do các Vua Hùng giao lại. Ông đã tập hợp trăm họ chống lại cuộc xâm lăng của nhà Tần. Cuộc kháng chiến thắng lợi đưa Vương trở thành người cứu tinh, vị Anh hùng của dân tộc. Đất nước yên bình, muôn dân của hai bộ lạc Văn Lang và Tây Âu đều tôn sùng An Dương Vương. Nơi nào cũng có lời tấm tắc khen: Thật xứng đáng là dòng dõi Lạc Hồng, xứng là Vua cha trăm họ.
Nhà vua cho xây dựng thành ốc Cổ Loa có một không hai để phòng thủ đất nước. Nghe đâu, vua còn có nỏ thần kỳ diệu, bắn một phát ra hàng trăm mũi tên đồng, nhiều phen làm cho quân giặc kinh hồn bạt vía, An Dương Vương đã giữ yên bờ cõi.
Bây giờ, để tỏ lòng hòa hiếu, sứ giả Âu Lạc đã đến nước Tần. Nhà Tần lo chống đỡ với nhà Hán, không ngó đến phương Nam. Các nước Điền Việt, Dạ Lang... đều đã có thỏa ước. Chỉ có nhà Triệu thì nay đã thành thông gia, chung con chung của. Thật là một thời thái bình, thịnh trị.
An Dương Vương ra sức xây dựng đất nước. Theo thỏa ước, nhà Triệu nhận giúp đỡ Âu Lạc những kỹ nghệ hiện đại như: đúc đồng, đúc sắt, đóng thuyền chiến, rèn vũ khí... Về nghề nông, họ truyền dạy gieo trồng một số giống cho nhiều hạt. Về hành chính, họ cho người chỉ đạo, sắp xếp bộ máy quan lại.
Ngày đón con gái về thăm và đón cả đoàn tùy tùng của con rể đông đến hành trăm người, An Dương Vương mừng ra mặt. Phen này nước Âu Lạc chắc sẽ hùng cường, các nước lân bang phải nể phục (!).
Hiểu thấu ý đồ nham hiểm của nhà Triệu, quan Tùy giá Đinh Công Tuấn ra sức can ngăn An Dương Vương. Ông tâu với vua mối hiểm họa khôn lường khi Trọng Thủy ở lâu trong Loa Thành. Ông lo lắng khi hàng trăm người của Triệu Đà tỏa đến tận hang cùng, ngõ hẻm của các làng, chạ. Ông chưa kịp tấu bày ngọn ngành, An Dương Vương đã gạt phắt đi:
- Khanh lo gì? Trọng Thủy nay là con ta. Các tùy tùng của con ta là tay chân của ta! Họ sẽ giúp Âu Lạc ta hưng thịnh. Ta đã quyết rồi, khanh không cần bàn cãi nữa! Mà... mà... Khanh không muốn cho dân khang, vật thịnh, nước nhà thái bình hay sao?
Ông Tuấn khóc rống lên, ôm lấy đại thần Cao Lỗ mà rằng:
- Ông ở lại gắng giúp Vương gia... tôi xin về quê, tôi xin về quê! Tôi không nỡ ngồi đây mà trông cảnh nước mất, nhà tan…
Nói rồi ông xõa tóc, đi chân đất cùng người tâm phúc bỏ về quê Hậu Bổ trên đất Phong Châu xưa. Cao Lỗ nín lặng không biết nói gì.
Lại nói, nước Âu Lạc rộn lên như một công xưởng lớn. Nơi này đúc đồng, đúc sắt, nơi kia đóng thuyền, đóng xe. Các gia nhân nhà Triệu lặn lội đến kẻ Gốm để xem xét việc nung, có người mày mò đến kẻ Mỏ để đo đo đạc đạc. Có tùy tùng của Trọng Thủy còn ngồi tập dệt lụa mấy tháng ở kẻ Ó. Họ tròn mắt nhìn người Âu Lạc tết mây, đan thuyền, trám sơn...
Thục Phán An Dương Vương có ngờ đâu rằng: Hàng trăm kỹ nghệ của nước ta như đúc tên đồng, trống đồng, dệt giáp mây, trang trí đồ gốm, cách pha chế sơn quang dầu, sơn then... đã được người Nam Việt ghi chép lại. Hàng nghìn kho đạn chứa quân lương, vũ khí đã được đám tùy tùng nhà Triệu vẽ sơ đồ, giấu đi. Các đường đi lối lại trong nước và đặc biệt trong Loa Thành đã được Trọng Thủy thông tỏ.
Ngay chính chiếc nỏ thần của An Dương Vương nghe đâu cũng đã bị Trọng Thủy tráo chiếc nỏ giả vào. Thì ra tệ làm đồ giả, làm hàng giả giống y như thật đã có từ thời ấy!
Lại nói chàng rể Trọng Thủy, từ ngày sang Âu Lạc, cũng biết cưa sừng làm nghé: Một hai tôn kính cha vợ, đi lại đàng hoàng, trang trọng. Chẳng còn nguồn vui nào khác nên chàng ta cũng gắng gần gũi Mỵ Châu, chăm chút đến nàng. Mỵ Châu mơn mởn trở lại, nàng như hồi sinh giữa quê hương. Nàng hát, nàng vui vầy cùng các thôn nữ. Nhìn vào, ai cũng bảo nàng hạnh phúc lắm. Nhưng thật nham hiểm đến tột cùng và ngây thơ đến dại dột, ấy là chuyện chiếc áo lông ngỗng. Trước lúc Trọng Thủy trở về Nam Việt, nàng nghẹn ngào lưu luyến:
- Nếu có chuyện binh đao xảy ra thì thiếp có áo lông ngỗng mà chàng tặng đây! Thiếp sẽ bứt lông rải dọc đường, chàng theo đó mà tìm thiếp - một lối đánh dấu đường có một không hai trong lịch sử chiến tranh.
Thế rồi chuyện Loa Thành thất thủ, chuyện An Dương Vương đưa con gái chạy trốn. Rồi đến đất Cửu Chân, Thục Phán vung gươm chém đứt đầu công chúa...
Khi có chiến sự xảy ra mới thấy những sự giúp đỡ của nhà Triệu thật lố bịch. Những chiến thuyền nhỏ bằng nan tre, trám sơn lanh lẹ trong các đầm hồ, sông suối của ta đã bị loại bỏ. Thay vào đó là những chiến thuyền sắt nặng nề. Khi chiến đấu các thuyền kềnh càng ấy nằm chềnh ềnh ở các cửa sông, rất khó tác chiến. Rồi các xe ngựa kéo, các binh khí sắt do họ hướng dẫn đều không thể bằng các thớt voi chiến dũng mãnh của ta. Giáp sắt nặng nề mà họ trang bị kém xa giáp mây mà binh lính ta vẫn dùng. Giáp mây nhẹ, bền và dẻo. Đặc biệt, nó có thể làm phao cho quân ta vượt sông khi cần. Giáp sắt không thể nào làm như thế được.
Ngược lại, nhà Triệu ào ạt tiến đến đâu đã có người dẫn đường hoặc bản đồ vẽ sẵn. Họ vào Loa Thành nhanh như trở bàn tay.
Lại nói đến dân Thành Cổ Loa. Họ đau đớn mang xác công chúa Mỵ Châu về chôn cất và lập đền thờ nàng bên giếng Ngọc - nơi nàng thường cùng các thôn nữ chiều chiều ra tắm. Họ đón những viên ngọc trai do dân Cửu Chân mò được. Nghe nói ngọc đó là do những con trai hớp được máu của Mỵ Châu mà kết thành. Ngọc ấy đem về rửa ở giếng Ngọc thì trong sáng đến lạ thường: Vâng! Một phần tinh huyết nhỏ nhoi của con người ta được đằm mình trong làn nước mát của quê hương thì cũng đã thỏa nguyện. Phải chăng đó là hồn nàng được về, được tắm trong bầu trời, mảnh đất thương yêu của quê cha, đất mẹ? Quê ấy, hồn này hòa quyện, làm nên sự sáng trong. Và từ ấy, làng Cổ Loa xuất hiện một câu ca truyền trong dân gian. Câu ca ấy hát rằng:
“Ta về ta tắm áo ta
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.
Nghe đâu, mấy tháng sau khi tàn binh lửa, Trọng Thủy trở lại Loa Thành. Anh ta thẫn thờ trước cảnh tan hoang, hình như cũng day dứt lắm. Một trưa hè nóng bức, Trọng Thủy lần ra giếng Ngọc. Trời oi nồng đến lạ thường. Giếng nước trong vắt mời gọi. Trọng Thủy bức bối, giật phăng xiêm áo, vớ lấy gàu định kéo nước dội lên đầu cho thỏa. Nhưng với mãi, với mãi... mặt nước vẫn lung linh, thăm thẳm. Trọng Thủy nhao người, lao đầu rơi xuống giếng. Kỳ lạ thay, không ai thấy xác anh ta đâu cả…
Một số người lầm tưởng: Do lòng chung thủy, nhớ thương vợ mà anh ta tự tử (!).
Một con người lừa lọc, tráo trở, phản bội cả tình yêu thì không thể có nghĩa tao khang sâu nặng thế!
Bây giờ, những đêm trăng sáng, các bô lão làng Cổ Loa ngồi nhâm nhi chén rượu, luận bàn: Hàng xóm, lân bang phải đi lại giúp đỡ nhau. Nhưng muốn nhà mình giàu mà chẳng lo chỉ bảo con cái làm ăn, chỉ trông mong người ngoài thì thật là...
Họ nhấp chén rượu đắng, mắt nhìn xa xăm. Những bức tường thành hoang phế thẫm đen trước mặt.
Con gái làng tôi thì rúc rích cười rồi đấm nhau thùn thụp: “Kể ra công chúa cũng đáng thương thật, nhưng mà ai bảo thích lấy chồng ngoại để đến nông nỗi ấy”.
Tiếng ai đó hời hời ru con: “Ta về ta tắm ao ta...”. Họ ru lại câu ca dao có từ thời xa xưa ấy. Tiếng ru lay động lũy tre làng...
Làng Hạ - Mùa đông
Truyện ngắn của Đỗ Hàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét