Một trong những điều đã làm K.Marx vang lừng danh tiếng kéo được vô số trí thức tận tình ủng hộ đó là việc “khám phá” ra rằng con người cần phải có cơm ăn áo mặc nhà ở… trước khi nghĩ đến chính trị, tôn giáo, nghệ thuật. Chính vấn đề ăn mặc gọi bằng tên tổng quát là kinh tế nó chỉ huy thượng tầng kiến trúc văn hóa… Lịch sử loài người toàn là truyện tranh ăn nên thượng tầng văn hóa của nô lệ thường dân, nói khác là văn hóa của người bị trị, bị đàn áp do văn hóa của kẻ thống tri… Đại để đó là những nhận xét đã được Engels gọi là khám phá vĩ đại, chính nó đã gây ảnh hưởng quyết liệt trên hoàn cầu, thúc đẩy mọi người hướng trọn vào việc sản xuất đầy đủ những nhu yếu về ăn mặc… Chính vì thế ta thấy Việt cộng lúc nào cũng nói đến sản xuất. Đang đêm đột nhập Lâm Đồng cũng hỏi linh mục ở đấy bác có sản xuất chăng. Đủ biết hai chữ sản xuất đã ám chúng đến mức độ nào. Đó là hậu quả của một cuộc “khám phá” do Karl Marx.
Người Việt Nam đọc đến đây không khỏi bỡ ngỡ đặt câu hỏi tại sao một việc quá thông thường lại gây nên được hiệu lực lớn lao như kia. Có gì lạ đâu: bên ta dù em bé chăn trâu không đi học cũng thường nghêu ngao câu tục ngữ “có thực mới vực được đạo” tại sao câu nói của K.Marx xét về nội dung không khác lại được đề cao như một khám phá vĩ đại và đã gây ảnh hưởng lớn lao đến thế. Để thấy điều đó cần phải nhớ lại môi sinh văn hóa Tây Au là duy tâm nơi mà triết lý là một ý hệ tức xây trên những ý niệm trừu tượng xa thực tế như vấn đề ăn mặc, vì vậy sự nhận xét của K.Marx quả là một “khám phá mới lạ”, mới lạ với bầu khí duy tâm của Tây Au trước kia. Đấy là điểm một.
Điểm hai là hạ tầng kinh tế chỉ huy thượng tầng văn hóa cũng có thực nữa: vì xét tới cơ cấu mới thấy văn hóa Tây Au xây trọn vẹn trên lợi hành, trên sự đấu tranh giai cấp và văn hóa của chủ đã thắng văn hóa của nô, tức những nền triết lý chính thức được nhận vào chương trình học tập hàn lâm: Plato, Aristotle, Kant… toàn vô tình vào phe chuyên chế để đè bẹp tự do nhân phẩm con người (điều này mới nghe tưởng như trái ngược nhưng sự thực là thế, xin xem phân tích trong quyển Sứ Điệp Trống Đồng) vì vậy phải công nhận K.Marx đã nói rất đúng, nhưng chỉ đúng cho Tây Au và cũng chỉ có đến đấy, còn về phương pháp đề ra là duy vật sử quan, duy vật biện chứng với nền thống trị của vô sản chuyên chính cũng lại sai lầm trầm trọng như giải pháp duy tâm, để khỏi nói là gây tai họa bi thảm hơn nhiều: nghĩa là dân chúng vẫn khốn khổ vì miếng ăn, mặc dầu đảng và nhà nước đã giết hại hàng trăm triệu người để thiết lập đường lối mới nhằm tạo cơm áo cho mọi người. Hãy lấy thí dụ cụ thể về nước ta khi Việt cộng đã tiêu diệt cả triệu người để thiết lập triết lý lao động vinh quang mà toàn dân nước hiện đang đói như chưa từng khi nào có trong lịch sử, thì đúng là sự sai lầm của cộng sản rất trầm trọng.
Xưa kia nếu đói có thể đổ cho sự thiếu chăm nom của chính quyền. Ngược lại ngày nay chính quyền lo đêm lo ngày bắt dân làm việc không còn giờ nghỉ, vậy mà lại đói khổ hơn thì đủ biết sai lầm không nằm trong sự thiếu đường hướng mà nằm chính ngay trong đường hướng. Đấy là hậu qủa của triết lý một chiều duy vật. Việt cộng đổ cho đủ thứ: Mỹ, nguỵ, thiên tai… nhưng các nước cộng sản khác kể cả nước đầu xỏ là Nga cũng chỉ cao hơn Việt cộng, chứ so với các nước tự do thì mức sống còn thấp kém hơn rất nhiều.
Xin hỏi đâu là căn do của sự vụ trái ngược nọ: tức từ khi khám phá ra sự quan trọng của việc ăn uống và chú tâm tới thì dân lại đói dài? Thưa là tại triết lý. Xưa kia đói là do triết lý duy tâm không lo cho dân còn nay là duy vật lại chỉ lo có miếng ăn: bề ngoài chống nhau như nứơc với lửa, nhưng cả hai cùng nằm trong một bình diện, nên hậu quả nay với duy vật cũng vẫn đấu tranh giai cấp, còn mở rộng thêm ra khắp vũ hoàn, thì hậu quả tất nhiên vẫn là chủ nô, chỉ đổi có cái tên: chủ thành kẻ thống trị còn nô là người bị trị. Người bị trị tuy không còn bị gọi là nô nhưng tình cảnh bi đát hơn nhiều vì không những đói cơm đói gạo, mà còn đói tai mắt, đói chân tay, đói tình cảm, đói ý chí, đói sáng tạo v.v…
K.Marx không sống đủ dài để thấy hết sự sai lầm của mình nhưng đã có lúc mở tầm mắt xa hơn, để thấy rằng Á Châu không hẳn đúng với cái khuôn của mình đã đề ra là hạ tầng chỉ huy thượng tầng, nên đã đặt ra vấn đề phương thức sản xuất Á Châu, với ngầm ý là lịch sử loài người có thể đi lối khác với lối giai cấp đấu tranh mà có lẽ Á Châu là một thí dụ. Tuy nhiên K.Marx đặt ra vấn đề nhưng không tìm ra giải đáp nên sau bỏ qua. Có hai lý do bất lực. Một thuộc chủ quan là vấn đề tâm lý: nếu nhìn rõ ra được phương thức sản xuất Á Châu thì khám phá của K.Marx hết là “khám phá” mà chỉ còn là sự thực quá quen thuộc của Á Châu đã có từ nhiều ngàn năm lịch sử trước rồi, không để lại chi cho K.Marx khám phá nữa. Thứ đến sự thực nọ sẽ đánh đổ hệ thống tư tưởng duy vật sử quan, nghĩa là trong nhân loại có những nơi không theo duy vật cũng như duy tâm, thế mà tài sản lại được phân chia đồng đều hơn. Nếu vậy thì còn gì là chủ thuyết duy vật sử quan. Huống chi đối với cộng sản thì đảng tính phải vượt trên sử tính: nói cho dễ hiểu là khi nghiên cứu lịch sử, văn công phải chú ý uốn nắn sự kiện theo chỉ thị của đảng hơn là theo ánh sáng khách quan của sự kiện.
Về phần khách quan cũng không có gì trợ giúp cho cộng sản thấy được phương thức sản xuất Á Châu như thế nào. Trước hết vì cho tới nay chưa ai thấy nó ra sao: không nói chi đến các văn nô cộng sản bị trói buộc do đảng tính, thì chỉ có thể thấy một hai lối trung ương tập quyền ở một vài nơi rồi mở rộng đại ra cho cả Á Châu. Đấy là phía cộng sản, còn phía các học giả tự do cũng lờ mờ nốt, hầu như chẳng ai ít ra trong phạm vi triết thấy được cách sáng tỏ, thế mà có thể thấy được sự khác biệt giữa Á Au, mới đáp được câu hỏi đâu là nét đặc trưng của phương thức Á Châu.
Sau này thấy nền kinh tế Xô Viết vẫn không đủ khả năng nuôi dân, Staline trở lại vấn đề và cho rằng phương thức sản xuất Á Châu ở tại tập trung sản xuất theo kế hoạch và sự kiểm soát của chính quyền. Thế rồi đem áp dụng vào nông nghiệp của Nga: kết quả vẫn không đủ ăn và nhất là phẩm quá kém, thóc gạo thì mốc, khoai sắn thì thối mục. Có phải tại phương thức Á Châu đâu, đó chẳng qua là lối nhìn của cộng sản và một số học giả Tây Au. Hoặc là chữ Á Châu quá rộng nghĩa bao cả An Độ và Cận Đông. Nếu nói gọn vào Trung Quốc và nhất là Việt Nam thì phương thức đó trái ngược hẳn lại cái nhìn của Staline.
Vậy sau đây là tóm lược phương thức đó: như được hiện thực trong nước Việt cổ đại gọi là Văn Lang. Sở dĩ chúng tôi nói tới Văn Lang hơn là Trung Quốc là vì về vấn đề này Văn Lang chính truyền hơn, đang khi Trung Quốc phần nào đã bỉ bẻ quặt theo du mục bắc phương, nên giống Tây Au nhiều hơn.
Vậy phương thức sản xuất Á Châu trong nứơc Văn Lang ở tại bốn chữ tự do bình sản. Vì tự do nên không có chế độ nô lệ. Còn bình sản là ai cũng được tham dự tài sản quốc gia theo định chế định kỳ quân cấp lại ruộng đất. Vì vậy không có tư bản với vô sản. Nhưng đó mới là hai hậu quả bên ngoài, còn gốc rể của nó là chi? Chắc chắn không phải duy tâm sử quan, cũng không phải duy vật sử quan mà là một vũ trụ quan khác. Ta hãy đặt cho nó tên là tâm linh sử quan. Theo nghĩa thông thường “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” hoặc nói vắn tắt “có thực mới vực được đạo”: thực là ăn trở nên điều kiện tiên quyết để hiện thực đạo. Tuy vậy theo Việt nho thì đạo mới là phần chính, phần cốt cán của con người, phần làm nên con người. Còn tài sản, hay nói đơn sơ là vấn đề ở ăn tuy rất cần nhưng đó chỉ là điều kiện mặc dầu là điều kiện bất khả vô, nhưng mới là phần ngoài: phần chính bản tính con người phải là tâm linh.
Tâm là chính cốt đến nỗi thiếu nó con người không thể giải quyết vấn đề ăn mặc. Như được chứng tỏ trong thế giới duy vật cộng sản nay, cũng như thế giới duy tâm của Tây Au xưa, cả hai nơi chỉ chừng 20% dân là chủ, là có ăn, còn 80% là nô không có ăn, mà chỉ được nuôi sống như người ta duy trì những con vật để nó kéo cầy, chứ có được vươn lên đến những tầng cao đâu. Ta có thể cảm nghiệm ngay trong mình điều đó: chỉ khi hết bị dằn vặt về vấn đề sinh sống ta mới nghĩ đến được những vấn đề cao thượng thụôc văn hóa. Nhưng nếu nghĩ đến văn hóa đúng cách thì nó lại giúp rất nhiều vào việc mưu sinh. Nói vậy có nghĩa con người là một toàn thể không thể cắt lấy một phần mà lo cho được, không thể cắt rời việc ăn mặc ra khỏi vấn đề văn hóa tinh thần để lo cho chu đáo hơn, trái lại nó sẽ tệ hại hơn rất nhiều. Muôn cho con người có ăn thỉ phải lo đồng đều cả ăn mặc cả tinh thần, nói theo triết lý là lo cho cả ý, tình, chí. Chỉ lo một ý sẽ dẫn đến tai họa.
Xin mở dấu ngoặc để nói về trường hợp Mao Trạch Đông đã đựơc tiếng là có óc sáng tạo mà không mù quáng theo K.Marx. Vậy tất cả sự “sáng tạo” của Mao là biết tựa vào nông dân Á Châu mà theo K.Marx chỉ còn có một vai trò lịch sử là chết đi để làm phân bón cho cây cộng sản. Mao đã làm trái hẳn lại điều đó. Tuy nhiên Mao thành công không do cái nhìn của triết mà là hậu quả của lương tri: sau khi Mao đã theo lối hướn dẫn của Staline dựa trên thợ thuyền rồi thất bại tam tứ thứ mới quay về với nông dân. Vì vậy với sự quay về đó Mao đã không dọi được tia sáng nào vào vấn đề sản xuất Á Châu cả.
Biết đại để như thế rồi bây giờ ta hãy liếc nhìn cách Việt cộng tìm lối đáp cho vấn đề phương thức sản xuất Á Châu. Ta thấy chúng rất hăm hở về đề tài này, vì là đề tài đã được bàn tới rất nhiều trong thế giới cộng sản, và vẫn chưa tìm ra đáp số nên nếu Việt cộng tìm ra được lời đáp đúng thì lúc ấy chúng sẽ có một đóng góp ngoạn mục cho vấn đề nóng bỏng kia và lẽ ra chúng phải tìm ra được. Là vì phương thức đó đã hình hiện lên trong nước Văn Lang một cách chói chang, cũng như được bảo lưu qua bao thế hệ của Việt tộc cho tới tận đầu thế kỷ 20 này. Chỉ cần trút bỏ “đảng tính” tức trú bỏ thành kiến do Marx, Staline đã lèn vào đầu óc để xét lịch sử một cách khách quan sẽ thấy phương thức Á Châu, hay ít ra phương thức đó đã hiện thực ở Việt Nam ra sao.
Muốn biết đặc tính của một phương thức sản xuất thì cần xem dấu biểu lộ ra ngoài rõ hơn cả, đó là vấn đề có giai cấp hay không có giai cấp. Nếu có giai cấp thì tức là có kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Đó là liên hệ chủ nô. Hỏi rằng ở Việt Nam cổ đại là nước Văn Lang có nô lệ chăng, có giai cấp chăng? Đây là chỗ lúng túng của Việt cộng nên chưa đưa ra được câu đáp khoa học.
Để trả lời câu hỏi này, cần trước hết phải phân loại giai cấp, để tránh tình trạng tiền đề nói về một sự kiện, đến tiểu đề hay kết luận nhảy sang sự kiện khác dưới cùng một danh hiệu. Theo đó ta thấy có đến bốn loại giai cấp:
Giai cấp giàu nghè quý tiện
Giai cấp cai trị và dân gian
Giai cấp kẻ thống trị và người bị trị
Giai cấp chủ nô
Thứ đến phải định nghĩa thế nào là giai cấp mình muốn nói tới. Phải tránh hẳn lối nói khơi khơi thiếu định nghĩa, rồi sau thấy không ổn thì thêm đầy những chữ nhưng vô duyên vào để sửa lại. Thí dụ Văn Lang có giai cấp nhưng chưa sâu sắc! Thế nào là sâu sắc, cần quy định mới là nghiên cứu theo phương pháp khoa học.
Vì thế để chữ lại, chúng ta cần định nghĩa sơ qua thế nào là giai cấp. Theo mạch văn của cộng sản thì trên hết phải hiểu là giai cấp chủ nô, vì cộng sản là thuyết thoát thai từ thực thể Au Châu quê hương của giai cấp chủ nô. Vậy để có giai cấp chủ nô thì trước hết phải là một định chế nghĩa là có pháp luật theo đó nô lệ không có quyền tạo mãi tài sản, không có quyền là người nữa, vì bị coi như đồ vật, chủ có quyền đem bán hay huỷ hoại đi. Giả sử một nô lệ bỗng nhiên trở nên giàu có, hoặc tài giỏi như triết gia Epictete cũng vẫn không được là người tự do vì hàng rào pháp luật ngăn cản.
Thứ đến tỉ lệ nô lệ phải lớn, ít ra quá bán số dân vì đó là định chế nhà nước. La Hy xưa số nô lệ thường là 80% lên xuống tuỳ thời và nơi, nhưng rõ ràng là vượt quá bán.
Đem hai điều đó áp dụng cho Văn Lang đều không có, nơi đây chỉ có sự kiện nô lệ mà không có chế độ nô lệ. Vì không có chế độ nên số phận khá hơn rất nhiều, như được chủ tin dùng, cùng đi đánh giặc với chủ, nhiều khi còn được gả con và cất nhắc như An Tiêm là một mẫu đề. Vì vậy nên gọi là nô tỳ hay tên gì khác và tổng số tất quá vài ba phần trăm dân số.
Còn giai cấp giàu nghèo chỉ là giai cấp thông thường, không là định chế và không bao giờ hay ở đâu tránh được, nó gắn liền với con người vốn khác nhau về may rủi và tài cán, nên dù ở xã hội nguyên thuỷ cũng có giàu nghèo nếu không giữa cá nhân thì giữa các thị tộc bộ lạc, rồi nữa nếu có bao giờ cộng sản thực hiện nổi xã hội không giai cấp đi nữa thì vẫn cứ có nguời nghèo kẻ giàu, chưa nói trong dân chúng mà nói ngay giữa cán bộ với nhau. Vậy giai cấp giàu nghèo không là một phạm trù khoa học, không nên đem ra dùng khơi khơi được. Tư bản thì khác vì nó nằm trong xã hội Au Tây căn cứ trên giai cấp chủ nô mất rồi, nên có thể dùng như phạm trù định tính. Còn giàu nghèo bên ta không thuộc loại đó.
Về giai cấp thống trị cũng không có bên ta. Để đáng tên là giai cấp thống trị không những phải có toàn quyền mà còn có tôn giáo và văn hóa riêng cho giai cấp đó được dùng để đè bẹp văn hóa đại chúng. Bên ta trái lại chỉ có một nềnv ăn hóa duy nhất của toàn dân, do dân sáng tác và duy trì, đó là những tục ngữ, ca dao, những truyện kể: vua tôi cũng ca múa như nhau, cũng thờ gia tiên, quốc tổ như nhau. văn chương bác học cũng múc chất liệu từ nguồn suối chung đó, nên vẫn bám sát đời sống đại chúng, không làm gì có văn hóa riêng cho giai cấp thống trị, vì không có giai cấp thống trị, mà chỉ có giai cấp cai trị, là điều cũng tự nhiên: hễ đã có tổ hợp là phải có nhà cai trị tức phải có người ứng tác, điều hợp, ra mệnh lệnh… Vậy với xã hội Văn Lang thì đó là Lạc Hùng, Lạc Tướng. Không thể gọi Lạc Hùng Lạc Tướng là thống trị, vì họ rất gần dân, họ giống với quan lang trên Mường khi uống rượu thì lang phải đối đãi dân tử tế, khi dân cần vay mượn thì phải cho dân vay, y như khi lang túng thiếu phải vay dân vậy. Lang Liêu là con Hùng Vương cũng túng nghèo như ai, nếu thật thống trị đâu có thế. Tất nhiên không thiếu lạm dụng nhưng đó vừa là trường hợp ngoại lệ, vừa đến một chừng mực nào thôi.
Chỉ có một điểm kèm ngày nay là cha truyền con nối, nhưng đời bấy giờ chưa tiến bổ đủ, hoặc vì người xưa muốn tránh việc cướp chính quyền gây xáo trộn đời sống. Tóm lại không có giai cấp nên không có việc dân oán hờn nhà cai trị, chứng cớ là trải qua nhiều ngàn năm Hùng Vương vẫn được tôn thờ; mới lên sổ sơ sơ đã có tới hơn bốn trăm đền điện ghi nhớ Hùng Vương, vợ con tướng tá. Những nhà nghiên cứu cộng sản coi bộ như quên mất chữ cai trị, chỗ nào cũng thấy viết thống trị, cả đến chũ phục trong câu “Hùng Vương dĩ huyền thuật phục chư bộ lạc” cũng phải thêm tiếng thống phục vào mới yên mà lẽ ra phải dịch chữ thần phục mới đúng với mạch văn.
Sở dĩ nhiều người (1) muốn Văn Lang có giai cấp là vì họ đã dính chặt mắt vào bộ tiền đề của K.Marx, Engels cho rằng mâu thuẫn giai cấp là điều kiện thiết yếu để cho nhà nước xuất hiện. Nhưng ai cũng thấy đó chỉ là sự kiện của Tây Au, cùng lắm thì là luật tắc của những nước miền Lưỡng Hà chứ không phải là luật phổ quát tức nhiều nơi không cần giai cấp mà bộ tộc cũng có thể bước lên nhà nước đựơc vì còn nhiều công tác khác thí dụ những việc công như đê điều, chống xâm lăng, xử kiện, đều đòi chính quyền trung ương mạnh.
(1) Nói nhiều người vì cũng có những học giả chủ trương Văn Lang không có nô lệ. Tuy nhiên vì khả năng luận lý và tinh thần chính xác khoa học không đủ sắc bén nên không đưa ra được lý chứng mạnh mẽ để thuyết phục đối phương. Tuy về các phương diện nghiên cứu khác thì lề lối khoa học đựơc thi hành một cách nghiêm chỉnh, nhưng về mặt suy luận thì tất cả còn ở đợt ý kiến, vài người mấp mí đợt tư tưởng còn vươn tới đợt triết gia thì tuyệt nhiên chưa thấy bóng dáng.
Theo những điều trên đây thì phải kết luận thế này là phương thức sản xuất Á Châu ở tại bình sản và tự do. Bình sản là ruộng để làm của chung làng xã rồi cứ định kỳ quân cấp cho dân, như vậy là xã hội không lấy tư sản làm căn bản, càng không tuyệt đối hóa quyền tư hữu. Nếu có ít chút tư điền thì đó chỉ là sự lạm dụng, sự áp đặt do phong kiến về sau, không phải là nền tảng lúc đầu và cũng không lấn át nổi chế độ bình sản: tức ruộng đất chung bên ta vẫn chiếm phần đa số ít ra tới thế kỷ 19.
Do đấy không có chủ nô vì ai cũng tự do, ai cũng có tài sản cũng như có quyền ăn nói: hễ đến tuổi thì được vào hội đồng kỳ mục.
Vậy nếu cần một ngữ thuật chỉ thị tìn trạng đặc trưng nọ thì đó là tâm linh sử quan bao gồm cả trời và đất mà nho đã công thức hóa thành câu: “thiên địa vị yên vạn vật dục yên”. Trời đất đặt cho đúng vị trí thì vạn vật sẽ được nuôi dưỡng. Điều đó Việt nho đã đặt đúng theo thuyết tam tài thiên, địa, nhân, cả ba đều là vua, người cũng là vua.
Vua thực sự có địa vị. Địa vị đó rất cao cả tức đứng giữa trời cùng đất, nên có quyền thực sự: quyền trên vận hệ mình, trên thân xác mình cũng như tâm tình ý chí của mình, không ai được xâm phạm tới. Khác với duy tâm nghĩ về con người như một thứ hồn ma bay lâng lâng trên không khí không cần phải nghĩ đến ăn uống, như vậy người đâu có vị yên, đất cũng không có vị yên. Lại cũng khác với duy vật chỉ nghĩ đến có miếng ăn, còn bao nhiêu tình cảm tâm linh bỏ hết như vậy đâu người có vị yên, trời cũng đâu có vị yên, làm sao vạn vật dục yên cho được.
Chỉ có vị yên là khi nói đến con người như một vua trong ba vua. Đã là vua phải có chủ quyền nào đó về tài sản. Nó là bứơc đầu bảo đảm cho bước sau như tự do, nhân phẩm, cũng như các động ứng phát huy các đức tính làm nên con người toàn vẹn. Con người toàn vẹn phải có cả quyền phát triển mọi khả năng của mình thí dụ đức tính tiên liệu sao cho miếng đất mình cấy cầy kết quả tốt đẹp. Nội một việc tiên liệu đó đòi óc sáng kiến, điều động, dự trữ dài hạn ngắn hạn, chứ không như người trong công xã chỉ là một nô lệ bảo làm gì biết làm việc ấy lúc ấy, mà không còn biết gì đến ngày mại, hay toàn thể vấn đề ra sao. Làm thế nào cho ruộng tốt, cấy giống lúa nào, thời gian nào, tích trữ ra sao cho khỏi mối mọt… Cả ngàn đều phải tự liệu… Chính những lo liệu ấy làm nên những bứơc chân đi trên con đường kiện toàn nhân tính.
Đó là những điểm then chốt mà sự chối bỏ chỉ gây tai họa. Các nứơc cộng sản đàn anh đã mở mắt dần. Khrushchev đã phải bãi bỏ luật cưỡng ép bán nông sản cho nhà nước; các nước Đông Au đã phế bỏ hầu trọn lối canh tác cộng đồng. Trung cộng cũng phải bỏ dần các công xã. Đó là những bước đi lần về với phương thức sản xuất Á Châu. Tuy nhiên đó chỉ là từng mảng phụ bên ngoài do kinh nghiệm đau thương bó buộc phải sửa đổi, nên chưa đạt hậu quả tốt đẹp. Muốn đạt sự tốt đẹp thì phải đổi triết lý: từ duy vật sử quan đổi ra tâm linh sử quan, phải coi trọng con người, mỗi con người với những nhu yếu thâm sâu của nó mà nhu yếu đầu tiên là ẩm thực nhưng nhu yếu cuối cùng lại là ăn lời tâm linh. Có vậy mới mong lâu dài.
Tác giả Kim Định
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét