ĐỒ TRANG SỨC NHẠC ĐÔNG SƠN
Tuyết Minh
Ta thường biết đến nền văn minh rực rỡ thời Đông Sơn qua những chiếc trống đồng. Nhưng người ta còn thấy được nhiều nét tinh hoa đặc sắc của nền văn hóa này khi khai quật được những đồ trang sức của nền văn hóa Đông Sơn cách đây 2500 năm.
Khi khai quật mộ táng thời Đông Sơn, các nhà khảo cổ đã tìm được rất nhiều đồ trang sức, những hình tượng nghệ thuật được trạm khắc trên các đồ vật bằng đồng này đã chứng minh nền văn minh rực rỡ của thời Đông Sơn lúc bấy giờ. Đây cũng chính là những chỉ dẫn vô cùng quý giá cho việc phục dựng trang sức thời đại của các Vua Hùng
Vào thời này, đồ trang sức không chỉ dành riêng cho phụ nữ. trong lịch sử trang sức, phái đẹp đầu tiên thuộc về đàn ông: đó là những trang sức cho các thủ lĩnh bộ lạc, những chiến binh, những thợ săn và những người thày cúng Shaman (thày phù thủy). Phụ nữ có đồ trang sức chỉ thuộc xã hội mẫu hệ mới được dùng đồ trang sức. Người phụ nữ được trang điểm và trở thành phái đẹp chỉ xuất hiện ở thời đại đồ sắt, thời kỳ tiền Nhà nước (tức vào khoảng thiên niên kỷ thứ III trước Công nguyên), khi họ bị trở thành đối tượng bị cướp bóc làm nô lệ và là một loại "sản phẩm cao cấp" đáp ứng nhu cầu của quý tộc và tướng lĩnh.
Những bức tượng trên cán dao găm Đông Sơn cho thấy cả nam và nữ thời ấy đều mang những đồ trang sức đẹp. Họ đeo vòng ở tai, chân và tay. Tuy nhiên, để có thể phân biệt vòng của nam thường ít về số lượng nhưng lại lớn hơn về kích thước so với vòng của phụ nữ. Phụ nữ thường dùng rất nhiều vòng, đặc biệt ở cổ tay, trong khi nam giới hay đeo vòng lớn ở cánh tay. Riêng vòng cổ được làm bằng những chuỗi đá quý hoặc thủy tinh nhiều màu, thường thấy trên cổ các tượng nữ. Những vành đồng trên vương miện và đai thắt lưng đồng hình thú thường là vật trang sức của thủ lĩnh và quý tộc. Đặc biệt, những đồ trang sức bằng đồng thau có nhạc treo phát ra những âm thanh kim loại là của những thủ lĩnh hoặc quý tộc cao cấp Đông Sơn.
Nhạc chuông đồng là một sản phẩm xuất hiện vào thời kỳ Văn hóa Đông Sơn cách đây khoảng 2500 năm. Nghĩa là nó xuất hiện cùng thời với những nhạc khí dạng chuông - khánh thuộc văn minh Thượng Chu (Trung Quốc), chuông lớn của Nhật Bản thời Yayoi, Kofu, trong phạm vi phân bố của cư dân Bách Việt (Cư dân Bách Việt khác Văn mính Hoa Hạ, tức khác với văn minh của người Trung Quốc cổ đại sống ở vùng sông Hoàng Hà - những người đã lập ra nhà nước cổ đại Thượng Chu.Cư dân Bách Việt phân bố từ Nam sông Dương Tử (tức sông trường Giang - Trung Quốc) đến khoảng đèo ngang của Việt Nam).
Vào thời kỳ này, khi tiến hành những lễ hội lớn, cư dân Đông Sơn thường mang đến những dàn trống và chuông của mình. Bên cạnh đó, họ còn sáng tạo các loại nhạc khí khác như các chuông nhỏ nhằm tạo ra những nhịp ngắn, nhỏ trong buổi lễ nhạc, mà về cấu trúc nó có nguồn gốc từ cái mõ gỗ được gắn trên cổ trâu vẫn còn tồn tại ở các vùng núi Việt Nam ngày nay. Hình chiếc mõ trâu và hình người múa có cầm chuông tay cũng được trạm khắc trên trông đồng Đông Sơn .
Trên nền tảng của bộ nhạc khí nhỏ dạng chuông, cư dân Đông Sơn đã sáng tạo ra bộ trang sức có gắn nhạc chuông nhằm tăng thêm vẻ quyền uy và quý phái của người sử dụng. Những nhạc đồng tìm thấy trong đồ trang sức thời Đông Sơn đều mang kích thước nhỏ nhắn. Phần thân trông giống như hai chiếc móng tay lớn úp vào nhau, hai rìa bên đều có rãnh hở, bên trong có hoặc không có quả lắc. Phần chuôi thường là một vòng khuyên được đúc sẵn vào quai treo gắn trên hiện vật. Đa số nhạc chuông được làm đơn giản, không trang trí. Tiếng kêu phát ra từ nhạc chuông có thể là do cấu trúc vỏ đồng dạng ống hoặc do quả lắc bên trong va vào vỏ đồng.
Nhạc chuông thường được gắn trên các vòng ốp chân, tay bằng đồng, trên tấm đồng trang trí trước ngực (hộ tâm phiến), trên đầu chỏm nghi trượng hay đầu bao kiếm, trên những thắt lưng đồng tượng thú, trên vành các thố đựng rượu. Nhạc chuông sẽ phát ra tiếng kêu kim loại lanh canh theo nhịp bước hoặc cử động của chủ nhân. Trước đây, khi đào được những vòng ốp tay, chân trong mộ táng Đông Sơn ở Làng Vạc, nhiều nhà khảo cổ học cho rằng chúng là nhạc khí của những vũ công hoặc thày cúng chuyên nghiệp. Ngày nay, với sự phát hiện lọại hình trang trí này phổ biến trên nhiều bộ phận khác nhau của đồ đồng Đông Sơn, người ta cho rằng chúng là một loại hình nghệ thuật trang sức của quý tộc và thủ lĩnh.
Kiểu trang phục và trang sức có gắn chuông, nhạc sau này xuất hiện nhiều nơi trên thế giới. Hiện nay, một nhóm cư dân miền núi Việt nam như: H’Mông, Dao, Hà Nhì...vẫn gắn rất nhiều chiếc chuông nhỏ trên trang phục của phụ nữ và thầy cúng. Nền văn hóa có sức sống thật bền bỉ, nó cho ta thấy cùng một kiểu trang sức như vậy nhữmh nó đã xuất hiện và tồn tại từ nhiều thiên niên kỷ nay. Nó chứng minh sự sáng tạo của dòng giống Con Rồng - Cháu Tiên của thời Văn minh Đông Sơn thuở trước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét