Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Hát Xoan là dấu ấn thời Hùng Vương


Hát Xoan là dấu ấn thời Hùng Vương


QĐND - Sau một thời gian khá dài bị “sao nhãng” vì nhiều lý do, ngày nay nghệ thuật hát Xoan đang được tôn vinh xứng đáng. Thực ra từ sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc (năm 1954), một số cán bộ ở Ty Văn hóa Phú Thọ và sau đó là Ty Văn hóa tỉnh Vĩnh Phúc, đã lưu tâm tìm hiểu, sưu tầm nghệ thuật hát Xoan như các ông: Cao Khắc Thùy, Nguyễn Kính Mời, Hùng Khanh, Phạm Khương, Tú Ngọc, Đào Đăng Hoàn v.v..
Một buổi tập ở CLB hát Xoan TP Việt Trì. Ảnh: Văn Hiến

Năm 1971, chúng tôi cùng nhiều đồng nghiệp như: Dương Huy Thiện, Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Lộc... đã bước đầu tìm hiểu về bài bản ngót hai nghìn câu hát Xoan; về tổ chức phường hội, phạm vi hoạt động và hình thức trình diễn của hát Xoan. Năm 1979, hai ông Nguyễn Khắc Xương và Dương Huy Thiện xuất bản cuốn “Hát Xoan và hát Ghẹo Vĩnh Phú”. Từ ngày đó chúng tôi đã đặt vấn đề “Hát Xoan có từ thời Hùng Vương”, vì có truyền thuyết dân gian nói rằng, công chúa Nguyệt Cư con Vua Hùng thứ 17 thuở sơ sinh chỉ thích nghe hát Xoan, không được nghe thì khóc. Lại còn nói bà mẹ đau đẻ, phải gọi phường Xoan hát cho nghe quên đau. Nhiều câu hát Xoan lưu truyền đến nay còn có bóng dáng của thời vừa hái lượm vừa sản xuất: Cày cấy ban trưa, mà thả trâu bò / Hái củi ban trưa, mà bỏ quên rìu... Hoặc: Đôi ta bắt cá dưới trăng / Cá thời chẳng được tung tăng bắt đào... Đồng thời có yếu tố phồn thực trong tín ngưỡng ở vài nơi phường Xoan đến phục vụ, như làm hèm Nõ Nường trước khi vào cuộc hát Xoan...
Theo đó, tên chính thức của điệu múa hát này là hát Xuân, vì nó chỉ biểu diễn trong mùa xuân ở các hội làng. Đến thế kỷ XIII do phải kiêng tên bà Lê Thị Lan Xuân nên hát Xuân phải gọi chệch đi là hát Xoan. Bà là cháu 5 đời Vua Lê Đại Hành, cha làm quản lĩnh châu Chân Đăng, phủ đệ ở làng Hương Nộn (nay thuộc huyện Tam Nông -Phú Thọ). Bà được tuyển làm vợ thứ 4 của Vua Lý Thần Tông. Nhà vua mất, bà về quê dựng chùa Diên Linh Phúc Thánh trên núi Ngọc Phác tu hành. Bà rất yêu thích hát Xoan đã cho đổi tên làng Hương Nộn là Kẻ Xoan và có công lớn với phường Xoan, nên trước khi vào mùa đi hát cửa đình, các phường Xoan đều cúng bái bà. Tục ấy còn đến ngày nay.
Trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, ở Phú Thọ có 4 phường Xoan là: Phù Đức, Thét, Kim Đơi và An Thái, nay đều thuộc thành phố Việt Trì. Các phường Xoan này phục vụ từ mồng 5, mồng 6 tháng Giêng ở 16 cửa đình, đến mồng 10 tháng 3 thì về Đền Hùng hát hầu Vua. Mỗi phường Xoan có một ông trùm quản lý 6 kép và 12 đào, nữ khoảng 16-17 tuổi, nam khoảng 18-20 tuổi. Sở dĩ kép ít hơn đào là vì còn trưng dụng nam thanh niên của làng sở tại vào những vai phụ cho vui vẻ.
Theo chúng tôi, chương trình Xoan biểu diễn ở làng Đức Bác là đầy đủ và hay nhất, vì ngoài 3 đêm diễn ra còn có một buổi chiều đón phường Xoan Phù Đức qua đò sông Lô, dẫn nhau về đình nữa. Điều này đã được giới thiệu trong sách “Văn hiến làng xã vùng Đất Tổ Hùng Vương” do Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu và Văn hóa Việt Nam xuất bản 1999. Hiện nay, dù hát Xoan đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, nhưng vẫn phải tiếp tục chỉnh sửa củng cố cho hoàn thiện, vì rằng hiện đang có nhiều sai lệch. Chẳng hạn: Việc đưa các bà già và em nhỏ lên sân khấu trình diễn là trái với bản chất của hát Xoan vốn là hát giao duyên của lứa tuổi trẻ trong mùa xuân, mà từ xưa đã có quy định nữ 16-17 tuổi, nam 19-20 tuổi. Hoặc như hát Xoan chỉ tồn tại ở 4 phường chuyên nghiệp kể trên, nay “nhân” sang các làng khác theo kiểu “phong trào hát Xoan” là làm mất tính đơn nhất truyền thống. Hát Xoan là một chương trình tổng hợp giữa hát và múa, giữa giao duyên nam nữ và ma thuật tín ngưỡng của người Việt cổ, môi trường trình diễn là cửa đình đều trên một cái nền là hội làng, chỉ trong mùa xuân. Tách khỏi các điều kiện đó là lạc lõng khó mà hiệu quả. Cần lưu ý rằng việc các nhạc sĩ, kịch sĩ khi khai thác chất liệu Xoan để làm bài hát, tiết mục sân khấu... lại là chuyện khác.
Ngày nay chúng ta coi trọng việc phục hồi và bảo vệ di sản cổ truyền. Do vậy, phải tìm về cội nguồn, cố gắng dựng lại bức chân dung của hát Xoan chí ít là ở đầu thế kỷ XX mà nay còn lưu giữ được bằng nhiều hình thức, chứ không thể lấy hình tượng đã được “văn công hóa” trong vài chục năm nay. Chúng tôi nghĩ, hai tiêu chí lứa tuổi và trang phục là đặc trưng nhất về hình thức của phường Xoan. Theo đó, trang phục nữ với áo dài tứ thân màu nâu tươi, thắt lưng ngoài áo màu tím hoa cà, váy đen, vấn khăn điều bỏ đuôi gà là điển hình về y phục cổ dân tộc. Nam giới thì mặc quần nâu chít khăn thủ rìu mới đúng với trang phục thời xưa ở vùng Đất Tổ. Nội dung nghệ thuật của hát Xoan có bản sắc dân tộc, có trình độ nghệ thuật dân gian điêu luyện, có kết cấu tiết mục đa dạng, có tính độc đáo riêng biệt không thể lẫn với bất cứ sản phẩm văn hóa của một nơi nào khác. Lời giới thiệu hát Xoan cũng cần phải tường minh, làm cho đồng bào trong nước và nhân dân thế giới thấy được hát Xoan đã tồn tại hơn 2000 năm lịch sử, gắn với cái nôi dựng nước của các Vua Hùng.
Mặc dầu diễn xướng của phường Xoan rất chuyên nghiệp, đẳng cấp, nhưng trong quan hệ lại thể hiện tính cộng đồng đơn giản. Nơi trình diễn chỉ là cửa đình không trang trí, đãi ngộ tùy tâm. Ngoài cơm nước làng sở tại tiếp đãi ra, bà con ai có lòng thì đem đến biếu đoàn ống ngô ống thóc, cũng là để cầu lộc cầu may, chứ phường không hề đòi hỏi gì cả. Thành quả cả đợt đi hát được bao nhiêu thì đem chia đều, ông trùm cũng một suất như đào kép, rất vui vẻ. Có thể nói, hát Xoan là dấu ấn lối sống cộng đồng của tổ tiên ta từ thuở Hùng Vương.
Vũ Kim Biên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét