Chủ Nhật, 12 tháng 8, 2012

Tập tục cưới hỏi thời Vua Hùng


Tập tục cưới hỏi thời Vua Hùng


- Sách Lĩnh Nam chích quái mô tả những nét chính của phong tục hôn nhân thời Hùng Vương như sau: “Khi chưa có trầu cau, việc hôn thú giữa nam và nữ thì trước lấy gói muối (hay nắm đất) làm đầu, sau đó mới giết trâu, giết dê để làm đồ lễ, lấy cơm nếp để nhập phòng cùng ăn, sau đó mới thành thân”. 


Qua truyền thuyết, chúng ta có thể thấy được phần nào phong tục hôn nhân thời Hùng Vương được cô đọng lại trong hình tượng đám cưới của Sơn Tinh và Ngọc Hoa. Một số làng xã trên địa bàn gốc của các vua Hùng, trong các ngày hội làng cũng có nhắc lại những sự tích phản ánh về phong tục hôn nhân thời kỳ dựng nước. 

Các nghi thức và tiết lễ 

Nghi thức và lễ tiết hôn nhân đã phát triển đến một mức độ đáng kể, hình thành nên một số phong tục có ý nghĩa sâu sắc. Trước hết là tục thách cưới, rồi đến lễ dạm với các vật phẩm. Khi tổ chức hôn lễ, nghi thức này thường kèm theo các trò vui, mọi người lấy bùn đất, hoa quả ném vào chàng rể như một sự cầu chúc những điều tốt đẹp của cộng đồng cho đôi vợ chồng mới. Tục ăn cơm chung cũng là một nghi thức quan trọng đánh dấu việc đôi nam nữ chính thức là vợ chồng.




Đó là một vài nét cơ bản nhất về phong tục hôn nhân thời Hùng Vương mà chúng ta biết được qua các truyền thuyết, qua những tục lệ còn tồn tại đến ngày nay. Điều đó chứng tỏ phong tục hôn nhân thời Hùng Vương là một nét riêng khác biệt so với phong tục của những tộc người ở phía bắc nước Văn Lang; nó cũng là điều độc đáo mang đậm bản sắc mà tổ tiên chúng ta đã tạo dựng trong đời sống văn hóa của mình.

Trong phong tục hôn lễ thời Hùng Vương, xuất phát từ đặc trưng của nền văn hóa mà các nghi thức, lễ tiết có những nét rất độc đáo, đặc biệt là những biểu trưng cầu chúc cho quan hệ vợ chồng mãi mãi vững bền, hạnh phúc. Điều này được thể hiện qua một số tục lệ. 

Lễ dạm: Trước hết là lễ dạm, trong lễ này, vật phẩm không thể thiếu là gói muối hoặc nắm đất. Nắm đất vừa là vật tượng trưng cho quê hương, nguồn cội, là lời nguyền gắn bó với đất đai, làng xóm, vừa là hương liệu (đất hun). Còn gói muối là lời chúc cho tình nghĩa của đôi trai gái mặn mà, đằm thắm, thuỷ chung; muối còn là gia vị cần thiết cho đời sống con người.

Lễ rước dâu: Trong nghi thức rước dâu có tục ném bùn đất, hoa quả vào chú rể. Có lẽ tục này có ý nghĩa thử thách và cầu mong chú rể gặp may mắn, gặt hái thành quả cao trong lao động để tạo dựng đời sống gia đình tốt đẹp, hạnh phúc. 

Ngày hội làng ở các xã Vân Luông (huyện Phù Ninh) và Chu Hóa (huyện Lâm Thao) của tỉnh Phú Thọ có diễn lại tích Sơn Tinh rước Ngọc Hoa về núi Tản, người ta ném đất đá vào người đóng vai Sơn Tinh. Ở nhiều đám cưới của người Mường thời cận đại vẫn giữ nguyên phong tục cổ truyền này, ném bùn đất, hoa quả vào chàng rể.

Lễ thành thân: Khi làm lễ thành thân còn có tục cô dâu, chú rể ăn chung với nhau một đĩa cơm nếp, uống chung một chén rượu. Ý nghĩa của tục này cũng là cầu chúc cho hai vợ chồng luôn gắn bó với nhau, dính nhau như dính cơm nếp và say mê nhau như say rượu. Tục ăn cơm nếp trong ngày cưới hiện còn thấy ở đám cưới người Mường và một số dân tộc thuộc khu vực Tây Nguyên.

Đây là ý nghĩa của ba tục lệ chính trong hôn lễ thời Hùng Vương, nó phản ánh tư tưởng, tình cảm của người Việt được biểu hiện rất sinh động, hàm ý sâu sắc trên tinh thần cộng đồng keo sơn, gắn bó.

Các đặc điểm của hôn nhân thời Hùng Vương 

Một trong những nét đặc trưng cơ bản của xã hội Việt Nam là tính cộng đồng, mọi việc liên quan đến cá nhân cũng đồng thời liên quan đến cộng đồng, kể cả hôn nhân là lĩnh vực riêng tư nhất. Hôn nhân của người Việt theo truyền thống không đơn thuần là việc hai người lấy nhau, mà là việc của cả cha mẹ, họ hàng hai bên, nó xuất phát từ quyền lợi của cộng đồng trên nền tảng văn hóa và mang những đặc điểm riêng:

- Hôn nhân một vợ, một chồng (Sơn Tinh chỉ lấy Ngọc Hoa, Ngọc Hoa chỉ lấy Sơn Tinh; cô gái họ Lưu trong truyện Trầu Cau chỉ lấy người anh trong cặp anh em Tân và Lang…); trai gái gắn bó với nhau một cách ổn định, lâu dài. 

- Có tục thách cưới, phản ánh thân phận và giá trị của người phụ nữ (vua Hùng thứ 18 đặt điều kiện lễ vật khi Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đến xin cưới Ngọc Hoa).

- Đồng nhất lễ hỏi và lễ cưới (nghi thức này còn tồn tại ở nhiều vùng nông thôn người Việt trong những thế kỷ trước; ngoài ra ta còn thấy ở nhiều đám cưới của đồng bào Mường và một số dân tộc Tây Nguyên thời cận đại).

- Có sự phân biệt giàu sang, nghèo khó (vua Hùng thứ 18 không chấp nhận việc Tiên Dung lấy chàng đánh cá nghèo Chử Đồng Tử).

- Hình thức hôn nhân của chế độ phụ hệ nảy sinh với tục cô gái về nhà chồng (phản ánh qua truyền thuyết Sơn Tinh - Ngọc Hoa, Trầu Cau,…).

- Có tục phụ nữ đi lấy chồng rồi quay lại nhà bố mẹ đẻ ở một thời gian cho đến khi sinh con đầu lòng (Ngọc Hoa lấy Sơn Tinh, một thời gian sau đã quay về nhà mình. Theo các sách sử, Trưng Trắc và Thi Sách sau khi lấy nhau vẫn ở riêng tại đất của mình). Nhiều làng quê ở đồng bằng và trung du phía bắc cho đến cách mạng tháng 8/1945 vẫn còn giữ tục lệ này, như làng Nội Duệ ở Tiên Sơn (Bắc Ninh).

- Trong các cuộc hôn nhân, người phụ nữ có một vai trò khá chủ động, đây chính là một biểu hiện tàn dư vai trò của phụ nữ trong phong tục hôn nhân thời kỳ chế độ mẫu hệ (Tiên Dung chủ động lấy Chử Đồng Tử, cô gái họ Lưu trong truyện Trầu Cau chủ động thử thách và chọn lấy người anh…).

- Hôn nhân một vợ, một chồng đã hình thành các gia đình cá thể, mỗi gia đình gồm hai thế hệ: cha, mẹ và con cái. Sự phát triển của sức sản xuất và công cụ lao động với hiệu suất cao đã biến những gia đình cá thể thành các đơn vị kinh tế độc lập.

Phong tục hôn nhân thời Hùng Vương đánh dấu những nghi thức của xã hội phát triển trong giai đoạn mới nhưng vẫn tồn tại nhiều tàn dư của phong tục hôn nhân thời mẫu quyền. Trong gia đình, địa vị và quyền lợi của người phụ nữ được tôn trọng và về nhiều mặt còn bình đẳng với đàn ông. Điều này được phản ánh trong những truyền thuyết, tín ngưỡng và nhất là biểu hiện một cách sinh động qua hình tượng người phụ nữ trong nghệ thuật tạo hình của văn hóa Đông Sơn.

Trên đây là những đặc điểm chính của hôn nhân thời Hùng Vương. Tất cả thể hiện một bản sắc riêng, một phong cách dân tộc độc đáo được bảo lưu, kế thừa lâu dài trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.

Lê Thái Dũng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét